Tôi đang say giấc nồng trên tấm phản gỗ lim truyền thừa thì bị đánh thức, phải nói thật là lúc mở mắt ra nhìn thấy trời sáng trưng thì tôi mới nghĩ là ban ngày chứ giây trước đó lại tưởng nửa đêm bị dựng dậy đi đâu. Chớp mắt mấy lần nhìn sang thì thấy R9 đang đứng bên cạnh tấm phản, vẻ mặt nó có vẻ không được bình thường, nó liên tục lay người tôi. - Dậy rồi, tỉnh rồi, lay lắm thế! Tôi bực dọc ngồi dậy dụi mắt nhìn thằng bạn mình. - Có việc gì mà mặt mày có vẻ hoảng thế? - Giờ này mà mày còn ngủ được à, nguy tới nơi rồi. – R9 nói. - Sao mà nguy? Tạch tốt nghiệp à? – Tôi cũng có chút hoảng hốt nhưng mau chóng lấy lại bình tĩnh ngay bởi vì điều này không thể xảy ra được. - Không, việc khác. Sao mày cứ bình chân như vại thế nhỉ. Tôi xuống khỏi phản, vẫn còn cảm giác ngái ngủ, bước lại chỗ tích nước vối của bà Già rót một cốc nước và uống ừng ực, R9 đi theo như chờ đợi tôi uống nước xong thì sẽ nói gì đó quan trọng. Tôi rót cho nó một cốc. - Đm, nước non đéo gì. Mày có biết là mấy người hôm qua thuê tao với mày dọn nhà đang đi tìm mày hay không? - Tìm tao làm gì? Tôi không ngạc nhiên bởi vì điều này là chắc chắn rồi, vừa mất tiền lại bị lừa một vố đau như thế mà không đi tìm tôi mới lạ. - Sáng này họ mò vào tận nhà tao hỏi thăm luôn. - Ơ! Ai chim lợn mà họ tìm ra được nhà mày? – Tôi ngạc nhiên. - Mẹ, mày lấy tên của của bố mày nên người ta đi hỏi đấy. Cả cái làng này nếu học lớp 9 thì có mỗi tao tên Hưởng chứ ai, mày đúng là thằng ngu. - Ừ nhỉ, tại lần đầu gặp họ tao đâu có biết là có mấy việc sau này. Mà chả sao, mày có liên quan gì đâu. - Tao mà liên quan thì chẳng bị ăn bánh vả rồi. Họ đến nhà tìm gặp tao và hỏi thăm mày, tao bảo Hưởng là tên của tao mà, còn mày tên là Hào đấy. - Ơ, mày cũng lươn khươn phết, rồi sao? - Hỏi nhà cửa mày thì tao không nói, tao bảo họ tự đi mà tìm. Họ hỏi tao có được chia tiền gì không thì tao bảo là được một trăm nghìn tiền công quét dọn và mày đi Hà Nội từ chiều qua rồi. - Hợp lý. - Người ta đời nào tin, giờ này chắc vẫn rình ở đầu ngõ nhà tao đấy. - Mấy người ấy lớn mà chả thông minh gì cả, chỉ cần hỏi cái làng này có những đứa nào là con trai học lớp 9, con cháu nhà ai là ra hết. - Ừ nhỉ, có khi người ta sẽ đi hỏi như thế nếu không mọi được tin gì từ tao. - Mày ngoan, nhìn mặt tái tái thế kia mà vẫn không bán đứng bạn bè, tiền mày nợ tao lắt nhắt từ trước coi như xí xóa. - Bố mày làm thế không phải để được trả công nhá. - Rồi, biết rồi, là mày luôn nghĩ cho bạn bè, là người tốt được chưa? Người tốt vẫn cần phải có tiền cơ mà. – Tôi cười toe toét. – Thế mày theo lối cửa sau lên đây à? Lối cửa sau của nhà R9 chính là ra đầu hồi nhà, băng qua khu vườn rồi chui rào đi qua ngõ nhỏ từng có con trâu ma mắt đỏ húc tôi một lần. Từ lối đó nó sẽ rẽ phải để đi một vòng tròn ra nhà tôi, lối đi này chỉ có người làng hoặc người ở khu đó mới biết mà thôi. - Ừ, tao bảo thằng em đi xem thử thì có hai người ngồi chờ ở đầu ngõ Thiện và hai người chờ ở ngõ ngay đường làng. - Thế cứ để cho bọn họ chờ đi, sợ đếch gì. - Mày không sợ người ta tóm được mày à? Sao mày cứ nhơn nhơn ra thế? - Mày ngu bỏ mẹ. – Tôi uống thêm một cốc nước vối nữa rồi ngồi xuống giường của bà Già ngay gần đấy. – Đây là làng mình, họ làm gì được tao? Tao là trẻ con, lại ngoan có tiếng ở cái làng này. Tát tao một cái thì tao nằm mẹ ra đất co giật cho mà xem, mày phải hiểu là một thằng còi như tao không đánh ai được thì phải có bài chứ. - Nhưng mà tát thì đau lắm. - Ai chả biết, từ nhỏ đến giờ bố tao còn chưa đánh tao. Nếu như tao có bị tát vài cái thì cũng đành chịu, ốm yếu như tao đây tiền thuốc men cũng nhiều. Mày nghĩ thử mà xem, nếu có việc xảy ra người ta bênh trẻ con hay bênh người lớn? Thêm nữa tao lại là người làng, họ là người lạ, không cẩn thận lại ăn đập tím mặt và vẫn mất tiền đền bù cho tao ấy chứ. - Tao... Tao nhìn nhầm mày rồi, hồi trước tao tưởng mày là thằng nhát gan nhưng hình như đéo phải thế. - Ui, giờ tao vẫn nhát gan chứ khác gì, nhưng mà việc gì cũng phải suy xét thiệt hơn chứ. Thế mày có muốn kiếm tiền không? - Lại tiền? Bố mày còn đang run chân đây này. - Có tiền tự khắc hết run chân, tự nhiên sẽ khỏe ra như Lý Đức. - Mày lúc nào mở miệng ra cũng tiền, lo việc trước mắt kia kìa. Chả lẽ mày cứ trốn ở nhà hay sao? - Mày điên à, tao nghỉ hè để đi chơi chứ sao lại ngồi ở nhà được. Hôm qua tao chả nói rồi à, kiểu gì họ cũng sẽ cay cú đi tìm tao cơ mà. Thật ra tôi nghĩ đám người này tìm tôi vì lẽ khác, không phải vì số tiền chỉ là bạc lẻ đối với họ. Đầu tiên là mất tượng không rõ nguyên nhân, sau đó là chỉ một tối bị dọn mất hơn hai mươi tượng đất thì bọn họ sẽ phải suy tính mọi khả năng. Họ không tin tôi là đứa ăn trộm tượng nhưng dù là một chút xíu manh mối họ cũng sẽ đi truy bằng được. Lời nói của tôi vừa giả vừa thật nên rất khó đoán biết nên sau khi bị mất tượng thì họ lại nghiêng về khả năng làng này nhất định có phù thủy. Sớm muộn họ cũng sẽ tìm ra tôi để hỏi mà thôi, để họ tìm thấy tận nhà là hạ sách, chi bằng chủ động đưa đầu vào rọ để họ bắt xem họ dám làm gì, ban ngày ban mặt lại ngay trong làng, tôi mà mất một cọng lông chân thì tôi sẽ ăn vạ. Tôi chưa ăn vạ ai bao giờ nhưng xem phim thì thấy bắt chước cũng không khó lắm. - Hai người ngồi ở đầu ngõ nhà mày à? – Tôi hỏi R9. - Ừ, chắc giờ này vẫn ngồi đấy chờ tao. - Đám này chắc sẽ kiên nhẫn đấy. Thôi thế này nhé, mày về theo lối đã đến đây rồi cẩn thận đi ra đầu ngõ, tốt nhất là đi nhờ qua nhà người khác. Ngay đầu ngõ nhà mày có mấy cái nhà bỏ hoang đúng không nhỉ? - Ừ. - Mày nấp ở đấy rình bọn họ cho tao. - Để làm gì? - Cứ nấp kỹ vào, nếu họ có đánh tao thì gào to lên, vu vạ cho bọn nó vô cớ đánh tao, nói vống lên. Nếu có tiền thì tao với mày cưa đôi. - Tiền? Ở đâu ra? - Tiền ngu, mày chả biết cái gì. Mày cứ nghe tao, tiền cưa đôi mà mày có bị làm sao đâu? Đây là làng mình, mày phải nhớ đây là làng của mình không phải của thiên hạ. - Được rồi, thế bao giờ thì làm? - Mày ăn sáng chưa? - Chưa, mới mở mắt ra người ta đã vào nhà hỏi thế rồi tìm bụng dạ đâu mà ăn. - Bà tao có mua bánh cuốn kìa, mày lấy bát với rót nước mắm đi. Tao đi đánh răng rửa mặt cái đã. - Lúc đéo nào mày cũng sai tao là sao? - Tao nhờ mày chứ sai bao giờ? Nhờ đàng hoàng. Tôi nói xong thì ra ngoài hiên lấy khăn mặt đi rửa mặt. Trong nhà lách cách có tiếng bát đũa rồi sau đó là tiếng R9 vọng ra hỏi tôi: - Có pha mì chính không? - Thôi, ngoài vườn có chanh đấy, lấy chanh với vặt quả ớt đi Tôi vẫn nhớ ở thời điểm này bánh cuốn ăn ngon hơn so với những năm sau này, đặc biệt là nhìn bánh cuốn trắng, mỏng và rất mềm. Mấy năm sau tôi ăn không còn thấy ngon và vị cũng đã khác, người bán cho thêm cả nước mắm nhưng tôi vẫn muốn tự mình pha nước chấm hơn, có thể nước chấm tôi pha không ngon nhưng đảm bảo rằng mình nhìn thấy. Sở dĩ tôi phải làm như vậy vì có một lần nhìn thấy trong túi nước mắm có một con ruồi chết, bà Già sau đó cũng cẩn thận hơn, chính bà cũng không dùng nước chấm người ta cho sẵn nữa. Đĩa bánh cuốn mau chóng chui vào bụng của hai đứa rất nhanh gọn, ăn xong môi đứa nào cũng bóng nhẫy mỡ, làm thêm một cốc nước nữa thì R9 đi về còn tôi thì thay quần áo, phải chọn bộ nào cũ cũ một tí, ưu tiên là áo dài tay. Dép lê thay cho xăng – đan và đã lâu lắm rồi tôi không dùng cái Xế Điếc màu xanh của mình nên hôm nay cũng có dịp để dùng, nhìn chung là khá hợp với cảnh một đứa trẻ nghèo, yếu đuối và đáng thương. Chỉ kẻ yếu mới dùng nắm đấm để nói chuyện, còn tôi là kẻ mạnh nên sẽ dùng miệng. Giải quyết xong việc này thì trưa và chiều nay còn phải đào đất, đưa đầu vào rọ cho đám thầy phù thủy nửa mùa này theo tôi nghĩ là thượng sách. Tình hình thay đổi thì những thứ khác cũng phải thay đổi theo chứ không thể cứng nhắc được, chuyện này là chuyện cá nhân của tôi nên cũng không cần phải phiền đến chị Ma. Tuy nhiên, để tránh cho chị sư phụ của mình sẽ trách mắng thì tôi cũng thắp nén hương báo cáo tình hình, chả biết chị ấy có nghe thấy hay không. Tôi dắt xe ra cổng thì bà Già từ bên nhà cô Thu đi về, bà hỏi: - Hôm nay mày dậy sớm thế? - Cháu phải đi mua xi măng với cát về xây thành phố của cháu, tối qua cháu nói với bà rồi còn gì nữa. - Tao chả thấy đứa nào chơi như mày cả đâu. - Cháu của bà làm gì có thằng Tý thứ hai thì ai mà chơi giống cháu được. Bà có thích ăn gì không cháu ra đầu làng cháu mua luôn cho. - Có bánh đa thì mày mua cho tao một cái. - Mua cả túi để bà với cô Thu cùng ăn cho vui. Bọn thằng Lâm nó đi Hà Nội hết cả rồi nên cô ấy cũng có một mình thôi mà. Tôi đạp xe đi, trong lòng cũng có chút lo lắng chứ không phải là không có, nhưng tôi đã quyết rồi, đối mặt và đưa đầu cho họ sẽ thoải mái hơn rất nhiều so với việc ngồi ở nhà thấp thỏm. Hơn nữa tôi cũng còn nhiều việc phải làm, mục đích bọn họ thuê nhà và ở lại làng này không có gì là tốt đẹp, đuổi họ đi càng sớm càng tốt, ở lâu họ sẽ thông thuộc địa hình và có nhiều thông tin họ cần, như thế tôi sẽ gặp nhiều bất lợi và người chị cùng họ của tôi sẽ gặp nguy hiểm hơn. Tôi rẽ từ trong ngõ nhỏ ra đường làng đi về hướng cầu Đình, từ xa đã thấy hai người đàn ông ngồi trên cái xe Win, dưới một tán cây. Tôi cố giữ nét mặt bình thản đi đến, cố giữ một nụ cười trên môi. Hai người này chưa nhận ra tôi cho đến khi tôi lên tiếng trước: - Cháu chào chú ạ! Hai người đàn ông quay lại nhìn tôi, họ ngạc nhiên, tôi có thể nhận thấy rõ điều đó. Tôi hơi cúi đầu chào bọn họ và vẫn đều chân đạp từ từ về phía trước. Sau khoảnh khắc ngạc nhiên thì họ cũng đã kịp hành động, một người nhanh chân chạy theo tôi và tôi cảm nhận rõ mình bị kéo cổ áo giật ngược lại phía sau, chiếc xe đạp mini màu xanh của tôi không có ai điều khiển nên đổ về phía trước khoàng hơn một mét. Tôi bị kéo ngược về phía sau, ngã ngửa trên đường làng, tuy có khác những điều tôi hình dung nhưng về cơ bản thì vẫn là bắt đầu động tay động chân. - Đm, thằng oắt con đây rồi! Hai người đàn ông đứng hai bên, tôi nằm dưới đất nhìn lên thấy họ như cao lớn hơn gấp bội, thoáng trong một khoảng khắc, đôi mắt của họ hiện lên vẻ hung ác và đắc thắng, chắc họ đã chờ tôi quá lâu. - Đm, thằng ôn con láu cá, bố mày tóm được mày rồi. Người đàn ông ngồi đứng bên trái tôi lập tức ngồi thụp xuống nhìn tôi, ông ta dùng tay phải nắm tóc tôi và ngay sau đó tôi nhận một cái tát bằng tay trái. Tôi có nhớ người ta hay miêu tả việc khi bị tát là mặt mũi sẽ tối sầm lại hoặc hoa mắt... nhưng tôi không cảm thấy nhiều, mặt tôi chỉ bị quay sang một bên và má cảm thấy rát một tí, chăc ông ta tát nhẹ. - Bố mày tìm mày từ sáng! Thằng ranh con láo toét! - Đm mày, mày dám nói láo với bọn tao, mày chán sống rồi phải không? Người đàn ông đứng bên phải cũng đã ngồi xuống và nhìn tôi, tôi đưa tay lên sờ má và hỏi lại: - Cháu đi qua đã chào các chú rồi, sao các chú lại đánh cháu? “Bốp!” – Tôi nhận thêm một cái tát bằng tay phải của người đàn ông ngồi bên phải tôi, tôi vẫn cảm thấy không đau lắm nhưng đưa tay lên khóe miệng thì thấy có máu. - Đm mày thằng nhõi con! Nói! Ai sai mày lừa bọn tao? - Các... các chú nói gì ạ? Cháu... “Bốp!” – Thêm một cái tát thứ ba vào má trái, lần này thì có máu rỉ ra trên miệng nhiều hơn nhưng tôi cũng không cảm thấy đau lắm nhưng tôi bật khóc, bật khóc chính là ám hiệu của tôi vì tôi chắc chắn thằng R9 đã nấp ở trong cái nhà ngay đầu ngõ kia rồi. - Đm mày còn khóc à? Bố vả thêm cho mày... Lúc ông ta giơ tay định tát cái thứ ba thì ngưng lại ngơ ngác vì tiếng gào thét của R9 đã vang lên rất to: - Bớ người ta giết người, làng nước ơi giết người, họ đánh chết người rồi, vỡ đầu rồi! Tôi nghe thấy R9 gào lên như vậy thì nằm ngửa ra đường làng, nghẹo đầu sang một bên và nghiến chặt hai hàm răng lại với nhau để không cười. - Cứu! Cứu người, có người chết rồi! Bớ người taaaaaaaaa... Đường làng buổi sáng cũng vắng nên tiếng gào của R9 có vẻ vang xa, cánh cổng một ngôi nhà ven đường làng kẹt kẹt mở ra và mấy giây sau thì có thêm tiếng một bà cụ: - Ối giời ơi! Làng nước ơi sao lại đánh chết thằng bé thế kia, các người... các người là ai. Tôi nhớ là R9 không ngừng gào thét, chưa đầy một phút sau đó thì bên tai tôi nghe nhiều tiếng bước chân, tiếng người tứ phía chạy đến, R9 chắc lúc này đã đứng hẳn lên tường mà gào rồi. Mắt tôi nhắm nghiền lại và dùng trí tưởng tượng của mình để hình dung khung cảnh xung quanh mình. - Trời ơi! Thằng này là cháu bà Từ đây mà. - Sao lại đến nông nỗi này cháu ơi! - Ai đánh nó, ai đánh nó thế? - Nó làm sao? - Ai chạy về lấy cái gối với khăn mặt mau lên, mặt nó toàn máu. - Về gọi bà nó, báo với bà nó ngay, trời ơi là trời. Tiếng người nhốn nháo, tiếng bước chân, tiếng hò hét, tiếng hỏi nhưng chẳng có tiếng trả lời, từ lúc tôi giả vờ nằm xuống là chưa nghe thấy tiếng xe máy nổ chứng tỏ hai người kia chưa đi. - Hai chú kia đánh nó, cháu thấy nó đang đạp xe đi thì chú kia túm cổ áo giật ngược nó lại. – R9 bắt đầu bài văn của nó. – Hai chú ấy đá vào bụng, đánh vào đầu, tát tới tấp vào mặt nó luôn, chính mắt cháu thấy. - Hai anh kia đứng lại, các không đi được. - Chạy ra đình xem thanh niên đâu, dân quân đâu, giữ mấy người này lại. - Trời ơi, hai người to như con trâu thế này sao lại đánh một thằng bé bằng cái kẹo thế này? - Thằng này cháu nội ông H. đây mà, thằng này xưa nay ở làng ngoan lắm mà, có thấy điều tiếng gì đâu nhỉ? - Nó mới thi tốt nghiệp xong, chưa ra Hà Nội với bố mẹ nó à? - Khăn đây, nước đây! Ai đó đã mang một cái khăn mặt, một chậu nước và một người lớn đã nâng người tôi dậy, tôi lờ đờ mở mắt ra nhìn, tôi sợ không mở mắt ra nhìn thì ai đó sẽ banh mắt mình ra thì đau lắm. - Này cháu, tỉnh chưa, ngồi im để ông lau mặt cho. - Mấy anh kia, các anh đánh thằng nhỏ máu me be bét như thế này, các anh là người ở đâu? - Bọn tôi... bọn tôi... Một ông cụ lau mặt cho tôi, chủ yếu là lau sạch những chỗ bị dính máu và hỏi: - Cháu có đau chỗ nào không? Tôi không đáp lời mà chỉ lắc đầu, ngu gì mà nói. Thấy tôi không nói gì, mấy người lớn khác sờ tay nắn chân rồi sau đó lại là màn bôi cao Sao Vàng – thứ cao chữa bách bệnh, cải tử hoàn sinh – họ bôi hai bên thái dương, lên mũi rồi cả rốn rồi lòng bàn tay, lòng bàn chân... đại khái chỗ nào cảm thấy cần bôi thì bôi, chỉ một lúc sau thì tôi đã thấy người mình nóng ran. Những người làng tốt bụng đã mang đến một cốc nước, tôi súc miệng và nhả nước ra chứ không nhổ, máu ở trong miệng không nhiều - tôi nghĩ vậy – nhưng khi tôi để nước trong miệng chạy hết xuống cổ áo thì cũng có được ít màu hồng hồng, nhàn nhạt. Có máu mới ăn tiền, có thảm thương mới nhiều tiền được, mỗi tội là chả cảm thấy đau, cũng không rõ môi có bị sưng không nữa. Ai đó đã gọi bà Già tôi, bà tất tả chạy đến và khi thấy thằng cháu ngơ ngác ngồi dựa lưng vào bức tường ven đường thì bà hốt hoảng hỏi han đủ kiểu, sau khi biết thằng cháu mình chắc không sao thì mọi người cũng nói với bà về việc tôi bị hai người đàn ông lạ mặt này đánh rất đau, chảy bao nhiêu là máu. Dĩ nhiên, bà Già tôi hét toáng lên chửi hai người kia vì đã dám động vào đứa cháu đích tôn vàng bạc của bà. Tôi phải co đầu gối lại, khoanh tay gục đầu vì tôi sợ ai đó sẽ phát hiện ra tôi đang cố nhịn cười, ấy thế mà hành động này của tôi lại làm người khác tưởng rằng tôi bị choáng. Tôi luồn tay vào bụng và tự cấu mình đau để không cười thì người ta lại bảo chắc thằng bé bị đá vào bụng, bây giờ mới đau. Tôi thấy tội nghiệp hai người đàn ông lạ mặt vì bây giờ họ đang bị dân làng chất vất nhưng ú ớ không biết nói gì, một trong hai người lấy điện thoại ra gọi điện, tôi đoán là gọi cho gã đại ca đang ở cùng trong căn nhà thuê. - Mày có đau không? Tôi nghe giọng R9 hỏi, hóa ra nó đã ngồi bên cạnh tôi, tôi ngẩng đầu lên quay sang nhìn nó với ánh mắt như mệt mỏi gật gật. - Khổ thân, họ đánh mày mạnh quá, tí nữa tao sẽ làm chứng cho mày. Tôi nháy mắt với R9 rồi lại gục đầu xuống chờ đợi, dân quân sẽ mau chóng đến mà thôi, từ nãy đến giờ mới chỉ khoảng năm phút, mùa gặt thì dân quân cũng là nông dân. Để xem một cái tát không đau thì họ thiệt bao nhiêu tiền. ---