Vĩnh Dạ ngắm chuẩn phương hướng, bất chấp tất cả đuổi theo. Mỹ nhân tiên sinh và Thanh y sư phụ không lẽ đang ở Trần quốc? Du Li Cốc thực sự là do Trần quốc dựng nên? Tường Vi và Nguyệt Phách ở đâu? Nàng nhất định phải biết được đáp án này.
Thế nước của Lương Gia rất mạnh, mặt sông rộng mấy trăm trượng, chảy qua các nước Tống, Tề, sóng vỗ bạc đầu. Lương Giang nhiều ao hồ đổ vào, như một viên minh châu trong lãnh thổ Trần quốc. Trừng Hồ là hồ lớn nhất Trần quốc, bốn thành xung quanh đều là vựa cá và lúa của cả nước.
Kinh đô Trần quốc Trạch Nhã nằm ở phía đông của Trừng Hồ. Trong thành có hàng vạn gia đình sống thủy cư, buôn bán trên thuyền là một nét văn hóa đặc trưng của Trạch Nhã.
Con thuyền màu đen len lỏi trong thành, đội ngũ đã vào thành từ sáng sớm, Vĩnh Dạ vén rèm lên nhìn ra ngoài. Các ngư dân nhường đường đứng thành một hàng dài, ai cũng xách thùng gỗ lớn đựng cá, trên thùng còn treo những xâu tôm lớn vỏ xanh nhảy tanh tách.
Vĩnh Dạ mỉm cười. Những con tôm này mà bỏ đầu, cho thêm gừng tỏi vào rán thì đúng là mỹ vị nhân gian. Được ngồi cùng một đám bạn ở giữa chợ đêm nữa, mang theo một két bia lạnh, tay bóc tôm dính đầy dầu mỡ, sống như thế mới là sống.
Còn cuộc sống hiện nay là gì? Là tính toán, là giăng bẫy, là phòng bị. Mạng sắp không còn, ai còn tâm trí đâu mà thưởng thức tôm? Vĩnh Dạ cười ha hả. Con người là thế, không có cái gì thì ao ước cái ấy. Có lẽ nếu chỉ làm một bách tính bình thường, cả ngày phải buồn rầu vì tô thuế, chống lại sự áp bức của quyền lực mà không thể phản kháng thì lại khát khao quyền lực.
Nàng thả rèm xuống.
Trạch Nhã đối với nàng mà nói không quá xa lạ. Rất nhiều năm trước, trong thư phòng của Đoan Vương, nàng đã quan sát tỉ mỉ sơ đồ của Trạch Nhã. Tòa thành này trông có vẻ như được xây dựng trên đất bồi, trong thành cầu bắc ngang dọc, phố xá dày đặc như mạng nhện, nhưng nơi xây dựng Trần cung lại là một khoảng đất bằng vô cùng rộng rãi.
Một dịch đạo thẳng tắp nối thẳng từ ngoại thành vào trong, ở trung tâm có một quảng trường khá rộng, Hoàng cung nước Trần nằm nơi đó.
Từ xa nhìn lại, đình đài lầu các một màu liên miên bất tuyệt. Trạch Nhã là bình nguyên, có được địa thế này chắc chắn là do sức người đào đất để thay đổi địa thế, như vậy mới có thể xây dựng được các cung điện cao thấp khác nhau. Những nơi mắt nhìn thấy được đều là các hành lang dài đỏ rực như những cây cầu nối tiếp nhau.
Cảnh sắc tinh tế đan xen, trong sự dày đặc lại có sự thoáng đãng. Thêm một lầu là nhiều, thiếu một lầu lại cảm giác khuyết cái gì đó, quan trọng hơn là thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo thể hiện được khí chất của Hoàng cung.
Hoàng cung An quốc tường đỏ ngói vàng, hoàng cung nước Trần thì có nóc nhà màu nâu tôn lên bức tường phấn trắng như tuyết. Nếu so sánh với kinh đô An quốc thì Trạch Nhã trông quyến rũ hơn. Nếu Trạch Nhã là một nữ nhân mềm mại, tao nhã, thì kinh đô An quốc lại là một phụ nhân trưởng thành quý phái và hào khí.
Được coi là một trong ba cường quốc, Trần quốc tất phải có chỗ đáng tự hào củ a n ó.
So ra thì Vĩnh Dạ thích sắc điệu của cung Trần Vương hơn, tao nhã mà phóng khoáng.
Dịch trạm của Trần quốc cũng rất độc đáo, không giống dịch trạm ở kinh đô, viện tử này nối tiếp viện tử kia. Bước vào gian chính của dịch trạm, hành lang khúc khuỷu, mỗi một viện tử lần lượt dẫn tới một hồ nước. Mỗi một viện lạc đều được cấu tạo bởi mấy tòa tiểu lầu, vừa độc lập lại vừa liên kết. Đưa mắt nhìn ra, bốn năm viện lạc bao quanh hồ được xây dựng trên mặt nước, cách nhau một hồ nước, không ảnh hưởng gì tới nhau. Vậy mà đối diện lại có một doanh trại thủy quân, cách bố trí này khiến Vĩnh Dạ cảm thấy chỉ có cửa chính mới là lối vào duy nhất.
- Đây là Yên Vũ lầu mới sửa lại cho Vĩnh An Hầu, Hầu gia có thích nơi này không? - Giọng nói lạnh lùng của Dịch Trung Thiên vang lên từ ngoài cửa.
Lại một kẻ không ngưng thần là không phát giác ra! Vĩnh Dạ thở dài, nàng không thể nào mạnh mẽ được đủ để đối kháng với Dịch Trung Thiên và Phong Dương Hề. Quay đầu lại, mặt nở nụ cười, nói: - Trên nước Phiêu Diêu Cư, trên hồ Yên Vũ lầu! Khá lắm. Tên rất hay.
- Nghe nói ở An quốc đường bộ là chính, ít người biết bơi lội.
Vĩnh Dạ nhìn mặt hồ ngoài kia, cười nói: - Đúng thế, có điều phương Bắc giỏi chiến trên ngựa, có lẽ quân Trần lại không quen.
Dịch Trung Thiên âm thầm biến sắc, ẩn nhẫn nói: - Hôm nay Hoàng thượng tổ chức yến tiệc trong cung, mời Vĩnh An Hầu nghỉ ngơi giây lát rồi chuẩn bị. Tôi ở ngoài dịch quán chờ ngài.
- A! Cuối cùng cũng được gặp Tụ Nhi rồi! Đa tạ Dịch tướng quân nhắc nhở!
- Thần sắc vui vẻ của Vĩnh Dạ khiến Dịch Trung Thiên không nén được nộ khí trong lòng, phất tay áo bỏ đi.
- Dịch tướng quân xin dừng bước! - Vĩnh Dạ mỉm cười. - Người của tôi không giỏi thủy tính, viện lạc ở đây mà có thích khách lặn dưới nước thâm nhập, dùng lửa đốt cháy hành lang... thì phải ứng phó thế nào?
Đôi con ngươi Dịch Trung Thiên co rút lại như mũi châm, lạnh lùng đáp: - Mời người có võ công cao cường dùng khinh công tương cứu!
- Nếu có thêm tiễn thủ lăng không bắn tới, như thế chẳng phải sẽ thành tấm bia sống hay sao? Tôi muốn hỏi, Trần quốc có kế sách nào vẹn toàn không? -
Vĩnh Dạ trông có vẻ rất lo lắng và rất sợ chết.
- Dịch mỗ sẽ tới ở dịch quán, Vĩnh An Hầu cứ an tâm. - Dịch Trung Thiên nói đúng ý nàng.
Vĩnh Dạ nhìn hắn bỏ đi, tâm trạng thoải mái lạ thường, chắp tay sau lưng thong thả ngắm nghía cách bài trí trong phòng. Đầu thú bằng đá tạc ngoài cửa ngăn cách cửa chính với cửa sổ, từ dưới cột hiên nhà có thể ngắm được nóc nhà, nàng nhìn mãi khiến Lâm Đô úy và Ỷ Hồng đều lộ vẻ lo lắng tới mức đỏ bừng cả mặt, bấy giờ nàng mới mỉm cười ngồi xuống: - Sao thế?
- Thiếu gia, rốt cuộc là có chuyện gì, nghe mãi chẳng hiểu người nói gì!
Lâm Hồng thì nói: - Hầu gia nhìn ra cái gì rồi chăng?
Vĩnh Dạ nhìn Lâm Hồng tán thưởng, cười hỏi: - Lâm Đô úy cảm thấy bố trí của Yên Vũ lầu này thế nào?
Lâm Hồng kiêm luôn hộ vệ của Vĩnh Dạ, tới nơi ở mới, đương nhiên đều phải quan sát tỉ mỉ khắp nơi. Thấy Vĩnh Dạ hỏi vậy bèn đáp: - Nơi này có một hành lang bắc ngang mặt nước nối với bên ngoài, hơn nữa chủ nhân căn nhà cầu sự thanh tĩnh, ngăn cách nhà ngoài bằng cửa vòm. Gần nước, đón gió, cảnh sắc tuyệt đẹp.
- Đây là loại gỗ thông thượng hạng, phương Nam ẩm ướt, gỗ thông đa phần là bị mối mọt đục lỗ, thường thì không dùng loại gỗ này. Hơn nữa gỗ vẫn còn mới, nước sơn cũng mới. Gỗ thông là loại ngậm dầu, cửa vòm rất hẹp, nội thất ở lầu hai. - Vĩnh Dạ nói một mạch rồi vui vẻ nhìn hai người.
Lâm Hồng và Ỷ Hồng đều biến sắc mặt. Căn lầu này nằm đơn độc trên một bãi cát bồi. Nếu lửa mà nổi lên thì chắc chắn có thích khách mai phục sẵn. Vĩnh An Hầu không biết võ công không bị thiêu cháy thì cũng chết đuối. Nếu phát động thủy quân, bao vây dịch quán thì không ai thoát được.
- Dịch Trung Thiên thật là độc ác.
- Thế nên ta cần hai người có chuyện gì xảy ra, nếu cửa vòm bị chặn thì cứ ở bên ngoài hô to là được. Nhớ đấy, cần chửi thì chửi cần khóc thì khóc, cần chạy thì chạy!
Chữ cuối cùng Vĩnh Dạ nhấn rất mạnh, gương mặt Lâm Hồng cũng trở nên nặng nề hơn.
Lời nàng nói quá rõ ràng khiến ông vô cùng cảm động. Nếu Vĩnh Dạ không nói, một khi có chuyện, hàng trăm Báo Kỵ nhất định sẽ thí mạng tương cứu, thương vong chắc chắn vô cùng thảm khốc.
- Đa tạ Hầu gia! Mạt tướng biết nên làm thế nào.
Biết rằng mình phải chết mà vẫn bất chấp tất cả, Vĩnh Dạ lại càng thích người của thế giới này. Ở hiện đại, sóng chết quan trọng hơn tất cả, những người coi sinh mạng như cỏ rác như nàng, có giết hàng trăm lần cũng không hết tội.
Vĩnh Dạ cười cười: - Về An quốc nói với phụ vương ta, ta nhất định sẽ về nhà.
- Hầu gia, bảo trọng! - Lâm Hồng rảo nhanh bước chân ra ngoài, lưng ưỡn thẳng, bàn tay siết chặt thành quyền. Vĩnh Dạ nghĩ, nàng có nên thành toàn cho ông không?
Ỷ Hồng lại quỳ thụp xuống, ngẩng đầu nhìn Vĩnh Dạ, mặt giàn giụa nước mắt: - Ỷ Hồng có lỗi với thiếu gia, không nên... nói chuyện thiếu gia biết võ công cho Lâm Đô úy.
Vĩnh Dạ ngồi xổm xuống, ôm lấy mặt Ỷ Hồng, thấy ánh mắt xinh đẹp của nàng ấy chất chứa đầy sự ăn năn và hối hận. Nàng bỗng dưng hỏi: - Có phải khi thích một người thì sẽ không có bí mật gì với người đó?
- Ỷ Hồng...
- Không cần phải nói, bao năm qua ngươi đối với ta rất tốt. Ta vốn cũng muốn Lâm Hồng cưới ngươi. - Vĩnh Dạ thở dài, đỡ Ỷ Hồng dậy - Trước khi đi phụ vương đã dặn dò thế nào?
- Khi cần thiết... để thiếu gia thoát thân!
Vĩnh Dạ ngưng thần nhìn Ỷ Hồng, hơi nghi hoặc: - Ỷ Hồng, vì sao ngươi trung thành với phụ vương ta thế?
Ỷ Hồng đáp khẽ: - Nô tì cùng Lãm Thúy và Nhân Nhi đều là cô nhi sau trận chiến ở Tán Ngọc Quan, là Vương gia đã thu nhận chúng tôi. Nếu không có Vương gia, chúng tôi không biết đã bị bán đi tận nơi nào. Bách tính ở Tán Ngọc Quan có những nhà còn lập bài vị trường sinh của Vương gia trong nhà để thờ cúng.
Vĩnh Dạ không muốn nghe những điều này. Nàng không có tình cảm với An quốc, không có hứng thú với việc tranh quyền đoạt vị của các Hoàng tử, càng không quan tâm tới việc tam quốc tranh hùng, xưng bá thiên hạ.
- Thiếu gia, An quốc mà không có Vương gia thì không biết bách tính phải chịu bao nhiêu khổ sở. Bao năm qua, ngoài lần nước Trần xuất binh xâm chiếm thì An quốc không có chiến sự gì. Đánh trận sẽ chết rất nhiều người. - Ỷ Hồng dường như nhớ lại gia đình và cha mẹ mình, giọng nói cũng trở nên buồn bã.
- Lâm Đô úy có chịu nhìn ngươi chết không?
Ỷ Hồng ngẩng đầu lên lưng ưỡn thẳng: - Chúng tôi nhận đại ân của Vương gia, cam tâm tình nguyện! Thế nên thiếu gia, tối nay tan yến trở về, Ỷ Hồng sẽ thay người vào tòa tiểu lầu này. Chàng còn phải đưa huynh đệ của chàng về An quốc, lại còn phải truyền tin cho thiếu gia. Chàng chỉ có thể nhìn tôi chết.
Vĩnh Dạ mỉm cười. Người nào cũng sẵn sàng vứt bỏ mạng sống vì tình vì nghĩa, nàng lại không được như thế. Nàng là thích khách, là thích khách máu lạnh giết người không chớp mắt.
- Ngươi cảm thấy thiếu gia nhà ngươi là người đoản mệnh sao?
Ỷ Hồng ngẩn người.
- Mang triều phục tới đây, có lẽ Dịch tướng quân sốt ruột lắm rồi.
Trong Trần cung, Phi Yến lầu là hùng vĩ nhất.
Nước Trừng Hồ được dẫn vào cung, bùn đất, cát đá nổi lên chất thành cao đài, mùa mưa, từng đàn yến bay lòng vòng trên không, tiếng chim líu lo, bởi vậy mới có cái tên này.
Thọ yến của Trần Vương được thết tại đây.
Trước mặt là một hồ nước trong veo, Trần cung thu trọn trong đáy mắt. Tình cờ hôm nay có một cơn mưa bụi ngang qua, mọi tân khách đều nhìn thấy cảnh đẹp đàn yến tụ hội.
Vĩnh Dạ ngồi ở hạ thủ của Trần Vương. Trần Vương chưa tới nàng đang quan sát Tề Thái tử ngồi đối diện.
Khoảng chừng hai mươi tuổi, thân hình như cây tre, bộ long bào bằng gấm màu đen khiến gương mặt chàng càng trở nên nhợt nhạt, thần sắc toát lên vẻ u uất tột cùng.
Vĩnh Dạ nhìn chàng mà buồn cười, mình là bôi thuốc dịch dung để đóng giả người bệnh tật ốm yếu, còn Thái tử Yến lại là yếu đuối bẩm sinh. Nhìn xuống dưới, sứ thần các tiểu quốc cùng tam đại phu Trần quốc, Tả Hữu đại tướng quân, văn võ bá quan đều ngồi kín đặc.
Dịch Trung Thiên đã thay một bộ võ phục, ngồi chếch đối diện với Vĩnh Dạ, sứ thần của Tây Lương tiểu quốc ở hạ thủ, khí thế lấn át Thái tử Yến khiến chàng càng không giống Thái tử. Tây Lương sứ thần đều rất trấn tĩnh, Thái tử Yến bị Dịch Trung Thiên liếc một cái, vội vàng chuyển mắt đi nơi khác.
Vĩnh Dạ thở dài, ba nước lớn đưa tới hai kẻ bệnh tật, lại còn là thiếu niên, Trần Vương mà nhìn thấy chắc là vui lắm.
Tiếng chuông vang lên, tơ trúc đồng tấu. Một nam hai nữ thong thả đi vào từ ngoài Phi Yến lầu.
Trần quốc là quê hương của tơ lụa, bào phục trắng tinh, tay áo rộng vài thốn, trên hoàng bào được thêu thủ công vô cùng tinh xảo, con rồng thêu bằng chỉ vàng như chực bay ra.
Trần Vương khoảng chừng bốn mươi, ngũ quan thanh tú, trong vẻ uy nghiêm toát lên sự nho nhã và thư sinh. Ngọc Tụ rất giống ngài. Bên cạnh ngài là một nữ nhân xinh đẹp, nhìn phục sức cũng biết đó là Hoàng hậu.
Bước vào lầu, Trần Vương dừng lại bên cạnh Vĩnh Dạ. Đường nhìn thoáng qua, Vĩnh Dạ ngậm cười cúi đầu, ánh mắt lướt qua Trần Vương, nhìn chằm chằm vào Ngọc Tụ công chúa.
- Nghe nói Vĩnh An Hầu tới nước Trần đã chịu nhiều vất vả? Trẫm rất tự trách mình, đã hạ lệnh dốc toàn lực truy tìm hung thủ.
Giọng ngài nghe rất hiền hòa, như hơi rượu trong gió xuân, Vĩnh Dạ cười nói: - Phiền Hoàng thượng nhọc lòng. Không biết Thái tử điện hạ có sợ hãi gì không?
Thái tử Yến khựng lại, xua tay liên tục: - Ta rất khỏe, dọc đường bình an.
Vĩnh Dạ mỉm cười, đương nhiên là ngươi khỏe rồi, trong ba nước luôn có một nước cần lôi kéo, một nước cần đối phó. Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh chống Tào Tháo chẳng phải cũng là như thế? Nàng lại cúi người trước Trần Vương: - Vĩnh Dạ không may mà thôi. Hoàng thượng không cần lo lắng quá.
Trần Vương mỉm cười.
Sứ thần các nước đua nhau dâng danh sách quà mừng, quà của An quốc là phong phú nhất.
Vĩnh Dạ chăm chú nhìn gương mặt tái xanh của Dịch Trung Thiên, chắp tay cười nói: - Hoàng thượng, Vĩnh Dạ bất tài, tháng Tám nghênh đón công chúa. Sau lần ly biệt ở kinh đô, Vĩnh Dạ ngày đêm tương tư, lần này sang Trần có chuẩn bị riêng lễ vật cho nàng, hy vọng nàng sẽ thích.
Ngọc Tụ công chúa ngồi bên trên, nghe vậy không thể không nhún mình cười nói: - Đa tạ Hầu gia!
Trần Vương nhìn sắc mặt của Vĩnh Dạ, rồi lại liếc nhìn Thái tử Yến. Hoàng đế tiếp theo của Tề quốc trông vô cùng yếu ớt, nước Tề có mạnh mẽ đến đâu thì dần dần cũng suy yếu. Còn An quốc có mấy vị Hoàng tử tranh chấp với nhau, Trần quốc chỉ cần ngồi chờ cơ hội xưng bá. Gương mặt ông dần dần bừng sáng, cằm gật nhẹ, ra hiệu khai yến.
Vĩnh Dạ trông có vẻ như đang say sưa thưởng thức ca vũ, nhưng thực tế lại đang chú mục tới Thái tử Yến ngồi đối diện. Người này ngoài bộ trang phục Thái tử bọc bên ngoài ra thì chẳng có nét gì gọi là vương giả. Nàng nhớ tới Nguyệt Phách đã về nước Tề, bèn nảy ý định kết thân với Thái tử Yến. Nàng nâng tách trà lên, cười nói: - Vĩnh Dạ lần đầu tiên đi sứ, điện hạ cũng thế, Vĩnh Dạ kính điện hạ một ly. - Dứt lời liền uống cạn ly rượu.
Thái tử Yến vội vàng nâng ly rượu trong tay lên, nhấp một ngụm nhỏ, gương mặt nhợt nhạt lập tức ửng đỏ, ngượng ngùng nói: - Nghe nói sức khỏe Vĩnh An Hầu không tốt, nhưng tửu lượng lại hơn ta rất nhiều, hổ thẹn!
Nhìn cách uống rượu cũng có thể nhận ra tính cách một người. Nghe nói Tề Vương trị quốc rất giỏi, thống nhất ba mươi sáu bộ tộc không phải bằng vũ lực mà nhờ vào đức hạnh. Thái tử Yến cũng có khả năng như thế sao?
- Ha ha, tôi đâu biết uống rượu, chẳng qua là... muốn lấy lòng công chúa thôi! - Ánh mắt Vĩnh Dạ nhìn Ngọc Tụ như si như mê. Giọng nàng không lớn không nhỏ, nhưng vừa đủ để Ngọc Tụ ngồi bên trên nghe thấy.
Trên gương mặt xinh đẹp ấy ánh lên một vẻ khinh bỉ và nộ ý. Trần Vương thì mỉm cười: - Ngọc Tụ phải kính Vĩnh An Hầu ba ly mới đủ lễ nghĩa.
Ba ly? Rượu này vào họng mới thấm lâu, tưởng chừng nhẹ nhưng uống một ly đã thấy một luồng khí nóng trong bụng bốc lên, thậm chí có thể say. Ba ly uống vào, muốn mình thành trò cười sao? Một mặt muốn gả công chúa đi, mặt khác lại muốn mình mất thể diện. Quả nhiên Trần Vương không có ý định gì tốt đẹp.
Tửu lượng kiếp trước ngàn ly không say, kiếp này, ba ly có lẽ cũng không sao. Vĩnh Dạ vội vàng đứng lên cười nói: - Công chúa rót rượu, đừng nói ba ly, cho dù ba trăm ly Vĩnh Dạ cũng phải uống?
Ngọc Tụ rời gót sen, lấy một ly rượu trong tay cung nữ ra đưa cho Vĩnh Dạ.
Đây là lần đầu tiên hai người ở gần nhau đến thế. Khi nhận ly rượu, Vĩnh Dạ hơi ngả người về trước, thấp giọng nói: - Quà tôi tặng công chúa là một chiếc váy.
Sắc mặt Ngọc Tụ lập tức thay đổi, Vĩnh Dạ đã uống cạn ly rượu trong tay, vui vẻ chờ ly thứ hai.
Ngọc Tụ giận dữ đưa thêm ly rượu nữa, lúc đón lấy chiếc ly Vĩnh Dạ nhân tiện nắm lấy tay nàng. Nàng là thê tử sắp cưới của mình, sờ tay một chút không gọi là trêu chọc, mà gọi là thân mật! Vĩnh Dạ đắc ý nắm chặt bàn tay trắng trẻo, mềm mại của Ngọc Tụ.
Hành động này rất khẽ, bàn tay bị che bởi tay áo dài nên không ai nhìn thấy.
Ngọc Tụ rút mạnh tay về, ly rượu chao đảo. Nàng nghiêng người tránh đi, Vĩnh Dạ tiện tay kéo nhẹ, với sự khéo léo ấy, Ngọc Tụ không phòng bị làm sao có thể tránh được? Vĩnh Dạ nhẹ nhàng ôm lấy thắt lưng nàng ta, phất nhẹ tay áo, che ly rượu đó cho nàng.
Công chúa, ta không muốn phải đền nàng thêm một chiếc váy nữa đâu. -
Vĩnh Dạ thì thầm thân mật bên tai Ngọc Tụ.
Ngọc Tụ tức giận trợn tròn mắt, rảo bước bỏ đi. Nhưng thân thể không nhúc nhích được, cúi đầu nhìn xuống, Vĩnh Dạ đang giẫm lên vạt váy của nàng, lúc này ca vũ trong lầu đang đến hồi hay nhất, nhưng những ánh mắt nhìn họ vẫn không hề ít. Ngọc Tụ xấu hổ đỏ bừng mặt, nghiến răng nói nhỏ: - Lý Vĩnh Dạ, đây là Trần quốc!
Vĩnh Dạ không hề nhìn nàng, mà nhìn những sợi gân xanh đang nổi lên trên trán Dịch Trung Thiên ở đối diện, cười nói: - Hoàng thượng! Vĩnh Dạ muốn ở lại Trần quốc thêm vài ngày nữa, tháng Tám đón công chúa cùng về An quốc luôn!
- Ha ha, được! Vĩnh An Hầu là muội phu của Trẫm, là một nửa con dân của Trần quốc, Trẫm phê chuẩn. - Trần Vương dường như không hiểu rõ sự tình, tâm trạng rất tốt.
- Chúc mừng Hoàng thượng! Chúc mừng Vĩnh An Hầu! - Tiếng chúc mừng vang lên không ngớt, Vĩnh Dạ hồi lễ hết thảy.
- Ngươi giẫm lên váy ta rồi. - Ngọc Tụ quát khẽ.
- Công chúa, vẫn còn một ly rượu! Cười với ta đi, lần trước... Vĩnh Dạ nhớ mãi điệu bộ hờn dỗi, xinh đẹp của công chúa.
Mắt Ngọc Tụ như tóe lửa, hít sâu một hơi, nở một nụ cười diễm lệ, đưa ly rượu thứ ba cho Vĩnh Dạ, bấy giờ Vĩnh Dạ mới chịu nhấc chân ra. Trước khi bỏ đi, nàng còn quay lại trừng mắt nhìn Vĩnh Dạ, hạ giọng, buông một câu: - Ta sẽ giết ngươi.
Vĩnh Dạ mỉm cười không nói.
- Vĩnh An Hầu được giai nhân ghé mắt, ta thật ngưỡng mộ. - Thái tử Yến mỉm cười.
Vĩnh Dạ cười hỉ hả, nói: - Thiên hạ tứ mỹ thì có hai người ở Tề, điện hạ vì sao còn ngưỡng mộ Vĩnh Dạ?
Ánh mắt Thái tử Yến lóe lên một vẻ kiêu ngạo: - Tiếc là tiểu muội của ta không có phúc phần ấy, không được gả cho một người có phẩm mạo như Vĩnh An Hầu!
Vĩnh Dạ cầm ly rượu đi tới trước mặt Thái tử Yến: - Tôi với điện hạ mới gặp mà như đã quen biết từ lâu, liệu có thể cho Vĩnh Dạ vinh dự ngồi cùng bàn trò chuyện?
Thái tử Yến tâm tư trong sáng, cũng chẳng mấy khi được đi sứ nước ngoài, trong yến tiệc, các đại thần của chàng đều ngồi cách xa, cảm thấy rất cô đơn, bèn mỉm cười nhường chỗ.
Vĩnh Dạ thong thả ngồi xuống, say sưa thảo luận với Thái tử Yến về phong thổ đất đai của nước Tề.
Thái tử Yến thấy Vĩnh Dạ nói tới rất nhiều kỳ trân dị bảo của Tề quốc thì không còn giữ vẻ xa cách, trong lòng càng thấy gần gũi hơn, bèn chọn những chuyện thú vị để kể cho Vĩnh Dạ nghe.
Kinh đô nước Tề, Thánh Kinh, phồn hoa không kém gì Trạch Nhã, khách thương qua lại nườm nượp.
Bách tính Thánh Kinh đôn hậu, tối không cần đóng cửa, đi đường không nhặt của rơi.
Thánh Kinh phong cảnh như tranh vẽ, mùa đông có lá phong đỏ rực trên nền tuyết trắng, mùa hè phố phường náo nhiệt, gần như không có đêm.
Vĩnh Dạ vô cùng háo hức.
Bổn tướng quân thấy Hầu gia tửu lượng rất tốt, liệu có thể di ngọc sang đây?
- Dịch Trung Thiên ở bàn bên kia nâng ly rượu lên.
Vĩnh Dạ chắp tay chào Thái tử Yến: - Có cơ hội nhất định sẽ sang nước Tề du ngoạn, điện hạ đừng quên bằng hữu này nhé.
- Vinh hạnh của ta!
Nàng bật cười ha hả, đi tới bàn Dịch Trung Thiên, thong thả ngồi xuống: - Dịch tướng quân, Vĩnh Dạ kính ngài một ly! Dọc đường có ngài hộ tống nên lễ vật mới bình an tới được Trạch Nhã, Vĩnh Dạ vô cùng biết ơn!
Dịch Trung Thiên chỉ nâng tay lên, một hơi uống cạn: - Vĩnh An Hầu đa mưu túc trí, đám sơn tặc đó đã nhìn nhầm người nên mới tự tìm đường chết.
Vĩnh Dạ đột nhiên nhận ra kỳ thực Dịch Trung Thiên rất biết chịu đựng.
Nàng lén nhìn Trần Vương hiền hòa, thở dài nói: - Dịch tướng quân vừa ngồi xuống đây là cả Phi Yến lầu này không ai có được khí thế như ngài nữa rồi.
- Dịch mỗ chỉ là hạng võ phu tầm thường, không được thiếu niên phong lưu như Vĩnh An Hầu.
Đừng nói thế, con người đều sẽ già mà. Công chúa năm nay mười sáu, so với Dịch tướng quân còn kém một giáp. Vĩnh Dạ tuy sức khỏe hơi yếu một chút nhưng ngoại hình còn coi được. - Vĩnh Dạ cười ha hả.
Sự khinh bỉ hiện lên trên gương mặt Dịch Trung Thiên. Hắn thong thả nói: - Ngày nay thiên hạ chia làm ba. Tề quốc sở trường mã chiến, An quốc giỏi phòng ngự, Trần quốc thủy chiến nổi danh thiên hạ. Nhưng Tề Vương đã già, ba vị Hoàng tử của An quốc hình như không phục lẫn nhau. Ngô hoàng thì đang tráng kiện. Tuy rằng Vĩnh An Hầu bệnh tật ốm yếu, nhưng hổ phụ tất chẳng sinh khuyển tử, nếu muốn thống nhất thiên hạ, theo Hầu gia thì như thế nào?
- Ha ha, Dịch tướng quân quả nhiên thích nói chuyện Tam quốc! Vĩnh Dạ vỗ bàn cười. Ánh mắt nàng đảo tròn trên người Thái tử Yến, nheo mắt nói: - Nghe nói Đại Giải An lão thái gia của Tề quốc mới đóng cho quân Tề năm mươi chiếc chiến thuyền, không biết sức chiến đấu của thủy sư nước Tề so với nước Trần như thế nào?
- Vĩnh An Hầu hãy nghĩ xem nếu thủy sư nước Tề đi tới sông Tần thì quân đội nước An sẽ thế nào đi!
- Ha ha, chẳng lẽ Dịch tướng quân không biết rằng Tam điện hạ nhà chúng tôi mới cầu hôn Tứ tiểu thư của An gia sao?
Ý câu ấy là An quốc và Tề quốc đã liên hôn, nước Trần đừng mong đứng giữa thọc gậy bánh xe.
Gân xanh trên trán Dịch Trung Thiên càng nổi rõ hơn, ánh mắt liếc qua Vĩnh Dạ, nhìn Thái tử Yến, nói: - Tam điện hạ của An quốc chịu cưới con của một thương gia, Trần quốc nguyện gả công chúa cầu thân. Thiên hạ chia ba, muốn hợp nhất lại không dễ đâu.
Vĩnh Dạ chớp mắt, trên mặt lộ vẻ nuối tiếc: - Thì ra Dịch tướng quân không phản đối việc Vĩnh Dạ cưới công chúa à!
Làm Vĩnh Dạ cứ lo mình cướp người trong mộng của tướng quân!
Dịch Trung Thiên bị câu nói ấy làm sặc, khí huyết đảo lộn, hừ lạnh một tiếng, thò tay vào ngực, lấy ra một vật đặt nhẹ lên bàn: - Cái này là một thuộc hạ vô tình nhặt được, hình như là kiểu dáng của An quốc, Vĩnh An Hầu giúp bổn tướng quân nhìn xem.
Vĩnh Dạ vừa thoáng liếc qua, máu huyết toàn thân như đông cứng lại. Nếu nàng nhớ không lầm thì trước khi rời khỏi An quốc, nàng còn cài lại cây trâm này cho Tường Vi. Tường Vi đang ở trong tay Dịch Trung Thiên! Nguyệt Phách thì sao?
Nàng không biết là do rượu quá mạnh hay vì mình lo lắng quá độ mà trong lòng như có ngọn lửa đang thiêu đốt. Nàng tiện tay cầm lên xem, cười nói: - Đúng là kiểu dáng của An quốc. Nhưng bổn hầu không thích công chúa cài món đồ trang sức nào do nam nhân khác tặng đâu!
Ánh mắt Vĩnh Dạ dán chặt vào Dịch Trung Thiên. Nàng lạnh lùng nghĩ, mang Tường Vi ra để uy hiếp ta, ta sẽ để ngươi chế phục sao? Cho dù Nguyệt Phách trong tay ngươi, trừ phi ta cứu được họ ra, nếu không thí thêm mạng mình thật là phí hoài, đạo lý này ta đã hiểu từ kiếp trước rồi.
Nhìn nàng như người say, nhưng không tỏ vẻ gì là kinh ngạc. Dịch Trung Thiên không phân biệt nổi là Vĩnh An Hầu đang thất kinh hay bình tĩnh.
Hắn uống một ngụm rượu, nói: - Dịch mỗ rất khâm phục sự trấn tĩnh của Hầu gia. Không biết khi thích khách tới, Hầu gia đối phó như thế nào?
Vĩnh Dạ cười ngơ ngẩn: - Dịch tướng quân nghĩ sao?
Dịch Trung Thiên nhìn cây trâm, nụ cười nở trên gương mặt: - Đương nhiên là trốn đi, để ta bắt thích khách rồi mới ra.
Hắn định làm gì? Định giết Phong Dương Hề ư? Hiểu tâm ý ta như vậy sao?
Cuối cùng Vĩnh Dạ không nhịn được, cười to thành tiếng: - Dịch tướng quân nói đúng ý bổn hầu rồi. Đương nhiên là thế, bổn hầu không biết võ công, không trốn đi thì chẳng lẽ để thích khách giết mình sao?
- Ừm, Hầu gia thật thông minh, bắt được thích khách, Dịch mỗ sẽ mời Hầu gia và bằng hữu cũ cùng uống rượu.
Trái tim Vĩnh Dạ như rơi xuống vực thẳm, họ thực sự đang nằm trong tay Dịch Trung Thiên. Nàng lại nâng ly lên: - Vĩnh Dạ coi như là một nửa con dân của Trần quốc, làm gì có chuyện không giúp ngài? Chúc tướng quân mã đáo thành công, sớm bắt được thích khách, bớt đi một đối thủ!
Giờ Dậu, ca vũ đã tàn.
Vĩnh Dạ cáo từ Thái tử Yến, lên xe ngựa trở về dịch quán.
Ngoài kia mưa gió não nề, màn mưa như tấm rèm trắng xóa rủ xuống, bọt nước bắn tung tóe.
Vĩnh Dạ nằm trên xe ngựa, hai mắt sáng ngời. Chuyện nàng lo lắng cuối cùng cũng đã xảy ra.
Vén một góc rèm xe lên, mưa càng lúc càng to, mặt đường bắn tung tóe những bông hoa nước, nhìn không thấy đầu. Tiếng nước xối xả dội vào lòng, Vĩnh Dạ siết chặt cây trâm vàng.
Loại rượu nặng ngấm lâu, thân thể yếu ớt, trong mắt tất cả mọi người, có lẽ nàng đã say.
Một kẻ đã uống say thì vào đêm như đêm nay có lẽ sẽ nằm trong phòng ngủ một giấc tới sáng. Chỉ có điều, người nằm trong phòng để ngủ sẽ là Ỷ Hồng.
Không tới phủ Dịch Trung Thiên xem xét thì sao nàng có thể an tâm?
Các nóc nhà dưới màn mưa như sống lưng những con cá đang bơi lội trong hồ, Vĩnh Dạ xuyên qua các nóc nhà, như một con cá đang bơi qua mặt nước.
Tuy chỉ ở dịch quán Trạch Nhã hai canh giờ, nhưng không hề khó khăn để nàng hiểu rõ địa hình của Trần đô. Gian tế của An quốc đã vẽ từng tiệm ăn ở nơi này vô cùng rõ ràng, đương nhiên bao gồm của phủ Tả đại tướng quân.
Nàng như một hạt mưa bụi theo gió lướt trong màn đêm, xâm nhập vào phủ đệ của Dịch Trung Thiên.
Vĩnh Dạ không dám sơ ý, treo mình trên xà nhà, ngưng thần nín thở nhìn thư phòng còn sáng ánh đèn.
Trên ngọn đèn khắc hình hoa tiên hạc có một tia nến bập bùng, tấm bình phong che mất một nửa, ánh đèn thi thoảng vẫn chao đảo trước gió. Dịch Trung Thiên đang vẽ tranh.
Bàn tay nâng lên hạ xuống như hành vân lưu thủy, cách vẽ này... mỹ nhân tiên sinh. Vĩnh Dạ thất kinh, vì sao nàng lại nghĩ tới mỹ nhân tiên sinh?
Nàng nhớ lại bài thơ mình ngâm khi đùa ác, định ghép đôi Thanh y sư phụ với mỹ nhân tiên sinh: "Người xinh cuốn bức rèm châu. Ngồi im thăm thẳm nhăn chau đôi mày. Chỉ thay giọt lệ vơi đầy. Đố ai biết được lòng này giận ai?"
Khi đó trong mắt mỹ nhân tiên sinh rõ ràng có ánh nước lấp lánh, vẻ ai oán hiện lên trong đôi mắt đẹp khiến Vĩnh Dạ thầm vui trong lòng, vô cùng đắc ý.
Mỹ nhân tiên sinh vẽ tranh thường có một thói quen. Một bút đưa ra, trước khi hạ bút thường thích xoay nhẹ cổ tay. Mà Dịch Trung Thiên cũng vậy, bàn tay xoay nhẹ rồi mới đặt bút lên giá bút.
Hiển nhiên hắn đang vẽ một mỹ nhân, chính là Ngọc Tụ, đến thần thái cao ngạo trên gương mặt cũng được thể hiện rất sống động.
Dịch Trung Thiên khoảng chừng ba mươi tuổi, mỹ nhân sư phụ chẳng phải cũng khoảng tuổi đó sao? Vĩnh Dạ nhớ lại Thanh y sư phụ khô khan và tiếng sáo khó nghe của ông, trong lòng bỗng thấy chua xót, chẳng lẽ người mỹ nhân tiên sinh thực sự ái mộ lại là Dịch Trung Thiên? Vì chàng nhăn chau đôi mày?
Vì chàng rơi lệ?
Dịch Trung Thiên vẽ xong, đưa mắt nhìn bức tranh thất thần. Rất lâu sau mới thận trọng cuộn tranh lại rồi rời đi.
Vĩnh Dạ như cơn mưa theo gió cuốn đi, lướt nhanh vào trong phòng. Họa pháp mà mỹ nhân tiên sinh dạy, nàng vẫn chưa quên. Nàng ngẫm nghĩ, thắp đèn, lướt bút như gió, vung tay sáng tác. Cuối cùng đề một câu trên bức tranh: "Muốn bớt xiêm y, lạnh chưa qua. Không cuốn rèm châu, người ở nơi sâu. Điệp Y".
Nét bút này chắc chắn là nét chữ của mỹ nhân tiên sinh.
Nàng ẩn mình thật kỹ, Dịch Trung Thiên đã lướt vào.
Ánh nến thắp lên, Dịch Trung Thiên biến sắc, đưa mắt nhìn bức tranh bị xé vụn rồi lại nhìn bức họa mỹ nhân tiên sinh trên bàn, ngây người. Hắn cất bức tranh, bất chấp mưa gió lao ra ngoài.
Vĩnh Dạ thận trọng đi theo. Nàng đánh không lại, nhưng rất tự tin với khinh công của mình. Một đêm mưa gió đùng đùng, tâm thần Dịch Trung Thiên đã loạn, muốn để ý thấy Vĩnh Dạ thực sự rất khó khăn.
Dịch Trung Thiên nhảy lên ngựa, quất ngựa thật nhanh.
Vĩnh Dạ ngắm đúng phương hướng, bất chấp tất cả đuổi theo. Mỹ nhân tiên sinh và Thanh y sư phụ của nàng không lẽ lại đang ở Trần quốc? Du Li Cốc thực sự là do Trần quốc dựng nên? Tường Vi và Nguyệt Phách đang ở đâu? Nhất định nàng phải biết được đáp án này.
Một canh giờ sau nàng tới ngoại thành. Mưa càng to hơn, bầu trời như nứt ra, hắt vô số nước từ trên cao xuống. Khoảng cách ngoài ba trượng đã bị cơn mưa che khuất, không nhìn thấy bóng dáng ai.
Vĩnh Dạ đứng trong cơn mưa, cố vận dụng cảm nhận của toàn thân để tìm kiếm. Trong gió loáng thoáng nghe thấy tiếng ngựa hí, nàng cả mừng, điểm nhẹ mũi chân, thân thể đã lao đi như bay.
Giây lát sau, trong tầm mắt nàng xuất hiện một tia sáng, lại gần chút nữa, đó là một viện lạc có quy mô rất lớn, tòa thủy tạ sát hồ đèn đuốc sáng trưng.
Vĩnh Dạ không nghĩ ngợi gì, lập tức nhảy xuống hồ, bơi lại gần. Nàng lặng lẽ trôi lên trên mặt nước, ôm lấy cây cột, ngẩng đầu lên.
Âm thanh thì thào bị tiếng mưa cắt vụn.
- Là chủ ý tốt của nàng!
- Vì... vì sao bao năm qua...
Vĩnh Dạ không nghe rõ lắm, bèn nhờ tấm rèm trúc cuốn lên một nửa, dán người lên một cây cột ở góc thủy tạ, nhìn thấy rõ ràng mọi thứ bên trong qua khe hở của tấm rèm.
Người ngồi trên sập chẳng phải chính là mỹ nhân tiên sinh của nàng sao!
Tám năm không gặp, dung mạo người dường như cũng không thay đổi nhiều, nhưng gương mặt đã thêm vài phần khắc khổ, đôi mắt ấy khiến Vĩnh Dạ đau lòng. Đó là một đôi mắt si tình, chỉ cần là nam nhân nhìn vào cũng sẽ thấy thương tiếc.
Dịch Trung Thiên đứng trước mặt người, ném bức tranh của người xuống chân: - Vì sao? Vì sao nàng bắt phải đưa nàng ấy vào An quốc? Nàng ấy mới mười sáu tuổi.
Mỹ nhân tiên sinh cầm bức tranh lên: - Đây là chủ ý của Trần Vương, công chúa cũng cam tâm tình nguyện.
- Không lẽ ta muốn giết Lý Cốc còn cần người khác động thủ? Võ công của Lý Cốc có thể sánh được với ta không? Thực sự cần nàng ấy phải đích thân đi hành thích ư? Với chút võ của nàng ấy mà cũng muốn hành thích Lý Cốc ư? Ta thực sự nghi ngờ, Du Li Cốc nổi danh thiên hạ mà lại nghĩ ra cái chủ ý quèn này sao! Hôn sự này ta tuyệt đối không đồng ý! Ta sẽ giết Vĩnh An Hầu! Cho dù An quốc có khởi binh thì chẳng lẽ Trần quốc chúng ta lại sợ hắn?
Đừng nói là Dịch Trung Thiên, ngay cả Vĩnh Dạ cũng hoài nghi cái chủ ý ngu ngốc đó là do Du Li Cốc nghĩ ra. Nhưng Lý Ngôn Niên lại rất hi vọng Ngọc Tụ được gả tới An quốc, Dụ Gia Đế cũng thế. Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra?
- Mười ba năm trước, ta cũng mười sáu tuổi. Chàng nỡ đưa vị hôn thê của mình vào Du Li Cốc, nay chàng lại không nỡ bỏ nàng ta? - Mỹ nhân tiên sinh như một đóa hoa bị cơn mưa xối, đẹp mà đơn độc. - Khi ta ra đi, nàng ta mới ba tuổi, ta đã thua một bé gái ba tuổi ư? Là vì ta không đẹp bằng nàng ta? Hay vì ta không đủ dịu dàng? Hay là... ta không phải là công chúa?
Mỹ nhân tiên sinh nhìn bức tranh ấy chắc chắn sẽ biết là do mình giở trò. Bà có nói chuyện này cho Dịch Trung Thiên biết không? Chẳng lẽ Du Li Cốc không nói với họ thân phận của mình? Vĩnh Dạ căng thẳng suy nghĩ, nghĩ tới Thanh y sư phụ lại càng thêm cảnh giác. Người duy nhất có thể phát hiện ra hành tung của nàng trên đời này có lẽ chỉ có Thanh y sư phụ mà thôi.
Dịch Trung Thiên nhìn Trình Điệp Y rất lâu, cuối cùng ngữ khí cũng dịu dàng hơn: - Điệp Y, chúng ta là thanh mai trúc mã, ta không thể dối nàng. Trong lòng ta chỉ có một mình nàng ấy. Cho dù nàng có hi sinh nhiều đến đâu thì ta cũng không thể nào hồi tâm chuyển ý.
- Ban đầu chàng đâu có nói thế. - Mỹ nhân tiên sinh mỉm cười, bộ y phục mỏng manh trắng muốt càng tôn lên nét đẹp của người. Cử chỉ của người lúc nào cũng tao nhã, đến cả điệu bộ cau mày cũng khiến người ta thương xót.
Dịch Trung Thiên thản nhiên thừa nhận: - Ta thay lòng rồi. Cho dù nàng vì ta mà vào Du Li Cốc, mượn thế lực của Du Li Cốc để đảo loạn nội chính An quốc, thậm chí mượn đao giết người, trừ được Đoan Vương Lý Cốc, để binh mã của ta có thể xông thẳng vào Tán Ngọc Quan, để Dịch Trung Thiên ta có thể vì Hoàng thượng mà nhất thống tam quốc, dương danh thiên hạ. Giờ ta chỉ có thể nói, nàng là con dân Trần quốc, nàng đang tận trung với vua.
Mỹ nhân tiên sinh bật cười, cười ra cả lệ.
Vĩnh Dạ đã từng thấy nữ nhân điên cuồng, cũng từng thấy nữ nhân đau lòng.
Nhảy lầu cắt tay, ngôi trên phố khóc to cũng đã từng thấy, duy chỉ có cách cười của mỹ nhân tiên sinh hệt như thể đang xem "Tom and Jerry" hay "Mr.Bean" vậy, cười rất vui vẻ. Nếu không nhờ những giọt nước lấp lánh dưới ánh nến thì có lẽ nàng đã không biết rằng người ấy đang đau lòng.
- Hôn ước của chúng ta coi như bỏ, được không?
Vĩnh Dạ há miệng cười không thành tiếng, nước mưa xối vào miệng nàng, nàng suýt thì sặc. Khi nói chuyện, trông mỹ nhân tiên sinh đâu giống một người bị ruồng bỏ? Giọng người vẫn ngọt ngào, si mê, vẫn như thể đang làm nũng với tình lang.
Dịch Trung Thiên nhìn nàng chăm chú, nói: - Điệp Y, ta đã phụ nàng, kiếp sau sẽ trả.
Mỹ nhân tiên sinh biếng nhác giơ đôi chân như ngọc, xỏ vào đôi giày thêu hoa, đứng đối diện với Dịch Trung Thiên.
Nam nhân trước mặt đã trưởng thành hơn, đáng sợ hơn năm xưa, những lời ăn năn từ miệng hắn thốt ra nghe thật bình thản. Bao năm qua cô đơn trong sơn cốc, người đã vượt qua như thế nào? Chỉ vì một mình hắn, một giấc mộng.
Người mím môi cười khẽ: - Ta chờ ngày này tiều tụy cả người... Bắt Vĩnh An Hầu cưới công chúa chẳng qua chỉ là cái cớ, cái thực sự cần là đưa nó vào nước Trần. Chàng chỉ cần khống chế được Vĩnh An Hầu, Lý Cốc sẽ không dám vọng động. Thời thế của An quốc sắp thay đổi rồi, Dụ Gia Đế mắc bệnh nan y, không qua nổi tháng này đâu. Thái tử kế vị cũng được, Đại hoàng tử tranh ngôi cũng được, An quốc tất sẽ đại loạn.
Dịch Trung Thiên giật mình, kinh ngạc hỏi: - Hoàng thượng biết không?
Mỹ nhân tiên sinh gật đầu: - Đây vốn là vụ giao dịch giữa Du Li Cốc với Trần Vương bệ hạ, nếu không thì sao lại nghĩ đủ mọi cách để Ngọc tụ hòa thân khi đi đàm phán? Đó là diễn cho Dụ Gia Đế xem. Để ông ta tưởng rằng công chúa cử hành đại hôn sang An quốc mới là thời cơ động thủ, mới có thể tiêu diệt thế lực của Du Li Cốc ở An quốc, giữ công chúa trong tay làm con tin. Nhân cơ hội đó phế Hoàng hậu, Thái tử, để Đại hoàng tử mà ông ta yêu mến đăng cơ kế vị!
Nghe tới đây, Vĩnh Dạ mới ngỡ ngàng ngộ ra. Tất cả mọi việc, nào là mượn công chúa gả vào vương phủ để hành thích, nào là bắt nàng tới chúc thọ, tất cả chẳng qua chỉ là vì kiêng kỵ phụ vương nàng mà thôi.
Mười tám năm trước, có người bắt cóc nàng để uy hiếp Đoan Vương. Mười tám năm sau, đưa nàng sang Trần để bắt làm con tin, đồng thời cũng có thể khiến hai vị hoàng tử của An quốc tranh chấp quyền thế, gây ra nội loạn, khiến Đoan Vương không thể không nhúng tay vào. Với thế lực của hai vị Hoàng tử, nếu không có Đoan Vương áp chế thì An quốc chỉ chìm trong nội loạn.
Dụ Gia Đế bệnh nặng, chẳng lẽ phụ vương không hay biết gì? Chẳng lẽ phụ vương không đề phòng được nguy cơ có thể xảy ra khi Hoàng thượng đột nhiên băng hà? Dụ Gia Đế cũng không nghĩ tới điểm này sao?
Trong lòng Vĩnh Dạ đột nhiên thấy thật bi ai.
Nàng chỉ là một quân cờ. Đoan Vương đối với nàng cho dù thân thiết tới đâu thì cũng chỉ có thể coi nàng như một quân cờ chốt. Cho dù có thương yêu nàng, bảo vệ nàng tới đâu thì nàng vẫn bị ông ném lên bàn cờ.
Chẳng lẽ nàng vẫn còn chưa hiểu? Có người cha nào lại nỡ bắt con gái mình cải nam trang suốt mười tám năm trời, chỉ để che giấu tai mắt của Du Li Cốc? Ông không chỉ muốn giấu, mà còn vì Dụ Gia Đế bệnh nặng, hoàng quyền An quốc đang đi vào cuộc tranh đua ngày càng khốc liệt, ông buộc phải giấu!
Hay cho một Đoan Vương trung quân ái quốc! Vĩnh Dạ khép mắt lại, nước mưa chảy tràn trên gò má, luồn cả vào cổ, làm trái tim nàng lạnh buốt. Được rồi, vậy thì hãy làm một hiếu tử. Con sẽ không biến bản thân trở thành một con tin để họ uy hiếp cha!
Nàng quyết định xong thì định bỏ đi. Lúc này lại nghe thấy mỹ nhân tiên sinh dịu dàng lên tiếng: - Trung Thiên, mười mấy năm qua là ta cam tâm tình nguyện, chàng đã thay lòng, tay không thể xoay chuyển, coi như ta đã tận trung vì nước. Chỉ xin chàng một chuyện.
- Nàng nói đi.
Mỹ nhân tiên sinh nhìn chằm chằm vào mắt hắn, nói rõ từng tiếng: - Đừng tổn thương tới tính mạng của Vĩnh An Hầu!
Vĩnh Dạ thực sự muốn cười lớn, mỹ nhân tiên sinh của nàng còn lo nghĩ tới tính mạng cho nàng! Nàng thực sự nên cảm ơn vị sư phụ này, hay nên đắc ý vì mình có một địa vị vững chắc trong lòng mỹ nhân tiên sinh?
Dịch Trung Thiên bỏ rơi người, người không cầu xin hắn, chỉ xin hắn tha cho mình, lại còn không chịu nói cho Dịch Trung Thiên biết mình là thích khách Tinh Hồn của Du Li Cốc!
Dịch Trung Thiên mỉm cười: - Nàng an tâm, tuy rằng Lý Vĩnh Dạ không biết võ công, thân thể lại yếu đuối, nhưng không phải là người dễ đối phó đâu, ba trăm người của ta đã chết trong tay hắn. Không những thế, hắn còn mời được Phong Dương Hề làm bảo tiêu, cho dù ta muốn giết hắn thì cũng phải hỏi lưỡi kiếm của Phong Dương Hề trước đã!
- Ta chỉ cần chàng hứa, đừng giết hắn!
Dịch Trung Thiên ngạc nhiên nhìn nàng: - Vì sao?
- Đó là ý của Cốc chủ. Giữ hắn lại có ích.
- Được, ta hứa với nàng. Nhưng không phải vì Cốc chủ Du Li Cốc, mà là vì nàng.
Vĩnh Dạ hiểu rồi. Nàng cảm thấy mình quá ngây thơ nên mới cảm động vì mỹ nhân tiên sinh cầu xin cho mình, lúc này như bị dội một thùng nước lạnh. Thực sự là lạnh quá, y phục ướt sũng dán chặt vào người, cơn mưa lớn dội xối xả mà vẫn không khiến nàng thấy lạnh bằng những lời mình được nghe tối nay.
Suýt chút nữa thì quên, Du Li Cốc tưởng nàng đã trúng cổ độc, sau này An quốc nội loạn, sau khi họ hành thích phụ vương, mình vẫn đường đường chính chính là người kế thừa Đoan Vương, còn có thể tiếp tục bán mạng cho Du Li Cốc!
Nàng không muốn dừng lại, trượt vào trong hồ như một con cá, bơi tới bờ sông, thi triển khinh công lao vút về dịch trạm.
Nước mưa như những cột đá quất vào thân thể nàng, khoảnh khắc ấy, trái tim Vĩnh Dạ đã đóng thành băng. Nàng mở to đôi mắt ra điên cuồng chạy trong đêm đen, xung quanh tối đen như mực, nàng không nhìn thấy một chút ánh sáng.
Người ta đều nói trời mưa là do ông trời đau lòng rơi lệ. Đêm nay đúng là một đêm bi thương.
Thế giới này thật là xa lạ, ngay cả một điếu thuốc cũng không tìm được.
Người ở đây thật đáng sợ, ngay cả một sát thủ từ kiếp trước như mình cũng cảm thấy cô đơn.
Nguyệt Phách, Bình An y quán của ngươi nhất định phải được mở dưới ánh nắng chan hòa, ánh nắng nơi ấy chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, ấm áp hơn nơi này, như thế mới có thể làm tan chảy trái tim đã đóng băng của ta!
Y quán của ngươi nhất định sẽ kinh doanh rất tốt, như thế ngươi mới có cuộc sống sung túc, mới có thể cùng ta cười. Nụ cười của ngươi nhất định sẽ dịu dàng, rạng rỡ thì mới có thể xua tan mọi bi thương trong lòng ta.
Nếu còn có một tâm nguyện, Vĩnh Dạ hi vọng Nguyệt Phách bình an, hy vọng y thực sự có một tòa Bình An y quán. Y từng nói, nếu có một ngày nàng muốn sống cuộc sống bình thường, y sẽ nuôi nàng.
Vậy mà cây trâm của Tường Vi đang trong tay Dịch Trung Thiên, Nguyệt Phách có thể bình an rời đi không? Y còn có thể mở Bình An y quán dưới ánh nắng rực rỡ và ấm áp không?
Trái tim như bị ai đó treo lơ lửng, Vĩnh Dạ quay về dịch trạm bằng tốc độ trước nay chưa từng có.
Ỷ Hồng dựa vào cạnh bàn thiếp đi, đang ngủ rất ngon. Nàng chỉ là người hầu hạ đơn thuần của mình, nghe lệnh của phụ vương và mẫu thân bảo vệ nàng. Chỉ có người đơn thuần, trong sáng nhất mới có giấc ngủ ngọt ngào như thế.
Bàn tay lạnh lẽo của Vĩnh Dạ miết lên má Ỷ Hồng.
- Á! - Ỷ Hồng giật mình tỉnh dậy, thấy Vĩnh Dạ nhợt nhạt đứng ở đầu giường, trở mình ngồi dậy, giúp nàng thay y phục.
- Thiếu gia, mau thay y phục, đừng để cảm lạnh.
Vĩnh Dạ đờ đẫn để nàng cởi y phục của mình ra, rồi lại lấy vải khô lau sạch.
- Ỷ Hồng, vì sao ngươi trung thành với phụ vương ta thế? - Giọng nàng nghèn nghẹt như được phát ra từ một chiếc cưa.
Ỷ Hồng ngẩn ngơ, đây là lần thứ hai trong ngày hôm nay Vĩnh Dạ hỏi nàng câu ấy. Nàng vội vàng cúi đầu đáp: - Không có Vương gia thì không có tôi.
- Chẳng lẽ ngươi không muốn cùng Lâm Đô úy sống cuộc đời bình an, hạnh phúc sao?
- Thiếu gia, chúng tôi không báo được ơn thì lương tâm bất an.
Vĩnh Dạ khựng lại. Báo ơn? Một ngày là thầy suốt đời là cha? Nàng cần phải báo đáp mỹ nhân tiên sinh và Thanh y sư phụ? Đoan Vương và Vương phi là cha mẹ của nàng kiếp này, nàng cũng cần phải báo ơn?
Nàng mệt mỏi mặc y phục, cười khẽ: - Lập tức rời đi! Bảo Lâm Đô úy bảo vệ ngươi bình an về An quốc, những người khác không được kinh động!
- Thiếu gia! - Ỷ Hồng thất kinh.
Vĩnh Dạ trầm mặt: - Quên lúc ban ngày ta đã dặn gì rồi sao?
- Để tôi thay cho người, thiếu gia! Người đi đi, người với Lâm Đô úy đi đi! -
Mắt Ỷ Hồng long lanh chực khóc.
Vĩnh Dạ nhìn nàng, một nụ cười hiện lên trên khóe môi: - Sự phân ly của một cặp tình nhân sẽ khiến người ta đứt từng khúc ruột, ta không thích phân ly. Hai người đi đi, muộn rồi là không kịp nữa đâu. - Nàng móc miếng ngọc bội ra đặt vào tay Ỷ Hồng. - Đây là phù ấn của Ngọc Tụ công chúa, có thể giúp hai người bình an qua ải.
Ỷ Hồng quỳ xuống dập đầu.
Vĩnh Dạ quay người đi. Nàng đã biết chuyện, Nguyệt Phách của nàng chỉ cần có một phần khả năng đang ở tại Trần quốc thì nàng cũng không thể rời đi.
Mặt hồ mưa gió dập vùi, nàng vẫn tĩnh tâm đun trà, tất cả mọi chuyện như bộ phim quay chậm lại trong đầu nàng.
Nhớ phụ vương từng nói: - Vĩnh Dạ... con xa nhà mười năm quay về, thời gian con sống ở Vương phủ không bằng thời gian con ở ngoài, trong lòng con, đối với ta, đối với mẫu thân con có bao nhiêu thân tình? Con làm việc có nghĩ tới chúng ta không? Nếu không, con muốn gả cho ai cũng chẳng sao.
Mình đối với họ có bao nhiêu thân tình? Mình có nghĩ tới họ không? Mình có thể lý giải, thấu hiểu được cho họ không? Vĩnh Dạ nhắm mắt trầm tư. Phụ vương uy vũ hơn người, phụ vương đã từng chặt đầu người làm ghế ngồi của nàng, cả mẫu thân đoan trang hiền thục, thà bế con của nhà khác về nhà làm Thế tử chứ không chịu để phụ vương bị người ta uy hiếp.
Lần đầu tiên Vĩnh Dạ suy nghĩ kỹ càng mình là ai, mình có nên thấu hiểu hay không.
Lời của Ỷ Hồng còn vang vọng bên tai. Nàng làm việc trước nay chỉ nghĩ tới bản thân, nàng không phải là người có thể lo cho cả thiên hạ. Nhưng... Vĩnh Dạ thở dài một hơi, mở bừng hai mắt, ánh mắt lấp lánh phát sáng, nụ cười lướt nhanh trên gương mặt. Nàng không phải phụ vương, nàng không thể dùng tư duy của mình để ép buộc ông.
Nàng có bất hiếu đến đâu thì đáp ứng nguyện vọng này của phụ vương có gì là không được? Nàng nhớ tới người cha thích hát kịch của mình ở kiếp trước, mình bỏ nhà đi bụi, đâm chết người phải vào tù, từ đó không gặp ông nữa. Nàng thấy lòng mình chua xót, kiếp này nàng không muốn có thêm bằng hữu nữa, nhưng nàng lại có người nhà, và cả, Nguyệt Phách.