Họa Quốc - Thức Yến

Chương 75: 75




Bất kể có ra sao, Tạ Trường Yến vì mình nên mới bị bắt, nếu chàng không thể đánh thắng nước cờ này thì Tạ Trường Yến ắt bỏ mạng.
Nghĩ vậy, bàn tay Chương Hoa thoáng run rẩy.
Thật ra chàng không hề thuận lợi như vẻ bề ngoài.

Ai cũng cho rằng cuộc đời Yên vương xuôi chèo mát mái, biết phục thiện, biết lắng nghe, công trạng rạng rỡ từ sau khi đăng cơ.

Nhưng mấy ai biết sau vầng hào quang đó ẩn chứa bao nhiêu nguy hiểm một mất một còn.
Chàng từng phẫn nộ vô số lần, cũng từng băn khoăn vô số lần, đôi tay run rẩy siết thành nắm đấm, nhưng cuối cùng không thể không ép bản thân từ từ buông ra.
Hai mươi hai năm qua, những thứ chàng mất đi nhiều không kể xiết.

Mỗi lần như thế chàng chỉ có thể lặng nhìn, tự mình gánh chịu.

Nhưng lần này, vận mệnh mở to đôi mắt đỏ ngầu, nở nụ cười giễu cợt với chàng như thể đang nói...
Sống lại lần nữa đi.
Chẳng phải ngươi khoác lác là bướm có thể phá kén trùng sinh lần thứ hai sao? Vậy thì, thêm một lần nữa đi.
Chương Hoa bỗng ngước mắt hỏi: "Phía bên Tiểu Nhã chuẩn bị xong rồi à?"
"Vâng ạ.

Thuỷ quân ở ba nơi Tân Châu, Ẩn Châu, Ương Châu đã tập hợp xong, chỉ còn chờ lệnh." Nói đoạn, Cát Tường hơi ngập ngừng, "Nhưng mà...!Lúc thái phó còn tại thế có nói "Dứt đao thành võ(*), Đại Yên chúng ta thật sự phải chủ động khơi mào chiến sự ạ?"
(*) Một câu thành ngữ có nguồn gốc từ Tả Truyện, ý nghĩa là có thể làm chấm dứt đao thương mới là võ công thật thụ.
"Chủ động?" Ánh mắt Chương Hoa trở nên lạnh lẽo, "Ngươi sai rồi, chiến sự đã nổ ra, chúng ta nhập cuộc trong thế bị động."

Theo như Như Ý quan sát thấy, sau khi Yên vương trở về từ Trình cung, tâm trạng của chàng tuy không tốt mấy nhưng tinh thần rất phấn chấn, đôi mắt sáng đến lạ, còn gặp riêng mấy tốp người liền.
Về việc bệ hạ đang làm gì thì hắn chẳng biết, hay nói cách khác Như Ý không tham dự vào.
Mặc dù là huynh đệ song sinh nhưng luận về thể lực hay trí lực thì Cát Tường đều chiếm sạch từ trong bụng mẹ rồi.

Như Ý học chữ hay tập võ đều thua xa đệ đệ, lâu dần hắn cũng đành cam chịu.

Luyện võ mệt muốn chết, nắng cháy da, mưa gió không nghỉ, ngủ thì không đủ giấc.

Đọc sách cũng mệt biết mấy, nhạt nhẽo vô vị, toàn lim dim muốn ngủ, đau đầu nhức óc mà cũng chẳng ngủ đủ giấc.

Hắn là hoạn quan, đời này phong hoa tuyệt đại, kiến công lập nghiệp thì có tác dụng gì, chi bằng sống vui vẻ cho hiện tại.
Mà Yên vương cũng không cần trí tuệ và vũ lực của hắn, hầu hết thời gian hắn bên cạnh bệ hạ chỉ để mua vui cho ngài.

Đứng từ một góc độ khác suy nghĩ thì sự khác biệt giữa hắn và bướm chính là hắn biết nói chuyện còn bướm thì không.
Thế nhưng Như Ý rất sùng bái Yên vương.

Trong mắt hắn chẳng có quân vương nào vừa anh tuấn thần võ vừa thân thiện hiền hoà như Chương Hoa.

Năm đó, lệnh cấm mua bán người vừa ra, hắn đứng trên đại điện trước mặt bao văn võ bá quan bật khóc nức nở.
Hắn và Cát Tường là huynh đệ song sinh, mẹ qua đời vì khó sinh, cha thì cưới vợ khác.


Năm hắn năm tuổi, cha bệnh chết, mẹ kế bán hai người vào cung làm thái giám.

Mặc dù sau này hắn và Cát Tường có bát tự hợp nên được thái thượng hoàng chọn trúng, theo hầu bên cạnh Chương Hoa, nhận được ân sủng vô ngần, nhưng thân thể khiếm khuyết vẫn là nỗi tiếc nuối cả đời.

Đáng tiếc, sau khi họ bị bán vào cung không lâu thì mẹ kế cũng bệnh chết rồi, muốn báo thù mà chẳng có ai để báo.
Nếu điều "Trẻ em dưới mười tuổi, bất kể cha mẹ có tự nguyện hay không đều xem là tội" trong sắc lệnh được ban hành vào lúc đó thì tốt biết mấy nhỉ.
Như Ý đứng trên điện khóc không thành tiếng làm các đại thần bên dưới phải dừng nghị sự, ngượng nghịu nhìn hắn khóc.
Lúc có đại thần đề nghị "Hay là mời Như Ý công công ra sau điện nghỉ ngơi", Chương Hoa cười nói: "Chỉ thế mà không nhìn tiếp được nữa à? Hắn còn có thể đứng đây khóc cho các vị ái khanh xem, ngoài kia biết bao nhiêu đứa trẻ bị bán có khóc gào kêu trời kêu đất cũng chẳng ai nghe.

Chư vị ái khanh, đã đến lúc nhìn cho kỹ, nghe cho rõ tiếng khóc của chúng rồi."
Khi đó biểu cảm của các đại thần thật muôn hình muôn vẻ, đặc sắc lắm kìa.
Sau khi bãi triều, Như Ý bày tỏ lòng cảm kích với Yên vương nhưng Chương Hoa hơi thương xót nhìn hắn, thấp giọng hỏi: "Ngươi chỉ cho rằng mẹ kế vô lương tâm mới khiến ngươi rơi vào bước đường này, thế tại sao không trách hoàng gia biến người thành thái giám?"
Như Ý sững sờ, mở to mắt khó hiểu nhìn chàng: "Nhưng mà, chả phải cần người thật sạch sẽ để hầu hạ thái hậu và các nương nương trong hậu cung ư?"
Chương Hoa nghe vậy không khỏi buồn cười, một lúc sau, chàng vỗ vỗ đầu hắn nói: "Đi chơi đi."
Như Ý nhìn Cát Tường lẳng lặng đi theo từ nãy đến giờ một cái rồi lắc lắc đầu, vứt hết những chuyện khó hiểu ra sau đầu, tung tăng chạy đi chơi.
Có rất nhiều chuyện hắn không hiểu, rất nhiều chuyện cũng không muốn hiểu.

Đứng từ góc độ nào đó mà nói, tâm phúc mà Chương Hoa thật sự tin tưởng chỉ có Cát Tường, hắn chỉ hưởng ké hào quang của đệ đệ thôi.

Nhưng có đôi lúc Như Ý cảm thấy hắn hiểu cảm xúc buồn vui giận dữ của Chương Hoa hơn Cát Tường.

Ví như lúc này, Chương Hoa nhận được một bức mật thư, chàng nổi trận lôi đình.

Tuy rằng trên mặt chàng không có biểu cảm gì cả.
Nhưng Như Ý biết bệ hạ đang giận lắm.
Chương Hoa đưa lá thư lên ngọn đèn đốt trụi, đến khi mật thư đã hoá thành tro chàng đứng dậy nghiêm nghị nói: "Thông báo với Thiên Ngưu Vệ, hành động."
Cát Tường lập tức tuân lệnh rời đi.
Như Ý như động vật nhỏ có trực giác bẩm sinh, hắn cảm nhận được mưa gió sắp đến, bất giác nín thở, đôi mắt to chớp chớp nhìn Chương Hoa.
Chương Hoa đứng bên trường kỷ hồi lâu rồi quay đầu nhìn hắn: "Sợ à?"
Như Ý bất giác gật gật đầu.
"Sợ cái gì?"
Như Ý cắn môi đáp: "Bởi vì...!bệ hạ...!đang sợ..."
Ánh mắt Chương Hoa loé lên, chàng thở dài: "Ngươi nói đúng.

Trẫm đang sợ, bởi vì...!cung nữ của Trình vương cầu xin trẫm cứu ông ta nhưng khi Thiên Ngưu Vệ lẻn vào hoàng cung thám thính thì Trình vương mất tích rồi."
"Trình vương mất tích? Ai? Ai mà to gan như thế?"
"Ngoài mặt có vẻ là tam hoàng tử Di Phi, nhưng theo ám vệ hồi báo, giữa đường có một thế lực khác xuất hiện bắt Trình vương đi."
"Vậy là bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ theo sau?" Như Ý ngỡ ngàng, "Thế chim sẻ đó bắt Trình vương đi đâu rồi?"
"Không biết."
"Vậy, vậy chúng ta làm sao đây ạ?"
"Chúng ta phải đi rồi." Chương Hoa cầm tay nải của mình lên.
Như Ý sửng sốt: "Á?"
"Trước khi đi trẫm đã lệnh cho thuỷ quân của Tân Châu và Ương Châu vào Mê Tân Hải, bây giờ bọn họ đã đến eo biển Trường Đao, bao vây Lô Loan từ hai hướng Tây Bắc, một canh giờ sau sẽ đụng độ đội binh của Trình quốc ở trên biển.

Lúc này không đi thì lát nữa chẳng đi được nữa."

Như Ý chạy đuổi theo bước chân của Chương Hoa: "Nhưng, nhưng mà bệ hạ, Tạ, Tạ Trường Yến còn chưa biết tung tích mà!"
"Nếu tra không ra tung tích của nàng ấy vậy thì ép chúng để nàng ấy lộ diện." Chương Hoa nhếch môi, chầm chậm nói, "Bị động trong tối không phải là tác phong làm việc của trẫm."
Như Ý nghe hiểu rồi, bệ hạ muốn dùng thuỷ quân thị uy với Trình, bấy giờ Tạ Trường Yến là con tin tốt nhất, kẻ bắt nàng sẽ chủ động đưa nàng ra để bàn điều kiện với bệ hạ.

Mặc dù ra quân ồ ạt nhưng không mất thế nhanh gọn dứt khoát.

Dẫu sao, Trình quốc hiện nay loạn như đống cát, thời điểm loạn nhất cũng là thời cơ tốt nhất.
Hai người lên xe ngựa, Như Ý nhảy lên càng xe, lấy găng tay ra theo thói quen nhưng sực nhớ bây giờ là lúc nào rồi mà còn chỉnh chu, hắn đương định cất vào thì nghe Chương Hoa nói: "Đeo lên đi.

Nhớ lấy, chúng ta chỉ đi dạo, không có gì khác ngày thường."
Như Ý vui vẻ đeo găng tay vào, cầm roi đánh xe, cho xe xuất phát.
Hôm nay là mùng bảy tháng sáu, ngày thứ tư họ đến Lô Loan.

Trời sắp sửa tối, gió biển mang theo hương vị mằn mặn, tầng mây trôi rất thấp, trên mặt của những người đi đường như bị phủ một lớp bụi, trông vô cùng ảm đạm.
Như Ý đánh xe đi lòng vòng theo sự chỉ dẫn của Chương Hoa, từ từ hướng về bến cảng.

Nửa canh giờ sau, bến cảng đã gần ngay trước mắt, lúc Như Ý đang mừng thầm định tăng tốc thì có hai người áo đen bất chợt nhảy ra từ tảng đá bên đường.

Hai người nọ quỳ một gối xuống đất, chắp tay hành lễ, cũng chặn ngang đường đi của họ.
Như Ý vội vàng ghìm cương ngựa, nhướn mày quát: "To gan! Các ngươi là ai, dám..."
Lời nói được một nửa thì bỗng im bặt.
Bởi vì hắn nhìn thấy thứ trên tay của người áo đen, đó là một tấm danh thiếp, phía dưới góc phải của tờ giấy màu tím khảm bạc vẽ một hình bạch trạch.
Bạch trạch!.