Tuý Quỳnh Chi

Chương 27: Chuyện bại lộ



Sở Lâm Lang nói có lẽ nàng nhớ nhầm rồi liền lảng sang chuyện khác.

Nhưng khi ra khỏi phòng Hồ tiểu nương, gương mặt Sở Lâm Lang như phủ một lớp sương lạnh - Xem ra sự phong lưu của Chu lang vẫn không giảm, đến Kinh thành lại có một kỳ ngộ khác!

Nếu là hồi ở Liên Châu, nàng chỉ sợ sẽ không đợi được mà trực tiếp vạch trần mọi chuyện rồi cãi nhau phân rõ trắng đen với Chu Tùy An.

Nhưng giờ, chưa đầy một năm, trải qua sóng gió nạp thiếp, nàng lại xa cách Chu Tùy An mấy tháng, gặp lại người nằm cạnh chợt có cảm giác xa lạ.

Nàng thậm chí còn nghĩ, cần gì phải làm ồn ào để hiểu rõ trắng đen? Nàng chỉ cần lo tốt chuyện trước mắt của mình là được.

Người ta đều nói hài tử lớn không nghe lời mẫu thân, huống chi Chu Tùy An đâu phải nhi tử ngoan của nàng! Nàng cần gì phải truy cứu mấy chuyện nhỏ nhặt rồi tự chuốc lấy phiền phức?

Nữ quyến Chu phủ vào Kinh, đây là nơi đât khách quê người, tất nhiên phải có người dẫn dắt để hòa nhập, Chu Tùy An là người của Lục điện hạ, Lục vương phi tự nhiên phải gánh lấy nhiệm vụ này.

Nên nhân lúc hoa thu cúc nở rộ trong vườn, Lục vương phi liền tổ chức hội hoa du viên, mời các nữ quyến của nhà có chức vị ở trong Kinh, còn có nữ quyến Chu gia đến thưởng cúc.

Triệu thị dẫn theo nữ nhi Chu Tú Linh ngồi trong đám phu nhân lớn tuổi, cùng họ hàn huyên, tiện thể giới thiệu trong nhà còn có nữ nhi nhỏ tuổi, qua một hai năm nữa, Tú Linh cũng nên phải nghị thân rồi.

Vốn theo ý định của Triệu thị, Tú Linh gả cho nhà thư hương bình thường đã là rất tốt rồi. Nhưng giờ thấy cảnh phồn hoa rực rỡ Kinh thành, ngay cả lòng dạ của Triệu thị cũng cao lên, cảm thấy nhất định phải tìm rồng phượng trong loài người mới xứng với muội muội của Lang trung.

Tiếc là hoài bão này nhanh chóng bị tan vỡ, tuy bà ám chỉ uyển chuyển chuyện tuổi nữ nhi cũng không còn nhỏ nhưng các phu nhân xung quanh cũng chỉ cười cười, không tiếp tục câu chuyện này, dường như không mấy nhiệt tình mà làm mối cho Triệu phu nhân.

Phải biết đây là Kinh thành phồn thịnh mà! Ném một hòn đá cũng có thể trúng một đống quan viên ngũ phẩm! Như Chu Tùy An Lang trung lục phẩm này cũng không có gì đặc biệt, huống chi nhà họ Chu còn là người ngoài đến, trên người còn chưa hết mùi đất, cũng không biết sâu cạn, ai cũng không muốn tới gần.

Qua lại vài lần, lòng tự trọng Triệu thị bị tổn thương rồi cũng mất hứng, nói chuyện với người cũng chỉ hờ hững.

May mà ở yến hội cũng có người quen cũ Tịch Châu, một lúc sau, Tạ nhị tiểu thư liền theo sau tỷ tỷ đi đến phòng khách.

Có lẽ phong thủy ở Kinh thành nuôi người, Tạ nhị tiểu thư trông có vẻ hòa nhã hơn lúc ở Tịch Châu nhiều, chốc lát đã ngồi bên cạnh nữ quyến nhà họ Chu, cười cười, nói chuyện với Triệu phu nhân.

Sở Lâm Lang và Tạ nhị tiểu thư vốn không hợp nhau, nàng liền ngồi bên cạnh Lục vương phi, đúng lúc bưng trà rót nước, nói ít nghe nhiều một chút.

Trong lời qua tiếng lại của các vị phu nhân, nàng cũng thưởng thức được không ít tin tức mới mẻ.

Ví như sau khi Thái Vương bị bệ hạ tước quyền, bị giam lỏng ở Linh Tuyền tự, cả ngày ăn chay gõ mõ. Tứ hoàng tử sau khi bị bệ hạ quở trách, đóng cửa tự suy nghĩ mấy tháng, hiện giờ lại được trọng dụng, chỉ là thanh thế không còn được như trước, càng không dám đứng ngang hàng với Thái tử như xưa nữa.

Nhưng xem ý của bệ hạ có lẽ vẫn còn chưa thỏa mãn, gần đây bệ hạ liên tục gửi chiếu thư đến Đại Lý Tự, ra lệnh thanh lý tàn dư phe Thái Vương. Mà những vụ án này phần lớn đều qua tay Tư Đồ Thịnh.

Chỉ là người bị bắt vào làm gì dễ dàng khai ra như vậy?

Vị thiếu sư của hoàng tử ngày xưa nay thay đổi thân phận, lại có tư chất của một quản ngục tàn nhẫn, hỏi cung vụ án mà không từ bất kì thủ đoạn đẫm máu nào, người bị hỏi cung không ai là không khai.

Làm như vậy, tuy hắn được ý vua, là một lưỡi dao sắc bén có thể dùng nhưng lại khiến danh tiếng Tư Đồ Thịnh dần xấu đi.

Đặc biệt là trước đó không lâu hắn ta có thẩm vấn một vị lão thần, vị lão thần này có môn hạ đệ tử đông đảo, có mấy người thậm chí còn là đại nho đương thời.

Nghe tin sư phụ phải chịu nhục, họ liền nổi giận đùng đùng, dâng sớ can gián bệ hạ, nói thẳng triều đại này vốn không áp dụng hình phạt lên đại phu, nhưng Tư Đồ Thịnh làm như vậy, thực sự là làm nhục nho lâm.

Bệ hạ cảm thấy có lý, liền hạ chỉ trách hỏi Đại Lý Tự Thiếu khanh, vì sao lại làm nhục lão thần như vậy?

Tư Đồ Thịnh này cũng rất tàn nhẫn, nghe bệ hạ trách phạt liền không nói hai lời mà sai người khiêng lão thần đã chịu hình phạt lên đường rồi nói hình phạt lão thần đã chịu sẽ được áp dụng y nguyên lên người Tư Đồ Thịnh hắn ta một lần nữa.

Theo lời Tư Đồ Thịnh lúc đó nói, bệ hạ trách phạt nên hắn ta phải cáo lỗi với vị lão thần kia.

Nhưng đã cáo lỗi rồi, chỉ cần vụ án này vẫn do hắn ta phụ trách, hắn ta sẽ vẫn tiếp tục thẩm vấn.

Nếu vị lão thần này cảm thấy người khác không thể động đến ông ta, cứng lòng không khai, vậy thì hắn ta Tư Đồ Thịnh sẽ bồi đến cùng, bồi lão thần tử trải qua hết các dụng cụ tra tấn của Hình Bộ!

Đoạn thẩm vấn đẫm máu đối đánh giữa hai người này rõ ràng đã ngầm trở thành đề tài nóng hổi ở Kinh thành, theo lời người trong cuộc nói, Tư Đồ Thịnh đều là trước tiên chịu một đoạn hình phạt trước mặt lão thần láu cá kia rồi mới áp dụng y nguyên lên người mình một lần nữa.

Điều này còn tra tấn hơn cả trực tiếp dùng hình, cả mắt và thân xác đều liên tiếp phải chịu đựng hai lần.

Hơn nữa Tư Đồ Thịnh kia thật sự có thể chịu đau, roi đánh lên người cũng không hề kêu lấy một tiếng.

Nhưng lão thần kia làm sao có thể chịu nổi? Ông ta vốn tưởng học trò mình bên ngoài kích động rồi đến cầu tình với bệ hạ là có thể vượt qua kiếp nạn này.

Không ngờ Tư Đồ Thịnh lại một phen "bồi quân chịu phạt", một vẻ muốn cùng ông ta kéo dài đến lưỡng bại câu thương, điều này trực tiếp khiến tinh thần phòng bị của lão cáo già sụp đổ, không còn tia hy vọng nào, cuối cùng vẫn phải khai ra. (*)(*Lưỡng bại câu thương: hai bên đối địch cuối cùng đều thất bại, không thu được lợi ích gì.)

Đợi học trò đến thăm ngục thấy sư phụ đã thịt nát máu me, lại là một trận khóc lóc chạy đến chỗ bệ hạ náo loạn, cũng không nói tội lão thần là tham ô nhận hối lộ, làm chậm trễ quốc kế, chỉ hỏi hình phạt không áp dụng lên đại phu, quy củ không làm nhục nho lâm của tổ tông đi đâu rồi!

(*Quốc kế: Kế hoạch của quốc gia)

Bệ hạ bất đắc dĩ nói: "Tư Đồ đại nhân người ta còn chịu hình phạt trước, cáo lỗi trước, thành ý đã làm đến tận, sao có thể tính là làm nhục nho lâm? Các ngươi phải biết, hắn ta đâu có lừa vua dối trên, vốn không nên bồi theo mà chịu tội này. Các ngươi lại còn thay phản thần đòi hỏi nho lâm? Nếu không thì cứ dứt khoát kéo trẫm xuống long ỷ đi, rồi cũng đánh một trận roi để bồi đắp cho nho lâm đi?"

Một phen lời này cuối cùng cũng đẩy lui được một đám thư sinh oán giận đến chua thối kia. Từ đó về sau, cái danh "ngục quan tàn bạo" của Tư Đồ Thịnh coi như không gỡ xuống được nữa.

Từ xưa đã nói, đắc tội văn nhân thì sẽ có nguy cơ danh tiếng bị hủy hoại, để lại tiếng xấu muôn đời, Tư Đồ Thịnh lại trực tiếp đụng phải đại kỵ này, danh tiếng sau này của hắn làm sao mà tốt đẹp được?

Theo lý mà nói, loại thần tử trẻ tuổi, tiền đồ vô lượng này phải được bệ hạ coi trọng, nếu chưa thú thê thì phải là mục tiêu được săn đón.

Tiếc là giờ nữ quyến Kinh thành nghe nhắc đến ba chữ "Tư Đồ Thịnh" liền cảm thấy mưa máu, gió tanh phủ đầy mặt, hoảng sợ đến mức tránh còn không kịp.

Ngươi nói xem, nam nhân ngâm mình trong dụng cụ tra tấn, tự tay hạ xuống được với chính bản thân thì tâm địa phải cứng rắn biết bao nhiêu!

Nếu gả cho hắn ta làm thê mà không có một thân thể có thể chịu đòn, e là cũng không thể sống đến bạc đầu!

Nữ nhi yếu ớt của các vị phu nhân không thể gả cho một người tàn nhẫn như vậy làm thê!

Sở Lâm Lang nghe một hồi như vậy cũng không thấy có gì là bất ngờ, Tư Đồ Thịnh vốn là người như vậy.

Dù sao trong số nhiều người như vậy, chắc cũng chỉ có nàng chứng kiến được sức mạnh tàn nhẫn hồi còn thiếu niên của Tư Đồ Thịnh tự tay lấy đá ném người.

Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo liền đến. Ngay khi các vị nữ quyến đang nói hăng say, Lục điện hạ dẫn theo mấy vị thần tử về vương phủ, trong đó một người chính là vị Tư Đồ Thịnh thủ đoạn tàn bạo kia.

Có lẽ sợ là khi hỏi cung, bị vết máu bắn lên mặt, hắn vẫn không mặc áo trắng mà chỉ mặc một thân áo đen trang nghiêm, khoác lên chiếc áo choàng dài cùng màu, nhìn qua toát lên vài phần áp bách.

Khi hắn sải bước ung dung đi qua hành lang, cho dù trong lòng nhiều người khinh thường, chê bai hắn ta, cũng không nhịn được mà đưa mắt nhìn vị Thiếu Khanh tuấn tú đến mức bức người này.

Sở Lâm Lang cũng nhìn một lúc, nhưng người nàng nhìn không phải Tư Đồ Thịnh mà là vị phu quân Chu Tùy An đi theo ngay sau lưng Lục điện hạ.

Nàng chú ý thấy Chu Tùy An treo hầu bao lụa mơ đó ở chỗ dễ thấy phía bên hông, theo động tác đi lại của hắn, hầu bao cũng đung đưa qua lại...

Cho đến khi bóng dáng Lục điện hạ và đám nam nhân biến mất ở hành lang, sân vườn lại vang lên tiếng cười nói vui vẻ.

Lần này chủ đề bàn luận lại là sau khi bệ hạ tước quyền Thái Vương, người rất coi trọng Lục điện hạ, liên tục khen thưởng, xem ra là có ý bồi dưỡng Lục điện hạ, rồi lại giao phó trọng trách...

Đợi sau yến hội này, Sở Lâm Lang mới biết, nguyên nhân Tư Đồ Thịnh xuất hiện ở phủ Lục điện hạ kỳ thực là vì điều tra án.

Nghe nói là vì quản sự nông trang dưới danh nghĩa Lục hoàng tử khinh nam hiếp nữ, gây ra một án kiện tụng, Tư Đồ Thịnh dẫn người đến bắt quản sự đó, đánh hắn bằng ván, nhưng lại vừa khéo quản sự đó là họ hàng của biểu thân di của Tạ gia, nhạc mẫu nhờ vả chuyển lời nên Lục điện hạ mới mời Tư Đồ Thịnh đến, nói vài lời biện hộ thay. (*)

(*Biểu thân di ở đây là em gái của bà nhà họ Tạ, người được nhắc đến ở đây có quan hệ họ hàng với bên gia đình nhà em gái của bà chủ mẫu nhà họ Tạ, nên bà ấy mơi chuyển lời nhờ và Lục điện hạ.)

Để làm không khí sôi nổi, hắn còn tìm mấy thuộc hạ từng làm quan ở Tịch Châu cùng uống rượu.

Tiếc là Tư Đồ Thịnh hoàn toàn không hiểu tình hình, sau khi lạnh lùng từ chối xong lại không chút nể mặt mũi, lưu tình mà quở trách Lục điện hạ là người yếu đuối, mặc cho người bên gối sai khiến.

Lục điện hạ bị mắng đến mức mặt đỏ tai hồng, nhất thời xuống không nổi đài, nhưng lại không dám cãi lại vị thiếu sư ngày xưa.

Mãi đến khi Tư Đồ Thịnh đứng dậy cáo từ, Lục điện hạ uống một bình rượu rồi đột nhiên đập vỡ chén rượu, lớn tiếng gọi Tạ vương phi cùng đi Đại Lý Tự với hắn, đối chất với vị Đại Lý Tự Thiếu khanh đường đường chính chính kia xem hắn có nghe lời phụ nhân sai khiến hay không!

Chu Tùy An và những người khác phải ngăn trái ngăn phải mới không để tình thế bùng nổ. Nhưng chuyện Lục điện hạ say rượu mắng ân sư sau đó vẫn truyền đến tai Tư Đồ Thịnh.

Tình sư đồ từng có dường như cũng theo hai người mà càng đi càng xa, càng ngày càng mỏng manh.

Chuyện này cũng không tính là bí mật gì, rất nhanh mọi người đều biết Lục điện hạ và Tư Đồ Thịnh cạn tình thầy trò, mối quan hệ hoàn toàn đổ vỡ.

Xem ra Tư Đồ Thịnh này lợi dụng Lục điện hạ làm bậc thang thăng chức xong liền bám lên cành cao hơn, muốn đi con đường cô thần, chỉ trung thành với bệ hạ mà thôi!

Đối với điều này, Chu Tùy An rất lấy làm khinh thường, về nhà hắn mắng Tư Đồ Thịnh là đồ bạc tình, hẹp hòi.

Nhưng Sở Lâm Lang lại cảm thấy đã là chuyện sư đồ người ta, Chu Tùy An không cần nhúng tay vào, trước mặt Tư Đồ Thịnh càng không thể lạnh lùng mỉa mai.

Nhưng nàng vừa mở miệng nói vài câu liền bị Chu Tùy An đang rất bực bội bác bỏ.

Một phụ nhân mới từ Tịch Châu đến thì hiểu cái gì! Chu Tùy An nhắc nhở Sở thị sau này phải thận trọng từ lời nói đến việc làm, ở địa bàn Kinh thành, một nữ tử hậu trạch ít nên tham dự chuyện chính vụ của nam nhân!

Sở Lâm Lang kỳ thực cũng không muốn quản cho lắm, nàng mới đến Kinh thành, hai mắt mờ mịt có thể giúp đỡ Chu Tùy An cái gì?

Kỳ thực, nàng không chỉ nhìn không thấu thế cục, ngay cả người nằm cạnh nàng cũng nhìn không thấu. Chỉ là phu thê xa cách ngắn ngủi có vài tháng, Chu Tùy An dường như từ đầu đến chân đều thay đổi.

Trà hoa lê thơm hắn quen uống đã đổi thành Động Đình Bích Loa quý giá, trước khi ra cửa sẽ đốt hương đàn giá hai lạng bạc một cân vào lư hương, hông đeo chiếc hầu bao không biết từ đâu mà có. Hắn thậm chí còn lười giải thích với nàng.

Khi Sở Lâm Lang thăm dò nói Hồ tiểu nương không có khâu hầu bao cho hắn, Chu Tùy An cũng chỉ hơi sững người, mặt không đổi sắc nói hắn chắc là nhớ nhầm, hẳn là Mãn Phúc đã mua ở tiệm thêu về cho hắn phối quần áo.

Sở Lâm Lang không nói gì nữa, sắc mặt âm u nhìn hắn, hắn cũng không thấy hoảng hốt, một bộ dáng trấn định ung dung khuyên giải nàng, bảo nàng rảnh rỗi thì đọc sách nhiều hơn, đừng cứ nhìn chằm chằm vào mấy chuyện vặt vãnh như khăn tay, hầu bao của nam nhân làm gì.

Làm phu thê bao nhiêu năm, Chu Tùy An vốn không giỏi nói dối. Sở Lâm Lang thấy hắn trấn định như vậy, hoàn toàn không có vẻ luống cuống khi bị vạch trần như trước kia liền nghĩ, hay là mình nghĩ nhiều thật?

Nhưng từ khi nữ quyến nhà họ Chu về kinh thành, Chu Tùy An hoàn toàn không về nhà ngủ, dù là nàng hay Hồ tiểu nương, gần như đều không nhìn thấy bóng dáng Chu Tùy An. Đôi khi về muộn, hắn cũng không đến phòng ai, chỉ tự mình ngủ ở thư phòng.

Ngay cả Triệu thị cũng than phiền sao nhi tử vào Kinh giống như thỏ vào rừng, không thấy tăm hơi đâu cả.

Sở Lâm Lang cũng bắt đầu sớm đi tối về. Nàng vốn có quan bài bán muối, nhưng vì ủy thác cho huynh trưởng của Hạ Hà thay nàng làm ăn, nên mỗi năm nàng chỉ lấy một ít tiền cho thuê quan bài buôn muối, mà số tiền này, nàng không nộp vào công trung, coi như một ít tiền riêng của chính mình.

Lúc chưa vào Kinh, đại tỷ Sở gia bị phụ thân ép đến gần như là hoà ly, nàng viết thư cho Lâm Lang, ngôn từ mập mờ ý muốn mượn tiền từ tam muội muội thứ xuất này.

Nếu lấy không ra tiền nữa, việc làm ăn của đại tỷ phu có lẽ sẽ cứu không nổi, phụ thân Sở Hoài Thắng chắc sẽ đến kinh thành ép nàng hoà ly rồi về nhà.

Đại tỷ cái gì cũng chịu bỏ, chỉ không nỡ bỏ một đôi nhi tử, nữ nhi của mình, nàng bị ép đến bất đắc dĩ, chỉ có thể dày mặt mở miệng hỏi mượn tiền Sở Lâm Lang.

Sở Lâm Lang rất kính trọng đại tỷ mình. Tuy không phải một mẫu thân sinh ra nhưng đại tỷ tính tình ôn hòa, hoàn toàn không giống đích mẫu và phụ thân.

Bộ quần áo mới đầu tiên trong đời Lâm Lang là của đại tỷ trước khi thành thân dành vải may cho nàng - Cái váy đó cực kỳ đẹp! Hồng rực như hoa mai, Lâm Lang nhỏ ngủ cũng không nhịn được mà ôm lấy nó, tiếc là cuối cùng nó lại bị tên Ôn sinh chết tiệt kia làm bẩn!

Sở Lâm Lang rất cảm kích đại tỷ, chuyện bên này ổn định xong, nàng liền hẹn đại tỷ Sở Kim Ngân gặp mặt uống trà ở trà lâu.

Sở Kim Ngân trước đó về nhà ngoại vay tiền bị từ chối, mà khi mở miệng với nhị muội của mình, cũng bị nhị muội mỉa mai, chê cười, nàng bị mất mặt không ít.

Trăm sự vất vả, không ngờ thứ muội muội này bình thường đều xa cách này lại không chút do dự cho nàng mượn tiền.

Nhìn mấy tờ ngân phiếu Sở Lâm Lang đưa cho mình, nhất thời, Sở Kim Ngân thấy cảm động không biết phải làm sao, đặc biệt là khi nghe Sở Lâm Lang nhắc đến chuyện mình từng may váy cho nàng, nàng làm đại tỷ cũng có hơi đỏ mặt.

Lúc đầu nàng chỉ vì vải đó đó quá rực rỡ, nhìn tục khí cực kì nên nàng không thích. Thêm vào đó, nàng thấy quần áo của tam muội rách rưới, sợ lúc hôn lễ nàng ấy mặc thì mất mặt nên mới cắt vải đó ra may cho Sở Lâm Lang một bộ.

Không ngờ, một chuyện nhỏ nàng đã quên, tam muội lại khắc ghi trong lòng như vậy...

Tam muội này của nàng, nhìn thì làm người thông minh, lanh lợi, kỳ thực là người khác đối tốt với nàng một chút là sẽ chịu liều mạng báo đáp như một đứa ngốc...

Sở Kim Ngân trăm mối cảm xúc, nàng nắm chặt ngân phiếu, mắt cũng phiếm ướt từ bao giờ.

Nhưng Sở Lâm Lang lại bảo đại tỷ trước tiên đừng vội cảm động, tiền của nàng, nàng muốn đại tỷ nắm chặt trước đã. Đại tỷ phu nếu muốn dùng tiền còn phải đưa sổ sách việc làm ăn tới lui của hắn ta cho nàng xem, không vì gì khác, nàng không muốn tiền của nàng lại đổ sông đổ biển.

Sở Kim Ngân cảm thấy rất có lý nên tất nhiên cũng gật đầu đồng ý. Chỉ là có một chuyện, trước đó nàng do dự không biết có nên nói với Sở Lâm Lang không, bây giờ lại hạ quyết tâm: "Lâm Lang, tỷ muốn nói với muội một chuyện... Chỉ mong muội để tâm, nhưng tuyệt đối đừng làm loạn trận tuyến, chạy về làm ầm ĩ lên..."

Nói đến đây, nàng ngừng lại: "Chuyện là là tể phu của muội, tháng trước đi giao thiệp... Có vô tình ở quán rượu Vọng Hồ phía tây thành, thấy tam muội phu cùng một nữ tử diễm lệ bao phòng trong một phòng riêng ở trên lầu..."

Sở Lâm Lang im lặng một lúc rồi hỏi: "Có phải đó là ca nữ mà đồng liêu chàng dẫn đi hay không? Tùy An vốn không từ chối mấy cuộc xã giao như này."

Sở Kim Ngân lắc đầu nói nhỏ: "Tỷ cũng hỏi tể phu muội như vậy. Nhưng chàng ấy làm ăn buôn bán nên thấy nhiều rồi, chỉ nói nữ tử kia ăn mặc không có vẻ phong trần, ngược lại... trông giống như tiểu thư nhà quyền quý."

Sở Lâm Lang một hồi lâu không nói gì, cuối cùng lại hỏi chiều cao và cách ăn mặc của nữ tử kia, cùng với kiểu xe ngựa nàng ta lên sau đó rồi không hỏi nữa.

Sở Kim Ngân trước đó do dự có nên nói hay không chính là sợ làm hỏng tình cảm phu thê của muội muội, nhưng nếu không nói, nàng lại sợ muội muội một mình phải chịu ấm ức ở nhà họ Chu.

Giờ nhìn phản ứng của Sở Lâm Lang, nàng lại có hơi hối hận.

Sở Lâm Lang là loại tính hầu tôn dám gây sự, chọc giận cả phụ thân, nếu nàng về rồi lại đánh nhau với muội phu, chẳng phải mình sẽ trở thành cầm gậy quấy phân heo? (*)(*Hầu tôn ở đây là kiểu tính như Tôn Ngộ Không ấy. Cầm gậy quấy phân heo ở đây ý là thành kẻ quấy rối, phá đám chuyện người khác.)