Xuân Giang Hoa Nguyệt

Chương 121



Canh bốn, đêm tối đen như mực, ánh đèn le lói trong cung Kiến Khang chiếu rọi những khuôn mặt mệt mỏi của cung nhân thức gần cả đêm.

Vào giờ phút này, Cung điện Kiến Khang hùng vĩ với hàng ngàn căn phòng không còn thấy được nửa phần uy nghiêm và trang nghiêm trước đây.

Những người bên trong người kéo tay nải, người nâng hòm xiểng, vội vã ra vào, thậm chí còn va phải nhau vì bất cẩn.

Một lát nữa thôi, hoàng hậu sẽ bãi giá ra khỏi cung dưới sự theo giá của quan viên rời khỏi Kiến Khang.

Cao Ung Dung cả một đêm không ngủ.

Khuôn mặt chị ta xám xịt, đôi mắt sưng húp vì mệt mỏi và tâm trạng không tốt.

Tin tức xấu cứ lần lượt mà đến.

Quận Võ Xương đã bị phản quân đến từ Kinh Châu công phá, phản quân đang tiến về quận Vọng Giang đã được Cao Kiệu bố trí phòng thủ. Một khi quận Vọng Giang cũng bị công phá, Kiến Khang hoàn toàn mất đi lá chắn phía Tây và phản quân đánh tới là việc đương nhiên.

Không chỉ như vậy, loạn binh Thiên Sư giáo vốn đã bị đàn áp hiện đang bành trướng như quả cầu tuyết mượn cơ hội quân đội triều đình bị điều đi, phòng bị yếu ớt mà lại nhân cơ hội phản công.

Tin tức vừa mới nhận được, quận Hội Kê là một quận lớn rất quan trọng ở Đông Nam cũng bị chiếm đóng. Quận thủ trên đường chạy trốn đã bị bắt, bị chém đầu ở ngay trên tường thành.

Càng đáng sợ hơn chính là, có tin đồn Ngô Thương giáo đầu Thiên Sư giáo đã cấu kết với phản quân Tuyên Thành, không đợi phản quân Kinh Châu đến đã ngo ngoe rục rịch cùng hẹn xuất binh, ít  ngày nữa lại lần nữa tấn công Kiến Khang.

Quân đội Đại Ngu được chia thành ba loại gồm trung quân, ngoại quân và quận binh từ các châu khác nhau.

Trung quân chính là Túc vệ quân và Đô vệ quân Kiến Khang, do hoàng đế chỉ huy, hiện giờ nhân số còn mở rộng hơn so với thời Hưng Bình đế, nhưng quân số của hai đội cộng lại không đến một vạn. Binh châu quận các nơi chiếm tỷ lệ rất nhỏ, gần như không có tác dụng mấy.

Toàn bộ triều đình đều dựa vào chính là Quảng Lăng quân, binh lính Kinh Châu trước khi nổi dậy và ngoại quân binh Kinh Châu trước khi phản loạn từng nằm trong tay sĩ tộc và quyền thần.

Mà hiện giờ, binh lính mà Đại Ngu có thể dùng gần như chỉ còn lại Quảng Lăng quân của Cao Kiệu.

Ngoài cung truyền đến tiếng thông báo, tất cả quan viên đều đã đến ngoài cung, cung kính mời hoàng hậu ra ngoài.

Cao Ung Dung rời mắt khỏi bầu trời đêm đen kịt bên ngoài cung điện, thu mình lại, đang định ra ngoài thì một vị quan trong cung thân tín vội vàng chạy tới, thấp giọng nói:

– Hoàng Hậu, bà tử trong nhà lao truyền lời, Cao tướng công ra lệnh ngục quan chuyển hết tù phạm đến Thạch Đầu Thành. Thiệu thị khẩn cầu quý nhân phóng thích chị ta…

Cung nhân nhìn trái phải, ghé sát tai Cao Ung Dung, thì thầm vài câu.

Trong mắt Cao Ung Dung hiện lên một tia căm ghét, lạnh lùng nói:

– Ngươi truyền lời cho cô ta, bảo cô ta là người em trai kia của cô ta đã được ta cho người đưa gã trở về nửa chừng khi đang trên đường đi lưu đày. Bảo cô ta ngoan ngoãn ở trong đó mà đợi. Thời kỳ phi thường không thể để xảy ra bất cứ đường rẽ gì, qua cửa ải này rồi chỉ cần lúc cần dùng đến ta sẽ tự thả cô ta ra ngoài.

Cung nhân vâng dạ rồi đi.

Cao Ung Dung nhìn thoáng qua cung điện sau lưng, cất bước đi ra.

Cao Kiệu và Phùng Vệ dẫn theo bách quan nhìn thấy đế hậu dắt theo thái tử từ trong cung bãi giá ra ngoài thì đều quỳ xuống nghênh đón.

Hoàng đế đêm qua cảm mạo ngã bệnh, vừa ốm vừa mệt, vừa ra ngoài đã được cung nhân dìu đi lên xe ngựa.

Cao Ung Dung vẫn không trèo lên xe ngựa mà đi đến trước mặt Cao Kiệu, nói:

– Bá phụ, bệ hạ vì quá buồn lo mà đổ bệnh, tinh thần không phấn chấn, nên kêu cháu gái gửi lời với bá phụ, Kiến Khang giao cho bá phụ, tất cả đều dựa vào bá phụ ạ.

Cao Kiệu nói:

– Đây là bổn phận và trách nhiệm của ta.

Cao Ung Dung nâng ông đứng lên, cũng kêu mọi người bình thân, sau đó quay đầu lại nhìn Túc Vệ quân đang xếp hàng nơi xa, nói tiếp:

– Bá phụ, bệ hạ và cháu đã thống nhất với nhau, tuy không thể ở lại cùng sống chết với Kiến Khang, nhưng mà Túc Vệ quân không cần phải điều đi toàn bộ. Chỉ cần mang theo tả hữu nhị doanh là đủ rồi, nhân mã còn lại thì ở lại, cùng bá phụ chống lại phản quân bảo vệ toàn thành.

Các đại thần nhìn nhau. Cao Kiệu nói ngay:

– Không được. Đô vệ quân đã ở lại rồi, Túc Vệ quân vốn có trách nhiệm bảo vệ an nguy của bệ hạ, huống chi lần này là di giá. Không thể được đâu.

Cao Ung Dung nói:

– Cháu biết để số nhân mã này ở lại chỉ như muốn bỏ biển, cũng không mấy có ích đối với việc bá phụ ngăn địch, nhưng mà đây là tấm lòng của bệ hạ và cháu gái, mong bá phụ nhận lấy, có thể tùy ý sử dụng và điều động ạ.

Nói xong sai người đi truyền đạt lại thánh chỉ cho Túc Vệ quân.

Cao Kiệu nhìn cháu gái của mình, trong mắt xẹt qua tia u tối khó nhận ra, cuối cùng nói:

– Nếu thế thì thần thay dân chúng Kiến Khang cảm tạ bệ hạ và điện hạ. Xin mời hoàng hậu lên xe chuẩn bị khởi giá.

Cao Ung Dung gật đầu, xoay người bước lên xe của mình.

……

Vùng ngoại ô thành Tây, tên lính áp giải một đội tù nhân đang đi trên đường tiến về Thạch Đầu Thành. Số lượng nữ tù nhân không nhiều lắm, chỉ có hơn chục người, vốn là đi sau cùng, một người trong đó dường như là đi không nổi nữa càng đi càng chậm, đi cách hẳn phía sau một đoạn.

Nữ tù này chính là Thiệu Ngọc Nương. Bà tử chuyên phụ trách trông coi chị ta không còn kiên nhẫn, đứng bên thúc giục liên hồi.

Thiệu Ngọc Nương giơ đôi tay bị xiềng xích lên, cầu xin:

– Xin ma ma thương xót tháo xiềng xích cho tôi được không? Cái này nặng quá nô không đi nổi ạ.

Khuôn mặt chị ta tái nhợt vì đã lâu không nhìn thấy ánh mặt trời, nói một câu cũng th ở dốc, nhìn bộ dạng của cô quả thực rất đáng thương.

Lao bà lạnh lùng nói:

– Người khác còn mang xiềng chân, ngục quan để hai chân ngươi tự do đã là ưu ái lắm rồi, ngươi đừng có mà dài dòng nữa. Đi mau đi.

Thiệu Ngọc Nương không còn cách nào khác lại cắn răng đuổi theo, dần dần đi tới một bên đường có cỏ dại rậm rạp, dừng lại, đặt tay lên bụng nói muốn đi vệ sinh.

Lao bà cau có tỏ vẻ khó chịu, kêu chị ta cứ ngồi xuống mà đi.

Thiệu Ngọc Nương xin xỏ:

– Ma ma ơi, tối qua tôi ăn phải cơm thiu trong nhà lao, sáng nay bụng dạ không tốt, bà cũng biết mà. Tôi không phải đi nhẹ mà là đi nặng, chỉ sợ hôi thối làm ma ma đứng canh bên cạnh không chịu nổi thôi. Xin ma ma mở khóa cho tôi, tôi đi vệ sinh xong thì quay lại ngay.

Lao bà biết chị ta sáng nay đúng thật là bụng dạ khó chịu, cau mày nhìn trái phải, chung quanh bằng phẳng, cũng không có nơi để trốn được, sợ chị ta thật sự dính bẩn hôi thối đến mình, cau mày, lấy chìa khóa mở khóa một tay cho chị ta.

Thiệu Ngọc Nương cảm ơn liên tục, một tay đeo xích sắt, một tay ôm bụng, đi đến phía sau một bụi cỏ dại rồi ngồi xuống.

Lao bà theo vài bước dừng lại, đợi hồi lâu giục vài lần nhưng mãi không thấy chị ta đứng lên bèn tức tối đi qua đó, lại thấy chị ta ngã lăn dưới đất, hai mắt nhắm nghiền đã hôn mê bất tỉnh. Bà ta giật mình ngồi xuống ấn nhân trung cho chị ta, thấy chị ta không có phản ứng, đang muốn đứng lên hô to gọi người ở đằng trước đến thì Thiệu Ngọc Nương đang nằm bất động dưới đất đột ngột mở mắt ra, nắm lấy xích sắt treo trên cổ tay mình quàng lấy cổ bà ta, sau đó quấn một vòng rồi thu lại, thít chặt cổ bà ta.

Lao bà thân hình cao lớn bị Thiệu Ngọc Nương ở phía sau siết chặt cổ nhưng lại không thể nào giãy thoát được, ngã ra đất, hai chân đạp loạn xạ, cổ họng phát ra những tiếng ú ớ không ngừng, hai tay hãy còn liều mạng bắt lấy xích sắt muốn thoát ra.

Thiệu Ngọc Nương nghiến răng càng kéo chặt hơn, xích sắt ghim sâu vào trong da thịt. Dần dần, tay chân lao bà kia buông thõng, cả người bất động đã bị siết cổ đến chết.

Thiệu Ngọc Nương buông xích sắt ra, ngồi dưới đất thở hổn hển mấy hơi, lấy chìa khóa của bà ta mở hết khóa xiềng xích trên tay mình ra, lại kéo bà tử kia đến một con mương đất dài, lấy cỏ vùi lên, lại nhìn chung quanh rồi đi nhanh về phương hướng Kiến Khang.

……

Lệnh ban bố sơ tán vào ngày thứ ba, đế hậu cùng với quần thần đi theo giá đã đi Khúc A, cư dân trong thành cũng đã dời đi quá nửa.

Trời vừa tờ mờ sáng. Sương mù buổi sáng mỏng manh như một tấm màn mỏng che phủ những ngọn đồi và cánh đồng ở ngoại ô phía đông Kiến Khang, vạch ra một đường cong mờ ảo dưới ánh nắng ban mai.

Cánh đồng trước mặt thật yên bình, nếu không nhờ những chiến báo giống như bông tuyết từ các nơi ngày đêm bay đến, thật khó tưởng tượng rằng trong tương lai không xa, mọi thứ trước mắt có lẽ cũng sẽ bị nạn binh hoả phá vỡ.

Có tiếng ồn ào dưới cổng thành, một nhóm người vừa rời khỏi thành phố đi ra, bao gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và gia đình của họ, một người đàn ông đi sau cùng đẩy một chiếc xe cút kít, ngồi trên xe là một người phụ nữ đang ôm đứa con đang bú, đôi mắt đờ đẫn, trên tay là một tay nải.

Cao Kiệu không nhìn nữa, quay đầu đi xuống tường thành trở về nhà.

Tiêu Vĩnh Gia đã chuẩn bị sẵn sàng, mang theo thái y, bà mụ, A Cúc cùng với bốn năm người hầu được lựa chọn đang chờ ở trong nhà.

Cao Kiệu đón thê tử đi lên một cỗ xe ngựa bọc nỉ màu xanh lá cây bình thường có đệm dày, một nhóm người và ngựa lặng lẽ rời khỏi cổng nam đi về phía Câu Dung.

Bên cạnh Câu Dung có một ngọn núi Thanh Long ít được biết đến, lưng chừng núi Thanh Long có một đạo quan không có tiếng tăm gì mấy, người biết đến nó không nhiều lắm, quan chủ là là một người bạn cũ mà Cao Kiệu thời trẻ tình cờ gặp và kết bạn rồi giữ liên lạc cho đến tận ngày nay.

Cao Kiệu đưa Tiêu Vĩnh Gia đến nơi này đợi sinh.

Đi nửa ngày đường là tới địa phương kia. Bậc thang đá xanh đi thông lên núi ẩn hiện dưới tán núi rừng rậm rạp, vô cùng khuất, nếu không lại gần rất khó phát hiện ra. Càng tuyệt vời chính là, hướng đi đạo quan còn phải đi qua một đoạn sạn đạo được xây dựng giữa hai tòa núi đồi, dù là ở dưới chân núi có chuyện ngoài ý muốn gì, vào giây phút cuối cùng, chỉ cần hủy đi sạn đạo là thông đạo bị đứt đoạn, có thể nói đó là một cái chắn thiên nhiên, phòng thủ kiên cố.

Quan chủ tới đón Tiêu Vĩnh Gia đi lên núi.

Đạo quan không lớn, hoàn cảnh thanh tĩnh. Tiêu Vĩnh Gia được an trí trong một viện tử phía sau. Cao Kiệu để lại một đội ngũ đủ để hộ vệ, ra lệnh phải phân chia canh gác ở giao lộ dưới chân núi, sạn đạo và đạo quan, có việc thì đến Kiến Khang thông báo cho ông. Sắp xếp xong xuôi ông từ biệt với thê tử.

Tiêu Vĩnh Gia thúc giục ông quay về:

– Nơi này tốt lắm, em rất hài lòng. Mình đang nhiều việc, mình đã ở với em hơn nửa ngày rồi, mình mau về đi, không cần lo cho em đâu.

Cao Kiệu bịn rịn không muốn đi, nhưng ông cũng biết trong thành Kiến Khang có rất nhiều việc đang chờ mình, không thể không đi. Ông cầm tay thê tử, dặn dò mấy người A Cúc phải săn sóc chu đáo cho vợ, còn dặn khi nào sinh con thì nhớ đi báo cho mình ngay, còn nói mình có thời gian cũng sẽ đi thăm bà, nói xong mới rời đi.

Ông bước ra cửa, lại nghe Tiêu Vĩnh Gia ở phía sau gọi với theo:

– Mình chờ chút.

Bèn dừng lại, thấy vợ đi tới, mỉm cười sửa sang lại vạt áo cho mình, nhỏ nhẹ nói:

– Dù khó khăn đến đâu, mình phải nhớ bảo vệ bản thân thật tốt đó. Em và con chờ mình.

Cao Kiệu thấy ấm áp trong lòng.

Tính cách của ông hướng nội, hơn nữa luôn tự giữ thân phận, bất kể là lúc tuổi trẻ hay là hiện tại, dẫu cho có cùng Tiêu Vĩnh Gia đóng cửa ân ái thì cũng chưa từng có hành động gì thân mật quá mức. Nhưng mà giây phút này ông lại không tự chủ được ở ngay trước mặt mấy người hầu A Cúc ôm lấy thê tử vào lòng, ôm rất chặt, lấy cái ôm này để đáp lại vợ, sau đó mới buông ra, xoay người gấp gáp rời đi.

Tiêu Vĩnh Gia dựa vào cạnh cửa, nhìn theo bóng dáng rời đi của trượng phụ, đỡ eo, được A Cúc đón lấy đi vào trong phòng.

Những ngày trong núi rất thanh tịnh, so sánh với tình cảnh binh hoang mã loạn ở bên ngoài thì không khác gì đang sống ở trong mơ.

Tiêu Vĩnh Gia ở chỗ này bảy tám ngày, Cao Kiệu cũng chưa tới thăm bà.

Bà biết nhất định là thời cuộc căng thẳng, chỉ đành nén lo âu xuống, ban ngày đi đạo quan một chút, buổi tối đi ngủ sớm, chờ ngày sinh đến.

Không ngờ tới chính là, sau nửa đêm hôm nay, trong núi lại nổi lên hỏa hoạn.

Phát hiện ra lửa cháy rừng là một vệ binh gác đêm. Khi nhìn thấy hỏa hoạn thì lập tức đánh thức người trong đạo quan dậy.

Khi đến đầu mùa đông, trên núi đầy cỏ úa và cành khô, rất dễ bắt lửa, cộng thêm trời nắng nhiều ngày, ngọn lửa bùng lên, nhờ gió núi trợ giúp, hỏa hoạn nhanh chóng lan rộng ra một khu vực rộng lớn, căn bản không thể dập tắt nó.

Vị trí của đạo quan lại tọa lạc nơi hướng gió, nhìn thấy ngọn lửa càng ngày càng ép lại gần, người ở trong phòng chẳng những có thể cảm giác được từng đợt nhiệt lượng mà dường như còn có thể nghe được tiếng lách tách từ cành và lá của đám cháy rừng phát ra.

Đạo quan sẽ sớm bị ngọn lửa nhấn chìm.

Toàn bộ người của đạo quan gồm quan chủ, đồ đệ, đoàn người Tiêu Vĩnh Gia, cộng thêm hộ vệ không thể không rút lui xuống dưới núi.

Phụ cận chân núi không có chỗ ở, may mà quan chủ nói cách đó mười dặm có một dã thôn, có mấy hộ nhà ở đó, có thể qua đó. Thị vệ dùng kiệu vừa rồi mang xuống dưới nâng Tiêu Vĩnh Gia qua đó tìm kiếm.

Đúng như lời quan chủ nói thôn đó chỉ có mấy hộ gia đình. Nhà ở thưa thớt, phân tán rải rác dọc theo địa hình, ngày thường trồng trọt mấy mẫu ruộng trên núi và đi săn bắn để duy trì cuộc sống, vô cùng chất phác thiện lương. Hai nơi bởi vì gần nhau nên họ đều biết quan chủ. Thấy ông ta dẫn một nhóm người tới, người phụ nữ bụng lớn, những người còn lại có vẻ như là tùy tùng đi theo, tuy là tình trạng rất thảm nhưng chắc chắn là có địa vị, vì thế rất cung kính, để giành ra một phòng lớn nhất có kèm sân riêng cho họ.

A Cúc và mấy thị nữ thu dọn, cuối cùng mới miễn cưỡng dàn xếp xong. Lúc này, ngọn lửa trên núi kia đã hừng hực gần như nuốt sống cửa nửa đỉnh núi, ngọn lửa dữ dội chiếu những nơi phụ cận sáng như ban ngày, ngay cả ở chỗ này cũng có thể nhìn thấy ánh lửa.

Mọi người từ xa đứng nhìn đều hãi hùng khiếp vía.

Tiêu Vĩnh Gia được A Cúc đỡ đi lên chiếc giường đơn sơ của nhà thợ săn để nghỉ ngơi.

Bà biết trượng phu nhất định nhiều việc. Bà lên núi đã bảy tám ngày, cũng không biết bên ngoài tình huống đã như thế nào rồi, bà vốn không định dùng chuyện sinh con quấy rầy ông, nhưng mà tối nay không may lại xảy ra chuyện như thế này, không còn cách nào khác, bà đành phái người trở về Kiến Khang báo tin cho Cao Kiệu.

Lúc này trời đã sáng.

Lăn lộn nửa đêm, bản thân bà còn đỡ, thấy những người còn lại đều lộ vẻ mệt mỏi, liền gọi người đi mượn một ít lương thực từ thôn dân. Có mấy gia đình gửi đến lương thực và một ít kê cùng rau dại, thị nữ nấu một nồi cháo rau to cho mọi người cùng ăn.

Các hộ vệ bận rộn nửa đêm, lại chạy ra từ trong đám cháy, mồm miệng mắt mũi đều rất khó chịu, thấy gần cửa thôn có giếng nước nhỏ, vừa rồi đều đi tới đó uống nước xong, lúc này đang bắt đầu thấy đói bụng, vừa hay có cháo, mọi người đều cùng nhau ăn, sau đó chia nhau trực ban, ra lệnh một nửa số người tạm nghỉ, số còn lại tiếp tục đứng gác, chờ tin tức bên Kiến Khang.

Tiêu Vĩnh Gia thấy thái y, bà mụ, vú già, người nào cũng mắt căng đến khô khốc, bảo họ ăn uống xong thì đi nghỉ ngơi trước.

A Cúc không quan tâm đói khát của bản thân, lấy bát cháo và một đ ĩa đồ sấy đi vào nhà, ngồi trước mặt Tiêu Vĩnh Gia, vừa thổi nguội cho bà vừa thì thầm nói chuyện:

– Làm trưởng công chúa phải chịu khổ rồi, sắp sinh đến nơi rồi ai ngờ lại gặp chuyện thế này…

Thấy mắt bà ấy đỏ hoe, Tiêu Vĩnh Gia biết bà ấy đang xót cho mình, bèn cười, đang muốn nói chuyện, đột nhiên thấy bụng đau âm ỉ, đưa tay đè lên, nói:

– Hình như ta sắp sinh rồi.

So với thời gian dự sinh còn trước mấy ngày.

A Cúc hoảng cả hồn, lập tức đi ra khỏi phòng đi gọi mấy bà mụ, thái y và đám thị nữ vừa mới nằm xuống đi nghỉ ngơi, ai ngờ mọi người ngủ rất say, gọi mấy cũng không tỉnh.

A Cúc khó hiểu, lại gọi thêm nữa, thấy mọi người thật sự không tỉnh, bấy giờ mới cảm thấy bất thường, cuống quýt chạy ra cổng tre muốn gọi thị vệ. Nhưng ra đó rồi mới phát hiện thị vệ bên ngoài cửa cũng nằm dưới đất bất tỉnh nhân sự.

A Cúc kinh hoảng, đang chuẩn bị hô to gọi hộ gia đình ở trên sườn núi đối diện, qua khóe mắt thấy có người đang run rẩy gần đó, quay đầu lại còn chưa kịp phản ứng thì thấy ngực lạnh buốt, một thanh chủy thủ đã cắm sâu vào ngực.

Bà mở to hai mắt, nhìn chằm chằm vào người đối diện.

Trong con ngươi, có một khuôn mặt mà dù đã gần hai mươi năm, dù có bị thiêu thành tro bà cũng có thể nhận ra.

Khuôn mặt của Thiệu Ngọc Nương!

Thiệu Ngọc Nương giả dạng thành nông phụ, đầu bù tóc rối, mặt trắng bệch giống như ma, ánh mắt lại sáng rực, khóe miệng nhếch lên nụ cười lạnh lẽo, đẩy ngã bà ngã xuống đất, cũng không nhìn lấy một cái hất đầu ra lệnh cho Thiệu Phụng Chi sắc mặt cũng trắng bệch canh giữ cho mình, còn mình thì bước phăm phăm đi vào trong.

Tiêu Vĩnh Gia đợi một lát, không thấy A Cúc dẫn người tiến vào, cảm thấy được bất thường, đè lấy bụng chờ cơn đau kia qua đi lại gọi một tiếng, vẫn không thấy có ai, liền đỡ mép giường cố sức đi xuống giường, đang muốn đi ra ngoài thì nghe được bên ngoài cửa có tiếng bước chân nhỏ vụn, ngẩng lên, thấy là một người phụ nữ đi vào, cả người lập tức ngẩn ra.

Thiệu Ngọc Nương vừa nhìn thấy Tiêu Vĩnh Gia hai mắt thẳng tắp dừng ở trên người bà, rồi dịch chuyển từ trên mặt bà đi xuống, cuối cùng rơi xuống bụng của bà, ánh mắt chòng chọc, mí mắt nhảy lên, nét mặt biểu cảm quỷ quái.

Tiêu Vĩnh Gia lẩm bẩm:

– Thiệu Ngọc Nương…Là ngươi…Sao ngươi tới đây…

Còn đang nói, bà đột nhiên ôm lấy bụng, trên mặt lộ vẻ đau đớn, ngã ngồi ở trên giường.

Bởi vì đau đớn mà cơ thể của bà cuộn tròn lại, sau đó gọi tên A Cúc, giọng run rẩy.

Ánh mắt của Thiệu Vân Nương cuối cùng cũng rời khỏi bụng bà, quay lại trên mặt bà.

Chị ta nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của Tiêu Vĩnh Gia, người cũng trạc tuổi mình nhưng trông vẫn trẻ trung xinh đẹp. Cho dù hiện đang mang thai sắp lâm bồn, lại ở trong một căn phòng nát như này, nhưng điều này cũng không làm tổn hại vẻ đẹp đẽ và sức hấp dẫn của bà, đây là một loại khí chất không phải bởi son phấn mà là bởi vì được tôn ưu cùng với yêu chiều sủng ái quanh năm mà dưỡng ra.

– Tiêu Vĩnh Gia, ngươi sẽ không ngờ mình sẽ có ngày hôm nay đúng không? Ngươi nói xem đêm qua vì sao ngọn núi kia lại bị cháy? Đó là do ta làm. Nơi ngươi ẩn náu đúng là rất tốt, nếu không nhờ ta phóng hỏa đốt núi thì làm sao có thể ép ngươi xuống núi được…

Hai ánh mắt đầy ghen tị tỏa ra từ đáy mắt chị ta, chị ta bật cười lên, tiếng cười tự mãn.

Cơn đau bụng của Tiêu Vĩnh Gia ngày càng dữ dội, thậm chí cả người bà cũng khẽ run lên.

– Họ đâu hết rồi…Ngươi đã làm gì họ rồi…

Thiệu Ngọc Nương hừ một tiếng:

– Ngươi đúng là quý nhân hay quên việc. Chẳng lẽ ngươi đã quên nhà ta truyền trung y, trước kia chính là ta hiến dược mới cứu được lang quân ngươi, huống chi Thiên sư giáo thiện dùng nhất chính là thuốc khống chế kẻ khác. Ta muốn lấy chút thuốc thật sự quá dễ dàng. Nhưng mà số của họ cũng vẫn tốt lắm, ta vốn định hạ độc trong giếng, nhưng lại nghĩ nếu như hạ độc ngươi cũng chết thì làm sao, chẳng phải là hời cho ngươi quá hay sao? Cho nên ta mới đổi cách khác, chỉ để cho họ ngủ một ngày một đêm là đủ.

Cũng không biết là đau đớn hay là tức giận, cơ thể Tiêu Vĩnh Gia run rẩy kịch liệt hơn, nỗ lực gọi tên Cao Kiệu.

Thiệu Ngọc Nương càng cười to:

– Ngươi kêu đi, đừng nói Cao lang quân, dù là người toàn bộ thôn này cũng đã bị trúng độc nước giếng của ta rồi, ta xem ngươi có thể gọi được ai tới.

– Thiệu Ngọc Nương, rốt cuộc ngươi muốn gì….Năm xưa lúc ngươi xảy ra chuyện không hề liên quan đến ta…Không phải ta phái người đuổi theo giết ngươi…

Tiêu Vĩnh Gia run rẩy nói, ôm bụng r3n rỉ vì đau đớn.

– Ngươi câm mồm cho ta!

Nụ cười đắc ý hả hê trên mặt Thiệu Ngọc Nương biến mất, ánh mắt hiện lên tia phẫn nộ.

– Dù không phải ngươi phái người đuổi giết ta, thì có sao? Nếu không phải ngươi tìm mọi cách ngăn cản ta, Cao lang quân sẽ bỏ ta hay sao? Nếu không phải ngươi ép ta rời đi, ta sẽ gặp phải chuyện đó hay sao? Tất cả đều do ngươi hại ta, ngươi là ả đàn bà rắn rết.

Chị ta nghiến răng kèn kẹt, khuôn mặt vốn dĩ xinh đẹp cũng vì thế mà trở nên dữ tợn. Chị ta nhắm mắt lại thở sâu một hơi, như là cố gắng đè nén cơn giận trong lòng xuống, bấy giờ mới mở mắt ra, nhìn chằm chằm vào Tiêu Vính Gia bởi vì đau bụng mà dáng vẻ chật vật, thong thả ngồi xuống đối diện với bà, cười nói:

– Vừa rồi ngươi hỏi ta muốn làm gì.

– Ngươi nghe cho kỹ đây. Ta sẽ để ngươi đau đớn thêm một lát, nếu như ngươi không sinh được, ta sẽ mổ bụng ra giúp ngươi, lấy con trai của Cao lang quân ra, sau này nó sẽ trở thành con trai của ta. Ta không tin Cao lang quân sẽ không nghe theo ta…

Chị ta cười hả hê, giống như là bị chính kế hoạch này của mình lây nhiễm, ánh mắt sáng rực lên.

Tiêu Vĩnh Gia lẩm bẩm:

– Thiệu Ngọc Nương, ngươi đừng có nằm mơ. Ngươi chắc không biết năm đó lang quân nói với ta, ngươi là một kẻ vô sỉ, mưu đồ dụ dỗ huynh ấy. Trong mắt huynh ấy, ngươi chỉ là một kẻ hạ tiện mà thôi. Huynh ấy làm sao mà nghe lời ngươi….

Giọng của bà yếu ớt, nhưng lời nói lại rõ ràng, từng câu từng chữ bay vào trong tai Thiệu Ngọc Nương.

Giống như bị đâm một nhát, chị ta nhảy dựng lên, hai hàng lông mày chau lại với nhau, đôi mắt lộ vẻ phẫn nộ, lập tức đến gần Tiêu Vĩnh Gia đánh cho bà một cái tát, lạnh lùng nói:

– Tiêu Vĩnh Gia, ả tiện nhân này, ngươi tiếp tục nói lung tung thử xem? Năm đó ở Giang Bắc huynh ấy bị thương, đều do ta chăm sóc, ta cảm nhận được rõ ràng huynh ấy có tình cảm với ta. Nếu không phải ngươi ở giữa ngăn cản, huynh ấy đã cưới ta rồi. Dù là hiện giờ, nếu không phải huynh ấy vẫn còn tình cảm với ta, ta phạm tội, huynh ấy lại tha cho ta, còn cho ta ở một nhà lao đơn…

– Tiện nhân, đừng có nói bậy…

Chị ta phẫn nộ căm hận, túm lấy hai vai Tiêu Vĩnh Gia lắc không ngừng.

Sắc mặt Tiêu Vĩnh Gia tái nhợt, bị chị ta lắc không ngừng làm tóc tai rối tung, không thể phản kháng.

Trong cơn điên cuồng Thiệu Ngọc Nương không hề để ý thấy một bàn tay của Tiêu Vĩnh Gia đang lén lút thò vào dưới gối.

– Ta sẽ mổ bụng ngươi…

Chị ta buông Tiêu Vĩnh Gia ra, giả bộ quay đi tìm dao, chỉ trong khoảnh khắc này, tay của Tiêu Vĩnh Gia chạm vào v@t cứng dưới gối.

Đó là một thanh chủy thủ. Từ lúc ra ngoài, để phòng ngừa bất trắc, bà vẫn luôn mang theo bên mình, vừa rồi lấy ra đặt ở dưới gối.

Bà cầm lấy rút ra, dùng hết toàn lực đâm vào Thiệu Ngọc Nương đang không có phòng bị.

Thiệu Ngọc Nương kêu lên thảm thiết, ôm lấy bụng, trên mặt lộ vẻ đau đớn không thể tin nổi, cơ thể chậm rãi rũ xuống.

Tiêu Vĩnh Gia muốn rút dao ra, chỉ là vừa rồi dùng hết lực đâm nhát dao đã khiến bà hết sức lực, con dao giống như bị xương sườn kẹp chặt, mắc kẹt, không thể rút ra được.

Bà xuống giường, bám vào tường chạy ra ngoài.

Tiếng kêu thảm thiết của Thiệu Ngọc Nương làm Thiệu Phụng Chi ở bên ngoài nghe thấy, gã đứng ở cửa, tay cầm kiếm, giật mình nhìn cảnh tượng phát sinh, bước chân định trụ.

– Giết ả cho tỷ…

Thiệu Ngọc  Nương quỳ dưới đất, biểu cảm đau đớn, ra lệnh cho em trai mình.

Ánh mắt Thiệu Phụng Chi rơi vào người Tiêu Vĩnh Gia, bốn mắt chạm nhau.

Tiêu Vĩnh Gia chậm rãi đứng thẳng người, nhìn chằm chằm người đối diện.

Sắc mặt bà tái nhợt, tình cảnh chật vật, nhưng giờ khắc này khi bà đứng thẳng lên, hai mắt nhìn thẳng vào đối phương lại vẫn cao cao tại thượng toát ra từ trong xương cốt khiến người ta không thể nào với tới, khiến Thiệu PHụng Chi tránh né ánh mắt của bà, cụp mắt xuống, không dám chạm vào mắt bà.

– Đệ còn đần ra làm gì, còn chưa ra tay…

Để chiếm được lòng tin của Cao Kiệu, lúc trước chị ta cố ý giả bệnh lâu không khỏi, rồi bị nhốt vào ngục, sau khi giết lao bà rồi chạy thoát ra, sau mấy ngày theo dõi rình rập với tinh thần tập trung cao độ, nó rút cạn cơ thể vốn đã yếu ớt của chị ta.

Con dao vừa rồi như ăn hết sức lực trong người chị ta.

Chị ta há miệng ra thở hổn hển, ép bức em trai mình.

Tiêu Vĩnh Gia lạnh lùng thốt:

– Thiệu Phụng Chi, ngươi dám giết ta?

Tay Thiệu Phụng Chi khẽ run lên.

– Mau ra tay đi.

Thiệu Ngọc Nương quát lên.

Tay Thiệu Phụng Chi càng run kịch liệt hơn, dưới sự ép bức của Thiệu Ngọc Nương, gã cố sức nâng kiếm lên chĩa vào ngực Tiêu Vĩnh Gia, tiếp tục run lên, đột nhiên “keng” một tiếng, thanh kiếm kia rơi xuống đất, chân cẳng gã cũng nhũn ra, quỳ thụp xuống dưới đất, cầu xin:

– A tỷ, đệ không dám giết chị ta….Chúng ta thu tay lại đi…Nhân lúc có thể trốn thì trốn đi thật xa…Đệ không muốn báo thù…Đệ muốn sống….

– Đồ vô dụng…

Thiệu Ngọc Nương như trở nên điên cuồng, cố gắng bò dậy, nhưng vừa mới đứng lên thì lại loạng choạng ngã xuống.

Thiệu Phụng Chi quỳ dưới đất, run bần bật, không dám ngẩng đầu.

Tiêu Vĩnh Gia chạy vội đi ra ngoài, chạy qua vú già và thị vệ nằm dưới đất, chạy đến một gò đất thấp, bụng dưới lại nhói lên, bước không nổi nữa, ôm bụng chậm rãi ngồi xổm xuống.

Từng giọt mồ hôi to như hạt đậu từ trán lăn xuống.

Bà cảm thấy một dòng nước nóng dọc theo mặt trong của đùi mình chảy ào xuống.

……

Cho dù Cao Kiệu đã cố gắng hết sức, nhưng khi ông đến đây thì đã là chạng vạng cùng ngày.

Ông bị cảnh tượng trước mặt làm cho sợ ngây người.

Toàn bộ người trong thôn lâm vào hôn mê, mà lại không thấy Tiêu Vĩnh Gia đâu.

Tây lộ, quân coi giữ quận Vọng Giang đang cố gắng chiến đấu chống lại phản quân Kinh Châu, mà ông cũng đã nhận được tin tức chính xác, phản quân Tuyên Thành và Thiên Sư Giáo cấu kết nhau, hai mươi vạn người lại lần nữa tiến về tấn công Kiến Khang.

Mấy ngày qua, ông vẫn luôn gấp rút điều binh khiển tướng, xây dựng tuyến phòng thủ, ông không thể ngờ được nơi này lại xảy ra chuyện lớn như thế.

Ông phát hiện A Cúc nằm dưới đất.

Bà vẫn còn một hơi thở mong manh, cuối cùng cũng chờ được Cao Kiệu đến, thì thào một câu “Thiệu Ngọc Nương…” sau đó không chống đỡ được nữa ngất đi.

Hết chương 121