Chưa đến 8 giờ tối tôi đã thấy R9 đạp xe lên nhà, tôi đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để trong ba lô, nó cũng ngạc nhiên nhưng sau cái nháy mắt của tôi thì nó không hỏi gì thêm. Tôi nói với bà rằng đêm nay xem bóng đá ở trên chùa vì trên ấy có tivi to, bà không cản bởi vì lên chùa chơi với sư thầy là một điều tốt. Chẳng đứa trẻ nào ở làng tôi lên chùa để nghịch cả, bởi vậy bà tôi rất yên tâm.
-Đi xem bóng đá mày mang ba lô làm gì đấy? – R9 hỏi tôi khi hai thằng vẫn đang đứng ngoài sân. -Thói quen, thói quen. -Đm, mày có còn trẻ con nữa đâu mà đi chơi mang cả cái gì kia?
R9 sờ vào chuôi thanh kiếm gỗ mà tôi để trong ba lô vẫn thừa cái chuôi ra ngoài.
-À, đồ chơi của riêng tao, mày kệ tao. -Chả mấy nữa thành thanh niên mà còn chơi đồ của nhi đồng à? -Mày đéo biết gì, trông nó đơn giản vậy thôi nhưng có phép đấy! -Hả? Lại gì nữa? Lần trước ngậm lá đi nhìn ma, cái que gỗ này thì có tác dụng gì? -À... gọi gió! -Thôi bố xin mày, mày đọc truyện nhiều quá lại giàu trí tưởng bở. -Đi thôi, tao có mang hai chai Coca với một gói kẹo lạc cùng với cả lạc rang nữa đây. Trên ấy sư thầy có nước chè ngon lắm, uống nước chè và ăn kẹo lạc thì đúng là nhất luôn. -Trận Anh nửa đêm mới đá cơ, mà mày bảo kể cái gì cho tao, sao lại đổi ý không cược nữa?
Tôi kể cho R9 nghe chuyện cá cược, nghe xong nó cũng chắc mẩm là kiểu gì cũng có hai trăm nghìn, tha hồ mà phè phỡn mấy ngày, chúng tôi đều nghĩ ít nhất mình cũng có năm trăm nghìn. Tôi chân thành xin lỗi đội tuyển Tunisia, tại người ta dí tiền vào tay tôi chứ tôi không có muốn như vậy.
Sư thầy rất vui khi có hai thằng nhóc lên xem bóng đá cùng, khung cảnh nhà chùa vốn tĩnh mịch nhưng có thêm người bàn luận bóng đá cùng sư thầy, tivi mở to hơn một chút làm cho không khí trở nên sôi động hơn. Tôi bóc kẹo lạc mời sư thầy rồi ngồi ăn ngon lành, thi thoảng nhấp một ngụm nước chè, vị chát của nước chè làm vị ngọt của kẹo mất đi, tôi có thể ăn liền một lúc mấy cái. R9 là một thằng bắt chuyện với người già khá tốt, dù sao nó cũng sống cùng với hai cụ bà mà cụ nội của nó thì nổi tiếng khó tính. Sư thầy và R9 vừa xem bóng đá vừa bàn luận còn tôi ngồi một mình một chỗ, giờ hãy còn sớm, chờ cho hết hiệp một thì tôi sẽ đi công việc riêng của mình. Bóng đá lúc này không mang lại cho tôi niềm cảm hứng gì ngoài việc chờ đến qua nửa đêm kết thúc trận đấu để biết chắc mình có tiền, nghĩ vậy tôi nằm dài ra trường kỷ và chợp mắt một lúc. Tôi không sợ mình ngủ quên bởi vì nếu có ngủ quên thì trước 11 giờ đêm kiểu gì R9 nó cũng sẽ gọi tôi dậy, tính thằng này tôi hiểu quá mà.
Khoảng hơn 10 giờ khuya tôi thức dậy, để sư thầy và R9 ngồi xem trận đấu bóng đá, tôi lẳng lặng ra sân lấy ba lô đang để ở giỏ xe mini sau đó rời chùa đi về hướng mương Khoai. Tôi đoán rằng ở cổng nhà Chắc Gạo giờ này chắc vẫn có tuần binh theo dõi ngôi nhà hai tầng nằm phía bên kia con mương. Tôi đoán không sai, gần đến nơi tôi mới ẩn thân và nhanh chóng nhận ra ma Tài trong số ba tuần binh đang luân phiên nhau theo dõi, vừa nhìn thấy tôi anh ta đã lên tiếng hỏi:
-Có chuyện gì mà mày ra đây? -Anh nghe tin người cầm đầu của nhóm này đã xuất hiện hôm nay rồi chứ anh? -Tao mới nghe lúc tối. -Em muốn thử xem ông ta có gì đặc biệt, các anh canh ở đây từ tối à? -Bọn tao mới đổi ca nhưng ca trước nói là không có gì đặc biệt. Trong ngôi nhà đúng là có thêm những người lạ, thằng đầu đảng có phải đầu trọc đúng không? -Nhìn ông ta khác hẳn những người còn lại. – Tôi đáp lời ma Tài. -Mày định như thế nào? -Quậy một phen, anh chơi không? -Sao lại không. -Thế anh đi báo cho mấy anh còn lại và ông Nhạn, mục đích của anh em mình là đánh thăm dò thôi. Em không biết người cầm đầu này có biệt tài gì, mà nếu anh em mình chọc phá như vậy có cần báo cho ông tuần đinh với những người khác? -Tao nghĩ là nên báo để không ai bất ngờ. -Vậy nhờ anh tập hợp đội Mễ quân và báo tin cho những vị khác, nhớ nói đây chỉ là trận đánh thăm dò thực lực của đối phương, ai muốn tham gia cũng được, chúng ta sẽ bàn bạc cụ thể trước khi xung trận vì địa hình ai cũng đã nắm rõ như lòng bàn tay cả rồi. -Được, để tao đi. Vậy tập hợp ở đâu? -Em qua bên kia chờ nhé.
Tôi chỉ tay hướng mấy cây bạch đàn nằm ven mương Khoai, gần nơi đã chọn làm vị trí bắc cầu vượt mương. Ma Tài tỏ ra háo hức với một trận đánh trước mặt nên nhanh chóng đi... gọi đội cũng như báo cáo tình hình lên cấp trên.
Tôi ngồi một mình ven bờ mương, dưới ánh trăng tròn của đêm ngày mười sáu Âm lịch, những cơn gió nhẹ mơn man thổi từ bên trái, không gian xung quanh tĩnh lặng, thật may tôi mới được ngủ hơn một giờ đồng hồ nên tỉnh như sáo chứ khung cảnh này rất phù hợp cho một giấc ngủ ngon. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi mà mình đã tìm ra cách để giải quyết các mối nguy có thể xảy đến với mình trong tương lai gần. Tôi cho rằng muốn ngăn cản Đường Thốc Tử truy gốc gác của mình thì cách hay nhất có lẽ là làm cho lão ta bận rộn vào mỗi đêm bằng việc quấy phá nơi ở của lão ấy. Việc quấy phá này có thể lại nhiều cái lợi hơn là hại, ngoài việc làm cho Đường Thốc Tử bận rộn suy nghĩ, thì việc thăm dò thực lực, quyền phép của ông ta là việc rất quan trọng. Người xưa có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, trong khi ông ta còn đang tìm kiếm đối thủ giấu mặt chi bằng tôi chủ động tấn công chẳng phải tốt hơn hay sao? Lợi thế của tôi là giấu mặt và phải duy trì việc này càng lâu càng tốt, thậm chí việc ẩn mình trong bóng tối để đối phương đoán già đoán non về mình không khác gì lá bài tẩy bởi vì có như thế tôi mới nắm quyền chủ động, không phải chạy theo đối phó với ông ta.
Lịch sử luôn có ý nghĩa đối với tôi mặc dù có nhiều điều, nhiều thứ tôi không hiểu nhưng cũng giống như nhiều đứa con trai cắp sách đến trường, nếu phải học môn Lịch sử thì phần lớn đều quan tâm đến cách trận đánh và quan trọng nhất là quân ta phải thắng quân giặc, tôi cũng vậy. Ngoài việc nhớ đến những chiến thắng hoặc thất bại thì tôi luôn đọc và nhớ đến vài nguyên nhân để dẫn đến kết quả ấy, nào là cách lấy đoản binh thắng trường trận, lấy ít địch nhiều, kế sách vườn không nhà trống thời Trần hay tiêu thổ kháng chiến thời hiện đại... chỉ khác nhau về tên gọi chứ cách thực hiện cũng không khác nhau, có chăng là cách vận dụng để phù hợp với thực tế của từng thời kỳ. Từ thời xa xưa cho đến năm 1998 này, cha ông đều phải lấy ít chống nhiều, phần lớn đều phải chống cự với thế giặc mạnh nhưng các chiến thắng của cha ông trong lịch sử đều xuất phát từ một điểm chung, ấy là hiểu về địch còn địch thì không phải là không hiểu cha ông ta, chỉ là chúng chẳng muốn hiểu mà thôi.
Nếu tôi xem ngôi nhà hai tầng- nơi Đường Thốc Tử đang ở kia – là một lô cốt, một doanh trại đóng quân của địch và chắc chắn ông ta rất mạnh tôi sẽ dùng cách đánh du kích quấy phá ông ta hàng đêm. Dù sao làng tôi ở đây, nhà tôi cũng ở đây nên tôi có rất nhiều thời gian để tính kế với lão này. Tôi đánh giá rất cao Đường Thốc Tử, đầu tiên vì lão ta là đầu sỏ, thứ nữa là quyền phép của lão ta chắc hẳn vượt xa so với lão Dực cụt tay, Diều Hâu vắn số, Đan bị đun sôi hay Canh dở dại. Và sau cùng, chính là lão đầu trọc này có sự trợ giúp từ tổ tiên nhiều đời của ông ta – một vị tướng quân – nên binh hùng tướng mạnh chắc chắn lão ta sẽ có, tôi rất tò mò xem binh các cụ là như thế nào, đám âm binh mắt đỏ mà tôi đã từng chạm trán những lần vừa rồi là mạnh nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy vong hồn chỉ huy hoặc đại loại như vậy.
Bộ khung chỉ huy của Mễ quân đã đến, có tám hồn ma bao gồm cả ông Trịnh Phi Nhạn. Ma Tài cho biết đã báo cho ngài tuần đinh và cả Lê tướng quân, chỉ chốc lát nữa thôi các vị ấy sẽ đến để xem xét tình hình.
-Mày có nói với Công chúa chưa?
Ông Nhạn hỏi tôi, tôi lắc đầu và nói:
-Cháu chưa, chúng ta mới thành lập Mễ quân, cũng tập luyện rồi nhưng chưa có điều kiện cọ xát. Ông và các anh đây có muốn thử không? Mục đích của chúng ta là đánh thăm dò thực lực của đối phương và... luyện binh. Thua thì rút chạy, không cố đánh đến cùng vì chúng ta nắm quyền chủ động. Nếu ai còn phân vân hay thắc mắc gì cứ nói ra, chúng ta cùng trao đổi thêm để đảm bảo xuất quân trận đầu thắng lợi. -Tao không có ý kiến. – Ma Nẫm nói. – Bây giờ tao đang đứng ở đây nghĩa là tao sẽ chơi tới cùng. -Tao cũng không phản đối gì, tao tham gia đến cùng. – Ma Vành tiếp lời.
Những tuần binh còn lại cũng gật đầu xác nhận rằng họ sẽ tham gia trận này, thực ra tôi hỏi lấy lệ vậy thôi chứ nhìn mặt ai cũng háo hức như sắp được chia phần ăn thế kia thì làm gì có chuyện họ không tham gia. Tám vong hồn và một kẻ nửa người nửa ma kẻ đứng người ngồi quây tròn bên rìa mương Khoai, cạnh những gốc cây bạch đàn khẳng khiu.
-Tao chỉ lo cho mày, Công chúa với tiểu thư Ngọc Khuê mà biết bị gạt ra rìa trận này liệu mày có sống nổi không? – Ma Vành đứng dựa vào một gốc cây bạch đàn, anh ta lo ngại cho tôi. -Chị Ngọc Hoa thì em không lo vì việc thành lập đội này chị ấy đã biết từ đầu, thành lập là để tung vào trận chứ không thì phí thời gian. Hơn nữa, chị Ngọc Hoa cũng từng nói với em là bây giờ em mỗi ngày một lớn, ai rồi cũng sẽ lớn nên phải tập đương đầu với khó khăn, chị ấy đâu thể ở bên cạnh em mãi được. -Rất có chí khí, được! Đấng nam nhi phải như thế. – Ma Tài động viên. -Mày không lo Công chúa trách tội vậy... vậy chả lẽ mày lo cô tiểu thư khuê các hay sao? – Ma Nẫm lên tiếng hỏi.
Tôi gật đầu đến mấy lần làm những vong hồn cười vang khiến tôi phải nhăn mặt.
-Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. – Anh chàng tuần binh ma tên Sông cười ngặt nghẽo. – May họ là chị của chú mày chứ là vợ thì chết luôn. Cái cô tiểu thư xinh đẹp chẳng có võ nghệ gì thì chú mày lại sợ trong khi cô tiểu thư võ nghệ thượng thừa chú mày lại không lo gì. -Mấy đứa mày chết trẻ biết cái gì, tao đây có vợ con rồi nên tao biết. – Ông già gân Trịnh Phi Nhạn lên tiếng chia sẻ. – Đàn bà con gái nó ngọt ngọt, nhạt nhạt rồi nhõng nhẽo là sợ nhất, nếu lại còn đẹp nữa thì càng đáng sợ. Xưa nay bao đấng minh quân mất nước, bao tướng ngã ngựa không phải nơi sa trường đều là do có phụ nữ đẹp cả. Tao hỏi chúng mày, nếu một cô gái đẹp nhờ vả thì chúng mày có từ chối không?
Tất cả các tuần binh đều lắc đầu, họ đều thừa nhận rằng họ sợ... đàn bà, con gái đẹp nhõng nhẽo, nếu đó lại là một người đẹp nữa thì chỉ có cách làm theo vô điều kiện. Nói với nhau vài câu xong họ nhìn tôi với ánh mắt đầy thương hại.
-Mày đừng sợ, Ngọc Khuê tiểu thư cùng lắm hờn dỗi vì bị cho ra rìa là cùng hoặc mày bịa ra cái lý do nào đấy để cô ấy không có cớ. – Ma Vành tỏ ra là một gã ma đầy kinh nghiệm nói với tôi. – Đánh trận tao cũng chẳng thích có đàn bà con gái đi cùng mấy, cứ thấy vướng vướng kiểu gì. -Cũng không hẳn là lo lắng về chị Ngọc Khuê, nói chung là bạn bè rồi thì em nghĩ cũng chẳng có gì to tát. Em rồi sẽ là một người lớn nên cũng phải làm vài việc đúng chất đàn ông, thanh niên chứ anh. Thêm nữa, trận này có khi em không tham gia trực tiếp. -Mày định làm gì? – Ma Nẫm hỏi.
Kế hoạch của trận đánh thăm dò lần này được chúng tôi bàn bạc cụ thể, trong lúc tranh luận thì ba ông Tam, Nguyễn Thiết Côn cùng ngài tuần đinh đã đến, họ lắng nghe và góp ý thêm cho chúng tôi. Các vị chỉ huy hay chức sắc có mặt không dẫn theo binh lính hay nghĩa binh vì họ được báo rằng Mễ quân sẽ đánh thăm dò đối phương. Tôi không thấy sự xuất hiện của vị chỉ huy lính nha môn họ Phùng, nhưng tôi không lấy làm bận tâm bởi vì thời điểm hiện tại tôi và ông ta chưa có bất kỳ mối liên hệ nào hoặc món nợ ân tình nào đủ để quan tâm đến nhau cả.
Theo kế hoạch đã thống nhất với nhau, lần đầu tiên cây cầu làm bằng vải liệm dành cho các vong hồn đi qua mương Khoai sẽ được sử dụng. Các hồn ma và binh lính gạo rang sẽ sử dụng cầu này nhằm đánh lạc hướng đối phương, tuyệt đối không sử dụng cầu Đình làm lối rút quân đề phòng trường hợp Đường Thốc Tử sẽ thêm nghi ngờ ngôi làng. Ngoài cây cầu làm từ vải liệm thì lối rút quân phụ sẽ là hướng Cống Đoan nhưng lối này khó khăn hơn do... thủ tục. Duy nhất có ông Trịnh Phi Nhạn và ông Nguyễn Thiết Côn là người huyện bên nên có thể đi qua một cách dễ dàng, bởi vậy chúng tôi thống nhất rằng trường hợp phải rút lui thì tất cả binh lính gạo rang của các nhóm sẽ chuyển lại cho ông Nhạn hoặc ông Nguyễn Thiết Côn. Ông Côn sẽ giúp đỡ Mễ quân bằng cách đứng chờ sẵn ở đường cái quan, khi Mễ quân - dù thắng hay thua - rút lui thì ông ấy sẽ dẫn quân rút theo lối Cống Đoan để vào lại cánh đồng phía Đông của làng. Địa điểm tập kết sau trận đánh sẽ là gò đất mả của Mẹ Sư.
Ông Trịnh Phi Nhạn – như ông ấy đã xí phần là Đại đội 3 – chỉ huy đội tiên phong của Mễ quân, ông ấy chia Đại đội 3 thành sáu đội nhỏ hơn, mỗi đội khoảng hai mươi binh lính, trong đó bốn đội Hỏa binh đi giữa và hai đội Kim quân bảo vệ hai bên cánh, tổng cộng khoảng một trăm hai mươi binh lính. Tất cả những vong hồn có mặt cạnh bờ mương Khoai có vẻ đều hồi hộp khi một Kim quân nhận lệnh đi qua cầu vải, khi Kim quân này đã đứng ở bờ bên kia một cách an toàn thì những nét mặt đăm chiêu nhanh chóng đổi thành phấn khởi, niềm vui hiện rõ. Đối với họ đây thực sự là một trải nghiệm có một không hai kể từ khi làm ma.
Đội tiên phong do ông Trịnh Phi Nhạn chỉ huy qua cầu trước, một hàng dọc nối đuôi nhau rất quy củ. Sau khoảng hai phút, toàn bộ Đại đội 3 đã đứng dọc trên đường cái quan sau đó nhanh chóng lẫn vào màn đêm, họ băng qua đường cái tiến về cánh đồng Bã Mía, hướng tấn công chính mà chúng tôi thống nhất là phía sau ngôi nhà – hướng chính Nam – bởi vì mấy lần trước âm binh đều xuất hiện ở mặt đấy. Bên cạnh đó việc đánh vào lối cửa sau cũng phần nào nhằm mục đích giấu đi gốc gác xuất phát của Mễ quân.
Ngay khi Đại đội 3 lẫn vào bóng đêm thì Đại đội 1 gồm có ma Vành, Nẫm và Sông cũng dẫn quân qua cầu. Mỗi anh chỉ huy hai đội - mỗi đội khoảng ba mươi binh lính - gồm một đội Hỏa binh và một đội Kim quân, tổng cộng Đại đội 1 có khoảng gần hai trăm quân, nhiệm vụ của đội này sẽ đánh từ hướng Đông. Đại đội 2 cũng với khoảng hai trăm quân sẽ lo hướng Đông Nam. Như vậy là hướng Bắc của ngôi nhà là đường cái quan và hướng Tây nơi có một thửa ruộng cùng một ruộng rau muống nhỏ sẽ không có bất kỳ bóng dáng Mễ quân nào. Anh tuần binh ma tên là Bồ cũng chỉ huy một đội dự bị với khoảng một trăm quân, anh ấy chia thành ba đội gồm một đội Hỏa binh và hai đội Kim quân ẩn nấp dọc hai bên đường cái quan, cách ngôi nhà chừng hơn một trăm mét, sẵn sàng xung trận khi tình hình thực tế cần đến.
Hơn sáu trăm hạt gạo đã được tôi sử dụng, túi gạo mới do sư thầy đưa cho vẫn chưa dùng đến, chẳng hiểu sao lần vừa rồi sư thầy lại đưa tôi túi gạo lớn hơn, tôi không bao giờ cân, chỉ biết là nó rất nặng.
Tất cả Mễ quân đã qua mương Khoai bằng cây cầu làm từ vải liệm, khi anh Bồ cho quân ẩn nấp hai bên đường xong xuôi, ông Côn cũng ở cùng với ma Bồ để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Đi đến rìa cánh đồng phía Tây, tôi nhảy qua mương nước nhỏ để lên đường ven làng đi lại chỗ hai anh tuần binh vẫn đang cảnh giới ở gần cổng nhà Chắc Gạo lúc chị Ma và chị Đẹp phi ngựa về đến nơi, hai chị xuống ngựa với vẻ mặt đầy ngạc nhiên khi thấy tôi đi cùng ba ông Tam cùng ngài tuần đinh. Lê Tam tướng quân nhanh chóng nói lại với chị Ma tình hình cụ thể, chị Đẹp đi lại chỗ bụi cây đêm trước đã đứng quan sát ngôi nhà cùng với tôi để quan sát.
Tôi không tham gia trực tiếp vào trận đánh này thật bởi vì tôi muốn đứng phía trước ngôi nhà này quan sát mọi động tĩnh của những người ở trong nhà. Ngôi nhà vẫn sáng điện, dường như bọn họ đang ngồi xem tivi ở phòng khách. Người có tiền thật thích, chỉ là một ngôi nhà thuê tạm mà cũng trang bị cả tivi để xem bóng đá.
-Ngươi có nghĩ trận đầu này sẽ thắng hay không? – Chị Đẹp hỏi tôi với giọng suy tư. -Mục đích của em là xem bọn họ có gì mới chứ không phải thắng thua, bên cạnh đó thì mấy anh tuần binh cũng được thực chiến một lần. Em nghe nói trưởng thành trong chiến đấu là nhanh nhất. -Vậy chúng ta chỉ đứng xem thôi ư? -Chả phải chị thích xem náo nhiệt à? -Tại lần trước đi cùng với ngươi được giáp mặt với lũ âm binh, ban đầu cũng sợ nhưng bây giờ ta lại muốn tham gia trực tiếp, thật kỳ lạ. -Đây chỉ là một trận chiến nhỏ, cuộc chiến vẫn còn ở phía trước, vội gì hả chị. -Ta thật bất ngờ, chỉ mới tối nay ngươi còn đang bàn tính tìm cách đối phó với mấy đứa kia mà giờ này ngươi đã chủ động quấy phá bọn chúng để thăm dò. -Chị cũng bất ngờ đấy, đây thật sự là một cách hay. – Chị Ma đi lại gần bờ mương đứng nhìn cùng với tôi. – Chị cũng đang tò mò về tay đầu sỏ này, để xem nó tài phép đến đâu.