Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 81



Trời chưa sáng bửng, Tĩnh vương đã vội vã thượng triều, sau khi hạ triều lại đi tìm thái tử điện hạ một chuyến, bàn bạc công việc.

Thái tử Dương Chinh đang trong thư phòng, thấy Tĩnh vương đến, trông thần sắc ông có vẻ khá hào hứng, bèn cười hỏi: “Chuyện ổn thỏa hết rồi sao?”

Tĩnh vương mỉm cười, hỏi: “Chuyện thái tử nói là chuyện công hay chuyện tư?”

Thái tử ung dung đặt bút, nhướng mày, hai mắt sáng ngời: “Xem ra là xong xuôi cả rồi, chẳng những đã đâu vào đấy mà còn rất hoàn mỹ.”

“Điện hạ khỏi phải chế nhạo thần.” Tĩnh vương cười, dâng sớ báo cáo, “Đại khái thần đã đi sâu tìm hiểu kỹ càng các phủ ở Hà Tây. Thuế má, lương thực, quân mã vẫn trong tình trạng thiếu hụt.”

“Biết là thiếu, nhưng thiếu nhiều hay thiếu ít ta lại không nắm được rõ ràng.” Thái tử mở tờ sớ viết tay của Tĩnh vương ra, “Nếu thực sự có chiến tranh thì phải chịu khổ tiếp đây.”

Hai người nói chuyện suốt cả buổi, một trước một sau ra khỏi thư phòng, tán gẫu đôi ba câu, thoắt cái đã tới trưa. Nội quan đã dọn bữa trong phòng, Tĩnh vương nói xong thì phải ra ngoài, thái tử gọi ông lại: “Cửu thúc đi luôn à, không dùng bữa sao?”

Tâm tư Tĩnh vương không nằm ở đấy, nghe thái tử hỏi, ông dừng bước chân, nhìn sắc trời, có chút ngượng ngập, hai tay luồn vào trong tay áo: “Ta quên mất chuyện này, cứ tưởng hẵng còn sớm.”

“Lòng Cửu thúc đây là có nhớ nhung.” Thái tử mỉm cười, phất tay, “Đi đi đi đi, lần sau chúng ta nói chuyện.”

Thái tử không kiên quyết giữ lại, Tĩnh vương lập tức trở về phủ. Trong Tĩnh vương phủ cũng đã dọn bữa, Quý thị và lão vương phi dùng cơm trưa, thấy Tĩnh vương về, mừng rỡ sai hạ nhân thêm bát đũa.

Hai ngày nữa Tiết phu nhân phải đón Xuân Thiên về Tĩnh vương phủ, Tĩnh vương đề cập đến việc này, bầu không khí trên bàn cơm bỗng chốc lạnh hẳn xuống.

Mọi người trong phủ biết Xuân Thiên thực chất là con gái ruột của Tiết phu nhân, chỉ có điều vì để giữ thể diện nên trước kia luôn gọi Xuân Thiên là cháu gái Tiết gia. Lần này về, trong đầu Tĩnh vương đã có tính toán, vì muốn giữ được trái tim Tiết phu nhân, nên bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ Xuân Thiên ở lại.

Quý thị chẳng nói chẳng rằng, đuôi mày thanh mảnh cụp xuống, lão vương phi cầm khăn lau khóe miệng, chậm giọng nói: “Sao cả con mèo con chó cũng gọi vào nhà thế…”

Sau đó Tiết phu nhân nghe có người lan truyền lời này, bà thất thần một lúc, chậm chạp gỡ hết châu ngọc đầy đầu ra, thay sang bộ đồ trắng tới chỗ lão vương phi thăm Tuế Quan.

Ngày Xuân Thiên về Tĩnh vương phủ, Tiết phu nhân dẫn nàng đi dập đầu với lão vương phi trước. Khung cảnh lạnh lẽo nhưng ít nhiều đã có Tĩnh vương ở đó lấp liếm cho. Xuân Thiên thấy nhũ mẫu bế một đứa bé nho nhỏ nom hệt búp bê sứ, y như tiểu tiên đồng bên cạnh Bồ Tát, nàng biết đây là em trai của mình.

Đứa nhỏ trước mặt Xuân Thiên chớp mắt.

Người Tuế Quan mềm mềm thơm thơm, ngoan ngoãn ghé đầu trên vai nhũ mẫu. Xuân Thiên dè dặt móc lấy bàn tay bé xíu của thằng bé khẽ lắc lắc, lòng dạ ngổn ngang trăm mối. Trong người cả hai đang cùng chảy nửa dòng máu tương đồng.

Tĩnh vương bắt gặp Tiết phu nhân đang chăm chú nhìn hai đứa nhỏ, ánh mắt dịu dàng như nước, sóng mắt lóng lánh, một niềm ấm áp dâng trào trong tim ông.

“Đây đúng là… giống một cặp chị em ruột…” Vương phi Quý thị nhấp ngụm trà, cười uyển chuyển thốt ra một câu.

Lão vương phi khẽ nhíu mày, không đáp lời, cũng cúi đầu uống trà.

Ngày xưa Xuân Thiên từng đến Tĩnh vương phủ, song chưa được thấy nhiều nơi, lần nào cũng vội vã rời đi, cúi thấp đầu đi theo chỉ dẫn của người hầu tới gặp Tiết phu nhân. Gặp trong chớp nhoáng rồi lại bị dẫn ra cửa. Bấy giờ lần nữa đặt chân vào đây, nàng mới biết mẹ mình đã chuyển qua một khoảng viện sạch sẽ cực vắng vẻ.

“Về sau ở đây với mẹ.” Tiết phu nhân dẫn Xuân Thiên đến một gian tiểu các nhỏ cạnh lầu chính, “Tiểu các này thanh tịnh, phía ngoài cửa sổ là một mảnh rừng trúc, làm phòng ngủ cho con nhé?”

Xuân Thiên gật đầu.

Tiết phu nhân gọi thị nữ bưng gối chiếu đệm chăn tới, tự tay trang trí căn phòng. Hai mẹ con ngồi trong phòng, đột nhiên Xuân Thiên nói: “Mẹ, mấy năm nay… chắc mẹ sống vất vả lắm.”

Tiết phu nhân lắc đầu: “Không vất vả chút nào, Nữu Nữu mới vất vả.”

“Lúc con đi, thực sự đã không hề nghĩ cho hoàn cảnh của mẹ…” Xuân Thiên dán mắt nhìn làn khói xanh tỏa ra từ lư hương vàng hình con nghê, nói chậm rãi, “Khi đó con nghĩ, mẹ ở đây đã có cuộc sống rất tốt, con đi cũng không vướng bận gì. Bây giờ nghĩ lại từng chuyện ngày trước, mới hiểu hóa ra ở Tĩnh vương phủ này, mẹ cũng phải chịu vô vàn phép tắc và sự thờ ơ của người khác.”

Tiết phu nhân cười hiền dịu, “Chỉ cần Nữu Nữu ở đây, tất cả mọi thứ chỉ là cỏn con.”

“Con hy vọng mẹ có cuộc sống hài lòng như ý.” Xuân Thiên nắm tay Tiết phu nhân, “Con thích Tuế Quan lắm, tâm nguyện lớn nhất của con bây giờ là mong mẹ và Tuế Quan sống thật tốt.”

“Mẹ sẽ tốt thôi.” Tiết phu nhân vỗ tay con gái, “Nhất định sẽ sống thật tốt thật tốt…”

Tiết Quảng Hiếu hay tin em gái dẫn cháu ngoại về, bèn đưa vợ con đến Tĩnh vương phủ, cuối cùng cũng gặp được.

Gặp lại cậu mợ, hai người kia thấy Xuân Thiên thì đều rơi nước mắt.

Sau khi Xuân Thiên đi, dù Tiết phu nhân không trực tiếp chỉ trích anh trai và chị dâu nhưng sắc mặt quả thực đã trở nên lạnh nhạt.

Tào thị thực sự muốn kêu oan, bà ta đối đãi với Xuân Thiên coi như đã tận tâm tận lực, ngày thường ăn mặc ngủ nghỉ chưa bao giờ phải thiếu thốn, trong phòng ngoài phòng luôn có tỳ nữ hầu hạ, thiếu điều coi Xuân Thiên như chủ tử mà dâng mình.

Xuân Thiên cũng biết chuyến này mình đi chắc chắn đã khiến cậu mợ lâm cảnh vô cùng khó xử, nàng cúi đầu tạ tội. Biết bản thân ở nhờ nhà cậu mấy năm trời, làm phiền mợ chăm sóc, đáng lẽ phải cảm kích. Chỉ là, có biết ơn có hổ thẹn, lại không thấy chút ấm áp.

Tiết phu nhân đỡ Xuân Thiên, nói với anh trai chị dâu đôi câu không mặn không nhạt rồi đẩy người về.

Xuân Thiên nhìn bóng dáng cậu mợ rời đi, đứng sóng vai cùng Tiết phu nhân, lòng hai mẹ con đều có suy nghĩ riêng.

Xuân Thiên ở Tĩnh vương phủ đến Tết.

Gạt bỏ những hỗn loạn trong phủ và lời gièm pha của người ngoài, khoảng thời gian này đúng là ngày tháng bình yên hiếm hoi của hai mẹ con. Tiết phu nhân dạy Xuân Thiên thêu thùa may vá, hai người cùng nhau làm quần áo mới, giày và mũ cho Tuế Quan, hoặc có khi lại cùng nhìn Tuế Quan chập chững học đi, bi bô tập nói, cả nhà ba người vui đùa ầm ĩ.

Mỗi lúc Tĩnh vương đến, chứng kiến cảnh ấy lại thấy lòng tràn đầy hạnh phúc.

Cúng Thái Tuế vào tháng giêng, lần đầu tiên Xuân Thiên gặp được Đoàn Cẩn Kha, một công tử trẻ tuổi phong thái nhẹ nhàng, khôi ngô tiêu sái.

Hai người chào hỏi, Xuân Thiên hành lễ cảm ơn y, được y nhẹ nâng dậy. Cả hai ngẩng đầu, trời quang gió mát, nhìn nhau cười.

Gặp hơn một năm, tuy nhiên tới giờ mới quen biết.

“Trước đây lúc nữ lang còn ở Tiết phủ, đã từng nghe qua tên nữ lang.” Đoàn Cẩn Kha nói, “Ở Hồng Nhai Câu cũng từng thấy mặt mũi nữ lang, nhưng đến tận hôm nay mới được làm quen.”

Duyên phận đúng là kỳ diệu, gần trong gang tấc, lại gặp gỡ trong đêm dài ngàn dặm.

Đoàn Cẩn Kha nói: “Ở Hồng Nhai Câu vẫn còn vị cố nhân, là một hồ cơ lúc đó đã chăm sóc nữ lang suốt quãng đường đi, tên là Bà Sa. Hiện tại cô ấy cũng đang ở thành Trường An, là vũ cơ của phủ thái tử điện hạ.”

Xuân Thiên nhớ mang máng tướng mạo của nàng hồ cơ kia, tức khắc cười bảo: “Nếu có cơ hội nhất định phải gặp mặt cảm ơn chị Bà Sa.”

Đêm giao thừa lại là sinh nhật Tuế Quan. Tiết phu nhân đến tiền viện hầu hạ vương phi. Thiện Thiện, Xuân Thiên cùng một nhóm tỳ nữ gọi một bàn rượu và thức ăn, ngồi trong tiểu các ăn Tết.

Tuyết phủ trắng xóa thiên địa, bầu trời Trường An rợp pháo hoa, cả phủ đèn đuốc rực rỡ. Trong tiếng cười rộn ràng, nàng bỗng dưng quay đầu trông về phía Tây Bắc xa xa.

Ngày này năm trước, giờ khắc này, có người vừa uống rượu vừa bóc hạt dẻ, lặng lẽ đẩy hạt dẻ tới trước mặt nàng, hỏi nàng có nhớ nhà không.

Nàng sớm đã quên câu trả lời của mình khi ấy, chỉ nhớ mỗi món hạt dẻ thơm ngon ngào ngạt, nàng rất thích.

Ngày này năm nay, giờ này phút này, đêm khuya ngồi quanh bếp lò chuyện trò, nàng lại nhớ hắn.

Thành Cam Châu pháo nổ vang trời, Lý Vị ngồi trước bếp lửa bóc hạt dẻ, đưa từng hạt cho Trường Lưu.

Hai cha con đón giao thừa bên nhau, đi ra khoảng đất ngập tuyết châm ngòi đốt pháo, đi cúng bái người thân, cúng bái đất trời, đợi cho đến khi nến cháy hết. Trường Lưu chơi tới hơn nửa đêm rồi thiếp ngủ trên giường lò ở nhĩ phòng.

Cánh cửa chái Tây bị đẩy ra kêu tiếng kẽo kẹt, phòng ở lâu không người vào, đồ đạc phủ một lớp bụi mỏng. Phòng ốc vẫn giữ y nguyên cách bày biện, hắn đứng trong phòng hồi lâu, sau cùng khép cửa lại, chán nản rời đi.

Tháng giêng, Tuế Quan đang chọn đồ vật đoán tương lai. Thằng bé vòng qua đống đồ nào cây quả, bút viết, nghiên mực, cân tính. Nó đứng dậy, nghiêng ngả bước về phía Tĩnh vương, túm lấy con dấu đeo bên hông cha mình.

Tĩnh vương ôm đứa nhỏ vui mừng khôn xiết. Tiết phu nhân nhìn gương mặt tươi cười gượng gạo của vương phi, trong mắt đong đầy ý cười dịu dàng.

Tĩnh vương phủ tổ chức tiệc nhà, thái tử Dương Chinh rảnh rỗi đưa thái tử phi Trạch thị đến Tĩnh vương phủ ngồi một lúc, lần đầu gặp Tiết phu nhân đang đứng đằng sau Tĩnh vương.

Dẫu thái tử đã từng thấy giai nhân trong cung, nhưng khi gặp Tiết phu nhân cũng không khỏi thầm khen một tiếng mỹ lệ tuyệt trần.

Thái tử và thái tử phi thành thân mấy năm, dưới gối không con nên rất thương Tuế Quan, bèn ôm thằng bé vào lòng âu yếm một phen, sau đó thưởng quà sinh nhật.

Tiết phu nhân tiến lên ôm Tuế Quan về, mỉm cười giao thằng bé cho Xuân Thiên: “Đi gọi nhũ mẫu tới đây.”

Thái tử chợt bắt gặp làn váy xanh ngọc bích lướt qua sau Tiết phu nhân.

Lúc Tĩnh vương tiễn hai vợ chồng thái tử về phủ thái tử, thái tử hỏi về Xuân Thiên: “Chính là cô ấy?”

Tĩnh vương gật đầu: “Đúng vậy.”

Mặt thái tử lạnh lùng, khẽ hừ một tiếng.

Thái tử phi hết sức nghi hoặc, Tĩnh vương kể mấy câu, rằng vì muốn nhặt hài cốt cha về nên Xuân Thiên đã đi từ Trường An đến Tây.

Thái tử phi Trạch thị là người hiền đức, nghe xong vỗ tay mừng rỡ: “Năm ngoái hoàng hậu nương nương lệnh cho thượng cung sửa lại Nữ Đức, có ý in “Liệt nữ truyện”, “Nữ giới” lại lần nữa, muốn chọn vài nữ tử hiếu thuận biết kính nhường của triều để đưa vào sách. Tuổi nữ lang này còn nhỏ mà đã có quyết tâm và lòng hiếu thảo, đúng lúc phù hợp vào sách.”

Thái tử lắc đầu: “Cô nhi đi ngàn dặm tìm hài cốt cha, tuy có hiếu nhưng nữ tử rời nhà xuất hành, chung quy đã trái lễ tắc, không thể lấy.”

Tĩnh vương gật gù: “Quả thực hơi to gan.”

Thái tử nhìn Tĩnh vương, có phần bực bội: “Cô ấy không có giấy tờ công văn, sao có thể ra vào Tây Bắc, đi qua những cửa quan phòng thủ, những thị trấn có vị trí quan trọng được chứ.”

Răng hàm của thái tử nghiến vào nhau: “Một nữ tử yếu đuối vượt ngàn dặm đường, vào các quân trấn đồn trú như vào chốn không người, chuyện này phải điều tra cho rõ ràng đây. Lén ra khỏi biên giới là tội lớn, ta nên đến Hình Bộ để vạch trần kẻ không màng vương pháp, hay nên vạch trần đám thủ quan ăn không ngồi rồi?”

Tĩnh vương xấu hổ, liên tục cười xòa: “Điện hạ, người nể tình tấm lòng hiếu thảo của con bé, rộng lượng bỏ qua đi.”

Mỗi khi thái tử nghĩ tới việc này là bụng dạ lại có chút hờn giận. Y kiêm nhiệm chức đại tổng quản Hà Tây, tiêu tốn biết bao tiền của, chuẩn bị mấy chục vạn binh mã Hà Tây vì đề phòng các tộc Tây Bắc. Dọc đường có trên dưới một trăm quân trấn đồn trú, việc kiểm tra các thành không thể nói là không nghiêm, vậy mà lại để một nữ tử tay không tấc sắc dễ dàng xuất cảnh. Hành vi của Xuân Thiên đã tát thẳng vào mặt thái tử.

“Ngày sau có rảnh, ta sẽ đích thân điều tra tường tận.”

Qua tết Nguyên Tiêu, chẳng đợi thái tử nhớ ra chuyện đó, Xuân Thiên đã cùng Tiết phu nhân thỉnh nguyện, vào chùa cúng bốn mươi chín ngày cầu siêu, siêu độ cho vong hồn.

Lễ cầu siêu cần làm trong bốn mươi chín ngày, thậm chí còn mời cao tăng tụng kinh sám hối, ở lại chùa ăn chay niệm Phật. Nhà quan lại bình thường chỉ ở đủ bảy ngày là thôi, về sau cứ mỗi bảy ngày sẽ thêm tiền công đức. Tiết phu nhân không nỡ, nhưng cũng biết Xuân Thiên ở lại Tĩnh vương phủ không hẳn là vẹn toàn.

Xuân Thiên thấy Tiết phu nhân nghĩ ngợi, bèn trấn an bà: “Nếu mẹ lo lắng thì mời mấy phủ đinh đi cùng con.”

Tiết phu nhân đành gật đầu, xin Tĩnh vương bảy tám người phủ đinh đi với Xuân Thiên đến chùa Thanh Long.

(còn tiếp)