Nghe giọng người bên trong đã thấy bảy phần phiền não, ba phần bất ổn rồi nhưng Thùy Dung nghĩ vì tình người nên cô mạnh dạn mở cửa bước vào. Vẫn không thấy Kiên ngẩng mặt lên nhìn hay ít nhất cũng nhắc cô ngồi xuống như mọi khi gọi cô vào hỏi chuyện mà cứ lặng thinh đến căng thẳng. Thùy Dung nén tiếng thở dài trong lòng, chủ động đi lại gần bàn làm việc đặt cốc sữa nóng cùng phần mì ý lên đó rồi nói:
– Từ qua tới nay ông chủ chưa có hạt cơm nào vào bụng rồi thì cũng nên ăn một chút đi ạ!
– Cô có việc gì sao?
– Đồ này nên ăn nóng! Ông chủ ăn xong thì tôi sẽ thưa chuyện!
– Cô nói trước đi!
Ở đây chưa lâu nhưng cũng đủ hiểu phần nào tính cách không thích nói nhiều của Kiên nên Thùy Dung không giục nữa mà ngồi xuống chiếc ghế đối diện trình bày:
– Tôi biết việc này không phải phận sự của mình nhưng thật sự tôi không muốn bố con ông chủ hiểu lầm nhau!
– Cô biết chuyện gì cứ nói!
– Cậu Tuấn Anh tỏ thái độ với ông là có lí do đấy ạ!
– Nó có lí do ư?
– Vâng! Tôi…
Lần đầu thấy Dung có vẻ lắp bắp chứ không giống tính cách thẳng thắn của cô ngày thường thì Kiên thu bớt lại vẻ lạnh nhạt, chậm dãi nói:
– Có chuyện gì cô cứ nói thẳng! Không cần e dè!
– Tôi… Tôi không biết mối quan hệ của ông và chị Kiều ra sao nhưng theo tôi biết được từ lời tâm sự của cậu Tuấn Anh thì ông chủ vốn là thần tượng của cậu ấy nhưng từ khi cậu ấy nhìn thấy ông hay đi cùng với chị Kiều không chỉ có vào nhà hàng mà còn vào cả khách sạn nữa thì cậu ấy nghĩ ông với chị ấy đã thân thiết tới mức trên cả công việc… Còn nói ông không biết giữ lời hứa, nói ông đã quên mẹ của các cô cậu ấy rồi và thêm lí do nữa…
– Lí… Lí do gì?
Thùy Dung không biết diễn đạt mấy lời tiếp theo ra sao thì nhận thấy sự nóng vội của Kiên nên cô đành nói đại luôn:
– Lí do nữa là ông chủ và chị Kiều có chụp ảnh cùng nhau rồi đăng cả lên facebook của chị ấy với mấy lời mùi mẫn nên cậu Tuấn Anh mới tỏ thái độ bất hợp tác như thời gian vừa rồi!
– Tôi… Tôi chụp chung với cô Kiều hồi nào?
– Ông chủ đừng hỏi tôi vì tôi cũng chỉ nghe cậu ấy nói như vậy, còn thực tế ông có chụp ảnh chung hay không thì nên nói rõ với cậu ấy sẽ tốt hơn!
Nhận ra mình có chút hấp tập, vội vàng nên Kiên nhanh chóng thu lại biểu cảm đó ngay nhưng sau đấy anh lại nói như có vẻ muốn thanh minh:
– Đúng là dạo gần đây tôi có đi với cô Kiều nhưng là vì công việc, vào khách sạn cũng không có mục đích riêng tư gì mà chỉ là đón một vị khách quan trọng thôi.
– Mấy điều này ông chủ để giải thích với cậu Tuấn Anh đi ạ!
– À… Ờ…
– Tôi vào đây chỉ muốn trình bày với ông chủ việc này thôi. Nếu tất cả chỉ là hiểu lầm thì ông cũng nên nói rõ ràng để hai bố con hiểu nhau hơn, tránh những việc đáng tiếc xảy ra!
– Tôi biết rồi!
– Ông chủ làm việc tiếp đi! Tôi xin phép về phòng với bé An đây ạ!
Đã gật đầu đồng ý rồi thế nhưng khi Thùy Dung vừa cầm vào nắm tay cửa định mở ra thì Kiên lại lên tiếng nhờ vả:
– Biết là không phải trách nhiệm công việc của cô nhưng giờ này chị Thái và chị Lành đi nghỉ rồi nên phiền cô giúp tôi hâm lại chỗ đồ ăn này được không?
– Được ạ! Ông chủ đợi tôi một chút!
Thùy Dung nghĩ làm người tốt thì làm tới cùng nên rất nhanh sau đó cô đã hâm nóng lại phần mì ý khi nãy rồi còn tốt bụng pha thêm cốc trà nóng mang vào trong:
– Mời ông chủ! Cốc sữa này nguội rồi uống sẽ không tốt, ông dùng trà thay sẽ dễ ngủ hơn ạ!
– Cảm ơn!
– Không có gì! Tôi xin phép về phòng đây!
– …
Không biết hai bố con đã nói chuyện với nhau thế nào nhưng bữa sáng hôm sau thì thái độ của hai người khác hẳn. Ăn sáng xong Tuấn Anh chủ động đi học sớm cùng em gái, ông Đức bà Quyên cũng nhận thấy điều này nên mừng lắm và đương nhiên người mừng nhất là Trung Kiên rồi.
Đúng là không thể giấu nổi niềm vui khi thấy hai đứa con lớn chịu cùng nhau đi học với tâm lí dễ chịu, có lẽ đây là nụ cười thoải mái nhất từ khi người vợ quá cố của anh qua đời. Kiên nhìn theo bóng dáng hai con cho đến hết lối rẽ ra khỏi cổng thì quay lại bế cô con gái út bé bỏng của mình ân cần hỏi:
– Bảo An! Chiều nay con muốn đi chơi công viên không?
– …
Nghe Kiên hỏi vậy thì con gái nhỏ nở nụ cười tươi rói, gật đầu như bổ củi, Kiên cũng cười hiền, tay xoa xoa đầu con rồi dặn dò:
– Vậy chiều bố sẽ về sớm đưa con đi nha!
– …
Bảo An cả ngày ra vào mong ngóng rồi cũng chờ được tới chiều, sợ bố quên con bé còn lấy máy điện thoại của Thùy Dung nhắn cho anh:
– Bố ơi… Bố về…
Bảo An chưa biết nhắn chữ dài mà chỉ là những từ đơn giản nhưng khi Kiên xem được tin nhắn thì anh ngay lập tức gọi lại luôn. Thùy Dung bên này biết là Kiên gọi cho con gái nhưng vì con bé không nói được nên cô đành bắt máy nói thay:
– Là tôi ạ! Tại Bảo An háo hức quá nên có mượn máy của tôi nhắn cho ông chủ!
– Ừ. Cô nói con bé là tôi đang về rồi!
– Vâng.
Thùy Dung bật loa ngoài nên Bảo An cũng nghe được lời bố nói, con bé không đợi cô lấy đồ giúp mà tự mình chạy vào phòng cầm cái ba lô nhỏ rồi đi nhanh ra ngoài cổng chờ sẵn. Khi thấy xe của bố đang tiến vào thì con bé hào hứng vẫy tay liên tục.
Kiên nhìn con vội vã sợ vấp té thì mau chóng dừng xe, mở cửa đi lại bế con lên thì Bảo An cũng kéo luôn tay Thùy Dung theo nhưng cô không muốn làm phiền hai bố con họ nên đã từ chối khéo léo:
– Bảo An đi chơi với bố ngoan nhé! Cô ở nhà chờ con về!
– Ư… Ư…
Con bé nghe cô nói vậy thì ư, a lắc đầu không đồng ý, Dung tiếp tục khuyên nhủ thì nó dở bài khóc mếu, cái tay nhỏ xíu bám vào vạt áo bố năn nỉ nhờ giúp, Kiên hiểu ý con liền gật đầu quay qua phía cô nói chuyện:
– Cô đi cùng con bé đi!
– Tôi là sợ phiền ông chủ thôi!
– Nó thích cô thì đi cùng đi!
– Vậy để tôi bế An cho, ông lên xe trước đi ạ!
– Được rồi! Cô lên xe trước đi!
Kiên bế con vào ghế sau cùng với Dung rồi mới trở lại ghế lái cho xe di chuyển ra khỏi nhà, trên đường tới công viên chỉ có Bảo An là vui nhộn bằng hành động còn hai người lớn chỉ ừ, à khi con bé cần tác nghiệp thôi. Đến công viên, Bảo An kéo Kiên và Thùy Dung chạy băng băng, nhìn vào cảnh tượng này có lẽ ai cũng cho đó là một nhà ba người, chứ không ai nghĩ đó là cô gia sư và ông chủ đâu…
Thùy Dung sợ Bảo An vấp ngã nên nhắc nhở liên tục nhưng con bé thì phấn khích không nghe rõ lời cô, lúc sau nó còn buông tay hai người ra rồi chạy nhanh về phía có trò chơi cưỡi ngựa. Bàn tay nhỏ xíu lần nữa ra hiệu cho hai người cùng nó chơi chung thì Thùy Dung vội xua nhẹ tay:
– Bảo An đi chơi cùng với bố nha, cô sợ đu quay lắm!
– …
Nhưng con bé nào nghe chứ, nó kéo tay cô đi bằng được thì Kiên lên tiếng:
– Tôi không quen với mấy trò này, cô giúp tôi ngồi chơi với nó đi!
– Tôi…
– Cô dù sao cũng trẻ hơn tôi nên sẽ thích hợp hơn, đừng để con bé buồn!
– …
Thùy Dung nhìn Bảo An đang rất phấn khích nên không nỡ nói lời từ chối, cố mỉm cười động viên rồi cùng con bé đi vào mua vé.
Tưởng chỉ chơi mấy trò đơn giản thôi ai ngờ khi kết thúc trò cưỡi ngựa, đu quay, gắp gấu… thì con bé lại kéo cô sang tiếp trò chơi tàu lượn, đi mấy trò kia cô đã đủ quay cuồng rồi, tới trò này chắc cô ngất luôn quá. Thùy Dung cái gì cũng không ngại nhưng đi tàu lượn siêu tốc này cô lại không tự tin, cơ mà giờ này nói từ chối hay có ý kiến với ông chủ và Bảo An thì không phải cho lắm nên sau vài giây đắn đo cô đành tặc lưỡi thử liều một lần.
Chân Thùy Dung bước càng gần khu tàu lượn siêu tốc thì như bị đeo chì nhưng Bảo An thì vô tư không biết nên cứ kéo cô đi phăm phăm. Thực sự là đến chỗ xếp hàng rồi mà Dung vẫn chưa gom đủ tự tin, ánh mắt lo lắng hướng sang bên cạnh lại gặp phải sự vui tươi, háo hức của con bé thì cô chỉ biết thở dài trong lòng, rồi thầm nghĩ sao nó bé mà lại bạo gan đến thế, còn cô hai mấy tuổi đầu lại sợ trò chơi của con nít…
Có lẽ bất cứ ai không muốn chơi trò này đều cùng có chung một tâm trạng giống cô, dù là chiếc tàu lượn theo tốc độ từ từ, dần dần rồi mới đến giai đoạn tăng tốc nhưng dù là như thế nào thì đến lúc dừng lại cô cũng không còn giữ được phong độ điềm tĩnh nữa. Vẻ mặt xanh xám của cô đã nói lên tất cả khiến cho Kiên là người lạnh nhạt, ít nói cũng không ngó lơ được mà hỏi câu quan tâm:
– Cô không sao chứ?
– Dạ, tôi vẫn ổn!
– Ổn thật không?
– Dạ ổn ạ!
Thùy Dung trả lời rồi vội lấy chai nước uống liền mấy ngụm, thực sự là cả người lúc này cứ nôn nao và có cảm giác như trên mây. Cô chỉ kịp nghỉ một lúc thì Bảo An lại tiếp tục đòi chơi mấy chỗ nữa, nhìn con bé vui quá mà cô không nỡ ngăn cản nên theo chân đi tiếp. Bữa nay hai người lớn không ăn cơm nhà mà chiều theo Bảo An ăn luôn ở khu vui chơi. Đồ ăn ở đây chỉ phù hợp với trẻ con nên hầu như Kiên và Thùy Dung chỉ ăn cho có lệ còn con bé thì ăn ngon miệng tới no căng bụng. Cả buổi chơi nhiều trò nên giờ Bảo An không còn muốn tung tăng nữa, hai mắt cũng díu xuống nên cô vội cùng Kiên đưa con bé về nhà. Có điều mới đi được một đoạn thì Bảo An đã nằm trong lòng cô ngủ rất ngon rồi, không kịp đợi về tới nhà để thay bộ đồ lem luốc ra nữa.
Chiếc xe bon bon chạy thẳng vào cổng lớn rồi dừng trước ga ra, Kiên xuống xe trước và ngỏ ý muốn bế con gái giúp Thùy Dung nhưng cô lại nói:
– Ông chủ cứ để tôi bế cho!
– Con bé cũng nặng đó!
– Dạ, không sao, tôi bế bé được, phiền ông cầm giúp tôi cái ba lô nhỏ kia thôi!
Thùy Dung ôm Bảo An đi nhanh về phòng của hai cô cháu, Kiên cũng cầm đồ của con vào theo nhưng khi Dung đặt con bé ngay ngắn trên giường thì anh mới nhớ ra điều quan trọng:
– Giờ nó ngủ rồi làm sao mà thay được bộ đồ kia ra nhỉ?
– Ông chủ đừng lo! Bé An ngủ say nên tôi thay cũng dễ thôi!
– …
Kiên vẫn loay hoay đứng đó vì lo cho con, sợ bộ quần áo đầy mồ hôi sẽ khiến con ốm nhưng nhìn Thùy Dung thì không có vẻ gì là quá lo lắng cả. Cô đặt con bé ngay ngắn thì đi vào phòng tắm xả một chậu nước ấm cùng chiếc khăn đi ra, nhìn Dung cẩn thận nhỏ thêm mấy giọt “ rượu gừng gió địa liền” vào chậu nước để tránh con bé bị cảm, tiếp đến động tác tay của cô rất thuần thục, nhẹ nhàng lau qua người cho con và cuối cùng là mặc cho nó một bộ đồ gấu dễ thương nữa.
Cả quá trình diễn ra chưa tới năm phút và thấy con gái ngủ vẫn rất ngon thì Kiên mới yên tâm mà rời đi, Thùy Dung làm xong việc cũng tranh thủ đi thay đồ rồi ra ngoài phòng ăn. Giờ này không phải là quá muộn nhưng cũng không còn sớm để ăn tối nữa, gần chín giờ đêm rồi nên cô tính nấu bát mì ăn tạm thì nghe có tiếng bước chân đổ dồn phía sau. Quay người nhìn lại thấy Kiên cầm bình nước đi vào thì cô lên tiếng hỏi:
– Ông chủ có muốn ăn gì không ạ?
– Ừ, Tôi cũng đang đói bụng!
– Tôi tính nấu mì bò rau cải, ông chủ ăn gì tôi nấu luôn ạ?
– Ăn giống cô đi!
Cả buổi phục vụ cô chủ nhỏ nên giờ hai người lớn đói meo là đúng rồi nhưng Dung không nghĩ Kiên lại dễ tính về khoản ăn uống thế này, cô mỉm cười sau đó nhanh chóng làm hai tô mì rồi pha thêm hai cốc trà hoa cúc mang ra bàn ăn thì Kiên nói với cô:
– Lần sau không cần pha trà này cho tôi đâu!
– À… Vâng.
– Tôi thích cafe đen không đường!
– Nhưng trà tốt hơn cafe!
– Tôi có nhiều việc cần làm vào buổi tối! Uống trà mau buồn ngủ lắm!
– …
Hiếm khi thấy Kiên nói nhiều như này nên hôm nay Dung cũng thuận miệng nói thêm mấy câu:
– Tôi thấy ông chủ làm cả ngày rồi, buổi tối lại quấn túm với mấy cô cậu thì thời gian còn lại nên dành cho nghỉ ngơi thì tốt hơn ạ!
– Biết là thế nhưng công việc nhiều, nếu không giải quyết bớt sẽ bị tồn đọng lại trở thành chậm tiến độ!
– Có thể tôi nói hơi quá phận nhưng con người chứ không phải cỗ máy! Máy hỏng có thể sửa nhưng người bị thiệt hại về sức khỏe thì khó lấy lại được lắm! Mà bây giờ ông chủ còn mang trên mình trọng trách quan trọng đối với cả nhà đó!
Sau câu nói của Dung là sự im lặng, Kiên không cảm ơn cũng không tỏ thái độ thiện chí gì nhưng khi kết thúc bữa ăn khuya thì anh chỉ qua phòng làm việc một lúc rồi đi về phòng ngủ của mình. Thùy Dung dọn dẹp xong thấy vẫn còn sớm nên cũng chưa muốn đi ngủ ngay, cô tính ra ngoài sân dạo vài vòng cho dễ chịu nhưng cuối cùng bước chân lại theo hướng cầu thang tiến thẳng rồi dừng trước cửa phòng của Ngọc Anh gõ hai cái rồi mở cửa bước vào:
– Ơ… Chị chưa ngủ à? Em tưởng hôm nay chị với An ngủ sớm chứ!
– Chị chưa buồn ngủ còn An thì lăn ra ngủ từ lúc trên xe về cơ.
– Chắc hôm nay con bé vui lắm chị nhỉ?
– Ừ. Vui lắm! Nằm ngủ còn mơ cười khanh khách kia kìa!
Hihi…
Thấy Ngọc Anh đang vui thì Dung nhân tiện hỏi việc học hành của cô bé luôn:
– Sao rồi? Em làm bài tập xong chưa?
– Em cũng sắp xong rồi, chỉ còn bài này nữa thôi nhưng mà em giải mãi không ra!
– Cần chị giúp không?
– Chị biết làm Toán chứ?
– Cũng biết chút!
– Vậy chị xem giúp em với!
Thùy Dung kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Ngọc Anh, cô đọc qua đề bài hai lượt rồi chậm dãi giảng giải. Ngọc Anh sau một hồi chăm chú nghe giảng thì khen ngợi cô:
– Chị Dung siêu thế! Học qua lâu lắm rồi mà còn nhớ, giảng lại dễ hiểu hơn cả Thầy của em luôn!
– Em hiểu là tốt rồi! Vậy làm nhanh còn đi ngủ!
– Chỉ giúp em bài này nữa đi!
– Sao bảo chỉ còn một bài?
– Hihi… Mỗi bài này nữa thôi!
– Xem nào! Môn Vật Lý này chị cũng không giỏi lắm đâu nhưng chị sẽ cố gắng!
– Em tin chị!
Nhìn Ngọc Anh cười hiền khiến Thùy Dung cũng vui theo, có lẽ từ hôm cô đến ở cùng thì đây là lần thứ hai cô bé này tỏ vẻ gần gũi với cô. Không phải cô cố tình làm màu mè để lấy lòng người nhà họ nhưng thái độ hài hòa với nhau để sống dễ chịu cũng tốt hơn nhiều.