Thực chất lúc ấy rượu trong bầu chẳng còn mấy ngụm, sau khi trở lại kinh thành không bao lâu thì đã cạn khô tới đáy. Lý Tịch Trì cũng từng có dịp thưởng thức rượu Tiên Nhân Chưởng tiến cống thế nhưng hương vị bất đồng so với kí ức thuở xưa. Dần dà nhiều sự tình rắc rối phức tạp lẫn công việc linh tinh nhỏ lẻ khác cứ chồng chéo thành đống cả lên, thời gian và sự mệt mỏi khiến tâm niệm phai nhạt bớt, song y vẫn cất giữ cẩn thận chiếc bình đồng tại thư phòng riêng.
Không lâu sau đó, nhân lúc quét dọn Yến Nhiễm vô tình nhặt được chiếc bình đồng cũ, cố dốc ngược hòng nhấm nháp vài giọt rượu cuối cùng còn vương lại. Kết quả khiến hài tử trong bụng khó chịu đạp bình bịch, lập tức dấy lên cơn đau đớn quằn quại.
Những mảnh nhỏ vụn vặt chắp vá kia mãi gần đây Lý Tịch Trì mới đoán được ít nhiều. Sau khi Yến Nhiễm sinh con, vô tri vô giác y bắt đầu tìm kiếm, nghiên cứu toàn bộ thư sách liên quan, từ từ thấu hiểu chuyện nam nhân Bách Nguyệt sinh đẻ nguy hiểm đến mức độ nào, thai nhi gây ảnh hưởng lớn đối với thân thể người mang bầu ra sao… Cứ mỗi lần lật qua một trang giấy, thâm tâm y càng cảm thông sâu sắc về nỗi khó khăn thống khổ Yến Nhiễm phải gánh chịu trên lưng.
Có nhiều đêm khuya khoắt an tĩnh vắng bóng người, thậm chí y đã từng gặp vô số ác mộng kinh hãi.
Y mơ thấy chính mình cùng Yến Nhiễm hoán đổi vị trí. Mơ thấy hài tử chui vào trong bụng mình. Thân thể không ngừng chịu đủ loại thống khổ được miêu tả trong sách một cách linh hoạt vừa sống động vừa chân thực, hơn nữa còn có trời tuyết rét lạnh, lao dịch khổ sai, cộng thêm đòn roi rát buốt quất mạnh liên hồi…
Khi gà gáy báo sáng vào giờ Mão hôm sau, y mới từ trong ác mộng giật mình tỉnh giấc. Toàn thân ướt sũng mồ hôi, rùng mình ớn lạnh, y biết y không làm nổi.
Y chẳng thể kiên cường như Yến Nhiễm, ương ngạnh nghiến răng vượt qua mọi sóng gió khắc nghiệt, bất chấp hoàn cảnh ngặt nghèo thủy chung chưa từng cúi đầu khuất phục…
Thẳng thắn mà nói, xét về khía cạnh nào đó, Yến Nhiễm mạnh mẽ hơn y rất nhiều.
“Chú ý, cẩn thận va phải…”
Lý Tịch Trì vẫn trốn phía sau cánh cửa ngẩn ngơ suy nghĩ đến xuất thần, đột nhiên bên tai truyền đến tiếng hét váng trời nhức óc. Y nhanh chóng tỉnh táo lại liền thấy cảnh Tiểu Thu khênh hai thùng gỗ đựng nước ấm to tướng chao đảo chạy trên hành lang. Mà lúc này, Yến Nhiễm cùng Hạ Khô bước tới bên cây Tiên Nhân Chưởng to nhất khu vườn, dùng mảnh gốm vỡ cắt một đường nằm ngang dài chừng ba tấc ở phía trên.
Vết cắt mở ra, bầu không khí quanh tiểu viện liền ngập tràn làn hương thơm dịu mát ngòn ngọt, từ miệng vết cắt tuôn rơi dòng nhựa trong suốt màu ngà ngà, hơi sền sệt, dinh dính đặc trưng của Tiên Nhân Chưởng.
Yến Nhiễm nhấc tay cầm cái bình Hạ Khô đưa qua hứng lấy dòng chất lỏng nhớt nhớt, sau đó dùng sức miết chặt miếng gốm ấn mạnh xuống, kéo ra nguyên khối bự chảng chừng sáu tấc cả thảy. Hắn quay đầu truyền đạt kinh nghiệm cho Tiểu Thu nãy giờ đang thất thần quan sát: “Chỉ cần khéo léo cắt dọc theo đúng thớ vân dưới lớp vỏ đảm bảo Tiên Nhân Chưởng sẽ không chết.”
Theo tầm mắt hắn nhìn lại, lúc này Yến Nhiễm mới phát hiện bàn tay mình bị mấy chiếc gai nhọn hoắt đâm sâu vào da thịt tầm mấy tấc.
“Đừng lo, chẳng việc gì đâu.” Hắn lắc đầu trấn an: “Lâu quá rồi không làm việc này, có lóng ngóng tí xíu cũng bình thường thôi. Đợi lát nữa Hạ Khô gắp chúng ra là ổn ngay ấy mà.”
“Vậy kế tiếp cần làm gì?”
“Thịt Tiên Nhân Chưởng còn gom thiếu.” Yến Nhiễm đáp: “Ta phải nạo thêm năm miếng nữa, chuẩn bị đầy đủ mới được.”
Miệng giải thích qua loa sơ sài, hắn tùy tiện vung bàn tay vừa bị gai đâm lỗ chỗ kia cọ cọ vài cái lên cột gỗ, nhân tiện muốn đích thân lựa chọn nhánh Tiên Nhân Chưởng xấu số tiếp theo.
“Ngươi ngồi nghỉ đi, còn bao nhiêu cứ để đấy ta làm giúp cho!”
Tiểu Thu chỉ sợ vết thương trên tay hắn nhiễm trùng mưng mủ, vội vã muốn đoạt mảnh gốm kia. Có điều Yến Nhiễm hết sức bướng bỉnh, nhất quyết không chịu buông. Trong khi hai người còn đương mải giằng co tranh chấp thì chợt nghe thấy tiếng ho khan trầm thấp của nam nhân vọng ra từ sau khe cửa ngoài sân.