Uông Xưởng Công

Chương 416: Chương </span></span>416NAM KHỐ



Hồi đó có một binh lính của Lĩnh Nam Vệ bị lạc trong rừng sâu, đang lúc cảm thấy sắp chết tới nơi thì bất ngờ phát hiện ra một khe núi lớn, xung quanh khe núi còn rải rác vài viên đá màu đen nhánh.

Y tiện tay nhặt một viên bỏ vào trong ngực áo rồi rời khỏi đó, tiếp tục tìm đường ra.

Binh lính này mạng lớn, gặp được người của một bộ lạc đi săn thú, trầy trật mãi, cuối cùng cũng về được đến doanh trại.

Sau đó, thỉnh thoảng y lại lấy viên đá màu đen kia ra ngắm, cảm thán mình đã nhặt về được một cái mạng.

Bấy giờ, một người lính già nói rằng viên đá rất khác thường, hình như là quặng sắt.

Lời nói của ông ta khiến cho các binh lính khác được một trận cười ầm lên: Viên đá này mà là quặng sắt quý? Sao có thể như vậy?

Hơn nữa, họ chưa bao giờ nghe nói đạo Lĩnh Nam có quặng sắt, đùa cái gì vậy chứ?

Người lính già bị cười nhạo, trên mặt cũng lộ vẻ ngượng ngùng: “Có khi ta đã nhận nhầm… Hẳn là ta nhận nhầm rồi, không thể có quặng sắt ở đạo Linh Nam được...”

Trò đùa nhỏ giữa các binh lính tầm thường vốn không truyền ra ngoài, ngay cả giáo úy bình thường cũng chẳng biết chứ đừng nói tới việc truyền đến tai đô úy hay các tướng lĩnh.

Song… vừa khéo trong số những binh lính nghe thấy chuyện đùa khi đó lại có một đề kỵ là mật thám của Đề Xưởng được bí mật cài vào Lĩnh Nam Vệ. Đề kỵ này rất cơ trí, cảm thấy lời nói đùa kia hơi bất thường bèn lập tức gửi tin tức về Kinh Triệu và trình lên Uông Ấn. Uông Ấn liền ngầm sai quan viên của Binh Khí Giám đi đến Lĩnh Nam Vệ, phát hiện hòn đá đen nhánh kia đúng là quặng sắt, hơn nữa quặng sắt này còn không có nhiều tạp chất, là loại có chất lượng tốt. Mà theo những gì binh lính đi lạc kia nói, xung quanh khe núi lớn đó toàn loại đá đen này...

Uông Ấn lập tức nhận ra tầm quan trọng của sự việc, bèn bỏ ý định để đề kỵ tiếp tục ẩn nấp, dẫn binh lính kia và hòn đá chứa quặng sắt về Đề Xưởng, đồng thời tâu việc này lên hoàng thượng.

Sau khi Vĩnh Chiêu Đế nghe bẩm báo xong cũng phấn khích khôn tả.

Những viên đá đen nhánh đó là quặng sắt quý hiếm, chứng tỏ có khả năng tồn tại mỏ quặng sắt vô cùng dồi dào ở đạo Lĩnh Nam.

Không cần phải nói mỏ sắt có ý nghĩa thế nào đối với Đại An. Đây là nguồn tài nguyên to lớn của nước nhà, hơn thế còn giúp quân đội quốc gia được hùng mạnh.

Vì thế, Uông Ấn đích thân dẫn đề kỵ và binh lính bị lạc đường kia, bắt đầu quá trình tìm kiếm mỏ sắt.

Binh lính kia vô tình bị lạc đường, căn bản không nhớ mình đã đi qua nơi nào, hơn nữa cũng một thời gian rồi nên tất nhiên y không cung cấp được manh mối gì hữu ích.

Nếu không phải trên tay có hòn đá đen sì thì y cũng hoài nghi việc mình đã đi đến khe núi lớn.

Tuy nhiên, nhóm người Uông Ấn không bỏ cuộc, cũng không cho phép binh lính nọ bỏ cuộc. Sự xuất hiện của viên đá chứng tỏ khả năng mỏ sắt tồn tại, sao họ có thể từ bỏ được?

Mất khoảng hơn nửa năm, Uông Ấn và các đề kỵ đã gần như lật tung hết một lượt núi sâu rừng rậm mà binh lính kia có khả năng đã đi qua, cuối cùng cũng thấy khe núi đó và thấy những viên đá đen nhánh rải rác xung quanh.

Hóa ra khe núi này nằm trong thung lũng dài và hẹp, vừa vặn kẹp giữa hai đỉnh núi cao chót vót. Bởi vậy mà bị khu rừng cây cối bao phủ dày đặc, nếu không đặt chân tới đây thì hoàn toàn không thể phát hiện ra sự tồn tại của nó.

Lần theo manh mối của những viên đá đen, Tư Binh Khí quả nhiên phát hiện ra quặng sắt, hơn nữa không chỉ có một mà còn nhiều mỏ tập trung, trữ lượng quặng sắt vô cùng phong phú.

Khu rừng này rất ít dấu chân người, vốn vô danh, vì phát hiện ra quặng sắt nên Vĩnh Chiêu Đế ban cho cái tên là “Dữu Sơn”. Ý nghĩa cũng như tên gọi, chính là hi vọng nơi này giống như một kho ngũ cốc vô tận, có thể mang lại sự phồn hoa và thịnh vượng cho Đại An.

Sau đó, triều đình liền cho xây dựng Nam Khố bên cạnh những mỏ khoáng sản này, vị trí chính trong thung lũng dài và hẹp có khe núi lớn khi trước.

Tất nhiên, trải qua hơn mười năm phát triển, thung lũng không ngừng mở rộng, mặc dù hình dạng cơ bản vẫn còn đó nhưng không biết đã lớn hơn hồi trước bao nhiêu lần.

Trước kia chẳng mấy người qua lại, toàn là rừng rậm và cỏ dại, hiện nay đã có những căn nhà được dựng lên. Những căn nhà không quá cao lớn nhưng hết sức ngay ngắn, số lượng cũng khá nhiều, bên trong có phòng tinh luyện kim loại, phòng khoáng sản, phòng rèn vũ khí, phòng thợ thủ công... Gần hai mươi tư căn nhà lớn nhỏ tương ứng hai mươi tư phòng chức năng, tạo thành Nam Khố bí mật và khổng lồ của Đại An.

Khi nhóm người Uông Ấn đến Nam Khố đã là nửa đêm, nơi đây vừa tối vừa yên tĩnh.

Để tránh không bị người khác chú ý, khu vực xung quanh Nam Khố cấm thắp bất kì loại đèn đuốc nào. Quan viên và thợ thủ công đều nghiêm túc chấp hành quy định “Mặt trời lên thì làm việc, mặt trời lặn thì đi nghỉ”.

May mắn thay, hiện giờ đã gần giữa tháng, trên trời có vầng trăng tròn sáng vằng vặc đang chiếu rọi, giúp người ta nhìn rõ tình hình trong thung lũng.

Thời tiết giá lạnh, không có lấy cả tiếng chim chóc hay tiếng côn trùng kêu, ánh trăng chiếu sáng từng dãy nhà ngay ngắn tạo cảm giác yên bình và tĩnh lặng khó diễn tả cho thung lũng này.

Bây giờ Nam Khố đang ngủ say, không nhìn ra hình dáng thật sự của nó. Nhưng Uông Ấn biết, khi ánh mặt trời đầu tiên chiếu vào thung lũng, Nam Khố sẽ thức dậy sau giấc nồng, thung lũng sẽ thay đổi rất lớn. Lúc đó ở đây sẽ có rất nhiều thợ thủ công đi qua đi lại, sẽ xuất hiện vô vàn những đốm lửa, sẽ vang lên tiếng gõ, tiếng thét to, cùng những tiếng vang vọng...

Ban ngày, Nam Khố là một nơi huyên náo nhộn nhịp không khác gì một tòa thành nhỏ, sầm uất lạ thường, dẫu bị ngăn cách với thế giới bên ngoài. Chính tòa thành nhỏ này đã và đang bí mật tạo ra những binh khí sắc bén và cung cấp đầy đủ trang bị cho quân đội nước nhà. Có thể nói, toàn bộ Nam Khố chính là một thanh kiếm sắc của triều Đại An. Có điều hiện tại thanh kiếm sắc này vẫn được giấu trong rừng sâu núi thẳm tại đạo Lĩnh Nam, vẫn nằm kín trong vỏ kiếm, người đời chưa biết đến.

Uông Ấn đã chứng kiến thanh kiếm sắc này xuất hiện như thế nào và nhìn thấy nó được mài sắc từng chút một ra sao, lại càng có thể tưởng tượng được lực sát thương không gì sánh nổi của nó. Cùng là kiếm sắc, nhưng thanh kiếm Nam Khố này sắc bén và lợi hại hơn thanh kiếm Đề Xưởng rất nhiều.

Đề Xưởng có thể bị người khác lợi dụng, có thể thực hiện những nguyện vọng cá nhân của người cầm kiếm. Còn Nam Khố không phải là tài sản cá nhân của một người, nó ở trong núi sâu của Lĩnh Nam, giống như một lá chắn lớn, là lực lượng bí mật nhất của Đại An. Sau hơn mười năm phát triển, mọi quy trình của Nam Khố đã rất hoàn thiện, hai mươi bốn Tư cùng vận hành song song, cung cấp những binh khí sắc bén nhất, mạnh nhất cho nước nhà.

Quy trình hoàn thiện như vậy về cơ bản sẽ không có vấn đề gì nên Uông Ấn mới để Thẩm Trực đến đây kiểm tra đôn đốc mùa thu năm ngoái. Ai ngờ lần đó hắn không tới thì Nam Khố liền có chuyện.

Việc Thẩm Trực bị thương còn chưa được điều tra rõ, bây giờ lại đột nhiên chết mất mấy người thợ thủ công. Rốt cuộc tại sao?