Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 338: Nhìn lên Tây Bắc



Hơn hai mươi năm về trước, Đỗ Thục cai quản ba quân trong vùng, đóng quân ven làng Bảo Đà nên gọi là đồn Bảo Đà. Dòng sông Đỗ Động vắt ngang, chia tả ngạn và hữu ngạn, trong đó đồn Bảo Đà nằm bên bờ tả ngạn. Sau khi xưng danh, Đỗ Cảnh công Đỗ Thục biến Bảo Đà thành một đồn lớn, thường có đến ba nghìn quân tinh nhuệ trấn giữ. Sứ quân ở Đông Phù Liệt và La thành từng đôi ba lần tiến đánh đồn Bảo Đà song đều chưa phá được.

Đỗ Thục đã cho xây nhiều đồn luỹ lớn nhỏ từ sông Đỗ Động đến sông Tích Lịch. Cách đồn Bảo Đà khoảng 40 dặm về hướng Đông Bắc xưa kia có trại Quyền, một trại quân nhỏ do bộ tướng của Đỗ Thục là Trần Quyền cai quản.

Ngay khi trở thành sứ quân, Đỗ Thục tính đến chuyện dựng thành kiên cố. Trại Quyền được chọn bởi nằm nơi đắc địa, sau trại có núi vây, mặt trước có dòng Tích Lịch uốn lượn. Núi sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục, núi không cao mà đất bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn mạch dồi dào. Bốn bề trại Quyền là đầm nước, lau sậy um tùm, phải đi lại bằng thuyền độc mộc. Đỗ Thục quyết chọn làm nơi dựng thành Tích Lịch.

Thành Tích Lịch có hình vuông, mỗi bề chừng một dặm. Tường thành xây bằng gạch đá cao 1 trượng, mặt thành rộng 3 trượng. Bốn góc tường xây lượn vòng ứng với bốn hướng Tây Đông Bắc Nam có 4 tháp canh lớn kiên cố, cao đến 3 trượng. Thành không cần đào hào ngoại vì con sông Tích Lịch vừa sâu vừa rộng cùng đầm lầy trở thành hào tự nhiên hiểm trở bao quanh.

Mặt phía Đông của thành, Đỗ Thục cho đắp một số đường đất nhỏ, nhiều cầu gỗ, dẫn vào núi, thông với hậu phương trung du và bán sơn địa rộng lớn. Mặt Tây thành Tích Lịch, Đỗ Thục sai quân đào một con mương rộng 3 trượng, vát hai bên làm lối thông ra sông. Mương này chỉ thuyền nhỏ hoặc thuyền độc mộc ra vào được, chiến thuyền không thể đi lại.