Vùng Đất Vô Hình

Chương 75: Chương 75



Đêm đó là một đêm dài với bà Cung. Hết chăm sóc cho em gái lại phục vụ điếu đóm, xôi chè cho thầy lang. Hì hục đến sáng thì thầy lang rửa tay, nhìn bà Cung lắc đầu. Bà Cung quá sợ hãi, mếu máo níu tay thầy: “Thầy ơi, mong thầy cứu lấy em gái tôi.” Thầy lang nhìn bà đầy thương hại nói: “Tôi đã cố hết sức rồi. Hoặc mẹ hoặc con bà phải chọn lấy một.” Bà Cung nghe vậy trong lòng liền có quyết định. Em gái bà còn trẻ, sau này còn có thể có con. Bà chẳng thể nào hi sinh đứa em gái ruột thịt để đổi lấy giòng giống của một người đàn ông xa lạ. Bà nắm lấy tay em gái. Bàn tay gầy gò, dường như chỉ còn da bộc xương, lạnh ngắt như khối đá mài bên giếng mùa đông.
Bất chợt, trong cơn hôn mê, dường như nghe được lời thầy lang, em gái bà bừng tỉnh, thều thào gọi: “Chị ơi, chị ơi…”
-“Chị đây, chị đây…”
Bà Cung vội vỗ về em, ghé sát tai vào để nghe em nói. Hơi thở mỏng manh yếu ớt của em gái thoảng qua tai làm bà suýt rơi lệ. Bà cố gắng nghe từng từ một trong tiếng thở đứt quãng của cô: “Chị ơi, hãy cứu lấy đứa bé. Em cầu xin chị….” Cô nói đến đây rồi lại ngất đi. Bà Cung không thể nhịn được nữa òa lên khóc nức nở. Nghĩ tới cuộc sống hạnh phúc bên chồng và con những năm qua, bà cảm thấy có lỗi với em gái biết nhường nào. Trong đầu bà thoáng qua những cảnh tượng về cuộc sống khốn khổ của em sau khi bỏ làng ra đi. Bà phải bồi thường cho em gái cuộc sống hạnh phúc mà bà đã nỡ cướp đi. Thế là bà gạt nước mắt nói với thầy lang: “Mong thầy cứu lấy em gái tôi.” Thầy lang gật đầu.
Ba ngày sau em gái bà Cung tỉnh lại. Câu đầu tiên mà cô hỏi là:”Con của tôi đâu?” Thấy bà Cung im lặng, dường như đã biết trước kết quả, cô òa khóc. Bà Cung định vỗ về thì bị cô đẩy ngã xuống giường. Bà Cung lại đứng dậy, vỗ về em gái. Cô lại xô ngã bà, rồi trùm kín chăn, vừa khóc vừa gào lên:”Cút đi! Chị mau cút đi!!!” Tiếng gào thảm thiết của cô khiến cả làng đều nghe thấy, còn bà Cung thì choáng váng sây sẩm mặt mày và nằm lăn ra đất. Mãi đến khi chồng bà đến đỡ bà dậy bà mới tỉnh táo đôi chút. Từ ngày hôm đó, em gái bà không chịu nói chuyện với bà, cũng không để bà chăm sóc. Mỗi lần vào phòng, bà Cung cũng đành rơi nước mắt đi ra.

Cứ thế suốt một tuần, dường như đã nguôi ngoai, em gái bà mới mở miệng, yêu cầu bà dẫn ra nơi mộ con. Bà Cung thấy em gái chịu nói chuyện, mừng lắm, liền ra chợ sắm lễ mang về cho em. Hai chị em dìu nhau ra nghĩa địa đầu làng. Đến nơi, không cần bà Cung phải chỉ, cô em gái liền sụp xuống ôm lấy nấm mồ bé nhỏ mà khóc:
-“Con ơi sao con nỡ bỏ mẹ con ơi. Cha con đi rồi, con cũng đi nốt giờ mẹ biết sống sao con ơi. Con ơi là con ơi.”
Hôm đó em gái bà Cung khóc ròng suốt một buổi sáng. Trong lúc an ủi, bà Cung cũng lờ mờ nghe được câu chuyện cũ. Em gái bà dường như đã được một môn phái tu đạo nào đó thu nhận. Đó là một môn phái mà tất cả đệ tử đều là nữ và ở đó tất cả mọi thứ liên quan đến đàn ông đều bị cấm. Thế rồi một ngày xuống núi mua sắm đồ đạc, em gái bà gặp phải người đàn ông của đời mình. Tình yêu chớm nở rồi đơm hoa kết trái nhanh chóng. Lúc mà hai người lên kế hoạch đi trốn thì cũng là lúc chưởng môn phát hiện. Bà ta liền phái người truy đuổi em gái bà Cung suốt một trăm dặm. Cho đến lúc sơn cùng thủy tận, em gái bà Cung mới phát hiện ra rằng trên người có dấu ấn của môn phái để lại. Và nếu không xóa đi dấu ấn đó, cho dù trốn đến chân trời góc bể thì cũng sẽ bị tìm thấy.
Để vợ con được sống, người đàn ông cầm theo mảnh da còn đẫm máu vừa cắt ra ấy, đâm đầu xuống dòng thác dữ. Những người trong môn phái của em gái bà Cung tiếp tục đuổi theo dọc theo dòng thác. Cô em gái đau đớn chết lặng chẳng biết đi đâu đánh trở về nhà mẹ đẻ. Đường xá xa xôi, cái bụng mỗi lúc một to khiến cô không thể đi bộ, chả mấy chốc cô hết sạch tiền. Cô liền bán trang sức, quần áo hay bất cứ thứ gì có thể bán được, cho đên lúc trên người chỉ còn lại một bộ quần áo nâu rách rưới. Oan nghiệt thay, lúc về được trước cửa nhà, mệt mỏi, đau đớn, kiệt sức quật ngã cô. Trong cơn mưa lạnh, đứa con, niềm an ủi duy nhất còn lại của cô cũng bị mất.

Chiều hôm đó, khó khăn lắm bà Cung mới đưa được em gái về nhà. Ăn hết chén cháo, em gái bà nói buồn ngủ. Thấy em gái nhắm mắt, bà Cung cũng tạm an lòng. Thế nhưng sáng hôm sau em gái bà Cung biến mất. Chiếc giường lạnh ngắt như chưa từng có ai nằm đó cả. Bà Cung hốt hoảng tìm kiếm nhưng không thấy.
Bà thậm chị còn chạy ngược chạy xuôi, nhờ cả xóm tìm giúp nhưng cũng chẳng ai thấy em gái bà đâu. Cho đến khi vợ chồng bà Cung ra ngôi mộ của đứa trẻ bất hạnh, mới phát hiện ra ngôi mộ đã bị ai đó đào mất. Sau đó, bà Cung thậm chí còn lên huyện bỏ tiền thuê người ta dán cáo thị tìm em gái. Nhưng cứ như hòn đá rơi xuống sông, cô em gái của bà biến mất mà chẳng hề có lấy một tin tức gì.
Vài năm sau, đứa con trai lớn duy nhất trong nhà bị bệnh. Bà Cung chạy chữa mãi chẳng khỏi cho đến lúc gặp Minh Khánh. Nghe lời “thầy” khuyên, bà Cung đi về, lật hết ba thước đất trong nhà lên. Cuối cùng, sau khi chui vào dưới gầm giường con trai, bà tìm thấy một lá bùa dán ở đó. Là bùa dính đầy tro bụi nhưng những đường nét đỏ tươicủa nó vẫn tươi mới như vừa mới được viết ngày hôm qua. Những nét chữ sắc như dao màu máu trên lá bùa cực kỳ quen thuộc. Bà Cung lập tức nhận ra đó là chữ của cô em gái. Câu chuyện đau lòng nhiều năm cuối cùng cũng hé mở.
Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má bà Cung, Minh Khánh chợt cảm thấy thương cảm cho số phận hai người phụ nữ xấu số. Số phận đã biến họ thành những người xa lạ. Và đến khi họ tìm về với nhau, thì lại lập tức bị tách rời, và còn gieo cho nhau những nỗi đau không thể xóa đi nổi.

Câu chuyện của bà Cung khiến Minh Khánh nhớ tới câu chuyện nhiều năm trước. Một lần hắn theo sư phụ đi thăm bạn - một vị trụ trì trên núi Đại Quyết. Đó là một nhà sư tốt bụng, nhiệt tình giải đáp bất cứ điều gì mà Minh Khánh hỏi. Trước khi Minh Khánh rời đi, nhà sư có kể cho hắn nghe một câu chuyện, và mong hắn ghi nhớ. “Chuyện là một nhà buôn nọ có một con lừa và một con ngựa. Con ngựa vì không muốn chở nặng nên giả vờ đau, bắt con lừa chở hết đồ đạc. Rồi con lừa mệt quá, chết đi. Thế là con ngựa không những phải chở tất cả hàng hóa của con lừa, mà còn cả tấm da lừa nữa.” Lúc đó Minh Khánh còn bé lắm nên không hiểu. Nhưng càng trải qua nhiều sóng gió, hắn càng thêm thấm thía những gì ẩn sâu phía sau câu chuyện nhỏ đó. Với Minh Khánh, con ngựa mà vị trụ trì kể đại diện cho tâm hồn của hắn. Nếu như nó không ích kỷ, không độc ác, biết tha thứ và yêu thương kẻ khác, thì chẳng bao giờ phải nhận những đau đớn, những mệt mỏi, những gánh nặng mà mình đã gây ra.
Phật pháp dạy rằng:”Người khác đối xử với thí chủ như thế nào, đó là nghiệp của họ. Thí chủ đối xử với người khác như thế nào, đó là nghiệp của thí chủ” Bất kể là ai, vua chúa, quan tướng, công hầu, hay người tu đạo, anh đối xử với kẻ khác như thế nào thì người khác cũng sẽ đối xử với anh như vậy. Anh có thể có quyền uy, có sức mạnh bắt kẻ khác cúi đầu, nhưng đừng mong họ sẽ thân thiết và chân thành như những người tốt với họ. Nhưng nếu anh dùng cả trái tim để mà đối đãi người khác, thì chẳng ai lại căm ghét anh.
Có lẽ với bà Cung cũng vậy. Chỉ cần chạm vào lá bùa, Minh Khánh biết pháp lực và đạo tâm của em gái bà Cung đã đạt đến mức thượng thừa. Người phụ nữi ấy có thể dễ dàng giết chết gia đình bà Cung với một vài lá bùa đơn giản. Nhưng có lẽ vì nhìn thấy sự hối hận và tình yêu thương chân thành của bà Cung, cô gái chỉ để lại một lá bùa duy nhất, phức tạp hệt như những tâm tư trong lòng để trừng phạt bà Cung. Dường như cô em gái đã quên hết những lỗi lầm của bà Cung trong quá khứ. Cô chỉ câm hận việc bà Cung không hi sinh cô để giữ lấy đứa con.
****************************
Minh Khánh không biết ngay lúc đó, cách nhà cụ Trầm hai trăm dặm về phía tây Bắc, trên một ngọn núi mờ ảo, trong một căn phòng lớn, có một người phụ nữ đang ôm ngực đau đớn. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp, với đôi mắt sắc sảo. Cô mặc một chiếc váy màu đen đẹp đẽ quý phái, ngồi trên một chiếc sập gụ khắc hình long phượng to lớn, uy nghi. Phía sau chiếc sập gụ là một tấm bình phong sơn thủy làm bằng vải lụa cực kỳ quý giá. Người phụ nữ trên sập gụ dường như rất đau đớn, đôi mày liễu nhíu lại, hai tay ôm chặt lấy ngực, mồ hôi toát ra như tắm.

Nếu như bà Cung có mặt ở đây, hẳn sẽ nhận ra ngay đó là người em gái mất tích mà bà vẫn hằng mong nhớ. Người phụ nữ bỗng ngước nhìn lên. Bên ngoài căn phòng có tiếng bước chân nhè nhe. Người phụ nữ hơi cau mày, có vẻ không vui, nhưng khi nhìn thấy người đến là một bóng dáng quen thuộc, thì đôi mắt liền trở nên hiền hòa. Từ ngoài cửa, một cô gái trẻ đi vào. Cô mặc một bộ váy trắng nhạt, xung quanh sương mờ cứ liên tục tỏa ra, che kín thân hình. Cô gái mặc váy trắng vừa đi vào, thấy người phụ nữ đang ôm ngực, liền hoảng hốt kêu lên: “Thiết Thụ tỷ, tỷ làm sao vậy? Tỷ đau ở đâu à?”
Người phụ nữ ngồi trên sập gụ liền vẫy tay ra hiệu cho cô gái lại gần: “Băng Sơn, lại đây, ta không sao.”Rồi dường như quên hết mọi đau đớn, người phụ nữ chỉ tay cho cô gái trẻ ngồi xuống bên sập gụ, vui vẻ cười nhạo: “Đường đường là Băng Sơn đại vương của quân đoàn Ám Dạ, lại hoảng hoảng hốt hốt, sau này bọn thủ hạ ai còn nghe lời.” Cô gái trẻ làm mặt quỷ với người phụ nữ, rồi sà vào lòng nàng: “Đứa nào không nghe thì vứt cho Thiết Thụ tỷ xử lý hết là xong.” Thiết Thụ mỉm cười, vuốt ve tóc của cô gái trẻ như mẹ âu yếm con gái. Đột nhiên nàng lại cau mày, ôm lấy ngực, ra vẻ đau đớn. Băng Sơn lập tức ngồi dậy, kêu: “Thiết Thụ tỷ lại đau à?” Thiết Thụ lắc đầu giải thích: “Chỉ là một cái tâm huyết lá bùa bị người ta phá mất.” Băng Sơn kêu lên: “Kẻ nào có thể phá Tâm Huyết chú của tỷ? ” Thiết Thụ không trả lời, chỉ nhìn về nơi xa xăm.
Một lúc lâu sau, nàng mới cất giọng, tựa như nói với Băng Sơn, tựa như thủ thỉ với chính mình: “Cũng đã mười mấy năm rồi. Thôi cứ để nó kết thúc đi. Hồng trần nhân quả, thực sự khiến người ta quá mệt mỏi.”
Chú thích: Thiết Thụ Địa Ngục: Phàm những người trên dương gian chia rẽ cốt nhục, li gián cha con, anh chị em và vợ chồng, sau khi chết sẽ bị đày xuống “Thiết Thụ Địa Ngục”. Trên thân cây đều là những lưỡi dao sắc, cắm vào người từ sau lưng rồi treo lên trên cây.