Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 246: Trăng khuya chênh chếch



Những ngày tiếp theo trôi qua trong bình yên, tôi cũng tranh thủ tìm được một ít cát mịn,hơn chục viên sỏi tròn và nhẵn cũng như moi đất sét ở ngoài mương để làm những thứ mình đã dự định. Phải nói thật là từ ý tưởng cho đến thực tế “sản xuất” là rất khó khăn, tôi đã tốn nhiều thời gian cho cái gọi là bệ phóng tên lửa của mình, với nhiều kiểu mẫu mã nhưng đều cảm thấy không ổn. Cuối cùng, tôi cũng tạm hài lòng với một thành phẩm là một bệ phóng có chiều dài khoảng hai mươi cen – ti – mét, bề ngang gần năm cen – ti – mét. Hình dáng của cái bệ phóng tên lửa này nhìn rất giống một cái cầu trượt khi một đầu cao khoảng mười cen – ti – mét còn phần đuôi thấp hơn và có một cái hõm để giữ phần chân của ít nhất ba cây pháo hoa. Tôi muốn khi khai hỏa thì pháo hoa sẽ bắn lên trời theo một góc khoảng bốn mươi lăm độ, sau khi phơi nắng một ngày thì cục đất sét nay đã thành bệ phóng tên lửa có thể mang đi chinh chiến được nhưng sự thật là nó khá nặng. Cái ba lô phục vụ việc đi đêm của tôi càng ngày càng chứa nhiều thứ lỉnh kỉnh mà chỉ bản thân tôi mới biết tác dụng của từng thứ, còn đối với bà tôi thì đó là những món đồ chơi của thằng cháu đích tôn.
Tôi vẫn có rất ít bạn trong làng, đám con trai ngoài R9 và Chắc Gạo là còn hay gặp thì thêm thằng Hiếu nữa là hết, con gái thì cũng chỉ hay nói chuyện với chị Hiền – chị họ của tôi – là nhiều. Đôi khi thấy tôi thơ thẩn một mình trong khu vườn nhỏ ở đầu hồi nhà thì bà Già lại hỏi han vài câu và hỏi tôi sao không ra cầu Đình mà chơi nhưng tôi chỉ cười và lắc đầu. Càng gần đến ngày thi thì tâm lý của tôi nói chung cũng có chút ít thay đổi, có một chút nôn nao chờ đợi kỳ thi rồi lúc khác lại muốn kỳ thi này nếu sang năm mới tổ chức thì mình có nhiều thời gian hơn để học... tâm lý phức tạp! Tôi nghĩ như vậy. Và vì chỉ còn khoảng mười ngày nữa là kỳ thi đến, Lịch sử và Địa lý là hai môn ôn thi kết thúc trước tiên sau đó là đến môn Sinh học. Toán học và Văn học là hai môn sẽ phải ôn nhiều nhất nhưng tôi cũng đã nản, tôi nghĩ mình nên dừng việc ôn ở trường lại vì cảm thấy lúc này nó không có ích gì nhiều ngoài việc nhồi nhét và “đến lớp để cảm thấy yên tâm”.
Tổng kết học kỳ II năm học lớp 9, tôi nhận được giấy khen học sinh Tiên tiến chưa xuất sắc, đây là một trong những tờ giấy khen cuối cùng trong cuộc đời học tập của tôi, tờ giấy khen cuối cùng tôi nhận được là ở học kỳ I năm lớp 11 còn sau đó thì không có thêm. Tôi cũng không còn quan tâm đến việc điểm trung bình môn của mình là bao nhiêu nữa vì tôi có những mục tiêu khác trong cuộc đời mà chỉ mình tôi hiểu.
Gần một tuần sau khi gặp sư thầy ở trên chùa, vào một trưa gần cuối tuần mà tôi nhớ là sau buổi sáng liên hoan chia tay nhau ở lớp, từ trường tôi trở về nhà với tâm trạng khá buồn. Tôi không ăn trưa như mọi lần mà ngồi thừ trên cái phản gỗ lim truyền thừa, mắt nhìn xa xăm qua cửa sổ đầu hồi nhà. Bà Già cũng biết là hôm nay ở lớp có buổi liên hoan nên cũng không giục tôi ăn cơm, chỉ lẳng lặng rót cho tôi một cốc nước vối đầy ụ rồi đứng bên cạnh dùng cái quạt nan phe phẩy cho tôi, tôi cười gượng với bà để bà yên tâm.
-Ai rồi cũng phải lớn, hết lớp này thì sẽ lên lớp khác, bạn này chia tay thì sẽ có bạn mới, buồn thì cũng buồn ít thôi không lại ốm ra.
-Vâng, chỉ là cháu nghĩ khi đi học cấp III sẽ ở trên huyện nên có chút băn khoăn.
-Mày cũng phải nghĩ đến hết cấp III mày sẽ đi Hà Nội học, lúc ấy gặp bao nhiêu người lạ khắp cả nước chứ cái huyện này đã là gì.
-Hà Nội cháu không cảm thấy vấn đề gì đâu. – Tôi thở dài rồi uống một hơi hết cốc nước vối bà vừa rót cho. – Bà đừng lo gì cả, hơn một tuần nữa là cháu thi rồi nên thời gian tới cháu cũng không muốn vùi đầu vào học đêm học ngày nữa, chắc phải vừa chơi vừa học mới được.
-Cái này thì tao không biết, mày thi mà được điểm cao thì tao cũng mừng nhưng mày ốm ra thì tao lại lo, sức khỏe là quan trọng.
-Vâng.
Bà Già trở lại võng nằm và lim dim mắt như ngủ, mâm cơm được đậy cái rổ bằng tre vẫn để nguyên trên cái chiếu nhỏ gần cửa nhà. Tôi lại xoay đầu nhìn ra cửa sổ, vài tia nắng buổi trưa hắt lên cái bàn học bằng gỗ, bất chợt tôi muốn ra cây vối cạnh bờ ao sau nhà ngồi hóng mát nên tôi vác luôn cái ghế gỗ hay ngồi học đi ra đầu hồi, không quên rót thêm một cốc nước vối nữa. Ngồi gần gốc cây vối là mát bởi vì có lũy tre, vài cây chuối che chắn, tôi ngồi trên ghế, cốc nước để bên cạnh và nhìn vô định về phía trước, tôi nhớ lại tất cả những gì mình đã trải qua từ hồi lớp 6, nhớ những khuôn mặt mà sắp tới đây mình sẽ ít gặp hoặc có thể không gặp lại nữa vì đường đi khác nhau.
Tôi nghĩ đến cô bạn lớp phó của mình, từ ngày tuần sau sẽ không còn học chung lớp nữa, có khi không còn đi chung đường vì tôi nghe cô bạn lớp trưởng nói rằng cô bạn lớp phó sẽ nộp đơn thi vào trường cấp III Hàn Thuyên – một trường cấp III tập hợp những học sinh giỏi của tỉnh Bắc Ninh - trên tỉnh giống như anh họ cô ấy. Tôi tin rằng cô ấy đủ khả năng để đỗ và nếu như thế thì biết bao giờ gặp lại? Tôi không đủ can đảm để hỏi trực tiếp việc này. Tôi cũng từng nghĩ mình thử nộp hồ sơ thi vào trường Hàn Thuyên đó nhưng giả như thi đỗ thì sẽ lên Bắc Ninh học, điều này không ổn, gia đình tôi đã chia ly đủ rồi, chia thêm lần nữa thì tôi không muốn, điều tôi muốn là tụ họp.
Khoảng thời gian sau kỳ thi tốt nghiệp, tôi có hỏi thăm bạn bè và người quen thì được biết cô bạn lớp phó của mình đúng là đã tham gia kỳ thi tuyển chọn đầu vào ở trường Hàn Thuyên và sau đó là tin cô ấy đỗ. Giá như thời ấy điện thoại di động hay mạng xã hội phổ biến như thời bây giờ thì tôi đã cập nhật thông tin một cách tốt hơn là “nghe nói”. Chính vì việc người mình thích đã bay xa tít tắp nên tôi cũng phân vân với lựa chọn của chính mình cộng với việc mải chơi, cho đến khi đi nộp hồ sơ vào trường số 1 Thuận Thành tôi vẫn chưa nghiêm túc với ý định của mình, điều tôi nhớ duy nhất là ngoài việc gặp lại con bé láu cá bán kẹo kéo thì tôi còn gặp vài người không nên gặp khác. Đến khi thi đầu vào xong xuôi, khi mẹ tôi chở tôi về nhà thì trên đường tôi nhanh chóng nhận ra bóng dáng quen thuộc của bạn mình, tôi giục mẹ dừng giữa đường và hỏi:
-Tớ tưởng Chúc thi đỗ trường Hàn Thuyên rồi mà?
-Ừ, đỗ rồi! – Cô bạn tôi gật đầu.
-Đỗ rồi sao không đi học trên ấy mà lại đi thi vào trường số 1 làm gì?
-Tại trường này gần. – Cô bạn lớp phó vừa đáp vừa cười, vẫn cái răng khểnh ấy khiến tôi đứng ngây ra tại chỗ.
Trên đoạn đường còn lại mẹ tôi chở về nhà, tôi lo nhiều hơn mừng bởi vì hình như tôi không chuẩn bị cho việc này, thi cấp III tôi còn không cả ôn thi bởi vì nghĩ kiểu gì mình cũng sẽ đỗ. Ừ, thì đỗ! Nhưng mọi việc đã muộn rồi, nếu cô bạn lớp phó thi trường này, với sức học của cô ấy thì dư sức nhóm đầu, còn học kiểu của tôi thì khó lắm, chỉ đủ để đỗ thôi! Giá như tôi có thể biết thông tin này sớm hơn thì tốt biết mấy.
Nhưng mà cuộc đời không có hai chữ “Giá như...”
Ngồi dưới bóng râm của cây vối, tôi liên tục thở dài não nề.
-Sao lại ngồi thơ thẩn ở đây thế này?
R9 lên tiếng ngắt ngang dòng suy tư của tôi, tôi quay lại thấy nó đã đứng gần bên tự lúc nào.
-Chán thì ngồi suy nghĩ tí thôi, lớp mày liên hoan chia tay sáng nay rồi phải không?
-Ờ, cũng có mấy đứa con gái khóc sướt mướt, ký cọt vào áo nhau nữa đấy mà.
Tôi bật cười.
-Tao cũng mang luôn cái áo đồng phục đi để bọn nó ký rồi, giữ làm kỷ niệm sau này thi thoảng nhìn lại nhớ cấp II cũng tốt. Mày lên có việc gì?
-Mày còn tiền tao mượn ít.
-Mấy lần trước còn chưa thấy mày trả đấy nhá.
-Khi nào có tao trả, dạo này hơi nghèo.
-Thế bao nhiêu?
-Năm chục.
Tôi đưa cho R9 luôn một trăm nghìn, cất tiền vào túi xong R9 hỏi:
-Nay nắng như này, ra cầu Đình tắm không?
-Không, tao không biết bơi.
-Thì ra nhìn bọn nó nhảy cầu cũng vui, hơn là ngồi đây suy nghĩ vẩn vơ một mình.
-Thôi, tao chả thích. Mà mày đã ăn cơm chưa vào ăn cơm với tao luôn.
-Ờ tao chưa, tao vừa ở trường về mà
Tôi vác ghế vào nhà sau đó hai thằng ngồi ăn cơm, vừa ăn vừa nói chuyện linh tinh. R9 cho biết là đám con trai lớp nó chiều nay sẽ liên hoan ở nhà một đứa nên góp tiền vào để đánh chén, nó lại rủ nhưng tôi không đi.
-Kể ra lớp mày đông con trai cũng hay nhỉ? Lớp tao toàn con gái, tan học một cái là lặn hết cả lượt. Cán bộ lớp cũng là con gái nên mấy cái phong trào như đá bóng với đi chơi là yếu lắm.
-Bọn lớp mày tính làm gì, khi nào có thi văn nghệ, làm báo tường thì lớp mày nhất chứ phong trào vui chơi lớp mày bét nhất khối.
-Ờ, lớp con gái mà. – Tôi tán đồng nhận định của R9. – Lúc sáng ôm nhau khóc nức nở rồi hứa hẹn nọ kia mà trống trường chỗ ông Tiến gõ một cái là như ong vỡ tổ, bọn về hết, nhanh như một cơn gió thổi, còn loại nhõn bọn con trai.
-Tuần tới nếu không đi học buổi sáng nữa, lớp ôn chỉ còn ba buổi mày tính sao? Ở nhà tự ôn hay làm gì?
-Thì tự ôn thôi.
-Để tao rủ thằng Hiếu lên nhà mày cùng học luôn, nó có gặp tao hỏi là đến nhà tao ôn được không. Mày biết nhà tao toàn trẻ con thì học hành cái gì được.
-Ừ, lên nhà tao cũng được, nhà tao thì lúc nào cũng yên tĩnh, sáng nay lại không thấy thằng Hiếu hỏi gì.
-Nó ngại đấy.
-Bố tổ, toàn con trai với nhau ngại cái đếch gì mà ngại nhỉ.
Chiều hôm ấy tôi thơ thẩn một mình, đi vào lại đi ra, cảm giác trống rỗng khó tả. Chiều tà, tôi đứng trên bồn hoa dựa vai vào cái cột ăng – ten và nhìn ra vườn, tôi nghĩ thi xong có thể mình sẽ đi Hà Nội hoặc ở nhà chờ điểm, nếu có thời gian rảnh như thế thì tôi sẽ xây một thành phố nhỏ trong khu vườn kia. Thành phố phải có ô tô, có cây xăng, xe máy, cây xanh... nên chắc sẽ tốn nhiều thời gian xây dựng, thế rồi tôi vào nhà lấy giấy bút ra vẽ một bản đồ thành phố trong tưởng tượng của mình.
Có nhiều cách để vượt qua nỗi buồn và tôi đã làm như thế.
***
Lại là một tối thứ Bảy, sau buổi liên hoan chia tay lớp một ngày, thật ra lúc này khi việc học hành đã xong và chờ đợi bước vào kỳ thi chính thức thì ngày nào cũng là cuối tuần hết cả. Tôi ngồi lần giở những ghi chép của mình để đọc lướt qua trước khi đi ngủ thì cửa sổ lại vang lên tiếng động ám hiệu, tôi vội gập quyển vở lại và bước ra ngoài vườn, chị Ma đang đứng chờ tôi, dường như chị ấy vừa đi đâu về bởi vì con ngựa chiến vẫn đang đứng phía sau, đầu nó hướng vào phía câu vối, đuôi hướng ra ngoài cổng.
-Đêm nay em có rảnh không?
-Em được nghỉ học rồi, bây giờ chỉ chờ thi thôi ạ.
-Mấy hôm vừa rồi chị cũng định gặp em nhưng không muốn em phân tâm.
-Có gì đâu ạ, có việc gì mà chị lại phải suy tính như thế?
-Người hôm trước nằm rình ven đường cái quan em nhớ chứ?
-Em có nhớ.
-Nó mất mạng ngay tối hôm ấy ở đầu làng, điều này thì chắc em cũng biết rồi.
Tôi gật đầu xác nhận.
-Có rắc rối gì hả chị?
-Rắc rối tính ra thì cũng có, đồng đảng của nó vì việc này nên đã phần nào khẳng định rằng làng này chính là nơi cất giấu kho báu mà bọn chúng đang nhắm tới thay vì mấy ngôi làng bên cạnh. Chắc bọn chúng cũng đoán biết trong làng này có giấu âm binh nữa.
-Em chưa hiểu, chị có thể nói lại cho em rõ hơn được không?
Chị Ma giải thích lại cho tôi một lượt, đại ý rằng có hai hoặc ba người đàn ông ở vùng khác mới xuất hiện vài ngày gần đây ở các làng xung quanh, họ đóng vai những người thu mua đồng nát, sắt vụn để thám thính. Đặc biệt nhóm này chỉ tập trung thu mua ở làng Bưởi Cuốc mặc dù làng này tính ra là ít đồ bán nhất, những người này trong vai đi thu mua đồng nát đã đến từng nhà, vào từng ngõ ngách và đặc biệt chú ý những căn nhà có miếu thờ.
-Bọn nó có một thứ giơ lên như này này... – Chị Ma mô tả động tác chụp ảnh. – Sau đó có một tiếng “xoạch” nhỏ rồi có khi thì chớp lóa mắt luôn. Có lẽ đó là bùa phép.
-Không phải, đó là máy ảnh.
-Máy ảnh?
Tôi lại phải giải thích cho chị Ma về thứ gọi là máy ảnh và nhắc lại với chị ấy việc hơn hai năm trước, trong dịp sinh nhật của tôi thì bố tôi có mang theo máy ảnh về chụp lại hình làm kỷ niệm. Mục đích chụp ảnh là để lưu giữ hoặc cho người khác xem cùng, từ câu nói này hai chị em lại nhận ra sự bất thường bởi vì chẳng có ông thu mua đồng nát nào lại có máy ảnh và lại dùng máy ảnh chụp miếu thờ cả, tôi giải thích xong thì cũng bắt đầu hoang mang một chút.
-Vậy hành động tiếp theo của bọn họ chị nghĩ họ sẽ làm gì?
-Yểm bùa!
-Như lần vừa rồi yểm ngoài mương?
-À đấy, trong số những người đi thu mua đồng nát có một người mà các vong nhận dạng được chính là gã đã cho em tiền.
-Thật chứ?
-Ma không nhận nhầm người bao giờ, thằng đấy còn giả vờ đi giải để ra kiểm tra chỗ nó yểm, sau khi biết không còn gì nên nó hốt hoảng chạy một mạch.
-Vậy... Vậy họ có quay lại?
-Đấy là lý do chị gặp em tối nay. Từ việc bùa bị phá đến đồng đảng mất mạng thì bọn nó tính sẽ thử lối khác vào làng bởi vì sơ đồ chúng nó đã có đầy đủ.
-Hướng... Hướng đi sau đồng?
-Giữa giờ Tuất chị đã nhận được tin báo là có ba người đang ngồi uống rượu ở một quán trong Yên Ngô thôn, trong cuộc nói chuyện, chúng có đề cập đến việc sau khi tàn cuộc sẽ lên làng Trằm.
-Ngay... Ngay đêm nay ạ?
-Chưa chắc chắn lắm nhưng em thử nghĩ xem, từ Yên Ngô thôn đi qua làng Trằm chỉ độ hai dặm rồi rẽ tay mặt là...
Chị Ma bỏ lửng câu nói, tôi gật gù hiểu ý.
-Vậy chị cứ lên trên ấy trước, em vào thu xếp một lúc rồi đi. Chị em mình gặp nhau ở đường đất hay ở đâu?
-Chị sẽ chờ em ở gần cống thủy lợi, góc Tây Bắc của cánh đồng.
Chị Ma lên ngựa và mau chóng rời đi, tôi quay trở vào nhà dành vài phút để suy nghĩ thiệt hơn các vấn đề rồi lấy một tờ giấy vẽ tạm lại sơ đồ cánh đồng phía sau chùa để lưu lại vào đầu thêm một lần nữa cho chắc chắn, trên tờ giấy tạm gọi là bản đồ này, tôi nhớ lại các vị trí đã chăng dây đỏ và ông Lê Tam đã đặt cự mã.
-“Chẳng biết sau mấy tuần thì những sợi dây ấy còn tác dụng gì không?”
Tôi mặc thêm cái áo phao, mũ len trùm trên đầu, chân đi giày ba ta, lý do rời nhà mà tôi nói với bà Già là do chán quá, tôi muốn xuống nhà R9 xem bóng đá cùng với nó. Tôi bước ra hiên, tự tay khép cửa và cài then bên trong, ba lô đã để ngoài ụ rơm từ nãy, bước ra khỏi cổng ngẩng đầu nhìn trời đêm, đã qua rằm nên trăng lên muộn nhưng sáng rõ.
Trước khi rời nhà, tôi nhìn đồng hồ đã là gần mười giờ rưỡi.

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí