Hiện giờ một tấm lụa mỏng cũng phải tốn bốn lượng bạc, còn muốn loại vừa mỏng vừa trong suốt thì phải tới tám lượng. Đắt quá đắt.
Nhưng cũng may, lụa này dùng được mấy năm, tính ra mỗi năm cũng chẳng tốn bao nhiêu. Nếu có người cùng mua chung thì lại càng rẻ. Nhìn vị công tử nhà bên ăn được quả mơ xuân đắt đỏ như vậy, chắc hẳn không phải xuất thân nghèo khó.
Quả nhiên, Trường Cung quay về bẩm báo một hồi, rồi mang tin vui trở lại: “Công tử nhà ta nói đề nghị của cô nương rất hay, đây là năm lượng bạc, nếu không đủ tối nay sẽ mang thêm qua.”
Ta vội đáp: “Vậy là đủ rồi.”
Chiều hôm đó, ta liền sai Trương ma ma đi mua lụa mỏng, cắt ra, gắn thanh kéo, kết thành rèm lụa có thể di chuyển qua lại trên khung cửa.
Sau khi treo lên, quả nhiên nhẹ nhàng thoáng khí, lụa mỏng lay động trong gió, nhìn cũng có phần thú vị.
Phần còn lại, ta bảo Trương ma ma cùng phu quân bà sang giúp nhà bên lắp rèm.
Mãi đến lúc chạng vạng, Trương ma ma mới trở về, mặt mày hớn hở nói: “Nếu tiểu thư nhìn thấy công tử nhà bên hẳn sẽ ngạc nhiên, phong thái người ấy đường hoàng đỉnh đạc, quả thực chẳng kém cạnh các công tử trong Hoắc phủ chút nào.”
Trương ma ma ở Hoắc phủ bao năm, người bà khen hẳn là không tầm thường. Ta chỉ cười cho qua như nghe chuyện phiếm.
Bà lại nói: “Nhìn ta này, vui quá nên quên mất là tiểu thư còn chưa ăn tối, để ta đi nhóm lửa ngay đây.”
Chưa kịp để Trương ma ma bận rộn, Xảo Thư đã ôm một hộp đồ ăn chạy vào: “Trường Cung nói công tử nhà cậu ấy muốn cảm tạ chúng ta, đặc biệt đặt một bàn tiệc ở Huệ Xuân Lâu mang tới. Tiểu thư, giờ phải làm sao đây?”
Ta nhìn lên bức tường cao ngăn cách hai nhà, khẽ mỉm cười: “Luận công thì mọi người còn vất vả hơn ta, hôm nay Trương ma ma cũng đã mệt nhọc, nếu có bàn tiệc thì đúng là khỏi phải làm cơm tối rồi.”
Thế là ai nấy đều vui vẻ.
Ta lại nhìn bức tường cao kia thêm một lần, trong lòng dâng lên chút cảm phục.
Một người biết đối nhân xử thế chu đáo đến từng chút như vậy, hẳn là một quân tử nhã nhặn hiếm gặp.
Cuối tháng, huynh trưởng đến thăm, mang cho ta năm lượng bạc:
"Muội cũng biết đấy, tẩu tẩu muội canh giữ chặt chẽ quá, số bạc này muội cứ cầm lấy, nếu thiếu thì bảo Xảo Thư đến tư thục tìm huynh."
Mẫu thân ta năm xưa là con gái độc nhất của nhà phú hộ trong làng, từng chu cấp cho phụ thân ta vào kinh dự thi, nhưng cuối cùng lại để phụ thân tiêu tán hết tài sản. May mắn là phụ thân có chí, đỗ đạt thành danh, trở thành một vị Thám hoa. Lúc ấy, mẫu thân đã sinh huynh trưởng và đang mang thai ta. Phụ thân luôn mang lòng biết ơn mẫu thân, nhưng tình cảm thì không mấy đậm đà. Dù vậy, ông cũng không quên tình phu thê son sắt, đưa mẫu thân cùng lên kinh thành.
Mẫu thân ta bạc mệnh, lúc sinh ta đã vì khó sinh mà qua đời. Nửa năm sau, kế mẫu Triệu thị bước chân vào cửa.
Đến nay, câu chuyện tình thắm thiết giữa Thám hoa lang và Triệu thị cùng nhau làm thơ ngắm hoa mai vẫn là một giai thoại được truyền tụng khắp kinh thành.
Một năm rưỡi sau, Triệu thị sinh cho phụ thân một ái nữ tên là Hoắc Kiều Kiều, nàng được phụ thân ta yêu thương vô cùng, đến mức quên bẵng trong phủ còn có một đích nữ như ta.
Bị Triệu thị cố tình chia cách, huynh trưởng và ta chẳng mấy khi có dịp gần gũi, một năm chỉ gặp vài lần vào dịp lễ Tết.
Năm ngoái, Triệu thị chọn cho huynh trưởng một người vợ, là ái nữ của quan thất phẩm, lớn hơn huynh trưởng ta hai tuổi, tính cách nghiêm nghị cứng cỏi, chẳng có chút yếu mềm của nữ nhi, khiến huynh trưởng buồn khổ không thôi. Nhưng ta lại thấy cuộc hôn nhân này khá tốt, ít nhất cũng khiến huynh ấy chuyên tâm học hành, sang năm phải chuẩn bị lên kinh dự thi rồi.
"Huynh không cần lo cho muội, hiện tại muội vẫn đủ tiền tiêu." Nếu không đủ, ta cũng có thể tự kiếm được.
Huynh tưởng ta từ chối, liền nói: "Muội cầm lấy đi. Phụ thân... phụ thân nói muội sống một mình cũng được, sau này có dịp sẽ đến thăm."
Phụ thân ta, người chỉ lo gieo giống chứ chẳng màng nuôi dưỡng, liệu có nhớ đến điều này không? Ha! Nếu không phải huynh trưởng nhắc, e là ông đã quên mất mình còn có một cô con gái như ta.
Ta lặng lẽ suy nghĩ, không trông mong thì chẳng thất vọng, cúi đầu nghịch ngón tay.
Giữa ta và huynh trưởng cũng chẳng còn gì để nói, ngồi thêm một lát thì huynh ấy đứng dậy:
"Không có gì nữa thì ta về đây."
"Để muội tiễn huynh một đoạn," thật ra ta tiễn huynh ấy cũng là vì năm lượng bạc này.
Ngõ Dương Liễu chật hẹp không tiện cho xe ngựa đi vào, ta tiễn Hoắc Nham Ngọc đến cổng. Nhìn bóng huynh ấy đi khuất, ta vừa quay người lại liền chạm mặt hai chủ tớ nhà bên đang chuẩn bị ra ngoài.
Chỉ thấy Trường Cung cười tươi rói, để lộ hàm răng trắng sáng. Công tử nhà cậu ấy đưa mắt từ bóng lưng huynh trưởng trở lại, nhìn ta đầy ẩn ý.
Ánh mắt ấy khiến ta thoáng nghĩ, có lẽ vị công tử này đã hiểu lầm rồi.
Một thiếu nữ trẻ tuổi có người hầu hạ, lại sống một mình trong viện nhỏ, thỉnh thoảng có nam nhân ghé thăm…Nhìn thế nào cũng giống một ngoại thất bí mật được che giấu cẩn thận!