Vương Gia Marxism

Chương 32: Lôi Hồ gia nhập bọn



Lúc này trên đường Victoria, đại lộ coi là sạch sẽ hiện đại nhất ở Hương Cảng một đoàn xe ngựa, kỵ sĩ đang nghênh ngang mà đi. Người dân thấy trong đó không ít “quan Tây” thì cũng tặc lưỡi không để ý làm chi nữa.

Trung úy Robert ngồi cùng xe với gã thiếu niên Đông Á này mà ngỡ đang bay trên mây. Đúng là hôm nay thần may mắn mỉm cười với hắn. Tự nhiên có 100 bảng lót tay ngon ơ, mà hầu như chẳng phải làm gì.

Hóa ra thằng “trẻ trâu” này không đơn giản. Nhà nó là “đầu nậu” buôn lương thực, tơ lụa, gốm sứ ở Hongkong. Riêng thóc gạo đã chiếm 1/4 thị phần rồi, đem 10 ngàn bảng mở công ty T&H chả có gì to tát cả. Đây quả thật là “đại thương nhân” trong mắt tay sĩ quan. Gã này cũng lanh của nó, thế là nhận luôn nhiệm vụ tháp tùng San thiếu đi Phủ Toàn quyền.

Mới đặt chân tới đây mà San thiếu đã gây chuyện gì không biết?

10000 bảng Anh ký quỹ trong ngân hàng, với 100 bảng “phí bôi trơn” phát sinh ngoài dự kiến đúng là cũng nặng. Nhưng chưa đủ để Robert cho phép San thiếu mang súng thông quan.

Cực chẳng đã, cậu San cáu sườn kéo luôn cả công việc làm ăn của nhà họ Hồ vào sới. Cơ mà khui ra mới biết, nhà này làm ăn cực lớn ở Hương Cảng – nếu chỉ xét riêng mảng buôn gạo, ít nhất 1/4 lượng gạo ở đây do nhà này bao tiêu.

Lý do một phần liên quan đến tình hình Hương Cảng hiện giờ.

Chính sách thù hằn của triều đình Đại Thanh khiến cho hòn đảo này gần như bị cô lập. Chính quyền ở Quảng Châu thì cấm tiệt buôn bán vật dụng, lương thực cho Hương Cảng. Còn các vùng khác trong nội địa đang loạn lên vì chiến tranh với Thái Bình Thiên Quốc. Thương nhân Đại Thanh bất chấp mò ra đây kiếm cơm đếm trên đầu ngón tay. Rất nhiều tàu bè bị quan lại Quảng Châu bắt giữ, các con buôn bị gán cho cái mác “hải tặc” rồi đem hành hình ráo.

Thế là gạo, muối nhu yếu phẩm ở đảo này đều tới từ Nhật Bản hay Đại Nam. Qua hơn chục năm tận dụng cơ hội hiếm có này, hai nhà Hồ - Trần tiện thể bành trướng thế lực buôn lậu, chiếm được phần lớn thị phần gạo ở Hương Cảng cũng dễ hiểu.

Đại Nam lúc này thóc lúa khá dư, nhất là sau khi Đồng Bằng Sông Cửu long được khai thác mạnh mẽ. Cả nước chỉ có 10 triệu dân, vấn đề lương thực lúc này không đáng lo cho lắm.

Chính sách kinh tế thời Tự Đức có một điểm sáng là việc cố định giá thóc gạo, khiến đám gian thương không đầu cơ được.

Nam Kỳ Lục Tỉnh là vựa lúa lớn nhất cả nước. Lấy Gia Định làm trung tâm vận chuyển, nơi này cung cấp gạo chủ yếu cho các tỉnh từ Bình Định trở ra Bắc Kỳ. Giá gạo ở Gia Định ảnh hưởng mạnh đến giá gạo cả nước – nếu mà mua vào hay bán ra ở mức cao thì toàn quốc không thể thấp được. Vì vậy, triều đình Huế cần kiểm soát chặt chẽ giá gạo ở đây để điều tiết thị trường.

Ở nơi nào đắt, bình quân 1 hộc thóc 0.5 tạ (khoảng 34 kg) có giá 1 quan tiền. Những nơi rẻ hơn thì giá gạo giảm 2 thành (20%). Bên cạnh đó, triều đình cũng ban rất nhiều luật lệ tương đối hợp lý, để bình ổn giá gạo các vùng dựa theo giá gạo Gia Định. Ví dụ thương nhân Gia Định chở gạo về Huế sẽ được bù hao tổn vận chuyển, miễn thuế… chẳng hạn.

Tất nhiên giá này rẻ hơn bên ngoài nên mới có chuyện buôn lậu gạo qua Hương Cảng, Cao Miên. Mà lĩnh vực này thì Hồ gia và Trần gia là “tay cự phách”. Không chỉ trong nước, hai nhà Hồ-Trần còn gom hàng tận Đại Đồng, Chân Côn bên Xiêm La (Thái Lan). Thực sự là siêu cấp máu mặt trong giới buôn gạo.

Khi tường tận chân tơ kẽ tóc, San thiếu mới vỡ lẽ “liên minh hai họ” này không khác gì một tập đoàn thương mại kiểu mafia xuyên quốc gia có tổ chức. Sạp hàng của nó quá lớn so với những gì hắn tưởng tượng. Những gì San thấy từ đó giờ chỉ mới là bề nổi mà thôi! Rõ ràng là hôm đó Cán “Gàn” và Long “Mập” giả nghèo giả khổ đóng tài khoản của Cậu. Chuyện này cậu nhớ rõ. Hai “ chú” cứ chờ đó… hừ hừ…

Việc buôn lậu gạo hay các mặt hàng khác cũng chẳng phải chuyện gì mới mẻ.

Nhà Thanh cấm xuất khẩu những nguyên liệu quan trọng trong quân sự như sắt, gang, kẽm và lưu huỳnh. Nhưng lại cần gạo của triều Nguyễn. Nhà Nguyễn thì cấm xuất khẩu gạo – nhưng rất cần sắt với lưu huỳn cho mục đích quân sự. Thế là họ đặc cách cho các thuyền của Đại Thanh đến bán những thứ triều đình đang cần, đồng thời cho phép xuất gạo sang Trung Hoa. Đổi lại thì chính quyền Quảng Đông ưu đãi cho các tàu Đại Nam sang bán gạo.

Chính sách hạn thương này đã không phản ánh đúng nhu cầu hàng hóa của hai bên, thực tế lại tiếp tay cho cho các hoạt động buôn lậu. Tất nhiên mấy anh Hồ - Trần là có thâm niên trong ngành này rồi. Đến cỡ đó mà không làm lớn thì mới lạ.

Phương Bắc luôn gặp tình trạng thiếu gạo trầm trọng. Các thương nhân người Hoa thường đến Đại Nam thu mua gạo rồi chở lậu về nước bán kiếm lời. Một trong những điểm tập kết hàng của người Hoa ở Bắc Kỳ là Hải Phòng, còn ở Nam Kỳ là Gia Định.

Thực ra miền Bắc chỉ còn cái tiếng hồi xưa, thị trường chính giờ chuyển vào Nam Kỳ rồi. San thiếu hoàn toàn không biết cơ sở ngầm lớn nhất của nhà hắn đóng ở Gia Định. Xém chút nữa kho này bị “hốt ổ”. May mà không xảy ra chứ không thì tổn thất không thể đo được. Nhưng đây là chuyện của mấy tháng nữa.

Nhưng cậu cả họ Trần lúc này vẫn phởn phơ lắm. Cậu moi thêm 2 vạn lượng ở “chi nhánh” Hương Cảng ký quỹ nhà băng, lập công ty T&H có vốn của hai nhà. Chuyện kinh doanh bên này thì để công ty quản, mọi thứ được hợp pháp hóa theo luật Anh. Hiểu chính xác thì T&H là một công ty cổ phần của Anh, được chính phủ Anh bảo hộ. Cổ đông gồm 3 bên: Trần gia góp 50% vốn, Hồ gia 49%, 1% cổ phần danh nghĩa “tặng không” cho “CEO” James S.Bush. Còn lý do đưa James ra làm “Giám đốc Điều hành”, đơn thuần là “chiêu” đối phó tình hình hậu chiến với quân Pháp thôi – dù sao cũng cần có kẻ chường mặt ra để “chạy việc” chứ. Chuyện này để nói sau đi.

“Anh họ, làm như ri liệu ổn hè?” Ngoài Hồ quản sự, trong xe còn có một thiếu niên chạc tuổi San.

Thằng này mặt cũng mũm mĩm, có sáu bảy phần nhìn giống bố vợ San, tên là Hồ Hùng Võ - con trai cả của Hồ Bá Long. Mẹ hắn chính là cô của San thiếu - xét vai vế thì hiện là em họ của San, tương lai sẽ lên chức anh vợ. Như đã nói, quan hệ thân thích hai nhà hơi loạn.

Đời hai nhà họ Hồ có Hồ Bá Thương, Hồ Bá Long, Hồ Bá Hổ. Con mấy gã này thì là Hùng Quốc, Hùng Gia, Hùng Văn, Hùng Võ… Anh em Thương – Long – Hổ văn chương chữ nghĩa cũng cừ. Nhưng bị lão trượng Hồ Trương “cướp” quyền đặt tên các cháu nội. Nghe tên thì bá khí và chát chúa đấy, nhưng chả đứa nào theo nghiệp võ cả. Chắc lão Trương thấy con cháu mập mạp thiếu mạnh mẽ nên mới đặt tên vậy cho oách. Chuyện nhà họ Hồ còn lắm cái trái ngang, sau này tiếp tục bàn luận.

Trên cỗ xe ngựa, San thiếu hiện là người có "vai vế" cao nhất nên tha hồ "làm bậy". Đã thế lại còn vênh mặt tự đắc. "Mi con nít biết cấy chi. Công ty nhà ta kinh doanh trên đất của người Anh, theo luật Anh Quốc. Cắm đầu làm lụi với tụi người Hoa sao bền được hè."

Thực sự thì trong mắt người Á Đông nói chung, hay người Đại Thanh và Đại Nam nói riêng, người Tây không đáng tin cậy. Một điều kỳ quặc là không hiểu sao thương nhân hai nước có chung suy nghĩ: Đại Thanh sớm muộn sẽ thu hồi hòn đảo này. Vậy là “chi nhánh Hương Cảng” của Hồ gia toàn làm ăn với người Hoa cho đến giờ. Giấy phép cũng nhờ tụi này lo lót mới có.

San thấy như vậy không ổn về lâu dài. Đây vẫn là đất của Anh quốc, hơn 100 năm sau mới về lại Trung Hoa, muốn cắm rễ nơi này trong thời gian dài thì phải chơi theo luật của người Anh. Do đó San thiếu mới gom cả cơ sở buôn bán của hai nhà vào công ty T&H mà đăng ký.

“Rứa hè…răng anh bắt em làm thẻ công dân chộ ni?” Thằng Võ vẫn càu nhàu. Hắn chỉ mới được cử đến đây học việc, tự nhiên bị ấn vào đầu cái chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
“Bớt nói nhảm. Mi nghe theo tau là được. Ai hại mi mà phải sợ?” San thiếu lấy danh nghĩa anh họ nạt nộ, mặc dù hai thằng bằng tuổi.

“Cậu San nói đúng. Công ty được người Tây bảo hộ trăm lợi không có hại. Nhỏ tôi ở đây lâu nên biết. Nhưng tôi chỉ là người hầu, không được phép ý kiến…” Tay quản sự nãy giờ im lặng lên tiếng đồng tình. Gã này đã ngoại tứ tuần, người hơi gầy, gương mặt khắc khổ nhưng đôi mắt rất sáng. Ăn dầm nằm dề ở Hương Cảng cả chục năm nên lão rất hiểu cách thức vận hành nơi này.
“Lão Nhỏ, ông sai rồi. Có điều hay thì phải mạnh dạn nói ra cho mọi người cùng tham khảo. Toàn người nhà với nhau. Trần gia- Hồ gia đâu có cấm ông nói...” San thiếu hơi trách Hồ Nhỏ, đồng thời cũng thấy ngán ngẩm với "gia quy" có phần bó buộc nhân tài như thế này.




Thiên thu, vạn cổ, sách ghi tên.
Triệu hoán kỳ tài, vượt giới lên.
Nhiệt huyết dâng trào, Thiên Mệnh Chiến.
Quần long hội tụ, mấy ai quên?