Nàng Gia Sư Siêu Ngầu

Chương 6



Hôm sau Thùy Dung chính thức dọn đến nhà Kiên ở, đồ đạc của cô cũng đơn giản chỉ có vài bộ quần áo cũ, vì theo ý nguyện của Bảo An nên Kiên để Dung ở cùng phòng với con luôn. Bé An phấn khích lắm khi được ở cùng với cô, đi mỗi bước con bé theo một bước, cứ bám rịt lấy cô không rời.

Nhận thấy con quấn Thùy Dung hơn cả mình nhiều khi Kiên cũng chạnh lòng, lắm lúc muốn cùng con chơi đùa mà con bé chỉ ôm anh một chút rồi lại chạy đến bên người ta. Rõ là làm bố mà cứ như người hàng xóm, thi thoảng mới được bế con một lần, thời gian con bé ở bên anh ngày càng ít thì đồng nghĩa là ở với Thùy Dung ngày một nhiều, cứ vậy mà con bé quấn túm bên cô cũng được gần hai tháng rất bình yên và vui vẻ.

Bảo An giờ đây hoạt bát và cười nhiều lắm, nếu con bé chịu nói nữa thì niềm vui trọn vẹn rồi…

Vấn đề của Bảo An gần như đã ổn định thì thời gian này Tuấn Anh lại dở chứng, bài kiểm tra Toán giữa kỳ điểm kém lần trước anh còn chưa hỏi đến thì hôm nay cô giáo lại thông báo điểm của bài thi thử cuối học kỳ I còn tệ hơn thì khiến cho người làm bố như Kiên không còn có thể trầm tính hơn được nữa…

Sau bữa cơm tối thì Kiên mới thẳng thắn nói chuyện với con trai:

– Tuấn Anh! Con đã hứa với bố là học hành nghiêm chỉnh vậy tại sao điểm thi thử vừa rồi lại kém như vậy?

– Là do con không hiểu bài nên con không làm được!

– Vậy con đi học thêm là đi chơi đúng không? Đàn ông phải có trách nhiệm với lời hứa chứ, nói mà không thực hiện được là sao?

– …

Tuấn Anh mặc cho bố nói mà mặt cứ lì ra không trả lời cũng không giải thích, Kiên nhìn con thì bất lực, quát không được, mắng không xong vì tuổi này nếu anh nóng giận hơn nữa sợ sẽ xảy ra chuyện không hay, giống như những bi kịch của gia đình khác đã từng. Kiên cố gắng hít thật sâu, giữ bình tĩnh để bắt đầu phân tích cho con hiểu việc học quan trọng như nào thì Tuấn Anh đứng bật dậy nói:

– Con chỉ học được thế thôi, bố có mong muốn hơn con cũng chịu. Nếu bố ép con thì con bỏ học đấy!

– Con là dọa bố hay là nói ra ý kiến của mình?

– Con nói ra mong muốn của mình!

– Được rồi! Vậy tương lai của con sau này có như thế nào cũng đừng trách bố!

– …

Tuấn Anh không nói năng gì mà đi thẳng lên phòng, ông bà nội nhìn hai bố con cũng chỉ biết thở dài. Thùy Dung dẫn Bảo An đi dạo ở ngoài vào cũng vừa nghe hết câu chuyện thì có chút thông cảm với người bố như Kiên. Cô nhìn cảnh ngao ngán của ông bố giỏi làm kinh tế nhưng lại bất lực với hai đứa con lớn mà cũng thở dài thườn thượt, hóa ra ông chủ của cô cũng không sung sướng gì khi một nách ba đứa con, mà mỗi đứa lại một tính một nết như này. Giàu sang chưa chắc đã sướng khi các con không được ngoan ngoãn, nhất là đối với cái tuổi muốn làm nhiều điều mới lạ này, cái tuổi thích gây sự chú ý, thích làm người lớn, thích sự ta đây hiểu biết…

Chuyện của Tuấn Anh vẫn chưa đâu vào đâu, hai bố con mấy ngày nay không nói chuyện đã đủ căng thẳng rồi thì lại đến chuyện của Ngọc Anh. Con bé cũng mới hứa với bố là không gây chuyện nữa rồi nhưng lần này lại vì xích mích với các bạn, tính tình nóng nảy Ngọc Anh không kiềm chế được nên đã ra tay đánh bạn đến gãy cả răng khiến người nhà bạn học kia làm um lên. Kiên thực sự cảm thấy bất lực hoàn toàn với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn này, cứ yên ổn được một thời gian, hứa hẹn rồi lại đâu vào đó khiến anh thực sự đau đầu. Đứa lớn chán học, đứa bé đánh nhau không biết đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng này nữa. Nhưng dù là bất lực thì việc giải quyết hậu của con gái gây ra vẫn phải một tay anh lo hết.

Kiên phải mất cả buổi làm việc, giảng hòa với bên gia đình kia thì người ta mới thôi làm ầm lên, đúng là con dại, cái mang. Xử lý chuyện của con gái xong thì Kiên cũng không muốn trách phạt nữa, bởi bao nhiêu lời dạy bảo cũng đã nói hết rồi, mà con gái cũng hứa hẹn đủ kiểu nhưng cuối cùng vẫn vi phạm lại. Vừa bất lực vừa khổ tâm Kiên tự nhốt mình trong phòng làm việc cả ngày cũng không ra ngoài ăn cơm. Ông bà Đức, Quyên thấy Kiên cả ngày không chịu ăn uống thì phiền não nhưng biết tính con trai lúc này là đang tự kiểm điểm mình nên ông bà cũng không dám tham gia.

Tuấn Anh lì lợm thi gan với anh, cũng tự nhốt mình trên phòng nhưng Ngọc Anh thì chỉ được nửa ngày là sợ sệt đi xuống, con bé đứng trước cửa phòng làm việc của Kiên nói vọng vào mong được bố tha lỗi nhưng mãi không thấy anh chịu mở cửa thì tủi thân khóc lóc. Thùy Dung nhìn cảnh này thấy không nỡ nên kéo Ngọc Anh về phòng của con bé nói chuyện:

– Ngọc Anh! Nếu em đã biết hối hận thì chịu khó học hành đi, chỉ có thế bố mới hết buồn phiền. Thực ra đối với bố mẹ lời xin lỗi của các con chính là sự thay đổi cách xử xự, cũng như kết quả học tập của mình, em cứ học tốt, cứ ngoan ngoãn đó mới là điều mà bố em mong muốn nhất!

– Chị… Nhưng giờ bố không chịu nói chuyện với chúng em thì phải làm sao ạ?

– Ngoan! Đừng khóc! Giờ xuống ăn cơm rồi đi học bài đã!

– Em …

– Nghe chị! Ăn cơm và học là việc em nên làm bây giờ hiểu không?

Thùy Dung nhận thấy Ngọc Anh đã chịu hợp tác thì cầm tay nhỏ nhẹ tiếp:

– Bố mà biết Ngọc Anh chịu nghe lời thế này chắc chắn sẽ rất vui, giờ em xuống trước đi, chị qua phòng gọi Tuấn Anh!

– Vâng.

Ở đây được gần hai tháng nên Thùy Dung cũng hiểu được phần nào tính cách của hai đứa trẻ này. Thực sự thì tuổi này quả là có chút ương bướng thế nên cô càng thông cảm cho sự khổ tâm của ông chủ Kiên hơn.

Thùy Dung hết thở dài rồi lại lắc đầu bởi bản thân lúc này cũng chưa biết làm cách nào để giúp bố con người ta có tiếng nói chung, thế nhưng nhìn hoàn cảnh này cô cũng có chút thương cảm. Trước mắt cứ gọi cậu ấm xuống ăn cơm đã rồi lựa tính sau vậy.

Đưa tay gõ hai cái lên cánh cửa rồi cô lại gọi:

– Tuấn Anh! Xuống ăn cơm đi em!

– …!!!

– Tuấn Anh! Bảo An đang chờ em xuống ăn cùng này!

– Chị dỗ nó ăn đi! Em không đói!

– Cả ngày bố em không ăn con bé đã buồn rồi, giờ em cũng không ăn khiến con bé sợ đấy! Nó nhắc em suốt, còn đang dấm dứt khóc kia kìa! Chị dỗ thì được thôi nhưng em nỡ để con bé nhớ nhung anh trai sao?

– …!!!

Thùy Dung nói tới đó thì không nghe thấy tiếng của Tuấn Anh trả lời nên cô đi xuống nhà, mọi người thấy cô đi xuống một mình thì hiểu rằng hai bố con họ lại thi gan tiếp thì ai cũng buồn phiền.

Bảo An không hiểu chuyện nhưng cả ngày không thấy bố và anh trai cũng ráo rác nhìn quanh tìm kiếm, đột nhiên Thùy Dung ghé tai An nói nhỏ mấy câu thì con bé chạy ngay tới phòng làm việc của bố đập cửa rầm rầm, con bé không nói được nên cứ khóc um lên thì Kiên không gan lì ở trong đó được nữa mà vội vã mở cửa đi ra bế con lên dỗ dành:

– Bảo An của bố sao thế?

Thấy con bé vẫn ấm ức khóc thì Kiên vội vàng nói tiếp:

– Bố xin lỗi con gái nhé! Cả ngày bố chưa bế con nên con buồn đúng không?

– …

Thùy Dung đứng ngay đằng sau nên cô nói thay lời của con bé:

– Cả ngày con bé ngóng ông chủ nên ăn ít lắm! Tối nay nó cứ đợi ông chủ và cậu Tuấn Anh nên cũng chưa có ăn tối đâu ạ!

– Thằng ranh đó còn không chịu xuống ăn cơm sao?

– Chưa ạ!

– Vậy tiếp tục cho nó nhịn đi! Xem nó thi gan được tới bao giờ!

– Ông chủ… Hay là để tôi với Bảo An lên gọi thử xem nhé?

– Mặc kệ nó!

Trung Kiên nói rồi bế Bảo An ra phòng ăn nhưng Dung đã ra hiệu cho con bé nên nó ngay lập tức tụt khỏi xuống người anh. Kiên ngạc nhiên vì khi nãy con gái còn khóc mếu nhớ anh mà giờ đã chạy lại cạnh cô gia sư của nó thì mặt anh ngây ra. Thùy Dung nhận thấy vẻ mặt khó coi của ông chủ Kiên thì vội vàng lên tiếng xua đi:

– Chắc bé An muốn lên gọi anh Tuấn Anh thì cứ để tôi đưa con bé lên, ông chủ ra ăn cơm với ông bà trước đi ạ!

Dung nói xong liền bế Bảo An nhanh đi lên tầng luôn mà không dám nán lại vì sợ Kiên đổi ý. Nhưng cô không biết rằng đằng sau ông chủ mình vẫn đứng chưng hửng nhìn theo hai cô cháu mãi lúc sau mới di chuyển thẳng tới phòng ăn.

Thùy Dung để Bảo An đứng trước cửa phòng anh trai rồi cô lại nhắc Bảo An làm lại bài cũ, con bé khóc lớn khiến cho Tuấn Anh cũng không kiên trì, cầm cố ở trong phòng lâu hơn mà đi ra mở cửa, nhìn cục bông nhỏ trước mặt nước mắt đầm đìa thì Tuấn Anh cũng giống như bố mình khi nãy vội ẵm con bé lên xoa dịu:

– Anh đây…Anh đây rồi!

– Hic…hic…

– Ngoan! Không khóc nữa, để anh bế An xuống ăn cơm nhé!

Nghe được lời này thì An gật đầu luôn, con bé còn nũng nịu nằm trên vai anh ôm cổ thật chặt khiến Thùy Dung đi phía sau cũng phì cười vì độ lém lỉnh này, cô muốn khen ngợi con bé nên giơ ngón cái lên ra dấu làm rất tốt thì Bảo An cười toe toét. Trẻ con đúng là dễ khóc mà cũng dễ cười lắm, nó vui sướng nằm ngả ngón trên vai anh trai rồi lại ra kí hiệu lần nữa với cô làm cô cũng bật cười theo…

Ông Đức bà Quyên đang sầu não với hai bố con Kiên thì giờ này nhìn thấy cả hai chịu ra ăn cơm cùng thì trong lòng mừng rỡ, Ngọc Anh cũng vui không kém. Bảo An còn quá nhỏ nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra mà chỉ cảm thấy rất vui vì đã hoàn thành đúng lời mà Thùy Dung dặn dò nên miệng cười không ngớt. Có điều nụ cười vô tư ấy của Bảo An lại khiến cho bố và anh trai Tuấn Anh hiểu rằng vì sự có mặt của hai người đã làm cho con bé vui vẻ, thật ra một phần cũng đúng vì cả ngày không được gặp bố và anh trai nhưng phần lớn vẫn là con bé mừng vì làm được chuyện mà Thùy Dung nhờ vả.

Thùy Dung giờ này cũng yên tâm phần nào nên chăm chút cho Bảo An ăn no bữa tối, con bé được cô khen ngợi, cổ động thì thầm vào tai thì càng ăn nhiều hơn mọi ngày khiến cho cả Kiên và con trai lần nữa hiểu sai sự việc, hai bố con cứ nghĩ con bé vì sự có mặt của hai người nên mới phấn khích ăn nhiều hơn. Dung biết rõ điều này nhưng cô lại không giải thích mà mặc nhiên để cho hai bố con hiểu thế cũng tốt, chỉ là khi cô dỗ con bé đi ngủ thì Kiên đột nhiên vào phòng nói lời cảm ơn cô.

Lần đầu tiên sau gần hai tháng làm việc thì Dung được nghe lời nói mang hàm ý thật tâm mà cũng giảm tông lạnh nhạt đi đôi phần:

– Việc hôm nay cảm ơn cô rất nhiều!

– Có gì đâu mà ông chủ phải cảm ơn ạ! Chăm sóc bé An là công việc của tôi mà!

– Tôi chưa biết sự thay đổi của hai đứa lớn đến đâu nhưng bữa nay chúng chịu ăn tối với thái độ dịu xuống thì đều là công của cô.

Hóa ra chính cô mới là người hiểu sai chứ ông chủ Kiên của cô rất nhạy bén, chẳng qua là anh ta ít nói, ít thể hiện ra ngoài mà thôi, Thùy Dung tự cười trong lòng rồi cũng gật gù coi như nhận lời cảm ơn đó:

– Thực ra tôi cũng chỉ là tâm sự với Ngọc Anh vài câu thôi, còn cậu Tuấn Anh là vì thương bé An nên mới chịu xuống đó ạ!

– Dù gì cũng là cô góp ý với chúng nó! Thôi, không còn sớm, con bé ngủ rồi cô cũng nghỉ ngơi đi!

– Vâng.

– …

Ngọc Anh thì có vẻ biết giữ lời hứa, đi học chịu khó hơn nhưng còn Tuấn Anh sau hôm đó vẫn thái độ ngông cuồng, có điều lần này Kiên không quá căng thẳng mà để cho con trai tự ý mình. Kiên tính sử dụng phương pháp “Lạt mềm buộc chặt” xem thử có tác dụng không nhưng lại lần nữa anh nhận về sự thất bại, còn hai tuần nữa là kiểm tra cuối kỳ một nhưng con trai vẫn không chịu lo bài vở mà tình trạng bỏ tiết lại tiếp tục diễn ra…

Kiên lần đầu tiên nóng nảy tới mức không còn có thể kiềm chế mà cho Tuấn Anh một bạt tai nhưng trước sự nghiêm khắc của bố thì Tuấn Anh lại tỏ vẻ không sợ. Thực sự là Kiên bất lực hoàn toàn với cậu con trai quý tử của mình.

Sao mới hơn tháng trước nó còn tỏ ra người lớn hiểu chuyện thế mà giờ nó lại ngang ngược đến lì lợm thế này. Kiên đau lòng không biết dạy con làm sao thì lại tự nhốt mình trong phòng tiếp, lần này anh bỏ cả công việc ở công ty không đi làm thì sự việc càng trở nên rối rắm…

Nhìn hai bố con tự thu hẹp bản thân đến người khác cũng chạnh lòng thì người như Thùy Dung không thể làm ngơ được.

Buổi chiều đó Thùy Dung thay cô Lành vào phòng của Tuấn Anh dọn vệ sinh là có ý thăm dò tình hình ra sao. Cố mạo muội nói vài lời khuyên nhủ, cứ nghĩ cậu ấm sẽ gắt gỏng hoặc đuổi cô ra khỏi phòng nhưng Tuấn Anh lại chủ động nói chuyện:

– Chị Dung! Em hỏi chị một câu được không?

– Ừ. Em nói đi!

– Trẻ con nói dối thì được coi là sai trái vậy người lớn thì có quyền hả chị?

– Có phải em đang hiểu lầm gì không?

– Chị cứ trả lời câu hỏi của em đi!

Thùy Dung chắc chắn là Tuấn Anh có chuyện nên mới bày ra thái độ này, có lẽ là hiểu sai gì đó rồi nhưng trước mắt cô cứ trả lời đúng yêu cầu của cậu bé đã:

– Thực ra nói dối đối với cả trẻ con và người lớn đều không nên, nhất là đối với trẻ con thì càng không được. Tuy nhiên ở một hoàn cảnh bắt buộc thì người lớn vẫn có thể sử dụng nhưng đó là trường hợp rất bất khả kháng thôi, còn vẫn là nghiêm khắc hình thành thói xấu này!

– Như vậy có nghĩa là trẻ con không được phép phải không?

– Trẻ con vẫn là không nên em ạ! Chúng ta đi học đều được cô giáo nhắc rất rõ lời nhắn nhủ của Bác Hồ rằng phải khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, còn nói dối thì nên tránh em nhé!

Thấy Tuấn Anh im lặng nhưng vẻ mặt vẫn đầy ắp sự không hài lòng thì Dung lại tiếp tục gặng hỏi xem rốt cuộc vấn đề có như cô đang nghĩ không:

– Có phải em có điều gì không hài lòng về bố hay là thầy, cô giáo không?

Nhận ra Tuấn Anh nhìn mình với con mắt sắc lẹm thì Dung thể hiện đúng dáng vẻ chị cả mà tâm sự tiếp:

– Em cứ coi chị như chị gái của em, có gì cứ nói ra đừng để bụng. Em trai chị ở nhà cũng vậy đấy! Trước đây bằng tuổi em nó cũng hay giấu diếm lắm nhưng sau hai chị em hay nói chuyện thì nó nhận ra hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu em ạ!

Tưởng Tuấn Anh sẽ vẫn im lặng vì ánh mắt lúc này của cậu còn ánh lên vẻ rất giận dữ thế nhưng cậu lại nói một câu mà cô chưa mường tượng ra:

– Bố vốn là thần tượng trong lòng em thế nhưng em nhận ra bố là người nói dối!

– Em có thể nói rõ hơn không?

– Bố đã nói không kết thân với cô Kiều nhưng em phát hiện bố cùng cô Kiều đi chung xe mấy lần rồi, hai người còn đi cả nhà hàng nữa, thậm chí em còn tận mắt trông thấy cả hai vào khách sạn.

Nói tới đây Tuấn Anh bị khựng lại, lau vội giọt nước mắt sau đó nói với giọng giận hờn hơn:

– Bố chính là kẻ nói dối, bố đã quên mẹ em rồi…

Nhìn Tuấn Anh ấm ức mà Thùy Dung chưa biết an ủi ra sao, thật sự thì cô mới chỉ gặp Kiều duy nhất có một lần khi chị ta qua nhà lấy tài liệu cho Kiên. Hôm đó cô cũng chưa có cơ hội nói chuyện mà chỉ nhìn lướt qua chốc lát nên giờ cô không biết phải nói sao với Tuấn Anh. Còn chưa tìm được lời thích hợp để khuyên nhủ thì Tuấn Anh lại nói trong nghẹn ngào:

– Bố đã hứa chỉ cho cô ấy làm ở công ty thôi nhưng xem ra là không phải, bố nói dối cả ba anh em em rồi chị ơi!

– Chắc… Chắc là không phải đâu…Chị nghĩ…

– Em chắc chắn! Có phải em gặp một lần đâu, với em cũng học lớp 9 rồi, em biết nhiều hơn chị nghĩ đấy!

Thùy Dung bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cô mới đến, chưa kịp hiểu hết mối quan hệ của gia đình này với người khác như nào nên giờ chỉ có thể khuyên theo hoàn cảnh hiện tại:

– Tuấn Anh à! Đôi khi việc mình thấy chưa chắc đã đúng đâu, cũng giống như lời chị phân tích cho em khi nãy đó. Chúng ta vẫn nên bình tĩnh suy xét, không nên vội vàng em ạ! Biết đâu bố và cô Kiều chỉ là đi cùng nhau vì công việc thôi!

– Em mới hack được facebook của cô Kiều, thấy cô ấy còn up hình của bố em và cô ấy trên đó với lời nhắn mùi mẫn lắm, dù hình ảnh bố em đã quay lưng lại nhưng cái áo đó, hình dáng đó em không thể nhầm được.

– Bố em chịu chụp chung với cô Kiều à?

– Không phải kiểu chụp chung gần nhau mà là ảnh bố em quay lưng còn cô Kiều đứng ngược lại nhưng nếu bố em không đồng ý thì làm sao mà cô ấy có ảnh mà đăng chứ! Em ghét bố…

Hóa ra là cậu ấm này phá phách, bỏ học, chống đối khi kỳ thi cuối kỳ I gần đến là vì người bố thần tượng đã phạm lỗi. Nhưng biết đâu là vì công việc chứ không phải sự thật như vậy… Dung ngẫm nghĩ vài giây thì nghiêm túc nói với Tuấn Anh:

– Tuấn Anh này! Nếu bố em không phải như em nghĩ, vẫn là thần tượng thì em có chịu thay đổi không?

– Em ghét bố rồi!

– Trả lời câu hỏi của chị đi! Nếu bố vẫn giữ lời hứa với các em thì em không được chống đối nữa nhé!

– …!!!

– Sao vậy?

– Chị thay ga giường giúp em đi!

Tuấn Anh không muốn nhắc vấn đề kia nữa nên nói qua ý khác nhưng Thùy Dung lại không bỏ qua mà hỏi tiếp:

– Được! Chị sẽ làm nhưng vấn đề kia thì sao nhỉ?

– Chị tự tìm hiểu đi rồi hãy nói chuyện với em!

Thùy Dung mỉm cười nhẹ trước câu nói của Tuấn Anh, cô gật đầu đồng ý với cậu là không đề cập tới chuyện kia nữa mà tập trung làm nốt việc thay ga giường và dọn vệ sinh cho tới khi xong xuôi thì đi xuống dưới nhà.

Không phải là việc liên quan tới mình nhưng thâm tâm cô không muốn Tuấn Anh bị điểm liệt trong kỳ thi cuối kỳ này nên mạnh dạn pha một cốc sữa và phần đồ ăn sau đó tiến lại phòng làm việc của Kiên, cô đưa tay gõ cửa hai cái rồi nói vọng vào:

– Ông chủ! Tôi vào được không?