Sương sớm chưa tan, hai chuỗi âm thanh giòn vang truyền đến từ sâu trong con đường đá.
Trần gia là thế gia đã chiếm giữ Hà Trung phủ cả trăm năm nay, khí thế rất lớn, con đường ngoài cửa chính kia là nơi mà những người buôn bán tầm thường không thể đi qua. Nghe thấy thanh âm ấy, hai gã sai vặt đang lén lút ngáp ngủ liền bật dậy nhìn sang.
"Sớm như vậy đã có xe la tới rồi à?"
"Là xe lừa chứ?"
Cỗ xe tới từ sương mù vừa là xe la vừa là xe lừa, có một con lừa nhỏ đi ở giữa, hai con la đi hai bên. Tiếng chân lừa bước từng bước ngắn hòa vào tiếng chân của con la, cũng khó trách hai người kia đoán tới đoán lui.
Khung xe làm bằng gỗ, mui xe bọc da màu xanh, ngồi trước xe là một cô nương tuổi mười bảy, mười tám. Dù đang ngồi trên xe nhưng lưng nàng vẫn thẳng tắp, sau lưng còn đeo một thanh kiếm.
"Ngươi là ai? Toàn bộ con đường này đều là của tư dinh Trần gia! Các ngươi..."
Cô nương ngồi trên xe tháo lệnh bài từ bên hông xuống, nàng dùng lực khá lớn, ở cách một trượng ném lệnh bài đó vào lòng một gã sai vặt. Gã nhìn thoáng qua chữ trên lệnh bài, rồi lại nhìn xe kéo màu xanh, hai chân mềm nhũn, khom người bước vào trong cửa phủ.
Chỉ chốc lát sau, cánh cửa dầu đen vẫn luôn đóng chặt của Trần gia từ từ mở, hai nam nhân trung niên mặc trường bào nhanh bước ra đón.
"Hôm qua mới nhận được truyền tin của Lạc gia thế huynh, không ngờ Định Viễn công đi nhanh như gió, hôm nay đã đến đây rồi! Chúng tôi thật sự chậm trễ quá..."
Người đang nói chuyện khoảng bốn mươi năm mươi tuổi, tóc thẳng râu dài, phong thái thần tiên. Ông ta đứng trước xe chắp tay hành lễ, giống như đang coi chiếc xe rởm la lừa hỗn tạp thành cỗ xe ngựa xa xỉ được trạm trổ, điêu khắc vậy, chút gượng gạo cũng không có.
Một bàn tay đưa ra từ trong xe, vén màn vải lên. Bàn tay vững chãi, đốt ngón tay thô kệch, trên mu bàn tay còn có vết sẹo dài cắt ngang.
Sau đó, người trong xe ngáp một cái.
Cái ngáp thật dài, khiến những thanh niên Trần gia đang đón tiếp ngoài xe cũng lắc đầu ngao ngán, suýt nữa đã há miệng ngáp theo.
"Ta nhớ bánh canh ở Hà Trung phủ rất ngon nên đã sai người chạy hai ngày đường. Đáng tiếc la Tuy Châu không phải loại tốt, chết mất một con ở trên đường, hại ta chỉ có thể mua tạm một con lừa. Trần Thứ sử, vì một ngụm canh miếng bánh của Hà Trung phủ các người mà ta phải tốn kém không ít đấy!"
Người vừa nói vừa bước từ trên xe xuống là một nữ tử. Nàng mặc một bộ áo bào thắt đai lưng màu đen, mái tóc đen được buộc lại mà chưa đội mão rũ xuống sau gáy, vóc người cao gầy, eo nhỏ cổ thon. Trong nắng sớm nhạt màu, đám thanh niên chỉ cần lén ngẩng đầu là có thể thấy lông mi dài như tranh vẽ của nàng. Mắt nàng sáng như sao, đôi môi nhạt màu mỉm cười, mỏng mà đa tình. Giữa ánh sáng nhạt mông lung khiến người ta ngẩn ngơ cảm thấy người trước mặt này là một đại mỹ nhân.
Nói là trong lúc mông lung bởi vì làn da của "mỹ nhân" không như ngọc như ngà giống các quý nữ Lưỡng Kinh khác. Quan sát kỹ là có thể cảm nhận được hương vị sương gió trên đó. Sương gió che mất vài phần còn may, nếu không, sợ rằng nàng sẽ trở thành một nữ nhân dầm mưa dãi nắng thô ráp.
Trừ làn da bên ngoài, áo bào của nàng cũng thô kệch xấu xí như đôi tay của nàng vậy, quả thực là đến cả tôi tớ giữ cửa Trần gia cũng không bằng.
Dù là mỹ nhân, cũng là một mỹ nhân toàn thân tì vết.
Có điều, trừ những người trước mặt thì người tốt trên thế gian mấy ai quan tâm đến dung mạo và quần áo của nàng. Mọi người chỉ nhớ tới trường đao, kỵ binh và mười hai châu Bắc Cương nàng cai quản mà thôi.
Nàng là Định Viễn công trấn quốc của Đại Lương, cũng là nữ tử duy nhất dùng công trạng để đạt được tước vị nhất phẩm trong lịch sử trăm năm Đại Lương lập quốc – Vệ Tường. Đương nhiên, phần lớn thời điểm, mọi người đều gọi nàng bằng cái tên "Vệ Trăn" do tiên hoàng ban tặng.
Vệ Tường xuống xe, quần áo thô kệch đứng ở giữa đám người khắp mình lụa là, bỗng dưng giống như cát sỏi lạc vào giữa trân châu. Nàng chậm rãi xoay lưng, đi vào bên trong Trần phủ.
Người nàng gọi là Trần Thứ sử cũng là nam nhân trung niên vừa nói chuyện. Trần Trọng Kiều năm nay năm mươi hai tuổi, từng là Thanh Châu Thứ sử của Đại Lương. Sau khi từ chức thì trở về Hà Trung phủ quản lý công việc gia tộc, những việc nghênh đón, tiễn đưa có thể nói đã quá quen thuộc.
Vệ Tường hành động không chịu gò bó, mới sớm đã ghé thăm nhà, dáng vẻ phóng túng, ngôn từ thô lỗ. Thế nhưng lưng Trần Trọng Kiều vẫn khom xuống ba phần, ngữ điệu cũng có chút dè dặt:
"Quốc công đại nhân cứ yên tâm, dọc đường ngài bôn ba chịu khổ! Trần gia, à không... mười ba thế gia trong Lưỡng Kinh sẽ khắc sâu trong ngũ tạng..."
Vệ Tường khua tay cắt ngang lời ông: "Khoan nói đến ngũ tạng, dù sao cũng phải tế miếu ngũ tạng (1) trước!"
(1): Tế miếu ngũ tạng: ý nói được ăn uống đầy đủ và ngon miệng.
"Vâng, vâng, vâng, Quốc công đại nhân hãy vào phủ nghỉ ngơi trước! Chắc chắn Trần gia sẽ dâng lên cho ngài bánh canh ngon nhất Hà Trung phủ!"
Định Viễn công - người nắm giữ Bắc Cương cất bước đi về phía trước, trên môi đọng lại nụ cười yếu ớt, dường như chỉ đơn giản vì miếng ăn mà vui mừng. Nụ cười này của nàng khiến người ta lập tức cảm thấy gió xuân tràn về, đáng tiếc lời nói đến tai Trần Trọng Kiều lại thành băng đá lạnh thấu xương.
"Bánh canh ngon nhất à... Còn nữa, trên đường ta đến đây thấy thịt dê của Hàn gia ở Tuy Châu quả thật không tồi, Hàn gia cho ta năm ngàn lượng bạc cũng tạm được! Bánh nướng của Lâm gia ở Phu Châu mùi vị thì tầm thường, tiền thì cho ít, chỉ có ngàn lượng bạc, may mà có hai trăm tuấn mã, hai hộp trân châu và vạn thạch (2) lương thảo (3) năm ngoái để ta dùng. Chưa kể Lạc gia ở Đồng Châu, tuy thức ăn cũng bình thường, chỉ cho năm ngàn thạch lương thảo và cùng lắm là hai ngàn quan tiền, nhưng những thiếu niên ở nhà hắn đúng là rất phong độ, tài hoa, văn hoa, xinh đẹp tuyệt mỹ như vậy đủ để ta no rồi!"
(2) Thạch là đơn vị có thể đo lường khối lượng hoặc thể tích.
(3) Lương thảo: thóc gọc cho lính ăn, cỏ cho ngựa ăn. Chỉ chung thực phẩm dùng cho quân đội.
Khóe miệng Trần Trọng Kiều giần giật, nụ cười vẫn luôn hoàn mỹ cuối cùng có dấu hiệu chợt tắt.
"Trước khi dùng bánh canh, Quốc công đại nhân hãy đi xem chút quà mọn hạ quan chuẩn bị cho ngài nhé?"
"Quà mọn?"
Bước chân Vệ Tường khựng lại.
"Trần Thứ sử, huynh trưởng của ông, Trần thừa tướng cùng với mười ba thế gia ở Lưỡng Kinh viết thư cho ta, khiến ta bôn ba đường dài từ Lân Châu đến tận đây. Ta cũng rất cảm kích trước tấm lòng sâu sắc của các người. Còn quà mọn, ông nói chuyện quá khách sáo rồi!"
Sâu sắc, khách sáo.
Hai từ này lọt vào tai khiến tay Trần Trọng Kiều run rẩy một phen.
Ông khẽ ngước mắt lên, nhìn thấy nữ tử kia đang nở nụ cười thờ ơ, chầm chậm nói rằng:
"Ta đến từ Bắc Cương hoang vắng. Thuở thiếu thời có thừa chút tài ăn nói thâm sâu học được từ những thế gia kia, bây giờ cũng dùng được rồi. Trần Thứ sử, nếu như ông cũng vòng vèo giống như ta vậy là đang làm khó ta đấy!"
Đến khi đưa Vệ Tường tới khách viện nghỉ ngơi xong, Trần Trọng Kiều mới quay lại chính viện, uống cạn ba chén trà cũng không dập được lửa giận trong lòng.
"Ác khách, ác khách! Vệ Trăn nàng ta đường đường là Quốc công từ Bắc Cương đến Hà Trung phủ. Dọc đường đi thế gia nào cũng phải dùng số tiền lớn để tiếp đãi, vậy mà nàng ta vẫn muốn đào của tiếp nữa!"
Đi theo phía sau ông ta là Tứ lão gia của Trần gia - Trần Quý Lương. Nhẫn nhục đến giờ, ông sắp không nhịn nổi nữa, oán giận nói với nhị ca của mình:
"Hàn gia cho Vệ Trăn năm ngàn lượng bạc trắng, còn bị cuỗm đi hơn ngàn con dê bò. Lâm gia cho cô ta hai trăm tuấn mã, hai hộp trân châu, lại còn bị mở kho lương, e rằng hai, ba năm nữa cũng không bù lại được khoản thâm hụt. Chưa kể Lạc gia ở Đồng Châu, hai năm qua hạn úng không ngừng nên cho ít tiền, ít lương, vậy mà nàng ta dám trói ba công tử Lạc gia đem về Bắc Cương. Ba công tử đó đều là người tài cao, lại bị người khác làm nhục đến vậy, trong thư Lạc thế huynh gửi tới, từng câu từng chữ đều đẫm lệ. Nhị huynh, đòi tiền, đòi của cải đã vậy còn muốn cả con cháu thế gia, rõ ràng nàng ta đã lấy hơn vạn bạc rồi mà vẫn muốn Trần gia chúng ta cho thêm nhiều hơn! Nàng ta đâu chỉ là ác khách, rõ ràng... rõ ràng chẳng khác nào bọn lang phỉ tới từ đất Bắc! Trần gia chúng ta là thế gia trăm năm nay chưa bao giờ bị người khác ngang nhiên vơ vét tài sản như vậy!"
"Hôm trước đại huynh vừa truyền tin về, Thánh nhân (vua) đang hôn mê, trừ Hoàng hậu ra thì khó có ai có thể tiếp cận người được. Quan nội thừa đã tìm cơ hội cho Thánh nhân biết tin Định Viễn công đã đến Đông Đô. Thánh nhân bệnh lâu ngày không còn sức cũng liền thốt lên ba chữ 'tốt'."
"Vệ Trăn nàng ta thô tục cũng được, mà thổ phỉ cũng được. Nàng ta cứu tiên hoàng hai lần, còn giải vây cứu đương kim Thánh thượng năm đó. Ở trong lòng Thánh nhân, cô ta còn thân thiết hơn cả mười ba thế gia chúng ta. Bây giờ Thánh nhân sủng ái Hoàng hậu, mặc kệ Hoàng hậu và Thượng thư lệnh cùng nhau tiến cử những đứa cháu xuất thân bần hàn... Đầu năm nay, Vệ Trăn dâng một tờ tấu chương đủ khiến bệ hạ ra mặt cắt đứt ý định chạm vào bộ binh của Hoàng hậu. Chỉ riêng việc có thể làm cho Hoàng hậu phải nhượng bộ thôi, nàng ta đã có ích hơn chúng ta rồi".
Lời này dường như cũng xoa dịu được chính bản thân ông. Ngồi xuống ghế đẩu, Trần Trọng Kiều lại nâng chén trà lên.
"Hoàng hậu... Hoàng hậu trước nay luôn giả vờ hiền thục để lấy được lòng tin của Thánh nhân, hiện tại đã lộ mặt thật với thế gia chúng ta. Đưa Định Viễn công vào Đông Đô tranh chấp với Hoàng hậu tuy là phương pháp bất đắc dĩ, nhưng cũng là một nước cờ không thể thiếu của đại ca. Đến giờ, muốn từ bỏ thì đã quá muộn!"
Hoàng hậu bị đám người bần hàn bủa vây sẽ không buông tha cho thế gia, mà thế gia cũng sẽ không bỏ qua cho Hoàng hậu.
Định Viễn công nổi danh hung hãn, chính là cây đao mà thế gia chọn cho Hoàng hậu.
Trần Quý Lương e dè nhìn nhị ca mình, nói: "Nhị ca, Vệ Trăn là tỷ tỷ của Hoàng hậu, chẳng may sau khi đến Đông Đô, tỷ muội bọn họ liên kết..."
"Sẽ không!" Trần Trọng Kiều đặt chén trà xuống, giương mắt nhìn đệ đệ của mình: "Đệ xem thường đại ca chúng ta quá rồi!"
Vừa dứt lời, một người hầu bước tới trước cửa chính điện. Trần Quý Lương nhận ra gã chính là người mình chỉ thị đi hầu hạ khách, hỏi: "Xảy ra chuyện gì sao?"
"Đại nhân, Quốc công đại nhân bảo nô tài chuyển lời tới. Người rất hài lòng với bánh canh trong phủ, nhưng một phần thì không đủ, người muốn năm phần".
Năm phần? Năm phần bánh canh? Hay là...
Trong lòng Tứ lão gia Trần gia như muốn nổ tung, ông nổi giận nói: "Nàng ta nào có nói bánh canh? Rõ ràng là muốn Trần gia chúng ta phải nộp gấp năm lần nhà khác! Gấp năm lần nhà ai? Hàn gia sở hữu quặng sắt riêng mới có thể nộp năm ngàn lượng bạc! Nhị huynh, là hai mươi lăm ngàn lượng bạc đó! Chỉ là một con nhóc vậy mà lòng tham sâu không thấy đáy!"
Ngón tay đang cầm chén trà của Nhị lão gia Trần gia cũng siết chặt, nhưng vẫn nói: "Cho nàng ta đi!"
"Nhị huynh! Dù sao cũng phải thương lượng một lần chứ? Chúng ta dễ dàng bằng lòng như thế sẽ khiến nàng ta càng thêm kiêu căng phách lối!"
Nhị lão gia đưa ra quyết định, lúc này mới khôi phục lại vẻ thanh cao tự tại. Đặt chén trà xuống, ông chậm rãi nói: "Đại huynh nói, chỉ cần Định Viễn Công ra giá, Trần gia chúng ta đều có thể cho nàng ta. Tứ đệ ngẫm lại xem, trên đời này có món đồ nào hời hơn việc niêm yết giá cả? Hôm nay đệ mở kho bạc chuẩn bị ngàn lượng vàng, năm ngàn lượng bạc, phần còn lại đổi thành tiền xu, năm phần canh bánh kia cũng mang cho nàng ta đi. Dùng vài vạn lượng bạc để mua một thanh đao có thể loại bỏ Hoàng hậu nương nương, Trần gia chúng ta không thiệt thòi!"
Trong khách viện Trần gia, nữ hài tử đặt đũa xuống, méo miệng nói: "Chủ nhân, bánh canh này ngon lắm, nhưng nô tỳ thật sự không ăn nổi nữa! Đúng là có mười hai con cá trong tô bánh canh này sao?"
Nước dùng trong bánh canh được dùng cá sông Hoàng Hà để ninh nhừ thành, màu sắc trắng đục, lại phối hợp nguyên liệu bí truyền của đầu bếp Trần gia nên không có chút mùi tanh nào. Đưa vào miệng đậm vị tươi ngon xuống đến phủ tạng vẫn đọng lại hương thơm.
Ăn xong chén bánh canh, ngay cả nước dùng Vệ Tường cũng uống sạch. Trong lúc chờ bưng lên chén khác, nàng nói: "Ta còn có thể lừa muội sao? Lúc này Yến Ca ở Ngân Châu, Hành Ca ở Đông Đô, mấy người Cẩn Du đều chia nhau đóng ở các Châu, Oanh Ca cũng trên đường bôn ba. Họ đều không nhàn rỗi hưởng lộc ăn như muội đâu, còn không mau thay họ ăn nhiều chút!"
Lưu luyến nhìn bát, nữ hài tử nói: "Một chén canh mười hai con cá, nô tỳ... nô tỳ có thể nhóm lửa trong sân, đợi đến trưa lại hâm nóng lại ăn không? Cọc gỗ bên ngoài cũng tốt lắm, bây giờ nô tỳ bổ củi ra phơi, đến trưa đốt sẽ không có khói".
Hoa cỏ, cây cối trong khách viện Trần gia sum xuê tươi tốt, từ lúc bước vào Vệ Thanh Ca đã để ý thấy rồi.
Nàng hỏi thật nghiêm túc khiến Vệ Tường đưa tay ôm đầu, than vãn: "Rốt cuộc tại sao ta lại dẫn tên ngốc nhỏ này theo? Thấy hươu đòi ăn, thấy cây cũng đòi chặt, thấy người khác tô son còn tưởng là máu. Thanh Ca, ta vốn nghĩ đưa muội ra ngoài để muội mở mang kiến thức, không ngờ dọc đường đi muội giúp ta tăng thêm không ít kiến thức đó!"
"Hứ! Chủ nhân, trên đường đi nô tỳ cũng học được nhiều lắm đó! Nô tỳ không phải tên ngốc đâu!" Vệ Thanh Ca giận dỗi, lại ăn thêm một chén bánh canh.
Hai người vất vả ăn xong bữa này, Vệ Thanh Ca no đến mức ngồi ở đối diện Vệ Tường nấc một tiếng. Nàng vừa nấc vừa lau kiếm của mình, thân thể dao động vì cơn nấc nhưng tay vẫn vô cùng vững vàng.
Người đến từ Bắc Cương, đều có đôi bàn tay vững vàng.
Qua giờ Tỵ, có tôi tớ Trần gia đến hỏi thăm, Vệ Thanh Ca nói Vệ Tường đã nghỉ ngơi.
Vệ Tường thật sự đang nghỉ ngơi, vất vả mấy ngày liền nàng cũng mệt mỏi rồi. Tắm rửa sạch sẽ, uống hai viên thuốc Vệ Thanh Ca đưa xong, nàng nằm trên giường ngủ một giấc thật say, tới bữa trưa bị Vệ Thanh Ca đánh thức dậy ăn chút đồ ăn, sau đó lại ngủ tiếp.
Tính cách Định Quốc công quái gở, ngay cả tiệc rượu tẩy trần cũng không muốn tham gia. Người Trần gia kinh ngạc một hồi song cũng trở nên thoải mái. Suy cho cùng, vị Quốc công này xuất thân thế gia nhưng giờ chẳng khác gì đám thổ phỉ, việc lấy cớ đòi tiền còn làm được thì việc "không câu nệ tiểu tiết" này chẳng thấm vào đâu.
Bóng đêm nặng nề.
Người tuần đêm điểm canh của Trần gia gõ mõ đi xa. Nữ tử xõa mái tóc dài bên ngoài chăn đang nằm trên giường ngủ mê man, dưới ánh trắng nghiêng nghiên chiếu vào, gương mặt kia hơi nhợt nhạt.
Một cái bóng lẳng lặng xuất hiện trong phòng.
Định Viễn... Quốc Công... trấn quốc... Cũng chỉ là một nữ tử sẽ ngủ say như chết mà thôi.
Trong khoảnh khắc kiếm nhọn đâm xuống, người đứng bên giường bị một thanh trường đao chưa rút khỏi vỏ đập vào giữa đầu và bay thẳng ra ngoài.
"Keng".
Trường đao rút khỏi vỏ.
Gió đêm thổi mái tóc tung bay.
Nắm phần chuôi đao dài hơn các cây đao khác hai phần, Vệ Tường chỉ mặc đồ ngủ đứng ở trên đất ngáp một cái.
Sau đó, mũi đao đánh gãy thanh kiếm và hướng thẳng vào đầu đối phương.