Tam Luân

Chương 33: Hiện thực nghiệt ngã



Sau khi tắm rửa, nô lệ bị lùa vào một chỗ không cho di chuyển. Đám lính quản nô cắt cử nhau canh gác, ngồi quây xung quanh. Không ai dám nói chuyện, cũng không còn khí lực để nói. Nô lệ đã kéo xe cả ngày vô cùng mệt mỏi, hiện tại đều muốn ngủ để lấy sức chống chọi với hành trình gian khổ ngày mai. Đằng Nguyên đã nằm quá nhiều, không muốn nằm nữa. Hắn ngồi đến khuya suy nghĩ, cảm thấy thực tại của họ quá mức khắc nghiệt.

Hắn không biết những nô lệ này sẽ bị đưa đi đâu sau khi về đến thành Huỳnh Tương, liệu có cơ hội trốn thoát nào trên đường không? Kể cả khi hắn bất tỉnh, tay và chân vẫn bị xiềng bằng sợi xích to gấp đôi người khác, nếu không có chìa khóa căn bản không tháo nổi. Trên trán hắn có ấn ký nô lệ đã đóng vảy, dù thoát được cũng không cách nào tồn tại trong đất Vạn Tư quốc, buộc phải trở về Sa Lục Châu may chăng mới có con đường sống.

Nhưng làm cách nào trốn thoát?

Nếu có thể trốn, một mình hắn đi những hán tử Tụ Sơn thôn thì sao?

Đằng Nguyên bế tắc.

Bên trong Không Đàm, tia hàn khí vẫn chuyển động vòng tròn quanh viên ngọc vô hình, hắc vụ tỏa ra nhàn nhạt. Các vết thương được hàn khí từ Không Đàm xoa dịu, đang liền lại với tốc độ khó tin. Bất quá đây là cực hạn của hắn hiện tại, ngoài ra sẽ chẳng có chút pháp lực nào sử dụng được. Hắn vẫn chỉ là phàm nhân lực bất tòng tâm.

Đoạt xá chó má!

Đã mất công đoạt xá, phải chọn huyết mạch tu tiên thế gia chứ…

Đằng Nguyên vì bất lực mà oán hận chính mình.

Hắn chẳng nhớ, chẳng hiểu vì sao mình chết để đến nỗi phải cướp xác một phàm nhân. Hắn suy nghĩ mông lung đến quá nửa đêm mới ngả lưng.

Mờ sáng hôm sau, nô lệ bị khua dậy cùng binh lính Vạn Tư quốc. Từng toán kỵ binh cưỡi ngựa lướt qua, bộ binh rục rịch nấu ăn, phát cho mỗi nô lệ một cái màn thầu. Ngày ngày chỉ ăn màn thầu và bánh ngô thật không ổn. Thế nhưng khi Đằng Nguyên nhìn đến phần ăn của đám bộ binh cũng cảm thấy ngán ngẩm. Bọn chúng chỉ hơn nô lệ một bát canh lõng bõng nâu nâu có mùi như cám lợn, chẳng biết nấu bằng thứ gì.

Bữa sáng diễn ra chớp nhoáng, nô lệ bị lùa về xe lương thực mà mình phụ trách kéo, tiếp tục lên đường. Đoàn quân rồng rắn nối đuôi nhau xuất phát, Đằng Nguyên đẩy xe cùng huynh đệ Điền Đông. Hắn đã tỉnh, binh lính dồn lương thực từ xe khác sang, chất đầy xe của bọn hắn, thành ra năm người đẩy cũng khá vất vả.

Đằng Nguyên vừa tỉnh, thân thể còn yếu, đẩy một lúc mồ hôi đã đổ ròng ròng như tắm, thở hổn hển. Hắn thấy Bạch Đà quân nối đuôi nhau di chuyển, quân số nhiều kinh khủng, không biết chính xác bao nhiêu. Khi đi qua những ngôi làng, mùi tử thi thối rữa bốc lên khiến nhiều người nôn mửa. Tử thi nằm lăn lóc khắp nơi, đang phân huỷ, ruồi nhặng từng đàn, quạ bay xao xác đen kịt bầu trời.

— QUẢNG CÁO —

Bốn bề tĩnh lặng không một tiếng động, sự sống đã bị quét sạch, khắp nơi như nghĩa địa lộ thiên. Có những thi thể bị quạ rỉa trơ xương trắng hoặc bị dã thú gặm nham nhở, đầu lâu lăn lóc, nội tạng rơi vãi linh tinh. Thảm trạng nơi nào cũng kinh hoàng như Tụ Sơn thôn, hài tử, phụ nhân chết la liệt khiến lòng Đằng Nguyên nổi lửa căm thù.

Thế nhưng với các nô lệ khác, cảnh tượng trở nên quen thuộc vì họ đã nhìn suốt sáu ngày nay, bất quá tình trạng tử thi thối rữa ngày càng tồi tệ, xú khí nồng nặc không chịu nổi. Tốc độ hành quân vì thế cũng gấp rút hơn, kỵ binh đi trước dò đường phải chọn những vùng đồng không mông quạnh hoặc bìa rừng thưa để hạ trại nghỉ, nô lệ bị lùa như vịt, roi da quất vun vút lên lưng.

Kẻ đi không còn mệt, kẻ kéo xe lương thực thay trâu thay ngựa không mệt sao được.



Tướng lĩnh, kỵ binh Bạch Đà quân hưng phấn vì chiến lợi phẩm thu được, cười nói rôm rả bao nhiêu, nô lệ phía sau ảo não, tuyệt vọng và thù hận bấy nhiêu. Gần một vạn nô lệ cúi đầu, kẻ kéo người đẩy, vật lộn với xe lương thực bị cướp từ chính thôn mình, nhà mình. Chân họ kéo lê xiềng xích, trên trán có ấn ký nô lệ tước bỏ hoàn toàn quyền làm người. Mũi giáo chĩa vào lưng ép họ phải tuân theo mệnh lệnh của đám quỷ đội lốt người Vạn Tư quốc, rời xa quê hương, tiến về phía đại địa của kẻ thù.

Thứ đang chờ họ ở thành Huỳnh Tương chắc chắn chẳng tốt đẹp gì.

Những nô lệ bỏ trốn bị phát giác đều bị chặt đầu treo lên cọc cảnh cáo. Những nô lệ tức nước vỡ bờ đánh lại binh lính cũng không có kết cục tốt. Chỉ có những kẻ hèn nhát, muốn chết là không được toại nguyện. Bọn lính sẽ cười nhạo kẻ đó, kéo lê theo, bắt phải sống tiếp để chịu đày đoạ. Đằng Nguyên mơ hồ nhận ra tư tưởng chết là giải thoát, sống là đày đọa giống như quan niệm cố hữu của người Vạn Tư quốc chứ không phải của riêng kẻ nào.

Ruộng đồng bát ngát lúa ngô xanh mướt vắng lặng như tờ, không một bóng người. Sớm thôi, cỏ dại sẽ mọc lên chen chúc trong ruộng, đến khi lúa chín cũng chẳng có người gặt hái, hoàn toàn tự sinh tự diệt. Không biết thôn dân vùng khác thiếu ruộng đất có dám tới đây gặt lúa mang về không.

Tin thảm sát đã truyền tới Vương đô chưa?

Triều đình có phái truy binh đuổi theo trả đũa Bạch Đà quân, đánh sang Vạn Tư quốc cứu nô lệ không?

Đằng Nguyên vừa đi vừa suy nghĩ miên man, quan sát địa hình, tìm cơ hội bỏ trốn.



Ngày thứ mười hai sau thảm sát Tụ Sơn thôn.

— QUẢNG CÁO —

Nửa buổi sáng, kỵ binh tách làm đôi.

Đằng Nguyên đang đẩy xe thì Lưu Tống hích vào vai hắn, chỉ xuống sườn đồi.

Họ đã tới một vùng đồi trùng điệp sát biên giới Vạn Tư quốc, chỉ nay mai cánh quân này sẽ vượt qua biên giới, về thành Huỳnh Tương. Thế nhưng đột nhiên chúng tách đôi, phần đông di chuyển về phía bắc, số còn lại tiếp tục hướng đông bắc mà đi. Lông mày Đằng Nguyên nhíu chặt, tim đập thình thịch trong lồng ngực.

Chúng xé quân có xé lẻ nô lệ không?

Đằng Nguyên và người Tụ Sơn thôn sẽ phải theo cánh quân nào?

Chúng tách ra, hợp cùng những cánh quân khác của Vạn Tư quốc, sau này Đằng Nguyên làm thế nào xác định được những kẻ là tội đồ của vụ thảm sát này?

Hắn hoang mang nhìn ngó, hoàn toàn bất lực khi thấy phần đông kỵ binh và bộ binh đang theo cờ của chủ soái tiến về phía bắc. Nô lệ kéo xe lương thực dưới sự chỉ huy của lính cai nô ùn ùn đi theo cánh quân đông nghịt ấy chỉ một số tách ra đi về hướng đông cùng cánh quân ít hơn.



Bởi vì bọn chúng mang theo rất ít cờ nên Đằng Nguyên không biết mình đang bị cai nô của cánh quân nào quản lý. Bọn hắn phải đẩy xe tới tận chỗ rẽ mới biết số phận của mình.

Đáng buồn thay, hàng xe lương thực phía trước bị cắt đoạn, tất cả những xe phía sau được chỉ dẫn đi về phía đông bắc, theo cánh quân ít lèo tèo, trong đó có xe của Đằng Nguyên. Hắn trơ mắt nhìn những lá cờ trắng khuất dần sau những quả đồi trùng điệp; bất lực khi kẻ thù tách ra, đi mất; đối diện với tương lai mờ mịt chẳng biết sẽ phải tới địa phương nào, làm công việc khổ lao gì.

Chắc chắn số phận nô lệ không thể tốt đẹp nhưng hắn đã ngây ngô tưởng rằng những nô lệ có sức chiến đấu ít ra cũng sẽ được cánh quân chủ lực mang theo. Không cần huấn luyện thành binh lính, chỉ lúc chiến sự ác liệt mang ra làm bia thịt là được rồi. Nào ngờ bọn chúng chẳng hề quan tâm, cắt nô lệ theo lính cai nô, bỏ lại toàn những hán tử khoẻ mạnh…

Đằng Nguyên vừa nghĩ tới đó, Lưu Tống đã lẩm bẩm:

- Xem ra chúng ta sẽ phải tới phía tây thành Huỳnh Tương lao động khổ sai.

— QUẢNG CÁO —

- Sao huynh biết? – Đằng Nguyên buột miệng hỏi.

- Hôm trước ta nghe loáng thoáng mấy tên kỵ binh nói chuyện với nhau về việc cống nô lệ, ngữ khí bất thiện. Đệ có để ý không, cánh quân đi về phía bắc mang theo nô lệ ở các làng đồng bằng; bỏ lại nô lệ ở các làng gần rừng núi. Những kẻ vai u thịt bắp chúng ta sẽ phải lao động khổ sai cho thành Huỳnh Tương còn đám người yếu hơn bị chúng mang đi cống.

Đằng Nguyên sửng sốt nhìn sang:

- Thật ư?

- Ta đoán vậy. - Ánh mắt Lưu Tống sắc lẹm. - Mấy hôm đệ bất tỉnh, đám kỵ binh rảo ngựa liên tục qua lại dọc đoàn xe quân lương; bọn lính cai nô lệnh đổi vị trí mỗi lần dừng nghỉ. Nô lệ các thôn đã bị xáo trộn không ít so với lúc mới xuất phát. Nhưng mấy ngày gần đây bọn chúng luôn giữ đội hình, không cho đảo vị trí. Nhìn mà xem, thôn nào nhiều hán tử to lớn khỏe mạnh đều đi về Huỳnh Tương với chúng ta.

Đằng Nguyên quay lại phía sau nhìn, phát hiện lời Lưu Tống quả thực có căn cứ. Chẳng biết từ bao giờ, các làng nhiều hán tử cao lớn khỏe mạnh đều đã bị dồn xuống cuối đoàn. Giờ chúng chia quân, tưởng như vô tình hoá ra có chủ đích từ trước.

Nếu quả thực chúng phải cống nạp nô lệ cho kẻ nào đó, chúng sẽ tìm cách giữ lại đám nô lệ khoẻ để phục vụ thành của mình. Lưu Tống thật nhạy bén, khiến Đằng Nguyên khâm phục. Hắn liếc nhìn đám lính cai nô đi phía sau để chắc chắn chúng không nghe thấy cuộc trò chuyện, thì thầm:

- Lao động khổ sai ở Huỳnh Tương cụ thể là gì?

- Ta cũng không rõ. – Lưu Tống lắc đầu ảo não. – Nghe nói nô lệ khổ sai có đi không có về. Phải tìm cách bỏ trốn…

Bỏ trốn thế nào được trong khi binh đông tướng mạnh, giáo mác chĩa bốn xung quanh. Có mấy người to gan bỏ trốn đều bị cung thủ bắn hạ, chạy chưa được mấy bước đã về gặp tổ tiên. Nếu không nắm chắc phần thắng, đời nào Đằng Nguyên dám hành động tuỳ tiện. Giờ đám nô lệ không chỉ bị xiềng xích mà tay không tấc sắt, mệt mỏi và tuyệt vọng. Nếu muốn trốn phải tìm được sơ hở của binh lính hoặc chờ đến khi ổn định bọn chúng rút bớt người mới hành động, nếu không sẽ rước họa vào thân.

Đằng Nguyên không trả lời, Lưu Tống cũng tự biết hiện trạng vô vọng của họ, im lặng giữ sức.