Khó Bề Hòa Hợp

Chương 8: Thương vụ hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi (6)



Ngồi cùng ghế giám khảo với Chu Sưởng trong cuộc thi khởi nghiệp, Kinh Hồng chợt nhớ lại ngày đầu tiên anh gặp hắn.

Đó là một sự kiện cũng tương tự thế này.

Kinh Hồng trước giờ vẫn không thích chơi bời chung với hội “con em doanh nhân”. Thứ nhất là vì Tập đoàn Oceanwide luôn là một doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực Internet, hoàn toàn không cùng một đẳng cấp với những công ty kia, dù anh không giao thiệp xã hội thì những người khác cũng sẽ có phần kính nể và e dè anh; thứ hai là vì ông chủ của các công ty công nghệ đều xuất phát điểm từ dân kỹ thuật, không thích sa đà vào đàn đúm chơi bời, con cái nhận ảnh hưởng từ gia đình nên làm việc cũng khá kín đáo; ba là vì bản thân Kinh Hồng cũng không thích hút thuốc uống rượu đua xe tán gái, anh cảm thấy những khoái cảm nguyên thủy này rất nhàm chán.

Anh chỉ thích chiến thắng.

Từ trường tiểu học tốt nhất Bắc Kinh, đến trường trung học tốt nhất Trung Quốc, hơn nữa còn là lớp thực nghiệm tuyển sinh cả nước, rồi đến đại học tốt nhất thế giới.

Nhưng nếu thắng nhiều thì thực sự cũng thấy hơi nhàm.

Anh gặp Chu Sưởng trong một cuộc thi kinh doanh giữa các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ.

Kinh Hồng học chuyên ngành khoa học máy tính, nhưng sau khi tốt nghiệp, Kinh Hồng lại lấy thêm bằng MBA và CS của Stanford, có rất nhiều trường đại học có chương trình liên thông như vậy. Bằng MBA ở một trường danh tiếng thường yêu cầu ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc.

*Bằng MBA (Master in Business Administration) là bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. MBA là bằng được quốc tế công nhận trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, bao gồm cả lãnh đạo, chính trị và các ngành nghề có liên quan đến kinh doanh như marketing, tài chính, nhân sự, kế toán…

*Bằng CS (Computer Science) là bằng Cử nhân Khoa học Máy tính.

Nhưng vì cha của Kinh Hồng là Kinh Hải Bình, bản thân Kinh Hồng là người thừa kế của tập đoàn công nghệ thông tin khổng lồ Oceanwide, trong khi các trường kinh doanh nổi tiếng thế giới chú ý nhiều nhất đến quan hệ. “Người thừa kế của Tập đoàn Oceanwide là cựu sinh viên của GSB*” chắc chắn là mắt xích rất quan trọng đối với việc xây dựng mạng lưới cựu sinh viên. Đồng thời trường học, thứ hạng, kinh nghiệm thực tập, những giải thưởng từng đạt được và thư đề cử v.v. của Kinh Hồng đều thuộc dạng nhất nhì, đủ để chứng minh sự xuất sắc của anh, vậy nên anh đã trúng tuyển. Ba năm sau, Kinh Hồng đổi bằng CS MS thành PhD*, mà đó là chuyện của sau này.

*GSB (Graduate School Of Business): Trường kinh doanh sau Đại học Stanford là một phần của Đại học Stanford ở California và là một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở Mỹ. Được thành lập vào năm 1925, Stanford Graduate School of Business là một trong những trường có tỷ lệ ứng viên nộp đơn cao nhất so với bất kỳ trường kinh doanh nào ở Hoa Kỳ. Trường thường nhận dưới 10% số người nộp đơn trong bất kỳ thời hạn nộp đơn nhất định nào.

*Tại Stanford, bằng MS về Khoa học Máy tính nhằm mục đích là một bằng cấp chuyên nghiệp cuối cùng và không dẫn đến bằng Tiến sĩ (PhD). Hầu hết sinh viên dự định lấy bằng Tiến sĩ sẽ phải đăng ký trực tiếp để được nhận vào chương trình Tiến sĩ.

Nói tóm lại, vì đang học MBA cùng một lúc nên Kinh Hồng đã tham gia cuộc thi kinh doanh được tổ chức cho các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ.

Vì thành tích ổn định trong lớp nên Kinh Hồng còn là trưởng nhóm, mặc dù anh chỉ là người nước ngoài và tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ.

Ở vòng bán kết, đội Stanford do Kinh Hồng dẫn dắt đụng độ “kẻ thù không đội trời chung” của trường họ, đó là một ngôi trường danh tiếng khác ở khu vực vịnh San Francisco, UC Berkeley, đó là Đại học California tại Berkeley.

*Khu vực vịnh San Francisco là một khu vực địa lý nằm xung quanh vịnh San Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Đây là một khu vực ven biển, tập trung các thành phố lớn và quan trọng của tiểu bang California như San Francisco, San Jose, Oakland.

*Viện Đại học California–Berkeley, còn gọi là Đại học California–Berkeley, là một viện đại học công lập uy tín hàng đầu nằm trong khu vực vịnh San Francisco, tại thành phố Berkeley, California. Đây là viện đại học đầu tiên và nổi tiếng nhất của hệ thống Viện Đại học California, một trong ba hệ thống giáo dục công lập của tiểu bang, bao gồm hệ thống California State University và California Community College.

Viện Đại học California–Berkeley cũng thuộc top đầu của Hoa Kỳ nhưng vẫn một khoảng cách nhất định với top 1 là Stanford và Harvard. Các chuyên ngành mạnh nhất của UC Berkeley là vật lý, hóa học, máy tính, kỹ thuật điện, xã hội học, lịch sử, v.v.

Khi trường đối diện xuất hiện trên sân khấu, Kinh Hồng đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đội trưởng của trường đó cũng là người Trung Quốc! Người nọ có khuôn mặt đậm chất Á Đông, mà Kinh Hồng đã ở Hoa Kỳ được vài năm nên liếc mắt thôi là có thể xác định gương mặt đó là của người người nước nào, là người Nhật, người Hàn hay đồng hương với mình.

Leader bên kia rõ ràng là đồng hương của anh. Chưa kể vóc người còn cao lớn, khí chất tỏa ra đầy áp đảo, đôi mắt sáng ngời trong veo như đáy hồ sâu.

Cuộc thi đó chú trọng vào quá trình thực hiện, và nội dung của vòng bán kết là “Sell Cupcakes”, bán những chiếc bánh nhỏ.

Mỗi đội sẽ được cho vài tiếng để bán hàng, cuối cùng sẽ so sánh lợi nhuận.

Cuộc thi đưa ra hai phương án để hai đội lựa chọn, một là bánh cao cấp được bán trong các trung tâm thương mại cao cấp, ban tổ chức cuộc so tài này sử dụng thợ làm bánh giỏi hơn, nguyên liệu sản xuất tốt hơn, giá bán cuối cùng của chiếc bánh có thể được đặt ở mức bốn đô-la trong khi chi phí là hai đô la, nói cách khác thì khá là tinh tế. Còn phương án thứ hai là bánh ngọt bình dân và được bán trong các trung tâm mua sắm cấp thấp, ban tổ chức cuộc thi sẽ sử dụng thợ làm bánh bình thường và nguyên liệu sản xuất bình thường, giá bán cuối cùng của chiếc bánh chỉ có thể ở mức hai đô la trong khi chi phí là một đô la.

Do thời gian chuẩn bị của “bánh ngọt cao cấp” sẽ khá dài nên thời gian bán hàng của các đội tham gia tại các trung tâm thương mại cao cấp chỉ là hai tiếng đồng hồ; trong khi thời gian chuẩn bị của “bánh ngọt bình dân” lại ngắn hơn nên thời gian bán hàng của các đội tham gia trong các trung tâm mua sắm cấp thấp sẽ kéo dài tới bốn giờ.

Luật rất công bằng. Lợi nhuận của “bánh ngọt cao cấp” là hai đô-la một cái còn “bánh ngọt bình dân” mang lại lợi nhuận là một đô-la. Vì vậy mà ban tổ chức sẽ tăng thời gian bán “bánh ngọt bình dân” lên gấp đôi.

Ban tổ chức làm việc rất chặt chẽ. Sau nhiều lần thử nghiệm thực tiễn, lượng khách hàng của hai trung tâm thương mại gần như là bằng nhau, một trung tâm nằm ở phố thời trang còn một nằm ở khu phúc lợi xã hội, và “bánh ngọt cao cấp” dành cho khách hàng tại các trung tâm thương mại cao cấp và “bánh ngọt bình dân” dành cho khách hàng tại các trung tâm mua sắm bình dân hoàn toàn phù hợp với mức tiêu dùng hàng ngày.

Ngay khi trận đấu bắt đầu, hai đội đã lựa chọn phương án mà mình muốn. Nếu hai bên chọn cùng một kế hoạch nghĩa là cả hai bên đều muốn tranh giành vị đầu bếp xuất sắc kia, lúc này thì bọn họ sẽ phải đấu giá, bên nào bằng lòng trả cao hơn cho thợ làm bánh thì sẽ có được người, bên kia sẽ phải làm theo kế hoạch còn lại.

Trong vòng họp đội đầu tiên, những người còn lại trong đội của Kinh Hồng bắt đầu thảo luận, “Cao cấp ổn hơn chứ? Cupcake cao cấp sẽ đa dạng chủng loại và thu hút khách hàng hơn, trong khi bánh bình dân… chỉ là kiểu dáng bình thường, không có sức hấp dẫn.”, “Phải… Chưa kể…”, “Với lại…”

Cũng có người nói, “Nhưng bản thân việc “giảm giá” đã có sức hút đối với tệp khách bình dân rồi.”

Người đối diện lại nói, “Giảm giá thì ai cũng muốn mới đúng chứ?”

Kinh Hồng nghe một hồi, cuối cùng mới lên tiếng, “Rõ ràng phương án với bánh cao cấp tốt hơn. Ngoài những điểm mới liệt kê thì có một yếu tố nữa là bánh cao cấp chỉ cần bán trong hai tiếng còn bánh bình dân phải bán tận bốn tiếng. Hai tiếng thì còn trụ được chứ bắt đứng bán bốn tiếng đồng hồ thì quá bất khả thi, chọn phương án đó thì nhóm buộc phải thay phiên nhau. Nói cách khác, vì buộc phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi nên quân số của đội sẽ kém đối thủ nếu tính riêng trong từng giai đoạn, đây là thử thách đối với năng lực thực hiện.” Ngay đến bộ đội cũng chỉ đứng gác trong hai giờ mà thôi.

Mấy người kia ngộ ra, ai cũng kinh ngạc trước sự cẩn thận của Kinh Hồng, bọn họ nói, “Đúng”, “Đúng rồi”, “Quên béng mất vụ đó”.

Nhóm có tổng cộng sáu người, giả sử mỗi người cần nghỉ mười phút thì trong mọi giai đoạn, nhóm này đều sẽ chỉ có năm người, còn bên kia vẫn đủ sáu người.

Tuy nhiên chỉ hai ba giây sau, Kinh Hồng lại nói, “Nhưng chúng ta sẽ chọn phương án bình dân.”

Tất cả thành viên đứng quanh Kinh Hồng, “… Hả???” Bọn họ đều nghĩ: Cua gì khét thế?

Kinh Hồng nói tiếp, “Vì phương án cao cấp tốt hơn rõ ràng nên tôi nghĩ bên Berkeley cũng sẽ lựa chọn. Vậy chúng ta có thể lợi dụng điểm này, vòng đầu chọn “phương án cao cấp” để kéo Berkeley vào phiên đấu giá, ép bọn họ phải tăng tiền lương, sau đó… đến vòng thứ hai, chúng ta giữ nguyên giá để Berkeley tự tăng giá tiếp. Như vậy thì Berkeley sẽ phải chi nhiều tiền hơn ngay từ ban đầu, còn chúng ta thì sao, chúng ta sẽ đồng ý nhường lại, nhóm Berkeley sẽ bước vào trận đấu với gánh nặng tài chính.”

Các thành viên trong đội ngộ ra, “Thì ra là thế!”

“Được rồi,” Kinh Hồng lại dặn, “đến lúc đó thì diễn sâu một chút, cứ thể hiện thái độ muốn giành phương án cao cấp bằng được, như thể muốn đập thêm thật nhiều tiền để cho Berkeley cũng phải dốc toàn lực chi tiền, cuối cùng thêm được càng nhiều càng tốt. Tóm lại, kế hoạch chính là “nâng giá”.”

Tất cả mọi người cùng cười, “Đã hiểu.”

Nhưng Kinh Hồng không ngờ được, đến vòng đấu giá thứ hai, cả hai đội lại không hẹn mà cùng quyết định giữ giá gốc!

Chiến thuật của bọn họ trùng nhau!

Rồi đến vòng thứ ba, vẫn là duy trì giá gốc! Không chấp nhận bỏ ra thêm một đồng nào.

Vì chiến lược đụng nhau nên ban tổ chức cuộc thi kinh doanh phải phân chia địa điểm bán hàng dựa vào cách bốc thăm, cuối cùng UC Berkeley có được phương án cao cấp còn nhóm Kinh Hồng phải nhận phương án bình dân, không ai thêm tiền.

Một quy tắc khác trong trận đấu này là chỉ được bán tối đa năm cái cupcake cho cùng một khách hàng.

Tại cuộc họp đội thứ hai, những người còn lại trong đội Kinh Hồng lại thảo luận đưa ra ý kiến, “Mỗi người được mua tối đa năm cái bánh, vậy thì chúng ta có thể đưa ra chính sách chiết khấu, ví dụ như mua một cái giảm 5%, mua hai cái giảm 10%, ba cái 15%, bốn cái 20%, năm cái 25%, khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn.”, “Chúng ta còn có thể…”

“Không.” Kinh Hồng trực tiếp bác bỏ chiến lược giảm giá, anh nói, “Những chiến lược này đều rất tốt, nhưng đừng quên bên chúng ta sẽ thiếu đi một người, chúng ta buộc phải cố gắng hết sức để giảm bớt thời gian mua của mỗi đơn hàng. Hơn nữa đối tượng của chúng ta là khách hàng bình dân, rất khó để khiến tệp khách này mua nhiều hơn mức mà họ đã quen mua.”

“Vậy…?”

Kinh Hồng nhìn các loại bánh ngọt trên bàn rồi nói, “Thế này đi, sắp Giáng Sinh rồi, chúng ta sẽ chỉ bán một hộp năm bánh ngọt Noel, không cho khách hàng chọn số lượng hay kiểu dáng, nếu không thì rất loạn. Chúng ta buộc phải tiết kiệm thời gian và bán thật nhanh.” Kinh Hồng nói xong thì lấy một tờ giấy ra, “Một hộp gồm năm kiểu… tôi đã vẽ ở đây, đều khá đơn giản. Thợ làm bánh hiện tại của chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà trông còn rất đẹp nữa. Cái đầu tiên là cây thông Noel với một ít đường bột phủ trên lớp kem màu xanh tạo hình xoắn ốc, cái thứ hai là bánh ngọt màu xanh có trang trí vài bông tuyết bên trên. Cái thứ ba là mũ Noel, kem xoáy màu đỏ, xung quanh là những bông kem trắng tượng trưng cho quả bóng len. Cái thứ tư…. Theo cách này thì việc bán “combo 5” lập tức trở nên hợp lý, chủ đề Giáng Sinh, từng cái bánh gộp lại thành thể hoàn chỉnh không thể tách rời, dù là khách hàng bình dân cũng sẽ không cảm thấy mua năm cái là quá nhiều. Hơn nữa tôi nghĩ dù là khu phúc lợi xã hội thì khách hàng cũng sẽ có thái độ khác nhau đối với “Lễ Giáng Sinh”, dù sao thì Noel mỗi năm chỉ có một lần, bọn họ sẽ không keo kiệt như thế, vì bọn họ cũng muốn cho người trong gia đình một lễ Giáng Sinh ấm áp. Khi thấy bánh ngọt thì sẽ vẫn có thể bị thu hút và lung lay.”

Ngoài ra Kinh Hồng còn nói, “Chiết khấu sẽ là 10%. Nghiên cứu chứng minh chiết khấu vượt quá 10% sẽ tăng cảm giác không tin tưởng của người tiêu dùng, hiệu quả mang lại còn chẳng bằng 10%. Chúng ta bán thực phẩm, đừng làm cái kiểu như bán đồ sắp hết hạn thế.”

Những thành viên khác lại càng phục anh hơn.

Ngoài ra, Kinh Hồng cũng không bỏ qua yếu tố “Internet”. Anh đã nói chuyện trực tiếp với người quản lý của trung tâm mua sắm và thuyết phục quản lý thêm sự kiện bánh cupcake của nhóm Kinh Hồng vào email và ứng dụng quảng cáo ngày hôm đó cho khách hàng, gửi hàng loạt cho mấy chục ngàn khách hàng đã đăng ký.

Kinh Hồng tin rằng hầu hết khách hàng trong khu phúc lợi xã hội đều sống gần đây, có lẽ sẽ thấy hứng thú với sự kiện giảm giá “combo Giáng Sinh”, còn những khách hàng ở khu phố thời trang thì không như thế, bọn họ phân bố ở khắp các nơi trong thành phố.

Kinh Hồng rất cẩn thận trước khi bán hàng.

Anh có thể nghĩ ra rất nhiều trò, “Mike, ra ngân hàng đổi tiền lẻ đi, càng nhiều càng tốt, có thể sẽ có khách dùng tiền mặt”, “Misha, cậu đi cài PoS* và các phương thức thanh toán khác”, “Kate, cậu phụ trách làm poster và bảng hiệu về sự kiện, giới thiệu về sự kiện này của chúng ta ở mọi chỗ trong trung tâm mua sắm”, “Yao, cậu phụ trách xếp sản phẩm”, “Chelsea, cậu kê bàn ghế và bày sản phẩm”, “Cuối cùng, tôi sẽ phát phiếu giảm giá ở cổng”.

*POS hay PoS là một thuật ngữ viết tắt của Point of Sale, sử dụng cho các shop bán lẻ, tại quầy thanh toán tiền trong shop, hay là một vị trí có thể thay đổi được khi mà giao dịch xuất hiện trong loại của môi trường kiểu này.

Kinh Hồng sẽ không quá tập trung vào tiểu tiết, cũng không can thiệp vào người lãnh đạo mỗi nhóm nhỏ, Kinh Hồng chỉ nghiệm thu kết quả của từng nhóm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Dù vậy thì đến năm giờ chiều, khung cảnh vẫn có phần hỗn loạn.

Làm sự kiện là như vậy, kiểu gì cũng sẽ có bất ngờ phát sinh.

Nhưng Kinh Hồng rất bình tĩnh, anh bảo mọi người ổn định lo tập trung làm việc của mình, người thì chịu trách nhiệm hướng dẫn và giải thích, người phụ trách lấy đồ, người lo tính tiền trả tiền thừa, người lại phát phiếu giảm giá ở ngoài cổng, thành viên khác thì kích sale bánh ngọt ở cổng thang máy…

Trong quá trình làm, một thành viên da màu trong nhóm nảy sinh tranh chấp với Kinh Hồng.

Thành viên da màu cao tận hai mét và để đầu trọc, cậu ta nhìn xuống Kinh Hồng, giọng rất to và tốc độ bắn tiếng Anh cũng rất nhanh, “NO!!! We should…”

Lúc ấy Kinh Hồng cũng đã rất mệt mỏi nhưng anh không lùi nửa bước và không để mất cái uy, anh còn lớn giọng hơn, đến cuối thậm chí còn khản cả giọng, “Chuyện của cậu không quan trọng! Hiểu không? Không quan trọng! Giờ cậu đi làm việc của mình đi!!!”

Cuối cùng thành viên da màu kia cũng nghe theo Kinh Hồng.

Chiến lược thay phiên của Kinh Hồng rất thành công, cứ nghỉ ngơi rồi thay ca nhịp nhàng không loạn.

Kinh Hồng nhớ rõ, kết quả cuối cùng của trận đấu đó cực kỳ cực kỳ kịch tính.

Bọn họ thắng, mà lý do UC Berkeley thua lại là vì bọn họ nhận một tờ 20 đô la giả.

Đây không phải là một bài kiểm tra về quản lý, đây là một bài kiểm tra về tiền giấy.

Khi ban tổ chức công bố kết quả, các thành viên trong đội của anh reo hò và vỗ tay đầy phấn khích.

Một thành viên Trung Quốc khác trong nhóm của Kinh Hồng là một người học MBA toàn thời gian tên Yao, trước đây từng làm cố vấn, anh ta lặng lẽ đến gần Kinh Hồng, che miệng lại và thì thầm, “Tôi nghe nói Zhou Chang kia là con trai của Chu Bất Quần đấy.”

*Ở đây raw gốc dùng phiên âm Zhou Chang.

Kinh Hồng tỏ ra ngạc nhiên thấy rõ, “… Ồ? Chắc không?”

“Hẳn là sự thật.” Kinh Hồng đi học không công khai thân phận, người kia cũng không biết thân phận của Kinh Hồng, anh ta nói, “Trước đây cậu ta thường xuyên đi chơi với hội con ông cháu cha, nhưng về sau không đi nữa, bỗng nhiên trở nên kín tiếng. Hồi trước có một ông lớn trong WeChat của tôi quen cậu ta, hai hôm trước còn trả lời bên dưới ảnh chụp về sự kiện trong WeChat của tôi mà. Tôi choáng lắm luôn!”

Kinh Hồng, “…”

Sau mấy giây, anh mới nói ra suy nghĩ của mình về chuyện này, “Chu Bất Quần xấu vậy mà đẻ ra được thằng con trai đẹp như này à? Đột biến gene hả?”

Yao, “Ha ha ha ha ha ha ha ha!!! Kinh Hồng, cậu hài vãi!”

Khi ấy Kinh Hồng mới hai mươi hai tuổi, vẫn chưa cần phải tỏ ra chín chắn.

Lần đó Stanford đánh bại Harvard để giành chức vô địch, đã có vô số công ty chào mời tuyển dụng, nhưng Kinh Hồng lại học khoa học máy tính, đã vậy còn muốn học lên tiến sĩ.

Vòng bán kết của cuộc thi đó là lần đầu tiên Kinh Hồng cảm nhận được “uy hiếp”. Trước đây anh chưa từng biết hai chữ “uy hiếp” trông như thế nào.

Và từ đó về sau, cái tên “Chu Sưởng” ấy cũng bám riết anh không rời nửa bước.

Thực ra Kinh Hồng cũng không thích cảm giác này, nhưng sau khi ngẫm lại kỹ hơn, nếu như không có Chu Sưởng thì giới kinh doanh thật sự rất nhàm chán. Không có cạnh tranh thì anh sẽ mất đi trí tiến thủ.

Buộc phải thừa nhận, khoảng thời gian Chu Sưởng giương nanh múa vuốt sau khi tiếp quản Thanh Huy chính là những ngày hăng hái cầu tiến nhất trong cuộc đời này của Kinh Hồng.

Nói tóm lại, Kinh Hồng và Chu Sưởng khi ấy là vừa khéo gặp nhau, bất ngờ không kịp đề phòng, về sau khi lần lượt tiếp quản Oceanwide và Thanh Huy trong Big 4, bọn họ lại là hai đóa hoa cùng nhau nở rộ, không ai thua kém ai.