Nguyễn Huệ ban ngày bận trăm công nghìn việc nên ban đêm ông mới có thời gian. Ông một mình đi đến nơi ở của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, vị quân sư khả kính mà ông đã tốn bao công sức mới mời được. Nguyễn Thiếp vốn sống thanh đạm đã quen, không ham công danh phú quý nên dù Nguyễn Huệ có xây hẳn một nơi khang trang cho ông thì Nguyễn Thiếp vẫn dựng một căn chòi nhỏ trong sân để đọc sách.
"La Sơn phu tử tiên sinh còn thức chứ?"
Nguyễn Huệ cung kính đứng bên ngoài cửa chòi khẽ hỏi. Một giọng thâm trầm đáp lại:
" Xin mời " .
Nguyễn Huệ đẩy cửa bước vào. Những tháng cuối năm thành Phú Xuân mưa lạnh, gió rét căm căm nhưng bên trong căn chòi vẫn ấm áp và thơm nồng mùi thảo mộc. Ánh lửa cam nhạt nhảy nhót trên vách tường soi sáng một cụ già ăn mặc giản dị. Thì ra Nguyễn Thiếp tiên sinh đang chong đèn đọc binh pháp. Tuy niên kỷ đã cao, râu tóc bạc phơ như Bụt nhưng nhìn tiên sinh vẫn khỏe khoắn, da dẻ hồng hào như hài đồng, đặc biệt đôi mắt rất sáng, chứng tỏ người có bản lãnh thông tuệ trời đất.
Mặc dù là một ẩn sĩ nhưng uy danh của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vẫn lừng lẫy khắp toàn quốc, khiến cho trong cái thời loạn đó bao kẻ thèm muốn thì đủ biết ông bá đạo như thế nào. Ông giúp vua xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô và đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt thay cho chữ Hán. Ba bí kíp giữ nước của ông cho Quang Trung đến ngày nay vẫn còn dùng được là: Quân đức, Dân tâm và Học pháp. Đại khái là vua nên sống đàng hoàng, thương yêu con dân, chăm lo cho giáo dục, tự khắc nước sẽ mạnh. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ thì sự nghiệp của ông cũng đành dở dang. La Sơn phu tử quay về trại Bùi Phong sống ở đó những năm tháng cuối đời, mãi mãi không động đến việc trần ai nữa. Nhưng đó là chuyện về sau.
"Ta biết ngài sẽ tới, Bắc Bình Vương."
Nguyễn Thiếp cười và đặt cuốn sách lên bàn. Nguyễn Huệ ngồi xuống đối diện, thắc mắc:
"Sao tiên sinh biết?"
Nguyễn Thiếp với tay lấy ấm trà, đáp:
"Cái gì mà ta chẳng biết. Ta còn biết Mãn Thanh vừa vào Thăng Long, còn Nguyễn Ánh vừa chiếm được Gia Định" .
Nguyễn Huệ giật mình:
"Tiên sinh quả là thần cơ diệu toán. Nhưng ta phải làm thế nào bây giờ?"
Nguyễn Thiếp chậm rãi nói:
"Thiên hạ giờ đã hình thành thế chia ba. Ngài giữ vùng đất phương bắc, anh Nhạc ngài nằm giữa trung tâm, còn phía nam là lãnh địa Nguyễn Ánh."
"Đúng là như thế. Ta muốn thống nhất thiên hạ nhưng sức người không bằng ý trời" .
Nguyễn Thiếp rót cho Nguyễn Huệ một chén, hỏi:
"Ngài nuôi hải tặc phải không Bắc Bình Vương? Bọn Tàu Ô" .
Nguyễn Huệ im lặng một lúc rồi đáp:
"Phải, thưa quân sư."
"Ngài làm ngơ cho bọn chúng hoành hành tác oai tác quái cả vùng biển phía nam, gây ra bao nhiêu tội ác. Ta biết ngài cần bọn chúng làm đồng minh để đánh với quân Nguyễn. Nhưng ngài bảo Nguyễn Ánh đem quân Xiêm đánh ngài là "cõng rắn cắn gà nhà" , thì ngài dùng hải tặc Trung Hoa để đánh Nguyễn Ánh nên gọi là gì?"
Nguyễn Huệ không nói nữa, Nguyễn Thiếp đã bắn trúng tim đen ông. La Sơn phu tử thở dài:
"Ta hiểu. Thời loạn thì ai không mong muốn nhanh chóng hạ gục đối phương. Mọi thủ đoạn đều có thể được đem ra để triệt hạ kẻ thù."
"Tiên sinh nói đúng. Trước đây quân Tây Sơn chúng ta có thi hành một vài chính sách sai lầm khi đánh miền nam. Đã xảy ra một số vụ thảm sát và cướp bóc không đáng có. Còn hải tặc Tàu Ô này là quân bài chiến lược của hải quân Tây Sơn, và hiện tại thì chúng có lợi cho cuộc chiến của ta."
Nguyễn Huệ thừa nhận. Nguyễn Thiếp nhìn vào mắt ông:
"Ngài 4 lần kiên nhẫn mời ta làm quân sư, còn nhiều hơn ngày xưa Lưu Bị mời Gia Cát Lượng. Tấm lòng tha thiết ấy ta biết rõ. Nhưng ta xuống núi để giúp ngài làm một minh quân chứ không phải một bạo chúa. Nên hứa với ta, ngày sau đất nước thống nhất hãy giải tán ngay bọn hải tặc Tàu Ô, đừng để chúng sách nhiễu nhân dân."
Nói đoạn, Nguyễn Thiếp cầm tách trà của mình đưa lên rồi ân cần nói:
"Điều quan trọng nhất khi làm vua là nhân tâm. Cũng như tách trà này. Nếu vua là trà thì dân là nước. Nước có thể nâng trà thì cũng có thể dìm trà."
Ông lắc lắc tách trà, quả nhiên trà chìm xuống đáy. Nguyễn Huệ hiểu ra, gật đầu. La Sơn phu tử nhúng một ngón tay vào tách cho ướt rồi vẽ một hình chữ S lên bàn. Xong ông chỉ vào nửa trên chữ S.
"Tây Sơn các ngài đã lỡ làm mất nhân tâm miền nam thì quyết đừng phạm sai lầm lần nữa tại miền bắc. Xứ Đàng Ngoài 200 năm nay gần như là một vương quốc độc lập, ngài bỗng dưng đến đánh dẹp họ Trịnh thì chắc chắn nhân tâm chưa có. Trong mắt người bắc ngài chỉ là một kẻ man di mọi rợ đến phá nát hòa bình của họ. Vì vậy hãy tìm cách lấy lòng dân thì Bắc Hà mới bền vững."
Nguyễn Huệ chắp tay, khẩn khoản:
"Vậy nhờ tiên sinh chỉ ta một con đường."
Nguyễn Thiếp vuốt râu:
"Nay sẵn có quân Mãn Thanh vừa đến, Bắc Bình Vương phải đánh một trận thật dữ dội, thật oanh liệt. Dân nước nam ta xưa nay vốn e dè bắc quốc. Nếu ngài lập nên một chiến công trác tuyệt như Lê Lợi ngày xưa đánh Đại Minh thì toàn thiên hạ sẽ hướng về ngài. Sau đó Nguyễn Thiếp ta sẽ ra tay giúp ngài lo liệu tình hình Bắc Hà dần dần."
Nguyễn Huệ bây giờ đã thông suốt, nhưng có một điều ông vẫn băn khoăn:
"Nhưng còn Nguyễn Ánh ở phương nam?"
Nguyễn Thiếp lắc đầu:
"Đừng bận tâm đến ông ta. Nguyễn Ánh vừa mới chiếm được Gia Định từ Nguyễn Lữ, còn phải ổn định nhiều thứ. Mãn Thanh là mối nguy to hơn. Tuy vậy ngài không nên dùng kế thảo dã, vườn không nhà trống như các vua trước là đánh lâu dài lê thê từ năm này qua năm khác."
"Ý tiên sinh là ta phải tiêu diệt chúng thật nhanh?"
"Chính là như thế, càng nhanh càng tốt trước khi Nguyễn Ánh đủ mạnh để trở thành sự đe dọa cho nhà Tây Sơn. Mãn Thanh từ xa xôi nghìn trùng hành quân đến đây, lúc này là lúc mỏi mệt nhất. Ngài đánh một trận sấm sét ắt đại thắng."
Nguyễn Thiếp nắm chặt bàn tay thể hiện sức mạnh. Nguyễn Huệ chỉ dọc theo chữ S trên bàn:
"Nhưng ta vẫn chưa nghĩ ra được làm thế nào để hành quân ra miền bắc thật nhanh. Trước đây quân số ít ỏi nên không vấn đề. Còn bây giờ ta có cả voi chiến và đại bác. Voi vốn là loài chậm chạp, chưa kể xuất quân lần này phải cử đại binh đông đảo đi theo cự địch. Mà đường ra bắc thì sông đâm ngang phải đến hơn năm chục ngòi, làm sao đi mau đây?"
La Sơn phu tử mỉm cười:
"Chuyện này ta đã tính trước khi ngài đến. Chúng ta sẽ làm như thế này. . ."
Rồi hai người bàn luận đến tận sáng thì Nguyễn Huệ mới bái tạ trở về.
Bùi Thị Xuân nói lớn chỉ huy đội nài dẫn voi lên thuyền. Bầu trời xám xịt, sóng tung bọt nước trắng xóa. Đàn hải âu hiếu kỳ bay vòng vòng phía trên như muốn quan sát cảnh tượng ngoạn mục bên dưới.
"Anh Nhạc đã gửi một nửa số thuyền vận tải và chiến hạm Định Quốc ở Thị Nại đến đây thưa tiên sinh."
Nguyễn Huệ mặc áo vải, đứng cạnh quân sư Nguyễn Thiếp trên bờ biển. Gió thổi phần phật, râu tóc vị quân sư già bay phấp phới. Ông cười:
" Không khác gì cảnh Xích Bích ngày xưa."
Quả thật trước mắt hai người, dập dềnh giữa muôn trùng sóng nước đại dương là hàng trăm chiếc tàu, lớn có nhỏ có. Quân Tây Sơn đã phải gấp rút ngày đêm xây một cầu cảng tạm để chuyển hàng ra tàu. Cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp cùng nhu cầu xâm lược thuộc địa của người châu Âu đã dẫn đến sự ra đời của những của những chiến hạm nhiều tầng pháo, loại vũ khí uy lực nhất trên biển thời ấy. Đối với đa số triều đại phong kiến phương Đông, các chiến hạm này thực sự là những mối đe dọa khủng khiếp. Tự tin trước những con quái vật đó, Nguyễn Huệ chủ trương đóng những chiến hạm có sức mạnh tương đương dựa trên việc tiếp thu kỹ thuật tiên tiến của phương Tây và tận dụng tay nghề khéo léo của của những người thợ đóng thuyền Đàng Trong. Và chiến hạm khổng lồ Định Quốc đã ra đời.
Đây thực sự là những pháo đài lớn di động trên biển với khả năng chở được voi chiến và trang bị tới 60 khẩu đại bác hạng nặng. Vào thời hoàng kim, Tây Sơn có gần 20 chiếc "pháo đài" như vậy. Chaigneau và Barizy, hai sĩ quan Pháp từng trực tiếp đối đầu với thủy quân Tây Sơn đã phải thừa nhận sức mạnh của những chiến hạm này nằm ngoài trí tưởng tượng của họ. Triều đại Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử kỹ thuật quân sự nước ta.
"Theo thứ tự mà làm. Đầu tiên đưa hết súng thần công lên. Đội tàu chở thần công sẽ tiên phong ra bắc trước. Đội thứ hai sẽ chở quân lương. Đội thứ ba chở quân binh. Còn đội cuối cùng chở voi!"
Hổ tướng Lý Văn Bưu phối hợp cùng Bùi Thị Xuân giám sát tiến độ công việc. Toàn bộ Tây Sơn thập hổ tướng cùng có mặt tại đây để điều phối. Quân binh tấp nập ngược xuôi, người khuân gạo, kẻ kéo đại bác. Tiếng quát thét, hò reo vang lên ầm ĩ cả một vùng biển vắng. Nguyễn Huệ nheo mắt lại khi gió nổi càng lúc càng dữ, mang theo mùi muối mặn chát:
"Tiên sinh liệu việc như thần, thế này chẳng mấy chốc buồm no gió, ra bắc nhanh hơn phi ngựa!"
Nguyễn Thiếp tiếp lời:
"Các chuyến hàng cập bến Bắc Hà, rồi ta vận chuyển dần về Tam Điệp hội với quân Tây Sơn ở đó. Còn việc của ngài là cưỡi ngựa chiêu mộ binh mã dọc đường. Tốt nhất là khi đến Nghệ An thì tiến hành tổng động viên thật lớn. Khi đó đoàn quân chỉ cần đi qua Thanh Hóa là tới được Tam Điệp, rất tiện. Không cần đem hết quân tại Phú Xuân chi cho cồng kềnh."
Nguyễn Huệ chắp tay bái phục:
"Tiên sinh đúng thật Khổng Minh tái thế. Vậy ta nên gọi kế này là gì?"