Trước Khi Anh Đến

Chương 8: Tạnh mưa



Tôi biết Trang muốn hỏi cái gì, và thực lòng thì tôi không muốn nhắc đến những chuyện đó cho lắm, vậy nên tôi đã cố ăn cháo chậm nhất có thể để câu giờ.

“Tao cho mày năm phút.” Trang chống hai tay lên hông, nhìn tôi đầy đe dọa, “Mày không ăn được thì để tao đút.”

Tôi tự tưởng tượng ra cảnh Trang cầm bát cháo đút cho mình ăn, hào hứng đưa bát cho nó:

“Mày đút luôn bây giờ cũng được.”

“...” Trang ngó tôi bằng ánh mắt quan ngại xen lẫn khinh bỉ, tôi và nó cứ thế nhìn nhau một lúc lâu, cuối cùng, Trang là người thỏa hiệp trước, “Thôi được rồi, tao sẽ không bắt mày kể hết tất cả mọi chuyện.” Trang ngồi xuống cạnh tôi, từ tốn bóc một quả cam, “Nhưng tao xứng đáng được biết lý do vì sao mày chuyển trường đột ngột không một lời từ biệt và cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người.”

Tôi nhìn Trang cảm kích:

“Cảm ơn mày.”

Tôi không ngại chia sẻ bí mật cho Trang, chỉ là tôi chưa sẵn sàng đối mặt với một vài chuyện cũ. Có một số thứ, dù làm cách nào cũng không thể vượt qua. Có những vết thương sâu đến mức tôi không dám động đến vì sợ đau, cho nên tôi để mặc nó mưng mủ, thối rữa, tôi chấp nhận mang vết thương ấy theo chứ nhất quyết không bóc mở nó ra để giải quyết tận gốc.

Hệ quả của sự hèn nhát đó là những cơn đau âm ỉ, dai dẳng, kéo dài ngày này qua tháng khác, nhưng ít nhất thì cơn đau ấy vẫn trong mức chịu đựng được, tôi vẫn “ổn”, vẫn có thể mỉm cười thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Giống như con ốc mang trên mình cái vỏ vỡ nát, dù nặng nề đau đớn nhưng cái vỏ ấy vẫn bảo vệ được cho nó tiếp tục sống và bò về phía trước, dẫu cho sự “sống” đó vừa đáng thương vừa tạm bợ.

Trang đứng dậy rót cho tôi một cốc nước ấm, đợi tôi uống thuốc xong nó mới nói:

“Tao không muốn khiến mày cảm thấy khó chịu, nếu có gì đó khó nói thì mày cứ thẳng thắn, tao sẽ không gặng hỏi đâu, yên tâm.”

“Ngồi xuống đi.” Tôi cười, vỗ vỗ vị trí bên cạnh, an ủi Trang, “Thực ra mọi chuyện cũng không nghiêm trọng đến mức đấy đâu.” Vì tôi nào dám nhớ lại những chuyện “nghiêm trọng” thật để kể ra cho người khác.

Tôi là con một trong gia đình đơn thân, mẹ ly hôn bố năm tôi chưa đầy 4 tuổi. Cuộc hôn nhân của bố mẹ là một sự cố, mẹ có tôi trước khi kết hôn với bố, khi bầu được ba tháng thì bị ông bà ngoại phát hiện ra, ông bà ép bố chịu trách nhiệm bằng được. Mẹ chưa bao giờ kể với tôi quá nhiều về bố, nhưng dựa theo những thông tin vụn vặt mà tôi lượm lặt được qua lời mắng chửi của mẹ lúc mất kiểm soát, thì bố tôi là một người đàn ông tệ hại.

Mẹ tôi có tính kiểm soát rất mạnh, thi thoảng mẹ sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm, cực đoan và dễ suy nghĩ linh tinh. Những năm học cấp Hai, tôi từng nhiều lần bị bạn học, đàn anh, thậm chí thầy dạy Kỹ năng sống quấy rối, đó là quãng thời gian khủng hoảng với cả mẹ và tôi, mẹ đã làm mọi cách để bảo vệ tôi, mẹ làm đơn xin cho tôi chuyển trường liên tục và kiểm soát các mối quan hệ của tôi thật chặt chẽ.

Cuộc sống của tôi bí bách tới mức nghẹt thở, nhưng tôi không trách mẹ, vì tôi cảm nhận được tình yêu của mẹ. Có thể mẹ yêu tôi sai cách, nhưng mẹ đã hy sinh và làm quá nhiều thứ cho tôi, tôi không được phản kháng, không được làm mẹ buồn.

“Tao không được đặt pass điện thoại, không được khóa cửa phòng và luôn phải xin phép mẹ trước khi làm bất cứ thứ gì, kể cả ra ngoài mua quyển vở cũng phải báo cáo.” Tôi vòng tay ôm lấy đầu gối, ngả người ra sô pha, “Trong phòng tao phải gắn camera để mẹ dễ kiểm soát. Mẹ còn nắm rõ toàn bộ lịch học của tao, chỉ cần tao về nhà muộn 10 phút là mẹ sẽ gọi ngay cho giáo viên.”



Trang chia cho tôi nửa quả cam, ngập ngừng nói:

“Tao nghe nói cô bị trầm cảm...”

Tôi thở dài, tách một múi cam, im lặng nhấm nháp. Vị chua của cam khiến tôi nhíu mày, tôi uống vội một ngụm nước, chừng nửa phút sau mới lại lên tiếng:

“Mẹ tao chưa bao giờ đi khám bác sĩ tâm lý nên tao không quá rõ, nhưng tao cũng tự ý thức được mẹ không ổn. Khi tao lên cấp Ba, mẹ tao còn kiểm soát chặt hơn cả cấp Hai, mẹ kiểm tra tin nhắn và lịch sử cuộc gọi trong điện thoại tao mỗi ngày, điều tra mọi người bạn của tao và tỏ ra cực kỳ cảnh giác khi tao vô tình nhắc đến tên một thằng con trai nào đó.”

Tôi thoáng rùng mình khi nghĩ lại quãng thời gian ấy, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Phòng khách không bật đèn, ánh sáng tự nhiên bên ngoài hắt vào phòng qua khung cửa sổ, tạo thành những mảng sáng tối đan xen trên nền nhà và trên tường. Có vẻ mưa đã tạnh, nhưng bầu trời vẫn xám xịt, u ám.

“Có phải đấy là lý do mày không muốn kết bạn không?” Trang dựa gần lại phía tôi, giọng nói thật mỏng và nhỏ nhẹ.

“Một phần.” Tôi mỉm cười nhẹ tênh, điều chỉnh tư thế để có thể tựa đầu vào vai Trang, cố giữ giọng thật bình thản, “Một phần vì tao nghĩ chẳng ai muốn chơi với một đứa tẻ nhạt u ám như tao cả.” Hơn hết, tôi tự biết trạng thái tâm lý của mình không ổn, tôi cũng thường hay tự ti về bản thân, tôi sợ mọi người sẽ thất vọng rời đi sau khi biết được gia cảnh và những vấn đề của tôi, cho nên thà rằng không kết bạn từ đầu.

Trang lên tiếng phản đối ngay lập tức:

“Không...”

“Không phải an ủi tao đâu.” Tôi bật cười, ngắt lời Trang, “Hồi cấp Ba tao mờ nhạt thật mà.”

Với một đứa con gái 16 tuổi bị kiểm soát chặt chẽ, không bạn bè, không có phương tiện giải trí, không sở thích, không đam mê, thì viết nhật ký là cách duy nhất để tôi có thể giải tỏa. Tôi cố tình chọn một quyển vở văn cũ còn thừa nhiều trang trống để làm nhật ký vì sợ mẹ nghi ngờ, và nhét nó vào giữa những quyển vở bình thường khác.

Dẫu tôi cẩn thận đến như vậy, mẹ vẫn phát hiện ra. Có lẽ do tôi quá thiếu cảm giác an toàn, ngay từ đầu tôi đã không dám viết toàn bộ những cảm xúc thật của mình vào nhật ký, trong đó chỉ có một vài câu chuyện vụn vặt, mơ hồ, khó hiểu hoặc đôi ba hình vẽ kỳ quặc, nhưng mẹ vẫn nhận ra tôi đang có tình cảm đặc biệt với một người nào đó. Mẹ không làm ầm lên ngay lập tức như mọi lần mà lựa chọn âm thầm theo dõi tôi, cho nên tôi đã lơ là cảnh giác, vô tư để Trường đưa về nhà.

Trang hít một hơi thật sâu:

“Hình như đợt giữa năm lớp 11 mẹ mày đến tận lớp mình đòi gặp riêng Nguyễn Công Trường...”

“Ừm, mẹ tao mắng Trường khó nghe lắm.” Tôi ngồi thẳng dậy, thở dài thườn thượt, “Đó là lần đầu tiên tao tỏ thái độ chống đối trước mặt mẹ.”

Năm tôi 15 tuổi, cô giáo dạy giáo dục giới tính đã nói với chúng tôi rằng, trong quá trình trưởng thành, ai cũng sẽ trải qua thời kỳ nổi loạn. Tôi không biết việc cãi lời mẹ thì có được coi là “nổi loạn” không, hay chỉ đơn thuần do chiếc lò xo chịu đựng trong tôi bị đè nén đến cực hạn.

Trong mắt mẹ tôi, đứa con gái luôn ngoan ngoãn nghe lời mười mấy năm nay lại đột nhiên chống đối, chắc chắn là do bị “kẻ không ra gì” dụ dỗ, xúi giục. Rất rõ ràng, “kẻ không ra gì” chính là Trường.

“Chuyện sau đó thì mày cũng biết rồi, mẹ tao nghỉ việc, làm hồ sơ chuyển trường cho tao. Có lẽ mẹ không định quay lại Hải Phòng nữa nên quyết định rao bán nhà để đưa tao về quê.” Tôi chợt thảng thốt, rõ ràng chuyện mới chỉ cách đây 4-5 năm, vậy mà tôi có cảm giác như thể đã trải qua cả đời người, “Ông bà ngoại tao đều đã qua đời, sau khi về Nam Định thì tao với mẹ sống trong căn nhà cũ mà ông bà để lại.”

Cả tôi và Trang đều rơi vào im lặng, đợi cảm xúc bình ổn lại tôi mới nói tiếp:



“Điện thoại của tao bị đập hỏng, mẹ không cho tao dùng điện thoại nữa, nên tao không làm cách nào liên lạc với mọi người được.”

Trang ngước mắt nhìn tôi, có vẻ do dự. Tôi biết nó thắc mắc điều gì.

“Sau này, lên đại học, có một số chuyện khá là... tệ đã xảy ra.” Tôi ngập ngừng, “Thời gian đó tao không muốn nói chuyện hay liên lạc với bất kỳ ai, một vài lần tao thấy tài khoản của mày được Facebook đề xuất kết bạn, nhưng tao không dám ấn gửi lời mời. Tao sợ bạn bè cũ, sợ những câu hỏi han quan tâm, tao chẳng còn đủ năng lượng để tỏ ra mình vẫn ổn. Tao xin lỗi...”

“Chuyện đã qua rồi...” Trang chợt ôm xiết lấy tôi, vỗ nhẹ lên lưng tôi, chẳng biết nó đang an ủi tôi hay tự an ủi chính mình.

“Ừ, đều là chuyện đã qua.” Tôi mỉm cười, ôm lại nó, “Bây giờ tao ổn lắm.”

***

Buổi chiều, có hai vị khách bất ngờ ghé thăm nhà tôi.

“Ôi...” Tôi tròn mắt nhìn hai chàng trai đang đứng trước cửa nhà, vội mở rộng cửa, đứng nép vào một bên nhường lối, “Các cậu vào nhà đi.”

“Chào cậu.” Bạn nam đứng cạnh Trường nở nụ cười rất tươi, đưa tay ra, “Tớ là Dương Minh Hoàng, làm cùng nhóm đồ án với Trường.”

“À...” Tôi bắt tay với Hoàng, “Đợt vừa rồi cậu phải mổ ruột thừa đúng không?”

“Đúng rồi.” Hoàng mỉm cười thu tay lại, bước theo tôi vào nhà, lời nói và hành động rất đúng mực, “Tớ nghe mấy đứa trong nhóm khen cậu mãi, hôm nay mới được gặp.”

“Thật à?” Tôi khúc khích cười, tò mò đưa mắt nhìn Trường, “Các cậu khen gì tớ thế?”

Trường phớt lờ ánh mắt trêu chọc của Hoàng, thản nhiên nhìn tôi, khóe miệng cong lên:

“Khen cậu thông minh xinh đẹp, tính cách dịu dàng đáng yêu. Được chưa?”

Hai má tôi chợt nóng bừng, quên hết sạch lời định nói. Rất may đúng lúc này Trang từ trong nhà đi ra:

“Trường đến rồi hả? Bọn mày có nhớ mua thịt băm nấu cháo...” Trang chợt im bặt, nó đứng khựng lại, nhìn Hoàng bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Nó run run chỉ tay vào đầu Minh Hoàng, sau đó cười một cách mất kiểm soát, “Ha ha ha há há há ai cắt cho mày cái đầu này thế? Trông có khác gì mới ra tù chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng không?”

________________________

Văn của Kiều Nhật Minh chỉ là văn mẫu tán gái phổ biến thui, nếu cậu gặp ai dùng văn đó trên mạng xã hội hay ở ngoài đời là chuyện rất bình thường ó, mọi người hạn chế nhắc tên nhân vật ở những video không liên quan nhaaaa