*** Tôi đạp xe về nhà theo lối qua cổng chùa, nói thật là tôi cũng tò mò xem người ta đã giao tivi cho sư thầy hay chưa. Dừng ở cổng chùa, tôi ngập ngừng nửa muốn vào nửa muốn về nhưng sau cùng tôi quyết định đẩy cánh cổng gỗ ra rồi dắt xe đạp vào dựng cạnh gốc cây xoài. Sư thầy đang ngồi uống nước chè một mình, bây giờ đã qua mười hai giờ trưa, thùng carton đựng tivi và bộ ăng ten để ngay sau trường kỷ, như vậy là cô chủ cửa hàng đã làm đúng như yêu cầu của tôi. -Vào uống nước đã nào thanh niên. – Sư thầy nhìn tôi, ông không giấu nụ cười trìu mến. – Tivi người ta giao đến từ khi nãy, qua đây kiểm tra hả? -À cháu... -Họ không nói ai đã mua cho ta nhưng ta biết là cháu. -Thật ra cũng chẳng phải cháu. – Tôi ngượng ngịu cười, gãi đầu rồi ngồi xuống trường kỷ. – Sắp France 1998 rồi, có cái tivi xem bóng đá cũng vui ông ạ. -Ông biết là gia đình cháu cũng có điều kiện. – Sư thầy vừa rót nước vừa nói. – Ông có hỏi người giao tivi thì anh ấy nói đây là loại mới nhất, màn hình phẳng. Ông đoán rằng nó không rẻ. -Cũng... cũng bình thường mà ông ơi. -Thứ này cháu định trả công cho ông hay sao? -Không! – Tôi lắc đầu. – Sao lại trả công, tivi này cũng không phải do cháu mua, cháu chỉ là người đi mua hộ. -Mua hộ? Sư thầy đưa chén nước chè cho tôi, ánh mắt không giấu được vẻ ngạc nhiên, tôi gật đầu xác nhận một cách kiên quyết. -Có người nói rằng muốn đền ơn ông mà không biết nên làm như thế nào, người ta nhờ cháu tư vấn cho, thế là cháu bảo sắp có bóng đá, nên mua tặng ông một cái tivi. -Sao lại đền ơn? – Sư thầy càng ngạc nhiên hơn, trán ông xuất hiện thêm vài nếp nhăn, dường như ông cố nhớ xem mình đã làm gì mà người khác phải đền ơn hậu đến vậy. – Ông là nhà sư, chỉ làm việc mình phải làm thôi chứ ơn nghĩa gì ở đây? -Đấy là ông nghĩ vậy chứ người ta nghĩ như thế nào thì cháu chịu. Nhưng lòng thành thì mình cứ nhận ông ạ. -Chậc! Cũng may lúc người giao tivi đến có mấy cụ đang ở đây, ai cũng ngạc nhiên, ta cũng vậy. Nếu tự nhiên nhà chùa có một cái tivi to và đẹp như này, nhỡ đâu... -Ông sợ người làng nghĩ nọ kia phải không ạ? -Cũng không hẳn là vậy. Nhưng ông tò mò về vị mạnh thường quân này đấy, rất tò mò. Người nào mà lại cần cháu tư vấn? Sư thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi không né tránh ánh mắt của ông. -Cháu nói ra chỉ sợ ông chẳng tin ấy chứ. -Chưa nói thì làm sao ông biết mà tin hay không được. -Chính xác thì... nói một cách chính xác thì không có người nào tặng ông cái tivi này đâu. – Tôi đứng lên chúi đầu về phía sư thầy nói nhỏ. – Một vong hồn, một con ma giàu có muốn đền ơn ông vì đã hai lần cứu họ. -Hử? Cái gì? Sư thầy nhìn tôi, trên trán ông dường như nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn, đôi mắt ông nheo lại, tôi mở to mắt và gật đầu liên tục, như muốn khẳng định rằng lời nói của mình là thật. -Ma?! -Vâng! -Ma lại còn có ma giàu ma nghèo ư? -Cháu không biết, phải giàu thì mới có tiền mua được tivi chứ ạ. Sư thầy bật cười. -Cháu không đùa ông đấy chứ? Ông đây sống từng này tuổi đầu rồi chưa bao giờ nghe những chuyện kiểu như thế này. -Cháu nói thật, cháu biết là ông không tin mà. Nhưng đúng là một con ma đã nhờ cháu, cháu ngủ mơ thấy, họ chỉ cho cháu đào một cái nhẫn vàng, mang cái nhẫn ấy đi bán rồi mua tivi tặng ông. Tôi lấy tiền mua tivi còn thừa ra để lên bàn uống nước rồi nói tiếp: -Đây, ông xem này, mua tivi còn thừa từng này. Nhưng họ chưa nói là tiền thừa sẽ làm gì nên cháu phải giữ lại, không phải tiền của cháu nên cháu không dám tự ý tiêu. Sư thầy hết nhìn tôi lại nhìn số tiền trên bàn rồi quay ra phía sau lưng nhìn cái thùng đựng tivi, dường như ông vẫn chưa tin lắm vào câu chuyện tôi vừa kể, đến tôi còn cảm thấy hoang đường nữa là. -Chả lẽ có chuyện đó thật à? -Ui, ông sống đức độ lại giúp bao nhiêu người, đến ma còn quý mến ông thì... – Tôi tranh thủ hót. – Chậc, mà cái tivi này cũng chẳng đáng là bao. Có khi truyền thuyết về những kho vàng cất giấu trong làng mình là thật đấy ông ạ. -Điều đó thì ta không biết thực hư ra sao, cũng nghe các cụ làng mình kể đôi lần nhưng nào đã ai thấy kho vàng trông như thế nào đâu. -Người ta mà đào được ai lại kể ra. Cháu mà có thì cháu cũng sẽ ỉm đi chứ không thì khó mà sống được ở làng lắm. -Cũng đúng nhỉ? -Ông nên nhờ mấy anh thanh niên chặt tre dựng ăng ten đi là vừa, tối nay Chủ nhật có nhiều thứ hay để xem lắm đấy ạ, hôm nào cháu rảnh cháu lên xem ké ông nhé. -Sao lại khi nào rảnh? Chả phải cháu nghỉ hè chờ kết quả sao? Bận cái gì? -À cháu... cháu bận vài việc. -À rồi! – Sư thầy vỗ tay lên trán mấy cái. – Ta quên là cháu bận vài việc thật. Thế túi gạo ta mới đưa hôm vừa rồi còn chứ? -Cũng còn đến hơn hai phần ba ông ạ. -Thế là bị “ăn” cũng khá nhiều đấy. Để ta cho một túi khác, mà này... -Dạ? -Gửi lời cảm ơn của ta đến vong hồn giàu có mà cháu nói nhé, ta sẽ nhận cái tivi này nhưng nếu vong hồn ấy làm việc gì càn quấy thì ta cũng không giúp được đâu. -Vâng, vâng! Họ cũng tốt bụng, ông cũng tốt bụng thì làm gì có những việc càn quấy được hả ông? -Haiz... Đúng là sống lâu sẽ chứng kiến được nhiều chuyện khó tin. Ma tặng tivi cho thầy chùa tri ân ư? Sư thầy vừa nói vừa cười đi lấy gạo rang cho tôi, còn tôi tranh thủ bước đến xem hình thù cái tivi ra sao. -“Hay là mua cho bà Già một cái nhỉ? Người lớn tuổi xem tivi màn hình to hơn chắc sẽ thấy rõ. ” Tôi thầm nghĩ như vậy trong khi chờ sư thầy quay lại. *** Ăn cơm tối xong tôi tiếp tục nằm trên võng đọc những cuốn truyện mới mua lúc sáng, hết chương trình thời sự trên tivi thì tôi... buồn ngủ, miệng cứ ngáp ngắn ngáp dài, thêm việc băng nhóm phù thủy nửa mùa giờ này còn tất bật ngược xuôi ở bệnh viện chắc sẽ chẳng có hành động gì, bởi vậy tôi leo lên phản đi ngủ sớm. Tôi ngủ chắc không được bao lâu thì tỉnh giấc vì có tiếng gọi réo rắt bên tai, chỉ vài giây sau thì bên cửa sổ có tiếng động nhỏ, đèn điện vẫn sáng và bà Già vẫn ngồi xem tivi ở trên giường. Tôi liếc nhìn đồng hồ và thấy chỉ mới mười giờ tối. Tôi bước xuống sân cũng là lúc chị Ma xuống ngựa, sau vài cái vỗ vào hông, con ngựa chạy vài bước rồi lẫn vào màn đêm của khu vườn đầu hồi nhà. -Chị mới đi đâu về ạ? -Ừ! Chẳng có tin tức gì đáng giá nên chị về sớm. -Mấy người kia bị thương tình hình ra sao hả chị? -Gã cầm đầu có thể phải chặt một cánh tay đi, mấy đứa kia chắc nằm ở bệnh viện vài ngày thì về thôi. Chị dò hỏi những vong hồn ở trong và ngoài bệnh viện họ nói như vậy chứ chị không vào bên trong xem được. -Vậy là cũng yên được một thời gian rồi. -Em không chú ý điều gì à? -Điều gì ạ? -Quân số của bọn nó, trước đêm hôm bọn nó đột nhập chỉ có sáu đứa mà đêm hôm kia lại có bảy đứa. Tôi ngẩn người ra suy nghĩ, hình như tôi có lướt qua điều này nhưng lúc ở ngoài cánh đồng nhiều sự kiện thót tim nên đã quên béng đi mất. -Nếu chị nhớ không nhầm, đêm đầu tiên có ba đứa vào nơi ở của cái Khuê, một đứa bị em ném vỡ đầu, một đứa bị con Vện cắn tả tơi, đứa sau cùng không thấy nhắc đến. Tôi gật đầu. -Thằng bị vỡ đầu vẫn ở ngôi nhà ấy, thằng thoát nạn tối đầu tiên thì tối hôm kia bị chó dại cắn khi quay lại thu dọn đồ cúng và trận pháp. Thế còn thằng bị con Vện cắn tối đầu tiên đâu? -Em... em không biết ạ. -Thằng đó hiện không có mặt ở làng nghĩa là thiếu đi một đứa. -Còn lại năm nhưng tổng lại có bảy! – Tôi nói tranh lời chị Ma. -Điều này có thể hiểu là bọn nó còn người ở nơi khác chuyển về đây. -Chị nghĩ lão Đường Thốc Tử đang ở đâu đó gần đây ạ? -Em có nghĩ nó ở Thăng Long... à, Hà Nội không? Chị và quan đốc trấn đi dò la tin tức khắp cái tỉnh này rồi nhưng tuyệt nhiên không có. -Từ Hà Nội về đây cũng chỉ nửa canh giờ, hôm trước lão ta gửi đồ đạc cho lão Dực bằng xe ô tô Bến Nứa – Kênh Vàng nên chắc lão ta ở Hà Nội đấy chị. -Như vậy là nó còn một nhóm đệ tử nữa, nhóm này có sáu đứa thì nhóm kia cũng khoảng chừng ấy. Em còn nhớ hai thằng đến dẫn thằng Canh và thằng Đan rời làng bên trong đêm chứ? Tôi lại gật đầu một lần nữa. -Hai thằng đó với hai thằng mới xuất hiện thêm là bốn. Tôi nghe chị Ma liệt kê như vậy lập tức hình dung ra mình sẽ phải đối mặt với một nhóm nữa, có thể mạnh hơn nhóm của lão Dực, nhưng liệu đó có phải là nhóm cuối cùng chưa? -Chị đã nhận mặt được tất cả rồi. Cái Khuê thật khờ khạo quá mức, nó chỉ nhận có hai đứa còn đâu để cho chị hết. – Chị Ma tỏ ra suy tư rồi nói tiếp. – Lần trước nó vặn cổ được bảy đứa, một đứa phải nhờ chị giúp một tay, tính ra là tám. Thêm hai đứa sắp tới nữa là chẵn một chục, chị hi vọng thằng Đường Thốc Tử nếu đến làng này thì lấy thêm người đông đông một tí, khi ấy kinh nghiệm vặn cổ thằng người của chị sẽ nhiều hơn cái Khuê. Chị Ma nói dứt câu kèm theo nụ cười đầy đắc ý, đôi mắt trong phút giây trở nên vui vẻ lạ kỳ, còn tôi chợt rùng mình một cái và cười hùa theo không thành tiếng. -Em làm việc với mấy tuần binh có thuận lợi không? -Dạ có! – Tôi đáp. – Tất cả đều phấn khích, được bảy người tất cả chị ạ. -Cả ông Nhạn kia nữa là tám, chị thấy như vậy là cũng hòm hòm rồi. Chị cũng có nói với Đội trưởng Phùng nhưng ông ta nói bận, xem chừng là một gã khó gần. -Ông ấy không biết chị ạ? -Hắn ta mới được bổ nhiệm về đây, cũng là ma mới nên chưa biết nhiều, vẫn nhìn đàn bà con gái với ánh mắt kẻ cả lắm. -Hay rủ ông ta đánh nhau một trận đi chị. -Không! – Chị Ma lắc đầu. – Hạ gục những người yếu hơn mình cũng chẳng làm mình mạnh hơn được. Quan đốc trấn cũng cho chị biết là tay này rất háo thắng, lúc sinh thời cũng lập nhiều chiến công chống giặc phương Bắc, tử trận trước khi chiến thắng chứ không cũng ở trên phủ làm quan to chứ chẳng chịu dưới trướng quan đốc trấn đâu em. -Ý là ông ấy giỏi hơn cả ngài đốc trấn hay sao hả chị? -Điều này cũng khó mà nói lắm, chị nghĩ hắn ta sẽ là đốc trấn kế tiếp ở cái huyện này. -Ơ thế còn... -Chắc sắp đi làm thằng người rồi, ông ta đang cầu mong sẽ được đầu thai làm bé trai chứ đầu thai làm bé gái ông ta không thích. -Ơ, như vậy thì những vị chức sắc chị em mình quen biết sắp rời nơi này hết cả à? Còn quan huyện thì sao chị? -Không thấy nói gì, quan huyện còn mất sau quan đốc trấn nhiều năm, mất sau cả ông Bá Hộ cơ mà. Nhưng cũng không cần quan tâm làm gì, quan mới, lính mới mà cứng và ra vẻ ta đây thì chị sẽ uốn nắn cho mềm. -Hì hì hì! – Tôi cười cười, hai tay xoa vào nhau, điệu bộ hèn mọn lâu lắm mới lặp lại, tại vì tôi nhớ lại lúc ở huyện đường. – Mà chị, thế còn mấy anh tuần binh làng mình bao giờ được đi đầu thai nhỉ? -Còn khướt, thấp cổ bé họng thì cứ từ từ, có khi đến lúc em hai năm mươi vẫn gặp ấy chứ, lo gì thiếu bạn. Tuần binh cũng được xếp nhiều hạng, làng nhàng thì nhiều nên khó mà thành người, vớ vẩn lại làm thân con trâu, con ngựa cũng nên. -Như thế thì bất công quá nhỉ? -Xưa nay làm gì có công bằng mà bất công. Sau này em hai năm mươi làm quan nhớ chiếu cố cho người chị đáng thương này nhé. -Em á? – Tôi hỏi lại. -Ừ! – Chị Ma gật đầu. -Nếu thành ma mà em làm quan to, chị sẽ không bao giờ phải lo cái ăn cái mặc. -Bây giờ chị giàu sẵn rồi cần gì lo cái ăn cái mặc, chỉ cần khi ấy em đừng có quên chị, che trời cho chị đi chơi là được rồi. -Che trời? Ý là... là bảo kê ấy ạ? -Ừ! Bảo kê. Tôi cười nhăn nhó nhưng vẫn gật đầu mà không lưỡng lự một giây, ai mà biết chết đi rồi thì như thế nào chứ. -Thôi chị đi nghỉ đã. Em có vẻ tỉnh ngủ rồi nhỉ? -Vâng, tỉnh như sáo ạ! -Tỉnh như sáo thì xem nào... – Chị Ma lại nhìn trăng rồi bấm đốt ngón tay một hồi. – Chừng hơn một khắc nữa ra đầu làng mà hóng gió, cẩn thận không lạnh. Tôi không hiểu ý của chị Ma, định hỏi lại thì chị ấy đã quay lưng bước đi. -Lần sau có đưa cái Khuê đi dạo mát thì nhớ xem giờ, ai lại đi về giữa trưa như thế? Cái con ấy đúng là mải chơi bất chấp, bảo nó là lần sau không có may mắn như thế đâu. -Vâng... vâng! Bộ y phục màu đỏ của chị Ma tan biến dần vào bóng tối, tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ, hai bên thái dương có lấm tấm mồ hôi. Tôi không biết việc đưa chị Đẹp đi như vậy phạm vào cái gì nhưng nghe giọng của chị Ma rất nghiêm túc, thật may tôi không phải nghe một bài giáo huấn nào, chắc là chị Ma mệt nên tạm treo lại. Quen biết và chơi cùng với hai chị ma, chị nào cũng đáo để thì chẳng khác nào việc đi trên dây mà dưới là hố sâu, không cẩn thận là ngã xuống toi mạng như chơi. Tôi sực nhớ lời chị Ma vừa nói là một khắc nữa ra đầu làng hóng gió, đầu làng giờ này có cái gì mà phải ra đấy hóng gió nhỉ? Hóng gió thì ngoài cánh đồng này mát hơn chứ? Tôi vội vàng quay trở vào nhà thay quần dài và khoác một cái áo gió mỏng, vơ thanh kiếm gỗ cùng một túi gạo ở góc phản để mang theo. -Lại đi đâu giờ này? -Cháu đi chơi một tí, không về khuya quá đâu. Bà cứ ngủ trước đi. -Mày cứ như ma ấy, gần nửa đêm còn đi chơi. -Hì hì hì! Cháu đi đây. Mấy hôm nữa tới World Cup toàn đá vào ban đêm thôi bà ạ. Tôi không mang theo ba lô mà chỉ lấy lá vối giấu ở trong ụ rơm nhét vào túi quần sau rồi chạy thật mau ra ngoài cổng, rẽ trái. Tôi rất tò mò không hiểu ở ngoài đầu làng có cái gì mà chị Ma lại nói bóng nói gió là cẩn thận không lạnh? Vừa chạy qua bụi tre cô đơn thì tôi nghe tiếng gọi phía sau: -Cò Tý! Cò Tý! Chờ ta với! Tôi dừng chân ngoái đầu lại thì thấy chị Đẹp đang chạy đến gần với tốc độ rất nhanh, hai cái chớp mắt đã đứng cách tôi chừng hai mét. -Ngươi đi đâu đấy? -Chị đi đâu đấy? Tôi và chị Đẹp đưa ra câu hỏi cùng một lúc, tôi đáp trước: -Em đi ra đầu làng... hóng gió! -Ngươi nói dối, hóng gió thì ngoài cánh đồng này mát chứ sao lại ra đầu làng? -Thế còn chị đi đâu thế ạ? -Ta hả? Ta đã nói là đi làm quen khắp làng còn gì, vừa hay lại gặp nhà ngươi ở đây? Thật trùng hợp! -Có khi nào chị rình ở ngoài này không đấy? -Cái gì? Ngươi nói thế là ý làm sao? Ngươi nghĩ rằng ta thèm chơi với ngươi chắc? Ngươi nghĩ ta ở đây chờ ngươi? -À, không! Em chỉ nói đùa thôi mà. -Đùa, ngươi thật biết đùa. Hứ! Tiểu thư như ta đây thiếu gì người để chơi, thiếu gì người cầu cạnh mà phải đợi để chơi với nhà ngươi. -Được rồi, được rồi, chỉ là em thuận miệng nói vui chứ không có ý gì. Em phải đi ra đầu làng có việc, chị có đi không? -Đi, đi! Có đi! Vẻ mặt khó đăm đăm của chị Đẹp ngay lập tức thay đổi thành hớn hở làm tôi thay đổi thái độ không kịp, hình như tôi đoán đúng thì phải, chị này chắc đi dạo quanh làng chán rồi nên sẽ tìm tôi để hỏi chuyện gì đấy, chứ hai tối liền chị ấy gặp tôi ở khu này chứng tỏ là không tình cờ tí nào. --- ***