Lấy sông Mã Phù làm ranh giới, Phù Lan được chia ra hai nửa: nửa hữu ngạn là nơi binh lính triều đình đóng quân, nửa tả ngạn là căn cứ điểm của quân phản tặc. Ngự Bắc Vương giữ trại Phù Lan cấu kết cùng Trung Quốc Vương giữ trại Càn Đà, dấy binh tạo phản. Cả hai đóng chặt cổng thành cố thủ, Lịch Vũ kia nhận mệnh chúa thượng đã vây bắt nơi này nhiều tháng ròng. Nếu như chỉ là trận chiến bình thường thì có lẽ đã sớm kết thúc xong xuôi. Nghe đâu trong trại Phù Lan còn có dân lành sinh sống, chỉ e nếu tấn công sẽ lạm sát người vô tội, dân chúng ly tán lầm than nên quân triều đình vẫn cứ ám binh bất động thế này.
Thành bị vây chặt nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lương thực có hạn, người dân cũng không thể đi ra ngoài đổi chác, mua bán. Thoáng chốc mùa đông đã ập tới, tôi nghe phong thanh từ đám binh lính cách đây vài ngày tuyết còn phủ trắng xoá núi Mã Phù. Dù giờ đây tuyết đã tan nhưng tình hình thiếu lương thực trong thành vẫn chưa được giải quyết. Quân phản tặc đột nhập doanh trại triều đình vừa cướp vừa đốt kho lương. Song để tìm được chính xác vị trí mà đốt đâu phải chuyện dễ dàng? Chúng đã dám làm ắt hẳn có nội gián chỉ điểm. Duyên trời run rủi, tôi lại xuyên không về vừa vặn buổi sáng hôm đấy, nghiễm nhiên trở thành đối tượng đứng mũi chịu sào nhằm đánh lạc hướng nội gián thực sự.
Phù Lan vào độ giữa đông.
Sáng sớm mây mù từ đỉnh núi tràn xuống, che khuất đường khuất lối, áng chừng người cách người chưa đến ba bước chân đã không thể nhìn rõ mặt. Các lều san sát nối tiếp nhau đã vắng bóng người, binh lính đổ ra thao trường luyện tập từ lúc mặt trời còn chưa lên. Trên các vọng gác đuốc vẫn cháy phừng phừng, dễ thường ánh đuốc còn sáng hơn cả nắng mai.
Tin tôi trở thành thư đồng của Đô chỉ huy sứ đã được thông báo với toàn doanh trại vào tối qua, do đó việc đi lại hôm nay cũng thuận lợi hơn nhiều. Nếu bị lính đi tuần chặn hỏi tôi chỉ cần báo danh là sẽ được cho qua. Tôi cũng cẩn thận quan sát cách binh lính ăn vận, nói chuyện với nhau. Đa phần mọi người đều cắt tóc ngắn, cá biệt có vài trường hợp để đầu trọc. Những người trông có chức sắc thường để tóc dài hơn, hoặc búi hoặc cột cao đơn giản. Tôi đánh vật cả buổi sáng với mớ tóc dài của mình nhưng dù có làm thế nào thì trông vẫn quá nữ tính. May thay lúc thử búi củ hành thì lại vừa vặn, cột thêm đoạn vải đỏ để cố định nữa là hoàn hảo. Y phục được ban gồm áo khoác trần bông tương đối dày, áo mặc lót màu trắng, áo gì nữa không biết, lại thêm áo cổ tròn và quần, mỗi thứ hai cái; giày được một đôi. Có thể do đương độ giá rét hoặc cũng có thể do văn hoá mà thời kỳ này trang phục tương đối rườm rà. So với những bộ phim cổ trang tôi thường thấy trên tivi cũng không quá khác biệt. Đánh vật cả buổi sáng cuối cùng việc ăn mặc cũng coi như tươm tất. Giờ tôi phải đi tìm người có tên Bạch Vỹ. Vỹ biết việc hầu hạ, Lịch Vũ nói nếu tôi cần gì có thể hỏi anh ta. Đương nhiên từ nhỏ tới lớn tôi nào biết hầu hạ ai bao giờ? Đằng nào cũng phải làm chẳng thà làm sớm, ít nhất còn quen việc, may ra không bị Đô chỉ huy sứ kia ghét bỏ mà đá ra khỏi doanh trại.
Bạch Vỹ ở trong lều lớn hướng chính Đông, rộng ít nhất gấp ba lần lều của Lịch Vũ. Trước cửa có mấy mươi người cao to như hộ pháp, võ bị đầy đủ, cầm giáo cầm kiếm đứng gác rất uy phong, trên trán họ đều khắc ba chữ gì đấy đọc không hiểu. Tôi mon men đi lại gần, nhìn trước nhìn sau. Thấy điệu bộ lấc láo như cáo vào chuồng gà của tôi, lại pha chút hèn mọn, ngay lập tức hai binh lính rút gươm, quát lớn:
"Ngươi là ai? Tới đây có chuyện gì?"
Tôi giơ hai tay lên tỏ vẻ vô hại, cười thảo mai:
"Các anh bình tĩnh. Tôi là thư đồng của Đô chỉ huy sứ, tới đây để tìm Bạch Vỹ."
Một trong hai hạ kiếm xuống, trán nhăn tít lại:
"Đô chỉ huy sứ có thư đồng từ lúc nào?"
"Vừa tối hôm qua thôi." - Tôi hi hi ha ha, bình tĩnh rút tấm thẻ bài bằng gỗ trong ngực áo đưa ra. May mà Lịch Vũ còn chuẩn bị trước thứ này, sơ sẩy một cái với đám binh lính mất mạng như chơi. Tên lính kia liếc qua thẻ bài, hất hàm:
"Lần sau tìm Bạch Vỹ thì báo danh rồi đứng chờ ở phía bên kia."
Tôi gật đầu lia lịa ra chiều đã hiểu, vừa lúc này từ phía đằng xa có một cậu trai trẻ chừng mười tám đôi mươi đi tới. Cậu ta tới gần một bước sương mù lại giãn ra vài phần, nắng bừng lên trên gương mặt thanh tú. Đôi môi anh đào chúm chím, làn da trắng mịn, nụ cười tươi rói khiến cảm giác lạnh buốt giữa những ngày tuyết tan cũng vơi đi quá nửa. Tên lính gác cửa ngay lập tức đổi giọng, ngọt nhạt:
"Bạch Vỹ ngươi xem, có thư đồng của Đô chỉ huy sứ tới tìm này."
Tôi nhe răng cười sượng trân thay lời chào, Bạch Vỹ nhìn tôi một lượt, ánh mắt vừa thăm dò vừa phán xét. Cuối cùng Bạch Vỹ chủ động bước tới, đưa cái thau đồng mình đang cầm cho tôi, điệu bộ mềm mỏng mà giọng điệu cứng rắn:
"Đi theo ta."
***
Bạch Vỹ nói qua loa, đại để việc của thư đồng thường là lo giấy mực, sắp xếp thư trai(1) hay những việc vặt vãnh trong ngày, đấy là đối với môn sinh(2) hay những người đọc sách. Ở đây là doanh trại, trong trại không có người hầu. Tôi là thư đồng đương nhiên sẽ kiêm luôn ti tỉ thứ việc mà gia nhân thường làm. Lúc đấy tôi không hề ý thức được rằng bản thân Bạch Vỹ cũng là người hầu, vậy hà cớ gì y xuất hiện ở đây?
Chúng tôi đi một quãng khá xa, Bạch Vỹ dẫn đường chỉ những khu được phép ra vào, những nơi cơ mật mà kẻ dưới tuyệt nhiên đừng hòng bén mảng đến nếu không có lệnh. Tới một đoạn đường chằng chịt ổ gà, đất nhão ra như bùn, Vỹ nhìn đôi hài của tôi, ngạc nhiên:
"Đô chỉ huy sứ cho ngươi cả hài cơ à?"
Tôi nhìn xuống chân mình, bước tới bước lui vài vòng:
"Sao? Có vấn đề gì à?"
Bạch Vỹ bĩu môi:
"Không biết vừa đến đã dùng chiêu trò gì, Đô chỉ huy sứ đúng là quá hào phóng mà!"
"Ngươi cũng đi mà? Sao lại nói ta?" - Tôi tròn mắt.
"Ngươi còn dám so bì? Ta theo hầu chúa thượng từ khi mới lên năm."
Tôi gật đầu lấy lệ, làm sao so được cơ chứ? Nhưng kể ra đúng là hơi kỳ lạ, dù mùa đông rét mướt đi chăng nữa thì đa số người trong doanh đều đi chân trần. Tôi tính hỏi nhưng hình như hơi khiếm nhã. Mà ai quan tâm làm gì chứ? Tên Lịch Vũ kia đã cho thì tôi cứ nhận. Hỏi vớ vẩn linh tinh y lại cắt phần luôn không biết chừng.
"Vậy ngươi bao nhiêu tuổi?"
"18." - Bạch Vỹ trả lời đầy kiêu ngạo, y lắc lắc cái đầu bé xinh.
Tôi cười thành tiếng, tí nữa thì bò cả ra trên mặt đất. Chuyện là hôm qua tôi cũng lừa Lịch Vũ rằng mình mới 18 tuổi mà thực ra đã là 23, Lịch Vũ có vẻ rất tin tưởng. Trả lời đúng tuổi thật có khi lại bị hỏi chuyện vợ con, lơ ngơ sẽ bại lộ việc tôi là con gái.
Nói gì thì nói Bạch Vỹ cũng là chàng trai xinh đẹp nhất mà tôi từng gặp. Phải dùng từ "xinh đẹp" cho một người đàn ông bởi lẽ y da đỏ môi hồng, hai mắt lúng liếng. Đi cạnh Bạch Vỹ tôi cũng yên hẳn. Vỹ hầu cận chúa thượng mà mi thanh mục tú(3) nhường ấy thì trong trại xuất hiện thêm thư đồng ẻo lả như tôi cũng bớt đi vài phần điều tiếng.
Vỹ là người quảng giao, trò chuyện khéo léo tôi cũng tạm thời biết thêm được chút thông tin có giá trị. Lần này tôi không ngu ngốc phạm huý vua nữa, hỏi sang tên của phản tặc cho đơn giản. Ngự Bắc Vương tên thật là Lê Long Cân, Trung Quốc Vương là Lê Long Kính, khả năng cao vua mang họ Lê. Kế đó hiện tại tên nước là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này chỉ tồn tại vào thời Đinh hoặc Tiền Lê. Kết hợp cả hai dữ liệu và dùng phép loại trừ, kết quả cuối cùng chắc chắn là thời Tiền Lê rồi!
Băn khoăn này vừa được gỡ bỏ thì băn khoăn khác lại ập tới. Đây là triều đại như thế nào? Bao nhiêu vua? Vua hiện tại là ai? Chiến tranh hay thái bình? Tôi nhớ loáng thoáng có chuyện gì đó lớn lắm liên quan đến cái tên Đại Cồ Việt mà nhất thời không nhớ ra được. Vốn hiểu biết eo hẹp thì đã đành đằng này số vua trong lịch sử nước nhà tôi biết chắc đếm không quá hai bàn tay. Nếu biết trước sẽ xuyên không, chắc chắn tôi sẽ dành nửa đời trước của mình để học hành lịch sử thật tử tế!
***
Giữa trưa trời quang mây tạnh. Sương mù tan bớt và mặt đất cũng khô ráo hơn. Tôi lần theo tiếng kẻng đi xuống bếp nhận phần ăn về cho Đô chỉ huy sứ. Người cai quản việc bếp núc là Phùng, cỡ hơn ba mươi tuổi, dáng người mập mạp cục mịch. Phùng mặc áo xám, quần đen, ống tay áo rộng thùng thình xắn lên đến gần vai, buộc túm lại.
"Tôi là Đam, thư đồng của Chỉ huy sứ. Tôi đến đây lấy đồ ăn cho người."
Phùng nhìn tôi không đáp, chỉ về khay đồng để sẵn. Cơm canh đầy đủ còn ấm nóng, khói bay nghi ngút. Tôi khịt mũi, quay sang hỏi:
"Anh Phùng, phần ăn của tôi lấy ở đâu?"
Phùng chỉ ra trại bên ngoài, nơi quân lính đang xếp hàng dài:
"Ăn cùng binh lính."
Tôi gật đầu, lưỡng lự nhìn về hướng cả trăm cả ngàn tên đàn ông rồi lại nhìn mình, tự thấy nghèn nghẹn ở cổ. Xem ra những bữa ăn sau này khá khó nuốt. Tôi phải mau nghĩ cách bằng không nếu cứ chạm mặt chan chát với họ ngày một thì cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Tôi liếc nhìn, ngay cạnh khay đồng của Lịch Vũ còn có một khay khác bằng bạc, có vẻ nhiều hơn đôi ba món nhưng nhìn chung cũng đơn giản. Khác với những bữa ăn xa hoa của tướng lĩnh vẫn thường thấy trên phim ảnh, Lịch Vũ chỉ có một đĩa cá kho, một bát canh lớn, một bát cơm trắng với một quả lê. Không rõ là do tình hình tiền tuyến khó khăn hay do phim ảnh lừa dối mà ngay cả Chỉ huy sứ cũng ăn uống "đạm bạc" khác xa với tưởng tượng.
Nhân lúc bê khay đồng về lều lớn, tôi ngó nghiêng qua nơi đang phát cơm cho lính tráng. Á à, phải xem họ sẽ cho mình ăn cái gì đã chứ. Bắt đầu từ cơm trắng thì ít mà độn với đủ thứ ngũ cốc thì nhiều. Những miếng thịt luộc thái mỏng dính tưởng chừng như một ngọn gió nhẹ nhàng thổi qua cũng đủ cuốn hết đi cùng với niềm tin mong manh của tôi. Được cái đang ở nơi rừng núi, dù giữa mùa đông rau xanh xem chừng cũng chẳng thiếu. Nhìn lại mâm cơm của Đô chỉ huy sứ kia tự dưng tôi thấy đúng là đối đãi đặc biệt dành cho VVIP(4). Trong phút chốc tay tôi trở nên vô lực, hỡi cao xanh ơi nếu chỉ ăn như kia mà còn bắt phải lao động vất vả cực nhọc như người hầu, thân yếu liễu đào tơ như tôi lấy đâu ra năng lượng chứ? Tôi lảo đảo bước đi, còn chưa được ăn đã thấy đói, lòng buồn thương trống rỗng. Sống mà không được ăn ngon thì cuộc sống đã mất đi bảy phần ý nghĩa.
Ước chừng khoảng dăm kiếp người, nghìn trùng sương gió, cuối cùng tôi cũng lết được tấm thân tàn tạ cùng cái khay đồng nặng trịch về đến lều lớn. Phàm những kẻ ác ắt gặp quả báo. Bấy giờ tôi mới thấy ăn năn hối hận vì những lần đi cafe gọi cappuccino vẽ hình con mèo mà ngồi tận tầng bốn. Có lẽ những lúc đấy các bạn nhân viên oán hận tôi ra sao thì tôi đang oán hận tên Lịch Vũ y như vậy. Đầu tiên là chỉ tính riêng cái khay đã phải đến cả mấy cân, kế đó còn mang đi xa, mang đi nhanh, mang thật khéo để không đổ canh. Vừa tới cửa lều thì tôi đã kiệt quệ. Đúng lúc hai lính canh chặn lại, buông một câu lạnh lùng làm đóng băng trái tim tôi.
"Chờ ở ngoài!"
"Chờ... ở ngoài?" - Tôi lắp bắp hỏi lại. Nhìn xung quanh không có chỗ nào có thể đặt tạm cái khay để nghỉ tay một chốc, nếu cứ tiếp tục thế này thì sẽ bị chuột rút mất. - "Có chuyện gì vậy?"
"Chúa thượng đang nghị sự với Đô chỉ huy sứ."
Chúa thượng?
Chúa thượng chẳng phải là vua đấy sao?
Tôi hít vào một hơi sâu, trống ngực đánh thùm thụp, trong đầu như vừa có một công tắc bật lên, lần lượt trình chiếu đủ các kịch bản phim cung đấu, những màn khóc lóc, đấu trí cực căng thẳng của các hậu phi. Lần xuyên không này coi như tôi gặp may lớn, ít nhất cũng có thể thấy được thứ đáng nhìn nhất Đại Cồ Việt này. Thử nói xem chúa thượng là ai cơ chứ? Người đứng đầu cả một quốc gia nhất định sẽ cực kỳ bệ vệ, uy phong! Tôi gật đầu, tự tán thành với chính mình. Phải tỏ ra thật ngoan ngoãn, tốt nhất đừng gây chú ý gì. Vừa lúc này có bóng người từ trong lều đi ra. Hai tên lính đột ngột cúi mặt quỳ phục xuống đất. Thấy tôi vẫn đứng trân trân một trong hai kéo tôi xuống, ấn đầu thỏ thẻ:
"Cúi mặt!"
Kế hoạch nhìn trộm chúa thượng đổ bể. Chúa thượng bước môt bước tôi lại cúi đầu thấp hơn vài phần. Y mặc áo đỏ, gấu áo viền đen, thắt lưng nạm bạch ngọc. Tôi cúi càng sát đất, người đó đi hài màu đen, chỉ vàng óng ánh, toàn thân toát ra mùi trầm nhàn nhạt. Tôi lo lắng đến quên thở, sợ nhỡ bị phát hiện điều gì bất thường thì chỉ e tôi sẽ chết bất đắc kỳ tử. Quả thực may mắn, chúa thượng đi thẳng về lều lớn phía Đông mà chẳng hề phát giác. Tôi thở phào, nhìn theo bóng lưng, có vẻ như người này này còn rất trẻ. Dáng người y cao lớn, vai rộng vả lại còn có vẻ rất... quen mắt?
"Sao còn chưa mang đồ ăn vào?" - Tên lính đứng dậy trước đá vào chân tôi.
Tôi ậm ừ, khệ nệ mang khay đồ ăn vào. Lịch Vũ đang ngồi trầm ngâm, trên bàn trải một tấm bản đồ lớn bằng da thuộc. Thấy tôi y gập bản đồ lại, đẩy sang một bên. Tôi toe toét:
"Đô chỉ huy sứ, đến giờ ăn cơm rồi."
Lịch Vũ nhíu mày, tôi biết ngay mình nói lỡ lời. Ở thời kỳ cổ đại cách dùng từ hay nói chuyện có nhiều thứ khác biệt, nếu tôi cứ quen miệng như vậy thì sớm thôi sẽ bị phát giác điều bất thường.
"Đô chỉ huy sứ, mời dùng bữa." - Tôi sửa lại, cẩn thận đặt khay đồ ăn vào giữa rồi lui xuống bên dưới đứng chờ.
"Đã nhận quần áo mới rồi?"
"Dạ vâng!" - Tôi gật đầu lia lịa.
"Ngày mai có một buổi cung khảo của binh lính, ta cần chuẩn bị sớm hơn thường lệ. Canh năm ngươi hãy qua đây hầu."
Canh năm là mấy giờ tôi còn chưa biết thì làm sao giúp Lịch Vũ chuẩn bị được nhỉ? Lòng băn khoăn là vậy nhưng chẳng dại gì mà hỏi lại y. Chỉ cần nghe qua ngữ điệu của Lịch Vũ thì có vẻ buổi cung khảo kia rất quan trọng, vậy thì cứ dậy thật sớm là xong. Nhân lúc trông Lịch Vũ có vẻ dễ chịu, tôi nhỏ nhẹ:
"Chỉ huy sứ, người có thể cho Đam hỏi một câu không ạ?"
Lịch Vũ im lặng, không phản đối tức là đồng ý, tôi liền mau miệng hỏi:
"Là ai sáng hôm đó đã đưa Đam về trại ạ?"
Lịch Vũ chẳng buồn ngẩng đầu lên, chỉ đáp lại ba từ cụt lủn:
"Ta không biết."
Tôi đăm chiêu. Thế này thì chết dở. Ngày hôm đó tôi say quá nên nào có nhìn rõ, càng không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Xuyên không thì thôi đi nhưng lúc đấy trên tay tôi vẫn cầm điện thoại. Nếu rơi ở thời hiện đại thì không nói làm gì nhưng lỡ mà tôi có tuột mất trong lúc lưu lạc ở đây thì phiền lắm. Chẳng may sau này các nhà khảo cổ tìm thấy hiện vật này thì sẽ trở thành tin chấn động địa cầu, huyên náo năm châu. Cách tốt nhất bây giờ vẫn là phải tìm ra người đã mang tôi về, hỏi cho ra nhẽ chuyện đầu đuôi hôm đó.
Tôi liếc Lịch Vũ, y nhìn đĩa cá trên bàn mà sắc mặt sa sầm lại. Thôi chết, hỏng bét! Hẳn là lỗi của tôi. Mới nãy vẫn còn đang vui vui vẻ vẻ cơ mà. Vừa đi làm ngày đầu tiên mà để sếp đuổi việc thì coi như cuộc sống ở Đại Cồ Việt này của tôi cũng chấm dứt. Tôi nhanh nhảu chạy lại, lao tới bên vồ lấy đĩa cá trắm trên bàn.
"Đô chỉ huy sứ bình tĩnh, để Đam nhặt xương cho người!"
***
Chiều dần buông xuống.
Những đám mây nhỏ nhoi vô định vội vã trôi trên bầu trời nhuộm một màu đỏ sẫm tuyệt đẹp của hoàng hôn. Một ngày đông nắng ấm hiếm hoi. Ráng chiều bao trùm lên bóng lều cô tịch. Sâu trong rừng già, cạnh những thân cây khẳng khiu trơ lá, điểm xuyết cạnh vòm cây lá nhuộm vàng ủ ê là những hàng hoàng đàn xanh sẫm rậm dày vẫn mạnh mẽ vươn lên. Khói bếp chờn vờn quyện vào làn mây bàng bạc từ đỉnh núi lan xuống. Đó đây bập bùng những ánh đuốc hồng, và rộn ràng tiếng ngựa dong từ bãi cỏ trở về, phủ phê sau một ngày nhẩn nha gặm cỏ. Một buổi chiều đẹp nhưng buồn đến lạ kỳ, buồn rầu đến rơi nước mắt vì đã hai ngày trôi qua mà tôi chưa được tắm. Đói cho sạch rách cho thơm nức, chứ chịu cảnh toàn thân hôi hám thế này áng chừng chưa tới bình minh ngày mai tôi chắc chắn sẽ phát điên.
Bí mật quan sát, hôm nay trời hửng nắng ấm áp hơn thường lệ, binh lính trong trại từ thao trường về đổ ra sông Mã Phù đi tắm, tụ tập thành từ nhóm nhỏ từ dăm bảy đến cả chục người. Đương nhiên thân gái e thẹn như tôi nếu cứ thế tồng ngồng chạy ra hoà cùng đám người kia thì không ổn! Vậy là bộ não tội nghiệp lại phải ra sức làm việc, bày mưu tính kế.
Tắm trong lều? Không ổn! Làm gì có nước?
Tắm đêm? Tôi sợ đột quỵ. Hơn nữa còn bị lính canh phòng gô cổ như chơi.
Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất! Nhân lúc nhập nhoạng tối ai ai cũng bận bịu tôi phải ra tay ngay. Buổi chiều tôi đã lén xuống bếp xin được một ít sả, một ít hương nhu bọc vào trong miếng vải nhỏ để thay cho sữa tắm. Mùi rượu trên người nồng thế này mà chỉ "tắm chay" với nước lã thì chẳng thấm vào đâu. Chẳng ngờ ngay khi vừa từ bếp đi ra tôi đã thấy Bạch Vỹ điệu bộ lén lút đi về phía núi sau trại lớn, trèo qua mấy mỏm đá, lòng vòng lên gần phía rừng nên đã lẳng lặng đi theo. Hoá ra ở đó có một con suối nhỏ trong vắt, vắng bóng người. Chẳng biết Vỹ làm gì ở đấy còn tôi vô cùng đắc chí. Hiếm có khi nào kể từ lúc tới Đại Cồ Việt mà lại có chuyện thuận lợi đến nhường này.
Con suối chảy quanh co, nằm khuất hẳn sau một rặng chuối rừng cao lừng lững. Độ này đang giữa đông, chuối rừng nở hoa đỏ thẫm, hình dáng như búp sen, tựa lửa thắp lên giữa đại ngàn. Tôi trút bỏ quần áo, thử nhúng chân vào nước kiểm tra nhiệt độ. Nước trong nhưng lạnh, mất một lúc để cơ thể làm quen. Nếu tôi ước nước ấm hơn chút có phải là quá tham lam rồi không? Dù sao tìm được nơi vừa kín đáo vừa thoải mái như thế này thì nằm ngoài tầm mong đợi. Tôi vui vẻ sà xuống nước, thoải mái vừa vùng vẫy vừa ngửa cổ lên ngắm nhìn một mảnh trăng non tuyệt đẹp.
"Ai đấy?" - Tiếng đàn ông từ phía bên kia suối vọng lại làm tôi thất kinh, tưởng chừng tim đã rớt ra khỏi lồng ngực. Cố gắng giảm sự tồn tại của mình đến mức nhỏ nhất, tôi đứng im nghe ngóng tình hình. Bây giờ nên đứng im hay tôi phải làm gì khác? Trong tình trạng trần như nhộng thế này tôi sẽ chết vì xấu hổ trước khi bị chặt đầu. Tôi hít sâu một hơi, cố gắng động não, cuối cùng như bao tình tiết trên phim truyền hình, tôi "Meo" một tiếng giả mèo.
Lại thêm chừng mười giây im lặng, người bên kia gằn giọng:
"Mèo rừng sao chỉ kêu một tiếng?"
"Meo meo." - Tôi lập tức sửa sai. Giá như tôi đủ tỉnh táo để biết rằng dù mèo rừng hay mèo nhà, nó kêu mấy tiếng là việc của nó. Đến khi biết mình dính bẫy tôi một mạch hụp sâu xuống nước rồi bơi vào bờ ôm lấy quần áo, ra sức mặc vào.
"Ai?" - Phía bên kia lặp lại câu hỏi, xem chừng đã mất hết kiên nhẫn.
"Ngươi là ai mà hỏi ta là ai?" - Tôi cứng giọng, không nhìn thấy người hỏi mình mà chỉ biết có tiếng nói vọng lại từ phía đầu nguồn. Hai bên ngăn cách với nhau bởi một đám lau trắng rậm dày. Tôi nấp càng lúc càng sâu, lẩn vào khúc quanh của con suối. Trời ơi sao vận xui cứ đổ vào đầu tôi thế này? Tôi chỉ muốn an bình tắm một cái cho sạch sẽ cũng không được hay sao?
"Suối này mà ngươi cũng dám tắm?" - Hắn hỏi bằng giọng mỉa mai.
Tôi vừa hối hả mặc đồ vừa gào to lên:
"Ta sợ gì mà không tắm? Ngươi tắm được thì ta cũng tắm được. Suối là của chung làm như của mình nhà ngươi không bằng?"
"Ngươi mau sang đây cho ta!" - Người kia lạnh giọng.
Đầu tôi bắt đầu nảy số, khẽ nhếch miệng cười, giọng điệu vờ vịt:
"Ta chưa mặc quần áo, hay cứ để như vậy sang gặp ngươi?"
"Lưu manh!" - Bên kia chửi một tiếng rồi im bặt.
Thật dễ bị lừa, tôi cười khẩy. Mặc xong quần áo nghiêm chỉnh, tôi chầm chậm tiến gần vén mấy cây cỏ voi cao ngồng, thong thả đi về phía suối bên đó. Ái chà chà, tôi thảnh thơi tiến lại gần, một tay làm bộ đang vuốt râu, một tay giấu phía sau lưng. Còn tưởng ai đáng sợ lắm nhưng hoá ra chỉ là một chàng trai trẻ cỡ mười tám đôi mươi, dáng người to lớn, vai cuồn cuộn, tóc búi cao. Trên ngực và lưng y chằng chịt những hình xăm mà tôi nhìn chẳng rõ, chỉ cơ hồ thấy thân thể rất đẹp, rất cường tráng. Tôi tiến lại gần người kia trừng trừng nhìn lại. Lông mày rậm, đôi mắt đen sáng, ngũ quan hài hoà, rất hợp ý tôi.
"Cũng không tệ nhỉ?" - Tôi vừa cười nói vừa giả lả lại gần.
Nếu có một chiếc gương soi bây giờ, chắc chắn trông tôi sẽ có điệu bộ của một tên sở khanh đang trêu ghẹo gái nhà lành. Nói gì thì gì, đàn ông trong doanh trại so với những anh gymer tôi thường gặp cơ bắp có thể ít hơn một chút nhưng khí chất đều bất phàm không thể trộn lẫn.
Người kia nhìn vẻ bỉ ổi của tôi, giọng lạnh tanh:
"Còn không mau quỳ xuống?"
"Quỳ à?" - Tôi cười ha hả. Trông tôi hiền lành nhưng không phải loại người dễ bị bắt nạt. Vẫn với điệu bộ tiểu nhân đắc ý tôi áp sát y mà không hề có ý định dừng lại.
"Hỗn xược! Ngươi có biết ta là ai không?" - Tên trai trẻ kia vẻ mặt căng thẳng nhìn tôi.
Tôi lắc lắc đầu tỏ vẻ vô hại:
"Thế ngươi biết ta là ai không?"
Người kia im lặng không đáp. Hê hê, bí rồi chứ gì? Dù sao hắn cũng không biết tôi là ai, tôi nhanh như chớp ném hòn đá lớn giấu sau lưng xuống suối. "TỦM" một tiếng lớn, nước bắn tung toé khắp nơi. Tôi cười phá lên rồi lủi đi thật nhanh như cơn gió. Người kia nhất thời không phản ứng kịp, đến khi tôi chạy đến giữa con dốc mới nghe tiếng hắn gầm lớn:
"Đừng để ta gặp lại ngươi!"
Gì chứ tôi cũng không có ý định gặp lại hắn.
Tiểu nhân đắc ý, ném đá giấu tay tôi là số một!
***
Mặt trời lặn thì quân lính trên thành đánh một hồi ba tiếng trống thu không(5), mọi công việc trong ngày sẽ tạm dừng. Áng chừng khoảng bảy giờ tối trong trại sẽ đánh thêm hồi trống nữa, lúc này được xem là canh một. Thời kỳ cổ đại thì mỗi ngày có mười hai canh giờ, tính trung bình thì một canh bằng hai tiếng. Nếu lấy bảy giờ làm mốc thì canh năm mà Lịch Vũ nói sẽ vào khoảng ba đến năm giờ sáng.
Gà chưa gáy tôi đã dậy, tất tả dọn dẹp bưng nước, chuẩn bị giáp, cung, kiếm mang đến tận bàn, hầu Lịch Vũ mặc. Hẳn là chỉ khi nào quan trọng lắm mấy bộ giáp này mới được sử dụng. Khoan nói đến tính an toàn, tôi vừa khiêng vừa ôm, loay hoay mãi mới có thể giúp y mặc bộ áo giáp nặng trịch kia lên người. Bình thường Lịch Vũ vốn đã rất cao, phong độ, nay khoác thêm chiến bào, hông đeo kiếm, ánh mắt vừa chính trực vừa kiên định, khí thế bức người khiến tôi không nhịn được mà thầm tán thưởng trong lòng.
Mặt trời vừa mọc tôi lẽo đẽo theo Lịch Vũ ra thao trường. Bấy giờ binh lính đã đứng chật như nêm, hàng lối thẳng tắp. Quân nhân cho dù là thời kỳ nào đi chăng nữa thì tác phong cũng luôn chuẩn chỉ. Lịch Vũ đi trước, tôi đi sau năm bước, hai tay chắp trước ngực đúng chuẩn người hầu ngoan ngoãn lễ độ trong phim ảnh. Thao trường là một khoảng đất rộng mênh mông, thường thì chỗ này là nơi tập trận của binh lính nay được sắp xếp gọn gàng, chuẩn bị cho kỳ cung khảo. Đóng quân vây thành lâu, tránh để việc võ bị bị mai một, thi thoảng những kỳ tổng tập trận hoặc đấu kiếm, đấu võ vẫn được tổ chức. Kỳ này thi bắn cung, ấy là cung khảo.
Lịch Vũ ngồi chưa ấm chỗ thì một người tay cầm chiêng, hông giắt cái cờ đỏ bước lên phía trước, gõ boong boong liền ba tiếng, lập tức toàn quân quỳ xuống thi lễ. Tôi dáo dác nhìn trước ngó sau. Đô chỉ huy sứ đã ở đây, lẽ nào còn có người khác đến? Liền đó từ xa xuất hiện một đoàn người che lọng tía vô cùng khoa trương. Cậu trai cầm chiếc lọng cao nhất kia chẳng phải chính là Bạch Vỹ hay sao? Chà chà, để xem nào, nếu Bạch Vỹ ở đây thì chẳng lẽ người dẫn đầu kia... là chúa thượng?
Trong nắng đông nhàn nhạt, người đứng đầu Đại Cồ Việt mặc một chiếc áo đỏ, kế sau là quân tuỳ tùng xếp hàng dài. Dáng người y cao lớn, tuổi chắc chỉ vừa đôi mươi, nước da nâu bánh mật, nổi bật lên trên tất cả là đôi mắt đen sắc lạnh, kiêu ngạo. Chúa thượng tiến tới gần, tôi nuốt nước bọt, không phải vì y quá điển trai mà hình như trông rất quen mắt. Đến khi chúa thượng chỉ còn cách chưa đến mười bước chân, yên vị trên chiếc ghế rồng tôi mới len lén nhìn trộm. Ngay khoảnh khắc đôi mắt ngây thơ của tôi bắt gặp cái nhìn lạnh lùng, kiêu ngạo kia thì bầu trời trước mặt như sụp đổ. Tôi xây xẩm mặt mày, lảo đảo mấy bước. Tôi nhìn chúa thượng, chúa thượng nhìn tôi, bốn mắt nhìn nhau vừa vặn lại chính là đôi mắt của người đàn ông bên bờ suối bị tôi trêu ghẹo.
"Cũng không tệ nhỉ?" - Y nhắc lại tròn trĩnh đúng bốn từ hôm qua kèm theo một nụ cười độc địa.
Tôi không nghe gì hết, chỉ thấy "Đoàng! Đoàng! Đoàng!" bên tai. Ngực đột ngột đau nhói như vừa bị ai thụi vào, chỉ hận không phun ra được một ngụm máu tươi. Đời là bể khổ, qua được bể khổ thì tôi cũng qua đời.
______
Chú thích:
(1) thư trai: Buồng học. Phòng đọc sách.
(2) môn sinh: Người học trò.
(3) mi thanh mục tú: Lông mày dài nhỏ, mắt đẹp, chỉ diện mạo đẹp đẽ.
(4) VVIP - (very very important person): nhân vật/ người cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn cả VIP.
(5) thu không: Hiệu chuông hoặc trống báo hiệu soát xét không có kẻ gian hoặc việc lạ trong thành khi trời gần tối.