Câu chuyện này xảy ra vào mùa hè năm ngoái, lúc đó tôi còn đang tranh thủ đi làm thêm trước khi nhận điểm thi tốt nghiệp.
Giống như [Hàng xóm mới], tôi vẫn cứ ngỡ những thứ dị thường chỉ đến với mình sau khi thảm kịch kinh hoàng đó xảy ra. Nhưng không ngờ, tôi đã từng trải qua một vài lần, có điều tôi không hề nhớ về bất cứ chuyện gì trước đó.
Cho đến ngày hôm nay, một vài người bạn lớp tôi đã nói với nhau trong tiết Thể Dục, rằng nếu có người cho bọn họ vài triệu cũng chẳng dám nhảy xuống hồ bơi của trường.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ là họ đang nói đùa về thời tiết mùa này. Nhưng không ngờ, nguyên nhân thực sự lại đáng sợ hơn tôi tưởng.
Hồ bơi của trường từng có người chết đuối.
Chưa dừng lại ở đó, sau vụ việc chấn động ấy, rất nhiều chuyện kỳ bí dị thường đã xảy ra. Dần dần, các sinh viên cũng bắt đầu ít lai vãng đến khu vực hồ bơi hơn.
Có lẽ tôi sẽ đi kiểm chứng tin đồn này vào một dịp khác, còn hôm nay tôi sẽ kể một câu chuyện khá kỳ dị đang dần bị lãng quên trong đầu tôi.
Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã sống với gia đình trong một thị trấn nhỏ ở tỉnh Trà Giang. Nơi đây chẳng có danh lam thắng cảnh hay bất kỳ địa điểm du lịch nào, nhưng bù lại các doanh nghiệp tư nhân cho xây dựng rất nhiều khu vui chơi, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân tại đây.
Mọi chuyện bắt đầu khi mùa hè đến, người đầu tiên mở cửa hồ bơi là ông Long Hói. Chúng tôi gọi như thế là vì đầu ông ta bị hói mất một chỏm, đương nhiên là cái biệt danh buồn cười này không được phép nói trước mặt ông.
Ông Long khá nổi tiếng trong thị trấn với căn biệt thự choáng ngợp được xây dựng đặc biệt trong rừng, sân trước có hồ bơi riêng, sân sau trồng đủ loại cây ăn quả. Người ngoài nhìn vào ai cũng đều nói nhà ông ta đúng là một thiên đường đáng sống, đồng thời họ cũng thắc mắc tại sao ông Long có mọi thứ như vậy mà đến tuổi này vẫn còn chưa lấy vợ.
Tôi và hội bạn cùng xóm chẳng quan tâm điều này cho lắm, rõ ràng bọn tôi chỉ chú ý đến việc ông Long Hói mở cửa bể bơi thu vé. Chẳng có người giàu nào lại chịu chia sẻ hồ bơi riêng của mình cho hàng trăm người khác, chỉ với mục đích là thu tiền vé.
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ đây là cơ hội tốt. Ngay khi hồ bơi nhà ông Long mở cửa được ba ngày, tôi liền đến đó để xin một chân làm bảo vệ và thu vé. Không ngờ ông ta đồng ý luôn không chút do dự, ông ta còn trả thêm tiền để tôi kiêm luôn làm nhân viên dọn dẹp.
Đương nhiên là tôi nhận lời ngay. Khi vào làm, tôi mới biết mình có đồng nghiệp. Cậu ta tên Phúc, đã ở đây trước tôi được hai ngày, có nghĩa là sau ngày mở cửa một ngày.
Phúc cũng giống tôi, cậu ta tranh thủ thời gian nghỉ hè để kiếm tiền trước khi có điểm thi tốt nghiệp.
Ngày đầu tiên đi làm của tôi diễn ra khá suôn sẻ, thậm chí có chút tẻ nhạt. Tôi và Phúc được chia ra làm hai ca. Buổi sáng, cậu ta sẽ đến dọn sạch hồ bơi rồi ngồi ở cổng thu vé. Sau đấy, những công việc đó sẽ do tôi đảm nhận lại vào buổi chiều.
Do buổi sáng thường không có mấy người đến hồ bơi nên đương nhiên sẽ có sự chênh lệch về khối lượng công việc, vì vậy hai chúng tôi đã luân phiên đổi ca cho nhau.
Đến ngày thứ hai, mọi chuyện vẫn diễn ra khá bình thường cho tới khi đồng hồ điểm 7 giờ tối. Không biết là do không tìm được người làm hay vì lý do nào khác, mà hồ bơi của ông Long không mở vào buổi tối. Lúc này, mọi người đã lục tục thay quần áo để ra về.
Tôi cũng bắt đầu đi ra tháo nước để lau dọn bể, chiều nay Phúc không có ca làm nên cậu ta đã đến đây với tư cách là khách vào bơi, bây giờ cậu ta cũng giúp tôi dọn dẹp.
"Cảm ơn nhé, khi nào đến lượt ông làm ca chiều tôi sẽ trả ơn." Tôi cười nói.
Chắc Phúc cũng coi đó là lẽ tự nhiên nên cậu ta chỉ cười mà không nói gì.
Sau hơn hai mươi phút, trời cũng đã bắt đầu tối mịt, chúng tôi liền đi cất dụng cụ lau dọn vào trong kho để về nhà.
Trên đường về, chúng tôi có nói chuyện với nhau vài câu về lối đi. Vấn đề này chúng tôi đã nói qua không dưới một lần, đấy có lẽ cũng là lý do vì sao không có ai nhận làm ca tối.
Con đường mòn dẫn từ thị trấn đến ngôi biệt thự trong rừng khá nhẵn nhụi, tuy nhiên nó lại vắng vẻ và âm u vô cùng. Hơn thế, hai bên là rừng cây nườm nượp, những tán lá to như mái nhà rủ xuống trông vô cùng ghê rợn.
Đang mải nói chuyện, tôi chợt cảm thấy buồn đi vệ sinh. Tất nhiên, tôi đã nghĩ đến phương án nhịn cho tới lúc về nhà. Nhưng thành thực mà nói chuyện đó hơi bất khả thi, vì nhà tôi ở khá xa nơi này, với lại bụng tôi cũng đã réo lắm rồi.
"Trông xe cho tôi một chút nhé." Tôi nhờ Phúc ở lại trông xe, rồi đi một mình vào trong khu rừng bên rìa đường.
Đi được một hai bước, tôi liền nhìn thấy một cái cây to, đang tính vòng ra sau nó để giải quyết nỗi buồn, tôi chợt nghe có tiếng nước chảy róc rách ở đâu truyền lại.
Tôi mải lắng nghe đến nỗi gần như quên mất chuyện đang buồn đi vệ sinh.
Sau khi đã giải quyết xong xuôi, tôi bèn đi tìm tiếng nước chảy kia. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ nó ở một nơi gần đây vì âm thanh thu vào tai tôi khá rõ. Nhưng đi thử mới biết, mọi chuyện không giống tôi tưởng tượng chút nào.
Mất gần năm phút để tôi đến một con sông nhỏ chảy xiết ở sâu trong rừng, điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Vì mấy ngày đầu đi làm, tôi có nghe ông Long nói rằng, xung quang khu rừng này không hề có bất kỳ ao, hồ hay sông, suối nào cả.
Tuy nhiên, bây giờ tôi đã tìm thấy một cái. Tôi định sẽ kể cho ông ta nghe vào sáng hôm sau đi làm. Nhưng tôi thử nghĩ lại, có gì đó hình như không đúng lắm.
Trước câu khẳng định không hề có ao, hồ, sông, suối ấy, rõ ràng ông Long có nhắc tới chuyện ông ta từng phải khảo sát khu rừng này rất lâu rồi mới quyết định chuyển tới. Vậy giải thích thế nào khi ông ta không hề hay biết chuyện có một con sông chảy xiết ở ngay gần nhà mình?
Cách lý giải duy nhất là ông Long đã nói dối hai chúng tôi. Nhưng là cái nào? Về chuyện ông ta đã khảo sát khu rừng rất lâu? Hay là chuyện không có con sông nào gần nhà?
Nghĩ đi nghĩ lại một lượt, tôi đoán ông ta đã nói dối về việc khảo sát khu rừng. Vì ông ta chẳng có lý do gì để nói dối chúng tôi về chuyện có một con sông ở ngay gần nhà.
Tôi tiện tay chụp lấy một tấm ảnh, rồi quay về xe của mình. Vừa trông thấy tôi, Phúc đã vội lên tiếng: "Ông làm gì mà ở trong đấy lâu thế?"
Tôi liền giơ điện thoại lên cho Phúc xem tấm ảnh trong điện thoại. "Nhìn này, tôi vừa mới phát hiện ra đấy."
Đúng như tôi nghĩ, Phúc cũng ngạc nhiên giống hệt tôi. Cậu ta xem tấm ảnh rất kỹ rồi đưa trả lại tôi, khuôn mặt có chút suy tư.
"Sao thế?" Tôi hỏi.
"À, không có gì. Tôi chỉ thấy nó hơi lạ thôi."
"Lạ ở chỗ nào?"
"Trước giờ ông toàn làm ca chiều hết nhỉ." Phúc đột nhiên hỏi tôi một câu rất không liên quan.
"Ừ, thì sao?"
"Mai đến lượt ông làm sáng ông sẽ hiểu ngay thôi." Phúc nói rồi nổ máy xe. "Đứng đấy làm gì nữa, có về không thì bảo?"
Tôi cất điện thoại vào túi, rồi vặn chìa khóa xe điện. Không hiểu cậu ta tỏ ra thần bí làm gì thế không biết?
Sáng hôm sau, tôi đến nhà ông Long từ rất sớm. Lý do duy nhất để tôi làm việc này không phải vì tôi chăm chỉ, mà là do những lời nói chiều tối qua của Phúc đã khiến tôi tò mò.
Giống như buổi chiều, công việc của tôi vẫn thế. Đầu tiên là dọn dẹp hồ bơi và sau đó bơm nước mới vào. Nhưng khi tôi đến chỗ cái hồ, tôi đã phải mất vài giây mới có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Nếu như mọi lần, dù có đông khách đến bơi thế nào đi nữa, nước trong hồ cũng chỉ hơi vẩn đục một chút, quá đáng lắm thì có một ít rác trên bề mặt. Mà lần nào trước khi ra về, tôi cũng không quên rút sạch nước. Thế nhưng, thứ đang xảy ra trước mắt đã khiến tôi phải suy xét lại toàn bộ mọi chuyện.
Cái hồ bơi mà tôi nhớ rất rõ đã rút hết nước trong chiều hôm qua, bây giờ đã đầy ắp nước đến tận thành bể, không những thế nó còn biến đổi sang màu xanh lục thay vì xanh nước biển như thường ngày.
Tôi thử thò tay xuống dưới và chạm vào thành hồ, ở đó mọc rêu trơn tuột, hình như dưới đáy còn có cả tảo.
Mới chỉ có một đêm mà tôi cảm tưởng thời gian ở dưới hồ đã trôi qua vài thế kỷ. Rốt cuộc tối hôm trước chỗ này đã xảy ra chuyện quái gì?
Tôi định đi tìm ông Long để hỏi cho rõ, nhưng nhận ra ông ta đang nấu bữa sáng nên thôi.
Thở dài một hơi, tôi đi kiếm dụng cụ về lau dọn. Mất gần nửa tiếng để tôi kỳ cọ xong cái hồ bơi "thế kỷ", vậy mà trước giờ tôi cứ nghĩ công việc vào buổi sáng sẽ rất nhàn hạ vì có ít khách hơn buổi chiều. Xem ra tôi đã lầm.
Dọn dẹp xong là vừa tròn 7 giờ sáng, tôi bèn đi cất dụng cụ để bơm nước vào hồ rồi còn ra cổng thu vé. Ngay khi tôi vừa rời khỏi nhà kho, bên ngoài cổng đã xuất hiện một người đàn ông trung niên.
Thoạt đầu, tôi tưởng là bạn ông Long nên định không bắt chuyện. Nhưng khi thấy cái kính lặn và quần áo sạch để trong túi của người đàn ông, tôi mới thấy ngạc nhiên. Không ngờ lại có người đi bơi vào lúc sớm thế này.
"Này, cháu!" Người đàn ông trung niên gọi tôi. "Cháu là người làm ở đây à?"
"Vâng, bác có chuyện gì à?"
Người đàn ông trung niên đột nhiên tiến lại gần, ông ta ghé sát vào người tôi, hỏi nhỏ: "Sáng nay nước hồ bơi có màu gì?"
"Sao cơ?" Tôi hỏi lại, dù đã nghe rất rõ câu hỏi.
"Ta hỏi là, sáng nay nước hồ bơi có màu gì?"
Để bảo vệ công việc làm thêm khó lắm mới kiếm được, tôi đành phải nói dối: "Nước vẫn như bình thường, có hơi đục một chút thôi."
"Thật à?" Người đàn ông trung niên nheo mắt nhìn tôi, rồi hướng mắt về phía hồ. Tôi thấy rất rõ khuôn mặt ông ta thoáng thất vọng khi nhận ra hồ bơi vẫn chưa được bơm nước.
"Thật. Nếu chú muốn tắm thì phiền chú đợi một lát để cháu bơm nước vào hồ đã." Tôi nói thêm.
Người đàn ông trung niên lại nhìn tôi, ông ta nói: "Đợi chút đã, chú muốn đi xem cái này một lát."
Không để tôi kịp đáp lời, người đàn ông vòng ra sau tôi rồi đi thẳng về phía hồ bơi. Tôi bèn đi theo để xem ông ta định làm gì.
Sau khi đến được chỗ hồ bơi, người đàn ông nhìn chòng chọc xuống đáy rất lâu. Đúng vào lúc ông ta đang định trèo xuống, ông Long liền đi từ trong nhà ra.
Tôi bị ông Long đuổi ra cổng thu vé nên không thể nghe được hai người nói gì, chỉ thấy mặt ông ta có vẻ căng thẳng. Sau vài giây, người đàn ông đành cất kính bơi trở lại túi, rồi rời đi.
Lúc đi đến trước mặt tôi, ông ta vẫn lấy tiền ra trả, mặc dù chưa được dùng hồ bơi. Điều kỳ lạ nhất là người đàn ông chưa về ngay, mà nán lại vài giây để nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, sau đó mới chậm rãi rời đi.
Không hiểu sao lúc đó trong lòng tôi chợt dấy lên một linh cảm chẳng lành. Tôi cứ đứng mãi một chỗ nhìn theo bóng lưng người đàn ông, cho đến khi ông ta khuất dạng sau rừng cây rậm rạp.