Hồng Bào Quái Nhân

Chương 29: Trước tiểu miếu quần hùng tụ hội



Du Hữu Lượng đi gần tới chùa, bỗng nghe bên trong có tiếng người thở.

Chàng chú ý lắng tai không khỏi giật mình kinh hãi, vì tiếng hô hấp này tuy rất nhỏ mà tựa hồ như sấm động, vậy nội lực người đó vào hạng hiếm có trên thế gian. Chàng trầm ngâm một chút, không dám đường đột tiến vào.

Tiếng hô hấp liên miên không dứt, chàng nghe kỹ lại rồi phát giác ra không phải chỉ có một người, nên chàng kinh hãi hơn, tự hỏi:

- Ở nơi hoang dã này mà sao trong một đêm mình gặp nhiều cao thủ như vậy?

Chàng còn đang ngẫm nghĩ thì đột nhiên một thanh âm dõng dạc cất lên:

- Đạo huynh! Lão tăng vận khí mấy lần mà không đề tụ lại được. Câu chuyện bữa nay, bốn môn phái lớn trong thiên hạ... hỡi ơi...!

Thanh âm khác cất lên:

- Đã biết cái trái thì giữa lấy cái phải. Đã biết cái đen thì giữ lấy cái trắng.

Biết đường vinh nhục thường khi phải chết vì đạo. Chết cũng không để ý là tới Thái Cực.

Lão đọc một cách hòa bình mà thanh âm truyền đi rất xa.

Trong chùa trở lại yên lặng hồi lâu rồi thanh âm khàn khàn của lão già cất lên:

- Vô Vi đạo trưởng! Đạo trưởng đã khôi phục thần công rồi ư?

Người đọc mấy câu vừa rồi chính là Vô Vi đạo trưởng. Đạo trưởng thở dài đáp:

- Bần đạo khác nào ngọn đèn hết dầu, lại vọng động nội lực, độc tố càng phát tác mau lẹ. Đúng là uống nước muối cho đỡ khác. Còn Lâm huynh thì sao?

Lão kia đáp:

- Không ngờ môn phái Điểm Thương đến bần tăng là hết. Thiên Thủ kiếm pháp không có truyền nhân nữa.

Du Hữu Lượng cơ hồ không tin ở tai mình. Chàng tự hỏi:

- Phải chăng Vô Vi đạo trưởng chính là một vị đại hiệp ở chốn cửa Không đã lừng danh thiên hạ. Còn Thiên Thủ Kiếm kia có phải là cao nhân kiếm thuật thông thân chăng? Bao nhiêu cao thủ tụ tập với nhau một chỗ là một chuyện lạ trong võ lâm. Lạ hơn nữa là sao còn có người ám toán bọn họ?

Du Hữu Lượng muốn vào trong chùa thì đột nhiên có tiếng la:

- Hồng y lão ma hạ độc thủ ám toán bọn ta. Chỉ mong sao lúc còn hơi thở này đánh liều mạng với hắn mấy chưởng.

Người nói trước lại lên tiếng:

- A Di Đà Phật! Thần công của Thiết thí chủ dĩ nhiên lão ma kia đã biết rõ.

Sở dĩ hắn muốn đến chậm là có ý chờ cho chất độc phát tác làm tiêu tan công lực rồi mới đến hạ thủ.

Lão họ Thiết liền cất tiếng thóa mạ:

- Lão ma đó tự coi mình là một vị tôn chủ mà con mẹ nó lại thất tín. Thật không bằng quân chó ngựa.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

- Ta từng nghe Thiết Thị Song Hiệp bao giờ cũng đi liền với nhau. Chắc hai người đều ở cả đây.

Lại nghe Vô Vi đạo trưởng thở dài nói:

- Bần đạo đã sáu mươi tuổi, sống chết chẳng có chi đáng tiếc. Nhưng tên tiểu đồ của bần đạo tư chất thông tuệ, bần đạo muốn truyền thụ hết những điều sở học cho gã, mong gã trở nên người hùng của phái Võ Đương. Ngờ đâu nay gặp nạn này. Hỡi ơi! Đó là thiên số, còn biết nói sao?

Du Hữu Lượng có mang theo viên Hùng Hoàng Châu, chàng không nhẫn nại được nữa, liền tiến vào tòa phá miều thì thấy cả tăng, đạo tục năm người đang ngồi xếp bằng. Người nào cũng khí thế khác thường, cử chỉ ra vẻ một vị tôn chủ.

Năm người kia thấy chàng đều giựt mình kinh hãi nhưng rồi bình tĩnh lại ngay.

Du Hữu Lượng liền lấy viên Hùng Hoàng Châu ra nói:

- Thưa các vị lão tiền bối. Đây là viên Hùng Hoàng Châu ngàn năm, một vật chí bảo để giải độc của tiểu nhân.

Lão tăng ngồi chính giữa lắc đầu đáp:

- Trái Hùng Hoàng Châu này tuy là vật chí bảo để giải độc, nhưng độc dược của lão ma chẳng phải chỉ có một độc tố mà là mấy chục thứ hợp lại. Cần phải phân tích đạo lý tương khắc mới chế thuốc hóa giải được hết.

Du Hữu Lượng không tin nói:

- Đại sư hãy thử vận công đồng thời ngậm trái châu này trong miệng xem có công hiệu gì chăng?

Lão tăng cười ruồi nhưng thấy vẻ mặt thành khẩn của Du Hữu Lượng cũng thò tay ra đón lấy trái Hùng Hoàng Châu bỏ vào miệng ngậm. Lão nhắm mắt lại vận công. Trên đầu có luồng hơi trắng bốc lên. Sau một lúc lão nhả trái Hùng Hoàng ra, lắc đầu không nói gì.

Du Hữu Lượng thấy Hùng Hoàng Châu vô hiệu thì trong lòng nóng nẩy không biết làm thế nào.

Nhà sư già cất giọng ôn hòa nói:

- Tiểu thí chủ! Thí chủ hãy mau mau dời khỏi nơi này, hễ chậm trễ là gặp tai họa đó.

Ngày ấy Du Hữu Lượng huyết khí cương cường lắc đầu đáp:

- Người nào mà đê hèn như vậy? Vãn bối muốn gặp họ xem sao?

Lão tăng hỏi:

- Võ công của tiểu thí chủ tuy cao thâm, nhưng năm người bọn lão tăng còn bị hắn kiềm chết thì thí chủ có ở lại đây cũng chẳng ích gì.

Chàng biết lão tăng nói đúng. Huống chi mình còn mang mối huyết hải thâm cừu. Chàng trầm ngâm một chút rồi hỏi ; - Các vị tiền bối có điều chi dặn bảo, vãn bối xin hết sức.

Vô Vi đạo trưởng bỗng lên tiếng:

- Tiểu thí chủ! Bần đạo coi cặp mắt trong sáng của thí chủ biết là nội công rất cao thâm. Xin tiểu thí chủ cho hay sư thừa là ai?

Du Hữu Lượng bột miệng đáp:

- Sư thừa của tiểu nhân là Đại Thiền Tông ở chùa Thiên Long bên Tây Vực.

Vô Vi đạo trưởng cất tiếng run run nói:

- Trời chưa muốn tuyệt phái Võ Đang. Tiểu thí chủ! Bần đạo thỉnh cầu việc này rất khó khăn. Mong rằng thí chủ vì nể tổ sư của tệ phái mà ráng làm cho.

Du Hữu Lượng thấy đạo trưởng nói bằng một giọng khẩn thiết liền đáp:

- Đạo trưởng có điều chi xin cứ sai bảo, vãn bối xin hết sức.

Vô Vi đạo trưởng cả mừng nói:

- Bần đạo muốn truyền cho thí chủ môn Thái Ất Thần Công là một tâm pháp vô thượng của phái Võ Đương.

Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình thịch. Nguyên môn Thái Ất Thần Công là một khí công tối cao ở Huyền Môn. Sau hi luyện thành môn này thì vật gì cứng rắn đến đâu cũng đập võ tan.

Bỗng Vô Vi đạo trưởng quỳ xuống đất mặc niệm một hồi rồi nỗi vui mừng lộ ra ngoài mặt. Lão nói:

- Hài tử! Ngươi lại đây. Yếu quyết của thần công này hoàn toàn ở chỗ vận khí.

Lão chưa dứt lời, Thiết Thị huynh đệ ở phái Thiên Sơn đã lên tiếng:

- Đạo trưởng hãy khoan! Thần công của phái Thiên Sơn cũng không nên để vì anh em tại hạ mà tuyệt diệt.

Thiên Thủ kiếm Lâm lão gia ở phái Điểm Thương cũng nói:

- Tuyệt nghệ của phái Điểm Thương hoàn toàn trông vào lão đệ để kế tiếp.

Trong lúc nhất thời chưởng môn bốn phái lớn trong thiên hạ tranh nhau truyền tuyệt công cho Du Hữu Lượng. Những người đã luyện võ rồi chỉ cần nghe chỉ điểm một lúc là có thể hiểu được vài môn tuyệt kỹ, suốt đời thu dụng không hết. Đó là một điều mà người thường cầu còn chưa được. Đằng này Du Hữu Lượng lại được người ta yêu cầu mình học lấy đặng truyền lại về sau. Cuộc kỳ ngộ của chàng thật là hãn hữu.

Bốn vị chưởng môn bàn định hồi lâu rồi Vô Vi đạo trưởng truyền Võ Đương Thần Công trước tiên cho Du Hữu Lượng. Trong vòng một giờ chàng đã lĩnh hội những yết quyết về vận khí thần công nhưng chưa nhập tâm thì mọi người kia đã thúc giục khiến chàng phải miễn cưỡng nhớ lấy.

Thiên Thủ kiếm pháp của phái Điểm Thương thật ảo diệu vô cùng. Vận kiếm được trúng cách là thành bản lãnh phi thường. Du Hữu Lượng lại gắng gượng nhập tâm, tuy chưa được đến chỗ tinh vi nhưng mười phần có đến năm, sáu là không sai trật. Chành định để về sau có thời gian sẽ từ từ tham luyện thêm những điều sở học.

Công phu của Thiết Thị huynh đệ cũng không phải tầm thường. Bây giờ Du Hữu Lượng mới phát giác ra nguyên nhân tại sao mà họ Thiết oai danh lừng lẫy mấy trăm năm cả hai mặt Nam Bắc. Nhưng công phu này khác hẳn võ học ở Trung Nguyên, may mà chàng đã luyện võ học của Đại Thiền Tông ở Tây Phương nên cũng gắng gượng ghi nhớ được.

Phù Vân đại sư ở phái Côn Luân truyền thụ cho chàng Bích Ngọc Sạn Pháp.

Thời gian lặng lẽ trôi, bất giác trời đã hoàng hôn. Lúc này chất độc đã xâm nhập vào nội tạng mọi người. Ai nấy đành miễn cưỡng dùng nội công của mình để chống đỡ.

Đại sư miệng nói tay chỉ. Du Hữu Lượng thấy đại sư trán toát mồ hôi, trong lòng rất áy náy, nhưng chàng biết rõ tâm lý của lão nên phải cố gắng học tập.

Đại sư vừa dạy xong một lượt thì đột nhiên có tiếng bước chân từ đằng xa vọng lại.

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần. Phù Vân đại sư tay cầm ngọc sạn, cặp mắt ngưng thần nhìn chàng nói:

- Tiểu thí chủ! Sau này thí chủ sẽ trở thành một nhân vật chí tôn trong võ lâm. Vậy thí chủ lúc nào cũng nhớ bảo trọng lấy tấm thân.

Du Hữu Lượng đột nhiên học được những công phu tối thượng, chàng cảm thấy trong lòng rạo rực, những muốn thử coi.

Vô Vi đạo trưởng quát lên:

- Ngươi mình mang trọng trách của võ lâm, mà bữa nay lại muốn sánh cùng cái mạng của kẻ thất phu. Há chẳng làm uổng phí một phen tâm huyết của bần đạo?

Du Hữu Lượng lẩm bẩm gật đầu rồi vọt qua cửa sổ chuồn đi.

Lòng chàng bâng khuâng, không biết hành động ra làm sao.

Chàng đi được một lúc thì trong chùa vang lên những tiếng lắc rắc, liền biết là các vị tiền bối đang tán công tụ khí chuẩn bị một cuộc liều mạng tối hậu.

Du Hữu Lượng đã hiểu nỗi đau khổ về lúc tán công, nhất là công lực của cao nhân lại càng thê thảm vô cùng. Chàng nghĩ tới cái ơn giáo dục của các vị bất giác sa lệ.

Sau chàng không nhẫn nại được lại quay trở về. Chàng vừa nhảy vào phòng thì thấy Vô Vi đạo trưởng mắt chiếu ra những tia hối tiếc. Các vị tiền bối kia cũng lộ vẻ phẫn nộ ra ngoài mặt. Điều khiến cho người đau xót nhất và vẻ mặt thất vọng của các vị.

Du Hữu Lượng cũng phát giác ra mình đã làm một điều lầm lỡ lớn nhất trong đời người, nhưng chàng cũng không hối hận, nguyện ý cùng chết thì thôi, chứ không muốn bỏ đi.

Du Hữu Lượng ngưng thần để chờ địch nhân. Bỗng ánh mắt chàng đụng phải mục quang Vô Vi đạo trưởng.

Đạo trưởng khẽ nói:

- Tiểu thí chủ là người giầu tình cảm, nhưng bữa nay muốn cùng chết với bần dạo thì có ý nghĩa gì không? Nói lắm cũng bằng vô ích. Đấng cao xanh kia. Đạo ta suy mất rồi.

Lão nói một cách hòa bình, nhưng in vào óc chàng từng chữ một. Chàng biết đạo trưởng dốc lòng truyền đạo Huyền Công để truyền lại đời sau, lòng chàng chấn động, chợt tỉnh ngộ ngay.

Lại nghe tiếng bước chân mỗi lúc một gần, liền thở phào một cái nhắm mắt lại, vận động quy tức công.

Sau khi vận công rồi, những cái bên ngoài không nghe hay không trông thấy nữa.

Chẳng biết thời gian trôi qua đã bao lâu, chàng cảm thấy trước ngực phía nách đau nhói lên rồi không biết gì nữa.

Lần này chàng vận công lâu nhất trong đời người. Khi chàng hồi tỉnh, trông sao trên trời thì đêm đã sang canh ba.

Chàng cảm thấy thân thể giá lạnh, miệng lại khát nước. Dưới nách chàng đau quá không giơ lên được, liền cúi xuống nhìn thì thấy quần áo đẫm máu. Máu ra nhiều như vậy, trách nào chàng chẳng khát nước.

Du Hữu Lượng nhìn vết thương dưới nách, thấy sâu đến bốn, năm tấc. Chàng gắng gượng buộc lại rồi lồm cồm bò dậy thì thấy trong miếu người nằm ngổn ngang. Năm vị đại cao thủ nhất đời trong võ lâm đều chết cả rồi.

Chàng vừa đau thương vừa phẫn nộ, gắng gượng ra ngoài vốc nước khe uống.

Chàng biết chẳng thể chần chờ ở lại đây, nhưng cũng không thể để thi hài năm vị ân sư bộc lộ ngoài hoang dã. May ở chỗ là người chàng khỏe mạnh, sau khi uống nước lạnh tinh thần tỉnh táo lại ngay. Chàng liền cầm cây Bích Ngọc Sạn của Thiên Sư khoét năm cái huyệt để mai táng.

Chàng lại chặt một khúc cây viết chữ vào:

"Đây là nơi mai táng hài cốt của năm vị đại tôn chủ trong thiên hạ".

Mai táng năm vị ân sư xong, Du Hữu Lượng đau đớn không bút nào tả xiết.

Nhưng nghĩ tới mối thù, chàng càng sáng suốt hơn bao giờ hết. Chàng thở phào một cái lẩm bẩm:

- Bây giờ không thể lưu luyến nơi đây được nữa.

Chàng ôm thương thế ra đi, bụng bảo dạ:

- Con người đã hạ thủ nhất định người ta chưa chết hắn mới bồi thêm một kiếm. May mà số ta chưa hết, nhát kiếm trệch đi một chút, không thì nhát kiếm đó xuyên qua trái tim, còn sống làm sao được?

Du Hữu Lượng tìm vào một tiểu thôn, cố công rèn luyện những điều sở học.

Sau hai tháng, chẳng những thương thế chàng đã lành mạnh, võ công cũng tăng lên rất nhiều. Chàng liền cất bước lên đường.

Đây là một tin tức làm chấn động võ lâm, chàng có thể nói là đệ tử của bốn môn phái lớn.

Trời đã tối mịt. Suốt một buổi chiều hôm nay Du Hữu Lượng say sưa hồi tưởng lại những ngày máu lệ đã qua, chàng còn cảm thấy đau xót trong lòng.

Dọc đường chàng gặp Nhan Bách Ba là đồ đệ của Vô Vi đạo trưởng. Chàng tham gia cuộc đại hội Trường An, do thám ra tin tức và phát giác tông tích kẻ thù...

Du Hữu Lượng nghĩ tới đây chợt ngoài cửa có thanh âm trong trẻo cất lên hỏi:

- Trời ơi! Công tử ngủ bây lâu còn chưa đủ ư?

Du Hữu Lượng đáp:

- Tại hạ đang nghĩ cách nên đối phó thế nào. Cô nương đã nghĩ ổn thỏa chưa?

Thiếu nữ đẩy cửa vào, thấy Du Hữu Lượng vẫn ngồi ngẩn mặt ra ở trên giường, cô bực mình hỏi:

- Chúng ta cứ đi coi nhiệt náo, hễ thấy trái mắt thì động thủ chơi. Nếu không lại bỏ đi, việc gì mà phải nghĩ ngơi.

Du Hữu Lượng đáp:

- Phái Trường Bạch rất nhiều cao thủ. E rằng chúng ta muốn đến là đến, muốn đi là đi, chẳng phải chuyện dễ dàng.

Thiếu nữ hỏi:

- Công tử còn muốn người ta khiêng đi nữa chăng? Chúng ta hãy đi ăn no một bữa rồi sẽ tới đó, công tử tính sao?

Du Hữu Lượng đáp:

- Cô nương nói phải lắm. Chúng ta lại đến Đông Lai Thuận uống mấy chung cho nổi hào khí.

Thiếu nữ vui vẻ cười nói:

- Trời ơi! Bữa nào cũng đòi uống rượu. Tiểu muội không nuôi được rồi.

Du Hữu Lượng cười khanh khách đáp:

- Hiện đã có năm vạn lạng bạc đây thì ngày nào muốn say túy lúy mà chẳng được? Ha ha!

Chàng nói câu sau cùng, thiếu nữ bịt tai lại không muốn nghe. Chàng tự biết mình ăn nói không đắc thể liền cười xòa để che thẹn.

Hai người bước ra cửa toan đi. Du Hữu Lượng lại ủa một tiếng rồi nói:

- Xin cô nương ra trước. Tiểu đệ trở vào thay áo đã.

Thiếu nữ mỉm cười tặc lưỡi đáp:

- Công tử thật là lắm chuyện.

Nhưng cô nương thấy chàng trai này đã chịu nhớ lời mình cũng lấy làm đắc ý.

Du Hữu Lượng thay áo rồi, hai người sóng vai ra đi.

Du Hữu Lượng nghĩ tới cuộc ước hội của phái Trường Bạch, chàng bận tâm không nói chuyện nhiều với cô được.

Hai người đến Đông Lai Thuận ăn no ròi lại về chỗ trọ thay mặc áo chẽn, đoạn thi triển khinh công vọt đi.

Du Hữu Lượng cùng thiếu nữ tới nơi thấy thôn trang này rất tịch mịch quạnh hiu.

Trời đã gần tối, bóng hoàng hôn huyền ảo. Những vật đằng xa chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Du Hữu Lượng ngẫm nghĩ một chút rồi nói:

- Chúng ta hãy đi quanh một vòng. Chắc những người phó hội đã đến đông rồi. Nếu chạm trán họ là không tiện.

Hai người liền cất bước đi quanh qua mé hữu. Bên đường toàn bụi cây thấp.

Hai người cúi xuống mà đi, chiều trời đã tối nên người ngoài khó lòng phát giác.

Du Hữu Lượng và thiếu nữ đi một lúc thì thấy dãy nhà mé tả tới đây là hết.

Còn cách một quãng đất trống nhỏ bé là đến một tòa tiểu miếu.

Tòa tiểu miếu này chắc là nơi để cung cấp những ngày lễ tết còn ngày thường thì không hương khói, nên hai cánh cửa sơn đỏ đóng lại.

Du Hữu Lượng thò đầu ra nhìn quanh một hồi đoạn quay lại bảo thiếu nữ:

- Nếu chúng ta vào trong tiểu miếu ẩn nấp thì chắc không ai chú ý đến mà ta có thể nhìn rõ tình thế phát triển ở bên ngoài.

Thiếu nữ gật đầu.

Du Hữu Lượng lại dương mắt lên nhìn thấy bốn bề tịch mịch không một tiếng động. Chàng liền điểm chân xuống lướt mình đi. Tay mặt chàng khẽ đẩy một cái, cửa miếu mở ra liền.

Du Hữu Lượng nghiêng mình lách vào trong.

Thiếu nữ cũng vào theo.

Đột nhiên Du Hữu Lượng xoay mình như cơn gió thoảng làm cho cánh cửa sổ mé hữu rung động mãi không ngớt.

Thiếu nữ chạy lại hỏi:

- Có người phải không?

Du Hữu Lượng gật đầu. Sắc mặt chàng nghiêm nghị. Chàng ngẫm nghĩ một chút rồi từ từ khép cửa lại.

Giữa lúc ấy đột nhiên bên ngoài có tiếng người đi tới. Du Hữu Lượng vội chạy đến bên cửa sổ thì thấy một lũ người ở trong căn nhà cách đó chừng hai chục trượng từ từ đi ra.

Chàng vận hết mục lực, nhưng trời tối quá chưa nhìn được rõ.

Đoàn người mỗi lúc một gần lại, dường như họ đi về phía tiểu miếu.

Du Hữu Lượng ngơ ngác tự hỏi:

- Phải chăng vừa rồi trong miếu này trước đã có người ẩn và họ đã đi báo tin?

Chàng còn đang ngần ngừ thì mấy người đi trước đã tới nơi. Bỗng họ dừng lại, dường như khu đất trống nhỏ bé trước mặt tiểu miếu là nơi tụ hội.

Quả nhiên đoàn người từ từ đi tới đứng vây quanh khu đất trống không một tiếng động.

Bỗng thấy một người quệt lửa thắp vào cây đuốc.

Du Hữu Lượng và thiếu nữ đứng trong tiểu miếu có thể nhìn rõ toàn trường.

Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn quanh thì quả nhiên toàn là những nhân vật võ lâm, ăn mặc đủ kiểu, có già, có trẻ. Ba hán tử bị chàng cướp sâm vương bữa trước cũng ở trong đám này.

Du Hữu Lượng tự hỏi:

- Những nhân vật này đều ở phái Trường Bạch. Dường như họ còn chờ đợi gì.

Ánh lửa yếu ớt chiếu xuống mặt đất. Một lão già lối năm chục tuổi từ từ đi vào giữa trường trầm giọng nói:

- Mục đích chúng ta đến đây chắc các vị đã hiểu rồi. Mấy năm nay anh em phân tán, lưu lạc bốn phương, trong lúc nhất thời khó mà đưa tin đến các noi được.

Đó là vì lão phu bất lực.

Ba người trong đám đông đồng thanh hỏi:

- Sao trưởng lão lại nói vậy?

Trần trưởng lão thở dài đáp:

- Nếu đại ca của chưởng môn tới đây thì... hỡi ơi!... chúng ta không biết nói thế nào cho phải.

Lại một người khác trong bọn lên tiếng:

- Trần trưởng lão! Trưởng lão cứ yên tâm. Ngoài chưởng môn lão nhân già còn ai biết gốc gác chúng ta? Coi vẻ mặt của trưởng lão ra chiều lo lắng, chẳng lẽ cuộc hội họp lần này thành vô hiệu ư?

Trần trưởng lão thở phào một cái đáp:

- Chúng ta phân ly nhau lâu quá rồi. Những năm gần đây mỗi người có một chí hướng. Tình thực mà nói thì lão phu không dám quyết đoán hiện giờ trong bụng các vị nghĩ gì?

Trong đám đông có tiếng thì thào. Một người lớn tiếng hỏi:

- Trần trưởng lão! Trưởng lão nói vậy là nghĩa làm sao?

Trần trưởng lão thở dài đáp:

- Chúng ta ly tán đã lâu, ông bạn bất tất phải kêu lão phu bằng trưởng lão.

Mọi người lại xôn xao một lúc.

Du Hữu Lượng nghe tới đây, bụng bảo dạ:

- Nghe giọng lưỡi của Trần trưởng lão thì hiển nhiên lão không dám khẳng định những tin tức lượm được là chân hay giả. Lão có y hoài nghi đây là một vụ âm mưu. Hỡi ơi! Ta cũng có tiên cảm như vậy.

Chàng đưa mắt nhìn thiếu nữ thấy vẻ mặt cô vẫn thản nhiên, chẳng có chi khác lạ.

Bỗng một người lớn tiếng hô:

- Trần trưởng lão! Trần trưởng lão! Có người tới đó.

Trần trưởng lão giật mình. Dưới ánh lửa phập phù, lão ngó thấy từ đằng xa một bóng người đang chuyển động như bay. Lão trầm giọng hô:

- Các vị hãy chú ý!

Rồi lão vọt mình đi đón tiếp.

Chỉ trong nháy mắt, người kia lướt tới còn cách không đầy mười trượng.

Trần trưởng lão bỗng dừng chân. Dường như lão có vẻ ngơ ngác rồi lớn tiếng hô:

- Thường trưởng lão!

Tiếng hô chưa dứt, đột nhiên người mới đến thân hình lảo đảo.

Trần trưởng lão giật mình kinh hãi gầm lên:

- La tứ đệ! Doãn ngũ đệ! Tạ nhị ca! Chúng ta mau ra đón tiếp.
— QUẢNG CÁO —