Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 33: Ba nhỏ



Chạy xuyên qua biển người đông đúc và cao lớn, thân hình nhỏ bé của Ngọc Mai lâu lâu phải nhón chân hết cỡ để nhìn, nhưng vẫn bị mất phương hướng. Sợ mất dấu, cô cứ đâm đầu chạy về phía trước, không cần biết đã va trúng bao nhiêu người, loạng choạng muốn té sấp bao nhiêu lần cô cũng không quan tâm, cứ cắm đầu cắm cổ chạy. 

Chạy qua khỏi cổng chào một khoảng rất xa, người càng lúc càng thưa, nhưng bóng dáng quen thuộc thì không thấy đâu. Khi chạy gần đến bến cảng, qua màn nước mắt, Ngọc Mai mơ hồ nhìn thấy được bóng lưng vẫn in đậm trong miền ký ức tuổi thơ, ngày người xoa đầu cô rồi xoay lưng rời đi, nhưng mãi những năm sau đó không một lần quay về. 

Ai cũng nói người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, cả Baba cũng nói thế, nhưng chỉ có cô là không tin người đã mất. Ngọc Mai đưa tay quệt nước mắt, cố lấy hết sức chạy bừa luôn xuống biển để kịp níu lấy cánh tay người đó đứng lại, vừa thở hồng hộc vừa nức nở đứt quãng kêu: “Ba nhỏ”

Người đó giật mình đứng yên bất động, không hề có ý định xoay người lại, Ngọc Mai bước lên phía trước nhìn chăm chú vào khuôn mặt mất tích hơn tám năm nay. Khi nhìn thấy khuôn mặt đã rất lâu không được gặp, nước mắt Ngọc Mai như mưa ôm chặt lấy cánh tay người đó khóc nghẹn ngào: 

“Ba nhỏ, là ba nhỏ của con đây mà, con là bé con của người đây, người sao lại ở đây thế? Mấy năm nay người bị trôi dạt đến nơi này ư...hu hu hu…”

Sau phút giây bàng hoàng sửng sốt, nhìn khuôn mặt đỏ bừng lem luốc nước mắt của Ngọc Mai, người đó chậm chạp lắc đầu lên tiếng: “Cô gái này, cô nhận nhầm người rồi.” 

Người đó vừa nói vừa nhìn về phía trước, cách nơi này chỉ vài chục bước chân, có hai người đang đứng đợi trên chiếc thuyền nhỏ và tò mò nhìn về hướng này.

Ngọc Mai ôm tay ba nhỏ của mình cứng ngắc, khóc đứt ruột đứt gan như đứa bé bị lạc mất ba mẹ: “Con không nhận nhầm, dù người bị mất tích hơn tám năm nhưng nhìn người không khác mấy mà, dù người có già hơn nữa con vẫn nhận ra.” 

Người đó nghe vậy trừng lớn mắt, tâm trạng cực kỳ sốt ruột, cứ nhìn Ngọc Mai rồi lại ngước nhìn hai người phía trước, vừa mới đưa cánh tay còn lại lên định đẩy Ngọc Mai ra, Ngọc Mai bắt luôn cánh tay đó xoa xoa lên má của mình, vừa xoa vừa khóc cực kỳ thương tâm: 

“Sao người lại không chịu nhận con chứ, người nhìn kỹ lại đi, con là Ngọc Mai đây mà, là bé con của người mà hu hu…”

Càng ngày càng có nhiều người hiếu kì, họ ở trên thuyền, hay đang đứng lựa cá sát bãi biển, hoặc ở xung quanh đều nhìn ngó đến chỗ hai người đang đứng. Người đó hơi lưỡng lự nhưng vẫn giật bàn tay ở trên mặt Ngọc Mai lại, sau đó lạnh lùng gỡ từng ngón tay của Ngọc Mai ra, tránh không nhìn đến đôi mắt hiện rõ vẻ mất mát đang dần chuyển qua tổn thương của Ngọc Mai, dứt khoát bỏ đi không nói tiếng nào. 

Vừa bước đến thuyền, hai người đang đứng đợi đã kéo người đó lên, ba người vừa thì thầm vừa nhìn về phía Ngọc Mai, người đó lắc lắc đầu. Con thuyền nhỏ được các ngư phủ ra sức chèo lướt im, chẳng bao lâu đã đến bên chiếc thuyền lớn đang được giăng buồm no căng gió chuẩn bị xuất phát.

Ngọc Mai cứ đứng như vậy mặc sóng biển men theo bờ vỗ ướt hai ống quần, vì khóc quá nhiều nên lâu lâu cô sẽ lại nấc lên, mũi nghẹt cứng phải thở bằng miệng, mặt mũi thì lấm lem, tóc tai thì rối bù. Nhưng hiện tại Ngọc Mai vẫn chưa thoát ra được cảm xúc của bản thân, cô cảm thấy rất sốc, thật sự không hiểu vì sao người ba thương cô nhất lại không chịu nhận cô. 

Không cam tâm, Ngọc Mai cứ đứng nhìn theo con thuyền đang từ từ mất hút trên mặt biển mênh mông. Phía sau lưng cô cuộc sống vẫn đang diễn ra sôi động và ồn ào, mọi người làm việc luôn tay luôn chân, nhưng thỉnh thoảng sẽ có người nhìn về phía Ngọc Mai rồi xì xà xì xào.

Không biết qua bao lâu, Ngọc Mai mới bắt đầu nhúc nhích người, lấy khăn trong túi áo ra lau sạch nước mắt trên mặt, rồi hỉ mũi thật mạnh mấy cái liên tiếp như muốn giải tỏa bớt nỗi ấm ức trong lòng. Ngọc Mai không quay lại chợ mà vẫn tiếp tục đi dọc theo bãi biển, hiện tại tâm trạng cô cực kỳ hụt hẫng và mất mát, không muốn quay về chợ, không muốn mua cá, không muốn làm bất cứ chuyện gì nữa cả.

Ngọc Mai bước đi vô định, thơ thẩn thế nào mà lại đi thẳng đến cảng nơi hai cha con lần đầu tiên xuất hiện. Ngọc Mai dừng lại đứng nhìn một vòng, cảm giác thật bùi ngùi, đang ngó nghiêng thì cô trông thấy hai ông cháu A Mã đang lựa cá gần đó, Ngọc Mai cất bước lại chào hỏi.

Nhìn thấy Ngọc Mai hai ông cháu ồ lên kinh ngạc, A Mã cười cười hỏi thăm cuộc sống hai cha con dạo này thế nào, Ngọc Mai đang buồn có bạn cùng trang lứa nói chuyện cảm giác thật thích, bắt đầu nói từ chuyện đi Lộ đến Trại rồi vào rừng, hai người đứng tám cả buổi trời rất sôi nổi, chủ yếu than thở đoạn đường đi và cảm giác trải nghiệm là chính. 

Biết ý định Ngọc Mai muốn mua cá số lượng nhiều, hai ông cháu A Mã nhiệt tình giới thiệu mấy ngư dân và lái buôn gần đó mà ông cháu họ đang lấy. Ngọc Mai nhìn mấy sọt cá hai ông cháu đang lựa hỏi bao nhiêu một sọt. 

Khi biết số tiền lên đến hai mươi hạ thể một sọt cá Ngọc Mai cảm thấy ghét trưởng tử tộc khủng khiếp, làm gì mà mỗi tháng chỉ cho hai cha con cô có năm mươi hạ thể thì biết sống sao đây! Cho cũng phải nhìn ngó vật giá một chút xíu chứ, cho chỉ mang tính chất lấy lệ cho có như vầy ai mà thèm. Ngọc Mai chỉ lo trách mà quên mất, một sọt cá này đến hai mươi gia đình mới có thể ăn hết trong một ngày.

Số tiền Ngọc Mai đang có không đủ để mua năm sọt, cô chỉ có thể mua bốn sọt, một sọt nơi này đựng khoảng hai mươi con cá, con nào con đó bự bằng bắp giò của Ngọc Mai, mấy con cá này cũng không thể làm nước mắm được, Ngọc Mai hỏi có loại cá nào nhỏ cỡ bàn tay của cô không, nghe vậy hai ông cháu ngạc nhiên cùng nhìn Ngọc Mai.

A Mã tò mò lên tiếng: “Cá nhỏ nơi này họ không có bán, ngư dân có bắt được họ cũng thả lại xuống biển, cô muốn mua để làm gì?”

Ngọc Mai không giấu diếm nói thẳng muốn mua làm nước mắm, hai ông cháu A Mã lại hỏi tiếp nước mắm là cái gì? Bây giờ thì đến lượt Ngọc Mai kinh ngạc. Cô hỏi quê hương của hai người ở đâu và vì sao lại xuất hiện nơi này, thì mới biết họ xuất thân là nhà nông, bị trôi dạt đến đây do bị lũ cuốn trong một lần hai ông cháu ra thăm ruộng.

Thời đại hai người sống không khác mấy so với nơi này, về đất nước của họ Ngọc Mai nghe cũng ngu người luôn, không biết A Nậu là nước nào và ở đâu trên bản đồ. Ở nước Tây cũng rất nhiều người tên bắt đầu bằng chữ A, Ngọc Mai tò mò hỏi có phải cùng quê với họ không, ông nội A Mã lắc đầu phổ cập kiến thức cho Ngọc Mai:

“Người dân nơi này thích lấy chữ A để đặt tên cho con cháu trong nhà là vì liên quan đến truyền thuyết về Thần biển. Từ xa xưa, tổ tiên truyền miệng với nhau là Thần biển rất thích dùng chữ A để nói chuyện với mọi người. Cứ cách khoảng một thời gian ngắn, mọi người sẽ nghe ở ngoài biển khơi tiếng Thần biển kêu lớn AA kéo dài. Thần biển càng kêu A nhiều thì người càng đông đúc, cuộc sống càng thoải mái sung túc.

Trong một lần làm lễ đặt tên cho vị trưởng tử tộc đầu tiên, lúc cúng Thần biển, Vương chưa đọc tên xong thì từ phía biển truyền đến tiếng AA kéo dài, mọi người cho là Thần biển thích tên A, nên từ đó về sau muốn con cháu được Thần biển ban phước lành khỏe mạnh và tài giỏi, thì mọi người đều lấy tên lót là chữ A gọi kèm theo. Mấy trăm năm trở lại đây, mọi người không còn nghe tiếng Thần biển nói chuyện nữa.” 

Hai ông cháu A Mã ngạc nhiên nhìn Ngọc Mai đang đứng nghe họ nói chuyện, không biết duyên cớ gì lại ngồi thụp xuống hai vai run run dữ dội, họ nhìn không hiểu mô tê gì. Ngọc Mai nghe xong muốn phun trào cười điên dại, mặt mũi cô đỏ bừng vì phải cố nén cười, nhắm không ổn Ngọc Mai ngồi thụp xuống vùi đầu vào hai đầu gối cười âm thầm lặng lẽ đau hết cả ruột, chảy cả nước mắt.

Người dân nơi này mê tín thế không biết, họ không phân biệt được tiếng người kêu khi bị xuyên thời không đến đây à! Sau khi cười đã, Ngọc Mai ngước khuôn mặt đỏ phừng phừng của mình lên, nhìn hai cha con ngượng ngùng lên tiếng xin lỗi vì tự dưng đau bụng không chịu được. 

Hai cha con đều tỏ ra lo lắng cho Ngọc Mai, hỏi thăm rối rít. Sau khi cám ơn và nói bản thân không sao, Ngọc Mai đánh trống lảng hỏi lại việc muốn mua được cá nhỏ thì phải làm sao.

Vì mấy con cá nhỏ ăn không nhiều thịt lại lắm xương nên rất khó bán, muốn mua thì phải dặn trước. Ngọc Mai muốn giúp hai ông cháu có thêm mối làm ăn, bèn đặt mua bốn sọt cá càng nhỏ càng tốt, khi nào có thì cứ đem đến trạm đăng ký nhập hộ tịch giùm cô, bốn sọt cá Ngọc Mai đặt cọc trước 50 hạ thể, thiếu đủ gì tới đó tính sau, hai ông cháu vui vẻ đồng ý.

Xong vụ mấy con cá Ngọc Mai cũng không nán lại mà chào tạm biệt hai ông cháu rồi đi về, tâm trạng hiện tại cũng không còn chán nản hay u sầu. Ngọc Mai là người dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, khúc nhạc đệm của ba nhỏ không làm ảnh hưởng lắm đến cuộc sống của cô. Đó là thể hiện bên ngoài, còn trong lòng có đau có khổ hay không thì chỉ mình cô biết. 

Từ cảng về trạm đăng ký nhập hộ tịch khá gần, đi chưa được bao lâu đã về đến nơi. Khi bước gần đến cổng, thì thấy cách đó không xa A Đoàn cũng vừa đánh xe về tới, đang điều khiển xe ngựa chậm lại rồi dừng hẳn trước mặt cô. Ngọc Mai quên béng mất anh chàng này đành phải mở miệng xin lỗi, nhìn A Đoàn cũng không có thái độ hay tỏ vẻ bực bội gì nên Ngọc Mai cũng yên tâm thở phào nhẹ nhõm. 

Cô bước đến phía sau xe ngựa, phụ với A Đoàn đem hũ sành xuống, rồi chỉ chỗ cho anh ta đem mấy hũ sành để vào giúp cô, sẵn tiện nhờ vả gia cố lại mấy cái chái cho chắc chắn hơn. Đang dọn dẹp lại đống rơm rạ đặt bừa bãi, thì Nhất thiện xuất hiện nói có mẹ nuôi của cô ghé thăm, mọi người đang ngồi chờ cô ở nhà thủy đình.

Ngọc Mai nghe vậy sửng sốt, cô có mẹ nuôi bao giờ vậy? Không cần nghĩ ngợi lâu, Ngọc Mai nhớ đến người mẹ từ trên trời rơi xuống mà Baba nói sẽ đồng ý giúp cô. Ngọc Mai thở dài cái thượt, người mà cô muốn thì họ không chịu nhận cô, người mà cô không muốn thì lại bị ép buộc nhận. Ngọc Mai cám ơn Nhất thiện truyền lời rồi đi lẹ về phòng thay bộ đồ khác, sẵn tiện sửa soạn lại bộ dạng nhếch nhác của bản thân. 

Tại thủy đình ông Ba và hai vợ chồng Mạc Lâm đang ngồi nói chuyện vui vẻ, chủ đề chính đều xoay quanh việc nuôi dạy con cái, lúc nhỏ họ nghịch như thế nào phá phách ra làm sao. Ông Ba như được rà trúng hệ, bao nhiêu tật xấu của Ngọc Mai ông đem giấu hết, chỉ nói toàn những điều tốt đẹp như muốn khoe con tôi là số một, con mọi người chỉ là số hai.

Ông Ba càng khoe vợ Mạc Lâm nghe càng thấy thích, lúc con rể báo tin Ngọc Mai đang ở trạm đăng ký, bà đứng ngồi không yên muốn chạy qua thăm liền, nhưng được khuyên chờ đến hôm sau, cho Ngọc Mai có thêm thời gian nghỉ ngơi nên bà đành thôi.

Để chuẩn bị đến gặp Ngọc Mai ngày hôm nay, bà không dám sửa soạn quá nhiều, vì bà muốn bản thân có một bộ dáng trông tiều tụy một chút, để Ngọc Mai nhìn thấy sẽ thương cảm mà đồng ý chấp nhận làm con nuôi. 

Bà cũng tốn rất nhiều tâm huyết để chuẩn bị quà cho Ngọc Mai, cả buổi chiều hôm qua bà lục tung hết tất cả các tủ và hộp gỗ đựng đồ trang sức, nhưng vẫn không thấy cái nào hợp với Ngọc Mai, bà nhìn lại từng món của hồi môn mà bà có để lựa chọn vẫn thấy không cái nào được cả. 

Vì tạng người Ngọc Mai khá nhỏ bé nên các món trang sức nhìn đều quá khổ so với cô. Sáng nay bà còn tranh thủ đi lùng sục khắp chợ Phủ để tìm xem có món đồ nào tốt hơn không, nhưng nhìn rồi lại nhìn bà cũng không ưng ý nốt. Nên chỉ chọn mua một vài khúc vải lụa tốt rồi về, nghĩ tới nghĩ lui bà quyết định cho Ngọc Mai một viên trung thể và một viên thượng thể để giúp hai cha con thay đổi thể trạng sức khỏe tốt hơn để hòa nhập với môi trường sống nơi này.

Dù Ngọc Mai có chấp nhận bà hay không, thì bà cũng muốn tặng cho con bé phần quà này. Không nghĩ đến khi tới nơi, được anh Ba đây thông báo là Ngọc Mai đã đồng ý chấp nhận, làm bà cảm động đến không nói nổi thành lời, ngồi cười mãi không khép miệng lại được. 

Chưa bước đến thủy đình Ngọc Mai đã nghe thấy tiếng cười sang sảng thoải mái của Baba mình, đã rất lâu rồi cô mới lại nghe được giọng cười vui vẻ này, để không làm ông cụt hứng cô đành nhận mệnh vậy. Bước vào nhà thủy đình, Ngọc Mai ngoan ngoãn khoanh tay chào hỏi từng người, vừa dứt tiếng đã được một bàn tay trắng trẻo và mềm mại của mẹ nuôi đỡ lấy dẫn cô ngồi xuống ghế bên cạnh.

Bà vui vẻ hỏi cô đủ chuyện trên trời dưới đất, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày đến sở thích cá nhân, bà hỏi cái gì Ngọc Mai trả lời cái đó, chẳng những thế còn biết nịnh đầm khen mẹ trẻ mẹ đẹp làm bà cười nắc nẻ mãi không thôi. Ngọc Mai ngắm nhìn khuôn mặt hiền từ đang mỉm cười đó, rồi nhìn hai bàn tay bà đang cầm hai bàn tay cô vỗ vỗ nhẹ nhàng, bất giác trong lòng trào dâng một cảm giác thật khó tả, cảm thấy có mẹ nuôi thật ra cũng không tệ, cô bắt đầu thấy thích thích rồi.