Lá bạc hà non mịn tỏa ra hương thơm thanh mát, một khóm như thế này đến ngày hè có thể đuổi hết muỗi.
Chàng rời bước, thấy một dải kim ngân phủ lên giàn hoa, lúc này hoa đương nở, vàng óng lại xen ánh trắng, một cuống nở hai hoa, như hình với bóng.
Cây kim ngân, còn tên khác là cây uyên ương.
*Hoa kim ngân:Thiệu Minh Uyên tưởng nhưthấy được nữ tử có phong thái tựa hoa sen ấy. Nàng lặng yên sống hai năm tại viện này, bàn tay nàng trắng nõn lại thanh mảnh, giơ tay chăm sóc khóm bạc hà thanh mát đuổi muỗi, nhấc tay tỉa tót dải uyên ương thanh nhiệt giải độc.
Lúc nàng dừng chân nghỉ ngơi nhìn dải uyên ương này, nàng có cô đơn không?
Bàn tay chàng vốn cầm đao thương nhiều năm, vết chai vừa sâu vừa cứng, rất là thô ráp, đóa hoa trắng nõn vừa bị chạm vào liền rơi xuống.
Thiệu Minh Uyên vội thu tay lại, nhìn theo đóa hoa đang dần dần chạm đất, khóe miệng nhếch lên nụ cười tự giễu.
Chàng vẫn là người như thế, đáng lẽ không nên cưới vợ, lại hại người hại mình, mình làm người chịu!
Thiệu Minh Uyên dựa vào giàn hoa, ngẩng đầu nhìn trời.
Lúc đấy hoàng hôn vừa buông, ánh chiều tàn ảm đạm phía chân trời, lặng lẽ tạm biệt nhân gian. Bốn phía một mảnh yên tĩnh. Chỉ có âm thanh xì xào của côn trùng, gió thổi đưa hương bạc hà thơm ngát.
Thiệu Minh Uyên đứng thẳng lại, nâng tay phủi cánh hoa rơi trên vai, bước ra ngoài.
Lúc này, vài vị cô nương Tây phủ đã tan học, vừa trở lại phủ vội đến Thanh Tùng đường thỉnh an Đặng lão phu nhân. Thanh Tùng đường trong chốc lát náo nhiệt hơn hẳn.
"Hôm nay học thư pháp đúng không?" Đặng lão phu nhân cười cười nhìn về ba người cháu gái.
Trong ba vị cô nương thì lớn nhất là Đại cô nương Lê Kiểu, vừa tròn mười sáu tuổi, gương mặt trái xoan hàng mi cong rủ như liễu, rất đoan trang thanh tú, cũng chính là cháu gái mà Đặng lão phu nhân thích nhất.
Hai cô nương còn lại là con của Nhị thái thái. Mặc y phục màu vàng là Tứ cô nương Lê Yên, bằng tuổi Lê Chiêu. Mặc y phục màu hồng là Lục cô nương Lê Thiền vừa mới mười tuổi. Đặng lão phu nhân vừa hỏi, Lê Thiền nhỏ tuổi nhất đã mở miệng: "Vâng ạ. Nhưng mới đổi tiên sinh dạy thư pháp, nghiêm khắc lắm, hôm nay còn đánh vào lòng bàn tay cháu."
Nàng vươn bàn tay trắng trẻo non mềm đưa cho Đặng lão phu nhân xem, trong lòng bàn tay quả thật có vệt hồng hồng.
Đặng lão phu nhân cười tủm tỉm, nói: "Thế tức là Lục nha đầu chưa đủ cố gắng rồi. Tiên sinh dạy thư pháp mới tới là do Hương Quân tự mình mời về, mấy đứa cố gắng theo học, năm nay ngày Phật Đản phải tranh thủ thể hiện một lần."
Đương kim Hoàng Thượng sùng đạo, Thái Hậu lại tín phật. Vậy nên hiện tại trong kinh thành đạo quan chùa miếu rất hưng thịnh.
Ngày Phật Đản hàng năm, nữ quyến các phủ đều đem dầu vừng cùng kinh Phật được chép lại cẩn thận đi đến Đại Phúc Tự tham dự lễ Tắm Phật
*Ngày Phật Đản: tùy theo các nơi nhưng thường tổ chức vào những ngày giữa tháng 4. Ở Việt Nam và Trung Quốc thì tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên như ngày 1/5 hoặc là ngày trăng tròn thứ hai là 31/5
*Lễ Tắm Phật: Các chùa làm lễ Phật đản mở đầu bằng một nghi thức tắm Phật, người ta nấu trầm đàn, hương thủy để tưới lên tôn tượng thái tử. Ý nghĩa: Khi tắm Phật, không những là nhớ ngày Phật đản sanh, mà khi tắm Phật thì phải nhận thức là tẩy rửa bụi trần nơi tự tánh, tâm an nhiên tĩnh lặng nơi đạo pháp. Dòng nước xóa đi sự nhơ nhớp của tâm tham-sân-si, ngã mạn, tà
kiến.
Phần lớn kinh Phật là do chúng nữ quyến tự tay chép lại, không biết từ lúc nào đã trở thành cơ hội để các cô nương thể hiện tài thư pháp của mình.
Bất luận thế nào thì tọa trên cùng đỉnh núi của Đại Phúc Tự còn có am Sơ Ảnh, bên trong có một vị Đại Trưởng Công Chúa buông bỏ hồng trần, luận bối phận thì đương kim Hoàng Thượng còn phải gọi bà một tiếng bác. Ngày Phật Đản hàng năm tăng nhân Đại Phúc Tự sẽ tuyển chọn ra những bức thư pháp xuất chúng để đưa đến am Sơ Ảnh.
Năm nào cũng vậy, kinh Phật cô nương nhà nào chép lại mà lọt vào mắt xanh của tăng nhân Đại Phúc Tự và được đưa đến trước mặt vị Đại Trưởng Công Chúa kia, thì nở mày nở mặt vô cùng.
"Ngày Phật Đản sắp tới rồi, nước đến chân rồi sao nhảy kịp." Lê Thiền bĩu môi.
Tứ cô nương Lê Yên bẹo mặt nàng: "Ai bảo bình thường muội lười biếng!"
Lê Thiền cười hì hì trốn sang một bên: "Dù sao ta cũng không phải giỏi nhất, thiếu ta cũng chẳng sao, không phải còn Đại tỷ và Nhị tỷ sao?"
"Đại tỷ" mà Lê Thiền nói là Lê Kiểu, còn "Nhị tỷ" là cô nương Đông phủ Lê Kiều.
Đông phủ có hai vị cô nương, Nhị cô nương Lê Kiều là đích nữ, là cháu cưng của Hương Quân Khương lão phu nhân, có thể so việc vài vị cô nương Tây phủ được sang học bên Đông phủ như là thư đồng bồi thái tử vậy.
Về phần Ngũ cô nương Lê Thù, chỉ là thứ xuất, không cần nhắc đến.
"Lục muội lại lấy ta ra làm trò cười rồi." Lê Kiểu dịu dàng cười nói.
Giữa bầu không khí hòa thuận vui vẻ, Đặng lão phu nhân mở miệng: "Tam nha đầu đã trở lại rồi."
Mọi thứ yên tĩnh hẳn lại, nghe thấy cả tiếng kim rơi.
Tứ cô nương Lê Yên và Lục cô nương Lê Thiền không khỏi nhìn Lê Kiểu.
Kinh sợ ban đầu vội qua, Lê Kiểu ra vẻ vui mừng kinh ngạc: "Tam muội đã quay lại rồi?"
Thế nhưng bàn tay nàng lại níu chặt ống tay áo tím của mình.
"Hôm nay có người đưa về."
"Thật tốt quá, tôn nữ còn nghĩ --" Lê Kiểu nói nửa câu liền dừng lại, thanh âm nghẹn ngào.
Lê Yên và Lê Thiền liếc nhìn nhau, không lên tiếng.
"Được rồi, ba đứa về nghỉ ngơi đi."
Ra khỏi Thanh Tùng đường, Lê Kiểu hỏi tỷ muội Lê Yên: "Tứ muội, Lục muội cùng ta đi xem Tam muội một chút không?"
Lê Yên bạnh cằm ra: "Chúng ta phải về Cẩm Dung Uyển thỉnh an mẫu thân."
"Thật là, ai ngờ nó đã bị bắt cóc lại còn dám trở về, sao không chết --"
"Lục muội!" Lê Yên trừng mắt cảnh cáo nhìn Lê Thiền.
Tỵ muội hai người đi đến lối rẽ, từ biệt Lê Kiểu.
Nhìn bóng dáng hai người rời đi, Lê Kiểu nhếch khóe miệng, trở lại Nhã Hòa Uyển thỉnh an Hà thị, muốn gặp Lê Chiêu.
Hà thị tất nhiên là không cho: "Không cần, Chiêu Chiêu ngủ rồi."
"Thế để mai nữ nhi quay lại thăm muội ấy.
Lê Kiểu trở về Đông viện, vừa bước vào sắc mặt liền trầm xuống.
"Cô nương của ta sao lại mất hứng như thế này?" Một vị phụ nhân tầm hơn ba mươi tuổi nhẹ nhàng ôm lấy Lê Kiểu.
Búi tóc của vị phụ nhân mượt mà, còn cắm một cây trâm ngọc bích, nhẹ nhàng lại linh hoạt.
"Nhũ mẫu, ta vừa từ chỗ tổ mẫu về, nghe nói Tam cô nương đã trở lại. Ngươi kể lại những chuyện phát sinh ngày hôm nay cho ta nghe xem nào."
Việc to như thế tất nhiên nhũ mẫu có chú ý, lập tức kể hết đầu đuôi cho Lê Kiểu nghe.
Lê Kiểu nghe xong, rũ mắt không nói.
Nhũ mẫu nghiến răng nghiến lợi: "Yêu tinh kia thật là hại người, sao không chết quách ở bên ngoài đi! Nó trở về như vậy, không phải là hại cô nương sao!"
Lê Kiểu bỗng nhiên nở nụ cười: "Nhũ mẫu, không có việc gì, nó trở về cũng tốt."
Ngày hôm sau trời chưa hửng sáng, Thiệu Minh Uyên đã dẫn theo một đội thân vệ lặng lẽ rời thành.
Ánh mặt trời đang sưởi ấm không khí, thì lại có một sự kiện truyền đến khiến người ta sợ hãi, huyên náo nên một trận ồn ào.
Một nhà Tả Tiền Thiêm Đô Ngự Sự Kiều đại nhân về quê nhà giữ hiếu đạo cha mẹ gặp hỏa hoạn, chỉ có Kiều công tử xuất môn là may mắn tránh được, song vì cứu ấu muội mà bị hủy dung, hiện đang sống ở ngoại gia là phủ Khấu Thượng Thư.
Kiều đại nhân mặc dù có đại tang phải tạm thời rời khỏi vòng huân quý trên kinh thành, nhưng ông vẫn là quan lớn, chưa kể lại còn là con của Kiều tiên sinh danh chấn thiên hạ. Cả một nhà chịu kết cục như vậy, trong kinh thành biết bao người cảm thán.
Mà người ta càng thổn thức hơn là, đích nữ duy nhất của Kiều đại nhân, phu nhân Quan Quân Hầu lại vì nước quyên thân, đang nằm trong quan tài cạnh quan tài các tướng sĩ khác, đang trên đường hồi kinh.
Kiều gia thật nhiều chuyện không may.
Vô số người nghĩ như vậy.
Hình bộ Thượng Thư Khấu đại nhân thỉnh xin điều tra rõ ràng trận hỏa hoạn của Kiều gia, Minh Khang Đế nhận lời, điều Khâm sai đến Gia Phong điều tra.
Ngay lúc chuyện về Kiều gia thu hút sự chú ý của nhiều người, người của phủ Trường Xuân Bá lại lặng lẽ đến phủ Lê gia, hủy mối hôn sự giữa nhi tử Trường Xuân Bá và Lê Đại cô nương.