Họa Quốc - Thức Yến

Chương 91: 91




Thằng bé nghe thế mới bỏ đi.

Thiếu nữ trẻ phàn nàn: "Lần nào Liễu Đình Đình cũng vậy, ỷ mình là con gái trưởng thôn, chuyện to chuyện nhỏ gì cũng ôm vào người, nước tới chân làm chưa xong thì hớt hải chia cho người ta.

Làm không tốt còn chửi người ta vô dụng, tức ghê!"
Cô gái lớn tuổi hơn tay chân bất tiện, tách chỉ hơi chậm, nghe vậy cười nói: "Không sao, đến lúc Hỷ Chu(*) thắng một trận thật lớn cho nàng ta tức chết."
(*) Xem nhện dệt tơ, một phong tục xưa vào ngày Thất tịch.
Thiếu nữ mừng rỡ: "Đúng vậy! Nói đi cũng phải nói lại, A Yến tỷ giỏi quá, sao tỷ biết làm vậy thì tơ nhện nhả sẽ dày hơn vậy?"
Nghi quốc nổi tiếng về sản xuất tơ lụa, thôn Liễu Nha giáp biển có biệt danh là "quê hương của Chức Nữ", cống phẩm "mặc cẩm" của Nghi quốc xuất xứ từ đây.

Thôn nhỏ hơn trăm hộ, nhà nhà đều có tay nghề thêu thùa, nên vô cùng xem trọng lễ Xảo Tiết.

Mùng bảy tháng bảy mỗi năm, một chuỗi lễ mừng như xỏ kim thêu thùa, nhện dệt tơ, bái Chức Nữ Ngưu Lang tuyệt đối không thể làm qua loa.
Trong đó, xỏ kim thêu thùa là các cô nương sẽ ngồi xếp hàng trên đài, xỏ chỉ ngũ sắc xuyên qua kim chín lỗ dưới ánh trăng, ai nhanh nhất sẽ là "Xảo Nương" của năm đó.
Nhện dệt tơ là mỗi nhà sẽ bắt nhện bỏ vào trong hộp, đợi đến trời sáng, nhện nhà ai dệt tơ nhiều nhất thì người đó là "Chức Nương" của năm đó.
Ai được làm Xảo Nương và Chức Nương, đi ra đường như đi trên gió, cực kỳ đáng tự hào.
 
Hỷ Chu năm nào cũng so tài, nhện dệt tơ ai thắng phần lớn phải xem vận may của người đó.

Liễu Khê thật sự không ngờ có người không nhờ vào vận may, bắt ba con nhện, nhốt trong ba chiếc hộp, sau khi mở ra, cả ba hộp đều giăng kín tơ.
Người này chính là A Yên gặp nạn trên biển với trượng phu rồi trôi dạt đến thôn Liễu Nha.
Liễu Khê còn nhớ hôm ấy trời mới hừng sáng, nàng ấy theo cha ra biển mò rong biển.


Rong chưa mò được cọng nào mà thuyền đụng phải một chiếc hòm to.
Chiếc hòm răng rắc một tiếng, một cánh cửa lưu ly nhỏ mở ra, bên trong, một cô gái tóc tai rối bù còn bị thương mở to đôi mắt đen nhánh đánh giá hai người, hồi sau mới thở phào: "Tạ trời tạ đất, cuối cùng cũng gặp được người rồi."
Cha mắc dây thừng lên hòm rồi buộc lên đuôi thuyền nhà mình, kéo về bờ.
Dưới sự hướng dẫn của cô gái đó, bọn họ tốn biết bao sức lực, chặt gãy ba cây búa mới mở hòm ra được.
Bấy giờ mới nhận ra trong hòm còn một người nữa.
Một nam một nữ, cô gái có thể đi lại nhưng vai bị trọng thương.

Chàng trai kia bị thương ở tim, sốt cao hôn mê bất tỉnh.
Cha nói không biết hai người này ở trong hòm trôi dạt bao lâu rồi, làm sao sống sót.

Tóm lại, mời đại phu đến xem thì bảo A Yến không sao, dưỡng thương đôi bữa là khỏi.

Nhưng vết thương của chàng trai kia kéo dài quá lâu, mặc dù đã khép miệng nhưng người vẫn còn hôn mê.

Đại phu bó tay hết cách, nói chỉ có thể nghe ý trời thôi.
Thế là hai người A Yến ở lại nhà nàng ấy.

Trong hòm ngoài khung cửa lưu ly to chừng cái bát thì không có bất cứ món gì đáng tiền, lưu ly đem cầm đổi tiền mời đại phu cũng hết sạch rồi.

A Yến thấy rất áy náy, muốn làm việc trả nợ nhưng tay nàng bị thương thì làm gì được?
Thời trẻ cha ra Nam vào Bắc làm ăn một khoảng thời gian, rất có mắt nhìn người.

Ông ấy nói với Liễu Khê hai người này không giàu thì cũng sang, e là gặp phải biến cố gì lớn mới lưu lạc đến thôn Liễu Nha.

Giữ họ lại là phúc lớn nhưng cũng là tai hoạ.
Cha do dự cả đêm, cuối cùng dẫn nàng ấy ra mộ mẹ đốt ba nén hương, cầu xin mẹ nàng phù hộ.

Cuối cùng vẫn chịu giữ lại hai người họ, dặn dò nàng ấy chớ nói nhiều với người ngoài, cứ nói là họ hàng xa đến xin tá túc.
"Con nhìn thấy đôi mắt của cô nương đó không?" Cha nói với nàng ấy, "Đôi mắt rất linh động.

Con tiếp xúc nhiều với cô ấy, không có hại."
Cứ thế, thấy lễ Xảo Tiết sắp đến, nàng ấy đi bắt nhện, lúc sợ run cầm cập thì A Yến ló đầu từ ngoài tường vào hỏi: "Muội đang làm gì thế?"
Sau khi biết phong tục Hỷ Chu, A Yến nói: "Con này e là không được."
Tại sao chứ? Nàng ấy không phục.

Nắp hộp còn chưa đóng mà trù ẻo nàng ấy rồi, Liễu Khê hơi tức giận.
Kết quả ngày hôm sau mở hộp ra, bên trong chỉ có một sợi tơ.
Liễu Khê lập tức ôm hộp đi tìm A Yến.

A Yến đang lau mặt cho người đàn ông kia, nàng ấy nhòm một cái, á, mặt đẹp thật, còn anh tuấn hơn Trương đại ca ở thôn đông nữa.
Thảo nào A Yến không rời hắn nửa bước.
Liễu Khê lẩm bẩm trong bụng mấy câu rồi mặt dày đi qua thỉnh giáo A Yến.


A Yến đắp chăn cho người nọ rồi nháy mắt nói: "Đi nào, chúng ta đi bắt nhện."
Tay A Yến bất tiện nên nàng ấy chỉ đành tự mình bắt, làm nàng ấy sợ đến mức la ỏm tỏi.

Cuối cùng, đến lúc trời tối mịt thì bắt đủ ba con.

Ngày hôm sau mở hộp ra, bên trong giăng đầy tơ nhện.
"Rốt cuộc là sao vậy?" Liễu Khê sửng sốt.
A Yến mím môi cười: "Đơn giản thôi.

Con muội bắt hôm trước là nhện Trường Vũ (*), không thích nhả tơ, dùng vài sợi tơ dính là bắt được.

Còn ba con này là nhện thợ dệt quả cầu, thường nhả tơ hình cầu.

Còn nữa, nhện thích nơi có gió, phải khoét vài lỗ nhỏ trên hộp đặt trước gió, chúng sẽ dệt tơ nhanh hơn."
(*) Một loại nhện có tên khoa học là Miagrammopes oblongus, tui cũng không biết có tên tiếng Việt không mà nếu có thì tên là gì nên tui để phiên âm Hán Việt luôn.
A Yến ngỡ ngàng nhìn cô nương cao ráo trông không lớn hơn mình mấy tuổi: "A Yến, tỷ biết nhiều thật đó."
Mấy ngày sau, vết thương trên vai A Yến tốt hơn một chút bèn viết một bức thư, trong thư hình như còn kẹp một nhánh lông hạc, nhờ cha nàng ấy lên huyện bán hàng thì gửi đi.

Kết quả tín sứ ở bưu dịch nhìn thấy địa chỉ nhận thư thì đòi ba xấp vải lụa.

Cha không có nhiều vải như thế, chỉ đành mang thư về.
Hôm đó A Yến ngồi trên bãi biển suốt cả đêm.
Sáng hôm sau, nàng hỏi có cách nào kiếm tiền không.

Kiếm tiền à? Thêu hoa đi.

A Yến nói nàng không biết thêu hoa.

Vậy vẽ nét hoa thôi cũng được.


Một nét hoa mới giá ba văn tiền, nàng muốn gom đủ ba xấp vải phải vẽ không dưới ngàn bức.
Khi ấy A Yến đập đầu lên tường mấy cái, cuối cùng đi lay người đàn ông của nàng, lẩm bẩm: "Ngài mau tỉnh lại đi mà, một mình ta không ứng phó nổi..."
Liễu Khê nghĩ, đúng đó, người đàn ông đó mà cứ bệnh mãi không tỉnh như vậy thì dù có đẹp cỡ nào cũng thành phiền toái thôi, chi bằng thăng thiên sớm còn tốt hơn.
Chớp mắt đã đến lễ Xảo Tiết.

Tay A Yến vẫn chưa khỏi hẳn, ba ngày mới vẽ xong một dáng hoa, trông còn xiên xiên vẹo vẹo nữa.

Nàng thở dài, mặc kệ, bỏ qua tách sợi với Liễu Khê.
Một khắc sau, sợi tách xong, trời cũng sắp tối rồi.

Liễu Khê ôm hộp chuẩn bị đi, nói: "Tỷ cũng đi với ta đi, chiêm ngưỡng lễ Xảo Tiết ở đây của bọn ta, đảm bảo náo nhiệt hơn bất cứ đâu."
"Ta cũng muốn đi.

Nhưng mà..." Ánh mắt A Yến nhìn vào trong phòng.
"Cha ta ở nhà, sẽ giúp tỷ trông coi huynh ấy mà.

Đi thôi đi thôi, đi xem ta thắng giải Chức Nương mang về nè!" Liễu Khê kéo A Yến ra ngoài.
Khắp thôn xóm giăng đèn rực rỡ, ánh muôn sắc màu lên mặt đất.
A Yến nhìn dòng người đi góp vui mà không khỏi cảm khái trong lòng: đây là Nghi quốc, đáng lẽ là trạm cuối cùng trong kế hoạch du ký của nàng.

Ai ngờ trời xui đất khiến lại trôi dạt đến nơi này, người không một văn tiền, hành động bất tiện, đến tiền gửi thư cũng không có.
Người này đương nhiên là Tạ Trường Yến gặp đại nạn không chết..