Vùng Đất Vô Hình

Chương 80: 80




Trời cuối thu thật trong trẻo và mát mẻ, hệt như cái những làn sương khói tỏa ra vào buổi sáng.

Những hàng cây hoa Kỳ Cùng bên đường đã đổi màu lá.

Không xanh cũng chẳng vàng mà đượm một màu úa dịu dàng.

Trên cành những khóm hoa Kỳ Cùng đã nở, bông xanh biếc, tỏa ra vô số sợi tơ mỏng và xanh nõn.

Cái mùi hoa Kỳ Cùng rất kỳ lạ.

Những người yêu thích nó thì thấy rất là thơm.

Như Minh Khánh chẳng hạn, đi dọc con đường, cánh mũi hắn phập phà phập phồng như muốn hít trọn cả mùi hương hoa trên con phố.

Mỗi bước mỗi bước, hắn cảm thấy đất trời như tĩnh lặng, chỉ còn hắn giữa một trời hoa Kỳ Cùng.

Con đường chợ xung quanh nhà Minh Khánh tấp nập và rộn rã vào buổi sáng.

Lúc hắn đi bộ một vòng về, tất cả đã trở nên đông đúc và chật hẹp.

Những hàng quà sáng, hàng rau, hàng thịt, hàng cá, bày sát dọc đường.

Minh Khánh né ra cho khỏi va vào hai ông cụ đang khiên đòn lợn giống vội vã.

Ông cũ khẽ nhấc cái mũ, cười xin lỗi rồi đi tiếp.

Đôi chân lấm bùn thoăn thoắt thoăn thoắt và biến vào trong đám người.

Đột nhiên tiếng chửi đổng vang lên.

Thì ra một bà hàng cá bị chị hàng rau giành mất chỗ, sưng mặt lên quát lớn.

Chị hàng rau có vẻ sợ vội vã tất tả đứng lên nhường chỗ và gánh rau ra chỗ khác để bán.

Minh Khánh chợt cảm thấy vui vẻ.

Hắn đứng giữa một nơi mà chỉ có con người với nhau, tràn ngập sức sống và ấm áp.

Có lẽ từ lúc mở ra Thiên nhãn, việc lúc nào cũng nhìn thấy ma quỷ đã khiến hắn quên đi rằng mình là một chàng trai còn rất trẻ, chưa đầy đôi mươi.

Hắn đứng im một chỗ giữa dòng người tấp nập, cảm thụ cái cảm giác mà hắn đã đánh mất từ lâu.

*****************
Ở một nơi cách huyện Tân Phúc tấp nập không xa, thằng Củi đang hí húi vốc nước từ mương lên rửa mặt.

Nó muốn mình phải thật tỉnh táo.

Nước lạnh cùng những cái vỗ thô bạo khiến khuôn mặt nó ửng đỏ lên.

Mãi đến khi da mặt bỏng rát, nó mới ngừng lại.

Cách đấy không xa, thằng Sửu vẫn đang đứng chờ.

Khuôn mặt nó có vẻ mất kiên nhẫn.

Chờ đến lúc thằng Củi quay lại chỗ hố đất, nó mới cất giọng hỏi: “Mày đã tỉnh hẳn chưa?” Thằng Củi nói: “Tao không tin.” Thế rồi nó vớ lấy cái cọc gỗ tiếp tục đào.

Nhưng đào sâu thêm ba tấc rồi mà vẫn không thấy gì, không một vết máu hay thậm chí một sợi tóc.

Thằng Củi vứt cây gậy cái bộp xuống đất rồi dựa lưng vào thành hố thở hồng hộc.

Nó kêu với thằng Sửu: “Chắc tao bị điên rồi Sửu ạ.

Tao mơ một giấc mà chẳng biết nó là thật hay giả nữa…” Thằng Củi cứ lải nhải mãi nhưng không có ai đáp lại.

Nó thấy hơi lạ.

Thằng Sửu mặc dù ít nói nhưng nó thường không im thế này.

Thằng Củi đứng dậy.

Ánh mặt trời khiến nó hơi chói mắt.

Nó nhìn thấy đôi chân của thằng Sửu đang đứng ngay trên miệng hố.

Nó bảo: “Kéo tao lên.” Thằng Sửu không trả lời.

Thằng Củi hơi cáu tiết, nắm lấy chân thằng Sửu, ra lệnh.

“Kéo tao lên!” Thằng Sửu vẫn không đáp lời.

Thằng Củi thấy hơi lạ.

Chân thằng Sửu không những lạnh buốt, lại còn khá là bé nữa.


Thằng Củi nhìn thấy đôi giày rách quen thuộc, tay bắt đầu run lẩy bẩy.

“Mày không phải thằng Sửu…” Nó giật nảy mình ngã xuống hố.

Người đứng trên mỉm cười nhìn nó.

Vẫn cái miệng cười nhếch lên đầy quỷ dị, và cái đầu đã bị đập nát một bên.

Lúc này dường như có một thứ sức mạnh thôi thúc thằng Củi.

Nó vọt khỏi hố đất, chạy như bay.

Thi thoảng nó vẫn ngoái lại xem thằng bé Đảm có đuổi theo mình không? Tiếng gió thổi ào ào bên tai khiến nó như muốn điếc.

Một lát sau, chạy hết nổi, nó gục xuống bên đường bắt đầu phun hết mật xanh mật vàng.

Mãi tới khi trong bụng không còn gì để phun ra nó mới lăn ra một gốc cây vừa nghỉ vừa thở.

Câu chuyện hôm nay quá khủng khiếp.

Nỗi sợ dường như cứ thấm vào trong gan trong ruột nó.

Thằng Củi quyết định không quay trở về làng nữa.

Nó phải chạy trốn nỗi sợ hãi đó.

Đợi một lúc cho bụng bớt đau, thằng Củi đứng dậy lủi thủi đi tiếp.

Người làng làm đồng nhìn thấy nó lê lết tấm thân có vẻ tò mò, nhưng thằng Củi không để ý.

Nó chỉ muốn đi thật xa khỏi cái nơi khủng khiếp này.

Thằng Củi cứ đi cho đến khi gặp bờ kênh mà nó vứt đôi giày thằng bé Đản vào buổi sáng.

Nó cúi đầu nhìn làn nước trong xanh.

Khuôn mặt nó vẫn như mọi ngày chỉ có cái miệng của nó đang nhếch lên như muốn cười.

Ánh mắt nó trong nước thật vô hồn và u tối.


Trong cơn sợ hãi, thằng Củi vác một đám đất bùn to, giã xuống kênh đánh “bùm” rồi chạy tiếp.

Buổi trưa, nó ăn trộm quả dưa gang ven đường để đối phó cho qua bữa xong lại tiếp tục đi.

Nó không dám dừng lại vì sợ rằng có thể sẽ có chuyện xảy ra với mình.

Mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống, vừa mệt vừa đói, đôi chân lại cứng đờ ra, thằng Củi mới quyết định nghỉ lại.

Nó kiếm được một túp lều bên hồ mà người ta dùng để canh chừng trộm cá.

Đêm đó, trong túp lều lụp xụp, vừa mệt, vừa đói, lại nhiều muỗi khiến thằng Củi như phát điên.

Nó cứ phải thức để đập chết những con muỗi tròn vo bụng máu.

Chân tay nó bị đốt sưng vù lên.

Nó phải bò ra ngoài tìm ít cỏ về hun cho bớt muỗi.

Cứ thế mãi đến tận gà gáy canh ba, thằng Củi mới ngủ thiếp đi.

Chưa bao giờ nó ngủ ngon đến thế.

Tưởng chừng nhông có mộng mị hay bất cứ thứ gì có thể làm nó tỉnh giấc.
************************
Trở lại con đường chợ ở trong huyện thành Tân Phúc, Minh Khánh lúc này đang đứng lom khom bên một mái tranh nhỏ.

Lúc này bên trong mái tranh đã chật kín người.

Hắn bất đắc dĩ đành chờ đến lượt mình.

Bên cạnh hắn, Minh Long đang chổng mông húp xì xụp.

Món bánh canh thịt nạc mà quán đang bán vốn nổi tiếng khắp thành.

Sáng nào cũng có rất nhiều người từ các nơi đến ăn.

Hôm nay không phải phiên chợ còn đỡ, người ta không phải xếp hàng dài để chờ đến lượt mình.

Minh Long đã ăn đến bát thứ tư.

Cái miệng hắn dính đầy mỡ.

Khuôn mặt điển trai biến dạng vì cái miệng đang phồng lên.

“Quá ngon.” Hắn nói với Minh Khánh bằng một thứ âm thanh trào trạo.

Bên cạnh hắn, đạo sĩ chưởng môn họ Phạm cũng đã đặt bát bánh canh thứ năm lên trước mặt.


Có vẻ sức ăn của ông không hề thua kém Minh Long một tí nào.

Lúc này chòm râu của đạo sĩ dính không ít hành lá xanh trông rất buồn cười.

Cuối cùng Minh Khánh cũng kiếm được một chỗ.

Con gái bà chủ quán vội vã lau sạch cái ghế gỗ bốn chân trước mặt hắn và bê lên lọ đựng đũa, ít chanh và ớt thái mỏng.

Sau đấy là một bát bánh canh nóng hổi.

Minh Khánh hơi hít hà.

Mùi thơm của nước dùng , của hạt tiêu, của rau thơm tuôn vào mũi.

Bát bánh canh khá đơn giản.

Ngoài bánh canh, bên trên được thêm mấy thìa thịt nạc, rồi thêm hạt tiêu và rau mùi.

Ai muốn ăn ớt có thể cho thêm tí ớt lên trên nữa.

Chỉ có vậy nhưng mà ăn vào buổi sáng hơi se lạnh như những ngày thế này thì thật là tuyệt.

Minh Khánh vắt miếng chanh vào bát, cho thêm tí ớt.

Cái vị chua cay khiến nướt bọt của hắn cứ tuôn ra.

Hắn bắt đầu đảo cho thịt nạc và bánh trộn đều với nhau.

Nước dùng không biết nấu với bột gì mà hơi sệt sệt lại có màu vàng sậm trông rất ngon mắt.

Bên trong những sợi bánh trắng và mềm nằm khoanh tròn một cách ngoan ngoãn.

Lúc này rau mùi, ớt, hạt tiêu, thịt nạc đã được đảo đều lên.

Minh Khánh bắt đầu thưởng thức.

Hắn dùng đũa gạt một thìa bánh đầy vào thìa, rồi đưa lên miệng húp cái xoạt.

Cái bị thơm bùi của sợi bánh, vị béo mặn của thịt rang, vị ngọt của nước dùng, vị cay của ớt và hạt tiêu, vị chua của chanh cứ đảo đều đảo đều nơi đầu lưỡi của hắn.

“Cay quá, thơm quá, ngon quá!” Hắn muốn thốt lên một câu như vậy nhưng vì miệng quá đầy, nó biến thành một thứ âm thanh kỳ dị.
Một người khách ngồi bên cạnh đang lau mồ hôi dường như hiểu ý nghĩa câu nói của hắn, cười hỏi: “Ngon quá hả? Nói cho cậu biết, bánh canh nơi đây ngon nhất huyện đấy.

Cả quan huyện buổi sáng còn mua về ăn nữa.” Dường như chưa thỏa mãn, ông ta vừa ăn vừa kể cho Minh Khánh về xuất xứ gia truyền ba mươi năm của hàng bánh canh nữa.

Hắn cũng không đáp lại vì còn bận ăn, chỉ gật đầu ra hiệu rằng mình vẫn còn đang nghe câu chuyện của ông khách..