Lật Dương nằm ở phía Nam Kiến Khang cách Kinh sư tầm mấy trăm dặm.
Trước đó không lâu, khi phản quân Tuyên Thành lần đầu tiên tấn công Kiến Khang, Cao Kiệu đã đích thân từ Kiến Khang tới đó suất quân chống lại phản quân, thành công đánh bại phản quân, khiến cho phản quân phải co đầu rụt cổ lùi bước.
Nhưng không lâu sau chiến thắng ngắn ngủi đó, nơi đây lại một lần nữa rơi vào hỗn chiến.
Một bên vẫn là quân triều đình, một bên vẫn là quân phản loạn đến từ Tuyên Thành. Nhưng khác với lần trước, lần này, quân nổi dậy còn tập hợp một lực lượng từ Thiên Sư Giáo.
Trận chiến tranh đoạt Lật Dương này đã tiến vào ngày thứ năm.
Quân đội triều đình đã đẩy lùi cuộc tấn công của quân địch. Nhưng phản quân do quân Tuyên Thành và Thiên Sư Giáo chúng liên hợp xen kẽ nhau tấn công tới lại giống như châu chấu vô tận từ lòng đất chui lên, lan rộng khắp các ngọn núi và đồng bằng, đánh không ngừng nghỉ, tiêu diệt không dứt, lui một đợt lại tới đợt khác.
Đặc biệt là đội ngũ tiên phong mấy nghìn người do đệ tử Thiên Sư giáo tạo thành người nào cũng có gương mặt cứng đờ, hai mắt đỏ như máu, trong mắt hiện lên vẻ hưng phấn kỳ dị như dã thú, cầm kiếm sắc bén trong tay, điên cuồng xông tới, chém bất cứ người nào nhìn thấy.
Không có gì có thể ngăn cản bước chân của bọn họ, những người này tựa hồ không phải nhân loại, mà là một đám tang thi chỉ có sinh mệnh không có linh hồn, trừ phi mất đi hơi thở, hoặc là cụt cả hai chân, bằng không, cho dù là chặt đứt cánh tay, máu sẽ chảy đầm đìa, điều đó cũng không ngăn cản họ vừa dẫm lên thi thể đồng bọn vừa lao về phía trước.
Một người ngã xuống, phía sau lập tức có nhiều hơn người xông lên.
Trong một trận dã chiến để tranh đoạt địa hình có lợi, Lý Hiệp tận mắt chứng kiến một đệ tử Thiên Sư giáo bị một đao của mình chém đứt đầu, thế nhưng cơ thể thiếu đi cái đầu cổ vai bằng phẳng lại đứng thẳng tắp lao về phía trước bảy tám bước rồi mới đổ gục xuống, mà thanh kiếm kia vẫn còn bị nắm chặt trong tay.
Cảnh tượng này khiến cho y nhìn thấy cũng sởn cả tóc gáy.
Lật Dương là một đạo quan khẩu cuối cùng của phía nam Kiến Khang, nếu như để mất Lật Dương sẽ giống như mở ra một cánh cửa nối thẳng đến Kiến Khang cho phản quân. Mà Kiến Khang, ngoại trừ Thạch Đầu Thành được Cao Kiệu dốc lòng xây dựng nhiều năm nay với bức tường thành không quá cao của nó thì không còn bất cứ tấm chắn nào đáng giá để nhắc tới.
Mọi người đều biết tầm quan trọng của Lật Dương, hơn nữa, từ đầu đến cuối mỗi trận chiến, Cao Kiệu đều sẽ ra mặt chỉ huy trận chiến, thậm chí không màng đến sự thuyết phục của cấp dưới mà tự mình khoác áo giáp cùng nhau ra trận cùng tướng sĩ cùng giết địch. Có ông truyền cảm hứng và khích lệ, bất luận là Quảng Lăng quân hay là trung quân ở lại giữ thành tới bước này rồi đều giết đến đỏ mắt, nhưng không người nào dám rút lui.
Chính vì dựa vào sĩ khí này mà mấy ngày sau, quân triều đình chẳng những đoạt lại được trận địa đã mất đi trước đó mà còn đánh phản quân phải rút lui về sau năm mươi dặm.
Thế nhưng trên dưới còn chưa kịp nghỉ ngơi, vào ngày thứ bảy khi trận chiến đang tiến ra kịch liệt, Cao Kiệu vẫn không thể không quyết định co trận địa lại, lui vào bên trong thành, chia quân quay về Kiến Khang.
Bởi vì ông đã không có sự lựa chọn nào khác.
Ông vừa nhận được chiến báo mới nhất.
Quận Vọng Giang mấy ngày trước đã bị công phá, phản quân Kinh Châu đã chia binh làm hai đường, một bộ phận đi đường bộ vùng ven sông công chiếm quận huyện ven đường, thế như chẻ tre, bộ phận khác do đích thân Hứa Tiết đốc chiến, chọn đi thuyền, dọc theo con sông thuận gió mà đi nhanh, ào ạt tiến về Kiến Khang.
Phản quân theo đường thủy đi về phía Đông này ít ngày nữa sẽ tới.
Niềm vui thắng lợi trong giây lát liền tan thành mây khói.
Thời điểm Cao Kiệu an bài xem ai ở lại thủ Lật Dương, sảnh nghị sự rơi vào yên lặng.
Mọi người đều biết sau khi chia quân đi Kiến Khang, dựa vào số lượng căn bản không thể nào chống lại được nhân mã của đối phương, dựa vào cửa thành này muốn chống cự phản quân nhiều không đếm được đang điên cuồng ở bên ngoài thành, áp lực rất lớn.
Đây không còn đơn giản là vấn đề sống hoặc chết. Mà là nếu thành trì bị phá, mình chết trận thì thôi, nhưng nếu không tốt rất có khả năng sẽ phải gánh trên lưng tội danh vô năng ngộ quốc, bị người người thoá mạ.
Tội danh này không ai gánh nổi.
– Nếu Cao tướng công tin tưởng tôi, tôi nguyện lĩnh quân cố thủ toà thành này!
Bên trong bầu không khí im ắng, Lý Hiệp bước ra khỏi hàng, hành lễ nói.
Cao Kiệu nhìn thẳng vào y, trong đôi mắt trũng sâu đó chậm rãi hiện lên một tia vui mừng.
Ông đứng lên đi đến trước mặt Lý Hiệp, nâng y dậy, nói:
– Ta quay về kinh sư, sẽ dốc toàn lực chống lại quân Kinh Châu, cố gắng hết sức bảo vệ Kiến Khang. Nếu như ngươi có thể suất lĩnh những người ở đây đánh đuổi quân Kinh Châu phía tây, bảo vệ cho môn hộ này, trận chiến này công đầu sẽ thuộc về ngươi.
– Tướng công yên tâm! Quan binh toàn quân tâm vững như sắt! Không có lệnh của tướng công, dù máu bắn ba thước cũng không lui về sau một bước!
Lý Hiệp trịnh trọng nhấn mạnh từng câu từng chữ.
……
Cao Kiệu phái hai trung lang tướng Kiến Khang ngày hôm đó tình nguyện ở lại để bảo vệ thành trì cùng với Lý Hiệp, sau khi để lại quân coi giữ, ngày hôm đó, ông ngay trong đêm suất lĩnh quân đội còn lại chạy về Kiến Khang.
Thạch Đầu Thành nằm ở phía Tây Kiến Khang, lần đầu tiên được xây dựng vào thời tiền triều, ban đầu nó là pháo đài quân sự dùng để bảo vệ Kiến Khang. Trước cuộc Bắc phạt năm đó, Cao Kiệu lại tiếp tục gây dựng nó, chẳng những môn hộ cao sâu, mà tường thành càng kiên cố vững chắc hơn, được xưng là đệ nhất pháo đài Giang Đông.
Hứa Tiết ở trong triều đình nhiều năm, đương nhiên là biết được sự kiên cố của Thạch Đầu Thành. Sau khi đến, Cao Kiệu đoán ông ta sẽ vòng qua Thạch Đầu Thành. Lộ tuyến có khả năng nhất chính là chọn tuyến đường đi vùng núi Phúc Chu Tưởng Lăng, ông bèn giành trước thời gian đến đó để bố trí mai phục.
Quả nhiên là bị ông đoán trúng.
Đêm đó, phản quân lợi dụng bóng tối bao phủ, lên thuyền ở ven sông cách Thạch Đầu Thành mấy chục dặm và vòng về Kiến Khang để đánh úp lại.
Vốn là dự tính tập kích bất ngờ, nhưng không ngờ khi đi qua một con đèo trũng gần Tưởng Lăng thì gặp phục kích. Ngay tức thì hoả tiễn hai bên đỉnh núi như châu chấu, lôi thạch cuồn cuộn. Phản quân bị tập kích bất ngờ không kịp đề phòng, ở trong khe núi tránh né tấn công mà giẫm đạp lên nhau, chờ khi phục binh giết xông ra, quân lính liền bị đánh bại.
Hứa Tiết thấy tình thế bất ổn lập tức cho rút lui về phía sau, bỏ lại những binh lính bị thương cùng với quân nhu khôi giáp đầy đất, bị quân triều đình một đường đuổi giết mà kinh hồn táng đảm, mang theo bại quân chạy trốn ngay trong đêm, cho đến hừng đông vẫn luôn chạy một mạch về vùng đất hoang huyện Giang Thành hướng tây Bắc Kiến Khang, lợi dụng địa hình bằng phẳng chỉnh đốn đội ngũ, lúc này mới xem như tránh thoát được một kiếp.
Lần này sở dĩ ông ta phân chia binh đi hai đường thuỷ và bộ, bản thân mình suất lĩnh quân đội thì đi theo đường thuỷ, nóng lòng đánh Kiến Khang trước, đều là bởi vì Lý Mục.
Từ trước đến nay ông ta vẫn luôn muốn tạo nên nghiệp lớn, nhưng không nghĩ tới một cuộc Bắc phạt không những không đạt được mục đích lấn át Cao Kiệu mà ngược lại còn khiến cho mình không còn chỗ đứng ở trong triều đình.
Ngay khi ông ta đang do dự về việc có nên tiếp tục mưu phản hay không và khi nào thì mưu phản thì cuộc nổi dậy của Thiên sư Giáo quy mô lớn bắt đầu từ đất Ngô và sau đó lan rộng nhanh chóng với thanh thế vô cùng to lớn khiến ông ta cảm thấy như thể mình đang được trời trợ giúp, nên không do dự nữa, quyết định nhân cơ hội ngàn năm có một này để bắt đầu lại nghiệp lớn một lần nữa.
Nhưng mà toàn bộ Nam Triều này ông ta còn kiêng kị một người.
Người đó chính là Lý Mục.
Ông ta biết Lý Mục là một đối thủ đáng sợ.
Một khi hắn dẫn quân quay về Nam Triều, mà mình đến lúc đó còn chưa khống chế tốt cục diện, rất có thể sẽ gặp khó khăn, không cẩn thận có thể sẽ lật thuyền trong cống ngầm.
Cho nên ngay từ ban đầu ông ta đã tính toán bắt lấy mẫu thân của Lý Mục, lặng lẽ phái người lẻn đến Kinh Khẩu, nào ngờ được Lý mẫu lại vào trang viên ở, canh giữ nghiêm ngặt, căn bản không có cơ hội ra tay. Cho nên ông ta lại quyết định sai khiến đám thuỷ tặc kia tấn công Kinh Khẩu.
Ông ta cứ đinh ninh chắc mẩm rằng sẽ thành công. Nhưng cuối cùng tin tức gửi đến vẫn làm ông ta thất vọng.
Mà càng không ổn chính là ông ta cũng nhận được tin tức, Lý Mục quả nhiên đúng như dự đoán của ông ta đã phát quân xuống phía Nam. Cho nên ông ta càng phải mau chóng đánh hạ Kiến Khang.
Theo kế hoạch của ông ta, Kiến Khang tuy rằng không có nơi để dựa vào phòng thủ, nhưng chỉ cần trước khi Lý Mục dẫn binh quay về ông ta đánh hạ Kiến Khang và nhân thể công chiếm Kinh Khẩu, khống chế chặt chẽ Quảng Lăng độ, điều này có ý nghĩa bắt đầu từ thượng du Kinh Châu cho đến hạ du Giang Đông, toàn bộ khu vực sông cũng như thương mậu và giao thông đường thủy phụ thuộc vào sông lớn, chiếm một tỷ lệ lớn trong ngân quỹ quốc gia của triều đình, cũng rơi vào tay ông ta.
Ông ta nắm được mạch máu của Nam Triều rồi thì sau đó ngăn chặn Lý Mục ở Giang Bắc, làm cho hắn không thể nào qua sông xuống phía Nam được. Như thế, sau này ông ta hoàn toàn có thể dựa vào con sông lớn này để chống lại Lý Mục và triều đình đã rút lui về một góc Đông Nam, mưu đồ khởi nghiệp của mình.
Đây là lý do tại sao ông ta đích thân dẫn quân tập kích bất ngờ ở Kiến Khang.
Từ sau khi ông ta lợi dụng cơ hội Thiên Sư Giáo tác loạn mà công khai tạo phản, mọi việc luôn thuận lợi suôn sẻ.
So với việc Cao Kiệu phải đỡ trái hở phải vật lộn để giải quyết khó khăn, có thể nói ông ta đang thuận buồm xuôi gió và đạt được những gì mình muốn. Vốn dĩ ông ta có chút tự mãn đắc ý, không nghĩ tới sau trận chiến đầu tiên khi vừa đổ bộ, thế nhưng lại bị trúng mai phục của Cao Kiệu, thất bại một cách thảm hại như thế.
Hứa Tiết vừa căm hận vừa bực bội, nghỉ ngơi hai ngày ở huyện Giang Thành thì nhận được tin chiến thắng mới, nói là đội quân mà Dương Tuyên suất lĩnh dọc đường đi bách chiến bách thắng, ven đường công thành đoạt đất, thế như chẻ tre, một vài quan viên quận huyện địa phương nhỏ thậm chí còn không hề chống cự, trực tiếp mở cửa thành ra đầu hàng.
Quân đội đã đánh tới khu vực Đương Đồ, cách Kiến Khang chỉ có lộ trình ba bốn ngày đường.
Hứa Tiết vui mừng không sao tả xiết, phát tin tức này xuống, lại dùng trọng thưởng khích lệ binh lính, ngay sau đó điều binh khiển tướng, lại lần nữa tấn công Kiến Khang.
Sau khi Cao Kiệu thắng trận đầu tiên, biết Hứa Tiết tất sẽ ngóc đầu trở lại, phái Giang Thừa lệnh Thôi Cao canh giữ Tây Lăng phía bắc Kiến Khang, thái thú Lư Giang Thượng Cương canh giữ Thanh Khê ở phía Đông, quan binh Thạch Đầu Thành canh giữ Tây môn, mình thì lĩnh quân bố trí phòng thủ ở Vân Long Môn phía nam Đài Thành.
Huyết chiến ba ngày, Thôi Cao và Thượng Cương lần lượt bỏ mình, Tây Lăng và Thanh Khê rơi vào tay Hứa Tiết.
Hứa Tiết tinh thần phấn chấn, sĩ khí dâng cao, thừa thắng xông lên tấn công Vân Long Môn, Cao Kiệu đích thân dẫn quân chống cự lại, trong trận chiến, Hứa Tiết bị ông bắn một mũi tên trúng ngực ngã xuống ngựa, người bên cạnh tưởng rằng ông ta đã chết, kinh hoảng vô cùng, đỡ ông ta lên hốt hoảng bỏ chạy. Cao Kiệu nắm lấy cơ hội phản công, ép cho phản quân lui về sau mấy chục dặm, cuối cùng đã đoạt lại được hai vùng đất Tây Lăng, Thanh Khê.
Mũi tên đó chỉ bị tấm kính hộ tâm chặn lại, nó chỉ làm nứt lớp khôi giáp, xuyên vào thịt một tấc, không hề đáng lo ngại.
Tuy rằng sợ bóng sợ gió một hồi, tìm được đường sống trong chỗ chết, nhưng Hứa Tiết chưa bao giờ ngờ được rằng, vốn dĩ cho rằng Kiến Khang sẽ dễ dàng bị mình lấy được thế nhưng lại khó đánh đến như thế. Chẳng những mình suýt nữa thì bỏ mạng trong tay Cao Kiệu, thủ hạ binh lính cũng thương vong thảm trọng, mệt mỏi tột độ. Nhớ tới lúc trước, ông ta muốn trưng tập dân chúng quận huyện phụ cận để làm quân phu cho mình, dân chúng lại oán thán chống lại rồi bỏ trốn hết, ông ta không còn lòng tái chiến nữa, hạ lệnh đóng trại nghỉ ngơi chỉnh đốn, nôn nóng chờ đợi Dương Tuyên đến.
Phản quân tuy lần thứ hai bị đánh lùi, Kiến Khang lại có cơ hội nghỉ ngơi, nhưng một trận chiến này quân triều đình cũng tổn thất không nhẹ. Chẳng những binh lính bình thường mà ngay cả tướng lĩnh cấp trung trở lên cũng thương vong hơn mười người, nhìn mà thấy sợ.
Cao Kiệu không màng mệt mỏi, lúc đến thăm hỏi binh lính bị thương trong doanh trại đóng ở bên ngoài Vân Long Môn Đài Thành, bên ngoài viên môn đột nhiên có một người máu me đầy người mang theo tin tức đáng sợ đến.
Bì Lăng thất thủ rồi.
Chinh trấn tướng quân Chung Minh phụ trách phòng thủ Bì Lăng xuất thân sĩ tộc, đi theo Cao Duẫn chinh chiến nhiều năm, từ trước đến nay vốn dĩ vẫn luôn đóng quân ở Quảng Lăng, lần này Cao Kiệu điều quân nam hạ, Chung Minh được điều đến đây nghe lệnh Cao Dận.
Ông ta tự thấy mình có kinh nghiệm có lý lịch, có thể xưng huynh gọi đệ với Cao Duẫn, là bậc trưởng bối của Cao Dận, khinh thường anh ta tuổi trẻ, đối với việc bản thân mình phải nghe theo lệnh của Cao Dận trong lòng rất bất mãn. Nhưng biết Cao Dận là gia chủ đời sau của Cao thị được Cao Kiệu rất coi trọng, e ngại mệnh lệnh của Cao Kiệu, cho nên ngoài sáng thì không dám có biểu lộ gì. Sau khi bị phái đi Bì Lăng, bố trí phòng thủ xong, đánh lui mấy cuộc tấn công của Thiên Sư Giáo chúng, trong lòng càng xem nhẹ, cảm thấy Cao Dận quá nghiêm túc trong mọi việc, thực sự đang làm lớn chuyện, Thiên Sư Giáo chẳng qua chỉ là một đám ô hợp, chỉ thường mà thôi, Cao Dận lại như gặp đại địch, chứng tỏ bản thân rất vô năng.
Ngay như vào mấy ngày trước, Cao Dận tới đây tuần tra doanh, chờ anh ta rời khỏi rồi, Chung Minh lại triệu mấy bộ hạ th@n tín của mình vào trướng uống rượu mua vui, lén châm biến Cao Dận nhát gan vô năng, mọi người phụ họa theo, đều uống rượu đến say mèm.
Vừa hay vào đúng đêm khuya hôm đó, Thiên Sư giáo bị đánh bại trước đó đã tập hợp mười vạn người, do giáo đầu Ngô Thương tự mình dẫn dắt tấn công quy mô lớn Bì Lăng vào ngay trong đêm.
Kết quả thế nào có thể nghĩ.
Chung Minh tỉnh rượu, muốn bày trận đối kháng lại nhưng mà đã muộn.
Cao Dận nghe tin chạy đến thì Bì Lăng đã thất thủ, Chung Minh kia cũng bị giế t chết trong loạn quân, đầu bị treo cao trên đầu tường thành.
Phòng tuyến tam giác bố trí trước đó chỉ trong một đêm đã bị xé rách một lỗ hổng. Ngày hôm sau, Ngô Thương liền suất lĩnh đệ tử cùng giáo chúng ngựa không dừng vó mà lao đến Khúc A nơi đế hậu đang ở đó.
– Cao tướng công! Thiên Sư Giáo đã xuất động toàn bộ đệ tử, trên dưới không dưới mười vạn người, lại do giáo đầu đi đầu tác chiến, vô cùng hung hãn, quân coi giữ Khúc A không đủ, đã bị bao vây tứ phía rồi. Lúc trước Cao tướng quân đang chỉ huy trận chiến đã bị trúng tên bị thương, Lục công tử đã thay ngài ấy lĩnh quân, gian nan thủ thành, tình huống vô cùng khẩn cấp. Một vài người được phái ra đi báo tin vừa ra khỏi thành không xa đã bị phát hiện bị giết hết, tiểu nhân lẻn ra liều chết chạy trốn, may mắn thoát được mà tới đây báo tin.
Người mang tin tức quỳ xuống đất, cao giọng hô.
Cao Kiệu thấy hai mắt tối sầm, hai tai ong ong, cơ thể hơi loạng choạng như muốn ngã xuống.
Tả hữu cuống quít đi lên đỡ lấy ông.
Ông ổn định lại cơ thể, đẩy bàn tay đang đỡ mình ra, cầm lấy thư mà tự tay Cao Dận đưa cho người mang tin gửi cho mình, đọc nhanh như gió, xem xong bả vai ông cứng ngắc.
Bên trong trướng, trước mặt ông là mười mấy phó tướng sắc mặt ai nấy cũng trầm trọng, như nín thở chờ quyết định của ông.
Thân hình Cao Kiệu giống như cột đá, không nhúc nhích.
Dần dần, bàn tay ông bất lực buông xuống, trong ánh mắt ngập tràn sợi tơ máu kia toát lên sự phẫn uất, thương xót và bất đắc dĩ.
– Ý trời đã thế, ta có thể làm gì được đây?
Ông lẩm bẩm, nói ra một câu như thế, biểu cảm như khóc mà không phải khóc, cười như không phải cười, cực kỳ quái dị.
Chung quanh im ắng, không một ai phát ra tiếng, không khí nặng nề vô cùng.
– Phái người truyền tin Lý Hiệp, không cần tử thủ Lật Dương nữa, kêu hắn an bài đường lui cho tốt rồi lui về Khúc A.
Ông yên lặng thất thần một lát rồi phân phó.
Lập tức có tả hữu lĩnh mệnh đi ra khỏi trướng.
– Hạ lệnh đi. Ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng phòng thủ ở Kiến Khang, ai bài tốt chướng ngại vật phía sau, tránh để Hứa Tiết nhân cơ hội đuổi theo tấn công, suốt đêm đi Khúc A ngay.
Ông nói với bộ hạ của mình.
Thời điểm nói ra lời này, giữa mày ông hiện lên sự hiu quạnh và bi thương, khiến cho những người hiện đang đứng ở trước mặt ông đều xúc động.
– Cao tướng công!
Một gia tướng Cao thị thời trẻ từng theo ông đi Bắc phạt đột nhiên quỳ xuống, gọi ông một tiếng, giọng nghẹn ngào.
– Xin Cao tướng công lãnh binh mau chóng đi Khúc A bảo vệ bệ hạ, nơi này giao cho mạt tướng. Mạt tướng nhất định liều chết cũng phải thủ thành, tuyệt đối không cho phép kẻ địch đạt được ý đồ.
– Mạt tướng cũng nguyện thủ thành!
– Mạt tướng cũng xin chờ lệnh!
Xung quanh là những tiếng nói, hết người này đến người khác, mọi người quỳ xuống.
Sắc mặt Cao Kiệu ảm đạm, lắc đầu.
– Khúc A kia ngoại trừ đế hậu còn có rất nhiều cư dân sơ tán đến đó. Kiến Khang có thể mất, nhưng Khúc A không thể để mất được. Huống chi đội nhân mã của Dương Tuyên nhanh thì một hai ngày mà chậm thì nhiều nhất là ba bốn ngày sẽ đánh tới, đến lúc đó sẽ hợp quân với Hứa Tiết.
– Vốn dĩ binh mã của triều đình này đã ứng phó không dễ rồi, cộng thêm tình huống phát sinh ngoài ý muốn như hiện giờ, còn muốn chia tách ra hay sao?
Ông nhắm mắt lại, khi mở mắt ra, ánh mắt đảo qua từng gương mặt gia tướng quen thuộc đã nhiều năm đi theo ông đông chinh tây chiến, trong mắt lấp lánh ánh nước.
– Các ngươi đều là những người đi theo ta nhiều năm. Lần này ý trời là thế, các ngươi cũng không cần phải vì thủ thành mà uổng phí tính mạng. Toàn bộ nghe theo lệnh của ta, lập tức thu nạp nhân mã của từng người lại, mau chóng lên đường.
– Mạt tướng tuân lệnh!
Mọi người lần lượt từ dưới đất đứng lên, có người lén lút lau nước mắt, có người vẻ mặt nghiêm nghị, thảo luận xem nên rút lui như thế nào.
Đúng vào lúc này, đột nhiên, bên ngoài doanh trại cuối con đường thông về hướng nam ngoại thành hình như mơ hồ truyền đến một tiếng động lạ.
Động tĩnh kia từ xa tới gần, ban đầu nó giống như tiếng sấm bị bóp nghẹt trên mặt đất bằng phẳng ở một nơi rất xa, nghe như có như không, không rõ ràng mấy. Đợi khi mọi người tập trung lắng nghe, trong hoảng hốt còn chưa kịp cảm nhận đó là gì thì nó tựa như sấm sét đánh xuống chớp mắt đã cuồn cuộn tới gần.
Mọi người ngay trong khoảnh khắc này đều đã nghe được rõ ràng.
Đó là thứ âm thanh chấn động chỉ có thể khiến thần ma biến sắc khi đoàn quân hành quân thần tốc mà đến.
Cùng với tiếng bước chân ầm ầm ngày càng rõ ràng và tiếng hét của hàng ngàn binh mã đang lao về phía họ, mặt đất dưới chân họ dường như khẽ rung chuyển.
Phản quân Kinh Châu không ngờ nói đến là đến!
Mọi người vào lúc này ở trong lòng lập tức có như vậy ý nghĩ.
Sắc mặt mọi người đều thay đổi, đồng thời nhìn về phía Cao Kiệu.
Bầu không khí trong nháy mắt như bị đóng băng.
Hai mắt Cao Kiệu cũng trở nên thâm trầm nghiêm túc. Trên vai ông như có hai ngọn núi Thái Sơn đè ép tới, ông từ phía sau án đứng dậy.
– Truyền lệnh, điều Cảm tử doanh tức khắc ra khỏi thành, liều chết ngăn cản! Quân đội còn lại lập tức tập kết, theo thứ tự doanh nhanh chóng rút lui.
Bộ hạ của ông tuân lệnh đi nhanh ra khỏi doanh, từng người đang chuẩn bị đi an bài công việc, đột nhiên một thám báo xuất hiện ở ngay bên ngoài viên môn.
Thám báo kia chạy như điên, giống như một tia chớp không màng tất cả mà xông vào doanh trại của Cao Kiệu, quỳ xuống dưới đất.
– Cao tướng công! Lý thứ sử…Lý thứ sử mang binh tới rồi ạ!
Giọng nói mừng như điên từ trong miệng thám báo truyền vào tai mỗi người.
Bầu không khí lại ngưng tụ lại lần nữa. Trong doanh trướng, ngoài tiếng động thở hồng hộc do thám báo kia phát ra thì không còn tiếng động nào khác.
Nhưng mà ngay sau đó, mọi người như được sống lại, bảy tám bàn tay đồng loạt đưa tới xách thám báo kia lên.
– Ngươi lặp lại lần nữa đi.
Thám báo kia nuốt khan nước miếng.
– Bẩm báo Cao tướng công, bẩm các vị tướng quân, là Lý thứ sử tới rồi! Phản quân Kinh Châu khi ở Đương Đồ đã bị Lý thứ sử từ phía sau đuổi tới đánh tan. Lý thứ sử vừa mới lĩnh quân chạy tới Kiến Khang, sắp vào thành rồi ạ!
Mọi người nhìn nhau, đột nhiên, cũng không biết là ai đi đầu, không hẹn mà tất cả cùng bật lên tiếng cười to. Tiếng cười vang dội tràn ngập niềm vui mừng như điên cùng sự sảng khoái do sống sót sau tai nạn.
– Cao tướng công, ngài nghe thấy không? Lý thứ sử trở về rồi…
Một phó tướng quay sang nhìn Cao Kiệu, thấy hai mắt ông nhìn đăm đăm về hướng rèm doanh trướng, ngay sau đó, như là phóng ra tia sáng khác thường, nhấc bước vội vàng như muốn đi ra ngoài, nhưng mà bước chân lại chập choạng. Y cảm thấy không đúng, đang muốn đi lên đỡ lấy lại thấy cơ thể ông nhoáng một cái, không hề báo trước cả người ngã quỵ xuống đất.