Tam Luân

Chương 34: Mỏ Dạ Cổ



Đoàn nô lệ kéo lương thực qua biên giới Vạn Tư quốc, chính thức vào đại địa Huỳnh Tương. Các xe lương và gia súc được cánh quân khác tiếp nhận, nô lệ bị dồn hết vào một chỗ, tiếp tục lên đường đi về phía đông.

Đất Huỳnh Tương cằn cỗi, núi non trùng điệp, ít đồng bằng. Đằng Nguyên và các nô lệ cuốc bộ ròng rã cả tháng, trèo núi băng đèo, bị chuyển giao ba lần. Khi tới được một vùng núi đá trắng bạt ngàn được bao quanh bởi trùng trùng rừng rậm, đám lính cai nô đã đổi sạch, chẳng còn tên nào trực tiếp tham gia vụ thảm sát ở Tập thành và Hồi thành nữa.

Không chỉ Đằng Nguyên, sự chuyển giao nô lệ cũng dập tắt hi vọng trả thù của rất nhiều hán tử. Đại địa mênh mông, Bạch Đà quân ở Huỳnh Tương nhiều vô kể, tách ra rồi biết đi đâu mà tìm, trả thù thế nào đây? Hơn nữa, xiềng xích nô lệ, đói khát, khổ ải, màn trời chiếu đất suốt hơn một tháng đã vắt gần cạn sức lực các nô lệ, ai nấy gầy gò hốc hác, xanh xao vàng vọt, đầu cúi lưng còng kéo lê xích sắt loảng xoảng dưới chân vô cùng thảm thương.

Lúc ở địa phận Huỳnh Tương, lính cai nô điểm quân số giao nô lệ, Đằng Nguyên nghe loáng thoáng bọn họ có khoảng hơn bốn nghìn nô lệ. Nhưng khi tới được rặng núi đá trắng, quân số còn chưa đến bốn nghìn. Nghe nói đã chết thêm ba trăm người.

Nô lệ không thể chỉ ăn màn thầu và bánh ngô khô khốc để sống, họ đã phải ăn cỏ, rễ cây và lá cây trên đường đi. Nhiều người chết vì tiêu chảy, ngộ độc. Nhiều người sợ không dám ăn, chết vì kiệt sức, số còn lại chết khi băng rừng bị độc trùng cắn, bị dã thú tấn công. Đằng Nguyên phân biệt được đâu là cỏ cây độc, đâu là thứ có thể ăn, lén chỉ dẫn cho người Tụ Sơn thôn và các thôn bên cạnh.

Bởi vì phải ăn cỏ thay rau, Đằng Nguyên phát hiện ra thảo dược thực sự đầu độc mình, không phải chỉ là suy nghĩ vô căn cứ nảy ra trong đầu. Ngược lại, độc dược có thể giết chết phàm nhân hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tà thể, Đằng Nguyên thử ăn, cảm thấy những loại cây độc này như linh thảo với hắn, mừng rỡ mấy ngày liền.

Sớm biết thế hắn đã ăn từ lâu, đỡ cho hai năm qua lẹt đẹt ở Tụ Sơn thôn, chỉ luyện được chút công phu phàm nhân vô dụng.

Điểm đến cuối cùng của gần bốn nghìn nô lệ là khu mỏ khai thác đá trắng nằm giữa những cánh rừng mênh mông không biết đâu là đầu đâu là cuối. Đoàn nô lệ đã phải băng rừng lội suối hơn mười ngày, rách rưới tả tơi đến cực độ, đói khát, bẩn thỉu lê lết tới nơi.

Những cánh rừng quanh khu mỏ dã thú nhiều bất thường. Sói trắng và linh miêu lảng vảng khắp nơi, không ngày băng rừng nào Đằng Nguyên không nhìn thấy chúng rình rập. Chớp mắt một cái đã có lính cai nô hoặc nô lệ đi giải quyết nỗi buồn bị cắn thủng bụng, lôi ruột ra ngoài.

Khu mỏ rộng mênh mông được bao quanh bởi một cái hào sâu hoắm cắm đầy chông nhọn chống dã thú, tựa lưng vào một rặng núi đá trắng trơ trọi. Khi họ đến, một cây cầu treo bằng đá hạ xuống bắc ngang qua hào cho họ vào trong, sau đó cây cầu treo lại được kéo lên ngăn cách hoàn toàn khu mỏ với bên ngoài.

Chính bởi rừng rậm hiểm nguy, dã thú hoành hành nên ngoài cái hào sâu, khu mỏ còn có một bức tường đá thô lậu cao chót vót bao bọc. Tháp canh bằng gỗ dựng bên trong, cao hơn bức tường đá, có cung thủ túc trực nhưng trông bọn chúng rất nhàn hạ.

Đằng Nguyên đoán với địa thế này, ít nô lệ có gan trốn ra ngoài. Dù có thành công trốn thoát khỏi mỏ cũng chẳng thể một mình vượt suối băng rừng, lại bỏ xác vì dã thú mà thôi.

— QUẢNG CÁO —

Nô lệ mới đến bị lùa vào trong mỏ. Đằng Nguyên thấy những nô lệ cũ gầy gò, da vàng ệch, mắt mờ đục, y phục rách rưới đang xếp hàng trước một dãy lều để lãnh đồ ăn trưa. Họ cũng đeo xích ở chân giống đám Đằng Nguyên, số lượng chỉ có mấy trăm. Lính cai nô đông nghịt đứng chờ nhận nô lệ mới, mắt chúng sáng rực độc địa, săm soi đám nô lệ mệt mỏi, ngơ ngác.

Mặt trước của khu mỏ san sát những ngôi nhà gỗ thô lậu, cũ kỹ, dột nát được dựng tạm bợ làm chỗ ở cho nô lệ. Đằng Nguyên nghe tiếng nước chảy róc rách, đoán có một con suối ngay bên cạnh cung cấp nước cho toàn bộ người trong mỏ.

Bọn lính cai nô chia nô lệ mới đến thành nhiều nhóm. Hán tử Tụ Sơn thôn và các thôn kế cận được một đám cai nô lùa về tít phía sau mỏ, tới một bãi đá rộng mênh mông. Lều gỗ ở khu này mới hơn so với các khu bên ngoài, dựng tựa lưng vào vách đá. Phía đông khu lều có một dòng suối sâu, nước chảy xiết.



Đằng Nguyên nhìn chằm chằm dòng suối, ý tưởng vừa nảy ra trong đầu lập tức bị dập tắt khiến hắn thất vọng không thôi.

Lính cai nô xua mấy trăm nô lệ tới xếp thành ba hàng trước một dãy nhà gỗ cửa lớn. Mùi bánh ngô mới nướng thơm lừng toả ra khiến nhiều người nuốt nước miếng nhưng Đằng Nguyên đã quá ngán ngẩm bánh ngô, không chờ mong gì. Các cửa gỗ lần lượt mở ra, Đằng Nguyên trông thấy bọn lính phụ trách trù phòng vận y phục xanh nhạt khiêng những khay khổng lồ đựng bánh ngô đặt lên bàn.

Một tên cai nô bụng to, mắt hí, thân vận y phục xám tro, đeo thắt lưng đen to bản, đầu đội mũ vải, tay cầm roi da hét the thé:

- Bước lên… Mỗi kẻ được phát một cái bát đá, từ nay đó sẽ là bát ăn cơm của các ngươi.

Bên cạnh mỗi khay bánh ngô còn có một cái nồi lớn bốc khói nghi ngút, không biết đựng thứ gì.

Nô lệ lần lượt tiến lên nhận mỗi người một cái bát tô nhỏ bằng đá trắng thô lậu, được phát bánh ngô và múc cho một bát canh. Đằng Nguyên nhìn không rõ, chỉ thấy trong canh có rau xanh loáng thoáng. Các nô lệ đã lãnh đồ ăn kéo nhau ngồi túm tụm mỗi nhóm một góc, vội vã húp lấy húp để canh trong bát khiến những kẻ khác nuốt nước miếng thèm thuồng.

Đến lượt Đằng Nguyên, hắn nhận bát đá từ tay một lính cai nô nhỏ gầy có mái tóc xơ rối không thèm tết lọn nào, buộc túm thành một búi sau đầu. Hắn bước lên, được tên phát bánh ngô béo tròn ném cho một cái bánh. Kẻ múc canh trông tử tế hơn, cười lên mắt biến thành một đường chỉ, không thấy thiên địa đâu, y quấy muôi lớn khoắng rau tạp nham lẫn trong nồi, múc cho Đằng Nguyên một bát đầy.

Hắn nhíu mày nhìn nồi canh có loáng thoáng váng mỡ và thịt băm bên dưới, thắc mắc tại sao bọn này lại cho nô lệ đãi ngộ của con người. Hay bởi vì bọn hắn mới đến nên được một bữa có thể coi là đàng hoàng, còn ngày tháng sau này chỉ màn thầu khô và bánh ngô trường kỳ cho đến khi sức cùng lực kiệt mà chết.

— QUẢNG CÁO —

Đằng Nguyên bưng bát đi về phía bờ suối, nơi có vài người Tụ Sơn thôn đã nhận bánh xong, đang ngồi tụ tập ăn ngấu nghiến, húp canh xùm xụp. Hắn ngồi xuống một tảng đá nhỏ, đưa bát canh lên ngửi, uống thử một ngụm, hàn quang loé lên trong đáy mắt.

Thì ra…

Lẫn trong đám rau dại có cỏ độc.

Đằng Nguyên nhìn đám Điền Đông lĩnh đồ ăn sau mình, đang vội vã ngồi xuống xung quanh chuẩn bị ăn, lòng buồn bực.

Hắn húp thêm một ngụm canh nữa, nếm ra ba loại cỏ độc trung phẩm. Tà thể này chưa từng ăn nhưng Đằng Nguyên của kiếp trước đã kinh qua, biết tường tận mùi vị, độc tính và tác dụng khi kết hợp chúng với nhau.

Một loại gây nghiện nhẹ, một loại gây ngộ độc mãn tính, loại còn lại trung hoà bớt tác dụng của hai loại trên.



Hắn phỏng đoán sau khi uống canh này dài ngày, đám nô lệ sẽ nghiện nhẹ, nhiễm độc và cần thuốc giải thường xuyên. Bọn lính cai nô đương nhiên sẽ theo lịch cho nô lệ uống thuốc giải độc nhưng độc tính dù nhẹ, nhiễm lâu ngày vẫn bào mòn lục phủ ngũ tạng phàm nhân khiến nô lệ yếu dần rồi đoản mệnh.

Bất quá lũ người Vạn Tư quốc độc ác chẳng quan tâm, chúng chỉ cần giữ nô lệ không bỏ trốn, sống chết mặc bay.

Hán tử Tụ Sơn thôn đã lâu ngày không được ăn canh, cắm đầu húp sùm sụp chẳng hề nghi hoặc. Đằng Nguyên liếc thấy đám lính đi lòng vòng xung quanh canh chừng nô lệ, không hở ra một khoảng nào nên im lặng cúi đầu uống canh như mọi người. Một người không uống, không sao; nhiều người ở cùng một thôn không uống bọn chúng sẽ nghi ngờ. Nếu chúng phát hiện ra Đằng Nguyên nhận biết độc dược tốt, kế hoạch đào tẩu sau này hỏng bét.

Vì đại sự, Đằng Nguyên phải ngậm miệng.

Tà thể đã ăn rất nhiều độc dược suốt cả tháng qua, một chút này chẳng đáng là gì, không thể tạo nên hiệu quả như chúng mong muốn. Đằng Nguyên khinh bỉ nghĩ dù chúng có tăng liều gấp mười lần hắn cũng chẳng bị sao cả.

— QUẢNG CÁO —

Nô lệ ăn uống xong, tên cai nô bụng to mắt hí ra lệnh:

- Xuống suối tắm rửa, mỗi kẻ nhận hai bộ y phục.

Kèm theo lời nói của tên bụng to, một xe đẩy lớn chất đầy y phục màu nâu đất được đẩy ra bờ suối. Nô lệ đã nhiều ngày không được tắm gội, vội vã lội xuống suối uống nước, lột hết bố sam rách tả tơi ném thành một đống trên bờ suối. Y phục của Đằng Nguyên đang mặc không khác gì ghẻ lau dù hắn đã được đám lính cai nô trước đổi cho một lần. Bộ y phục cũ rách rưới vì giao chiến, thấm đầy máu, đã bị vứt đi giữa chuyến hành trình. Giày cũng nát hết, nửa đường tới đây hắn phải quấn dây leo vào chân. Những hán tử khác hỏng giày cũng đi chân trần, chỉ một số tự bện giày cỏ để đi.

Bọn người Vạn Tư quốc không phát giày cho họ, chắc để đề phòng họ bỏ trốn.

Tắm rửa, nhận y phục xong, nô lệ được phân vào các nhà gỗ. Mỗi ngôi nhà gỗ nhỏ xíu có hai mươi người ở. Trong nhà gỗ chẳng có đồ đạc gì, chỉ độc hai hàng chiếu bẩn thỉu đan bằng dây leo trải dài dằng dặc làm chỗ ngủ, có lối đi ở giữa.

Nhà gỗ mái thủng lỗ chỗ, vách tường cũng thủng, ánh sáng chiếu vào chói loá.

Đằng Nguyên chọn vị trí trong cùng, ôm quần áo đi tới nằm luôn xuống.

Xích sắt loảng xoảng theo tiếng bước chân nhưng hắn chẳng quan tâm. Phàm thể mệt mỏi, chỉ muốn ngủ.

Huynh đệ Điền gia, Lưu gia đi theo phía sau Đằng Nguyên, nằm kế bên hắn. Lưu Hoàng Du đã tách được khỏi các hán tử Liễu Hoà thôn, nhập vào Tụ Sơn thôn, giờ cũng lẽo đẽo theo Lưu Tống. Đại huynh Đằng Tất muốn nằm cạnh Đằng Nguyên nhưng không còn chỗ, đành phải nằm đối diện.

Các nô lệ nhanh chóng về chỗ, ai nấy nằm im nhắm mắt ngủ. Không ai biết có thể ngủ bao lâu nên phải tranh thủ. Tất cả đều quá mệt mỏi vì chuyến hành trình dài vô định, hiện tại tới nơi, trước hết thả lỏng một chút, lấy lại tinh thần rồi mới tìm cách đối phó nghịch cảnh.