Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 260: Chịu đấm ăn xôi



Hội trường của làng tôi nằm vuông góc với dãy nhà hai tầng gồm bốn phòng học, phía trước là một khoảng sân xi măng rất rộng, ngoài những cây xà cừ thì còn có một cây phượng đang nở hoa rơi đầy dưới sân. Tôi chưa bao giờ cố tìm hiểu vì sao người ta lại trồng hoa phượng ở trường học trên khắp miền Bắc, mặc dù tôi đọc sách báo, xem phim... người ta đều nói hoa phượng nở là báo hiệu mùa hè. Tôi cũng thích cây phượng vì thi thoảng chả biết làm gì, tôi lại nhặt những cành phượng và tuốt hết lá đi, đan chúng vào với nhau. Hoa phượng thi thoảng tôi cũng có ăn thử nhưng không thấy có gì đặc biệt ngoại trừ màu đỏ của nó khiến tôi cảm thấy lòng rộn ràng hơn mỗi khi đến trường.
Hội trường của làng có nhiều bàn ghế gỗ màu nâu, dĩ nhiên là không bao giờ thiếu cờ tổ quốc và ảnh Bác treo trên cao cùng với vài câu khẩu hiệu mà tôi đã không còn nhớ, loại rèm cửa sổ cũng giống như bao nơi khác, đều là màu xanh đậm. Tôi ngồi cạnh mép bàn gần cửa ra vào, bà tôi ngồi ở bên cạnh cứ thi thoảng lại quay sang nhìn tôi, đôi lúc lại vạch cổ áo rồi bóp tay, vén tóc... như để kiểm tra xem thằng cháu mình có bị hư hao đi ít thịt nào không vậy. Những lúc như thế tôi đều nói “Cháu không sao!” nhưng đời nào bà tôi tin, những người làng đã ra về cả vì thấy tôi không bị làm sao. Mùa gặt nên ai cũng bận rộn, nếu ngày thường thì chắc bọn trẻ con sẽ bu kín cửa để nhìn ngó, hỏi han, bàn tán rất xôm.
Hai người đàn ông ngồi cạnh nhau ở cái bàn bên phía sát tường, thi thoảng họ quay sang nhìn tôi với ánh mắt cố kìm nén sự tức giận. Ban nãy chỉ có một anh dân quân đến và mời tất cả những người liên quan đến sự việc về đây, anh ấy giữ chứng minh thư của hai người đàn ông và đạp xe đi gọi người khác đến giải quyết, R9 thì vừa chạy về nhà tôi lấy cho tôi cái áo khác để thay, chưa thấy nó quay lại. Tôi biết ai sẽ đến đây, nhưng phải chờ, ở làng này chả phải bác tôi là trưởng thôn kiếm bí thư sao? Nếu hai người đàn ông kia biết rằng họ vừa đánh cháu của ông trưởng thôn thì họ sẽ nghĩ gì nhỉ? Chẳng ai muốn dây vào phiền phức. Tôi đưa mắt nhìn ra khoảng sân đầy nắng phía bên ngoài và chợt nghĩ, đôi khi việc lớn của đám người này sẽ hỏng chỉ vì những hành động ngu ngốc của đám tay chân. Tôi sợ người mưu sâu kế hiểm chứ không sợ những kẻ giống như hai người đang ngồi trong hội trường này. Khi nãy họ cũng đã gọi điện, gã đại ca sẽ mau chóng đến đây, tôi hi vọng là thấy cả người cầm đầu là Đường Thốc Tử. Tuy nhiên, chỉ có người đàn ông là đại ca đã cho tôi khá nhiều tiền đi một mình đến bằng xe máy, có lẽ ông ta mới từ đâu đó về. Tôi vẫn chưa biết tên của người đàn ông này nhưng lần đầu gặp ông ta cho tôi một trăm nghìn và chỉ đến buổi tối đã thành bảy triệu, chỉ mới sáng hôm qua thôi lại có thêm hơn một triệu, hình như tôi và ông ta có duyên với nhau ở khoản này.
Ông ta dừng xe trước cửa hội trường, tắt máy xe nhà nhìn tôi, đôi mắt hơi nhíu lại trong một giây đồng hồ, có vẻ như chính ông ta cũng ngạc nhiên khi gặp tôi ở trong hoàn cảnh này. Tôi ngồi nhìn ông ta với ánh mắt vô hồn rồi hơi cúi đầu nhìn xuống đất, tôi cố tình như vậy vì tôi cho rằng những người từng trải và lọc lõi sẽ phát hiện ra nét bất thường nào đó trên ánh mắt của tôi, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn mà. Ông ta đi về phía hai gã đàn em đang ngồi chờ, ngang qua chỗ tôi, tôi đoán là ông ta có nhìn tôi để đánh giá tình hình, đại ca và tay sai hẳn là phải có những khác biệt nhất định chứ. Ba người bọn họ đã nói chuyện với nhau rất nhanh, chỉ khoảng một phút và câu chuyện kết thúc bằng một câu của người đàn ông mới đến:
-Đồ ngu!
Tôi nghĩ ông ta đánh giá về đàn em của mình tuy có muộn màng nhưng là đúng, làm gì có người khôn nào lại đi động tay động chân với trẻ con ở làng của nó bao giờ, đến lúc này chưa bị dân làng tẩn cho một trận là còn may bởi vì toàn người lớn tuổi ở nhà vào lúc buổi sáng. Nếu thời gian đổi lại vào buổi chiều tà thì hẳn là kết cục khó mà tưởng tượng nổi.
-Cháu có làm sao không?
-Người nhà của anh đánh cháu tôi máu me như này mà anh còn hỏi có làm sao không à? – Bà Già lên tiếng.
-Vâng, thưa cụ, chỉ là hiểu nhầm thôi.
-Hiểu nhầm, hiểu nhàm thì các anh cũng phải hỏi đầu cua tai nheo ra sao chứ, đằng này nhìn thấy nó là lôi cổ nó xuống đánh. Cháu tôi mà có làm sao thì các anh mệt với chúng tôi. – Bà Già đứng dậy nói. – Bác nó là trưởng thôn này, rồi hai anh kia rũ tù.
Bà tôi khoe quan hệ thật đúng lúc, dĩ nhiên là chẳng có ai đi tù vì đánh một thằng bé cả, chỉ là sót cháu mình quá nên nói vống thế thôi. Lời bà tôi có sức nặng hay đúng hơn là bác họ tôi – người lúc này chưa đến – có sức nặng, đi làm việc mờ ám chẳng ai muốn dây với chính quyền cả, điều sơ đẳng này ai cũng hiểu, chỉ là họ chưa biết điều này mà thôi.
-Hai đứa này là người quen của cháu cụ ạ, thôi thì việc cũng đã rồi. Để cháu đưa thằng bé ra trạm y tế nhờ kiểm tra xem thế nào, việc đâu còn có đó cụ ạ. Trong khi chờ bác trưởng thôn tới thì không thể để thằng bé như này được. Má nó sưng thế kia cũng cần phải nhờ người ta kiểm tra ra sao.
Bà Già không nói gì thêm mà quay sang nhìn tôi, tôi chỉ nhoẻn miệng cười không nói gì, thật ra lời ông ta vừa nói cũng có lý nhưng tôi đoán rằng lý do nằm ở chỗ khác. Đi với người có tiền thì ắt sẽ có tiền, mục đích gần đạt được sao lại từ chối được chứ, thêm nữa trạm y tế thôn thì chẳng xa, nó nằm ngay ở đầu hồi của hội trường thôn, người ta ngăn ra. Nhưng cửa trạm y tế quay ra đường làng nên phải đi vòng ra cổng trường học sau đó rẽ phải đi vòng lại là đến, mới đi ra đến cổng trường thì người đàn ông đã đi thẳng vào vấn đề chính, ông ta nói:
-Ta xưa nay chưa nhìn nhầm người mấy khi nhưng đã nhìn nhầm chú mày.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn ông ta tỏ vẻ không hiểu câu nói vừa rồi.
-Chuyện cũng đã rồi, tao không muốn rắc rối với chính quyền, nhất là ông chính quyền lại là bác của chú mày. Hai thằng đệ của tao nói là mới tát chú mày có mấy cái chú mày đã nằm lăn quay ra.
-Bố cháu cũng chưa tát cháu bao giờ, lần đầu tiên cháu bị như thế rất choáng váng, cháu thấy chóng mặt và tai cứ như có con ong bay ở trong đấy. Cháu có làm gì các chú ấy đâu, gặp cháu còn chào hỏi đàng hoàng mà.
-Chú mày khá, bọn đàn em của tao mà thông minh bằng nửa chú mày thì tao không phải đứng đây nói chuyện. Thằng bạn chú mày cũng xuất hiện đúng lúc để hô hoán đấy nhỉ?
-Cháu không hiểu chú muốn nói gì, cháu không biết ai hô hoán. Các chú ấy chẳng nói chẳng rằng quật ngã rồi đánh cháu ngay ở đường làng, người ta đi qua thấy vậy thì hô lên chứ làm sao cháu biết.
-Chú mày nói cũng có lý đấy, tao lại thích những thằng thông minh mặc dù chú mày lừa tao vố này là vố thứ ba rồi.
-Cháu lừa chú bao giờ đâu?
-Nếu chú mày không nói láo ngày hôm qua thì đâu có sự việc sáng nay, có phải không?
-Thứ nhất cháu thừa nhận với chú là cháu thấy tiền là mắt sáng ra. – Tôi đưa tay lên xoa má, hình như má trái cũng có hơi sưng thật. – Thứ hai là chú hỏi câu nào cháu đều là trả lời câu đó, đều là câu có giá trị.
-Ông cụ mà chú mày nói đã chết từ đời tám hoánh rồi. – Ông ta gằn giọng.
-Đấy là chú không hỏi chứ nếu chú hỏi thì cháu cũng nói. – Tôi đáp tỉnh bơ.
-Vậy chú mày giải thích sao về việc chú mày nói đã thấy ông cụ ấy ở trong nghĩa địa?
-Cháu thấy sao thì nói vậy hoặc có thể đó là một người nào đó giống ông ấy nhưng cháu tin đấy chính là ông ấy, một hồn ma. Bà cháu bảo ở làng này nhiều ma lắm, tôi còn cấm cháu ra ngoài.
-Ma? – Ông ta cười khổ sở. – Chú mày thật sự là một đứa thông minh lại biết kể chuyện, có thể những chuyện chú mày nói chẳng liên quan gì đến nhau nhưng nghe lại rất có lý. Sau sự việc hôm nay thì tao lại càng khẳng định một việc là chú mày nói láo thành thần rồi, mới tí tuổi đầu mà nói câu nào sắc câu đấy.
-Cháu học môn Văn cũng tương đối ạ.
-Rồi, bây giờ thế này nhá, chuyện thì xảy ra rồi, chú mày thì cũng chả bị nặng. Tao thay mặt hai thằng ngu kia xin lỗi chú mày, thứ nữa tao đền bù tiền thuốc men để chú mày tĩnh dưỡng. Việc này đúng là hiểu lầm thôi, chúng nó nghi ngờ chú mày ăn trộm tượng của bọn tao.
-Tượng? Tượng nào ạ?
-Hôm qua chú mày dọn dẹp có thấy một thùng carton đựng tượng đất nung không?
Tôi gật đầu.
-Bọn tao đã mất một tượng sau khi chú mày dọn dẹp.
-Mấy cái tượng đấy chú cho cháu còn không thèm lấy, nó có phải đồ chơi đâu. Tượng đấy bằng đất, nếu có lấy trộm mang đi bán thì cũng không ai mua, trên chùa làng cháu đầy tượng to đùng kia kìa. Bà cháu dặn là không được đụng vào tượng, bất kể tượng gì. Hôm qua cháu thấy cả một thùng mà có dám động vào đâu, cũng tính lau chùi hộ các chú mà cháu còn sợ.
-Tao tạm tin chú mày, giờ tao đền bù tiền để chú mày thuốc thang. Năm trăm nghìn, chú mày thấy được không?
-Hôm qua chú vừa cho cháu một triệu mà chẳng bị ăn đập, nay bị ăn đập lại chỉ có năm trăm thì hơi ít ạ, đau lắm chú ơi.
-Chú mày cũng biết lựa lúc đấy chứ?
-Chả ai ngu mà chịu ăn tát lấy tiền cả, nếu chú tiếc thì thì cần để mấy anh dân quân tát lại mỗi chú kia mấy cái là được, cháu hứa sẽ không đòi hỏi gì.
-Ôn con láu cá, chú mày sau này không đi buôn bán thì phí đấy. Một triệu thì sao? Một triệu là nhiều rồi, hơn hai chỉ vàng đấy.
-Chú nhiều tiền thế thì chừng ấy đáng bao nhiêu đâu, cháu đồng ý một triệu. Cháu sẽ nói với bà cháu để bà cháu nói với bác cháu, việc này là hiểu nhầm thôi, cháu không làm sao.
Người đàn ông lấy tiền từ trong túi áo ra đếm mười tờ Một trăm nghìn và dúi vào tay tôi, tôi không quên cảm ơn và nhét tiền vào túi.
-Cháu sẽ tự ra trạm y tế, cháu quen bà bán thuốc, chú không cần đi cùng đâu ạ.
-Tý nữa ông bác của chú mày tới, chú mày lựa lời nói giúp tao. Tao không muốn dây dưa, lằng nhằng mấy việc này.
-Kiểu gì bác cháu cũng sẽ hỏi cháu về các chú, bác ấy hồi xưa đi bộ đội bao nhiêu năm, là sĩ quan đấy ạ, ảnh ở nhà treo có rất nhiều ngôi sao trên vai.
-Bác chú mày là bộ đội giải ngũ?
-Không! Bác ấy là sĩ quan, không phải bộ đội ạ. Chỉ huy rất nhiều người, có lần cháu nghe đâu là cả một tiểu đoàn cơ. (điều này là tôi phịa, bác họ tôi là Đại úy hậu cần, cùng lắm chỉ là Đại đội trưởng là cùng, là do có trình độ nên bác ấy được đề bạt nhanh.)
-Chú mày không nên nói thêm việc gì, chỉ là hiểu nhầm thôi.
-Vậy có nên nói với bác ấy về việc các chú có nhiều tượng phật trong một cái thùng không?
-Tuyệt đối không nhé, bọn tao là người đi bán mấy tượng như thế.
-Buôn bán thì tốt mà, sao chú lại không muốn nói?
-Tao không thích liên quan đến chính quyền.
-Thằng bạn cháu nó thật thà lắm, hỏi gì là nó nói hết, cháu có thể giúp chú nhưng nó thì cháu không biết.
-Vậy chú mày nói giúp tao.
-Thôi chú cho nó tiền để nó kín miệng lại xong.
-Một triệu hôm qua chú mày cầm sao không cho nó ít nào?
-Có làm thì mới có ăn, bà cháu bảo thế. Hôm qua là cháu trả lời chứ có phải nó đâu, ai làm người ấy hưởng, cháu là rất rõ ràng. Nhà thằng đó nghèo rớt, chú đấm cho nó ít tiền và dặn nó là xong.
-Bao nhiêu?
-Năm trăm nghìn là một số tiền rất lớn, nhà nó nghèo như nhà cháu mà.
-Thằng đó nghèo thì tao tin nhưng chú mày thì... – Ông ta lắc đầu cười nhếch mép. – Chú mày chắc chắn không phải con của một nhà nghèo.
-Sao chú lại nghĩ như thế?
Ông ta không trả lời tôi mà lấy ra thêm năm tờ tiền nữa dúi cho tôi, người có tiền đúng là khác, rất phóng khoáng, tôi rất thích.
-Tao thấy rằng vẻ bề ngoài của chú mày chỉ là chú mày cố tình thôi, tác phong của chú mày, cách nói chuyện có đầu có cuối... tao có thể khẳng định chú mày là con của một gia đình khá giả. Tao sẽ điều tra việc này sau, chả khó lắm đâu.
-Thôi để cháu đi mua thuốc uống, chú muốn điều tra gì về cháu thì điều tra nhưng chuyện này cũng yên rồi. Cháu chả muốn gặp mấy chú kia, như chú nói khi nãy ấy, những người không thông minh toàn dùng nắm đấm để nói chuyện.
-Khá lắm! Tao sẽ chú ý đến chú mày.
-Nay mai cháu rời làng rồi, chú đừng có nhớ cháu làm gì. – Tôi cười, chào ông ta rồi quay lưng bước ra khỏi cổng trường học đi đến trạm y tế.
Tôi không sao, đấy là sự thật. Khi bác tôi về giải quyết sự việc thì bọn họ nói là nhận nhầm tôi với một đứa trẻ con khác ở làng bên đã từng lấy trộm đồ của họ, họ cũng mới chỉ tát mấy cái nhưng chắc do tôi sợ quá nên hoảng. Tôi cũng xác nhận với bác tôi rằng tôi chỉ bị tát mấy cái nhưng vì choáng và sợ quá chứ họ không có đấm đá gì. Chỉ có bà Già là hậm hực nhất vì thằng cháu mình bị đau, dù biết là họ đã đền bù tiền thuốc men, tiền thì cũng quý nhưng bà không cần tiền, bà chỉ muốn thằng cháu vàng cháu bạc của bà không bị rụng một sợi tóc thôi. Tôi đưa cho bà năm trăm nghìn khi tôi về đến nhà và nói với bà rằng tôi giữ lại một nửa, trưa hôm ấy bà nấu cháu và cứ luôn miệng hỏi tôi có đau miệng hay không mãi cho đến trước bữa tối mới thôi.
Thằng R9 thì không xuất hiện nên cũng chẳng có nhân chứng, sở dĩ R9 không ra mặt bởi vì lúc nó mang áo đến thì nhìn thấy tôi vừa đi ra khỏi cổng trường lại thấy cả người đàn ông kia – mà tôi biết tên là Dực – nên đã nấp đi, tôi cũng bảo nó cứ về nhà nghỉ, chiều lên nhà tôi sau. Tôi chia cho nó năm tờ tiền màu tím trước khi nó đạp xe về nhà, tối nghĩ chia như vậy là công bằng bởi vì bà tôi cũng bị tổn thất tinh thần.
Chịu vài cái tát, có thêm một ít tiền nhưng quan trọng nhất tôi cho rằng mình đã tạm thời trừ được mối nguy hiểm tiềm tàng vào ban ngày từ những người đàn ông, trong đó có hai người đã tát tôi tên là Mộc và Xi. Sau này tôi mới thấy nhận định của mình là đúng bởi vì đám này cũng giấu tiệt việc mọi việc với cái ông đầu trọc nên hậu quả mới khôn lường. Tính tôi xong việc thì thôi nhưng chị sư phụ váy đỏ của tôi thì không như vậy, chị ấy ghim trong lòng việc này dù biết là mưu mẹo của tôi, để cho ma quỷ ghi thù là không nên. Mụ Mẹ Chẽ ghi thù với tôi mà đến mấy lần thoát chết vẫn chưa từ bỏ đó thôi.
Bọn họ vẫn đề cao cảnh giác và đi tìm kiếm manh mối về thầy phù thủy đang phá họ còn tôi, buổi chiều hôm ấy còn bận đào đất để chôn giấu những tượng đất sét, khi R9 lên chơi thì tôi đã làm xong mọi việc và đang dùng dao với dây đo vẽ ngoài vườn.
-Mày làm cái gì đấy?
-Tao á? Xây một thành phố.
R9 chẳng giúp tôi vì nó cho rằng tôi làm việc vô bổ, nó bắc ghế ngồi dựa lưng vào tường đọc truyện còn tôi thì loay hoay đo vẽ một mình.
Buổi chiều cứ thế êm đềm trôi qua.
----
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí