Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 190: Núi Hoang Trăng Lạnh



Trăng lên, sương đêm lãng đãng buông xuống rừng tùng. Cánh tiều phu đã xuống núi về thành từ sớm, phường thợ săn hãy còn dựng lều chờ đám hổ beo đi săn mồi trở dậy. Thành thử hiện giờ bốn bề vắng vẻ như tờ, nhìn khắp núi rừng mênh mang cũng chỉ có một mình Tạ Thiên Hoa.

Nếu là lúc bình thường, có lẽ còn có thể nghe tiếng xào xạc của đám chuột rừng, chồn cáo ăn đêm hoặc tiếng kêu quang quác của bầy chim rừng. Thế nhưng Tạ Thiên Hoa thân là Thanh Tước, ngay cả khi không cố tình bộc phát khí tức từ huyết mạch thì đám cầm điểu dã thú bình thường cũng không dám ló đầu ra ngoài.

Tạ Thiên Hoa theo chỉ dẫn của Tô A Cẩu, sau khi rời khỏi thành thì men theo lối mòn trong rừng đi chừng ba dặm, chừng nào nhìn thấy một cây thông có bộ rễ ôm lấy một tảng bạch ngọc thì bắt đầu lên núi, leo chừng bảy tám dặm gì sẽ thấy hồ Thiên Lệ.

Tương truyền...

Năm xưa có một Đại Vu tên Hùng luyện được Cửu Mệnh Ngải, ngậm lấy đi khắp trăm núi nghìn rừng để tìm thuốc tiên bất tử. Đáng tiếc ngải tan mà tiên dược đâu chẳng thấy, cuối cùng kiệt sức trượt chân ở núi Thanh Tùng này. Có người nói thân xác của Hùng hóa thành cây thông lạ, nhưng vì sao rễ cây lại ôm lấy tảng ngọc thì chẳng ai biết. Có người cho rằng ngọc lớn do tín vật định tình của y hóa thành, có người nói ấy là một khỏa đạo tâm của y, cũng có người bảo đấy là xá lợi của Hùng biến ra khi giác ngộ Phật pháp. Nói chung trăm người thì mười ý, tam giáo cửu lưu đều biến tấu câu chuyện sao cho có lợi cho nhà mình, chẳng ai rõ ràng thực hư ra làm sao.

Duy chỉ có một điều có thể được các vị bô lão đức cao vọng trọng, đi rừng lâu năm khẳng định, ấy là trước khi có cái cây thông mọc lên ở đây thì không có hồ Thiên Lệ trên núi.

Hồ Thiên Lệ một đầu thuôn thuôn, một đầu bầu bầu, nhìn từ trên cao như hình vệt nước mắt quệt lên mặt tuyết. Chốn này quanh năm khói tỏa, mùa đông không đóng băng, là một hồ nước nóng tự nhiên.

Lạ một nỗi mặc dầu triều đình đã nhiều lần cử đại thần đến khảo sát, tìm hiểu, song tuyệt nhiên không tìm ra mạch nước ngầm nào quanh đó, cũng chẳng dò được rốt cuộc nước trong hồ là từ đâu mà chảy tới, trở thành một trong những kỳ cảnh lạ lùng bậc nhất ở Đại Việt. Ngày thường cũng có không ít tao nhân mặc khách, tu hành giả các phương ngự không đến đây du ngoạn.

Vốn là nếu không vướng cái chuyện của thư viện Thanh Tùng, Tạ Thiên Hoa cũng định bụng tranh thủ mấy ngày ở thành Đông Thanh đến hồ Thiên Lệ ngắm cảnh một phen cho mở mang tầm mắt.

Không ngờ bây giờ lại bị người ta ép phải đến chốn này.

Chỗ cái cây thông lạ cũng là nơi đường mòn lên núi chấm dứt. Cầu Học Lộ thông hướng đến núi đông, bình thường cánh thợ săn, nhà tiều cũng chỉ đi đến đây thôi, không vào sâu trong núi, thành thử cũng chẳng có đường mòn nào cả.

Tạ Thiên Hoa đi dưới tán cây thêm một đoạn thì xa xa trông thấy một bà già còng lưng, mũi khoằm, mái tóc bạc phơ xơ xác như rễ tre đứng bên vệ đường. Trước mặt mụ kê một cái nồi to, bên trong cháo đang lục bục sôi. Mụ già cầm một khúc xương lớn, nhìn như là xương cẳng chân người trưởng thành thọc vào nồi mà khuấy.

Tạ Thiên Hoa chau mày, hiển nhiên là nhận ra thân phận của mụ già quái gở.

Bấy giờ, mụ bỗng nhiên ngẩng đầu, đôi mắt lấp lánh ánh sáng xanh nhìn về phía Tạ Thiên Hoa bằng một vẻ thèm thuồng. Mụ mở miệng, giọng mụ nghe the thé, có chút gì đó không thật, cứ như thể vọng về từ một cõi xa xăm nào đó:



“Này nhớ. Lát nữa... vào nồi nhớ.”

Mụ cười the thé, đưa cái xương chân ngoắng một cái, vớt lên nguyên một cái sọ người dưới đáy nồi cháo.

Tạ Thiên Hoa hừ lạnh, nói:

“Một con Sơn Ẩu con con cũng dám hiện hình trước mắt bản cô nương làm cái chuyện khuất mày khuất mặt?”

Nói đoạn, cô nàng phóng Thanh Sắc thần quang đến thì mụ già ma quái đã biến thành một làn khói trắng chui xuống mặt đất trốn biệt.

Sơn Ẩu là một loại tinh quái, chẳng biết chân thân là giống gì, chỉ biết là thường lởn vởn trong rừng núi Hoàng Liên Sơn Mạch, càng vào sâu thì càng dễ bắt gặp chúng. Bọn này thường lấy hình dáng của một mụ già quái đản ngồi nấu cháo trong rừng để xuất hiện trước mắt khách đi núi, hoặc là cất tiếng gọi ma quái giữa rừng khuya. Phàm là kẻ nào tu vi không đủ mạnh, tâm trí không đủ cứng mà đáp lời mụ gọi thì sẽ bị mê hoặc ngay.

Sau đó, Sơn Ẩu dụ người ta ăn nồi cháo của mình. Mùi cháo thơm điếc mũi, người bình thường tỉnh táo chưa chắc đã cưỡng lại nổi, hà huống gì những nạn nhân đã bị mụ dùng yêu pháp mê hoặc. Chỉ cần nhấp một miếng thôi thì lập tức sẽ mê man đi chẳng còn biết gì nữa. Khi đó, con Sơn Ẩu mới hóa thành một quái vật, nhào tới ăn thịt nạn nhân.

Thời Nhân Tông có một vị thầy đồ tên Long giả vờ trúng kế con Sơn Ẩu, lúc này mới biết những thủ đoạn của nó về truyền lại cho dân mà tránh.

Sơn Ẩu thắng ở tính xuất kỳ bất ý, tu vi cũng không cao, thành thử vừa thấy Tạ Thiên Hoa là đối thủ khó nhằn là nó chạy ngay lập tức. Song... ngay cả như thế thì cô nàng cũng chẳng thấy nhẹ lòng đi chút nào cả.

Trên đời có lời đồn, Sơn Ẩu có quan hệ gì đó với hoàng tuyền, thứ cháo mê hoặc chúng nấu ra dụ người ăn có nguyên mẫu là cháo lú của Mạnh Bà dưới địa phủ. Chính vì mối liên kết với cõi âm này mà Sơn Ẩu có thể đại khái cảm nhận được khí vận và số mệnh của kẻ khác. Khi một người nào đó sắp gặp kiếp nạn thập tử nhất sinh thì ngay cả khi tu vi ngập trời thì cũng có thể nhìn thấy Sơn Ẩu xuất hiện kiếm ăn, trong khi bình thường đám tinh quái này thường sẽ né tu hành giả tu vi thâm hậu.

Cô nàng giữa đường gặp một con Sơn Ẩu, có lẽ là chuyến này dữ nhiều lành ít.

Tạ Thiên Hoa hít sâu một hơi, thầm nghĩ hiện giờ cả nghĩ thì cũng chẳng ích gì, bèn bỏ những suy nghĩ linh tinh này ra khỏi đầu, sau đó dấn bước tiến sâu vào bóng tối của khu rừng tùng. Càng gần hồ Thiên Lệ thì chốn này càng hoang sơ vắng vẻ, ít người lại qua, thành thử khoảng cách giữa các cây tùng cũng bắt đầu thu hẹp lại. Lúc ra khỏi thành con đường dưới bóng cây thoáng đãng bao nhiêu thì hiện giờ lại chật hẹp, bí bách bấy nhiêu.

Tạ Thiên Hoa cẩn thận bước qua từng đoạn rễ cây gồ lên khỏi mặt đất, Cây mọc san sát, cành lá rập rạp che khuất chút ánh trăng ít ỏi, khiến cả khu rừng như chìm vào bóng tối đặc quánh. Cô nàng căng hai tai, để thần thức trải rộng, dò xét cẩn thận từng ngõ ngách một.

Cứ thế lần mò trong bóng tối chừng nửa canh giờ, khi ánh trăng nhẹ nhàng lách mình ra khỏi đám mây hững hờ thì Tạ Thiên Hoa cũng đến được bên hồ Thiên Lệ. Không còn tán cây chắn lối, khung cảnh thoáng chốc trở nên thoáng đãng dị thường. Ngọn gió khuya nơi núi cao thổi luồn qua những thân cây, khiến mặt hồ lấp lánh ánh trăng khẽ dao động. Trên mặt hồ linh khí hóa thành sương khói cứ thế lượn lờ, thoạt nhìn tưởng như tiên cảnh.



Chính giữa hồ Thiên Lệ bấy giờ có một con thuyền con, cột buồm có một ông cụ gầy gò bị người ta lấy dây Quỷ Đằng trói nghiến lại, treo lên cao. Thứ dây leo dại này ở Huyền Hoàng giới cũng không hiếm gặp, thân đầy gai nhọn, tiết ra một thứ nhựa gây ngứa ngáy như có kiến bò. Bấy giờ dưới ánh trăng, thân ảnh đơn bạc của Nghiêm lão hiện lên với bộ áo tả tơi loang lổ những vệt nâu nâu đỏ đỏ. Những vết thương trên người ông cụ còn chưa ráo máu, bây giờ bị dây Quỷ Đằng trói nghiến lại càng ngứa ngáy khó chịu như bị tra tấn. Ấy thế nhưng ông cụ chẳng kêu tiếng nào, hơi thở mảnh như sợi tơ, xem ra chỉ cách cái chết một cái móng chân mà thôi.

Trên bờ, tiếng cười của Đỗ Trạng Nguyên cất lên nghe thật là chói tai:

“Tạ tiểu thư cuối cùng cũng đến rồi. Thế mà lão phu cứ tưởng là cô nương sẽ mặc xác lão già này kia chứ.”

“Chà... Đỗ trưởng ban xem ra đã coi lời tiểu nữ từng nói hôm qua là gió thoảng bên tai mất rồi. Hoặc giả... ngài cho rằng tiểu nữ không dám đối phó với Thanh Tùng thư viện của các ngài nên mới làm ra cái chuyện đáng khinh đến vậy?”

Tạ Thiên Hoa lườm lão một cái, nói.

Ở Huyền Hoàng giới, có một luật bất thành văn ấy là hai bên dù có mối thù không đội trời chung không liên lụy đến thân bằng cố hữu của kẻ khác, trừ khi là có thù diệt môn.

Dù sao, đã là người thì cần phải ra ngoài, thiên kiêu càng cần phải rời nhà lịch luyện. Nếu lúc nào cũng phải đề phòng có kẻ nhắm vào mình để trả thù thân nhân, thì có lẽ cả Huyền Hoàng giới đều thành trạch nam trạch nữ nhốt mình cả đời trong gia tộc mất.

Thế nhưng, hành động của Đỗ Trạng Nguyên hôm nay không khác gì là phá giới. Nếu như để truyền ra ngoài thì ắt sẽ khiến thiên hạ phẫn nộ, cho dù là nhiều môn phái thánh địa liên hợp lại trừng phạt Thanh Tùng thư viện, thẩm phán Đỗ Trạng Nguyên cũng không phải là chuyện không thể xảy ra.

Đương nhiên...

Chuyện này một cô gái trẻ người non dạ như Tạ Thiên Hoa có thể nhìn ra được thì không lý nào kẻ nhiều năm ngồi trên ghế trưởng ban như Đỗ Trạng Nguyên lại không biết.

Thế nhưng lão vẫn làm...

Nếu như ngay chiều hôm qua Đỗ Trạng Nguyên đã ra tay thì còn có thể nói là lão bị lòng tham làm mờ mắt. Song, Tạ Thiên Hoa có thể thấy rõ vẻ e ngại dè chừng và cam chịu của y khi cô nàng rời khỏi Thanh Tùng thư viện ngày hôm qua.

Sự thay đổi thái độ đột ngột, thậm chí dám dùng cả cách bị cả thiên hạ phỉ nhổ để đạt thành mục đích khiến cô nàng thoáng rùng mình trước thế lực đang đứng sau giật dây.

Ngày mai sẽ đăng 4 chương ngoại truyện với số thứ tự trong bản thảo từ 213-216, 3 chương còn lại kể về Tạ Thiên Hoa (210-212) sẽ đăng nốt trong tuần này. Tuần sau (từ chương 217: ) sẽ chuyển qua kể chuyện về Đỗ Thải Hà. Nếu bà con đọc ở web khác, ko đồ nhóm tác phụ trách đăng mà thấy số chương sai hay ba chương 210: -212 trong tuần ko hiện nốt thì tự hiểu nhá.