Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 159



Gấp rút hành quân bất kể đêm ngày, mười vạn quân Sói Đen chỉ mất ba hôm đã đến phủ Đại Đồng.

Trong hoàn cảnh ấy, một đội quân bình thường thậm chí phải đề phòng quân Tống tấn công chứ đừng nói đến chuyện cho kị binh đánh úp. Trái lại, quân Sói Đen chẳng những không cần nghỉ ngơi lấy sức mà còn chủ động tấn công. Tuy cuộc tập kích thất bại vì quân Tống đã rút binh ngay nhờ có tin tình báo, nhưng tranh cãi vẫn nổ ra trong quân trướng Tống.

“Quân Sói Đen vừa đến đã làm sĩ khí người Liêu đã tăng vọt! Ta nói từ đầu rồi, phải tranh thủ lúc đội quân này chưa đến mà hạ quách Tiêu châu đi. Bây giờ hay chưa, viện binh đến rồi thì đánh đấm kiểu gì!”

“Đó là mệnh lệnh của Đại nguyên soái, ông không phục thì nói thẳng với ngài ấy.”

“Hơ, cái đồ mắt lươn mũi sùi1…”

[1] Gốc:酒糟鼻– bệnh rosacea gây mẩn đỏ, sùi đỏ trên da

Hầu hết các tướng ở doanh trại Tây Bắc có xuất thân bần hàn, giành được chức quan chẳng nhờ gì hơn ngoài hai nắm đấm. Ở quân trướng, hễ Chu Thái sư vắng mặt thì ai to mồm nhất người ấy nắm trùm. Lý Cảnh Đức là người trẻ nhất trong bọn song giọng hắn vang không ai bằng: “Om sòm lắm để người ta cười vào mũi cho à! Đại nguyên soái có dụng ý riêng, đâu phải thứ các ông hiểu được?”

“Thế ngươi thì hiểu chắc?”

Lý Cảnh Đức trợn trừng mắt: “Ta hiểu chứ, sao ta lại không hiểu!”

“Hiểu thì ngươi nói đê.”

Lý Cảnh Đức xắn tay áo: “Ông đây đếch hiểu, nhưng nắm đấm của ông thì rõ mười mươi.”

Thấy hai bên sắp sửa choảng nhau đến nơi, người làm Giám sát sứ như Dư Triều Sinh phải lên tiếng ngay: “Quả nhiên quân Sói Đen là đội quân mạnh như lang hổ. Bình thường từ Thượng Kinh đến phủ Đại Đồng phải mất sáu ngày đường, dẫu phi hết tốc lực cũng phải hai ngày mới đến, thế mà quân Sói Đen chỉ hành quân mất hai ngày và vẫn còn sức đánh úp. Đúng là không thể khinh thường.”

Thấy viên quan văn duy nhất trong đại trướng góp lời, các tướng võ đồng loạt quay sang nhìn anh ta, làm Dư Triều Sinh rùng cả mình.

Mấy năm nay Lý Cảnh Đức cũng hay giao thiệp với quan văn, bèn nói: “Giám sát sứ có cao kiến gì chăng?”

Dư Triều Sinh: “Lúc trước quân cứu viện của người Liêu chưa đến, chúng ta có thời cơ tốt nhất để đánh phủ Đại Đồng nhưng Thái sư lại án binh bất động. Theo ngu kiến của hạ quan, có lẽ Thái sư cố tình đợi viện binh nước Liêu đến. Từ năm Khai Bình thứ hai mươi bảy đến nay, Đại Tống ta xây dựng đường quan, lập ty Ngân dẫn đều vì trận đại chiến này. Nếu chỉ chiếm được mỗi phủ Đại Đồng thì chẳng bõ bèn. Mục tiêu của Thái sư là giành lại lãnh thổ ba châu Đại Tống ta để mất trăm năm trước và khiến nước Liêu run sợ đến nỗi trăm năm nữa cũng không dám xâm chiếm lần thứ hai!”

Nghe anh ta phân tích, các tướng mới nãy còn mẹ tao mẹ mày bỗng ngẩn ra, giờ họ mới hiểu dụng ý của Thái sư.

Lý Cảnh Đức nghĩ bụng, tên Dư Triều Sinh này nói vớ va vớ vẩn. Những việc này hắn biết từ lâu rồi, cần gì Dư Triều Sinh phải nói? Nhưng rồi hắn lập tức nghĩ, tuy Dư Triều Sinh là một trong những người lãnh đạo ty Ngân dẫn, nhưng thật ra anh ta không được tiếp xúc với kế hoạch đánh Liêu của ty này. Anh ta chỉ dựa vào chính hiểu biết của mình về thời cuộc để đoán ra điều ấy thôi.

Tự dưng Lý Cảnh Đức thấy khâm phục anh ta quá.

Đầu óc của quan văn đúng là không mọc làm cảnh.

Phiêu kỵ tướng quân Ngụy Suất và Giám sát sứ Dư Triều Sinh đã đến U châu, dĩ nhiên Tứ hoàng tử Triệu Kính và Ngũ hoàng tử Triệu Cơ cũng đã có mặt.

Vừa tới U châu, họ liền giục ngựa không ngừng nghỉ đến đại doanh Tây Bắc để gặp Chu Thái sư.

Triệu Kính lớn hơn Triệu Cơ ba tuổi, đã vào độ trung niên2 nên người hơi phát tướng. Vừa thấy Chu Thái sư, mắt anh ta đỏ ngầu: “Kính nghe tin hai quân giao chiến mà lòng như lửa đốt, chỉ giận mình ở Thịnh Kinh chẳng thể ra trận cùng. Nay nhờ ân điển của phụ hoàng mà Kính được đến U châu tham chiến, Kính quyết không để phụ hoàng và Thái sư thất vọng.”

[2] Vì đây là thời cổ đại nên trung niêntính từ 30 tuổi. 40 tuổi = tráng niên, 50 tuổi = lão niên.

Triệu Cơ nghe thế cũng không chịu thua kém: “Triệu Cơ cũng xin được đánh. Phụ hoàng có tuổi không thể ngự giá thân chinh như hai mươi bảy năm về trước. Ta là con của người, là hoàng tử của Đại Tống, ta nhất định sẽ tiên phong tướng sĩ tắm máu quân thù.”

Ánh nến lung linh trong quân trướng, Chu Thái sư nhìn hai hoàng tử đầy thản nhiên. Ông nói: “Có ba vị hoàng tử đồng tâm hiệp lực, lão thần tin trận này quân ta tất thắng.”

Nghe thế, nét mặt Triệu Kính và Triệu Cơ cùng méo xẹo đi. Họ nhanh chóng đáp: “Trận này tất thắng!”

Mùng năm tháng Năm, quân Sói Đen và quân Tống đụng độ nảy lửa cách phủ Đại Đồng hai mươi dặm, chém giết mịt mùng trời đất.

Hai ngày trước, Tứ hoàng tử và Ngũ hoàng tử vừa đến U châu đã xin Thái sư cho ra trận. Sau khi họ về, Nhị hoàng tử Triệu Thượng cũng tới, bày tỏ nguyện vọng được thân chinh chiến đấu, ngay đến câu giải thích cũng y hệt hai hoàng tử kia: “Phụ hoàng đã có tuổi. Là con trai người, ta có bổn phận thay phụ hoàng xung trận, tăng sĩ khí cho quân ta.”

Thế nhưng khi đại chiến cận kề thì cả ba người mới lòi gan thỏ đế.

Bọn họ đi qua đi lại một cách sợ sệt trong quân trướng của riêng mình. Tất cả biết rõ trận chiến Tây Bắc lần này rất có thể sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc tranh giành ngôi trữ quân, nhưng đao kiếm trên sa trường làm gì có mắt, ngay đến những tướng lĩnh thiện chiến dũng mãnh còn tử trận nữa là đám hoàng tử như họ!

Song Chu Thái sư hoàn toàn không để các hoàng tử xông pha chiến trường. Thậm chí, ông còn không cho họ tham dự những buổi hội nghị trong quân mà sai người tiễn thẳng họ về thành U Châu.

Mùng năm tháng Năm, hai quân giao chiến hòng thăm dò sức địch. Trận chiến này không phân thắng thua, cốt chỉ để phán đoán thực lực của nhau. Sau khi trận đánh kết thúc, Giám sát sứ Dư Triều Sinh trở lại U châu. Vừa về phủ, anh ta nhận được thiếp mời của Nhị hoàng tử Triệu Thượng. Chỉ mấy khắc sau, thiếp mời của Tứ hoàng tử và Ngũ hoàng tử cũng lần lượt gửi đến.

Nếu Vương Trăn hay Tô Ôn Duẫn ở đây, có lẽ sẽ từ chối khéo chứ chẳng nhận những tấm thiệp này.

Còn Dư Triều Sinh lại nhìn ba tấm thiệp rồi nhớ đến những lời ân sư dặn dò mình.

“Hiến Chi, đây là cơ hội duy nhất để con tự cứu bản thân!”

Thật vậy, vụ án Hình châu lần này là kiếp nạn không ai cứu nổi anh ta. Điều duy nhất anh ta có thể làm là tự cứu chính mình mà thôi!

Dư Triều Sinh ra lệnh: “Ngày mai phủ ta mở tiệc khoản đãi ba vị hoàng tử.”

“Vâng.”

Cách thành phủ Đại Đồng mười lăm dặm có một quả núi gồ ghề tên là đỉnh Chướng Hổ3.

[3] “Chướng” là ngăn trở, như trong “chướng ngại”.

Người ta đồn rằng ở triều đại trước có một con hổ dữ thích chén thịt người thường lảng vảng ở Tây Bắc. Có đội buôn nọ đi ngang qua U châu, nửa đêm thì gặp hổ ở ngoại ô. Con mãnh hổ cực kì hung hãn đã ăn thịt liền ba hộ vệ của đội buôn. Cuối cùng, đội buôn đó tháo chạy ra sau đỉnh Chướng Hổ, còn con hổ bị quả núi cản lại. Nó kẹt sâu trong lòng núi từ dạo đó và không còn xuất hiện lần nào.

Ngày mười chín tháng Sáu năm Khai Bình thứ ba mươi sáu. Quân Sói Đen hùng mạnh của nước Liêu sở hữu đoàn kỵ binh bậc nhất thiên hạ. Họ tiến quân như chẻ tre, vó sắt rầm rập nện lên ngực lính Tống, giẫm nát bấy những thân xác sống sờ sờ.

Lý Cảnh Đức dẫn quân Phi Long rút vào đỉnh Chướng Hổ.

Chỉ huy quân Liêu là viên tướng tên Cổn Trát Nhĩ – một phó tướng không được ban họ. Cổn Trát Nhĩ vừa đánh tan tác quân Phi Long, lẽ dĩ nhiên phải xua quân thừa thắng truy kích.

Không ngờ, tâm phúc Gia Luật Cần của Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca vội vã thúc ngựa lên hàng đầu đại quân, lo lắng can: “Không được đâu tướng quân. Người Tống đặt tên cho ngọn núi này là đỉnh Chướng Hổ, thế núi dựng đứng, hằng ngày vào lúc sáng sớm và chiều tà trong núi đều có sương mù. Chúng ta không thể thừa thắng truy kích được, phải lui binh thôi!”

Cổn Trát Nhĩ nghe thế cũng muốn lui binh. “Ông nói thật chứ?”

Gia Luật Cần đáp: “Dĩ nhiên. Nếu chúng ta trúng mai phục của quân Tống thì hỏng việc lớn mất.”

Cổn Trát Nhĩ: “Rút quân!”

Thấy người Liêu thu quân, Lý Cảnh Đức núp trong đỉnh Chướng Hổ thở phào nhẹ nhõm, nhưng hắn nhớ kĩ chuyện này.

Ngay đêm đó, Đại tướng Tiêu Hàn nghe thuật lại chuyện Cổn Trát Nhĩ thu quân thì giận đùng đùng: “Đỉnh Chướng Hổ là nơi hiểm trở, nhưng lúc đó là giữa trưa nắng chói, lấy đâu ra sương mù cản lối! Quân ta đang hừng hực khí thế, tại sao không thừa thắng truy kích? Thám tử đã báo tin rằng Lý Cảnh Đức không hề có quân mai phục, ngươi mà đuổi kịp thì tối nay hai vạn quân Phi Long đã thành tù binh của Đại Liêu rồi! Đồ ngu xuẩn, ra lĩnh ba quân trượng!”

Cổn Trát Nhĩ hậm hực lắm, bị đánh cho ba quân trượng.

Hôm sau, Cổn Trát Nhĩ ngầm sai người đổi sữa bò của Gia Luật Cần thành sữa dê chưa sơ chế4. Mùi sữa gây gây xộc lên mũi khiến Gia Luật Cần mửa ra luôn. Ông ta biết thừa Cổn Trát Nhĩ trả thù mình, nhưng thay vì tặng quà xin lỗi để cởi bỏ oán cừu như đáng ra phải thế, ông ta lại hắt sạch bát sữa dê ấy đi.

[4] Sữa dê có thể có mùi hôi của dê, cần phải xử lí để hết mùi

Cổn Trát Nhĩ biết việc ấy thì tức sôi gan.

Lúc Gia Luật Cần đến gặp Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca, y cũng đã nghe chuyện, bèn ân cần hỏi thăm: “Ta nghe kể Gia Luật đại nhân bị thổ, giờ đã đỡ hơn chưa?”

Gia Luật Cần hành lễ rồi đáp: “Hạ quan không sao. Có điều từ giờ Cổn Trát Nhĩ chắc chắn càng căm thù hạ quan hơn.”

Gia Luật Xá Ca thở dài: “Nếu chỉ dựa vào lũ người Tống kém cỏi thì không thể nào chôn sống mười vạn quân Sói Đen được. Cả tháng nay mới giết được có sáu ngàn tên, chẳng thấm tháp gì.”

Gia Luật Cần: “Lần này hạ quan cố tình chọc tức Cổn Trát Nhĩ chính là để tiêu diệt mười vạn quân Sói Đen đấy.”

“Quả nhiên Gia Luật đại nhân không bao giờ hành động vô cớ, cũng không khiến bản điện hạ thất vọng. Ngươi định làm cách nào?”

“Đỉnh Chướng Hổ ấy, chính là ngôi mồ hạ quan sắp sẵn cho Cổn Trát Nhĩ và bốn vạn quân Sói Đen! Không chỉ thế, hạ quan cũng sẽ đi cùng khi quân Sói Đen bị tiêu diệt. Dù sau này Thái sư có ngờ vực, điện hạ cũng không cần bận tâm.”

Gia Luật Xá Ca cả kinh: “Gia Luật đại nhân, chẳng nhẽ ngài định liều mạng ư?”

Gia Luật Cần nghiến răng, quỳ phục xuống hành lễ, khẩn thiết nói: “Điện hạ là minh quân, là minh chúa đích thực của Đại Liêu ta. Chỉ có điện hạ mới là chúa thượng chân chính của quan lại miền Nam chúng thần! Dẫu hạ quan có bỏ mình ở đỉnh Chướng Hổ thì cũng chẳng có gì nuối tiếc.”

Gia Luật Xá Ca lập tức bước đến đỡ ông ta dậy: “Xá Ca nhất định không làm đại nhân thất vọng đâu.”

Cùng lúc đó ở đại doanh Tây Bắc, Lý Cảnh Đức cầu kiến Đại nguyên soái, thuật lại toàn bộ chuyện phát sinh trong ngày hôm nay.

“Tên Cổn Trát Nhĩ ấy là thứ mãng phu hữu dũng vô mưu, không hiểu binh pháp. Hôm nay quân ta thua trận bị dồn đến đỉnh Chướng Hổ, thế mà hắn lại rút quân bỏ phí cả cơ hội. Chuyện này báo về trong quân, Đại tướng phe Liêu nhất định sẽ trách phạt Cổn Trát Nhĩ. Đã thế, chúng ta sẽ làm thế nhiều lần nữa! Lần sau, ta lại trốn vào đỉnh Chướng Hổ. Cổn Trát Nhĩ gặp chuyện ấy vài lần nhất định sẽ mất kiên nhẫn mà dẫn quân xông vào đỉnh Chướng Hổ. Đến lúc đó, ba vạn quân Sói Đen của hắn sẽ vùi thây cả đám.”

Chu Thái sư trầm ngâm phút chốc: “Đúng là diệu kế đấy. Nhưng làm thế nào ngươi biết Cổn Trát Nhĩ sẽ chờ đến khi ngươi mai phục sẵn thay vì truy kích ngay lần tới?”

Lý Cảnh Đức đớ lưỡi, nhưng rồi hắn cười to: “Quân Sói Đen có thể coi là đội quân mạnh nhất thế gian, muốn thắng chúng kiểu gì cũng phải trả giá! Nếu Lý Cảnh Đức này sai thì cùng lắm ta đền cái mạng này, cộng thêm mấy mống tàn binh chiến bại. Nhược bằng thắng, Đại Tống ta sẽ không còn phải khiếp sợ con hổ dữ tham tàn luôn rình rập ở Tây Bắc nữa!”

Giờ phút này, Lý Cảnh Đức vẫn chưa biết hắn và Gia Luật Cần chẳng mưu mà hợp.

Ba ngày sau, Kiều Cửu tìm đủ mọi cách truyền tin về đại doanh Tây Bắc. Chu Thái sư mừng rỡ khôn xiết. Ông gọi Lý Cảnh Đức đến, nhìn một lượt rồi nở nụ cười hiếm hoi: “Nếu bây giờ có một kế vừa bảo toàn được quân Phi Long của ngươi, vừa chôn sống được Cổn Trát Nhĩ và ba vạn quân Sói Đen thì ngươi có muốn nghe không?”

Mắt Lý Cảnh Đức sáng bừng lên: “Nguyên soái nói liền đi ạ!”

Chu Thái sư: “Việc này có liên quan đến ty Ngân dẫn.”

Lý Cảnh Đức không đần, hắn liên tưởng ngay: “Lẽ nào mật thám trong nội bộ nước Liêu cũng định khử Cổn Trát Nhĩ?”

“Ta có thể nói cho ngươi, nhưng trước tiên ngươi phải đồng ý một điều đã.”

“Việc gì thế ạ? Dù lên núi đao hay xuống biển lửa, Lý Cảnh Đức này cũng không sợ đâu!”

“Ngươi hãy cạo râu đi.”

“… Hả?!”

Chu Thái sư nhẹ nhàng nói: “Hãy cạo sạch bộ râu của ngươi đi.”

Lý Cảnh Đức: “…”

“Không phải chứ? Nguyên soái, việc này thì liên quan gì đến râu của ta?”

Chu Thái sư vuốt chòm râu mượt mà của mình, cười bảo: “Nghe đồn mấy năm trước ngươi từng chụp bao tải đánh lén người ta trong doanh trại phải không?”

“…”

“Ta đã nói với ngươi rồi, khi không đừng đắc tội với quan văn làm gì. Ngay đến lão phu năm xưa cũng chẳng thèm hơn thua với đám văn nhân Chung Thái Sinh. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn, hôm nay có người lấy công báo thù đây. Lý Cảnh Đức, ngươi muốn biết tin tình báo thì cạo râu đi.”

Lý Cảnh Đức thẹn chết đi được: “Thái sư, sao ngài lại để ngữ tiểu nhân ấy lôi chuyện quốc gia đại sự bực này ra đùa cợt?”

Chu Thái sư hùng hồn nói: “Tất nhiên là không nên thế. Nhưng lão phu cũng tò mò muốn thấy ngươi cạo râu xong trông ra làm sao.”

“…”

Mùng bốn tháng Bảy năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, Đường Thận bước thoăn thoắt ra từ bộ Công, cầm theo một bản tấu khấp khởi vào cung diện thánh.

Ngoài điện Thùy Củng, Đại thái giám Quý Phúc thấy Đường Thận đến thì nhanh chân đến gần, khuôn mặt nhăn nheo cười tươi như hoa: “Đường đại nhân đến có việc gì thế?”

Đường Thận khó nén nổi niềm vui, đến thở cũng vội: “Phiền công công báo giúp với, hạ quan Đường Thận có việc xin gặp Thánh thượng.”

Quý Phúc đảo mắt: “Có tin vui chăng?”

Đường Thận cười.

Quý Phúc bèn trở vào thông báo ngay, lát sau đã quay ra đón Đường Thận.

Đường Thận đi vào điện Thùy Củng thì thấy Triệu Phụ đang ngồi ăn dưa trên giường la hán. Có hai thái giám tỉ mẩn tách cùi và nhặt bỏ hạt dưa cho hoàng đế, chỉ để lại phần thịt quả long lanh.

Triệu Phụ thấy Đường Thận thì hiền hậu nói: “Cảnh Tắc đấy à, nghe nói ngươi có tin vui cho trẫm phải không?”

Đường Thận giơ cao tấu chương, đang định trình bày thì một tiểu thái giám tất tả xộc vào điện.

Quý Phúc rầy la: “Không biết phép tắc! Ai khiến ngươi vào đây.”

Tiểu thái giám lập tức đi tới rỉ tai Quý Phúc. Quý Phúc biến sắc, vội vàng thưa: “Bẩm quan gia, có quân báo từ Tây Bắc.”

Triệu Phụ bỏ miếng dưa xuống: “Cho vào!”

Quan thám báo sải bước vào điện Thùy Củng, Quý Phúc nhanh nhẹn lấy ống gỗ thám báo đang cầm, hai tay dâng lên Triệu Phụ. Triệu Phụ mở ống gỗ ra xem tình hình trận mạc. Hốt nhiên, ánh mắt ông khựng lại, rồi trong phút chốc, Triệu Phụ cười phá lên. Ông đi đến trước mặt Đường Thận, vỗ vai cậu thật lực.

Đường Thận trông thái độ Triệu Phụ thì đoán ngay Tây Bắc thắng lớn rồi.

Triệu Phụ nói: “Cảnh Tắc à, ngươi đúng là phúc tinh của trẫm. Ngươi vừa vào cung, phía Thái sư đã gửi quân báo về. Lý Cảnh Đức chôn sống ba vạn quân Sói Đen ở đỉnh Chướng Hổ, quân Liêu đại bại rồi! Ngươi và Cảnh Đức thật sự không làm trẫm thất vọng. Đúng là song hỉ lâm môn!”

Chôn sống ba vạn quân Sói Đen!

Câu nói ngắn ngủi ấy khiến Đường Thận vừa kinh hồn vừa rần rần nhiệt huyết.

Cậu cung kính nói: “Thần chúc mừng bệ hạ, chúc mừng Đại Tống ta!”

Trong niềm hân hoan vỡ òa, tiếng cười của Triệu Phụ vang lừng cả điện Thùy Củng.

Quý Phúc đứng cạnh lặng lẽ quan sát Đường Thận, thầm nghĩ: Đường Cảnh Tắc may thế chứ lại, chưa nói câu nào mà bỗng dưng được quan gia khen “song hỉ lâm môn”. Dù hôm nay cậu ta có bẩm báo chuyện nhỏ bằng cái mắt muỗi thì công trạng sau này cũng chả vừa đâu. Xem ra chẳng mấy mà Đường đại nhân lên chức thôi!”