Kiếm Lai

Chương 35: Cam thảo



Sau khi Lưu Tiện Dương và Trần Bình An rời khỏi ngõ Nê Bình, phát hiện có hai nhóm người phân biệt đứng ở hai bên trái phải. Bé gái cưỡi trên cổ ông lão cường tráng, còn bé trai kiêu ngạo mặc áo đỏ chót thì đứng bên cạnh phu nhân phong thái ung dung.

Khi Lưu Tiện Dương đi ngang qua lại bình thản tự nhiên, rơi vào trong mắt ông lão tóc trắng, cũng xem như có mấy phần phong độ đại tướng. Thiếu niên giày cỏ thì thận trong dè dặt cố gắng giấu mình, cho nên không bị người ta chú ý lắm.

Sau khi Lư Chính Thuần từ biệt hai người lại thấp thỏm lo lắng đứng yên tại chỗ, cẩn thận bẩm báo: - Lưu Tiện Dương đề nghị chư vị tiên sư đưa ra một cái giá hợp lý, lần sau hắn sẽ bấm bụng bán đồ gia truyền mà mình yêu thích,.

Phu nhân nhìn sang ông lão tóc trắng của núi Chính Dương, cười hỏi: - Ý của Viên tiền bối thế nào?

Ông lão suy nghĩ một thoáng, trầm giọng nói: - Quá tam ba bận, tạm thời cứ làm theo lời Lưu Tiện Dương, cho hắn một phần phú quý thật lớn là được. Núi Chính Dương có thể cho thiếu niên này một thân phận đệ tử chân truyền của sơn môn, ngoài ra ta còn sẽ cho hắn mượn một món pháp bảo, thời hạn là trăm năm. Còn thành Thanh Phong Hứa gia các ngươi tự xem mà làm đi.

Phu nhân kinh ngạc nói: - Thân phận chân truyền của núi Chính Dương đã cực kỳ tôn quý, Viên tiền bối còn muốn lấy ra một món pháp bảo? Chẳng lẽ tên thiếu niên họ Lưu này là một thiên tài tu hành, lúc chín tuổi đã bị người mua sứ bỏ sót?

Ông lão nhắm mắt làm ngơ, chỉ cười nói với chủ nhân nhỏ: - Trấn nhỏ có rất nhiều cửa tiệm, mỗi chỗ đều có ngọn nguồn lai lịch. Nếu tiểu thư thích thì có thể đi dạo, nói không chừng sẽ mua được món hời.

Bé gái nổi tính trẻ con hét lên “đi đi đi”, ông lão thân là cung phụng đứng đầu núi Chính Dương cười ha hả, chạy chầm chậm như một ngọn núi cao di động.

Bé trai cười nói: - Núi Chính Dương thật là uy phong!

Phu nhân ra hiệu cho Lư Chính Thuần quay về nhà trước, còn mình thì dẫn theo con trai tùy ý đi dạo trên đường, giải thích cho nó ngọn nguồn trong đó: - Núi Chính Dương ngoại trừ con đường chính lên núi bình thường, còn có “kiếm đạo” đặc biệt, truyền thừa đến nay đã mở ra sáu con đường lên đỉnh. Điều này nghĩa là núi Chính Dương đã từng xuất hiện sáu vị kiếm tiên chứng đạo hàng thật giá thật.

Bé trai chế giễu: - Lịch sử huy hoàng thì có tác dụng gì, ăn mày quá khứ thì có thể ăn được mấy năm? Nhân sĩ luyện khí các phương có thể đi vào trấn nhỏ, cho dù là mấy nhóm người đến sau chúng ta, có tổ tiên nhà ai chưa từng giàu sang?

Phu nhân dắt tay đứa bé, cười nói: - Vậy con có biết trăm năm gần đây, có hai đường kiếm đạo mới đã sắp lên đến đỉnh núi Chính Dương không? Bé gái cùng tuổi với con đó, điểm đặc biệt là nó có thể tiến lui tự nhiên trên “kiếm đỉnh” nơi kiếm khí tung hoành, thậm chí thời gian ở lại trên đó không thua gì mấy vị lão tổ của núi Chính Dương.

Bé trai sững sốt, lập tức dừng bước, rất bực bội nói: - Nếu thân thế của nha đầu ngốc kia không tầm thường như vậy, sao mẹ không nói cho con biết sớm. Con cũng sẽ không đối chọi gay gắt với cô ta trên đường, chọc cho cô ta kiếm chuyện cãi vã với con. Nếu đợi mấy năm nữa con cưới cô ta làm vợ, sau này lại thuận thế kết thành đạo lữ, chẳng phải sẽ mang đến nhiều lợi ích cho thành Thanh Phong chúng ta?

Phu nhân nhìn gương mặt xinh xắn còn mang vẻ ngây thơ đang tức giận, giống như một con hổ nhỏ, bà không giận mà lại cười: - Con và bé gái kia đều là nhân tài tu hành có hi vọng bước lên “năm cảnh giới trên”, cho nên đường nhân duyên của các con sẽ càng phức tạp nhiều biến cố. Nếu cứ khăng khăng cố chấp, dồn hết tâm trí vào nó thì ngược lại sẽ không tốt. Con cho rằng hiện giờ nha đầu kia chỉ một lòng một dạ ghét con sao?

Bé trai nhíu mày nói: - Không phải vậy sao?

Phu nhân ôn nhu nói: - Cứ thuận theo tự nhiên đi.

Bé trai đột nhiên nghiêm túc nói: - Mẹ à, con không thích cái tên đi theo sau Lưu Tiện Dương kia. Lần đầu tiên nhìn thấy đã rất không thích rồi!

Phu nhân hiếu kỳ hỏi: - Sao lại như vậy?

Đứa bé dụng tâm suy nghĩ một lúc, trả lời: - Tên này hơi kỳ lạ, hắn không giống với Lư Chính Thuần hiểu được mọi thứ, cũng không giống với Lưu Tiện Dương chẳng hiểu gì cả. Còn nữa, con rất ghét cặp mắt kia của hắn!

Phu nhân chỉ cho rằng con trai lại bắt đầu nổi tính trẻ con, bèn khuyên nhủ: - Trong trấn nhỏ không thể làm gì tùy thích. Nhưng cứ nghĩ đến kết cục của những người ở đây sau khi vùng trời đất này sụp đổ, trong lòng con sẽ thoải mái hơn nhiều.

Đứa bé gật đầu, bất giác lặp lại hai chữ đã nói khi lần đầu tiên gặp thiếu niên giày cỏ: - Con kiến!

---------

Ra khỏi trấn nhỏ, Trần Bình An và Lưu Tiện Dương nhanh chóng nhìn thấy chiếc cầu mái che kia. Lưu Tiện Dương thuận miệng hỏi: - Ngươi nói xem tại sao cha của Tống Tập Tân lại muốn xây chiếc cầu này? Xây thì cũng xây rồi, nhưng vì sao cứ muốn che lấp chiếc cầu vòm đá trước kia. Nghe nói cầu đá cũng không bị tháo dỡ, giống như mặc thêm một bộ quần áo vậy, chẳng biết đến mùa hè có bị nóng không, ha ha ha...

Nói đến khúc cuối, thiếu niên cao lớn lại bị chính mình chọc cười.

Cầu mái che này treo một tấm biển chữ vàng, không biết là bút tích của ai, bốn chữ rất lớn là “Phong Sinh Thủy Khởi”.

Lúc hai thiếu niên đi lên bậc thềm, Lưu Tiện Dương đạp mạnh mấy cái, rất thần bí nói: - Có lần lão Diêu nói với ta, phía dưới bậc thềm này có thứ kỳ lạ. Ông ấy nói rằng khi vừa xây dựng cầu mái che, có một đêm khuya cha của Tống Tập Tân đã sai người đào một cái hố to ở đây, chôn xuống một bình gốm lớn cao bằng thân người. Ngươi có sợ không?

Trần Bình An khó chịu nói: - Chuyện này có gì phải sợ.

Hai người đi vào bóng mát của cầu mái che. Lưu Tiện Dương thấp giọng nói: - Ngươi nói xem có phải vì cái đầm sâu dưới cầu, đã từng có mấy người chết đuối, cho nên cần mời hòa thượng đạo sĩ tới làm phép trấn tà?

Trần Bình An chưa bao giờ nói lung tung về chuyện quỷ thần.

Lưu Tiện Dương không nhận được cậu trả lời, lập tức mất đi hứng thú.

Cây cầu mái che bằng gỗ này mới được xây không lâu, hôm nay còn tỏa ra hương gỗ và mùi sơn nhàn nhạt. Những cây cột và xà chính đều được đốn từ núi sâu rừng thẳm bị niêm phong vô số năm, vận chuyển ra ngoài núi cực kỳ khó khăn. Bình thường mực nước của khe suối nhỏ lượn quanh núi không cao, không đủ cho những cây gỗ lớn kia nổi lên. Đành phải lựa chọn vận chuyển vào lúc mưa lớn, đường núi bùn lầy trơn trượt, không cẩn thận sẽ rơi vào nước lũ, có thể nói là cực kỳ nguy hiểm.

May mắn lần đó cũng không có trai tráng nào rơi xuống nước bỏ mạng. Có người nói trong lần chuyển cây rời núi kia, thầy giáo dạy học Tề Tĩnh Xuân đã tự mình đến giúp đỡ, tay cầm tay dạy người ta phải triển khai như thế nào, cho nên nhờ phúc của Tề tiên sinh mới vạn sự bình an.

Đến bậc thềm phía bắc cầu mái che, Lưu Tiện Dương đột nhiên đặt mông ngồi xuống phiến đá xanh to lớn. Trần Bình An đành phải ngồi theo bên cạnh hắn.

Lưu Tiện Dương cười hỏi: - Nếu không phải vì ta, ngươi và Tống Tập Tân có thể trở thành bạn bè thân thiết không?

Trần Bình An lắc đầu nói: - Có thể quan hệ sẽ tốt hơn một chút, nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Lưu Tiện Dương tò mò hỏi: - Vì sao? Hai người các ngươi là hàng xóm láng giềng, tuổi tác lại xấp xỉ. Nói thật Tống Tập Tân thích khoe khang kiến thức, nói chuyện cũng khó nghe, nhưng hình như cũng không làm chuyện gì xấu xa. Tính tình của ngươi lại dễ sống chung, sao lại không được?

Trần Bình An cười nói: - Không nói chuyện này nữa. Chờ chúng ta đến tiệm rèn rồi, ngươi nhất định đừng tỏ thái độ không nghiêm túc. Muốn giữ được bảo giáp nhà ngươi, còn phải xem ngươi có thể làm đồ đệ nhập môn của Nguyễn sư phụ hay không.

- Biết rồi, biết rồi. Trần Bình An, nói thật cái tính thích lải nhải của ngươi sau này phải sửa đổi, nếu không có thể sẽ bị ngươi làm phiền đến chết.

Lưu Tiện Dương ngả người ra sau, gối đầu lên bậc thềm trên cùng của cầu mái che, nhìn bầu trời xanh biếc nói: - Ngươi theo lão Diêu đi rất xa, leo núi cũng rất cao, vậy rốt cuộc có thể nhìn thấy quang cảnh xa đến đâu?

Trần Bình An tiện tay nhổ một cây cam thảo, phủi bụi đất đi rồi bỏ vào miệng nhai, nói hàm hồ không rõ: - Lần xa nhất chắc là vào ba năm trước, ta theo lão Diêu đi về một chuyến mất khoảng mười ngày. Vòng qua hơn mười đỉnh núi bị niêm phong, cuối cùng đi đến một ngọn núi rất kỳ lạ, cao đến mức dọa người. Nói ra có thể ngươi không tin, lúc trèo đến giữa sườn núi, ngươi nhìn xung quanh cũng chỉ thấy toàn mây mù. Cuối cùng ta và lão Diêu vất vả lắm mới lên tới đỉnh núi, kết quả...

Lưu Tiện Dương chờ cả buổi vẫn không nghe được đoạn sau, quay đầu cười nói: - Không có ai giống như ngươi, đi cầu được một nửa thì đã kéo quần lên!

Trần Bình An hơi buồn bã, nhẹ giọng nói: - Ngươi cũng biết đấy, lão Diêu có ấn tượng không tốt với ta, trước giờ gần như chưa từng nói đạo lý với ta, cũng không muốn dạy ta bản lĩnh làm gốm thật sự. Mỗi lần vào núi lão Diêu đều không thích nói chuyện, thường thường từ khi vào núi đến khi trở về lò gốm, tổng cộng cũng không nói được mấy câu. Nhưng lần đó sau khi leo đến đỉnh núi, có lẽ là do tâm tình tốt nên lão Diêu đã nói nhiều hơn một chút. Ông ấy bảo ta nhìn thấy quang cảnh bên kia rồi thì thôi, sau khi xuống núi đừng lắm mồm, làm người nên vùi đầu làm việc chứ đừng khua môi múa mép, sau này dù rời khỏi trấn nhỏ cũng sẽ mất mặt.

Lưu Tiện Dương an ủi: - Không phải ta nói tốt cho lão Diêu, ông ấy không thích nhưng cũng không ghét ngươi. Ông ấy đối xử với ai cũng cáu kỉnh như vậy, cũng chỉ tốt với ta hơn một chút.

Trần Bình An gật đầu nói: - Cho nên từ đáy lòng ta vẫn luôn rất cảm kích lão Diêu.

Lưu Tiện Dương đột nhiên cả giận nói: - Dài dòng như vậy, ngươi vẫn chưa nói rốt cuộc đã nhìn thấy gì!

Trần Bình An đưa tay chỉ về hướng đông: - Ngọn núi mà chúng ta trèo lên đã rất cao, nhưng ta đứng trên đỉnh núi nhìn, tận cùng phía đông còn có một ngọn núi khác cao hơn, ta cũng không nói rõ được rốt cuộc nó cao bao nhiêu.

Lưu Tiện Dương nói kháy: - Không phải chỉ nhìn thấy một ngọn núi cao à, ta con mẹ nó còn tưởng ngươi thấy được thần tiên cưỡi mây đạp gió chứ!

Trần Bình An ngẫm nghĩ, tràn đầy mơ ước nói: - Nói không chừng trên ngọn núi kia thật sự có thần tiên thì sao?

Lưu Tiện Dương cười hỏi: - Trần Bình An, vậy ngươi cảm thấy thần tiên có cần ăn uống bài tiết không?

Trần Bình An vuốt vuốt cằm: - Nếu như thần tiên cũng cần đi đại tiện, vậy thì khá vô lý.

Lưu Tiện Dương vỗ mạnh vào đầu Trần Bình An, sau đó đứng dậy bỏ chạy: - Đây không phải thần tiên đại tiện lên đầu ngươi à!

Lưu Tiện Dương ra tay không nhẹ không nặng, cái vỗ này khiến Trần Bình An hơi choáng váng. Hắn cũng không muốn truy sát thiếu niên cao lớn, chỉ đứng dậy lẩm bẩm: - Sét đánh có phải là đám thần tiên ngáy khi đang ngủ không? Trời mưa chắc không phải là thần tiên đi tiểu chứ, vậy thì chúng ta quá thảm rồi...

Trần Bình An tăng tốc, nhanh chóng đuổi kịp Lưu Tiện Dương.

Cãi nhau một trận, cuối cùng đã đến tiệm rèn bên khe suối. Nơi này đã có bảy tám ngôi nhà đất vàng và nhà tranh được dựng lên, trong mắt Trần Bình An thì những thứ này đều là một khoản tiền rất lớn rất lớn.

Còn có một đám thiếu niên và trai tráng trong trấn nhỏ đang đào giếng. Đám bạn cùng lứa phần nhiều đều xuất thân từ học đồ lò gốm như Lưu Tiện Dương, sau khi không còn chén cơm sứ do hoàng đế lão gia ban tặng, có thể kiếm chén cơm sắt ở tiệm rèn xem như đã may mắn lắm rồi. Có điều theo như cách nói của Lưu Tiện Dương, nhưng người đến giúp đỡ này hầu hết là lao động ngắn hạn chuyên làm việc vặt. Nguyễn sư phụ nói ông ta chỉ thu vài đệ tử thân cận, còn những người khác cao nhất chỉ có thể trở thành đầy tớ.

Lưu Tiện Dương phất tay nói: - Ngươi chờ ở đây, ta đi chào hỏi Nguyễn sư phụ, xem thử có thể dẫn ngươi đi tham quan công việc rèn sắt hay không. Chậc chậc, nếu ngươi nhìn thấy dáng vẻ của khuê nữ ông ấy vung búa rèn sắt, ta bảo đảm có thể dọa chết ngươi!

Trần Bình An đứng yên tại chỗ, không tùy tiện đi lại.

Hắn nhìn quanh, thấy có bảy giếng nước đã bắt đầu thành hình, nơi miệng giếng còn có ròng rọc và rào chắn, một số miệng giếng liên tục có người dùng đầu đội gàu xúc chui ra.

Nhìn những người bận rộn đào giếng kia, Trần Bình An theo thói quen ngồi xổm xuống, cầm một nắm đất dính lên chậm rãi dùng đầu ngón tay xoa nắn.

Sờ vào khá ẩm ướt, nhưng thực ra không phải đất tính thủy, vừa lúc trái ngược là đất tính hỏa, có điều thuộc về loại cuối cùng trong đất tính hỏa, theo cách nói của lão Diêu thì đây gọi là “đất lưu hỏa tháng bảy”. Tính chất của đất sẽ tự động chuyển thành ấm lạnh, không quá khô, tính dẻo cao, hơn nữa khi gia cố tường giếng sẽ không dễ sạt lở, đây là chuyện tốt.

Rất dễ nhìn thấy, thợ rèn Nguyễn sư phụ cho dù không phải là người trong nghề đào giếng nước, nhưng cũng chắc chắn không phải tay ngang.

Có điều Trần Bình An vẫn không hiểu, đào nhiều giếng nước ở một khu vực chỉ hơi lớn như vậy để làm gì.

Trần Bình An quay đầu nhìn về hướng khe suối nhỏ, nhếch miệng cười.

Hiện giờ trong mắt thiếu niên giày cỏ, khe suối nhỏ vô danh này chính là một kho báu chứa đầy vàng bạc tiền đồng.

Có điều tối nay sau khi mò xong đá mật rắn, Trần Bình An muốn lén đi tới ngõ Nê Bình một chuyến. Làm theo những gì Cố Xán dặn trước khi rời khỏi trấn nhỏ, đến nhà hắn đào đồ vật dưới lu nước lớn kia. Khi ấy Cố Xán đi rất vội vàng, cũng không nói đó là thứ gì, chỉ nói là bảo bối nhà hắn, ngay cả mẹ hắn cũng không biết đồ vật bị hắn giấu bên dưới.

Vừa nghĩ tới cái tên mũi thò lò kia, Trần Bình An lại muốn cười.

Trước kia Trần Bình An là cái đuôi của Lưu Tiện Dương, theo Lưu Tiện Dương đánh cá, bắt rắn, moi tổ chim. Sau khi Trần Bình An trở thành thiếu niên, phía sau mình cũng có thêm một tùy tùng nhỏ.

Đối với thiếu niên giày cỏ không nơi nương tựa, một người là anh trai của hắn, còn một người là em trai của hắn.

Một người cần hắn báo ân, còn một người cần hắn chiếu cố.

Cho nên nhiều năm như vậy, Trần Bình An sống rất vất vả nhưng không khổ sở.