Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 75: Mua Rắn Làm Rùa



Châu Bá Thông chỉ bằng lòng chịu đánh chứ đâu có giao ước việc chịu đánh trúng chỗ nào. Vả lại cũng đâu có giao rằng không được tránh né! Chẳng qua Cầu Thiết Chưởng túng quá nói ngang mà thôi.

Đám thôn dân thấy dáng điệu hung hãn của họ Cầu thì đã reo hò hỗ trợ cho Châu Bá Thông, bây giờ thấy Thiết Chưởng bị bại luôn, mà còn tìm cách chống chế vô lý, bèn hè nhau vỗ tay chế giễu:

- A! Ông tướng lùn hay quá! Hay quá!

Thấy thôn dân ráp nhau chế nhạo mình, Cầu Thiết Chưởng nổi giận đùng đùng, nhãy phốc lên vung tay nhắm ngay ngực của một thôn dân đánh ào ra một chưởng.

Thiết chưởng công phu đã có sức nghiền đá vụn ra như phấn, nếu mà đánh trúng ngay vào mình của một người chỉ biết cày sâu cuốc bẩm thì kể như tính mệnh bay theo gió bụi.

Châu Bá Thông càng biết nguy hiểm đó hơn nữa, cả kinh dợm chân nhãy tới, trong lúc chàng định ra tay ứng cứu, thì bỗng nhiên...

Thủ chưởng của họ Cầu chưa kịp đụng đến ngực ngươi thôn dân, thình lình hắn ta rống lên một tiếng, văng ngược lại phía sau.

Nguyên vì lúc Cầu Thiết Chưởng vừa vung tay ra thì Trùng Dương đã lẹ làng nhãy tới, ông không dùng chưởng để đối kháng mà lại quây nhẹ cái phất trần đang cầm nơi tay qua một vòng.

Lập tức đã cuốn chặt vào cánh tay phải của Cầu Thiết Chưởng và nhanh như chớp vung ngược ra ngoài, Cầu Thiết Chưởng bị ném tung lên gần một trượng.

May nhờ hắn luyện tập công phu dồn xuống hạ thân chắc chắn nên hai chân vừa chạm đất, đã gượng thế đứng yên lại được không bị té nghiêng, họ Cầu bất giác mặt mày đỏ bừng vì xấu hổ.

Cầu Thiết Chưởng bị thêm một phen điêu đứng nữa, biết rằng Trùng Dương và Châu Bá Thông là hai tay cao thủ ít có trong võ lâm, cùng với họ tỷ thí cách nào nhất định mình cũng sẽ ở vào thế bại. Cái phương pháp duy nhất của kẻ bị thua thì trong ba mươi sáu chước, chỉ có chạy là hơn hết, nhưng hắn thấy rằng chạy như thế, lại có chỗ chưa được cam tâm.

Cầu Thiết Chưởng bèn ngó Châu Bá Thông, cười hung dử:

- Hai người dầu là kẻ có bản lãnh đấy! Nhưng còn một chưởng hãy chưa đủ số, nếu ngươi dám đứng yên một chỗ chịu ta một chưởng thì Cầu mỗ này sẽ phục lăn sát đất mà rời khỏi nơi này.

Châu Bá Thông cười ha hả:

- Cũng được! Ta đứng tại nơi đây chịu ngươi một chưởng. Nhưng, ta phải nói với sư huynh của ta vài câu đã.

Chàng bèn bước đến gần Trùng Dương kề tai nói nhỏ.

Chỉ thấy Trùng Dương cau mày, hạ giọng:

- Như thế sao nên?

Châu Bá Thông cố nói:

- Sư huynh! Tiểu đệ đã nói rồi, không thể nói lại nữa, xin sư huynh ráng cho mà.

Trùng Dương mỉm cười gật đầu.

Châu Bá Thông bèn bước ra nói lớn:

- Chú lùn, Châu lão gia sẽ đứng ở đây để chịu nhà ngươi một chưởng nữa. Nhưng có một điều này nếu như Châu lão gia không bị thương vì cái chưởng của ngươi thì hà hà... ngươi phải làm theo kiểu con rùa đen, bò đi đúng một trăm bước nghe không?

Đám thôn dân nghe nói đều cười rộ.

Cầu Thiết Chưởng giận quá, không nói không rằng gì cả vận chín thành công lực vào thiết có chưởng nhắm ngay Thái dương đại huyệt của Bá Thông đánh tới.

Đầu là phần quan trọng của lục dương, một người dầu cho luyện tập võ công đến mức độ da thịt cứng như sắt đá đi nữa, nhưng bộ phận trên đầu vẫn là nơi mềm yếu. Mà chỗ yếu hiểm hơn hết lại là Thái Dương huyệt, đánh trúng vào nơi ấy không chết cũng trọng thương.

Loading...

Cầu Thiết Chưởng nhắm vào trọng huyệt của Bá Thông quả là muốn hạ độc thủ cực kỳ hiểm ác.

Châu Bá Thông quả nhiên đứng sững không nhúc nhích, và chưởng phong của họ Cầu cũng quả nhiên đánh trúng vào huyệt đạo Thái Dương.

Lạ làm sao, chỉ nghe "bụp!" một cái, đám thôn dân kinh hoảng, tưởng rằng đầu của Bá Thông đã trúng chưởng nứt nẻ ra rồi.

Nhưng định thần nhìn kỹ, Châu Bá Thông vẫn y nhiên bất động, mà Cầu Thiết Chưởng đã quay đầu bõ chạy.

Nguyên vì trong khi họ Cầu xuất chưởng lẹ làng đánh vào yếu huyệt của Bá Thông thì Trùng Dương đã y theo kế hoạch sách định sẵn cũng lẹ làng sử dụng Nhất Dương Chỉ, chỉ khẽ nhích ngón tay hướng vào mạch môn nới cổ tay của hắn ta điểm tới.

Động tác lay khẽ non tay của Trùng Dương bị ống tay đạo bào che khuất, dầu cho ai tinh cách nào cũng không thể phát giác ra được.

Cầu Thiết Chưởng bất thình lình cảm thấy mạch môn tê điếng, thủ chưởng mềm nhũn rã rời, tuy đánh trúng ngay Thái Dương huyệt của Bá Thông, nhưng không có một chút kình lực nào cả, y như là gãi ngứa.

Bá Thông ngữa mặt cười ha hả.

Cầu Thiết Chưởng biết có chuyện mờ ám, nhưng lão ta không biết ngón Nhất Dương Chỉ mà lại cho rằng Châu Bá Thông dùng ám khí hoặc cục đạn hoặc cây kim gì đó rất nhỏ, ném đúng mạch môn làm cho chưởng phong của mình mất hẳn kình lực.

Song, vì không có chứng tích gì để tỏ rằng Bá Thông dùng ám khí, nên Cầu Thiết Chưởng không dám nói ra, sợ đối phương cười xấu hổ.

Nên lão ta đành ngậm miệng quay đầu bõ chạy.

Châu Bá Thông lớn tiếng kêu giật ngược:

- Ê! Đậu hũ chưởng! Lão gia đã nói mà không chịu tin, bây giờ lại vỗ đít bỏ chạy sao? Không được đâu! Hãy mau làm con rùa mà bò đủ một trăm bước cái đã, rồi Châu lão gia sẽ dung cho.

Cầu Thiết Chưởng nghe Bá Thông bảo mình làm con rùa bò thì cả giận hét to:

- Kẻ sĩ thì chết chứ không chịu nhục, Cầu mỗ này đầu có thể đứt, chân có thể gảy,chứ không thể làm việc đó được đâu. Ngươi đừng mong những chuyện điên rồ như vậy!

Châu Bá Thông giận dử thét lên:

- Người đã thua thì phải làm con rùa, không chịu ta bắt cũng phải làm.

Cầu Thiết Chưởng giận run:

- Nói xàm! Ngươi đã ném ám khí đánh trúng mạch môn của ta, làm cho chưởng lực của ta không giúp cho người làm quỷ được, bây giờ còn rống họng nhiều chuyện nữa à?

Châu Bá Thông cười ngất:

- Ngươi nói lão gia dùng ám khí hử?

Cầu Thiết Chưởng bị hỏi cứng họng, nói:

- Ngươi gìa hàm không chịu nhận, vậy chớ tại làm sao chưởng phong của ta vừa đánh trúng thái dương ngươi bỗng cánh tay ta tê cứng lên,

chưởng lực không phát ra được nữa?Vậy chẳng phải trong đó đã có chuyện kỳ cục hay sao!

Châu Bá Thông cười ngặt nghẽo:

- Đó là tại các chứng phong thấp của ngươi phát lên, rồi lại gán cho lão gia cái chuyện bậy bạ như vậy để cầu hòa. Không được, hãy làm rùa cho mau.

Cầu Thiết Chưởng nói dặt một:

- Không làm!

Châu Bá Thông gầm lên:

- Ngươi không chịu làm, thì Châu lão gia phải dạy cho ngươi một trận!

Dứt tiếng song chưởng ào ào, đập thẳng vào Cầu Thiết Chưởng.

Cầu Thiết Chưởng này về sau tức là Cầu Thiên Nhẫn, bang chủ của Thiết Chưởng Bang, lúc bây giờ lão ta chưa tiếp nhiệm bang chủ, nhưng đã nuôi trong lòng cái chí hướng luyện thành tuyệt kỹ võ công. Cho nên họ Cầu mới đến Tứ Xuyên này dùng tiền bạc dụ thôn dân bắt rắn, đễ luyện Độc Xà Thần Chưởng, một chưởng công kinh khiếp chưa từng có trong võ lâm, có thể trở thành vô địch trong thiên hạ xưng bá giang hồ.

Nào dè độc xà kiếm chưa đủ số, công phu cũng chưa bắt đầu luyện tập, thì gặp hai anh em Trùng Dương phá vỡ ý định của mình, thử hỏi làm sao nhịn được! Lại thêm Châu Bá Thông

làm thói con nít, muốn bắt làm rùa, họ Cầu dể đâu chịu khuất phục.

Châu Bá Thông vừa xuất chiêu, Cầu Thiên Nhẫn đã gầm lên một tiếng, cánh tay trái duỗi thẳng bàn tay lật qua, dùng ngay thế Kim Kê Tiễn Dực, nhè nhẹ hứng lấy liên hoàn chưởng của Châu Bá Thông vừa đánh tới.

Trùng Dương nhìn thấy khen thầm:

- Hay! Người này bản lãnh tuy không bằng những tay luận kiếm hoa sơn, nhưng lại mau lẹ và mạnh mẽ vô cùng, tài đó nếu được phát triển theo tháng năm ắt sẽ không khó trở thành tuyệt thế.

Hai chưởng liên hoàn đánh ra trớt tới. Châu Bá Thông lửa giận bừng bừng nhãy chồm tới đánh khỉa ba chiêu, trong phép tạp quyền.

Chiêu thứ nhất là Miên Lý Chàm của phái Võ Đang, thứ hai là Xuất Văn Thủ vốn của gia sư, và thứ ba là Thắng Quỹ Nhất Điêu Tiên đều được dùng theo thế liên hoàn nhanh như điện chớp.

Cầu Thiên Nhẫn lách bên trái né bên phải một cách chật vật khó khăn. Thầm nghĩ lạ lùng:

- Người này quyền học thâm diệu như thế, không biết y là môn đệ của phái nào?

Châu Bá Thông vốn là kẻ tính tình kỳ cục, muốn che dấu môn phái của mình để cho kẻ địch không biết đâu mà rờ, bèn áp dụng Đóa Cương Quyền trong những tuyệt học của Thiếu Lâm, nhằm đối phương biến đổi công thế.

Quyền pháp này gồm có hai mươi sáu đường chiêu thuật đưa ra là luôn luôn công hãm ào ạt như sấm chớp mưa tuôn.

Cầu Thiên Nhẫn xem thấy cả kinh, vội vã giở Thông Bối quyền, một quyền thuật căn bản nội gia ra đối kháng.

Thông Bối Quyền còn có tên là Thông Tý Quyền vốn là một quyền pháp có rất sớm trên lịch sử võ học Trung Hoa, đã thịnh hành vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Bởi vì lúc bấy giờ đánh giặc dùng chiến xa làm chính, khi chiến xa và chiến xa xáp cận với nhau, tức là lúc mà người với người phân tài cao thấp, lẽ tất nhiên quyền thuật được xem trọng yếu và Thông Bối Quyền cũng bắt đầu ra đời từ đó.

Sử dụng Thông Bối Quyền, Cầu Thiên Nhẫn đã đánh được hai mươi bẩy đường thì quyền pháp nhanh đến cực độ bóng cánh tay vun vút giao khớp quanh mình.

Châu Bá Thông cũng tuôn ra toàn bộ Đóa Cương Quyền cùng với họ Cầu bốn năm mươi hiệp không phân cao thấp.

Châu Bá Thông nôn nóng bồn chồn chàng cho rằng công lực họ Cầu chỉ có thế thôi, dằng dai mãi không đánh bại được đối phương.

Chàng ta nổi nóng hét lên một tiếng, đổi cách đánh, áp dụng Thái Ất Quyền một tuyệt kỹ của môn phái Toàn Chân, từng thức từng chiêu tấn công tới tấp như sóng dậy trường giang ào ào không dứt.

Cầu Thiên Nhẫn vừa thấy cả kinh la lớn:

- Dừng lại! Có phải Toàn Chân Giáo đó không?

Châu Bá Thông không chịu ngưng tay, vừa tấn công vừa chửi:

- Thằng giặc chết bầm! Lão gia là Toàn Chân Giáo đó, rồi có làm sao không.

Nói vừa dứt, lại biến đổi luôn thế đánh, tả quyền hữu chưởng, quyền móc dưới be sườn chưởng đẩy vào giữa ngực, theo chiêu thế Tần Vương Thiên Thạch.

Cầu Thiên Nhẫn vốn đã sẵn khiếp cái tên Toàn Chân Giáo, chân tay lính quính, lật đật vận dụng cả đôi tay, tung ra thế Tả Thôi Hữu Đảo, ý muốn tách rời quyền cước của Bá Thông.

Nào ngờ Thái Ất Quyền là một lối đánh dây chuyền, chiêu thức liên tục thi nhau bay tới hoài không dứt.

Cầu Thiên Nhẫn vừa mới dang đôi tay ra, Châu Bá Thông liền khai triển song thủ, nhanh như chớp bắt chặt ngay cùi chỏ.

Bất ngờ cánh tay bị nắm, Cầu Thiên Nhẫn hoảng hồn, vội vàng uốn cong lưng xuống đang định đá móc ngược lên.

Châu Bá Thông bèn trở thế Lão Ai Chấn Y, vận trọn kình lực vào đôi tay, phi ngược ra ngoài đồng thời hét lớn:

- Đi này!

Tức thì, thân hình Cầu Thiên Nhẫn như một viên đạn ném ra, đầu dưới cẳng trên chúi nhủi theo dốc núi.

Đá cuội đá lồi, chơm chởm theo triền núi, nếu Cầu Thiên Nhẫn lăn lông lốc trên đó nhất định nếu không bị thương tích nặng nề, thì cũng phải trầy mình tét da rách thịt.

Nhưng, quả là bản lãnh khá cao, Cầu Thiên Nhẫn vừa chúi nhủi lập tức dùng ngay thế Thiên Cân Trụy hai cánh tay chống xuống, dỡ cả thân hình đáp lẹ lên mặt đất như một con chuồn chuồn lượn cánh đậu lên dốc núi.

Châu Bá Thông lại thét lên:

- Bò này.

Tiếp theo là chưởng lực bắn ra như xé gió.

Cầu Thiên Nhẫn chưa kịp lật mình trở lại thì kình lực đã xô tới ào ào, lão ta lập tức lách mình thật mạnh, nhãy nghiêng qua tránh né chưởng phong, nhưng phân nửa thân dưới đã bị kình khí đập vào, không thể gượng được, chói tay chói chân lảo đảo bò càn được năm sáu bước, y hệt một chú rùa đen.

Châu Bá Thông vỗ tay cười ha hả:

- Chúa rùa! Ta đã bảo bò mà không chịu bây giờ mi thiệt là rùa đấy.

Đám thôn dân cũng không kìm được, xúm nhau cười rộ.

Cầu Thiên Nhẫn biết Châu Bá Thông là một nhân vật phái Toàn Chân nên khi chống được đứng lên, đã vội nhún chân nhãy vọt xuống dốc núi như một làn khói xám, nháy mắt, bóng người mất hút.

Châu Bá Thông day lại nói với thôn dân:

- Các ngươi có thấy rõ không? Cái tên ấy bảo các người bắt rắn, quả thật là không có ý tốt. Hắn dùng mấy đồng tiền mua sinh mạng các ngươi. Bữa nay ta đã đánh đuổi nó chạy đi cũng không phải là cắt đứt nguồn lực của các người, bởi vì cày cấy vun trồng, đã đủ có cơm ăn, chuyện chi lại phải đem mạng của mình mà nhét vào miệng con rắn độc?

Thôn dân nghe qua những lời của Châu Bá Thông lấy làm phải lắm, ai nấy thảy đều gật đầu vâng dạ. Họ lại còn ân cần mời hai anh em Trùng Dương vào trong thôn nghỉ ngơi, rạng ngày sau mới trang trọng tiễn chân.

Dọc đường Trùng Dương trách Châu Bá Thông:

- Sư đệ, lần này em đã tạo ra một kẻ địch nữa rồi. Bài học với Đông Hải Song Quỹ, sư đệ con chưa đủ khổ hay sao?

Châu Bá Thông từ trước đến nay vốn tính trẻ con, lúc bây giờ có vẻ ngược lại, nhìn Trùng Dương thở dài:

- Sư huynh! Anh thường nói tiểu đệ tính con nít, ưa đánh lộn, ưa gây họa đến đâu cũng kết oán gây thù. Kỳ thực thì lúc anh còn trong tuổi thiếu niên lại không có như vậy sao? Chẳng lẽ chưa từng đánh nhau với bọn hòa thượng Thiếu Lâm? Chưa từng đại náo Thiếu Lâm tự?

Tóm lại có lúc tình thế nó buộc người ta phải đi đến việc đánh nhau thôi.

Trùng Dương bị chàng nói chận một hồi, trong lúc đó cũng không biết phải đáp lại làm sao.

Suốt ba ngày đường, vượt qua sạn đạo rồi đến bình nguyên đi riết thêm hai ngày nữa, thì vào đến thành đô.

Thành đô còn có tên là Dung thành, có người gọi là Cẩm Quan thành, phố chợ đối diện với Đại giang, khí hậu ôn hòa, dân cư đông đảo trù phú, vì thế mà chợ búa đường sá hết sức phồn thịnh.

Hơn nữa, lúc bấy giờ phía Nam, quân Kim thường hay vượt Trường Giang cướp bóc, hảm hiếp, những nhà tương đối giàu có trong giải Triết Giang, lần lượt di cư gần hết đến Tứ Xuyên, cho nên cảnh tượng thêm phần tấp nập.

Thành đô ngày nay phô bày sự náo nhiệt mà từ trước chưa từng có.

Đối với nơi đây, Trùng Dương đã khá quen thuộc, sau khi vào thành bèn thẳng đến trú ngụ một khách điếm gần lối Kim Phượng môn.

Châu Bá Thông bỗng thấy tửu hứng nổi lên, bèn nói với Trùng Dương:

- Sư huynh coi chơi vậy mà mình đi đã ngót tháng rồi. Bây giờ nghĩ lại bao tử thật khô khan quá. Sư huynh à, bữa nay tới đô thị, tiểu đệ muốn nhắm chút rượu, nhưng không biết sư huynh có thuận cho không?

Trùng Dương là một người giới luật rất nghiêm đối với môn nhân đệ tử trong lúc luyện tập công phu, không bao giờ ông cho uống rượu.

Cho nên suốt năm ở Yên Hà động không có được một vò rượu nào mà Châu Bá Thông lại là một con sâu ghiền vì vậy cứ mỗi lúc có việc đi

xuống núi là mỗi lần chàng ta đều lén mò đến chân giải Tung Sơn mua rượu uống. Song vì thể diện của một vị sư thúc đứng trước bọn Khưu Xử Cơ làm cho chàng ta nuốt không ngon miệng.

Lần này theo trùng Dương một chuyến Nam du, lại gặp một trở ngại khác là trước mặt chưởng giáo sư huynh càng làm cho Châu Bá Thông không dám liếc tới bình rượu. Mãi cho đến khi vào đến Thành đô, đường phố dẫy đầy tửu quán chàng ta cứ ngó mấy bảng hiệu mà nuốt nước miếng ừng ực.

Và bây giờ thì không thể chịu nổi nữa đánh liều xin Trùng Dương bỏ lệnh cấm uống rượu một bửa cho đã thèm.

Không dè Trùng Dương nghe nói liền nghiêm nét mặt:

- Sư đệ, chúng ta là kẻ tu đạo, cần phải triệt để tuân theo giới luật về: tửu, sắc. Tục ngữ có câu rất đúng: "rượu là vật độc xoi gan ruột, sắc vì gươm đao xẻ thịt da". Hai chữ tửu sắc luôn luôn cấu kết nhau, người xưa thường nói "rượu làm mai cho sắc", quả là lý chí.

Vì thế mà những kẽ tu luyện, đức không thể thiếu. Phải giữ gìn từng ly từng tí, không được phép buông tuồng phóng túng.

Sư đệ vừa mới đến thị thành đã bị mùi rượu khơi động lòng thèm muốn, nếu như đặt chân vào chốn cung vàng điện ngọc, những thứ câu dẫn lòng người nhan nhãn khắp nơi, thì lúc bấy giờ sư đệ sẽ ra sao nữa?

Những lời lẽ chân chính trang nghiêm đó, đã làm cho Châu Bá Thông nín lặng.

Chàng ta quả thật là không vui vẻ tí nào, thầm nghĩ mà bực dọc:

- Không cho uống thì thôi, lại cứ ca tụng riết cái thứ kinh đạo đức, thật chán phèo!

Tuy vậy, song vì vốn sợ sư huynh từ lúc nhỏ cho nên đành nín thinh không dám trả lời.

Sau khi bảo chủ quán dọn cơm chay cho hai anh em ăn xong.

Trùng Dương một mình vào phòng tĩnh tọa vận công, còn Châu Bá Thông thì bứt rứt không sao chịu được, bèn nói láo là đi đại tiện, rồi vọt tuốt ra ngoài.
— QUẢNG CÁO —