Tôi cau có với thằng út và vùi đầu xuống gối. Kể từ lúc phải chia sẻ căn phòng với hai thằng em mười một và mười lăm tuổi, tôi chẳng còn tí riêng tư nào ngoại trừ chút không gian có được từ cái gối của mình.
“Để tao yên, Luis,” tôi làu bàu dưới gối. “Đừng có chọc, điên đấy.”
“Em không thèm vớ vẩn với anh,” thằng bé cãi. “Mẹ nói gọi anh dậy không thì muộn học mất.”
Năm cuối cấp. Tôi có thể tự hào mình là người đầu tiên trong gia đình Fuentes tốt nghiệp trung học. Nhưng sau khi tốt nghiệp, cuộc sống thực sự sẽ bắt đầu. Trường cao đẳng chỉ là một giấc mơ. Năm cuối này với tôi chẳng khác nào bữa tiệc về hưu dành cho một ông lão sáu mươi lăm tuổi. Bạn biết rõ mình có thể làm được nhiều hơn, nhưng mọi người chỉ mong bạn từ bỏ.
“Em đang mặc toàn đồ mới đấy,” giọng nói đầy tự hào của Luis vọng qua chiếc gối. “Các cô nàng còn lâu mới cưỡng lại được chàng trai Latin này!”
“Mừng cho mày,” tôi làu bàu.
“Mẹ nói em nên đổ bình nước này lên người anh nếu anh không chịu dậy.”
Không lẽ chút riêng tư cũng khó thế sao? Tôi tóm lấy cái gối ném mạnh sang bên kia phòng. Một cú đập trực tiếp. Nước văng tung tóe khắp người thằng nhỏ.
“Chơi xấu!” Thằng nhóc hét lên. “Đây là bộ đồ mới duy nhất của em đấy!”
Một tràng cười rộ lên từ bên kia cánh cửa. Carlos, thằng em thứ hai của tôi đang cười sặc sụa. Thế là, Luis nhảy bổ vào nó. Tôi đứng nhìn cuộc chiến dần vượt ngoài tầm kiểm soát khi bọn chúng bắt đầu đấm đá nhau.
Quả là những chiến binh thực thụ, tôi vừa tự hào nghĩ vừa xem bọn nó choảng nhau. Nhưng là anh cả trong nhà, tôi phải dẹp yên vụ này. Tôi tóm lấy cổ áo Carlos, nhưng lại vấp phải chân Luis và ngã lăn quay ra sàn cùng bọn chúng.
Một làn nước lạnh buốt đổ ụp xuống lưng tôi trước khi tôi kịp lấy lại thăng bằng. Quay phắt lại, tôi bắt gặp mẹ trong bộ đồng phục đi làm cùng cái xô đung đưa trên tay. Bà làm thu ngân ở một cửa hàng tạp hóa, cách đây hai dãy nhà. Chỗ ấy trả lương không cao, nhưng chúng tôi cũng chẳng cần gì nhiều.
“Dậy mau,” bà ra lệnh, bừng bừng thịnh nộ.
“Khỉ thật, mẹ tới,” Carlos nói, rồi đứng lên.
Mẹ nhúng những ngón tay vào xô nước lạnh buốt, khum lấy chỗ nước còn lại rồi vẩy chúng lên mặt Carlos.
Luis cười phá lên và trước khi thằng nhóc kịp biết chuyện gì xảy ra, nó cũng bị dính nước luôn. Đến khi nào thì bọn nó mới học được bài học này nhỉ?
“Thái độ gì kỳ cục vậy, hả Luis?” Bà hỏi.
“Không, thưa mẹ,” Luis nói, đứng nghiêm chỉnh như một người lính.
“Còn từ nào bậy bạ thốt ra từ miệng con nữa không, Carlos?” Bà nhúng tay vào nước như một lời cảnh cáo.
“Không, thưa mẹ,” tiếng đáp dõng dạc vang ra từ thằng lính thứ hai.
“Còn con thì sao, Alejandro?” Bà nheo mắt tập trung sự chú ý vào tôi.
“Gì chứ? Con đã cố gắng để giải tán bọn nó,” tôi nói bằng vẻ ngây thơ vô tội, gửi tới mẹ nụ cười không-thể-cưỡng-lại.
Bà vỗ nước vào mặt tôi. “Đây là vì con không giải tán hai đứa nó sớm hơn. Giờ thì thay đồ đi, cả ba đứa, đến ăn sáng trước khi tới trường.”
Rất nhiều thứ có lợi từ nụ cười không-thể-cưỡng-lại đó. “Mẹ biết là mẹ yêu bọn con mà,” tôi nói với theo khi bà quay lưng rời khỏi phòng.
Sau khi tắm vội, tôi quay lại phòng ngủ với chiếc khăn quấn ngang hông. Trông thấy Luis choàng chiếc khăn rằn của tôi, ruột gan tôi xoắn lại. Tôi giật lấy nó. “Đừng bao giờ sờ tới cái này, Luis.”
Đối với Luis, đó chỉ là một chiếc khăn. Còn đối với tôi, đó là biểu tượng cho những gì đã và sẽ không bao giờ có. Làm thế quái nào tôi có thể giải thích điều này với một thằng nhóc mười một tuổi? Nó biết tôi làm gì. Ai cũng biết chiếc khăn mang màu của băng Latino Blood. Ân đền oán trả đã thấm sâu đến nỗi giờ tôi không thoát ra được. Nhưng tôi thà chết chứ không để cho một trong hai thằng em mình bị cuốn theo.
Tôi vo chặt chiếc khăn lại thành một nùi trong tay. “Luis, đừng có chạm tay vào cái khỉ gì của tao. Đặc biệt là những thứ của băng Blood.”
“Em thích màu đỏ và đen.”
Đó là điều cuối cùng tôi muốn nghe. “Nếu tao bắt gặp mày dùng nó lần nữa, mặt mày sẽ được điểm thêm vài chấm đen và xanh đấy,” tôi nói với nó. “Rõ chưa, nhóc con?”
Thằng nhóc nhún vai. “Rồi, rõ rồi.”
Rồi nó nhún nhảy rời khỏi phòng, tôi tự hỏi liệu nó có thực sự hiểu rõ hay không.
Thôi không suy nghĩ quá nhiều về việc đó nữa, tôi lôi cái áo thun đen từ tủ đồ khoác lên người và mặc vào chiếc quần jean đã bạc màu. Khi đang quấn khăn rằn quanh đầu, tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi vọng lên từ nhà bếp.
“Alejandro, xuống ăn ngay kẻo thức ăn nguội hết. Nhanh, mau lên!”
“Con xuống ngay đây,” tôi đáp lại. Chả hiểu sao thực phẩm lại là một phần quan trọng đến vậy trong cuộc đời bà.
Mấy thằng em tôi đang mải ngấu nghiến bữa sáng khi tôi bước vào bếp. Tôi mở tủ lạnh và liếc qua.
“Ngồi xuống.”
“Mẹ, con chỉ lấy…”
“Không có lấy gì hết, Alejandro. Ngồi xuống ngay. Chúng ta là một gia đình và chúng ta sẽ ăn như nhau.”
Tôi thở dài, đóng sập cửa tủ lại và ngồi xuống cạnh Carlos. Đôi khi là thành viên trong một gia đình thân thiết cũng có nhược điểm của nó. Mẹ đặt trước mặt tôi cái đĩa chất đầy trứng và bánh ngô.
“Tại sao mẹ không thể gọi con là Alex?” Tôi hỏi, cúi gầm, nhìn chằm chằm đĩa thức ăn trước mặt.
“Nếu mẹ muốn gọi con là Alex thì việc gì phải đặt tên con là Alejandro? Con không thích tên mình sao?”
Các cơ bắp của tôi căng cứng. Tôi được đặt tên theo người bố đã không còn sống trên đời, người đã để lại cho tôi trách nhiệm là người chủ gia đình. Alejandro, Alejandro Jr., Junior… với tôi đều như nhau cả.
“Gọi thế sẽ có vấn đề sao?” Tôi nói nhỏ lại trong lúc cầm lên một chiếc bánh ngô rồi ngước nhìn, cố gắng đánh giá phản ứng của bà.
Mẹ đang rửa các đĩa bẩn trong chậu rửa, lưng quay về phía tôi. “Không.”
“Alex muốn giả vờ mình là người da trắng.” Carlos xen vào. “Anh có thể thay đổi tên, anh trai, nhưng không ai có thể nhầm lẫn anh với bất kỳ giống người nào khác, anh luôn là người Mỹ gốc Mexico.”
“Carlos, câm mõm lại,” tôi cảnh cáo. Tôi không muốn mình là người da trắng, Tôi chỉ không muốn được liên tưởng với cha.
“Làm ơn đi, hai đứa,” mẹ cầu xin chúng tôi. “Đã đủ các trận cãi vã cho cả một ngày rồi đấy.”
“Mưa[1],” Carlos ngâm nha, trêu chọc bằng cách gọi tôi là một thuyền nhân[2].
[1] Từ trong bản gốc Mojado (tiếng lóng): nghĩa là “mưa, người ướt”, cũng là một bài hát của ca sĩ – nhạc sĩ Ricardo Arjona người Guatemala. Lời bài hát xoay quanh chuyện nhập cư, kể lại câu chuyện của một người đàn ông từ bỏ đất nước của mình để đến một quốc gia khác tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
[2] Thuyền nhân: người vượt biên bất hợp pháp sang nước khác bằng cách đi thuyền.
Tôi chịu đựng hết nổi cái miệng của Carlos rồi, nó đã đi quá xa. Tôi đứng lên, đẩy ghế ra sau. Carlos làm theo, bước tới trước mặt tôi, rút ngắn khoảng cách. Nó biết tôi có thể tẩn cho nó một trận vì cái sự ngu ngốc này. Ra vẻ ta đây sẽ khiến nó có ngày gặp rắc rối khi chọc sai người.
“Carlos, ngồi xuống,” mẹ ra lệnh.
“Chơi bẩn,” Carlos kéo dài giọng ra. “Nữa này, đồ du đãng.”
“Carlos!” mẹ tôi rít lên và lao tới trước, nhưng tôi đã xen vào giữa hai người và túm lấy cổ áo thằng em.
“Đúng, bất cứ ai cũng nghĩ thế về tao,” tôi nói với nó. “Nhưng nếu mày cứ sủa ra những điều rác rưởi như thế, họ cũng sẽ nghĩ y hệt về mày thôi.”
“Anh trai, họ cũng sẽ nghĩ như vậy về em. Dù cho em có muốn hay không.”
Tôi buông nó ra. “Mày sai rồi, Carlos. Mày có thể làm tốt hơn sống tốt hơn.”
“Hơn cả anh?”
“Phải, tốt hơn tao, và mày biết điều đó.” Tôi nói. “Giờ thì xin lỗi mẹ ngay vì mày đã phun ra những lời đó trước mặt mẹ.”
Nhìn vào mắt tôi, Carlos biết tôi không hề đùa. “Xin lỗi mẹ,” nó nói rồi ngồi xuống. Nhưng tôi cũng không bỏ lỡ cái trừng mắt của nó, vì đã khiến cái tôi của nó bị tổn thương.
Mẹ quay đi mở tủ lạnh, cố giấu những giọt nước mắt. Chết tiệt, bà lo cho Carlos. Nó là học sinh năm thứ hai trung học,và hai năm tới đây sẽ quyết định nó thành ra thế nào.
Tôi tóm lấy áo khoác da màu đen, cần phải ra khỏi đây. Tôi hôn nhẹ lên má mẹ thay lời xin lỗi vì đã làm hỏng bữa sáng rồi cuốc bộ ra ngoài, tự hỏi làm thế nào có thể tiếp tục giữ Carlos và Luis không dẫm lên vết xe đổ của mình để đi trên con đường khác sáng sủa hơn. Ôi, mẹ kiếp, thật mỉa mai làm sao.
Trên phố, mấy thằng đội khăn rằn giống nhau đang ra dấu hiệu biểu trưng cho băng Latino Blood: đập hai lần bàn tay phải – với ngón áp út gập lại – lên cánh tay trái. Tôi thấy máu trong mình nóng lên khi ra hiệu đáp lại rồi leo lên mô tô. Họ cần một-thằng-chịu-chơi, và họ đã có tôi. Khoác lên mình bộ mặt hoàn toàn khác khi bước ra thế giới bên ngoài, đôi lúc tôi cũng phải ngạc nhiên về chính bản thân mình.
“Alex, đợi đã”, một giọng nữ quen thuộc gọi theo.
Carmen Sanchez, hàng xóm và là bồ cũ của tôi, chạy tới.
“Chào Carmen,” tôi lẩm bẩm.
“Thế nào, cho em đi nhờ tới trường được không?”
Chiếc váy ngắn màu đen khoe ra cặp chân tuyệt đỉnh, áo sơ mi ôm chặt làm nổi lên bộ ngực nhỏ nhưng đầy kiêu ngạo của cô nàng. Từng có thời gian tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho cô nàng này, nhưng đấy là trước khi tôi bắt gặp nàng ta trên giường một thằng khác vào mùa hè năm ngoái. Hay có lẽ là trong xe hơi, cũng thế cả.
“Thôi nào, Alex. Em hứa sẽ không cắn… trừ khi anh muốn.”
Carmen là thành viên nữ[3] cùng trong băng Latino Blood với tôi. Dù không còn là một cặp, chúng tôi vẫn cùng hội cùng thuyền. Đó là luật trong cuộc sống của chúng tôi. “Lên đi,” tôi nói.
[3] Homegirl: Một cô gái mà bạn có thể làm mọi điều với cô ấy như: đưa về nhà, quan hệ tình dục, trò chuyện, trao đổi như những cặp vợ chồng khác mà không phải chịu trách nhiệm gì, nó còn có nghĩa là một thành viên nữ của một băng đảng thanh thiếu niên.
Carmen nhảy phốc lên sau xe và cố tình đặt tay lên đùi tôi, áp sát cơ thể vào lưng tôi. Nó không mấy phát huy tác dụng như cô nàng hy vọng. Carmen nghĩ tôi có thể quên đi quá khứ ư? Không đời nào. Quá khứ chính là thứ đã tạo nên tôi.
Ngay trước mắt, tôi cố gắng tập trung vào năm học cuối cấp sắp bắt đầu tại Fairfield. Khốn thật, quá khó, vì không may là sau khi tốt nghiệp, tương lai của tôi có thể cũng sẽ mờ mịt hệt như quá khứ.