Xác Chết Dưới Gốc Sồi

Chương 22



Alexandra xin ba miếng đường cho tách trà của cô. Marc, Mathias và Lucien nghe cô nói, kể chuyện Juliette bất ngờ nói với cô rằng cô ta tìm một người ở căn nhà nhỏ của cô ta, nói rằng căn phòng của Cyrille xinh xắn, rằng mọi thứ đều đẹp và sáng sủa trong căn nhà ấy, rằng cô sẽ dễ thở, rằng có những cuốn sách đủ loại cho những lúc mất ngủ, rằng ở những cửa sổ, cô sẽ thấy mọc lên những bông hoa mà Cyrille lại thích hoa. Juliette đã dẫn Cyrille đến tiệm Tonneau để làm bánh ngọt. Ngày kia, thứ hai, nó sẽ đến trường mới. Và cô, ở Sở Cảnh sát. Alexandra cau mày. Leguennec muốn gì ở cô? Tuy nhiên cô đã nói hết.

Marc nghĩ rằng đây là cơ hội thích hợp để khởi đầu cuộc tấn công táo tợn và khó chịu, nhưng ý nghĩ có vẻ với anh không thật hay nữa. Anh đứng lên, ngồi lên bàn để vững tin. Chưa bao giờ anh cảm thấy vững vàng khi ngồi bình thường ở ghế tựa.

- Tôi tin mình biết được điều cô muốn – Anh nói yếu ớt – Tôi có thể đặt cho cô những câu hỏi của ông ta trước ông ta, cái đó sẽ làm cô quen.

Alexandra ngẩng phắt đầu lên.

- Rằng anh hỏi tôi ư? Vậy là cả anh, cả các anh, các anh chỉ có chuyện đó trong đầu hử? Những sự nghi ngờ hả? Những ý tưởng rối rắm hả? Việc thừa kế hả?

Alexandra đứng lên. Marc nắm lấy bàn tay cô giữ cô lại. Sự đụng chạm này làm anh hơi giật thót bụng. Đúng, chắc chắn anh đã nói dối Lucien trong lúc nói rằng anh không muốn lao vào cô.

- Không có vấn đề đó – Anh nói – Tại sao cô không ngồi xuống và tại sao không uống tách trà này? Tôi có thể nhẹ nhàng hỏi cô những sự việc mà Lucien sẽ nghiệt ngã ép cô. Tại sao không?

- Anh nói dối – Alexandra nói – Nhưng tôi không cần, anh hãy nghĩ xem. Hãy đưa ra những câu hỏi của anh nếu việc này làm anh yên tâm. Tôi không sợ gì hết, kể cả các anh, cả Leguennec, cả bất kỳ ai nếu không phải là tôi. Hãy nói đi, Marc. Hãy đưa ra những ý tưởng rối ren của anh đi.

- Tôi sẽ cắt những lát bánh to đây – Mathias nói.

Mặt nhăn lại, Alexandra tì vào lưng ghế tựa và lắc lư.

- Không cần – Marc nói – Tôi từ bỏ.

- Dũng khí chiến binh nhỉ? – Lucien lẩm bẩm.

- Không – Alexandra nói – Tôi đang chờ những câu hỏi của anh đây.

- Gan dạ lên, anh lính – Lucien qua đằng sau Marc nói nhỏ.

- Được – Marc nói bằng giọng trầm đục – Được. Leguennec chắc chắn sẽ hỏi cô vì sao cô đến đúng lúc, thúc đẩy phục hồi cuộc điều tra dẫn đến hai ngày sau phát hiện được thi hài của dì cô. Cô không đến, vụ án vẫn ở trong những trạng thái mơ hồ và dì Sophia đã biến đi trong một hòn đảo Hy Lạp. Và không có thi hài, không có chết chóc và không có chết chóc thì không có chuyện thừa kế.

- Thế rồi sao nữa? Tôi đã nói rồi. Tôi đến vì dì Sophia mời tôi. Tôi cần phải đi. Đó không phải là điều bí mật đối với ai cả.

- Trừ đối với mẹ cô.

Ba người đàn ông cùng ngoảnh đầu về phía cửa mà một lần nữa Vandoosler đến đứng ở đấy mà không ai nghe thấy bước chân ông đi xuống.

- Chúng cháu đã không gọi bác – Marc nói.

- Không – Vandoosler nói – Thực sự không ai gọi ta lúc này. Việc đó không ngăn ta tự đặt cho mình, hãy nhớ rõ điều này.

- Bác hãy rút lui đi – Marc nói – Việc cháu làm đã khá khó khăn rồi.

- Bởi vì cháu làm việc này như có một chân không bước được đâu. Cháu muốn đi trước Leguennec à? Cởi nút trước ông ấy, giải thoát cô bé ư? Vậy thì ít ra hãy làm tốt việc này, xin mời. Cô cho phép chứ? – Ông hỏi Alexandra trong lúc ngồi cạnh cô.

- Cháu không nghĩ mình có sự lựa chọn – Alexandra nói – Xét đại thể, cháu thích trả lời một Cảnh sát đích thực, bại hoại như người ta nói với cháu thế, hơn là bà Cảnh sát giả vụng về với những ý định đáng ngờ của họ. Trừ ý định của Mathias cắt bánh là tốt. Cháu nghe bác đây.

- Leguennec đã gọi điện cho mẹ cô. Bà ấy biết rằng cô đến ở Paris. Bà ấy biết lý do của việc này. Nỗi buồn tình duyên, người ta nói thế cho gọn, mấy lời quá ngắn gọn về những gì họ coi như kể.

- Bởi vì bác biết đó là nỗi buồn tình duyên chứ gì? – Alexandra hỏi, mày luôn cau lại.

- Kha khá – Vandoosler nói chậm rãi – Đó là việc tôi đã kể nhiều, mà một việc khá nghiêm trọng. Phải, tôi đã biết một đoạn.

Vandoosler lùa hai bàn tay vào mái tóc trắng đen của mình. Có một lúc im lặng. Marc hiếm khi nghe ông nói với vẻ nghiêm chỉnh và giản dị. Vandoosler với nét mặt bình thản nhẹ nhàng gõ nhịp lên mặt bàn gỗ. Alexandra nhìn ông.

- Chúng ta hãy lướt qua – Ông nói tiếp – Phải tôi có biết một việc.

Alexandra cúi đầu. Vandoosler hỏi có phải bắt buộc phải uống trà hoặc có thể uống thứ gì khác.

- Điều này để nói rằng – Ông nói tiếp trong lúc tự rót cho mình một cốc rượu – tôi tin cô khi cô kể mình đã bỏ trốn. Tại sao trước hôm cô đi cô lại gửi chiếc xe của cô ở một ga-ra ôtô, khi nhấn mạnh rằng nó quá cũ không thể đi trọn đường tới Paris?

- Thế nào mà bác biết được chuyện ấy? – Alexandra kinh hoảng nói.

- Mẹ cô đã nói với tôi rằng cô đã bán xe. Tôi đã gọi điện thoại cho mọi ga-ra ô-tô ở gần nơi ở của cô cho tới khi tôi tìm được hoá đơn.

- Nhưng chuyện đó có gì xấu? – Marc đột nhiên kêu lên – Bác tìm cái gì? Cuối cùng hãy để cô ấy yên.

- Thế rồi sao nữa, Marc? – Vandoosler ngước mắt nhìn anh nói – Cháu muốn chuẩn bị cho cô ấy đối phó với Leguennec hử? Đó là điều ta làm đây. Cháu muốn làm Cảnh sát vậy mà cháu còn không chịu nổi bước đầu của cuộc thẩm vấn, phải không? Còn ta, ta biết rõ điều gì đang đợi cô ta vào thứ hai. Vậy cháu hãy ngậm miệng và dỏng tai nghe. Còn cháu, Mathias, cháu có thể nói với ta vì sao cháu cắt những lát bánh như thể ta chờ đón hai mươi người thế?

- Để cháu cảm thấy thoải mái – Mathias nói – Và vì Lucien ăn hết – Lucien thích bánh mì.

Vandoosler thở dài và ngoảnh về phía Alexandra mà nỗi lo lắng dâng lên cùng với những giọt nước mắt làm cô phải lấy khăn lau bát đĩa chùi mắt.

- Rồi ư? – Cô nói – Đã có tất cả những cuộc gọi điện thoại, tất cả những cuộc dò xét ấy ư? Thật kinh khủng đem bán chiếc xe của mình ư? Nó đã bị hư hỏng nặng. Cháu không muốn đi chiếc xe ấy trên đường tới Paris với Cyrille. Vả lại nó nhắc cháu tới những mánh lới. Cháu đã bán tống bán tháo nó... Đó là một tội ác sao?

- Tôi tiếp tục việc suy luận – Vandoosler nói – Trong tuần trước, vào thứ tư, khi cô giao phó Cyrille cho mẹ cô, cô đi nhanh tới Paris bằng xe của cô mà theo lời chủ ga-ra ô-tô thì chiếc xe không hư hỏng đến thế.

Lucien theo thói quen đi vòng quanh bàn, lấy chiếc khăn lau bát đĩa ở tay Alexandra và trao cho cô chiếc khăn tay.

- Chiếc khăn lau bát đĩa không thật sạch – Anh thầm thì nói với cô.

- Vả lại, không thật hư hỏng đến thế – Vandoosler nhắc lại.

- Cháu đã nói với bác rằng chiếc xe ấy làm cháu nhớ lại những mánh lới, chết tiệt! – Alexandra nói – Nếu bác hiểu vì sao người ta chạy trốn, bác có thể cũng hiểu vì sao người ta bán tống bán tháo chiếc xe, có hay không?

- Quả thật. Nhưng nếu những kỷ niệm ấy thật nặng nề, tại sao không bán chiếc xe đó sớm hơn?

- Bởi vì người ta day dứt với những kỷ niệm, chết tiệt! – Alexandra kêu lên.

- Đừng bao giờ nói chết tiệt hai lần với một Cảnh sát. Alexandra. Với tôi thì không quan trọng gì. Nhưng thứ hai thì hãy cẩn thận. Leguennec sẽ không phản đối, nhưng ông ấy không thích nói thế. Đừng nói chết tiệt với ông ấy. Dẫu sao chăng nữa, ta không nói chết tiệt với một người Breton mà là người Breton mới nói chết tiệt. Đó là luật.

- Vậy thì vì sao bác lại chọn ông ta, Leguennec ấy? – Marc hỏi – Có phải ông ta không tin vào bất cứ điều gì và không thể chịu đựng nổi người ta nói chết tiệt không?

- Bởi vì Leguennec khéo léo, bởi vì Leguennec là một người bạn, bởi vì đó thuộc khu vực của ông ấy, bởi vì ông ấy thu thập mọi chi tiết cho chúng ta và cuối cùng bởi vì, ta sẽ làm điều mà ta muốn, những chi tiết, ta đây, Armand Vandoosler.

- Thì bác cứ nói! – Marc kêu lên.

- Hãy ngừng kêu như thế, Marc, thật xấu cho việc phong thánh đấy, và ngừng ngắt lời ta. Tôi nói tiếp nhé. Alexandra, cô đã thôi việc từ ba tuần nay, dự tính cho chuyến đi của cô. Cô đã gửi cho dì cô một tấm thiếp có hình ngôi sao và cuộc hẹn gặp ở Lyon. Mọi người trong gia đình đều biết chuyện cũ với Stelyos và biết tên gì sẽ gợi cho Sophia với hình vẽ ngôi sao. Cô đến Paris vào buổi tối, cô chặn đón dì cô, cô kể cho bà ấy chuyện gì tôi không biết về Stelyos đang ở Lyon, cô đưa bà ấy vào trong xe của cô và cô giết bà ấy. Hay. Cô đặt bà ấy ở nơi nào đó, chẳng hạn trong rừng Fontainebleau hoặc trong rừng Marly như ý cô, trong một nơi khá hẻo lánh để bà ấy không được tìm thấy quá sớm – điều đó tránh được vấn đề ngày chết và những cớ vắng mặt phải cung cấp – và cô trở về Lyon vào buổi sáng. Những ngày qua đi và không có tin gì trong báo chí. Điều đó tiện cho cô. Sau đấy, điều đó làm cô lo lắng. Nơi đó quá hẻo lánh. Nếu người ta không tìm thấy thi hài thì không có chuyện thừa kế. Đã tới lúc phải đến tại chỗ. Cô bán xe của mình, cô thận trọng giải thích rằng không bao giờ cô lái xe trên đường tới tận Paris và cô đến đây bằng tàu hoả. Cô đã làm cho mình được chú ý, ngớ ngẩn chờ đợi dưới trời mưa với thằng nhỏ của cô, không nghĩ tới cho nó trú ẩn trong tiệm cà phê gần nhất. Không có vấn đề để tin vào sự mất tích tự nguyện của Sophia. Vậy là cô phản đối và cuộc điều tra lại tiến hành. Cô mượn xe của dì cô vào tối thứ tư, cô đi vào ban đêm để lấy lại xác, cô hết sức thận trọng để không còn một dấu vết nào trong thùng xe, một công việc nặng nhọc, những túi chất dẻo, chất cách ly, và những chi tiết kỹ thuật ác hại, và cô để cái xác trong một chiếc xe cà khổ bỏ vạ vật ở một phố nhỏ ở ngoại ô. Cô đốt lửa để xoá mọi dấu vết vận chuyển, thao tác và cái túi chất dẻo. Cô biết rằng viên đá bùa hộ mệnh của dì Sophia chống chịu được lửa. Nó chống chịu được núi lửa phun nó ra... Công việc hoàn thành, cái xác được nhận dạng. Chỉ đến ngày hôm sau cô mới chính thức dùng chiếc xe mượn của dượng cô. Cô nói để lăn bánh ban đêm, không mục đích. Hoặc giả để quên đi cái đêm mà cô cho xe lăn bánh với mục đích thật cụ thể, trong trường hợp mà người ta trông thấy cô. Một chi tiết nữa: không tìm được chiếc xe của dì cô vì nó đã đến phòng thí nghiệm để kiểm tra từ sáng hôm qua.

- Cháu biết chuyện này, bác hãy suy nghĩ – Alexandra ngắt lời.

- Kiểm tra thùng xe, những chiếc ghế... – Vandoosler nói tiếp – hẳn cô đã nghe nói tới sự rà soát này. Chiếc xe sẽ được trả lại cho cô ngay sau khi kiểm tra. Thế đó – Ông vỗ vai người phụ nữ trẻ kết luận.

Alexandra bất động, mắt nhìn trống rỗng của những kẻ thăm dò tầm rộng của thảm hoạ. Marc tự hỏi có phải anh sẽ tống cổ ông già đỡ đầu đểu cáng này ra ngoài, túm lấy hai vai chiếc áo xám không chê vào đâu được của ông, phá huỷ bộ mặt đẹp đẽ của ông và quẳng ông qua chiếc cửa sổ hình vòm bán nguyệt. Vandoosler ngước mắt và bắt gặp cái nhìn của anh.

- Ta biết cháu đang nghĩ gì, Marc. Ý nghĩ đó sẽ làm cháu khuây khoả. Nhưng cháu hãy tiết kiệm và miễn cho ta. Ta có thể giúp đỡ dẫu có chuyện gì xảy ra và dẫu người ta trách cứ cô ấy.

Marc nghĩ tới kẻ giết người mà Armand Vandoosler đã để chạy thoát, bất chấp công lý. Anh cố không hốt hoảng nhưng việc chứng minh mà người đỡ đầu vừa nêu ra đứng được. Mà còn đứng vững nữa. Đột nhiên anh lại nghe thấy tiếng nói nhỏ nhẹ của Cyrille tối thứ năm nói rằng nó muốn ăn tối với họ, rằng nó chán ngấy xe... Vậy có phải Alexandra đã đi xe với nó đêm trước không? Cái đêm mà cô đã đi tìm cái xác ư? Không. Ghê gớm quá. Đứa bé hẳn nghĩ tới những chuyến đi khác. Alexandra cho xe lăn bánh ban đêm từ mười một tháng nay.

Marc nhìn những người khác. Mathias bóp vụn một lát bánh, hai mắt nhìn xuống bàn. Lucien lau bụi một giá sách bằng chiếc giẻ bẩn. Và anh chờ đợi Alexandra phàn ứng, giải thích, gào thét.

- Chuyện đó đứng được – Cô chỉ nói thế thôi.

- Chuyện đó đứng được – Vandoosler khẳng định.

- Cô điên rồi, hãy nói chuyện khác đi – Marc van nài.

- Cô ấy không điên – Vandoosler nói – Cô ấy rất thông minh.

- Nhưng còn những người khác? – Marc nói – Cô ấy không phải là người duy nhất thừa hưởng tiền bạc của Sophia. Còn mẹ cô ấy...

Alexandra bóp chặt chiếc khăn tay.

- Không liên quan tới mẹ cô ấy – Vandoosler nói – Bà ấy không rời khỏi Lyon. Bà ấy làm việc hai phần ba thời gian và chiều nào cũng đến trường đón Cyrille. Không thể công kích. Đã được kiểm tra rồi.

- Cảm ơn – Alexandra thốt lên.

- Vậy thì Pierre Relivaux? – Marc hỏi – Đây vẫn là người thừa kế thứ nhất phải không? Hơn nữa ông ta có một người tình.

- Relivaux ở không đúng chỗ, đúng thế. Không ít những buổi vắng mặt về đêm từ khi vợ mình mất tích. Nhưng cháu hãy nhớ là ông ta không làm gì hết để người ta tìm lại bà ấy. Vậy là không có thi hài, không có thừa kế.

- Trò hề! Ông ta biết rõ là một ngày nào đó người ta sẽ tìm được bà ấy.

- Có thể – Vandoosler nói – Leguennec cũng không buông tha ông ta, cháu đừng lo ngại.

- Còn những người còn lại của gia đình? – Marc hỏi – Lex, hãy kể số người còn lại của gia đình đi.

- Hãy hỏi bác anh – Alexandra nói – vì ông ấy có vẻ biết hết trước mọi người.

- Ăn bánh đi – Mathias nói với Marc – Cái đó làm giãn hàm cậu đấy.

- Cậu tin thế ư?

Mathias gật đầu và đưa cho Marc một lát bánh. Marc nhai bánh như một kẻ ngu ngốc trong lúc lắng nghe Vandoosler nói tiếp những hiểu biết của ông.

- Người thừa kế thứ ba, bố của Sophia, đang sống ở Dourdan – Vandoosler nói – Siméonidis Cổ nhân là người say mê con gái mình. Ông không bỏ một buổi hoà nhạc nào của con gái. Chính tại Nhà hát Nhạc kịch Paris, ông đã gặp người vợ thứ hai của mình. Bà vợ thứ hai đã đến thăm con trai mình, người làm vì bình thường trong việc bố trí và bà rất tự hào về con. Cũng rất tự hào được làm quen do ngẫu nhiên với bố của nữ ca sĩ ở gần vị trí dàn nhạc. Hẳn bà nghĩ rằng đó sẽ là một bàn đạp tốt cho con trai mình, nhưng dần dà họ cưới nhau và ở trong ngôi nhà của ông ở Dourdan. Hai điểm: Siméonidis không giàu và ông luôn lái xe. Nhưng dữ liệu cơ bản là điều này: đó là một người hâm mộ cuồng nhiệt con gái mình. Rụng rời bởi cái chết của con gái. Ông đã sưu tập tất cả về con gái, tất cả những gì được viết, đọc, chụp ảnh, ấp úng, thì thầm, vẽ. Có vẻ việc đó chiếm cả một căn phòng nhà ông. Đúng hay sai?

- Đó là phao tin về truyền thuyết gia đình mà thôi – Alexandra lẩm bẩm – Đó là một ông già dũng cảm độc đoán, trừ việc ông kết hôn lần thứ hai với một người đàn bà ngu ngốc. Kẻ ngu ngốc này trẻ hơn ông nhiều, bà ta làm một chút những gì bà ta muốn trừ việc có liên quan tới Sophia. Đó là lĩnh vực thiêng liêng mà bà ta không được quyền nhúng mũi vào.

- Con trai người đàn bà này hơi lạ lùng.

- A! – Marc nói.

- Đừng hăng tiết lên thế – Vandoosler nói – Kỳ cục theo ý nghĩa kẻ chậm như rùa, yếu ớt, ngập ngừng, nhìn trộm, sống bằng tiền của mẹ y hơn bốn mươi năm, có khả năng tự làm bằng chính tay mình, thỉnh thoảng dựng lên những mưu mô thủ đoạn gàn dở, không có năng khiếu, tự để bị tóm, tự buông lỏng, tóm lại là một kẻ khốn khổ hơn là đáng ngại. Sophia đã tìm kiếm cho y nhiều vai phụ, nhưng ngay cả những vai đóng câm, không bao giờ y tỏ ra tốt hơn và y chóng chán.

Alexandra máy móc lấy chiếc khăn tay trắng mà Lucien cho mượn lau mặt bàn. Lucien đau khổ vì chiếc khăn tay của mình. Mathias đứng lên để đi làm việc buổi tối ở tiệm Tonneau. Anh nói anh sẽ cho Cyrille ăn tối tại bếp và anh sẽ lẩn đi ba phút để đưa nó về chái nhà nhỏ. Alexandra mỉm cười với anh.

Mathias trèo lên căn hộ của mình để thay quần áo. Juliette buộc anh không được trần truồng dưới bộ quần áo phục vụ. Việc này thật rất khắc nghiệt đối với Mathias.

Anh có cảm giác nổ tung ngưòi dưới ba lớp áo quần. Nhưng anh hiểu quan điểm của Juliette, nửa thay trong phòng khi khách ra về, “bởi vì người ta có thể trông thấy”. Thế đó, Mathias không hiểu nổi nữa quan điểm của Juliette và anh không nhận thức rõ điều anh có thể khó xử trong việc này, nhưng anh không muốn làm cô bực mình. Vậy là từ nay anh chỉ thay quần áo trong phòng mình, việc đó buộc anh khi ra ngoài phố phải mặc đầy đủ với quần đùi, tất, giày, quần đen, áo sơmi, nơ con bướm, gi-lê, áo vét và anh khá khổ sở vì việc này. Nhưng công việc lại thích hợp với anh. Đó là loại công việc không ngăn anh cùng một lúc suy nghĩ. Và khi có thể, một số buổi tối ít việc, Juliette cho anh về sớm hơn. Còn anh, anh thấy không có gì trở ngại qua suốt đêm ở đấy, mình anh với cô nhưng vì anh ít nói, cô không sao đoán nổi. Thế là, cô giải phóng cho anh sớm hơn. Trong lúc cài cúc chiếc gi-lê ghê tởm này, Mathias nghĩ tới Alexandra và số lát bánh mà anh phải cắt để làm cho hoàn cảnh có thể chịu được, ông già Vandoosler không mó tay vào việc đó. Dẫu sao thì không thể tin nổi là Lucien có thể nuốt ngần ấy lát bánh.

Sau khi Mathias đi, mọi người ở lại lặng lẽ. Việc đó thường xảy ra như vậy với Mathias, Marc mơ hồ nghĩ. Khi Mathias ở đây, anh ấy hầu như không nói và mọi người coi thường. Khi Mathias không ở đây nữa thì như thể chiếc cầu đá mà người ta tựa vào bỗng nhiên biến mất và cần tìm được một sự thăng bằng mới. Anh khẽ rùng mình và lắc đầu.

- Cậu ngủ đấy à, anh lính – Lucien nói.

- Không chút nào – Marc nói – Mình dạo chơi lăng quăng trong lúc ngồi lại. Đây là vấn đề kiến tạo học, cậu không thể hiểu đâu.

Vandoosler đứng lên với cử chỉ bằng bàn tay, buộc Alexandra quay mặt về phía ông.

- Tất cả đều đứng vững - Alexandra nhắc lại với ông. Ông già Siméonidis không giết Sophia vì ông yêu dì ấy. Con rể ông không giết Sophia vì đó là một kẻ nhu nhược. Mẹ dì ấy cũng không vì bà là một kẻ ngu ngốc. Mẹ cháu cũng không vì đó là mẹ, và bà không rời khỏi Lyon. Chỉ còn lại cháu: cháu đã xê dịch, cháu đã nói dối mẹ cháu, cháu đã bán xe, cháu đã không gặp dì Sophia từ mười năm nay, cháu cay đắng, cháu đã phát động cuộc điều tra khi đến đây, cháu không có việc làm nữa, cháu đã lấy xe của dì cháu để đi, cháu đã lái xe đi không có mục đích trong đêm. Cháu thua rồi. Dẫu sao chăng nữa, cháu đã ở trong tình trạng rối rắm.

- Chúng tôi cũng thế – Marc nói – Nhưng có sự khác nhau giữa tình trạng rối rắm và bị thua. Trường hợp này người ta trượt và còn trường hợp kia người ta nung nấu. Hoàn toàn không như nhau.

- Hãy vứt bỏ những lời phóng dụ của cháu đi – Vandoosler nói – Cô ấy không cần thứ đó.

- Thỉnh thoảng một lời phóng dụ nhỏ không bao giờ gây xấu cho ai cả – Marc nói.

- Những điều ta nói với Alexandra rất có ích trong lúc này. Cô ấy đã sẵn sàng. Tất cả những sai lầm mà cô ấy mắc phải chiều nay như hốt hoảng, khóc, tức giận, ngắt lời, hai lần nói chết tiệt, kêu la, rụng rời và suy sụp thì thứ hai cô ấy sẽ không lặp lại. Ngày mai cô ấy sẽ ngủ, đọc sách, đưa đứa bé đi chơi ở công viên hoặc trên những bến ở sông Seine. Leguennec chắc chắn sẽ cho người theo dõi cô ấy. Đó là điều dự kiến trước. Cô ấy còn không cần nhận thấy việc đó. Thứ hai, cô ấy sẽ đưa đứa bé đến trường và cô ấy sẽ đến Sở Cảnh sát. Cô biết mình chờ đợi cái gì. Cô ấy sẽ nói sự thật của cô ấy mà không ồn ào, không gây gổ và đó là điều tốt nhất phải làm để kìm lại tạm thời một Cảnh sát.

- Cô ấy sẽ nói sự thật nhưng Leguennec sẽ không tin cô ấy – Marc nói.

- Ta không nói “sự” thật mà là sự thật “của cô ấy”.

- Vậy bác tin cô ấy là thủ phạm ư? – Marc lại nổi giận nói.

Vandoosler giơ hai bàn tay lên rồi lại buông thõng xuống hai đùi.

- Marc, cần có thời gian để gắn “sự” và “của cô ấy”. Thời gian. Đó là tất cả những gì mà chúng ta cần. Chính cái đó mà ta thử thắng. Leguennec là một cảnh sát tốt nhưng ông ta có khuynh hướng muốn bắt con cá voi của ông ta quá nhanh. Đó là một kẻ phóng lao móc, ta cần người đó. Còn ta, ta thích hơn là để con cá voi thăm dò, để nó theo dõi dây câu, đổ nước lên trên nếu quá nóng, xác định vị trí con cá voi lại ra, lại để nó thăm dò và cứ như thế. Cần thời gian, thời gian...

- Bác chờ đợi thời gian ư? – Alexandra hỏi.

- Những phản ứng – Vandoosler nói – Không có gì lại ở lại bất động sau vụ giết người. Tôi chờ đợi những phản ứng. Dù là nhỏ nhặt. Những phản ứng sẽ đến. Chỉ cần chú ý.

- Và bác sẽ ở đây – Marc hỏi. – Ở trên kia, trong sườn mái của bác để rình rập những phản ứng ư? Không nhúc nhích ư? Không tìm kiếm ư? Không chịu bỏ sức ra ư? Bác tin rằng những phản ứng sẽ rơi đúng lên đầu như phân chim bồ câu ư? Bác có biết cháu đã nhận bao nhiêu phân chim bồ câu rơi lên đầu từ khi cháu ở Paris hai mươi ba năm không? Bác có biết bao nhiêu không? Chỉ một lần, một lần duy nhất! Một cục phân nhỏ khốn khổ trong khi có hàng triệu con bồ câu ỉa suốt ngày trong thành phố. Vậy là sao? Bác hy vọng gì? Hy vọng những phản ứng sẽ ngoan ngoãn đến tận đây để ở trong đầu óc chú ý của bác chứ?

- Đúng thế – Vandoosler nói – Bởi vì ở đây...

- Bởi vì ở đây là Mặt trận – Lucien nói.

Vandoosler đứng lên và gật đầu.

- Cậu ta tinh quái, người bạn của Đại chiến của cháu ấy – Ông nói.

Có một lúc im lặng nặng nề. Vandoosler lục các túi lấy ra hai đồng năm frăng. Ông chọn đồng sáng nhất và biến vào hầm là nơi chất đống mọi dụng cụ. Mọi người nghe thấy tiếng rung nhẹ của máy khoan. Vandoosler trở lại với đồng năm frăng bị đục lỗ trong tay và với ba nhát búa ông đóng nó vào cái xà bên trái lò sưởi.

- Bác đã kết thúc trò biểu diễn của bác rồi chứ? – Marc hỏi ông.

- Vì ta nói tới cá voi – Vandoosler trả lời – Ta đóng đồng tiền này vào cột buồm lớn. Nó sẽ trở lại với kẻ đâm lao móc vào kẻ giết người.

- Thật cần thiết ư? – Marc nói – Sophia chết còn bác, bác đùa giỡn. Bác lợi dụng việc này để làm kẻ ngu ngốc, để làm thuyền trưởng Achab. Bác đáng bị cười nhạo.

- Đây không phải là sự cười nhạo mà là tượng trưng. Tý chút. Bánh mì và những tượng trưng. Đó là cơ bản.

- Và chính bác là thuyền trưởng, tất nhiên chứ?

Vandoosler lắc đầu.

- Ta không biết gì hết – Ông nói – Ta không chạy vạy. Ta muốn kẻ sát nhân ấy và ta muốn tất cả mọi người làm việc này.

- Người ta đã biết bác rất nhân từ đối với những kẻ sát nhân – Marc nói.

Vandoosler quay ngoắt lại.

- Kẻ đó – Ông nói – sẽ không có được lòng khoan dung của ta. Đó là một con vật bẩn thỉu.

- A, đúng thế ư? Bác đã biết kẻ đó ư?

- Phải, ta biết kẻ đó. Kẻ đó là một kẻ giết người. Một kẻ giết người. Cháu nghe rõ ta nói chứ? Chào mọi người.