Cho đến cuối giờ, khi tôi đi lấy xe thì nhìn thấy thầy và cô Khả Hân đang đi cùng nhau. Đúng hơn là cô Khả Hân đi theo thầy, cô ấy vừa đi vừa nói gì đó với thầy nhưng có vẻ như thầy không muốn nghe, thầy luôn tìm cách tránh né cô ấy. Sau đó tôi còn thấy Minh Nguyệt cùng anh Lâm Phong đi vào trong văn phòng. Có lẽ hai người này đã làm lành với nhau nên mới đi chung.
Nhìn ai cũng có đôi có cặp làm tôi bỗng thấy cô đơn, tôi nhớ những lúc Thanh Linh không vội về nhà thì bạn ấy sẽ đi cùng với tôi một đoạn đường ngắn. Chúng tôi vừa đi vừa kể chuyện cho nhau nghe, cảm giác vô tư vui vẻ biết nhường nào. Thế nhưng giờ Thanh Linh không ở đây, thi thoảng tôi vẫn phải đối mặt với cảm giác cô đơn.
Sau đó tôi về nhà ăn uống nghỉ ngơi xong, đến giờ là cầm sách vở sang nhà thầy học thêm. Thế nhưng hôm nay thật kì lạ, trước cửa phòng khách nhà thầy bỗng có một đôi giày búp bê màu đen. Dường như thầy đang có khách, tôi tò mò đi vào trong nhà. Thấy trước mắt, người đang ngồi trên ghế sofa là cô Khả Hân. Tôi cũng đoán trước thầy và cô Khả Hân bạn bè cho nên bây giờ mới bắt gặp cô ấy ở đây.
"Em chào cô." Tôi chắp hai tay ra đằng trước và ngượng ngùng mở lời chào.
Cô ấy nhìn tôi, đánh giá một lượt rồi mới trả lời "Ừ, em là học sinh của Khang à?"
"Dạ vâng."
"Em đến nhà thầy Khang có việc gì không?" Cô Khả Hân dùng giọng điệu dịu dàng để hỏi tôi nhưng không hiểu sao tôi thấy hơi sợ cô ấy. Có lẽ vì cô ấy là thanh tra có thêm vài phần nghiêm khắc nên mới tạo cho tôi cảm giác như vậy.
"Dạ, em sang học thêm ạ."
Nghe câu trả lời của tôi, cô ấy suy nghĩ gì đó rồi chợt mỉm cười nói "Em có vẻ khá thân với thầy Khang nhỉ?"
"Dạ, em..." Thầy bỗng từ trong nhà đi ra, tôi như tìm được cọng cỏ cứu mạng. Nên cố gắng dùng ánh mắt lôi kéo sự chú ý của thầy.
Tuy nhiên cô Khả Hân lúc này cũng không còn quan tâm đến câu trả lời của tôi, bây giờ toàn bộ sự tập trung của cô ấy đều dồn vào thầy. Tôi thấy vậy thì quay mặt đi hướng khác, ít ra không còn bị cô ấy chú ý đến nữa.
Thầy đặt cốc nước lọc lên mặt bàn rồi mới quay ra nói với tôi "Tuyết em ngồi đây đợi tôi một lúc."
"Vâng."
Ngay sau khi tôi gật đầu đồng ý, thì thầy kéo tay cô Khả Hân đi qua tôi và vào trong nhà. Tôi cụp mắt lại không dám nhìn theo. Đứng nhìn thầy nắm tay cô ấy, tôi có cảm giác không được thoải mái cho lắm. Dường như trong lòng tôi đang bị một thứ gì đó chặn lại làm cho tôi thấy thật khó thở. Tôi lắc lắc đầu, hít một hơi thật sâu để ngăn những suy nghĩ vu vơ trong đầu. Dù biết là thầy với cô Khả Hân là bạn nhưng tôi không thể khống chế sự ghen tị đang hiển hiện rõ ràng trong lòng tôi.
Tôi thấp thỏm ngồi đợi thầy, thầy và cô ấy nói khá nhỏ nên tôi không nghe rõ họ đang nói gì. Tuy nhiên nghe giọng điệu có phần gay gắt, tôi nghĩ là họ đang cãi nhau.
Tới lúc thầy ra ngoài, cô Khả Hân cũng đi về luôn. Nhưng tôi lại vô tình thấy hốc mắt của cô ấy đang đỏ lên, cô như cố nặn ra một nụ cười để nói với tôi "Cô về đây, em học tốt nha."
"Dạ."
Thầy nhìn theo bóng lưng của cô Khả Hân, thế nhưng thầy không đi theo cũng không tiễn cô ấy, thầy nhìn cô ra khỏi cổng rồi mới bảo tôi ngồi vào bàn học. Chỉ là tôi đã ngồi vào bàn học từ lâu nhưng thầy không nhìn thấy, hiện tại thầy không còn tâm trí nào để ý đến tôi.
Trong giờ học thầy cũng rất lơ đãng, nhiều lúc tôi hỏi bài thầy còn không nghe thấy. Thầy ấy chưa từng có biểu hiện như vậy trong lúc dạy học cho tôi. Cô Khả Hân đó quan trọng với thầy đến vậy sao? Đến mức thầy không còn giữ được sự bình tĩnh vốn có của mình. Nhìn thầy như vậy, tôi không thể nào vui nổi.
Và giờ học hôm nay bất ngờ kết thúc sớm, thầy không giao bài tập về nhà cho tôi. Đáng lẽ tôi nên mừng thế mà tôi lại thấy bứt rứt không yên, thà rằng thầy cho tôi lượng bài tập của 3 đến 4 ngày để cho tôi làm. Còn hơn là đứng nhìn thầy có hành động khác ngày thường như vậy.
Cho đến tối, mẹ tôi nấu một món mà mẹ nghĩ là thầy thích. Mẹ bảo tôi mang sang cho thầy, lúc này tôi mới có cơ hội gặp mặt thầy lần nữa. Tôi biết dù mình có nhắn tin thì thầy cũng sẽ không trả lời tôi.
Nhưng sang đến nơi thì trong nhà thầy lại tắt điện tối um, tôi sợ hãi một tay cầm bát một tay lần mò theo vách tường để tìm công tắc bóng đèn. Căn nhà tối đen như mực phút chốc được lấp đầy bởi ánh sáng từ bóng đèn điện. Nhưng tìm khắp nhà mà tôi vẫn không gặp thầy, nhớ lại cũng chỉ còn một nơi chưa tìm mà thôi. Tôi để bát thức ăn vào trong tủ lạnh và đi lên sân thượng, cầu thang đi lên không có đèn nên tôi phải nắm chặt lấy lan can rồi lần mò bước từng bước một.
Lên tới nơi, tôi đã gặp thầy. Thầy đang ngồi một mình ở trên đó. Tôi lặng lẽ đến gần thầy, không có đèn nên tôi phải dựa vào ánh sáng lờ mờ không rõ ràng của mặt trăng đang chiếu xuống để đi qua.
Đứng bên cạnh thầy, một mùi rượu nồng nặc xộc vào trong khoang mũi của tôi. Ấy thế mà thầy lại đang uống rượu một mình trên sân thượng, trông thầy vừa tiều tụy vừa thật u buồn. Thầy ấy ngồi dựa lưng vào ghế, cả cơ thể được thả lỏng ra sau rồi uống hết cốc này đến cốc khác.
Một làn gió lạnh bỗng thổi qua, làm cho những lọn tóc của tôi đung đưa theo chiều gió. Tôi khẽ rùng mình, theo bản năng mà tự ôm lấy mình. Đây rõ ràng không phải một nơi thích hợp để thầy uống rượu.
"Thầy." Tôi dịu giọng gọi thầy, mặc dù trong lòng nghĩ thầy sẽ không để ý đến tôi.
Nhưng trái ngược với suy nghĩ của tôi, ngoại trừ trên người thầy nồng nặc mùi rượu ra thì trông thầy khá tỉnh táo "Sao vậy? Em tìm tôi có việc gì không?" "Mẹ em bảo em mang thức ăn sang cho thầy."
"Cảm ơn em."
Thầy nói xong lại tiếp tục cầm chén rượu lên uống một hớp, tôi đưa tay ra không trung vài giây rồi lại rụt lại. Tôi chỉ muốn ngăn cản thầy uống rượu, thế nhưng lại không có dũng khí để làm điều đó. Lại càng không yên tâm khi mình bỏ đi nên tôi đứng luôn đó bối rối bấm ngón tay.
"Sao em vẫn chưa về?" Thầy nhận ra tôi vẫn đứng bên cạnh nên dừng uống lại để hỏi tôi.
"Em... chưa muốn về."
"Em đang lo cho tôi sao?"
"Dạ không, em muốn ở lại đây thôi."
"Dường như rất khó để em nói rằng bản thân đang quan tâm đến ai đó." Thầy quay ra nhìn tôi mỉm cười. Rồi thầy ấy nắm lấy tay tôi và nhẹ nhàng dùng ngón cái vuốt vuốt lòng bàn tay của tôi "Em ngồi xuống đi."
Tôi rụt tay lại, tay còn lại nắm chặt vào bàn tay kia của tôi. Trái tim tôi lúc này lại đánh trống liên hồi trong lồng ngực, tiếng "thình thịch, thình thịch" đập từng cơn. Ngồi đối diện với thầy, nhìn thầy cầm chén rượu. Tôi vẫn còn cảm nhận được độ ấm xuất phát từ tay của thầy. Bàn tay to lớn đó vừa mới ôm trọn lấy bàn tay của tôi. Nhưng nó xảy ra quá nhanh, tôi không rõ được là mình đang luyến tiếc hay đang sợ hãi.
"Em rất thắc mắc muốn biết chuyện của tôi và Hân và cả gia đình của tôi đúng không? Em sợ tôi không thoải mái nên em luôn giữ im lặng."
"Em..." Tôi không thể nói gì hơn, thầy nói đúng mà. Đúng là tôi luôn rất tò mò.
"Hân, cô ấy là người mà tôi từng kể với em. Còn về gia đình tôi..."
Thầy bỗng im lặng và uống một ngụm rượu, như muốn lấy dũng khí để nói tiếp "Bố tôi, ông ta là một giảng viên đại học. Năm tôi học cấp 2, ông ta bắt đầu ngoại tình với một người phụ nữ khác. Ông xem người phụ nữ đó là tình đầu là tri kỷ, từ lúc đó ông ta đã muốn ly hôn với mẹ của tôi. Nhưng lần nào bà ấy cũng nhịn nhục cầu xin bố của tôi. Ông ta cũng đành đồng ý với mẹ tôi. Thế nhưng mỗi tuần lại chỉ về nhà 1 hoặc 2 lần, có tuần còn không về. Tôi vẫn luôn không hiểu tại sao mẹ tôi lại không ly hôn với bố tôi, ly hôn rồi bà ấy sẽ được tự do. Nhưng cho tới sau này tôi mới biết, mẹ tôi làm vậy là vì tôi. Bà ấy muốn cho tôi một gia đình hoàn chỉnh. Bây giờ mẹ tôi đồng ý ly hôn có lẽ do tôi không còn ở đó nữa, không nhìn thấy tôi bà ấy mới có dũng khí làm điều mà bà ấy luôn không làm được."
Tôi nhắm mắt nắm chặt lòng bàn tay lại, gia đình bất hòa người đau khổ nhất không phải cha không phải mẹ mà là người con. Thầy ấy đã đau khổ nhiều như thế nào? Không hiểu sao trong lòng tôi lại hình dung ra cảnh trái tim thầy đang rỉ máu, từng giọt từng giọt mang hơi ấm từ từ rơi xuống nền đất lạnh lẽo. Thầy không về không phải không muốn về mà thầy sợ mẹ của thầy khi nhìn thấy mình thì sẽ lại mềm lòng. Nhưng có lẽ thầy không biết rằng, phụ nữ đúng là luôn mềm lòng chỉ là khi họ đã quyết tâm dù trời có sập thì họ vẫn phải làm bằng được.
"Điều mà mẹ thầy mong muốn lúc này chính là có thầy ở bên." Tôi không mở mắt ra, như vậy tôi mới có thể nói thật lòng.
"Em nói vậy là sao?"
"Mẹ của thầy dành cả đời cho thầy. Giây phút buông bỏ trách nhiệm của một người vợ và chỉ là một người mẹ, bác ấy có lẽ hy vọng thầy sẽ đứng đằng sau ủng hộ là một hậu thuẫn cho bác. Có người thân nhất ở bên mới tự tạo ra dũng khí giúp cho mẹ của thầy thoát khỏi chiếc còng tay vô hình và đi tìm đến tự do cho mình."
"Nếu điều em nói là thật, vậy tôi nên đi gặp mẹ tôi ư?"
Thầy đặt cốc rượu xuống mặt bàn, trời quá tối làm tôi không thể nhìn rõ được biểu cảm thầy. Những đám mây đen đi qua đi lại làm cho ánh sáng trên cao lúc thì ẩn lúc lại hiện.
"Nên ạ."
Tôi nhìn thầy, thầy cũng nhìn tôi. Tuy không nói gì nhưng có lẽ thầy đã hiểu được suy nghĩ của tôi. Chúng tôi cứ ngồi nhìn nhau như vậy, cho tới khi thầy ngủ thiếp đi trong cơn say. Còn tôi vẫn ngồi đó nhìn thầy, tôi đã lén đi tới và chạm một ngón tay vào mặt của thầy. Khi chạm vào, ngón tay của tôi như bị điện giật. Nên tôi vội vàng thu tay lại, không uống rượu mà sao hôm nay tôi lại có dũng khí lớn đến vậy?
Ngồi đợi khá lâu nhưng thầy vẫn chưa tỉnh dậy. Tôi bất đắc dĩ phải đánh thức thầy, đang là buổi tối tuy chưa muộn lắm nhưng cũng đến lúc tôi phải về nhà rồi. Tôi nhẹ nhàng lay lay cánh tay của thầy và nhỏ giọng gọi. Gọi liên tục nhiều lần thầy mới tỉnh dậy, thức dậy thầy nói cảm thấy đau đầu. Cho nên khi xuống dưới thì về phòng ngủ luôn. Tôi không đi theo đứng ở ngoài nhìn thầy đi vào trong phòng rồi mới trở về nhà của mình.
Trước khi ngủ, tôi nằm nghĩ lại những hành động những câu nói của thầy. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện mẹ từng kể cho tôi. Mẹ tôi kể rằng khi mẹ sắp sinh đã chịu cơn đau suốt mấy tiếng đồng hồ. Tới mức bị mất quá nhiều máu, phải truyền máu gấp. Chịu cơn đau từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng mới may mắn vượt cạn thành công. Sau sinh lại đối mặt với cảnh không ai trông nom, mẹ chồng không quan tâm, anh chị em chồng lại càng không. Hỏi han vài câu rồi ai về nhà nấy. Bà ngoại khi đó phải đi gần 200 cây số đến chăm mẹ tôi, cho tới lúc mẹ tôi xuất viện thì bà cũng về luôn.
Về nhà được vài ngày, trong lúc mẹ tôi đang nằm trong giường chăm con thì bị bố tôi lôi ra đánh chỉ vì chưa nấu cơm. Bố còn nói rằng "cứ làm như chỉ có mình mày đẻ". Chỉ nghe qua lời kể của mẹ, tôi đã cảm giác được nỗi đau kéo dài đó nó phải đau đớn cỡ nào. Thế mà qua lời bố tôi nó lại quá mức đơn giản như thể mẹ tôi vừa đi bệnh viện trị bệnh cảm cúm về.
Câu nói đó thật tàn nhẫn, nghĩ lại mà chính tôi cũng không kìm nước mắt. Khi đó nghe mẹ kể tôi nói một câu nửa đùa nửa thật "thế mà mẹ không bỏ đi luôn". Mẹ tôi trả lời rằng nếu không vì con vì cái thì đã đi từ lâu. Dường như tư tưởng một người phụ nữ phải chịu đựng nhẫn nhịn vì con vì cái đã khắc sâu vào trong lòng của mỗi một người phụ nữ thời đó, còn những người cha lại thấy đó là một điều hiển nhiên. Áp đặt tình cảm, áp đặt từ thời xưa đã làm cho những người mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu đổi là tôi thì chắc chắn sẽ lựa chọn bỏ đi ngay lập tức. Tôi sẽ không bao giờ ở lại một nơi mà tôi không coi nó là nhà.