Tra Công, Nhẹ Chút Đi!

Chương 54: Con giun xéo lắm cũng quằn



Môi tôi mấp máy nhưng không thể cất lên bất cứ âm thanh nào, dưới ánh mắt chỉ trích lạnh lùng của mẹ, bàn tay còn chưng hửng trên không trung mất sức thả mạnh xuống giường.

Vết thương bị động lập tức nhói lên khiến tôi nhịn không được phải cắn chặt môi.

“Lúc nào vẫn trưng ra bộ mặt lì lợm đó! Là cảm thấy vô tội hay cảm thấy uất ức không cam lòng, tục ngữ có câu vật hợp theo loài, mà đi đêm lắm có ngày gặp ma, nếu từ đầu đừng dây vào những thứ bất thiện ấy thì sẽ có ngày hôm nay sao?”

“Bà có im đi không? Con hư tại mẹ, nếu lúc trước bà giữ nó ở nhà và quản lý chặt chẽ thì làm gì xảy ra cớ sự như ngày hôm nay!”

Mẹ tôi trước giờ luôn được cưng chiều và nịnh hót chợt nghe những lời trách móc liền nhíu mày quay sang trách ngược cha tôi đứng bên cạnh: “Con hư tại mẹ? Tất cả đều là lỗi của tôi sao? Bộ tôi muốn sinh ra thứ nghiệp chướng này lắm hay sao? Nuôi con đã khổ, nuôi một đứa câm bướng bỉnh càng khó hơn nhiều, người đời trước ngọt sau nhạt mắng tôi cây không lành sinh trái không ngọt, tôi nghe chưa đủ hay sao mà giờ ông còn quay sang nặng nhẹ với tôi hả?”

Mẹ tôi nuốt không được cơn tức này, gương mặt kiều diễm thanh cao đổi sang cau có đỏ bừng, khoé mắt cũng ươn ướt mấy dòng lệ trong, bà nghèn nghẹn nói tiếp:

“Đều không phải do ông suốt ngày ở bên ngoài, lấy lí do trăm công nghìn việc mà đổ dồn việc lớn việc nhỏ trong gia đình này cho tôi hay sao? Tôi là đầu cây khúc gỗ không biết tủi giận để mọi người đổ sai đổ vấy lên tôi hay sao?”

“Vậy bà tưởng một tay nuôi sống gia đình này là dễ dàng lắm hả? Tôi không trầy da tróc vảy liệu gia đình có được ngày hôm nay hay không? Ngay cả lĩnh án đi tù đều một mình tôi đứng mũi chịu sào, việc nhà đã rối như tơ còn gây thêm bao nhiêu là phiền phức, nếu nó bằng một nửa của Ngạn Dương thì đã chẳng ra cớ sự như hôm nay rồi!”

“Khụ… cha mẹ, hai người đừng tranh cãi nữa! Ngạn Du… khụ khụ… vừa mới tỉnh lại tinh thần còn chưa ổn định đâu.”

Anh ở đằng sau quay trái quay phải hết dỗ mẹ thì đến khuyên cha, nhưng hai người vẫn không ai chịu ai càng ngày càng ầm ĩ nháo nhào.

Tôi bất đắc dĩ nhìn về trước, cả người run rẩy như trở về những ngày còn thơ bé khi bên tai luôn văng vẳng tiếng cha mẹ đổ vấy trách nhiệm lên đối phương, mà nguồn cơn tất cả trận cãi vã đó đều liên quan tới tôi.

Cha tôi bị châm chọc, mẹ tôi bị cười chê, tất cả nỗi tủi hờn đó đều bởi vì họ đã sinh ra một đứa câm khờ như tôi!

Tôi chẳng thể đi đâu, nguồn cơn mọi chuyện là tôi sao có thể dễ dàng bỏ chạy, tôi phải ở lại đây chứng kiến cha mẹ đau khổ dằn vặt lẫn nhau, mỗi lần như thế tôi luôn chỉ có thể bịt chặt tai và ngước mắt nhìn những lời nói như gươm dao cắt nát da thịt tôi từng chút từng chút.

Bây giờ vẫn vậy, anh hai mang đến không khí ấm cúng, còn tôi luôn mang đến những trận cãi vã xé mặt không hồi kết.

Tôi thực sự không cố ý, không muốn gây ra cớ sự này!

Tai tôi ù đi nhưng không thể dang tay bịt tai như trước nữa, tôi ú ớ gọi khản cổ muốn hai người dừng lại, nhưng không thể, sau cùng chỉ có một tiếng gào xé lòng tức tưởi vang lên!

Dừng lại đi! Đừng cãi nhau nữa!

“AAA!”

“Ba vị, làm phiền mời ba vị ra ngoài, bệnh nhân cần sự yên tĩnh để hồi phục sức khoẻ!”

Nữ y tá từ đằng sau bước vào, tay dang ra cưỡng ép cha mẹ và anh hai đi ra ngoài.

Mẹ tôi trông thấy có người bước vào cũng lập tức im lặng để giữ sỉ diện cho gia đình, nhưng đến khi liếc thấy bảng y tá trên ngực áo cô ấy thì cười nhạt khinh khỉnh: “Người nhà đến thăm bệnh, giấy tờ xuất trình đầy đủ, không ảnh hưởng đến giờ giấc khám bệnh của bác sĩ, một y tá nhỏ bé như cô có quyền đuổi chúng tôi ra ngoài sao? Không biết ai là người chi trả viện phí nuôi sống cái miệng mấy cô hả?”

“Cô đừng có xúc phạm người khác, đây là bệnh viện chứ không phải ở nhà mà cô có thể lớn tiếng như thế, cô đến thăm bệnh hay đến giục chết bệnh nhân vậy hả?” Nữ y tá chỉ mới hai lăm hai sáu tuổi, gương mặt nhỏ nhắn nhưng biểu tình cương trực nghe vậy liền phản bác. “Nếu cô không ra ngoài, cháu buộc lòng gọi bảo vệ tới đây.”

Nói rồi cô cầm lấy điện thoại nhấn nhanh phím tắt, nhưng chưa kịp “alo” đã bị mẹ tôi chụp lấy cánh tay cầm điện thoại rồi giằng mạnh ra.

“Gọi bảo vệ? Cô biết chúng tôi là ai không, viện trưởng cô nhìn thấy chúng tôi còn phải nhún nhường chào một tiếng đấy! Cha mẹ dạy dỗ con đến lượt người ngoài như cô xen vào sao hả?”
“Cháu không biết cô là ai nhưng đây là phòng bệnh đặc biệt, hiện giờ tâm lý bệnh nhân còn chưa ổn định, tuân thủ quy định của bệnh viện cháu có quyền mời cô ra ngoài để không ảnh hưởng đến bệnh tình của cậu ấy!”

“Nó thì có cái gì mà bệnh tình nghiêm trọng, nếu mấy người còn lằng nhằng thì lập tức làm giấy tờ xuất viện cho nó đi, chúng tôi cũng không phải chỉ dựa vào một cái bệnh viện nhỏ bé này của mấy người đâu!”

Mẹ tôi còn định nói tiếp thì một giọng nói đanh lạnh vang lên: “Đủ rồi!”