Việt Cơ

Chương 5: Nông gia



Phụ nhân nhìn Vệ Lạc, ánh mắt mang theo chút tò mò. Vệ Lạc thấy bà ngẩng đầu, trong lòng vui vẻ, vội vàng đi đến, từ xa đã chắp tay trước ngực nói: " Gặp qua đại nương, cháu là người vãng lai qua đây." Lúc này nàng phải kiểm soát khẩu âm nửa nạc nửa mỡ, hơi có chút không quen, giọng nói có phần không lưu loát.

Phụ nhân cảnh giác nhìn chằm chằm Vệ Lạc, bà thấy Vệ Lạc nhỏ gầy văn tú (lịch sự, nho nhã), không mang theo vũ khí, cũng không giống mấy kẻ lưu manh, nên chỉ cảnh giác chứ không sợ hãi.

Vệ Lạc nuốt nước miếng, thấy người đối diện nhìn mình chằm chằm bằng cặp mắt to vô thần, mà chân cũng chuẩn bị quay vào phòng thì quýnh lên bấp chấp tất cả, đơn giản nói thẳng: "Xin hỏi đại nương có giày rơm không? Cháu muốn mua ạ." Dứt lời, bàn tay nàng duỗi ra phía trước, dưới ánh nắng ba đao tệ đã sớm chuẩn bị loé lên sáng loáng.

Phụ nhân thấy đao tệ trong tay nàng, hai mắt sáng ngời, gật gật đầu, hít một hơi, một giọng nói nông thôn nồng hậu vang lên: "Có." Vừa nói bà vừa nhìn về phía hai chân đã được trường bào che đi của Vệ Lạc, thấp thoáng nhìn thấy mặt trên đôi giày thêu tinh xảo, không khỏi buồn bực ngẩng đầu đánh giá Vệ Lạc. Lúc này, trong ánh mắt nhìn Vệ Lạc của bà mơ hồ có thêm kinh ngạc và e dè.

Vệ Lạc thấy vậy, trong lòng kêu không ổn, bước tới trước phụ nhân, chắp hai tay, nói lanh lảnh: "Đại nương, cháu đi đường lâu ngày, bụng đói sôi lên, xin hỏi đại nương còn thức ăn không?"

Mặc dù lúc này diện mạo Vệ Lạc xấu xí, nhưng cử chỉ lại phóng khoáng, khí phách bất phàm, quần áo trên người cũng không phải bằng sợi gai, có khi lại là một vị quý nhân cũng nên? Phụ nhân nghĩ vậy, lại càng thêm e dè cẩn thận hơn, bà lúng túng gật gật đầu, thốt lên:"Có cơm, có cơm."

Bà vừa nói vừa cẩn thận nhìn vạt áo Vệ Lạc, hai chân cũng lui vào phòng. Vệ Lạc thấy bà bất an, tự trấn định trong lòng: người thành thật nghèo khổ như vậy, chắc cũng không có lòng hại ta. Nghĩ thế, cử chỉ Vệ Lạc càng thêm ung dung.

Nàng theo sau phụ nhân vào trong nhà, vừa vào, một luồng khí mát mẻ khác xa bên ngoài đập vào mặt, khiến Vệ Lạc ngẩn ra. Nàng không biết tuy nhà tranh không đẹp gì, nhưng lại được cái đông ấm hạ mát, khác xa so với nhà gạch nàng từng ở, càng không phải nói đến mấy cao ốc xi-măng cốt thép kiến trúc mới trong thành phố.

Nhà này rất đơn sơ, hoàn toàn là chỉ có bốn bức tường, cuối phòng đặt một giường gỗ, trước giường có ba bốn rễ cây làm thành ghế.

Phía bên phải nhà tranh còn có một phòng nhỏ, hai gian phòng ngăn nhau bằng một tấm bải bố.

Phụ nhân một bên chần chờ đi đến phòng nhỏ là bếp, một bên cẩn thận đánh giá Vệ Lạc. Động tác của bà hết sức cẩn thận, mỗi khi bắt gặp ánh mắt của Vệ Lạc, lập tức co rụt đầu lại, vội vàng né tránh.

Bà thấy Vệ Lạc vẫn đi theo mình đến tận cửa phòng bếp thì vô thức vươn tay kéo vải bố che lại, ngập ngừng nói: "Cậu là quý nhân, không nên xuống nhà bếp... Không không, ta, ý tiểu phụ là, nhà bếp không nên vào..."

Phụ nhân càng nói càng rối, mấy lần vẫn chưa thông. Vệ Lạc hiểu ý, lập tức dừng lại, hai tay thi lễ ngắt lời bà: "Cháu ra bãi đất bằng đợi đại nương vậy."

Nói xong, Vệ Lạc xoay người đến trước giường đá, lấy một cái ghế rễ cây đi ra cửa phòng.

Bãi đất khắp nơi đều là cỏ dại mọc ngang đầu gối, chỉ dưới mái hiên mới có ba bốn mét vuông đất trống, xung quanh khoảng đất trống này phân ra ba con đường nhỏ rộng một thước.

Vệ Lạc lẳng lặng ngồi trên ghế, nàng lắng nghe trong nhà truyền ra tiếng nồi niêu xoong chảo, cảm thụ gió thổi qua người mang từng cơn mát lạnh, đột nhiên lúc này lòng mất mác khôn kể.

Ngay lúc nàng còn đang ngơ ngác đến xuất thần, tiếng bước chân của phụ nhân truyền đến. Vệ Lạc vội vàng xoa nhẹ mặt, tinh thần phấn chấn nhìn phụ nhân từ trong nhà đi ra.

Trong tay bà bưng một bát gốm đựng hơn phân nửa là đậu nành. Đậu nành nổi lên trên mặt nước không có lấy một vệt mỡ.

Phụ nhân cầm bát đũa đến trước mặt Vệ Lạc, ấp úng nói: " Thôn dân chỉ có đậu nành và rau dại làm thức ăn thôi."

Vệ Lạc nhận lấy bát đũa, miễn cưỡng cười: "Không việc gì."

Trong bát chẳng có lấy tý mỡ, cũng không có cơm, Vệ Lạc vốn đã đói bụng đến đau dạ dày, thế nhưng nhìn đến bát đậu này nàng cũng chẳng còn thèm ăn.

Có điều không muốn ăn cũng phải ráng nuốt cho hết! Bất kể thế nào, trước sống sót đã rồi nói sau.

Nghĩ đến đây nàng cúi đầu nhai từng hạt, từng hạt đậu.

Phụ nhân thấy nàng bắt đầu ăn, cẩn thận lui về phía sau, chỉ chốc lát đã đến con đường nhỏ phía bên phải nhà tranh, chắc là bà chuẩn bị ra sau vườn gọi chồng về.

Khoé mắt Vệ Lạc quét qua thấy một màn này, không khỏi cười khổ. Hít một hơi, nàng buông bát lên tiếng: "Trong nhà đại nương có giày rơm không? Toàn bộ cháu mua hết."

Vừa nói nàng vừa đứng lên, tay đặt ba đao tệ lên ghế: "Bằng vầy đủ chưa ạ?"

"Đủ, đủ rồi."

Phụ nhân đáp không ngớt. Bà nhìn ba đao tệ trên ghế, lại nhìn Vệ Lạc vẫn gầy yếu văn tú như cũ, đột nhiên lúc này cũng không sợ nữa.

Vệ Lạc gật gật đầu, lại nhai thêm một miệng to đậu nành.

Đậu nành là đồ ăn để ních no bụng, tuy không mỡ không cơm, ăn hơn nửa bát đậu lót bụng, tinh thần Vệ Lạc rốt cuộc cũng phấn chấn hơn.

Lúc nàng đặt cái bát rỗng lên ghế, phụ nhân đã từ trong nhà đi ra, trên tay cầm một chuỗi giày rơm, giày dùng cỏ xâu thành chuỗi, tổng cộng năm đôi.

Vệ Lạc nhận lấy giày, bắt gặp ánh mắt phụ nhân trông mong nhìn đao tệ trên ghế thì cười nói:"Ba đao tệ này đại nương cầm đi, đủ chứ?"

"Đủ, đủ."

Phụ nhân vui mừng nhặt đao tệ lên, luôn miệng đáp lời. Theo biểu tình của bà xem ra, bà rất vừa lòng với vụ mua bán này.

Vệ Lạc không biết rằng lúc này người dân nông thôn phần lớn vẫn có thói quen vật đổi vật. như đao tệ này là tiền tệ giá trị lớn, bà ấy cũng khó mà gặp.

Vệ Lạc cười, hai tay chắp lại, cao giọng nói: "Nếu thế, cháu đây xin tạ ơn đại nương." Lưỡng lự một lúc, Vệ Lạc cũng hỏi: "Đại nương, từ nơi này đi hướng Bắc mất bao lâu mới gặp được thành trì?"

Phụ nhân ngẩn ra, nghĩ nghĩ rồi nói: "Nghe người ta nói khoảng chừng hai ba trăm dặm."

Hai ba trăm dặm? Vậy chẳng phải là lại ngủ đêm nơi hoang dã thêm vài ngày? Nghĩ tới xung quanh đây, Vệ Lạc liền rùng mình một cái, nàng nhíu mày hỏi: "Thế bao lâu sẽ thấy thôn xóm?"

Phụ nhân nói: "Cách hai ba mươi dặm sẽ có."

Vệ Lạc thở phào nhẹ nhõm, lại chắp tay trước ngực cảm ơn, xoay người đi nhanh về quan đạo.

Phụ nhân nhìn theo bóng dáng rời đi của Vệ Lạc, vội vàng cất kỹ đao tệ, cầm lấy bát đũa và ghế nhanh như chớp chạy vào trong phòng.

Sau khi Vệ Lạc trở lại quan đạo, một lần nữa sửa sang lại hành trang, chẳng những lấy năm đao tệ bỏ ra ngoài, còn cất bốn đôi giày rơm còn lại vào hành trang.

Giày rơm mới mang vào chân đã khiến đôi chân nhỏ bé trắng noãn của nàng bị đau, Vệ Lạc do dự một lúc, vẫn cắn răng đi vào. Đương nhiên lúc đi giày nàng cũng bôi đen cả chân. Về phần cặp giày thêu kia, vài lần Vệ Lạc chuẩn bị cất đi, giày thêu còn tốt, có thể luân phiên thay đổi. Sau khi đắn đo mãi, Vệ Lạc vẫn ném đi: thứ này sẽ khiến mình để lộ thân phận, vứt đi vẫn tốt hơn. Biến cố luôn thình lình xảy ra, bây giờ nó còn chỗ hữu dụng, nhưng đến tình huống khẩn cấp, chuyện tới trước mắt không có thời gian ném đi, vậy chẳng phải là hỏng cả đại sự?

Thoải mái mà nói thì đi đường bằng giày rơm còn hơn là cặp giày thêu tơ lụa tinh xảo kia. Chẳng qua nhất thời Vệ Lạc chưa quen mà thôi. Giày rơm này là do phụ nhân kia làm cho bản thân, nên có hơi lớn một ít. Song giày rơm chính là như thế, lớn hơn hai ba số thì cũng không khác biệt lắm. Vệ Lạc siết chặt nút thắt lại, thế là cũng vừa chân.