Thím Lưu cầm những đồng tiền đổi lại từ mạng của con gái, chẳng vui vẻ gì, nhưng cũng không đến nỗi tuyệt vọng như lúc trước. Tôi nhìn thím ấy vẫn cảm thấy không thoải mái, chỉ nghĩ đến quãng thời gian sau này phải một mình sống cô đơn, không biết nên an ủi thím thế nào.
Lúc đưa thím ra ga, tôi nhìn biểu cảm mờ mịt của thím ấy, bèn kéo lại nói: “Thím Lưu, sau này về nhà thì nuôi con chó con mèo gì đó, sống sao cho vui vẻ, nếu có chuyện gì không giải quyết được thì gọi điện cho cháu, cháu nhất định sẽ về giúp thím. Chờ sức khỏe của Chiêu Tài tốt hơn, cháu sẽ đưa chị ấy về thăm thím.”
Thím Lưu đỏ cả mắt lên, sau đó vỗ vai tôi nói: “Được, thím biết rồi, sau này cháu cũng phải bảo trọng, đừng khiến mình quá mệt mỏi, có gì buồn thì về thăm thím một chút… Thím đi đây.”
Nhìn bóng lưng cô đơn của thím Lưu, tim tôi vô cùng chua xót, thực sự hi vọng sau này thím ấy có thể vui vẻ sống tiếp.
Sau khi tiễn thím Lưu về, tôi nhận được điện thoại của chú Lê, gấp gáp bảo chúng tôi nhanh chóng đến nhà chú. Làm chúng tôi lo lắng vội chạy tới, lại phát hiện trong nhà không có ai! Gọi cho chú Lê mà chẳng nghe máy, không phải là đã xảy ra chuyện gì rồi đấy chứ?
Trong lúc chúng tôi cuống cuồng định gọi cho chị Bạch nhờ giúp, thì chú Lê gọi lại, hóa ra chú ấy được một lãnh đạo mời đi.
Sau khi tôi và Đinh Nhất đến địa chỉ mà chú Lê nói, đã có hai người trẻ tuổi đứng chờ sẵn ở cửa. Hai chúng tôi được đưa đến một nơi không thấy ghi biển tên, cửa lớn còn có cảnh vệ đứng gác, chắc là lãnh đạo cấp cao nào đó.
Lúc hai chúng tôi thấy chú Lê, thì ông ấy vừa uống trà vừa cười tít mắt, trò chuyện vui vẻ với một người trung niên cũng tầm tuổi.
Chú Lê thấy chúng tôi vào, vẫy tay nói: “Hai thằng nhóc thối kia, làm gì mà chậm thế?!”
Hai chúng tôi mơ hồ đi đến, gật đầu chào vị trung niên kia, chú Lê vội giới thiệu: “Vị này là Sở trưởng Sở công an tỉnh - Vương Đông Hải, Sở trưởng Vương, còn đây là hai thằng nhóc mà tôi đã kể với ngài, Trương Tiến Bảo và Đinh Nhất.”
Tôi hơi mơ hồ, Sở trưởng Sở công an tỉnh! Chao ôi, chắc đây là chức quan lớn nhất đời này tôi được gặp? Chú Lê thấy tôi ngây ngốc thì đẩy một cái: “Thằng nhóc ngốc, chào hỏi đi!”
Vương Đông Hải thấy tôi căng thẳng thì cởi mở cười nói: “Đồng chí Tiểu Trương, đồng chí không cần căng thẳng, tôi cũng đâu có ăn thịt người?”
Tôi lúng túng cười vài tiếng: “Cháu không nghĩ hôm nay lại được gặp lãnh đạo cấp cao như chú…”
Vương Đông Hải vỗ vỗ vai tôi nói: “Không sao, không cần căng thẳng. Cháu nhìn xem, hôm nay không phải vị lãnh đạo cấp cao này có việc phải nhờ đến cháu à.”
Tôi sửng sốt, Sở công an tỉnh thì có thể có chuyện gì cần nhờ đến tôi? Chú Lê thấy tôi vẫn ngớ ra, thì chỉ vào túi da trâu rất dày trên bàn nói: “Cháu đọc chỗ tài liệu này cẩn thận vào, xem chúng ta có thể giúp gì cho Sở trưởng Vương không.”
Tôi lấy tập đầu tiên nhìn, khá lắm! Bên trong là một tập A4 dày có đóng dấu, trên phong bì viết 4.18 Đặc biệt – Án giết người liên hoàn. Tôi nhìn tập tư liệu dày như vậy mà mới chỉ là một phần của vụ án.
Lật tờ đầu tiên, là ảnh chụp một người đàn ông trung niên có tướng mạo phổ thông, kiểu người nhìn một lần rất khó nhớ mặt. Nhưng trong đôi mắt vô thần lại có sự tàn nhẫn, cho nên nhất định ông ta còn một bộ mặt khác.
Tôi xem tiếp, người đàn ông này tên là Chử Hoài Lương, là một giáo viên dạy toán tiểu học, cũng là nghi phạm của vụ án. Nói thật, lần đầu tiên nhìn thấy người đàn ông này, tôi khó có thể nghĩ ông ta là nghi phạm, nhưng có thể khiến Sở trưởng Sở công an tỉnh tự mình truy án, thì chắc chắn không đơn giản.
Thế nên tôi tiếp tục đọc, vụ án này xảy ra ở một huyện tên Lục Thủy. Lục Thủy là một huyện thuần nông, chủ yếu trồng cà chua và ớt. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng nhân khẩu lại khá nhiều, toàn huyện có bảy trường tiểu học công lập.
Thế nhưng nơi đây không nổi tiếng bởi ớt hay cà chua, mà là những vụ án mất tích trẻ em liên tiếp…
Vụ đầu tiên xảy ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trường tiểu học số 1 của Lục Thủy xảy ra một vụ mất tích trẻ em. Lúc đó Lưu Phương học lớp 3, buổi sáng vẫn cùng bạn rời nhà đi học, thế nhưng buổi trưa không thấy về nhà ăn cơm.
Lúc đầu người nhà nghĩ cô bé mải chơi nên không về, nhưng đến tận cơm tối cũng chẳng thấy cô bé đâu. Thế là cha Lưu Phương vội đến trường tìm con, trên đường gặp chủ nhiệm lớp mới biết, cả ngày nay Lưu Phương không đến trường học.
Nhà họ Lưu lập tức huy động người đi tìm, nhưng họ tìm cả đêm cũng không thấy… Hôm sau, cha Lưu Phương đến đồn công an trình báo.
Thời đó không có camera giám sát, nên chỉ có thể hỏi thăm trên đường Lưu Phương đi học, xem sáng hôm qua có ai thấy Lưu Phương không. Từ nhà Lưu Phương đi bộ đến trường chưa tới 15 phút, giữa đường có một quán ăn, cửa hàng nhỏ và một nhà nghỉ.
Vì đã là hàng xóm nhiều năm, nên con cái nhà ai mọi người đều biết, cảnh sát hỏi chủ tiệm tạp hóa thì được biết: Sáng sớm hôm đó Lưu Phương đi học có ngang qua cửa hàng của bà, về hướng trường học như bình thường, cũng không có gì đáng ngờ.
Thế nhưng khi cảnh sát hỏi đến cửa hàng nhỏ, thì ông chủ lại nói khác. Vốn từ nhà Lưu Phương đi đến trường có hai đường, một đường dài, là đường lớn có nhiều người, còn đường kia tuy ngắn nhưng là đường nhỏ, ít người qua lại.
Lúc ông ấy mở cửa hàng buổi sáng nhìn thấy Lưu Phương đi vào đường nhỏ, ông còn nhớ lúc đó mình nhìn thời gian, thấy đứa bé này đi đường đó chắc vì sợ đến muộn.
Cứ như vậy, ông chủ cửa hàng nhỏ là người cuối cùng nhìn thấy Lưu Phương. Cảnh sát dựa theo hướng ông ấy chỉ đi vào con đường nhỏ kia, đúng là rất vắng vẻ. Bên cạnh đường nhỏ có một nhà máy bỏ hoang, bình thường rất ít người qua lại, cho dù là người lớn, thì bình thường cũng sẽ không đi đường này.
Cảnh sát tìm quanh đó mấy lần, nhưng không phát hiện chỗ nào khả nghi. Cuối con đường nhỏ là một dãy nhà trệt, qua dãy nhà trệt là đến trường tiểu học số 1.
Dãy nhà trệt này trước kia chính là ký túc xá của công nhân ở nhà máy bỏ hoang bên cạnh. Sau khi nhà máy đóng cửa, phòng ở được phân cho công nhân viên chức trong huyện.