CuốI cùng, bố tôi thì thào gọi tên tôi. Tôi đến quỳ xuống bên ông.
- Việc rất quan trọng – ông nói.
Mắt ông buồn xo, cặp mắt thất thần, lơ láo như thể ông đã mất trí. Tôi cứ tưởng thế nào ông cũng nói cho tôi biết mẹ sắp chết. nhưng ông chỉ nói:
- Con hãy xuống làng mua nhang về thắp bàn thờ.
Bàn thờ Phật nhỏ xíu của chúng tôi để trên cái thùng cũ bên cạnh cửa đi xuống nhà bếp; đây là thứ đáng giá duy nhất trong ngôi nhà ngà say của chúng tôi. Trước bức tượng A Di Đà chạm trổ vụng về, tượng Phật ở Tây Phương cực lạc, sắp những chiếc bài vị sơn đen nhỏ ghi pháp danh những vị tổ tiên quá cố của chúng tôi.
- Nhưng thưa bố, không mua gì thêm nữa à?
Tôi tưởng ông sẽ trả lời nhưng ông chỉ vẫy tay ra hiệu cho tôi đi đi.
Con đường từ nhà tôi xuống làng phải chạy theo mép chân vách đá sát bờ biển, rồI mới rẽ vào bên trong. Đi trên con đường này vào một hôm như hôm ấy quả thật khó khăn, nhưng tôi nhớ nhờ gió thổi mạnh khủng khiếp mà tôi quên bớt những nỗi bực dọc đau đớn trong lòng. Biển động mạnh, sóng lớn đánh vào bờ ào ào như những lưỡi dao chặt vào đá. Tôi cảm thấy thiên nhiên đồng cảm với tôi. Phải chăng cuộc đời chẳng khác nào cơn bão táp, nó cuốn trôi tất cả những gì mớI có đó trước mắt ta và để lạI nhiều thứ đổ vỡ kỳ lạ mà ta không hiểu nổi. Trước đó tôi chưa bao giờ có ý nghĩ như thế. Để khỏi nghĩ đến chuyện đổ vỡ này, tôi đâm đầu chạy cho đến khi ngôi làng xuất hiện trước mắt. Yoroido là một thị trấn nhỏ, nằm ngay trên cửa vịnh. Thường ngày người ta thấy trên mặt biển có nhiều ngư dân, nhưng hôm ấy tôi chỉ thấy có vài chiếc thuyền đánh cá chạy vào bờ, về phía cửa vịnh, trông như những con bọ vùng vẫy trên mặt nước . Cơn bão bỗng trở nên dữ dội, tiếng gầm rú vang lên bên tai tôi. Các ngư dân trong vịnh chìm ngập dưới màn mưa lớn, rồI họ biến mất dưới bầu trờI mù mịt. Tôi thấy cơn bão đẩy ặt nước lên bờ giốc ào đến phía tôi. Bọt nước bắn vào tôi như những trứng chim cút, và thoáng một cái, tôi bị ướt mèm như rớt xuống nước vậy.
Yoroido chỉ có một con đường duy nhất, chảy thẳng tới cửa chính của công ty Hải sản ven biển Nhật Bản, hai bên đường có một số nhà cửa, mặt tiền được dùnglàm cửa hàng buôn bán. Tôi chạy băng qua đường đến cửa hàng Okada, nơi bán đồ khô, nhưng bỗng tôi gặp chuyện bất thường xảy đến - chuyện bất ngờ tai hại thường xảy đến cho ta, như là trượt chân nhào đầu trước đoàn tàu. Mặt đường đất nện cứng ướt nước mưa nên trơn trợt, tôi bị trượt chân trên mặt đường. Tôi té ngã, mặt đập xuống đường. Tôi choáng váng đầu óc, người tê cóng và miệng đầy vị mằn mặn, tôi cảm thấy muốn nhổ nước trong miệng ra. Tôi nghe có nhiều tiếng người rồi cảm thấy người ta lật ngửa tôi ra và mang tôi đi. Tôi nghĩ họ mang tôi vào trong công ty Hải sản ven biển Nhật Bản, vì tôi ngửI thấy mùi cá đóng gói quanh tôi. Tôi nghe có tiếng người ta hất mấy bao cá đánh bịch xuống sàn cho trống chiếc bàn gỗ để có chỗ cho tôi nằm trên mặt bàn nhớp nhúa. Tôi biết tôi ướt mèm vì nước mưa, máu chảy ướt cả người, và tôi biết hai bàn chân tôi trần truồng, dơ bẩn, áo quần thì quê mùa. Điều tôi không biết là chính lúc ấy đời tôi thay đổi. Vì chính trong tình trạng như thế, tôi thấy tôi ngước mắt nhìn vào mặt ông Tanaka Ichiro.
Trước đây tôi đã thấy ông Tanaka ở trong làng nhiều lần rồi. Ông ta ở trong một thị trấn lớn, gần thị trấn của chúng tôi, nhưng hàng ngày ông đến đây vì gia đình ông làm chủ công ty Hải sản ven biển Nhật Bản. Ông ta không mặc quần áo quê mùa như dân đánh cá, nhưng ngoài áo kimono đàn ông ra, ông còn mặc thêm quần kimono, khiến ông trông giống như các hiệp sĩ trên các tờ báo vậy. Da ông căng láng như mặt trống, hai gò má nhô lên láng bóng như da của một con cá nướng dòn. Lúc nào tôi cũng thấy ông rất hấp dẫn. Mỗi khi tôi nô đùa với đứa trẻ khác ngoài đường mà trông thấy ông Tanaka từ trong công ty HảI sản đi ra, là tôi ngừng chơi để nhìn ông đã.
Tôi nằm yên trên bàn trong khi ông Tanaka nhìn vào môi tôi, ông đưa ngón tay kéo môi tôi xuống rồi nghiêng đầu tôi qua bên này rồi bên kia. Bỗng ông nhìn vào mắt tôi, đôi mắt xám của tôi đang giương to nhìn ông với vẻ kinh ngạc, tôin nhìn thẳng vào mặt ông chứ không giả vờ nhìn đi chỗ khác khi ông nhìn tôi. Ông ta không có vẻ muốn la mắng tôi vì tôi là đứa bé xấc xược, và ông cũng không nhìn đi chỗ khác như thể ông chẳng cần để ý tôi nhìn đi đâu hay tôi suy nghĩ gì. Tôi và ông ta nhìn nhau một hồi - một hồi thật lâu khiến tôi cảm thấy ớn lạnh, mặc dù không khí trong công ty Hải sản thật ấm áp.
Cuối cùng ông ta nói:
- Ta biết cháu. Cháu là con gái út của lão Sakamoto.
Mặc dù tôi còn nhỏ, nhưng tôi nghĩ rằng ông Tanaka đã bình tĩnh để nhìn thế giới quanh mình chứ không như bố tôi, bố tôi nhìn thế giới với con mắt đờ đẫn. Tôi thấy ông ta quan sát thế giới rất kỹ, ông thấy được nhựa cây thông chảy ra, thấy vòng ánh sáng của mặt trời sau lớp mây che. Ông ta thấy thế giới hữu hình, mặc dù thế giới này thường không làm cho ông ta thỏa mãn. Tôi nghĩ ông ta chú ý đến cây cối, bùn lầy, và những đứa bé trên đường, và tôi tin chắc không bao giờ ông ta chú ý tới tôi.
Có lẽ vì thế mà khi nghe ông ta nói với tôi, tôi cảm thấy mình rưng rưng muốn khóc.
Ông Tanaka nâng tôi ngồI dậy. Tôi tưởng ông sẽ bảo tôi đi ra khỏi cửa hàng, nhưng ông bỗng nói với tôi:
- Này cháu, đừng nuốt máu trong miệng vào bụng đấy nhé. Trừ phi cháu muốn có một viên đá trong bụng. Nếu ta là cháu, ta sẽ nhổ máu xuống nền nhà.
- Nhổ máu con gái xuống nền nhà à, ông Tanaka? - một người làm ăn với ông ta nói - Nhổ xuống chỗ mà chúng tôi sẽ mang cá vào à?
Như anh biết đấy, ngư dân rất mê tín dị đoan. Nhất là họ không thích phụ nữ có dính dáng đến chuyện đánh cá của họ. Trong làng tôi có một người tên Yammura, một buổi sáng ông ta bắt gặp đứa con gái đang chơi trong thuyền đánh cá của mình. Ông lấy gậy đánh cô bé một trận rồi lấy rượu sakê và nước tro đậm đặc để tẩy uế chiếc thuyền. Thế mà vẫn chưa đủ, ông ta còn mời ông thầy pháp ở đền thờ thần đến cúng tế nữa. Ông ta làm thế chỉ vì con gái ông ta chơi ở chỗ chứa cá đánh được. Còn ở trong nhà hàng của ông Tanaka, ông ta bảo tôi nhổ máu xuống nền nhà là nơi cá mua vào sẽ được làm ruột và rửa ráy cho sạch.
- Nếu anh sợ máu của cô ta làm ô uế số cá của anh, - Ông Tanaka đáp – thì anh cứ đem về nhà. Tôi có nhiều rồi.
- ông phải là vấn đề làm cá ô uế không thôi đâu, thưa ngài.
- Tôi cam đoan với anh là máu của cô ta nhổ ra tinh khiết nhất có thể dùng để tẩy uế nền nhà này. – Nói xong, ông Tanaka quay qua nói với tôi - Nhổ đi cháu. Nhổ ra.
Tôi ngồi trên chiếc bàn bẩn thỉu, không biết phải làm gì. Tôi nghĩ, nếu không vâng lời ông Tanaka thì chắc không yên thân, nhưng tôi tin chắc là tôi không đủ can đảm để nhổ máu trong miệng ra nếu không có một người cúi mình, đè một ngón tay lên một bên lỗ mũi tôi để tôi hỉ mũi xuống sàn nhà. Sau khi thấy thế, tôi không thể nào ngậm máu trong miệng lâu hơn nữa, tôi nhổ máu xuống nền nhà ngay sau khi ông Tanaka khiến tôi phải nhổ ra. Tất cả đàn ông đều bất bình bước ra khỏi phòng, trừ ông phụ tá của ông Tanaka, ông ta tên là Sugi. Ông Tanaka bảo ông Sugi đi mời bác sĩ Miura đến.
- Tôi không biết tìm ông ta ở đâu – ông Sugi nói, nhưng theo tôi thì ông ta có vẻ không muốn làm giúp việc này.
Tôi nói cho ông Tanaka biết ông bác sĩ mới ở nhà tôi cách đây mấy phút.
- Nhà cháu ở đâu? – Ông Tanaka hỏi.
- Ngôi nhà nhỏ ngà say nằm trên sườn núi đá.
- Cháu nói “ngôi nhà ngà say” …là như thế nào?
- Vì ngôi nhà dựa nghiêng trên một chiếc cột như thể nó đã nhậu quá say.
Ông Tanaka có vẻ không hình dung được ngôi nhà như thế nào. Ông nói với ông Sugi:
- Sugi, anh đi đến ngôi nhà ngà say của ông Sakamoto để tìm bác sĩ Miura cho tôi. Anh tìm ông ta không khó khăn gì đâu. Anh chỉ lắng nghe tiếng la hét của bệnh nhân khi ông ta chữa cho họ, là anh sẽ tìm ra ông ấy thôi.
Tôi cứ tưởng khi ông Sugi đi rồi, thế nào ông Tanaka cũng đi làm việc của mình, nhưng ông không đi mà cứ đứng bên cái bàn nhìn tôi một hồi lâu. Tôi cảm thấy mặt nóng ran. Cuối cùng ông ta nói sang một chuyện mà tôi cảm thấy lo lắng:
- Cháu bị nổi u trên mặt rồi, ái nữ của lão Sakamoto ạ.
Ông ta đến tủ lấy ra cái gương nhỏ để đưa cho tôi xem. Môi tôi sưng lên một cục bầm tím, đúng y như ông ta đã nói.
- Nhưng điều tôi cần biết – ông ta nói tiếp – là tại sao cặp mắt cháu quá tuyệt vời như thế, và tại sao cháu không giống bố cháu chút nào hết?
- Cặp mắt cháu giống mẹ - tôi đáp – còn phần bố cháu, không hiểu tại sao ông lại quá nhăn nheo đến thế.
- Rồi đến ngày nào đấy cháu cũng sẽ nhăn nheo như thế.
- Nhưng một số nếp nhăn là do bố tạo ra. Phía sau đầu của bố cũng già như phía trước, nhưng trông láng lẩy như quả trứng.
- Nói về bố mình như thế là bất kính đấy – ông Tanaka nói với tôi – nhưng tôi nghĩ đúng là thế đấy.
Rồi ông ta nói sang chuyện khác khiến tôi đỏ mặt tía tai, và chắc là môi tôi tái mét.
- Làm sao một ông già nhăn nheo có một cái đầu như quả trứng mà sinh được một cô gái xinh đẹp như cháu?
Tôi nhớ từ đó về sau tôi thường được người ta gọi là người đẹp. Nhưng các cô geisha thường được gọi là người đep, thậm chí các cô không đẹp cũng được gọi là người đẹp. Nhưng khi ông Tanaka nói với tôi như thế, trước khi tôi nghe ngườI ta gọi các cô geisha là người đẹp, tôi hầu như tin đây là sự thực.
Sau khi bác sĩ Miura khâu môi lại cho tôi, tôi đi mua nhang cho bố tôi, rồi tôi về nhà với tâm trạng nôn nao khó tả, tôi nghĩ khi ấy mà tôi đứng bên ổ kiến lửa, tôi cũng không thấy bồn chồn trong dạ như thế. Nếu khi ấy mà tôi cảm thấy tôi đến gần ổ kiến lửa, thì chắc tôi đã khỏe trí rồi, nhưng đàng này lòng tôi lại không được đơn giản như thế. Tôi đã bị dao động như mảnh giấy quay lông lốc trong cơn gió. Xen kẽ vào những ý nghì lo sợ về bệnh trạng của mẹ tôi – xen kẽ vào cảm giác khó chịu vì cái môi sưng vù – là cảm giác dễ chịu, cảm giác này chốc chốc lại hiện ra trong óc tôi. Đó là cảm giác về ông Tanaka. Tôi dừng lại trên sườn núi đá, đưa mắt nhìn ra biển, mặc dù cơn bão đã ngớt, nhưng sóng vẫn lớn như những tảng đá sắc bén, và bầu trời xám xịt màu bùn. Tôi nghĩ chắc không có ai ở gần đấy để nhìn tôi, nên tôi ôm chặt bó nhang vào ngực và gọi tên ông Tanaka, lờI gọi của tôi bay vào gió, và tôi cảm thấy hân hoan sung sướng khi nghe tiếng gọi của tôi vang vọng trong gió như tiếng nhạc lòng. Tôi nghĩ hành động gọi tên ông ta là hành động điên cuồng – vì quả những âm thanh vang lên bên tai tôi nghe điên khùng thật. Nhưng khi ấy tôi chỉ là một đứa con gái còn nhỏ lâm đã vào tình trạng bối rối.
Sau khi chúng tôi ăn cơm tối xong, bố tôi đi xuống làng để xem các ngư dân chơi cờ Nhật, Satsu và tôi lặng lẽ lau chùi nhà bếp. Tôi cố nhớ cảnh ông Tanaka đã đối xử với tôi, nhưng ngôi nhà lạnh lẽo vắng lặng quá làm cho cảm giác này biến khỏi óc tôi. Nhưng tôi cứ nghĩ đến bệnh tình của mẹ tôi và tôi cảm thấy buồn da diết. Tôi tự hỏi không biết bao lâu nữa bà sẽ được chôn ngoài nghĩa địa bên cạnh vợ con trước của bố tôi. Rồi sau đó số phận của bố tôi sẽ ra sao? Tôi nghĩ khi bà mất rồi, chị Satsu sẽ đảm nhiệm vai trò của bà. Tôi nhìn chị chùi cái soong nấu canh bằng sắt – cái soong này nằm ngay trước mặt chị - mặc dù mắt chị nhìn đăm đăm vào cái soong, nhưng tôi biết chắc chị không trông thấy nó. Cái soong đã sạch bóng rồi mà chị vẫn tiếp tục chùi nó. Thấy thế tôi nói với chị:
- Chị Satsu, em thấy khó chịu trong người.
- Đi nấu nước mà tắm, - chị ấy nói với tôi, chị đưa một bàn tay ướt lên hất dúm tóc lòa xòa trước trán.
- Em không muốn tắm – tôi nói - Chị Satsu này, mẹ sắp chết rồi.
- Cái soong này nứt rồi. Nhìn này!
- Nó không phảI nứt đâu. Cái đường ấy có ở đó từ lâu rồi.
- Nhưng tại sao nước chảy ra ở đây?
- Chị làm bắn nước ra đấy. Em thấy chị làm bắn nước ra.
Bỗng tôi thấy chị Satsu có vẻ căng thẳng, như thể chị bị hốt hoảng, mặt chị hiện ra vẻ sững sờ như có điều gì đấy đang làm cho chị nghĩ ngợI, mơ đến, khiến cho chị quên hết công việc trước mắt. Nhưng chị không nói gì với tôi nữa. Chị chỉ lấy cái soong trên bếp rồi đi ra cửa, để nó xuống trên đống soong nồi.