*** Chiều phụ nữ là một điều nên làm nhưng phải thừa nhận là không phải lúc nào cũng dễ dàng, tôi nghĩ mình là người dễ mềm lòng với phụ nữ nói chung. Tôi đành phải đồng ý với chị Đẹp rằng mình sẽ đưa chị ấy lên phố Hồ, mà chẳng đồng ý cũng khó với ánh mắt chớp chớp kèm theo nụ cười. Điều duy nhất tôi có thể làm là lắc đầu và thở dài. Hơn mười giờ tối tôi trở về nhà sau khoảng hai tiếng đồng hồ xem ông Nhạn và các anh tuần binh tập luyện, kết quả rất khả quan bởi vì đội Kim quân hoặc Hỏa binh luôn làm theo chính xác những lệnh được đưa ra. Tôi ngồi xem và chỉ có một góp ý nhỏ về việc chia đội, nếu mỗi đội chỉ có khoảng hai mươi binh lính thì số lượng đội sẽ nhiều bởi thế phải thống nhất tên đội. Đầu tiên tôi nói với những tuần binh là đặt tên đội từ số 1 đến số 30 hoặc hơn thế nhưng chị Đẹp góp ý rằng như thế thì quá dài, lúc đánh nhau nhốn nháo ai mà biết được mình đang nhận đội bao nhiêu? Tôi lại đưa ra một ý tưởng khác, ấy là bảy tuần binh sẽ mang bảy chữ cái khác nhau và sau đó là số đội, chỉ cần nhớ ký hiệu riêng của mình là được. Đây thật ra cũng chẳng có gì gọi là ý tưởng, chỉ là tôi học theo những gì mình đọc được trên sách báo, tôi thấy rằng quân đội người ta chia ra nhỏ ra từng đội và có phiên hiệu riêng cho từng đội, như thế rất dễ khi xung trận. Theo đó, ma Vành, ma Nẫm cùng một tuần binh nữa tên là Sông sẽ cùng trong một nhóm, ba anh ma tuần binh này sẽ có ký tự: A là ma Vành, B là ma Nẫm và C là ma Sông. Ba hồn ma tuần binh sẽ dựa vào tình hình thực tế khi nhận quân mà chia đội thành A1, A2, A3 hay B1, B2, B3... rất dễ nhớ. Họ sẽ là Đại đội 1. Anh chàng tuần binh tên Tài có ký hiệu là D, hồn ma tuần binh Đậu ký hiệu E và F thuộc về tuần binh tên Quan. Ba anh này thuộc Đại đội 2. Hồn ma thứ bảy tên là Bồ, anh này có ký hiệu là G không thuộc đội nào mà thuộc quân dự bị, nghĩa là dựa vào tình hình thực tế của trận đánh anh ta sẽ dẫn Hỏa binh hoặc Kim quân trợ chiến. Ông Trịnh Phi Nhạn ban đầu được giao chức... Tổng chỉ huy của hai đại đội nhưng không chịu, dường như tuần binh hay nghĩa binh đều có một đặc điểm giống nhau ấy là... thích xung trận thay vì ở tuyến sau chỉ chỏ. Theo như mong muốn của ông Nhạn, mọi người đều đồng ý rằng ông ấy sẽ chỉ huy một đội lớn gồm Hỏa binh đi kèm Kim quân, một mình ông ấy ở Đại đội 3 và lãnh phần tiên phong xung trận. Bỗng nhiên chức vụ chỉ huy tổng thể đội binh này rơi lên đầu tôi, chị Đẹp là ma tán thành nhiệt tình nhất, chị ấy tỏ ra rất phấn khích và nhận phần đặt tên cho đội quân này. Những hồn ma đàn ông và tôi cùng nhìn nhau và không có ý kiến. Chị Đẹp sau một hồi suy nghĩ đã đặt cho đội quân mới chỉ có bộ khung chỉ huy này là Mễ quân (đội quân gạo). Trước khi đi ngủ, tôi phải dành đến mấy phút để nghĩ xem có cách nào đấy mang cái bát hương của chị Đẹp đi dạo phố hay không, tôi chắc chắn một điều rằng xưa nay chưa ai làm điều này cả. Việc mua tivi thì phải có tiền, chị Đẹp nói với tôi ngày mai lên nhà bà ngoại thì đào đất gần chỗ đã chôn mấy bức tượng sẽ thấy vàng. Buổi sáng hôm sau tôi phải ra cửa hàng của bà cụ Kh. để xin một cái hộp, bà cụ tìm mãi thì cho tôi một cái hộp carton nhỏ và cao, tôi cảm ơn rối rít bởi vì nó khá vừa vặn với bát hương. Tuy nhiên để tránh mọi việc không hay có thể xảy ra thì tôi vào trạm y tế của thôn mua mấy gói bông y tế. Trở về nhà, tôi dùng kéo để cắt cho vừa rồi nhét bông dưới đáy hộp cũng như cắt nhỏ những phần thừa từ bìa carton để chèn vào bốn góc cùng với bông gòn sau đó để cái hộp tự chế vào trong cái ba lô mới. Tôi cũng lo khi mình đeo ba lô cái bát hương sẽ bị xộc xệch đổ tro ra ngoài nên tôi nhét thêm vào trong ba lô hai cái gối nhỏ và một cái túi nilon mới toanh, túi nilon sẽ dùng để bọc bát hương lại. Bà ngoại không lạ khi nhìn thấy tôi đạp xe lên chơi, bà chỉ hỏi bao giờ tôi ra Hà Nội, câu trả lời của tôi vẫn là không biết khi nào. Không chỉ riêng bà nội, bà ngoại mà nhiều người tôi gặp trong những ngày qua đều ngạc nhiên khi tôi vẫn còn ở làng. Nói thật thì tôi cũng muốn đi lắm chứ, ra ngoài ấy có bao nhiêu thứ hay ho, nhiều truyện mới, cần gì có đó chứ không phải đạp xe gần tám cây số khi muốn tìm một chút ồn ào. Tôi phải đi tìm lại cái bát hương cũ mà chính tay tôi vứt đi mấy hôm trước ở ngoài rãnh nước, sau khi rửa sạch và lau chùi cẩn thận tôi đổ cát gần đầy rồi vào trong bếp nhà bà ngoại lấy ra một ít tro bếp phủ lên trên. Công cuộc làm bát hương giả này cũng tốn của tôi mất nửa tiếng đồng hồ, mục đích là để tạm vào miếu, nhỡ đâu bà ngoại hay ai ra thắp hương không thấy bát hương đâu lại to chuyện. Làm theo hướng dẫn của chị Đẹp, cùng một con dao rựa của bà ngoại đào một tí đất gần tượng mấy ông Tam thì thấy vàng thật, lại một cái nhẫn bằng vàng! Mọi thứ đều suôn sẻ, đơn giản vì đó là mong muốn của chủ nhân bát hương và tôi chỉ là thực hiện mà thôi. Từ nhà bà ngoại, tôi đạp xe một mạch lên thị trấn Hồ, việc đầu tiên là bán cái nhẫn vàng nhưng vì tôi mang theo bát hương phía sau lưng nên không thể vào cửa hàng được mà phải đứng ngoài đường gọi với vào. Ông chủ cửa hàng vàng – một người quen – từ trong quầy đi ra hỏi tôi: -Có gì bán hả? -Hôm nay không có đồ cổ đâu ông ơi, cháu bán cái nhẫn vàng để đi mua tivi. Ông chủ cửa hàng vẻ mặt tiu nghỉu, tôi vội an ủi: -Để mấy hôm nữa xong việc cháu xem có cái gì hay sẽ mang bán cho ông, cháu thi xong, sắp đi Hà Nội chơi nên kiểu gì ông cháu cũng cho cái gì đấy để bán lấy tiền tiêu. -Có hả? Chậc! Lâu không gặp mày nên tao tưởng mày có cái gì cho tao. Tôi đưa cho ông chủ cửa hàng vàng cái nhẫn, ông ta xem xong thì hỏi tôi: -Ơ, đây đâu phải nhẫn hôm trước tao đưa cho mày? -Vâng, mấy cái nhẫn ông đưa lần trước cháu chẳng tiêu hết từ đời tám hoánh nào rồi. Tôi vừa nói vừa cười, ánh mắt của ông chủ cửa hàng vàng rất ngạc nhiên, chắc ông ấy đang nghĩ đến một thằng nhóc phá gia chi tử. Tôi nói tiếp. -Bà cháu muốn mua một cái tivi để xem riêng một mình nên bảo cháu đi bán nhẫn. -Tao tò mò về gia thế nhà mày ghê. Ông mày thì nhiều đồ cổ, bà mày thì nhiều vàng. -Cháu thấy có một lọ đựng. -Chậc chậc! Chờ tao một tí, sao mày không vào mà lại đứng ngoài này? -Bạn cháu đang chờ ở trên kia, cháu vào không tiện. Nhận tiền từ ông chủ cửa hàng vàng, tôi đạp xe dọc con đường chính của phố huyện, có mấy cửa hàng tivi và tôi dừng lại trước một cửa hàng to nhất, tôi cũng không vào bên trong mà chỉ đứng ngoài cửa ngó nghiêng một hồi bởi vì trước cửa nhà có gương bát quái. Tôi nhìn một loạt các hiệu tivi như Sanyo, Daewoo, Sony, Toshiba... Trong suy nghĩ của tôi thì “Nét như Sony” vẫn là lựa chọn đầu tiên, dường như điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi mất rồi. Có lẽ thấy tôi đứng một lúc lâu ngoài cửa nên cô chủ cửa hàng đi ra hỏi: -Có việc gì không cháu? -Cháu muốn mua tivi! – Tôi đáp. -À, thế cháu cứ vào trong này xem cho thoải mái. -Không cần đâu cô ạ! – Tôi lắc đầu. – Tivi rẻ nhất ở đây là bao nhiêu tiền hả cô? -Rẻ nhất hả? Ừm... bây giờ người ta dùng tivi màu cả, rẻ nhất ở cửa hàng cô có cái kia, 14 inches giá tám trăm nghìn. – Cô ấy chỉ cho tôi một cái hộp carton xếp trên kệ cạnh tường, bên ngoài là hình một cái tivi màu đen, cũng na ná loại bà tôi vẫn đang dùng ở nhà. -Loại ấy màn hình chìm, âm thanh chết đuối cháu không thích. Cháu chỉ thích của Sony thôi. -Sony thì đắt hơn đấy cháu. -Cháu có nhiều tiền, Sony cô có loại nào ạ? Cô chủ cửa hàng bán tivi nhìn tôi một lượt rồi đáp: -Sony có loại mới, Triniton CRT 21 inches cực kỳ hiện đại, còn nếu cháu có nhiều tiền thì mua hẳn cái 36 inches cho to. -21 inches chắc vừa rồi ạ. Nhưng nếu cháu mua thì cô có chở về tận nhà hộ cháu được không? Cháu sẽ trả tiền xe ôm. Cô ấy lại không đáp và nheo mắt nhìn tôi một lần nữa, tôi không biểu hiện thái độ gì lạ cả. -Loại này mới, giá hai triệu năm chục nghìn! -Vâng, loại hiện đại như thế thì có bảo hành chứ cô nhỉ? -Có, có! -Thế cháu lấy cái đấy! Một sự ngạc nhiên không hề nhẹ, tôi mua tivi mà còn chẳng bước vào cửa hàng xem hình thù nó ra làm sao, cũng chẳng cần thiết bởi vì đồ mới và hiện đại cơ mà. Tôi rút sấp tiền từ trong túi quần ra đếm đủ hai triệu năm chục nghìn đưa cho cô chủ cửa hàng lúc này vẫn còn ngây người vì thằng khách trẻ ranh, chắc cô ấy tưởng tôi đùa. -Cháu gửi tiền xe ôm luôn ạ. – Tôi đưa thêm tờ Năm mươi nghìn đồng. -Thôi... thôi... Cô sẽ giao miễn phí cho, miễn phí! -Cô đi giao ạ? -À, có người chuyên đi giao hàng, có người giao, có người giao. -Vậy thì cô đưa cho cái chú giao hàng năm mươi nghìn tiền xăng xe cũng được ạ. Tôi dúi tờ tiền vào tay cô chủ cửa hàng rồi nói tiếp: -Cô ghi giúp cháu cái hóa đơn, cô nhé! -Được, được, phải có hóa đơn chứ! Mà cháu ở đâu? -Cái tivi này cô cho người giao về chùa làng Bưởi Cuốc cho cháu. -Hả? Sao lại giao về chùa? -Cháu mua tặng cho ông sư. – Tôi giải thích. – Chùa làng cháu bé tí, ông sư chỉ có mỗi cái đài bán dẫn nên cháu muốn mua tặng ông ấy. -Cháu mua... mua... mua tặng chùa á? -Vâng! – Tôi gật đầu. -Thế cháu tên gì? -Không cần ghi tên ạ. – Tôi lắc đầu. – Cô ghi hóa đơn cháu mua cái tivi Sony 21 inches với giá hơn hai triệu là được rồi. Cháu không muốn ông sư biết tên cháu. Một lần nữa cô chủ cửa hàng bán tivi ngẩn người ra ngạc nhiên nhìn tôi từ đầu đến chân lần thứ ba rồi hỏi tiếp: -Thế chùa chưa có tivi à? -Chưa ạ! -Thế thì cần phải có ăng ten, một bộ ăng ten. -À, tí thì cháu quên, bộ ăng ten bao nhiêu tiền hả cô? -Không! Cô tặng, nhìn cháu nhỏ tí thế này đã có lòng với nhà chùa như thế nên cô cũng muốn góp một tí, đây, cô bớt cho một trăm. -Không cần cô ơi! – Tôi cười và lùi lại một bước. – Cháu còn đầy tiền đây này, nếu được thì cô cho người giao luôn trong hôm nay giúp cháu với, để tối nay ông sư có tivi xem luôn. -Được, được! Ông sư tên gì cháu nhỉ? -Tên là ông sư ạ! -Tên thật ấy! -Cháu không biết! – Tôi lắc đầu. – Cháu chỉ gọi là ông sư thôi. -Thằng bé này... Lần thứ tư cô chủ cửa hàng nhìn tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu sao tôi buột miệng nói: -Cô cũng là người tốt bụng, hôm nay cửa hàng nhà cô sẽ bán tivi đắt hàng từ sáng đến chiều, giao không kịp. Nhưng cô phải giao cho ông sư trước. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại nói như thế, cô chủ cửa hàng kê quyển hóa đơn bán hàng trên một cái hộp carton đựng tivi và đang viết thì ngừng lại nhìn tôi với ánh mắt đầy khó hiểu. Tôi cũng không biết nên nói gì tiếp theo, chỉ chớp mắt vài cái rồi cười gượng. -Chị ơi! Nhà mình có tivi Sony Triniton loại 21 inches không? Một chiếc xe máy DD70 màu đỏ dừng trước cửa hàng, người đàn ông ngồi trên xe máy hỏi vọng vào. -Có bác ơi, có! – Cô chủ cửa hàng đáp. -Đấy! Cô thấy không. – Tôi nói. – Cô nên gọi điện cho người ta bảo giao cả xe tải loại tivi này bây giờ đi là vừa, chứ từ giờ đến chiều người ta đến mua lại không có mà giao. Người đàn ông đi xe máy DD70 dựng xe đi vào, đứng cạnh tôi hỏi giá tivi rồi rút luôn tiền trả một triệu chính bao gồm cả bộ ăng ten, người đàn ông này sau khi cầm hóa đơn thì hẹn chiều quay lại lấy tivi sau rồi mau chóng rời đi trong sự ngỡ ngàng của cô chủ cửa hàng, dường như cô ấy còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. -Này cháu, cháu... cháu tên gì nhỉ? -Cháu không nói đâu. – Tôi cười. – Cháu xin phép cháu đi ạ. -Này cô bảo, này... Cô chủ cửa hàng như bừng tỉnh chạy lại chỗ xe tôi dựng xe đạp thì lại có hai người khác đi chung một xe máy Cub dừng trước cửa hàng hỏi: -Có loại Sony 21 inches không em? -Có... có... có bác ạ! -Cháu bảo rồi, cô nên gọi điện cho người ta giao loại tivi này đến đi, hôm nay cô sẽ giao hàng không kịp đâu, nhưng mà phải giao tivi cho ông sư trước. Tôi cười và chào cô chủ cửa hàng vẫn còn đang ngơ ngác nhìn theo. Tôi vừa đạp xe vừa tủm tỉm cười vì tôi đoán là chị Đẹp phù hộ cho cái cô chủ cửa hàng kia rồi, chỉ có thể là chị Đẹp bởi vì nghe tôi nói tên loại tivi nào thì rủ rê, chỉ chỏ người khác đến mua đúng loại đó mà thôi. Đúng là trong đời tôi gặp biết bao nhiêu sự lạ chẳng thể lý giải được, nhưng cũng phải thừa nhận là cô chủ cửa hàng đó giữ lời hứa và tin lời tôi nói vì tivi được giao cho sư thầy khoảng một tiếng sau đó (sau tôi mới biết). Sau khi lang thang khắp phố huyện để ăn chè, uống nước mía, đứng trước cửa hàng quần áo ngắm nghía... và mua hơn chục cuốn truyện để đọc dần thì lúc đạp xe về tôi đã thấy một cái xe tải Huyndai loại 1,25 tấn giao tivi tới cửa hàng mình mới mua tivi trước đó hơn hai tiếng. Tôi lại đạp xe thẳng lên nhà bà ngoại, buổi trưa nhưng cửa nhà lại khóa ngoài, gọi bà vài câu thì bác Lan hàng xóm nói với tôi bà không có nhà. Trước khi để lại bát hương vào miếu và lấy bát hương giả ra tôi cũng phải quan sát cẩn thận, cái bát hương giả này lại phải tìm chỗ giấu thật kỹ biết đâu có lúc cần dùng. Đi mua tivi về vẫn thừa hai triệu, với tính cách của người giàu có như chị Ngọc Khuê hay chị Ngọc Hoa số tiền thừa này sẽ cho tôi để mua kẹo ăn dần chứ đời nào lấy lại. Thế là tôi thoát nghèo!
--- ***
Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi