Trong bao sự cố gắng và chờ đợi, buổi tổng duyệt của chúng tôi rơi đúng vào thứ sáu ngày mười ba, một con số xui xẻo.
Trong những ngày cuối, hai lớp chúng tôi tạm gác lại mọi hoạt động học tập để tập trung cho buổi biểu diễn. Việc Kiều Trang bốc vào số thứ tự công diễn gần cuối giúp chúng tôi dư giả thời gian hơn chút đỉnh nhưng cũng đồng nghĩa khán giả cổ vũ sẽ không thể náo nhiệt như ban đầu nữa, điều đó làm hai lớp băn khoăn không dứt khiến giáo viên phải động viên liên hồi.
Không chỉ thế, Thùy Linh không biết tung tăng chạy nhảy kiểu gì mà ngã mạnh đến trẹo cổ chân, chườm đá mãi vẫn sưng tấy. Trong tiết mục của chúng tôi, Minh Nam và Thùy Linh vốn được xếp vào vị trí trung tâm, vì vết thương của Linh mà làm xáo trộn cả đội. Suy đi tính lại, chẳng hiểu ngẫm nghĩ kiểu gì mà Hà Vi lại thay tôi và Đức vào vị trí đó.
- Động tác của Đức Lam cũng tựa tựa như vậy, sẽ không mất nhiều thời gian điều chỉnh đâu, với lại hai đứa này là sáng nhất đội hình rồi, mọi người có ý kiến gì không?
Tôi mím môi muốn từ chối rồi lại thôi, đây là việc của lớp, tôi đâu thể vì bản thân ngại ngùng mà đùn đẩy ngúng nguẩy làm ảnh hưởng đến tập thể được.
Một đứa thắc mắc:
- Nhưng chỉ còn hai tiếng nữa là diễn rồi, trang phục của cặp trung tâm đặc biệt nhất, làm sao kịp thời gian mà đổi lại nữa?
Lúc này mọi người mới tá hỏa nhớ ra vấn đề quan trọng đó. Chiều cao của Đức và Nam tựa tựa nhau nên không bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng tôi và Linh lại chênh nhau đến cả chục centimet. Không thể liên hệ cho bên thuê trang phục vào giờ này, tôi đành dùng thật nhiều kim băng để nâng chân váy lên cao hơn.
Khác với mọi năm, thay vì thuê thợ về bôi mắt xanh, đánh má hồng và tô son hồng cánh xen như phong cách phụ huynh thì hai lớp chúng tôi lại chọn tự trang điểm. Trước hàng chục con người vui vẻ đồng ý, một mình tôi không dám lên tiếng phản đối. Tôi chống hai tay xuống bàn nhìn đống mỹ phẩm ngổn ngang trước mặt, chẳng phân biệt nổi cái nào với cái nào.
Lần đầu tiên tôi đánh phấn hình như là hồi tham gia buổi Nghệ thuật thiếu nhi lúc năm tuổi, với những vết mẩn đỏ và sốt cao cả tuần, đó cũng là lần cuối cùng tôi động đến đồ trang điểm.
Tôi ngỏ ý với Vi xin được để mặt mộc nhưng không thành công. Vi nói cặp diễn trung tâm chính là đại diện của cả nhóm, không được để gương mặt mình kém nổi bật.
Chọn đại ba hộp có vẻ rẻ tiền nhất, tôi vụng về trát từng chút lên mặt, Kiều Trang đi ngang qua giật nảy mình hét ầm lên rồi nhảy vào hỗ trợ. Tôi cười hì hì nghe Trang mắng, tiện miệng hỏi:
- Mày vừa đi đâu mà nhễ nhại mồ hôi thế?
- À. - Trang vẫn tập trung tô tô trát trát. - Bác bảo vệ mượn xe đạp của tao để chuyển mấy bình nước nên tao lai bác đi luôn.
Tôi tưởng tượng cảnh Trang lai bác bảo vệ trên chiếc xe đạp cót két phóng vèo vèo quanh sân trường, không nhịn được mà bật cười khanh khách.
- Im nào! - Trang hét. - Nhoè hết son rồi.
Sau đó là một màn đánh vật với mascara, tôi không quen nên cứ chớp mắt liên hồi, báo hại Trang tức đến mức biến thành con tôi luôn:
Trong khi tôi và Trang đang đánh vật với cây chuốt mi, Đức đã xuất hiện trước cửa lớp tôi từ lúc nào. Cậu tựa mình vào thành tường, cười cười nhìn vẻ mếu máo của tôi. Có cái gì buồn cười không biết?
Trang vừa xịt khóa nền cho tôi liền bị Hà Vi lôi đi giúp những đứa khác. Trong lúc cuống cuồng, chẳng biết đầu óc chập cheng kiểu gì mà Trang lại bảo tôi nhờ Đức bện tóc giúp. Thế mà Đức vẫn nghe thấy rồi lật đật chạy vào mới hay chứ.
Tôi sờ soạng trên đầu để lấy ba lọn tóc, không biết liệu Đức có hiểu nổi không.
- Cậu cầm lấy hai lọn ngoài như này, giống đan rổ ấy, đúng rồi đúng rồi.
Tôi lần mò giúp Đức bện lại phần tóc trên đỉnh đầu, miệng không ngừng hướng dẫn. Rõ là điều hòa để 16 độ mà tay Đức vẫn chảy mồ hôi ướt đẫm sang cả tay tôi.
Cả lớp học đang ồn ào đột nhiên im bặt, đồng thanh hướng mắt vào tôi. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, cuối cùng cũng nhận ra vấn đề ở đâu, liền vội vàng rụt tay lại.
Lúc bện xong, Đức giúp tôi gắn chiếc trâm cài đi kèm trang phục, đang ngon lành thì một lọn tóc đột nhiên rối lên, cậu cúi xuống chỉnh lại, hơi thở cậu phả lên trán tôi ấm nóng, khoang mũi tôi bị bao quanh bởi hương nước xả vải dìu dịu.
Chuẩn bị đâu ra đấy, cả đội kéo nhau xuống sân để xem những tiết mục diễn trước, có vẻ trường không lường được nhiệt độ hôm nay sẽ cao đến thế nên chẳng căng bạt chống nóng. Tôi nheo mắt dưới cái nắng chói chang, không dám vén gọn tóc vì sợ làm lệch chiếc trâm cài. Trên đầu đột nhiên râm mát, tôi ngước mắt lên và thấy Đức từ lúc nào đã chạy đến phía sau tôi, trên tay là chiếc quạt giấy. Không kịp để tôi phản ứng, cậu vén tóc mái tôi lên rồi dùng quạt phe phẩy nhè nhẹ, vậy mà càng quạt tôi lại càng thấy nóng, chắc trời hôm nay phải lên đến năm chục độ mất.
Dòng người đứng xem ngày càng vãn dần nhưng chúng tôi không tỏ ra lo lắng nữa, tôi nhìn mọi người đang tập trung soi gương để chỉnh lại lớp phấn dặm, buột miệng hỏi:
- Trông tớ được không?
Đức ngơ ngác như không hiểu:
- Cái gì được không?
Thì... - Tôi ngập ngừng. - Lớp trang điểm của tớ ấy.
Đức tỏ ra đăm chiêu quan sát tôi rồi nhận xét:
- Cậu lúc nào chẳng xinh.
Rõ ràng tôi là người muốn trêu chọc Đức, thế nào mà lại thành người thẹn thùng đỏ mặt.
Về nội dung văn nghệ, chúng tôi tự tin đội mình có tiết mục độc đáo nhất. Chứ lại không, tôi và Trang đã dành cả một ngày để tìm hiểu đủ bài, tổng hợp lại cho hợp lý và tự thu âm nhiều lời thoại nữa. Bài biểu diễn của chúng tôi bao gồm cả hoạt cảnh chiến tranh, múa đương đại lẫn hát song ca, chắc chắn ăn trọn điểm tuyệt đối trong ô tính sáng tạo của ban giám khảo.
Phía nhà đại vẫy tay ra hiệu, chúng tôi chạy lên đứng kín cả hai bên cánh gà, bắt đầu sắp xếp lại đạo cụ. Tôi nén những hồi hộp cứ dồn dập dội đến, mồ hôi phút chốc rịn đầy lòng bàn tay.
"Và tiếp theo là phần diễn của chi đoàn 10A1 và 10A5, xin mời quý vị khán giả hướng mắt lên sân khấu."
Mở đầu tiết mục là hoạt cảnh, tất cả thành viên của hai lớp kể cả những người không trong đội văn nghệ đều hô vang khẩu hiệu hào hùng đã học từ trước, át đi cả tiếng súng và bom đạn ào ạt của loa âm thanh.
Ban đầu cả sân trường còn ngơ ra vì nội dung không mấy liền quan đến nhà giáo, nhưng ngay tức khắc sân khấu đã chuyển cảnh sang những lớp học thô sơ thời chiến dưới bom đạn của kẻ địch. Đến phần chuyển cảnh sang múa cổ truyền, chúng tôi cởi thật mau lớp áo ngoài để kịp diễn. Vì quá vội vàng mà tôi không kịp kiểm tra lại kim băng đã cài từ trước, hậu quả là có và chiếc bật ra và găm chặt vào bụng khi Đức bế tôi lên.
Tôi nén cơn đau bất chợt ập đến, chạy theo nhóm cầm cán cờ đến đoạn cao trào. Phần vì nền trơn, phần vì giày múa chẳng có chút nào ma sát nên ai nấy cũng sợ vấp ngã giữa chừng. Tôi ghì chặt ngón chân xuống đất, nối thành vòng tròn quanh sân khấu.
Chuyện xảy ra đúng khoảnh khắc đó.
Chân váy vốn quá dài vì kim băng bị lỏng mà bắt đầu rơi xuống, tôi không thể túm lên vì vẫn đang cầm cờ. Trong phút chốc, người phía sau bị trơn trượt mà vấp lên váy tôi. Không kịp phản ứng, tôi cứ thế ngã nhào, khuỷu tay theo phản xạ đập mạnh xuống đất. Tất cả mọi người đều bị bất ngờ vì sự cố ấy, cả sân trường cũng chìm trong im lặng. Tiếng nhạc vẫn tiếp tục vang lên, Hà Vi nhanh chóng kéo giật tôi dậy, mọi người cũng sực tỉnh tiếp tục biểu diễn.
Suy cho cùng chúng tôi cũng chỉ là những đứa trẻ mười lăm tuổi, chưa đủ trưởng thành để đối phó với những vấn đề không lường trước. Có cố thế nào mọi người cũng không thể giữ vẻ mặt tươi tình như ban đầu nữa, tất cả điều đó như tảng đá nặng trịch đè nát trái tim tôi.
Phần diễn kết thúc từ lúc nào tôi chẳng biết. Tôi cũng không nhận ra khi cúi đầu chào khán giả, có một ánh mắt lo lắng vẫn nhìn tôi chăm chú.
Tôi thu dọn đồ đạc như một cái máy, đường từ sân khấu lên lớp chỉ cách một dãy hàng lang bỗng nhiên dài thênh thang. Tôi cúi đầu chẳng dám nhìn ai, bên tai là tiếng thầm thì khe khẽ.
- Chán thật đấy, bao nhiêu công sức thế là công cốc.
- Ừ, khả năng bị loại cao lắm, có chạy thôi mà cũng ngã nữa.
- Này. - Minh Nam đột nhiên cao giọng. - Không biết gì thì đừng phát biểu linh tinh.
Lời bảo vệ công khai đó không làm mọi chuyện chấm dứt. Nó vẫn tiếp diễn, thậm chí là nặng nề hơn trong thầm lặng. Tôi không hiểu Nam có biết điều đó không mà hết lần này đến lần khác nó cứ vô tình đẩy tôi vào trung tâm của sự bàn tán như vậy.
- Đừng tự trách nữa, mày không có lỗi đâu.
Trên lớp, Trang lên tiếng an ủi, Thùy Linh cũng góp lời:
- Đúng đấy, tại tao nên Lam mới phải mặc trang phục không vừa. Chuyện không ai muốn cả, không sao đâu.
Tôi chẳng nghe lọt một chữ, chậm chạp gật đầu rồi cúi xuống vờ như đang tìm đồ đạc để giấu đi hai hàng nước mắt bắt đầu rơi lã chã.
- Không sao là không sao thế nào? - Hương Lam kích động đứng phắt dậy. - Vì Nguyệt Lam mà bao cố gắng của lớp đổ sông đổ biển đấy, thế là không sao à?
Bao bàn tay muốn kéo tôi lên bờ vẫn không thành, chỉ một câu nói đó đã đủ để đạp tôi xuống vực đáy sâu thẳm.
Nam chen vào:
- Mày cũng nói được câu đấy à? Chính mày là người giẫm vào chân váy của nó đấy.
Hương Lam lập tức phản bác:
- Tao muốn như thế à! Váy không vừa thì phải biết đường mà xử lý chứ, chúng mày bênh ngu vừa thôi.
Hoàng Huy đột nhiên lên tiếng cợt nhả:
- Không biết có ai quay video không nhỉ? Kiểm tra xem lớp phó đã bị "lộ" chưa.
- Thôi đi. - Lần này, mọi người đều không hẹn mà đồng thanh ngăn cuộc cãi vã vô nghĩa đó lại.
Tôi thấy mình như đang chìm dưới đáy đại dương, quẫy đạp muốn hít không khí nhưng lại nuốt phải nước biển mặn chát. Tôi thấy mình sắp không thể thở nổi nữa.
- Lỗi là của tao, nếu lớp không vào phòng trong tao sẽ nhận phạt. Đừng cãi nhau nữa.
Tôi buông một câu rồi đứng dậy rời đi, để lại sau lưng là tiếng xì xào không dứt.
Lúc nào cũng chỉ biết khóc, mày vô dụng vừa thôi chứ. Tôi tự mắng mình, tạt mạnh nước lên mặt mà chẳng buồn nhắm mắt. Cảm giác ngứa ngáy vì dị ứng bắt đầu dội đến, tôi cào tay lên mặt đến khi ngón tay gãy đi, để lại hai bên má những vết hằn đỏ thẫm.
Vô tình ngước mắt lên, lúc này tôi mới nhận ra ở trong gương còn xuất hiện một gương mặt khác.
- Đừng khóc.
Tôi trưng ra nụ cười méo xẹo, nếu cảm xúc kiểm soát dễ như thế thì ai mà thèm khóc cơ chứ.
- Tớ đâu có khóc, nước từ bồn rửa mặt mà.
Đức lặng thinh nhìn sống mũi tôi đỏ hoe và con người hằn tia máu, lại nhướng mày trước giọng nói nghẹn ngào tự tố cáo mình của tôi lúc nãy rồi thở dài:
- Đã bao nhiêu năm rồi, cậu vẫn nói dối tệ như thế.
Cậu giơ ra trước mặt một túi ni lông nhỏ, bên trong là bông tẩy trang, băng gạc loại lớn và thuốc trị ngứa. Cảm xúc bâng khuâng chợt ùa đến đã khiến tôi quên bẵng đi điều Đức thật sự muốn tôi hiểu trong câu nói ấy.
Đã bao nhiêu năm rồi, cậu vẫn nói dối tệ như thế.
Bao nhiêu năm.
Mặt trời dần khuất bóng, ánh tà dương đỏ cam chìm dần xuống biển che đi cả màu xanh mướt trải dài khắp lũy tre xa. Tôi lặng im nhìn xuống chiếc quần bẩn nhem vì quỳ xuống của Đức, cậu nắm chặt cổ tay tôi nhưng vẫn không quên đưa chiếc vòng bạc lên trên, nhè nhẹ lau đi vết bùn đất nơi khuỷu tay tôi.
- Đau quá. - Tôi buột miệng kêu lên, Đức liền dừng lại ngay tức thì. Cậu chầm chậm xoay khớp tay tôi một hồi cho cảm giác tê dại qua đi, hỏi nhỏ:
- Đỡ chưa?
Tôi gật đầu, ngỏ ý muốn tự thoa thuốc lên mặt, Đức vẫn giữ lấy cổ tay tôi để tránh bôi vào những vết xước hở, không ngừng thổi lên mặt tôi chỉ vì tôi nói thuốc nóng quá.
Khoảng cách của chúng tôi chưa bao giờ gần đến thế, chưa bao giờ sát đến thế.
Gần đến mức, tôi chẳng còn chút tâm trí nào mà bận tâm vì sao cậu ấy biết tôi bị dị ứng phấn trang điểm, tại sao cậu hiểu rõ tôi như thế.
- Cậu đã làm rất tốt rồi.
Tôi cười. Ánh nắng chưa bao giờ dịu dàng đến vậy, chưa bao giờ ấm áp như vậy.
Chúng tôi ngồi im lặng cạnh nhau trong tiếng gió xào xạc, cũng lúc đó, loa phát thanh của nhà trường rít lên từng hồi đầy chói tai.
"Xin thông báo, sau đây là tốp năm tiết mục đã lọt qua vòng tổng duyệt và được công diễn chính thức trong ngày nhà giáo Việt Nam của trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ."
Tôi hít thở thật sâu, hai tay bấu chặt vạt áo, cả khuôn viên trương lúc này cũng sắp nổ tung vì hồi hộp.
"Thứ nhất, tiết mục nhảy hiện đại 'Trống cơm' của chi đoàn 11A3."
"Thứ hai, tiết mục múa 'Hồn thiêng sử Việt' của chi đoàn 12A1."
"Thứ ba, tiết mục hát tập thể 'Mình cùng nhau đóng băng' của chi đoàn 10A4."
"Thứ tư, tiết mục nhảy hiện đại 'Có hẹn với thanh xuân' của chi đoàn 12A5."
Trong bao tiếng reo hò, thất vọng và bất bình đan xen hỗn loạn, tiết mục cuối cùng được công bố trước sự hy vọng của từng lớp.
"Cuối cùng, tiết mục hát đơn ca (có múa phụ họa) 'Bụi phấn' của chi đoàn 11A6."
Chút mong cầu nát vụn, tôi thấy mình hẫng đi như vừa bị hụt chân vào chiếc hố sâu hoắm. Nhưng nếu thế thật, chắc chắn đã có một bàn tay kéo ngược tôi lại.
"Và tiết mục thứ sáu được đặc cách trong phút chót từ cô Phó hiệu trưởng Trần Thị Thùy Trang, xin chúc mừng tiết mục múa - hoạt cảnh 'Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh' của chi đoàn 10A1 và 10A5!"
Tiếng hò reo của hai lớp như vỡ òa trước kết quả bất ngờ, chúng tôi mỉm cười nhìn nhau và đập tay thật lớn. Có lẽ trong một khắc, cả tôi và Đức đều có thể quan sát chính mình trong đôi mắt rạng rỡ của người đối diện.