Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 158



Đại doanh Tây Bắc ngoài thành U Châu.

Triệu Thượng không thông minh xuất chúng nhưng chưa đến nỗi ngu hết thuốc chữa. Lúc nhận Thánh chỉ từ Chu Thái sư và biết mình đến U châu để làm người tuyên chỉ, anh ta đã hiểu mọi sự đều nằm trong tính toán của Triệu Phụ. Cả quân sư1 cũng phân tích rằng phụ hoàng có ý định lập anh ta làm trữ quân nên mới giao phó trọng trách nặng nề này!

Chợt quân sư thảng thốt kêu lên: “Chết chửa, còn bức mật thư kia.”

Triệu Thượng thần người: “Mật thư?”

Thế rồi mặt mũi anh ta cũng trắng bệch ngay tức khắc: “Mật thư! Làm sao bây giờ, đuổi theo lấy lá thư đó về ngay đi!”

Quân sư nào dám dềnh dàng, cuống cuồng chạy về U châu hòng cản bức thư sắp sửa bị tuồn ra. Xui thay, Đại nguyên soái có lệnh cấm bất cứ ai rời doanh trại trong đêm vì lí do cá nhân. Triệu Thượng và quân sư cháy ruột cháy gan, không ai dám nói mình phải rời quân doanh gấp để mà chặn thư. Vì thế khi quân sư của Nhị hoàng tử chật vật về thành vào ngày hôm sau, ông ta phát hiện quan thám báo đã chạy một mạch khỏi thành nhân lúc tối trời rồi!

Chu Thái sư phong thành nhưng không hề cấm đoán Triệu Thượng. Dù sao thì chẳng ai có thể ngăn cản ý muốn của một hoàng tử như anh ta.

Quân sư cố đuổi theo người đưa thư mà không kịp. Cứ thế, lá thư cầu cứu do chính tay Triệu Thượng viết đã bay thẳng về Thịnh Kinh. Tới đây thì Triệu Thượng hết đường xoay xở. Quân sư của anh ta cũng bó tay, chỉ cầu trời khấn phật cho hoàng đế không thèm để ý tới lá thư cầu cứu dại dột kia. Nhưng rồi bảy ngày sau, Triệu Thượng nhận được tin báo từ Thịnh Kinh…

Cả Tứ hoàng tử Triệu Kính và Ngũ hoàng tử Triệu Cơ đã rời khỏi kinh thành và đang đến thẳng U châu.

Triệu Thượng ngồi phịch xuống ghế, hoang mang quay sang hỏi quân sư: “Tiên sinh, thế này là thế nào…”

Quân sư biết ngôi Thái tử cầm chưa ấm tay đã mất đứt rồi, nhưng vẫn nghiến răng bảo: “Điện hạ, cơ hội chưa hẳn đã hết đâu. Lá thư hẳn đã đến tay bệ hạ, thế mà người không hề hạ chỉ khiển trách điện hạ. Dù Tứ hoàng tử và Ngũ hoàng tử cùng đến U châu thì cơ hội lớn nhất vẫn thuộc về điện hạ. Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai, chỉ cần điện hạ lập công lớn trong cuộc chiến này thì lo gì không có hi vọng.”

Trong lúc đó, triều đình cũng nảy sinh tranh cãi xoay quanh việc Tứ hoàng tử Triệu Kính và Ngũ hoàng tử Triệu Cơ bị phái đến U châu.

Hoàng đế chỉ có ba hoàng tử, ông ta đẩy hết bọn họ lên U châu với mục đích gì cơ chứ?

Đường Thận vắt óc nghĩ mãi không ra, lần này thì ngay cả nhóm Vương Trăn, Từ Bí cũng không dò nổi ý đồ của hoàng đế. Phải đến lúc Quý Phúc nhắc cho Vương Trăn rằng Nhị hoàng tử ở U châu đã gửi thư nhà về, Vương Trăn mới thở dài, than: “Con tạo trêu người.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng Triệu Thượng đã làm hoàng đế thất vọng nên mới dẫn đến cục diện này.

Cuộc chiến giữa Liêu và Tống vẫn diễn ra trong thế giằng co tại thành Tiêu châu chừng một tháng nay.

Cứ năm ngày lại có quân báo gửi về Thịnh Kinh, tuy binh tình hầu như không mấy khả quan, song cũng chưa có tin dữ. Người Liêu ai ai cũng là lính, thành Tiêu Châu dễ thủ khó công, dù cho chiến thần tái thế cũng không thể nào đánh bại nước Liêu một cách chóng vánh. Triệu Phụ tin tưởng tuyệt đối vào Chu Thái sư, lương thóc tiếp tế cuồn cuộn chảy theo đường quan về U châu không ngừng nghỉ.

Nhưng kể cả thế, luồng ý kiến phản đối vẫn ngày một nhiều trên triều đình.

Chu Thái sư rề rà mãi chẳng phá được Tiêu Châu, tốn thêm ngày nào là đổ sông cả ngàn vàng ngày ấy!

Huống hồ nước Liêu hiện giờ đang gặp nội loạn, cứu binh từ phủ Lâm Hoàng lần lữa mãi không tới, khiến cho quân Liêu ở thành Tiêu Châu gần như bị cô lập hoàn toàn. Người Liêu đã rơi vào thế thú kẹt trong lồng mà Chu Thái sư cứ lần khần không tiến công. Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài dai dẳng thế này, chỉ e khi phủ Lâm Hoàng gửi quân cứu viện, tình thế sẽ vô cùng bất lợi cho phe ta.

Song Triệu Phụ không mảy may hoài nghi Chu Thái sư. Giữa buổi chầu, ông thẳng thừng trách mắng một viên quan dám nghi ngờ Thái sư. Vị quan đó bị thị vệ lôi xuống mà vẫn kêu oan rầm trời. Mà quả tình ông này cũng oan thật vì vốn dĩ ông ta đâu dám chỉ trích Thái sư. Tất cả những gì ông ta nói chỉ là nêu nghi vấn, đồng thời hi vọng Thái sư sớm ngày khởi binh đánh hạ Tiêu châu.

Đường Thận than thầm trong lòng.

Chẳng qua là giết gà dọa khỉ đấy thôi. Đã có gương này thì còn ai trong triều đình dám dị nghị về Thái sư nữa.

Trước tình hình phủ Đại Đồng kẹt trong vòng vây hãm của quân Tống, nội bộ nước Liêu có rối ren đến mấy vì cuộc tranh giành ngôi báu nảy lửa giữa hai vị hoàng tử cũng không dám sống chết mặc bay. Nửa tháng sau, người Liêu phái quân chi viện cho phủ Đại Đồng.

Trong trướng vua nước Liêu, Gia Luật Xá Ca nghiêm giọng trách cứ việc Vương tử Thái sư Gia Luật Định lần lữa không chịu phát binh. Nếu là trước đây, Gia Luật Xá Ca còn lâu mới dám đấu tay đôi với Gia Luật Định. Nhưng khi quân Tống uy hiếp bờ cõi và phủ Đại Đồng suýt nữa thất thủ chỉ trong một đêm, thủ lĩnh các bộ lạc đã quá kinh hãi và mất lòng tin vào Gia Luật Định.

Gia Luật Xá Ca: “Phủ Đại Đồng là địa bàn của Thái sư, tướng trấn thủ Tiêu Hàn là bộ hạ cũ của Thái sư. Hẳn chư vị đều biết phủ Đại Đồng là chốt phòng ngự hiểm yếu của Đại Liêu ta, thế thì người Tống cắt đứt đường mòn vận lương của chúng ta bằng cách nào để sau đó tấn công đột ngột như thế? Chắc chắn ở phủ Đại Đồng phải có kẻ phản trắc!”

Nét mặt y trĩu nặng vì nỗi đau xé lòng. Liên tiếp những ngày hầu bệnh vua Liêu đã khiến đôi má y hóp lại và mặt mày thì tái nhợt vì mỏi mệt. Y khóc nức nở với Gia Luật Định, lệ như máu rỏ: “Thái sư, quân Tống ngày nay đã khác xa quân Tống của ba mươi năm trước rồi. Chúng ta không thể khinh thường bọn chúng đâu! Xá Ca xin ngài khẩn cấp gửi quân đến phủ Đại Đồng bắt giữ phản tặc. Chúng ta không thể để quân Tống ngày ngày diễu võ giương oai trước cổng thành phủ Đại Đồng được!”

Vừa nói dứt lời, Gia Luật Xá Ca vén vạt áo toan quỳ xuống.

Quá sững sờ trước hành động của y, các thủ lĩnh bộ lạc vội vã can ngăn: “Điện hạ đừng làm thế.”

Vẻ kiên nghị in đậm trên khuôn mặt thanh tú tái nhợt của Gia Luật Xá Ca: “Xá Ca ngày ngày hầu bệnh bên giường phụ hoàng, chỉ hận mình tài hèn sức mọn không giết nổi quân thù. Giờ đây, nguyện vọng duy nhất của Xá Ca là Thái sư chóng khởi binh. Bất kể Thái sư muốn Xá Ca làm gì, Xá Ca tuyệt đối không ngần ngại.”

Lời nói của y đã chiếm được cảm tình của các thủ lĩnh bộ lạc: “Sợ gì cái bọn lính Tống! Nếu không ai dám ra quân thì cứ để ta!”

“Được, ta cũng ra quân.”

“Ta cũng thế.”

Vương tử Thái sư Gia Luật Định nhìn Gia Luật Xá Ca đầm đìa nước mắt và các thủ lĩnh bộ lạc sục sôi căm phẫn bằng ánh mắt lạnh căm. Mãi lâu sau, ông ta mới dõng dạc nói: “Quân Tống dám xâm phạm bờ cõi Đại Liêu ta, lão thần không đời nào khoanh tay đứng nhìn. Hiềm nỗi chư tướng thống lĩnh quân Sói Đen2 đã bị điều đi trấn thủ khắp bốn phương. Lão thần giữ binh phù mà chẳng có tướng tài trong tay, nên mới trễ nải chuyện phát binh.”

Gia Luật Xá Ca thấy trong người lạnh toát.

Gia Luật Định quỳ một bên gối, thi lễ với Gia Luật Xá Ca: “Lòng thương con đỏ3 của điện hạ khiến lão thần xúc động khôn cùng. Đã thế, lão thần xin trao toàn quyền chỉ huy mười vạn quân Sói Đen cho điện hạ, để điện hạ mang binh xuôi Nam diệt trừ lũ người Tống vô liêm sỉ!”

[3]Con đỏ ở đây chỉ dân chúng

Gia Luật Xá Ca mở miệng toan nói.

Song Gia Luật Định đã chặn họng y: “Việc hầu bệnh cứ để Tam điện hạ làm thay. Tam điện hạ đầu óc tối tăm, chỉ Nhị điện hạ mới có tài cầm quân mà Đại Liêu ta vẫn thiếu thôi!”

Thế là Gia Luật Xá Ca dẫn mười vạn quân Sói Đen tiến về phủ Đại Đồng ở miền Nam.

Trên đường hành quân, Gia Luật Cần không nén nổi lo âu: “Cứ tưởng có thể lợi dụng quân Tống để xua quân Sói Đen của Gia Luật Định đi, ai ngờ lão lại đẩy luôn điện hạ ra khỏi Thượng Kinh.”

Gia Luật Xá Ca mỉm cười lạnh lẽo: “Phúc đấy họa đấy. Dù thế nào đi chăng nữa, chẳng phải quân Sói Đen mà lão hết lòng tin tưởng đang rời Thượng Kinh theo bản điện hạ đó ư?”

Gia Luật Cần: “Ý điện hạ là sao?”

“Con sói lạc bầy là miếng mỡ cho người ta xâu xé. Thái sư tưởng lão đang tương kế tựu kế, chẳng nhẽ ta không thể lợi dụng điều ấy hay sao?”

Gia Luật Xá Ca mặc giáp, cầm kiếm, hùng hồn tuyên bố: “Trận này, bản điện hạ sẽ biến phủ Đại Đồng thành mồ chôn quân Sói Đen của lão!”

Gia Luật Cần dành cho y ánh nhìn đầy tán thưởng. Trái lại, người đứng cạnh là Tiêu Châm thì toát hết cả mồ hôi.

Vốn chỉ là tên phó quan quèn ở phủ Tích Tân, Tiêu Châm nào có mơ đến ngày gặp may nhờ họa mà trèo lên thành thân tín của Gia Luật Xá Ca đâu. Mà cũng chính vì Tiêu Châm ngu dốt tham lam, mưu đồ không qua nổi mắt cú của Gia Luật Xá Ca nên y mới yên tâm dùng lão như thế.

Tiêu Châm rời khỏi trướng lớn mà lòng chưa hết hãi hùng. Đúng lúc đó thì Kiều Cửu đi đến.

Tiêu Châm tin tưởng Kiều Cửu tuyệt đối, bèn kể tuồn tuột những chuyện mình nghe được trong trướng cho hắn ta.

Kiều Cửu nói: “Nhị điện hạ muốn mượn cơ hội này diệt trừ quân Sói Đen, sao đại nhân không giúp điện hạ một tay? Chỉ cần lo liệu việc này êm xuôi, sau này Nhị điện hạ lên ngôi, quan cao lộc hậu chẳng phải là chuyện trong tầm tay ngài à.”

Nghe đến đây, Tiêu Châm đột ngột tỉnh ra. Lão ngẩng đầu nhìn chằm chằm Kiều Cửu như thể muốn bóc trần hắn.

“Tao cứ tưởng mày là quân của Tam hoàng tử ngụy trang thành người Tống. Giờ xem ra lâu nay tao vẫn lầm. Mày là gian tế Tống đúng không!”

Kiều Cửu nghe xong cũng ngỡ ngàng quá đỗi. Hắn không ngờ lão Tiêu Châm ngu xuẩn này lại quy cho hắn về phe Gia Luật Định. Song chẳng phải vô cớ mà Tiêu Châm nghĩ như vậy. Lão làm sao mà biết Đường Thận và Tô Ôn Duẫn có thể vươn tay đến tận Nam Kinh Tích Tân phủ, khuấy tung thủ phủ nước Liêu thành cái bãi đục ngầu.

Ngay cả khi bị vạch trần thân phận, Kiều Cửu cũng không hề nao núng. Hắn cười: “Đại nhân đã không gọi người tới gô cổ tiểu nhân thì xem ra cũng định ém chuyện này đây. Đại nhân đừng nhìn tiểu nhân như thế, tiểu nhân chỉ là tay lái buôn thôi mà. Mấy năm qua đại nhân hợp tác với tiểu nhân sung sướng thế còn gì? Đại nhân hẳn đã rõ, quân Tống hạ mỗi phủ Đại Đồng thì được, còn xâm lược cả nước Liêu ư? Lấy đâu ra mùa xuân đó! Những gì người Tống muốn chỉ là chiếm lại ba châu bị mất cách đây một trăm năm thôi. Mà Nhị điện hạ thì muốn nhổ tận gốc quân Sói Đen kia.”

Tiêu Châm: “Ý mày là…”

“Làm cách nào để nhổ tận gốc quân Sói Đen ư? Cho chúng chết dưới đao người Tống là được chứ gì. Chỉ cần mấy lời của đại nhân thôi, dễ đến thế là cùng. Đại nhân mà giúp Nhị điện hạ việc này thì từ giờ ngài chính là tâm phúc của Nhị điện hạ. Đã thế thì cớ sao không làm?

Tiêu Châm vẫn cố ra vẻ hiên ngang chính trực: “Tao là quan người Liêu, mày là giặc người Tống, làm sao tao để tướng sĩ Đại Liêu dấn thân vào chỗ chết được!”

Kiều Cửu lót ngay cho lão bậc thang: “Người muốn xóa sổ quân Sói Đen chính là Nhị điện hạ chứ có phải đại nhân đâu nào!”

Bản chất Tiêu Châm là hạng tiểu nhân gió chiều nào theo chiều nấy, nếu không lão đã chẳng móc ngoặc với Kiều Cửu hằng bao năm nay. Nghe Kiều Cửu nói thế, Tiêu Châm chỉ thấy một con đường rộng thênh thang choán hết tầm mắt mình.

Thời vận của Tiêu Châm này đến thật rồi!

Mùng hai tháng Năm năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, đoàn quân Sói Đen lẫy lừng rùng rùng tiến về phủ Đại Đồng. Quân Sói Đen hành quân như vũ bão, được dẫn dắt bởi Gia Luật Kỳ – tâm phúc của Gia Luật Định. Rõ ràng, việc ủy thác cho Gia Luật Xá Ca chỉ huy quân Sói Đen chỉ là lời nói suông. Lão không thể yên tâm giao phó lực lượng thân tín của mình cho y được.

Gia Luật Kỳ quyết định cực kì chớp nhoáng. Chỉ vừa mới đến phủ Đại Đồng, hắn đã xua quân ra ngoài thành đánh trả quân Tống ngay.

“Quân ta vừa đến đây, quân Tống nhất định sẽ cho rằng chúng ta phải nghỉ ngơi dưỡng sức trước. Nếu chúng ta nhân cơ hội đánh úp thì chúng ắt trở tay không kịp, đánh một trận là tan!”

Ấy thế mà khi quân Sói Đen xông vào doanh trại quân Tống ngoài thành Tiêu Châu, quân Tống đã rút lui thần tốc, khiến quân Sói Đen được phen vồ hụt.

Đêm đến, một chàng trai mảnh dẻ mặc áo choàng mũ đen đi vào đại trướng Nguyên soái. Anh ta cởi chiếc mũ trùm đầu thùng thình, để lộ gương mặt tuấn tú da trắng môi son.

Chu Thái sư ngồi ngay ngắn đường bệ, ngẩng đầu nói với anh ta bằng chất giọng sang sảng như chuông: “Tô đại nhân.”

Tô Ôn Duẫn mỉm cười nhẹ nhàng, chắp tay vái chào: “Hạ quan Tô Ôn Duẫn bái kiến Đại nguyên soái.”

Chu Thái sư: “Ngươi ở U châu đã hai năm ròng, vậy mà đến giờ bản soái mới được gặp mặt. Hôm nay nhờ có ngươi mà quân ta rút lui kịp thời, bản soái có lời cảm ơn ngươi.”

“Hạ quan cũng như Nguyên soái, dốc sức vì bệ hạ mà thôi.”

Chu Thái sư gật đầu khen ngợi rồi nói: “Cảnh Đức nói với ta rằng theo tin tình báo của ngươi, Nhị hoàng tử nước Liêu đang rắp tâm chôn sống mười vạn quân Sói Đen ở phủ Đại Đồng phải không?”

“Đúng là có chuyện ấy.”

“Thật thế chứ?”

Tô Ôn Duẫn nheo mắt: “Tối nay quân Sói Đen tập kích bất ngờ nhưng phe ta không hề chịu bất cứ tổn thất nào chính là bằng chứng.”

Tô Ôn Duẫn bàn bạc với Chu Thái sư thêm một hồi trong trướng lớn, rồi lại trùm mũ lên rời khỏi lều quân. Anh ta vừa đi tới một chỗ ánh sáng tù mù, tứ bề vắng vẻ thì đột nhiên phát hiện sự bất thường, bèn nói ngay: “Lý Cảnh Đức, nếu ngươi dám trùm bao tải đánh ta thì kiểu gì có ngày ta cũng giết ngươi cho hả giận!”

Lý tướng quân đứng sững người.

Tô Ôn Duẫn quay lưng lại, chỉ thấy hai tay Lý Cảnh Đức trống trơn, chẳng có cái bao tải nào ở đây cả.

Lý Cảnh Đức gãi mũi: “Bọn quan văn yếu nhớt chúng mi chỉ biết gièm pha trung thần lương tướng thôi phải không? Rồi rồi rồi, xin đức ngài cứ ngậm miệng giùm cho. Ông đây lí sự chẳng lại mi đâu.”

Tô Ôn Duẫn cười khẩy, chẳng buồn đôi co với hắn, xoay gót toan bỏ đi.

“Ê, bản tướng quân đến cảm ơn ngươi đấy.”

Tô Ôn Duẫn ngoái đầu lại liếc hắn.

Lý tướng quân khệnh khạng đi ra khỏi vùng tối, buông một câu nhẹ bẫng: “Lần này rút quân kịp thời, cảm ơn nhớ4.”

Đáng ra lúc này Tô Ôn Duẫn phải nói móc một câu cho thỏa, nhưng nhìn thấy miếng vải đen buộc trên tay trái Lý Cảnh Đức, anh ta lại nuốt hết những lời cay nghiệt chua ngoa vào lòng.

“Gièm pha trung lương? Hứ, chỉ có hạng gian thần tiểu nhân như lũ Vương Tử Phong mới thèm làm trò đấy.” Nói đoạn, anh ta phẩy tay áo bỏ đi.