Vương Mệnh

Chương 105: Nguyên Tộc





Lại nói, nghe tiếng ca ngụ ý thâm sâu, Giang Phong truyền cho thuyền chèo về hướng đó.

Từ phía xa xa, một chiếc thuyền câu đang lững lờ trôi trên sông.

Ngư phủ tay cầm cần câu, vừa câu cá vừa nghêu ngao hát.

Thấy thuyền của Giang Phong chèo đến gần, lão ngư lại ngâm nga :
“Gió bấc thổi mấy làn vi vút,
Mưa tuyết bay, bay trút tơi bời.
Biên dân khốn khó bao đời,
Nào ai biết nỗi ngậm ngùi gian nan.
Nay giặc đến nhà tan cửa nát,
Dắt tay nhau rời bỏ xóm thôn.
Rưng rưng dõi hướng về đông,
Vua ta sớm phái đại quân diệt thù.”
Văn thơ Giang Phong cũng biết chút ít.

Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi cũng ngâm :
“Ở phương đông thái dương đã hiện,
Cơn mưa này đến ngọ tạnh rồi.
Đôi bờ cành lá tốt tươi,
Nguyên Giang khói bếp khắp nơi lững lờ.”
Thuyền đến gần, lão ngư ngẩng lên nhìn về phương đông, hỏi :
- Thái dương sắp hiện rồi chăng ?
Giang Phong đáp :
- Sau cơn mưa trời lại sáng thôi.
Giang Phong ngắm nhìn lão ngư một lượt.

Lão tuổi quá năm mươi, râu tóc đã điểm bạc, vận bộ trường bào bằng vải thô nhưng gọn gàng, ánh mắt tinh anh duệ trí.


Giang Phong vòng tay hỏi :
- Tiên sinh xưng hô thế nào ?
Lão ngư đáp :
- Lão là ngư dân ở vùng này.

Tổ tiên lão bao đời nay vẫn sinh sống ở đây, nên lấy tên sông làm họ.

Lão gọi là Nguyên Phương.
Giang Phong khẽ mỉm cười, nói :
- Tiên sinh chắc đã biết ta là ai rồi, không cần phải giới thiệu nữa.

Nếu như tiên sinh cũng lo cho vận nước, mời tiên sinh lên thuyền ta cùng đàm đạo.
Lão Nguyên Phương nhìn Giang Phong, ánh mắt sáng rực, rồi cuộn dây câu, cặp thuyền câu vào thuyền lớn, sau đó lên thuyền.

Mời ngồi đâu vào đấy, lão Nguyên Phương hỏi ngay :
- Man binh đại cử nhập xâm, chẳng hay đại nhân đã có cách nào chống giặc chưa ?
Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, nói :
- Giặc thế mạnh, quân ta tạm thời giữ thế phòng ngự, tránh trực tiếp giao chiến với đại quân của giặc.

Ta đã truyền lệnh phá đường, trước mắt có thể ngăn được bước tiến của giặc một thời gian.

Đồng thời, sẽ phái những toán quân nhỏ thuận theo Nguyên Giang xâm nhập quấy nhiễu hậu phương của giặc.

Chỉ cần cắt đứt được đường vận lương của giặc thì giặc không cần đánh cũng phải rút lui.
Lão Nguyên Phương gật gù nói :
- Kế hay.

Nhưng theo lão được biết, Man binh hiện vẫn còn 10 chiếc Lâu thuyền và 50 chiếc Đại thuyền, trú đóng ở Phong Khê Thành.

Đại nhân cũng cần đề phòng giặc dùng thủy quân tấn công.
Giang Phong nói :
- Chính vì đề phòng thủy quân của giặc nên ta mới phải truyền lệnh phá đường đó.

Ban đầu Vương Đại tướng quân đề nghị cho quân mai phục ở các hẻm núi, phục kích quân giặc.

Nhưng vì thiếu tướng lĩnh thống quân, ta đành phải cho phá đường ngăn giặc, và để Vương Đại tướng quân phòng ngự mặt Nguyên Giang.
Quân đội của Giang Phong phát triển quá nhanh nên thiếu tướng lĩnh trầm trọng.

Đến giờ đó vẫn là vấn đề khiến Giang Phong đau đầu.

Toàn quân chỉ có duy nhất Vương Đại tướng quân là có thể thống quân, tối đa 1 sư.

Nhưng dưới sư là vệ thì không có tướng quân thống lĩnh.

Biên chế quân đội hiện giờ chỉ có đội, đoàn, bỏ qua vệ, trực tiếp đến sư.

Thay vì mỗi sư 10 vệ, mỗi vệ 10 đoàn thì Giang Phong buộc phải cho 100 đoàn hợp lại thành sư.

Cũng may Vương Đại tướng quân là thống soái hình tướng lĩnh, lại là lão tướng nhiều kinh nghiệm nên mới chưa xuất hiện vấn đề nghiêm trọng.
Đến khi Nguyên Thành thăng cấp thành Phủ Thành thì vấn đề này có thể giải quyết được.

Theo quân chế trong “Vương Mệnh”, quân đội ở Phủ Thành do Đại tướng quân thống lĩnh, dưới Đại tướng quân có thể có các tướng quân, số lượng tùy thuộc vào quân số.

Nhưng tướng quân không thể tùy tiện phong cho ai cũng được, cần phải có thanh vọng hoặc công huân nhất định.


Ngoài ra còn có chỉ số thống soái trị ảnh hưởng đến năng lực thống quân.

Thống soái trị quá thấp thì sức chiến đấu của quân đội cũng sẽ thấp.

Tuy nhiên, việc mua quan bán tước cũng có thể xảy ra.

Nếu thanh vọng hoặc công huân chưa đạt điều kiện mà vẫn được phong tướng quân thì gọi là “hậu bổ tướng quân” hay “ngụy tướng”.

“Hậu bổ tướng quân” chỉ có tước chứ không có chức, nếu miễn cưỡng cầm quân thì cũng có thể được, nhưng trừ thân quân ra, chiến lực sẽ giảm rất đáng kể.

Ví dụ như thanh vọng hoặc công huân thiếu 20% thì chiến lực sẽ giảm 30%, thiếu đến 67% thì chiến lực không còn, khi gặp giặc quân đội sẽ không chiến đấu mà bỏ chạy.
Khi nghe Giang Phong nói đang thiếu tướng lĩnh, lão Nguyên Phương ngẫm nghĩ giây lát, rồi hỏi :
- Nghe nói Bắc quân cũng đang nam xâm, Viêm triều vô cùng nguy ngập, Kinh Vương phải viện trợ khẩn cấp cho Viêm triều nên không đủ quân lực phản công Man binh ở chiến trường Phần Dương.

Đại nhân đành phải tự mình chống giữ mặt này.

Đại nhân không lo sức yếu thế cô, không chống nổi giặc hay sao ?
Giang Phong thở dài nói :
- Còn cách nào khác đâu.

Nếu ta không chống giữ, toàn địa hạt Nguyên Giang sẽ rơi vào tay giặc.

Khi đó quân giặc có thể xuôi dòng Nguyên Giang tiến thẳng đến Động Đình Hồ, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.
Lão Nguyên Phương ngẫm nghĩ một hồi lâu nữa, rồi chợt nói :
- Vận nước nguy nan, lão cũng không thể thanh nhàn được nữa.

Nếu đại nhân không chê, lão xin được trở thành gia thần, giúp đại nhân cầm quân chống giặc.

Lão là tộc trưởng Nguyên tộc, cũng có chút thanh vọng, có thể đảm nhiệm tướng quân, thống lĩnh thủy quân.
Lão vừa nói xong thì Giang Phong nghe thấy hệ thống thông báo :
- Đinh.

Chúc mừng Thiếu Quân.

Tộc trưởng Nguyên tộc Nguyên Phương kính phục, muốn trở thành gia thần.

Xin hỏi có chấp thuận hay không ?
Đương nhiên chấp thuận.


Giang Phong mỉm cười nói :
- Được tiên sinh gia nhập, cơ hội của chúng ta càng cao hơn.

Tiên sinh tạm thời hãy là Trấn Giang tướng quân.

Việc thao luyện thủy quân ta ủy thác cho tiên sinh vậy.

Vương Đại tướng quân chỉ tinh thông kỵ chiến, đối thủy quân không có nhiều kinh nghiệm.
Lão Nguyên Phương đứng dậy chắp tay nói :
- Tạ đại nhân.
Giang Phong nói :
- Giờ chúng ta hãy về thành cùng mọi người bàn cách chống giặc.
Quan quân được lệnh quay thuyền chèo trở về Nguyên Thành.

Chuyến đi thị sát này, Giang Phong thu hoạch không nhỏ a.

Tuy không biết thân phận địa vị của lão Nguyên Phương cao đến mức nào, nhưng Giang Phong tin rằng lão này chắc chắn không phải nhân vật tầm thường.

Nếu không hệ thống sẽ không bao giờ cho xuất hiện quang cảnh như vừa rồi.

Theo các truyện xưa nay, việc giữa đường ngâm thơ chọn chủ công thế này thường là ái hảo của các bậc đại hiền danh sĩ.

Và lão Nguyên Phương cũng có phong thái của bậc trí tướng, giống như Vương Đại tướng quân.

Loại hình tướng lĩnh như thế Giang Phong ưa thích nhất.

Còn “nhất giới võ phu”, võ lực hình tướng lĩnh, chỉ thích hợp xung phong hãm trận, đối thống quân hiệu quả không cao.

Tuy lưỡng quân đối trận cho đại tướng đan thân tỷ thí dễ tạo nên hình tượng anh hùng, có thể tăng gia sĩ khí cho quân đội, nhưng Giang Phong không ưa thích cách làm đó (Giang Phong thiếu tướng lãnh quân, nếu đan thân tỷ thí mà tử trận thì lấy ai thống quân đánh giặc).