Tam công tử Cố cũng lặng im hồi lâu. Cuối cùng, chàng đứng dậy, hành lễ với tôi:
"Nếu nhị cô nương không chê, tôi nguyện ý nhận lời hôn sự này. Sau khi thành thân, tôi sẽ dạy nhị cô nương đọc sách, học chữ. Trước lúc rời khỏi cõi đời, tôi nhất định thu xếp đường lui chu toàn, để nhị cô nương từ đó không bị ai ép buộc, được sống cuộc đời thanh thản, tự do tự tại."
Nghe vậy, tôi không cầm được nước mắt.
Chàng là người thứ hai, sau bà vú và anh trai, khiến tôi cảm thấy có người thật lòng đối tốt với mình.
Tôi vội vàng nói:
"Vậy chàng nhất định phải sống thêm nhiều năm nữa.”
"Sớm ngày tìm được thuốc giải, sống lâu trăm tuổi!"
*
Ngày hôn sự giữa tôi và Cố Thừa Ngôn được định, Vương Du Hân xông vào phòng tôi, đập phá vô số đồ đạc, còn chỉ vào tôi chửi:
"Mày cũng xứng? Mày cũng xứng à?"
Chị ta định đánh tôi nhưng bị người ta giữ lại.
Tôi co rúm trong góc, sợ đến run lẩy bẩy.
Sau cơn giận dữ, chị ta lại cười lạnh:
"Một đứa ngốc và một kẻ bệnh tật chẳng sống được bao lâu, thật đúng là một cặp trời sinh."
Tôi muốn phản bác, nhưng Tứ Nguyệt đã nhanh tay bịt chặt miệng tôi.
Chúng tôi đều hiểu rõ, chỉ cần tôi mở miệng, hôm nay cả tôi lẫn Tứ Nguyệt đều sẽ không tránh khỏi một trận đòn.
Trước khi rời đi, Vương Du Hân còn nói:
"Mày nghĩ được về đây, gả cho Cố Thừa Ngôn, mày sẽ trở thành nhị tiểu thư nhà họ Vương sao? Cha mẹ sẽ yêu thương mày ư? Mày chỉ là một sao chổi khắc cha khắc mẹ thôi, chẳng ai yêu mày đâu."
Tôi không đồng tình với lời chị ta nói.
Tôi chưa từng mong cha mẹ yêu thương mình. Yêu hay không yêu thì có can hệ gì?
Tôi đâu phải không có người yêu thương.
Tô có bà vú, có anh trai. Họ đều thương yêu tôi.
Sau khi định thân, cuộc sống của tôi ở nhà họ Vương không hề thay đổi, vẫn chỉ là một cái bóng.
Mẹ cũng không gọi tôi qua căn dặn bất cứ điều gì, nghe nói quản gia chuẩn bị của hồi môn cho tôi
Cho bao nhiêu, tôi nhận bấy nhiêu, chẳng tranh giành làm gì.
Vì tôi biết, tranh cũng không được.
Áo cưới là do hiệu may đến đo đạc, làm cho tôi một bộ coi như tạm ổn.
Chẳng có chuyện phải gả con gái đi cho thật vẻ vang.
Nhà họ Cố dường như rất vội vàng, vì vậy ngày tôi xuất giá được định vào mùng hai tháng mười, chỉ ba tháng sau.
Tôi mỗi ngày chỉ ngồi trong phòng ngắm hoa trà.
Tứ Nguyệt thì bận rộn hơn tôi, không ngừng ra ngoài dò hỏi tin tức.
Đến ngày mười ba tháng tám, mẹ sai Đan Họa tới truyền lời, nói Trung Thu năm nay tôi phải ở yên trong viện, không được đi đâu.
Các chị em con thứ đều có y phục mới, còn tôi thì không.
Họ được ăn bánh Trung Thu, được đoàn tụ với cha và các dì, còn tôi thì không.
“...”
Tứ Nguyệt bất bình thay cho tôi.
Nhưng tôi lại chẳng mấy bận tâm.
Bởi vì tôi cũng chẳng tha thiết gì.
Không có áo mới, không được ăn bánh Trung Thu cũng chẳng sao.
Chờ đến lúc tôi gả đi, ơn sinh dưỡng cũng xem như trả đủ, từ đó chẳng khác người dưng. Đã vậy, cần chi phải tự chuốc phiền.
Sáng sớm ngày rằm tháng tám, Cố Thừa Ngôn sai người mang đến cho tôi bánh Trung Thu, đủ các loại hương vị.
Ngoài ra còn một bình rượu hoa quế nhỏ, một túi thơm hoa quế và một bức tranh nhỏ vẽ hoa quế.
Đêm ấy, khi trăng lên cao, tôi cùng Tứ Nguyệt ăn bánh Trung Thu, uống rượu, tôi cầm bức tranh tán dương loạn xạ đủ kiểu rồi ôm túi thơm chìm vào giấc ngủ thật ngon.
Trong phủ, tôi chẳng có chút cảm giác tồn tại nào.
Hỷ sự hay tang sự trong nhà, tất cả đều chẳng liên quan đến tôi.
Chỉ có Cố Thừa Ngôn cách vài hôm lại sai người mang đồ ăn đến, đôi khi là một bức tranh nhỏ, vẽ một hai đóa hoa, sắc màu rực rỡ trông rất đẹp mắt.
Tôi không quan tâm hoa đó có phải do chàng tự tay vẽ hay không. Điều tôi cần ghi nhớ là chàng đối xử tốt với tôi.
Tôi hy vọng chàng sống lâu thêm chút nữa.
Vì vậy, mỗi ngày tôi đều cầu phúc cho chàng.
Tứ Nguyệt cười tôi thần thần bí bí, ta chỉ cười, không tranh luận.
Nguyện vọng của tôi không cần ai khác phải biết, chân thành hay không, tự tôi rõ là được.
Đến ngày hai mươi bảy tháng chín, chỉ còn vài ngày nữa là xuất giá, mẹ gọi tôi qua.
Sau khi hành lễ, tôi đứng cách bà một khoảng xa.
Bà nhìn tôi từ trên xuống dưới, hồi lâu mới nói:
"Mày không xứng với tam công tử Cố."
Tôi nhìn bà.
Là tôi sinh ra đã không xứng, hay vì tôi chưa từng cố gắng nên không xứng?
Hay là vì bà sinh mà không dưỡng, không dạy nên mới thành ra lỗi lầm này?
Tôi mím môi, không đáp.
"Nếu không phải hôn sự này không thể từ chối, mà chị gái mày cũng sắp gả cao, còn bọn con thứ thì chẳng ra gì thì làm gì đến lượt mày."
"Con gái đã gả đi như bát nước hắt đi, gả rồi thì theo chồng. Từ nay về sau dù có chuyện hay không thì cũng đừng trở về."
"Nhà họ Vương không hoan nghênh mày."
Tôi gật đầu:
"Phu nhân yên tâm, tôi đã nhớ kỹ."
"Mày gọi tao là gì?"
Giọng phu nhân Vương có phần gay gắt.
Tôi khó hiểu nhìn bà, hỏi ngược lại:
"Không phải ý ngài là như vậy sao?"
Bà có thể ghét bỏ, vứt bỏ tôi.
Chẳng lẽ tôi không được phép từ bỏ bà?
Phu nhân Vương hít sâu vài hơi:
"Quả nhiên là con quỷ đòi nợ, không có trái tim."
"Ra ngoài đi, những gì cần làm, thím hai của mày sẽ chỉ dạy."
"Dạ."
Ra khỏi phòng, tôi nghe thấy bà nói với Đan Họa:
"Biết vậy năm đó nên dìm chết nó đi. Ngần ấy năm thật uổng công nuôi một đứa vô ơn. Nuôi một con chó còn biết vẫy đuôi."
Nhưng, tôi không phải là chó.
Tôi là con người.
Tôi có thất tình lục dục, tôi không có học vấn, nhưng tôi có trái tim để cảm nhận, có mắt để nhìn, có tai để nghe.
Gieo nhân nào gặt quả nấy.
Bà chưa từng cho tôi chút tình mẫu tử nào, vậy tại sao tôi phải như chó mà quỵ lụy cầu xin?
*
Lần đầu gặp thím hai, bà ấy ngược lại đã thay phu nhân Vương tìm lý do biện hộ.
Nói gì mà thân thể không tốt...
Tôi chỉ cười nhìn bà, nụ cười trông rất ngoan ngoãn.
"..."
Thím hai im lặng một lúc rồi thở dài:
"Gả đi rồi sẽ ổn thôi."
Đúng vậy, gả đi rồi sẽ ổn thôi.
Tam công tử Cố đã hứa sẽ dạy tôi đọc sách viết chữ, dù chàng mất đi thì cũng sẽ sắp xếp đường lui tốt nhất cho tôi.
Sau khi gả đi, tôi không còn là người nhà họ Vương, chẳng còn liên quan gì đến nhà họ Vương nữa.
Của hồi môn của tôi không nhiều, nhưng đối với một người chưa từng thấy thế giới bên ngoài như tôi thì đã là không ít rồi.
Thím hai nhìn danh sách của hồi môn, lại trầm ngâm.
"Thím hai thấy có gì không ổn sao?"
"Mẹ cháu..."
Tôi không biết chữ, không hiểu được.
"Dù sao cháu sớm muộn cũng biết, nên thím cũng chẳng giấu làm gì. Ngoài sính lễ nhà họ Cố đưa sang để cháu mang về, những thứ được chuẩn bị cho cháu đều rất tùy ý và rẻ tiền."
"Không sao cả, phu nhân nói đợi sau khi cháu xuất giá thì sẽ không qua lại với cháu nữa. Loại chuyện như ném bánh bao thịt cho chó này, ai mà muốn làm chứ."
“...”
Thuở trước chỉ là đưa tôi đi xa, không bóp chết tôi ngay tại chỗ là tôi đã cảm tạ trời đất rồi.
Về sau làm người dưng nước lã, cớ gì phải để bụng mà sinh lòng oán giận nữa chứ.
Các a hoàn theo làm của hồi môn đều là mua từ ngoài về, lại chưa được dạy dỗ tử tế, nói chi đến quy củ.
Thím hai trầm mặt xuống: "Du Vãn, thím hai cho cháu thêm vài nha hoàn hồi môn nhé."
"Thím hai, cháu không có thôn trang, cửa tiệm thì phải lo liệu, trong tay cũng chẳng có bạc, không nuôi nổi nhiều người như vậy. Còn về họ, phu nhân cũng chưa giao giấy bán thân cho cháu. Đợi đến khi cháu xuất giá sang nhà họ Cố, cháu sẽ trả họ về."
"Thím hai, người duy nhất cháu không nỡ xa là Tứ Nguyệt. Nếu thím có thể giúp cháu xin lại giấy bán thân của em ấy, cháu sẽ ghi nhớ ân đức này của thím..."
Thím hai đã giúp tôi xin lại được giấy bán thân của Tứ Nguyệt, còn của bốn a hoàn và hai bà già nữa.
Ngày tôi xuất giá, sính lễ rất sơ sài, chị em trong nhà cũng tránh xa tôi, phu nhân Vương không cho tôi thôn trang, cửa hàng, hay bạc ép đáy hòm.
Lão gia Vương và hai vị công tử Vương nhìn tôi với ánh mắt lạnh nhạt.
Tôi cũng không chào họ.
Chỉ có thím hai lén lút cho tôi ngân phiếu một ngàn lượng, bảo tôi giữ lấy để phòng thân.
Lúc xuất giá, cũng chẳng có anh trai nào cõng tôi ra cửa.
Cố Thừa Ngôn thì có đến rước dâu, nhưng chân đi không tiện, cũng chẳng cõng nổi tôi.
Các khâu nghe cha mẹ dạy bảo đều được lược bỏ.
Khi bái biệt cha mẹ, họ chỉ nói mấy câu nhạt nhẽo rồi bảo tôi mau chóng xuất giá.
Là bà hỷ cõng tôi, khi ra đến cổng lớn thì có người gào to một tiếng.
Là giọng của anh trai.
Tôi muốn vén khăn trùm lên nhìn anh trai, anh ấy đến một mình à? Hay còn có cả bà vú?
Nhưng bà hỷ đa đè tay ta lại, đẩy tôi vào kiệu hoa.
Bên ngoài tiếng pháo nổ, tiếng kèn trống vang lên, anh trai lại hô thêm hai tiếng.
Đó là ám hiệu của tôi và anh ấy.
Tôi có chút không nhịn được muốn khóc.
“...”
Tôi vốn định đáp lại vài tiếng, nhưng lại nghĩ mình là tân nương, không thể để người ta cười chê.
Mặc dù bản thân tôi vốn đã là một trò cười rồi.
Tôi chẳng bận tâm việc làm Vương Du Vãn là một trò cười, bởi trò cười này không phải do tôi tự chuốc lấy. Tôi không có lỗi, là do lòng dạ hẹp hòi của nhà họ Vương, lỗi là ở họ.
Nhưng bước chân ra khỏi cửa nhà họ Vương, tôi đã là con dâu nhà họ Cố, tôi không thể để Cố Thừa Ngôn bị bôi nhọ.
Kiệu hoa lắc lư chầm chậm, khi đến cửa phủ Cố, tiếng pháo nổ, kèn trống vẫn không ngừng.
Tôi được bà hỷ dìu xuống kiệu, tay nắm chặt dải lụa đỏ, bước qua chậu than hồng rồi theo sát đôi chân lớn phía trước từng bước một.
Sau đó là hành lễ.
"Nhất bái thiên địa—”
"Nhị bái cao đường—”
"Phu thê giao bái—”
"Lễ thành, đưa vào hỷ phòng.""
Cố Thừa Ngôn nắm tay tôi đi vài bước, sau đó ngồi lên xe lăn.
Tôi nghe rõ tiếng thở dốc đầy đau đớn của chàng.
Giữa tam công tử, phu quân và tam gia, tôi chọn gọi chàng là tam gia.
"Tam gia, chàng có sao không?"
"Không sao."
Tôi lại càng không ngờ, chàng chuẩn bị sẵn cả kiệu nâng cho tôi, để bốn bà già khiêng đưa tôi vào phòng tân hôn.
Về sau, tôi hỏi chàng vì sao lại sắp xếp như vậy.
Chàng nói: "Bản thân ta lười biếng nên ngồi xe lăn, cớ gì lại bắt nàng phải chịu ấm ức mà tự đi bộ?"
Chàng nào phải vì lười biếng, chỉ vì đau thôi.
Thế nhưng dù vậy, chàng vẫn long trọng nghênh tôi về nhà họ Cố.
*
Vì thân thể chàng không khỏe, không ai đến náo động phòng, cũng không để tôi phải ngồi một mình chờ đợi lâu.
Vào phòng tân hôn, chàng tự tay vén khăn trùm cho tôi rồi bảo Tứ Nguyệt giúp tôi tháo mũ phượng xuống.
Mũ phượng là do Cố Thừa Ngôn đưa đến, lúc nhận được, tôi đã kinh ngạc đến sững người. Nó đẹp đến mức tôi ôm nó mà ngủ suốt mấy đêm.
Hỷ phục là do nhà họ Vương chuẩn bị, tôi cởi ra xong thì bảo Tứ Nguyệt khóa lại trong hòm, từ nay không muốn nhìn thấy nó nữa.
Thay bộ y phục nhẹ nhàng, tôi ngồi bên cạnh Cố Thừa Ngôn, có chút bối rối, nhỏ giọng nói: "Anh trai ta đã đến kinh thành rồi."
"?"
"Chính là người lúc nãy đã hô hai tiếng à?"
Tôi gật đầu.
Cố Thừa Ngôn lập tức gọi người vào, dặn họ ra cổng lớn xem thử, nếu thấy người thì mời vào dự tiệc.
"Ta không có cách nào sắp xếp cho anh ấy ngồi ở bàn chính được."
"Không sao, anh trai có thể vào được phủ Cố, đến uống rượu mừng của ta là ta đã mãn nguyện rồi."
Dĩ nhiên, nếu có thể gặp được một lần...
Nhưng tôi cũng không dám mơ tưởng xa hơn.
Sau bữa tiệc, Cố Thừa Ngôn nói: "Viện này về sau nàng ở, ta sẽ ở tiền viện, cách đây một vườn hoa. Nàng có việc gì thì bảo a hoàn đến gọi, hoặc tự đến cũng được.”
"Chuyện đọc sách học chữ, mấy ngày nữa sẽ sắp xếp."
Tôi liên tục gật đầu.
Chính bản thân tôi cũng nhận ra ánh sáng trong mắt mình, cười ngốc nghếch mà nói: "Tam gia, cảm tạ chàng."
Cố Thừa Ngôn không ở cùng phòng với tôi, đêm đó tôi ngủ một mình.
Phòng ốc rộng rãi sáng sủa, đồ trang trí tinh xảo, chỗ nào cũng hiện lên phẩm chất và tâm tư.
Chăn đệm trên giường mềm mại, thoang thoảng một mùi hương nhẹ nhàng.
A hoàn và bà già tôi mang theo từ nhà đến thật sự chẳng ra gì, nhưng bà vú mà Cố Thừa Ngôn cắt cử qua lại vô cùng lợi hại.
Cái "lợi hại" này không phải là dữ dằn với tôi, mà là nghiêm khắc với đám người hầu. Đối với tôi, bà ấy lại rất cung kính, khách khí.
"Tam thiếu phu nhân nếu mệt thì nghỉ sớm đi.”
"Nếu không mệt thì xem sách, hôm nay cứ ở trong phòng là được."
Tôi thì làm sao mà xem sách được, vì tôi nào có biết chữ.
Tôi hỏi bà: "Ta vẫn chưa biết nên gọi ma ma thế nào?"
"Nhà chồng của lão nô họ Triệu, là bà vú của tam thiếu gia."
"Vú ơi, ta gọi bà như thế được không?"
Bà vú Triệu cười đến nỗi mắt híp lại.
"Phu nhân coi trọng là phúc của nô tỳ."
Cố Thừa Ngôn phái bà đến hầu hạ, cũng là để giúp tôi, tôi không thể nào làm khó bà, cũng không dám vác đá đè chân mình.
Bà cũng không có ý định bày vẻ, lập quy củ với tôi. Tóm lại, ngày đầu tiên đến nhà họ Cố, tôi sống rất dễ chịu, vui vẻ, ngủ cũng đặc biệt ngon.
Còn chuyện chưa động phòng, tôi không để tâm.
Tôi còn nhỏ mà.
Ngày hôm sau kính trà.
Chàng rất rõ trong của hồi môn của tôi có những gì, còn tôi thì không có gì đáng để mang ra. Lễ vật đều là Cố Thừa Ngôn chuẩn bị, lúc nghe bà vú Triệu nhắc, tôi ghi nhớ kỹ lưỡng: lễ vật nào tặng cho ai, từng món đều có thứ tự.
Chỉ cần làm đúng, không xảy ra sơ sót là được.
Việc dâng trà nhận thân diễn ra khá thuận lợi.
Người nhà họ Cố đông, nhưng dường như đều là người hòa nhã, không ai cố ý làm khó tôi, đều bảo tôi và Cố Thừa Ngôn sống thật tốt.