Uông Xưởng Công

Chương 363: Chương </span></span>363QUYẾT ĐỊNH



Tối hôm đó, một kẻ với bộ dạng tên sai vặt đến căn viện chính, lập tức được Tề ma ma theo hầu bên cạnh Tề thị đón vào.

Tề thị đang ngồi ngay ngắn nhìn tên sai vặt quỳ dưới đất, cất tiếng hỏi: “Thế nào? Điện hạ đã nói gì với phụ tá trong thư phòng? Không phải giấu giếm, mau nói đi!”

Tuy trong lòng nàng ta rất nôn nóng nhưng vẫn giữ vẻ uy nghiêm của bậc chủ mẫu với nét mặt bình tĩnh.

Nhìn kĩ thì tên này đúng là người theo hầu bên cạnh Trịnh Phồn.

Gã bẩm báo: “Bẩm nương nương, điện hạ và phụ tá thảo luận cách đối phó với nguy hiểm hiện tại. Hoàng quý phi nói chuyện này không liên quan đến điện hạ, người mà Tiết Triệu Tôn khai ra là nương nương, đề nghị điện hạ đổ hết mọi chuyện cho nương nương. Các phụ tá cũng có ý kiến như vậy, nhưng điện hạ không đồng ý...”

Tề thị hoàn toàn không ngờ cách giải quyết lại là như thế này.

Tim nàng ta thắt lại, không màng che giấu sự lo lắng của mình nữa, vội hỏi gã: “Điện hạ nói sao?”

“Điện hạ nói nương nương và ngài ấy có tình cảm vợ chồng sâu đậm, những năm qua nương nương đã có rất nhiều công lao với phủ Ngũ hoàng tử, ngài ấy tuyệt đối sẽ không làm chuyện như vậy. Điện hạ còn nghiêm cấm các phụ tá không được bàn tán nữa. Sau đó, các phụ tá thất vọng rời đi, bây giờ vẫn chưa có cách gì.” Tên sai vặt đáp.

Tề thị lại sững người lần nữa, viền mắt đỏ lên, đáy lòng dường như được bao bọc bởi thứ gì đó vô cùng mềm mại.

Nàng ta đột nhiên nhếch khóe môi, đã nói điện hạ dịu dàng như thế, thương yêu nàng ta như thế, sao có thể trách tội nàng ta được?

Liễu thị nghĩ sai rồi, người thật sự hiểu điện hạ không phải Liễu thị mà là nàng ta.

Điện hạ tốt là vậy, thà tự mình chấp nhận mối nguy còn hơn đổ tội cho nàng ta.

Nàng ta đã không nhìn nhầm người, lại càng không lấy sai người.

Nhưng Tề ma ma đang đứng bên cạnh nàng lại thay đổi sắc mặt, đanh giọng hỏi tên sai vặt: “Điện hạ thật sự nói vậy? Không được nói năng lung tung, càng không được giấu giếm!”

Tên sai vặt co rúm người lại, vội sụp xuống đất, luôn miệng: “Cho dù nô tài có gan to tày trời cũng không dám giả mạo lời nói của điện hạ! Đúng là điện hạ đã nói vậy, tuyệt đối chính xác, không sai một chữ! Nếu ma ma không tin thì cứ hỏi các phụ tá, họ đều có mặt ở đó và đã nghe thấy.”

Nét mặt Tề ma ma hơi dịu đi, nhưng vẫn nhìn chằm chằm vào tên sai vặt, lạnh lùng trả lời: “Tất nhiên là ta sẽ đi hỏi các phụ tá! Ngươi nói thật thì tốt, tận tâm làm việc vì nương nương, về sau sẽ không thiếu phần của ngươi!”

Tề ma ma thận trọng nên mới nói những lời này.

Mua chuộc tên sai vặt theo hầu điện hạ đã là việc tuyệt đối không thể lộ ra, sao bà ta có thể đi hỏi các phụ tá bên cạnh điện hạ được? Nếu điện hạ vì chuyện này mà bất mãn với chủ nhân của bà ta thì không hay.

Hiện giờ trong phủ đang trong lúc rối ren, không nên gây thêm sóng gió gì nữa.

Không biết tại sao, sau khi chắc chắn những lời tên sai vặt vừa nói là thật, Tề ma ma không vì thế mà cảm thấy yên tâm, ngược lại còn dâng lên linh cảm không lành.

Bà ta lo lắng nhìn Tề thị - người mà mình đã hầu hạ từ nhỏ đến lớn, toan nói gì đó thì lại nghe thấy Tề thị cất tiếng: “Ma ma, không cần phải tra hỏi nữa, ta tin tưởng điện hạ!”

Nàng ta tin tưởng tấm lòng bảo vệ của điện hạ và biết mình nên làm thế nào...

Uông Ấn đang chỉ đạo đề kỵ nghiêm khắc thẩm vấn Tiết Triệu Tôn của Bình Hoài Thự để điều tra rõ chân tướng vụ việc.

Đề kỵ chia thành hai nhóm, một nhóm đi điều tra nhà họ Vệ và phủ thái tử, nhóm còn lại thì đi điều tra nhà họ Tề và phủ Ngũ hoàng tử.

Đề kỵ điều tra được anh trai cả của thái tử phi là Vệ Văn Lễ quả thực đã cùng Tiết Triệu Tôn gây ảnh hưởng tới mệnh lệnh của Bình Hoài Thự và đúng là đã chiếm được lợi ích to lớn từ việc này.

Tuy nhiên, lúc Vệ Văn Lễ làm vậy đã giấu cha mình là Vệ Thích.

Vệ Văn Lễ biết cha mình thận trọng lại nhát gan, dứt khoát sẽ không chịu cấu kết với Bình Hoài Thự.

Thế nhưng, nhà họ Vệ đã bị tổn thất nặng nề sau lần di tông dời tộc, Vệ Văn Lễ rất muốn làm gì đó cho gia tộc của mình.

Đúng lúc gặp được thời cơ hiếm có là thái tử giám quốc, khi Tiết Triệu Tôn đến tìm hắn, hắn đồng ý ngay không hề do dự, lại còn lén lút giấu cha mình.

Qua điều tra cho thấy, nhà họ Vệ không thoát khỏi có liên quan đến những rối loạn mà Bình Hoài Thự gây ra.

Còn về người trung gian đã móc nối cho Vệ Văn Lễ và Tiết Triệu Tôn, là người đã chứng kiến hết thảy, đã bạo bệnh mà chết.

Đây rõ ràng là giết người diệt khẩu.

Bây giờ, không một ai biết nội tình vụ Vệ Văn Lệ và Tiết Triệu Tôn cấu kết như thế nào.

Còn về phủ Ngũ hoàng tử, đúng là Tiết Triệu Tôn và Tề Ngọc Thành của phủ Vĩnh Lạc Hầu có mối quan hệ tốt, cũng rất hay âm thầm qua lại với nhau, có người ở lầu Vạn Ánh đã từng nhìn thấy họ.

Một bên là phủ Vĩnh Lạc Hầu có công với triều đình, một bên là quan viên lục phẩm nho nhỏ, sao giữa họ lại có thể có tình bằng hữu cho được?

Theo như Tề Ngọc Thành giải thích, chính bởi lý do đó, để tránh cho Tiết Triệu Tôn bị người ta cười nhạo là “thấy người sang bắt quàng” nên ông mới không muốn để người khác biết mối quan hệ giữa họ.

Đáng tiếc, Tiết Triệu Tôn một mực khẳng định rằng chuyện của Bình Hoài Thự là do phủ Vĩnh Lạc Hầu sai khiến và cố tình nhắm vào nhà họ Vệ.

Nhưng bản thân Tiết Triệu Tôn cũng không ngờ lại lớn chuyện đến vậy, thấy sự tình không ổn và không chịu nổi sự cắn rứt lương tâm nên mới khai nhận sai lầm.

Một người chạy qua chạy lại giữa phủ thái tử và phủ Ngũ hoàng tử như Tiết Triệu Tôn, thế mà còn biết cắn rứt lương tâm.

Uông Ấn dứt khoát không tin lời khai này, chỉ lệnh cho đề kỵ tiếp tục thẩm vấn, phải cạy bằng được miệng Tiết Triệu Tôn khai ra sự thật.

Vụ việc Bình Hoài Thự đã diễn ra hơn hai mươi ngày, liên quan đến quá nhiều chuyện và quá nhiều người, manh mối phức tạp rối ren như tơ vò.

Cho dù đề kỵ điều tra không ngừng nghỉ nhưng vẫn không gỡ được khúc mắc, không thể phá tan lớp sương mù để thấy rõ sự thật bên dưới.

Điều mấu chốt vẫn nằm ở Tiết Triệu Tôn.

Tiết Triệu Tôn là người của phủ thái tử hay là người của phủ Ngũ hoàng tử? Hay đều không phải?

Tiết Triệu Tôn đã có thể gài bẫy cả hai phủ thành như vậy thì chắc hẳn không có tình cảm tốt đẹp gì với cả hai bên.

Nhưng ông ta một mực nhận tội, ngay cả Uông Ấn cũng bó tay.

Đúng vào lúc này, đề kỵ tới bẩm báo: “Xưởng công, Ngũ hoàng tử phi đã vào cung, thẳng thắn khai nhận trước mặt hoàng thượng mọi việc là do mình làm.”

Nghe xong, Uông Ấn trầm lặng, nhưng lại cảm thấy vô lý.

Sao Ngũ hoàng tử phi lại đứng ra nhận tội vào thời điểm tình hình rõ ràng là còn chưa sáng tỏ này?