Trợ lí đi theo thấy sếp Chu dỗ dành một cô bé với chất giọng dịu dàng nhỏ nhẹ như vậy thì sững sờ, nhưng chưa gì anh đã bị Chu Trầm phái đi điều tra chuyện ở làng chài.
Dân ở làng toàn những người mồm mép tép nhảy, còn rõ đông camera chạy bằng cơm nên vừa đi tìm hiểu phát đã biết sạch chuyện gì đã xảy ra.
Khoảng thời gian này, Chu Trầm vẫn luôn ở bên Triệu Đường Diên, bà nội vẫn chưa tỉnh, giờ đang được theo dõi ở phòng chăm sóc đặc biệt nên cô không dám rời đi khắc nào.
Anh ôm cô vào lòng vỗ về, khi gò má phô ra dưới anh đèn, anh mới thấy rõ vết sưng tấy trên gương mặt cô. Dấu tay in rõ mồn một trên làn da trắng nõn của cô.
Khuôn mặt anh biến sắc trong thoáng chốc. Anh không hỏi cô bị ai đánh mà bế cô lên đi ra phòng bệnh.
“Đi đâu vậy anh?”
Hành động của anh đã giúp cô được khai sáng khi đang nằm gọn trong lòng anh cùng những suy nghĩ đương chìm sâu trong tâm trí để rồi vô thức nắm cổ áo anh.
Anh thả cô ngồi xuống ghế trước bàn y tá, lạnh lùng bảo: “Xoa thuốc.”
Cô suýt thì quên mất vết thương trên mặt mình, tới khi thuốc chạm lên da thì mới cảm nhận được đớn đau. Sắc mặt anh cứ ngày một u ám theo từng tiếng hít hà của cô, anh đang rất cố gắng kiềm giữ cơn giận trong mình.
Đến khi cô bôi thuốc xong, anh lại bế cô về ghế ngồi bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt. Anh nhìn vào mắt cô rồi hỏi: “Nói gì với anh không?”
Cô co mình trong lòng anh, không lên tiếng trả lời. Cô không sẵn lòng cho việc tâm sự hết thảy mọi chuyện với người khác, có những việc không thể đồng cảm được, nói ra cũng chẳng xi nhê được gì.
Phải tự nghĩ ra cách giải quyết của mình chứ không dựa vào người khác đã là thói quen ở đời của cô. Huống hồ, đây chả phải chuyện hay hớm gì, cô rất ngại phải mở lời, nhất là khi đối mặt với anh.
Anh sống trong một gia đình tri thức và giàu có, chắc chắn sẽ chưa trải qua những vấn đề này bao giờ.
Hai người sống ở hai thế giới khác nhau một trời một vực, liệu cảm xúc có hòa hợp được không?
Cô không chịu nói, anh cũng không ép cô, dẫu gì anh cũng tự tra ra được. Nhưng anh vẫn thất vọng chút xíu thôi, bởi cô không muốn chia sẻ cho anh biết rất nhiều rất nhiều chuyện.
*
Đêm nay sao đằng đẵng quá, gần đến sáng bà nội mới tỉnh lại. Trước khi bà tỉnh, Chu Trầm vẫn luôn kề cạnh bên cô, giữa chừng cô có chợp mắt một lúc nhưng anh thì không ngủ tẹo nào.
Đến khi thấy được động tĩnh trong phòng bệnh qua ô cửa sổ, cô mới đứng bật dậy chạy vào phòng, nhưng rồi bỗng chững lại, ngoảnh mặt về phía anh. Cô không muốn bà biết đến sự tồn tại của anh nhưng anh đã ở bên cô cả đêm dài, dường như điều ấy sẽ bất công cho anh.
Anh bước chầm chậm đến bên cô, vén lại tóc mai đang lòa xòa bên tai cho cô rồi bảo: “Em vào đi, anh mua bữa sáng cho em.”
Cô gật đầu, anh nhìn cô bước vào rồi mới quay người rời đi, trợ lí vẫn luôn chờ anh dưới bãi đỗ xe ngoài bệnh viện.
Anh ngồi vào xe, xoa xoa ấn đường, giọng nói khác hẳn cái giọng dịu dàng vỗ về Triệu Đường Diên khi nãy.
“Điều tra được chưa?” Anh nói với trợ lý ngồi đằng trước.
“Đã tra được thưa sếp.”
Trợ lý lấy ra tập tài liệu đã chuẩn bị từ lâu rồi với tay ra sau để đưa cho anh, nói cho anh nghe chuyện đã xảy ra ở làng chài đêm qua.
Chu Trầm vừa nghe vừa lướt lướt từng trang giấy trong tay, càng đọc ánh mắt lại càng tối đi.
Đầu bên kia, Triệu Đường Diên ngồi trông bên giường bệnh, bác sĩ vào kiểm tra một lượt, sau khi chắc chắn có vấn đề gì xảy ra thì trả lại không gian cho hai bà con.
Trong phòng còn bệnh nhân khác nên có rất nhiều điều không tiện nói ở đây, thành ra cô chỉ hỏi bà một câu: “Giờ bà thấy thế nào rồi ạ?”
Bà vỗ vỗ tay cô, giọng vẫn còn yếu lắm: “Bà không sao, con đừng lo.” Nhưng mặt cô hẵng đang nặng nề lắm.
“Viên Viên à.” Bà thở dài: “Về nhà thôi con.”
Cô sững người, bà đã nói tiếp: “Mấy lần con gửi tiền cho bà, bà đã cất kĩ cho con rồi. Con cầm tiền mà đi đi, thi cho thật tốt, đến với thủ đô mong ước của con, đừng về nữa con ạ.”
Câu chữ quá dài khiến bà cũng phải nói chậm lại nhưng từng từ từng từ khẩn thiết ấy đã khiến đôi mắt cô cay cay ướt nhòa.
Cô cụp mắt, nhưng giọng nói thì vô cùng kiên định: “Con không muốn thế, con không bỏ bà ở đây một mình được.”
Vì năm nào cũng bị lão Triệu khốn kiếp cho roi cho vọt nên sức khỏe bà yếu lắm, không đi đâu xa được. Dù cô rất muốn được đến một thành phố xa xôi hơn nữa nhưng tới giờ, cô cũng chưa từng suy nghĩ mình sẽ bỏ rơi bà nội mình.
Cô không thể bỏ bà ở đây được.
Bà cũng biết mình không khuyên được cô bởi góc cạnh nào đó trong tính cách cô cũng từ bà mà ra, khác hẳn cái tính yếu đuối của mẹ cô.
Hai bà cháu giống nhau, quật cường và sắt đá, không chịu đầu hàng trước số phận. Nhưng bà cũng đã già rồi, Triệu Đường Diên là điểm yếu của bà, có đôi lúc bà đã bắt đầu học cách thỏa hiệp với chính mình để bảo vệ đứa cháu mà bà đã nuôi từ bé đến giờ.
Trong khi ấy, cô hẵng đang còn trẻ, chẳng gì cản được bước chân cô. Bà nội đã được nhìn thấy bản thân mình trong cô, nhưng cô thông minh hơn, cũng may mắn hơn bà, vẫn có cơ hội để được làm những điều mình thích để có một tương lai xán lạn.
Cô đã thực hiện được những ước vọng bà chẳng thể chạm tay. Vậy thôi cũng đã an ủi bà lắm rồi.
Bà vuốt tay cô, bàn tay thô ráp chạm vào mu bàn tay mịn màng của cô, hết thảy những thương yêu đổ dồn xuống bàn tay lạnh cóng này.
Cô nín khóc, bỏ qua chủ đề mà hỏi sang chuyện khác: “Bà có đói không? Bà muốn ăn gì? Để con mua cho bà.”
Bà vẫn đang chìm vào dòng suy tư, bật cười: “Hôm qua bà con mình chưa được ăn bánh Trung thu đâu, Trung thu mà không ăn bánh thì sao được.”
“Thế để con đi mua ít đồ ăn cho bà, xem có bánh trái gì không?” Giọng cô nhẹ nhàng, từ tốn và kiên nhẫn hệt như đang dỗ một em bé vậy.
Cô vừa mới quay người thì đã thấy một bóng hình cao lớn bước từ ngoài cửa vào.
Chu Trầm quay lại rồi.
Có những người đã sẵn khí phách trong mình, anh vừa vào đã làm phòng bệnh chật hẹp thinh lặng trong phút chốc, đến cả bệnh nhân và người nhà nằm cạnh cũng vô thức ngước nhìn anh.
Người đẹp trai cao ráo thì đi đến đâu cũng thành tiêu điểm hết.
Tay anh cầm đủ mọi túi lớn túi nhỏ, dù thức trắng đêm nhưng anh vẫn căng tràn năng lượng, đôi mắt cũng chẳng hề ánh lên sự mỏi mệt.
Còn Triệu Đường Diên không ngủ cả đêm thì đầu đã đơ cả vào rồi, không biết phải phản ứng ra sao. Bà nội cũng thấy anh vào, mới đầu bà tưởng là người nhà bệnh nhân bên cạnh nhưng ai ngờ anh lại đi thẳng về phía bà.
Bà nhìn sang cô: “Viên Viên, bạn con à?”
Cô không gật, mà cũng chẳng lắc đầu, cứ nhìn anh đăm đăm như thế. Anh bước đến bên cô nhưng mắt thì vẫn nhìn bà, ăn nói lịch sự ấm áp: “Chào bà ạ, cháu là…” Anh ngừng lại, liêng liếc sang cô: “Là bạn của Viên Viên, cháu họ Chu, tên Trầm ạ.”
Từng lời nói, hành động của anh đã thể hiện ra rằng anh là con nhà gia giáo, thái độ đối xử với người lớn vô cùng nhã nhặn và lễ phép.
Triệu Đường Diên không nói gì nên bà ngầm chấp nhận lời anh nói là sự thật. Bà cười với anh, bảo anh ngồi xuống với chất giọng địa phương đặc sệt pha với tiếng phổ thông, rồi bà nói với cô: “Viên Viên, ngớ ra đấy làm gì? Nhanh lấy ghế cho bạn đi con.”
Cô chạm mắt với anh, khuôn mặt khó nói thành lời.
Anh mở túi đồ ăn sáng mình vẫn giữ rịt trong tay ra rồi sắp lên bàn, có bánh bao, có cháo, có mì sa tế, món nào cũng đủ cả
Bà nội ngạc nhiên nên anh đã giải thích: “Đây là bữa sáng cháu mua cho bà với Viên Viên đấy ạ, cháu không biết bà thích ăn gì nên mỗi thứ cháu mua một ít.”
Đặng, anh nhìn sang cô, đổi kiểu giọng khác: “Ra ăn gì đi.”
Cô chỉ đành nghe theo chỉ thị của anh.
Bà nhìn những chiếc bánh dứa ở trước mặt rồi mới sực nhớ ra phải hỏi thăm anh: “Cảm ơn cháu, thế cháu ăn gì chưa?”
Anh vẫn giữ y nguyên chất giọng nhã nhặn ấy: “Cháu chưa ạ, nhưng cháu không đói.”
“Thế sao được, người trẻ như bọn cháu toàn bỏ bữa sáng, không tốt cho sức khỏe đâu.” Bà kéo anh ngồi xuống cạnh bàn, không kìm được mà bắt đầu càm ràm: “Nãy bà mới nói với Viên Viên là hôm qua còn chưa được ăn bánh Trung thu, may quá, giờ mình tổ chức Trung thu bù vậy.”
Triệu Đường Diên không vạch trần Chu Trầm, cũng không vặc lại lời bà nói, mọi suy nghĩ trong cô rối bời, chỉ đành lấp liếm cho qua chuyện.
Bà nội chia cho mỗi người một miếng bánh, coi như là miếng bánh quây quần Tết Trung thu. Mặc cho đã đêm qua đã xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì chí ít, vào thời khắc này bà cũng đã được hưởng hạnh phúc đích thực.
Chiếc bánh Trung thu đến muộn mang tới cho mỗi người một ý nghĩa khác nhau.